“Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt.” (Mt 13,30)
BÀI ĐỌC I: Kn 12, 13. 16-19
“Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn trở lại”.
Trích sách Khôn Ngoan.
Ngoài Chúa, không có chúa nào khác chăm sóc mọi sự, ngõ hầu minh chứng rằng Chúa không đoán xét bất công. Vì chưng, sức mạnh của Chúa là nguồn gốc sự công minh, và vì Người là Chúa mọi sự, nên tỏ ra khoan dung với mọi người. Chúa chỉ tỏ sức mạnh Chúa ra khi có kẻ không tin vào uy quyền của Chúa, và triệt hạ kẻ kiêu căng không nhìn biết Người.
Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung: vì khi Chúa muốn, mọi quyền hành tuân lệnh Người. Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 85, 5-6. 9-10. 15-16a
Đáp: Lạy Chúa, Chúa nhân hậu và khoan dung (c. 5a).
Xướng:
1) Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giàu lượng từ bi với những ai kêu cầu Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van nài. – Đáp.
2) Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ ca tụng danh Ngài. Vì Ngài cao cả và làm những điều kỳ diệu; duy một mình Ngài là Thiên Chúa. – Đáp.
3) Nhưng lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình, rất mực khoan dung và thủ tín. Xin đoái nhìn đến con và xót thương con. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 8, 26-27
“Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Đấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mt 13, 24-43
Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa lớn lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: “Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?” Ông đáp: “Người thù của ta đã làm như thế”. Đầy tớ nói với chủ: “Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ”. Chủ nhà đáp: “Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: “Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta”.
Người lại nói với họ dụ ngôn khác mà rằng: “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”. Người lại nói với họ một dụ ngôn khác nữa mà rằng: “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men”. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà phán những điều ấy với dân chúng. Người không phán điều gì với họ mà không dùng dụ ngôn, để ứng nghiệm lời tiên tri đã chép rằng: “Ta sẽ mở miệng nói lời dụ ngôn, Ta sẽ tỏ ra những điều bí nhiệm từ lúc dựng nên thế gian”.
Sau khi giải tán dân chúng, Người trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong Nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.
Bải giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Dụ ngôn cỏ lùng muốn nói đến Giáo Hội ở trần gian lúc nào cũng tồn tại hai hạng người lành dữ và hai thế lực thiện ác lẫn lộn. Ðức Giêsu muốn chúng ta phải cảnh giác và kiên nhẫn trong đức tin. Chính Thiên Chúa đang kiên nhẫn chờ đợi để cho chúng ta được ơn cứu độ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhiều lúc chúng con khó chịu, bất mãn về những điểm tiêu cực nơi chính mình và nơi anh em. Nhiều lúc chúng con đã thầm trách: tại sao Chúa không ra tay ? Thiện ác lẫn lộn sẽ có nguy cơ làm thiệt hại đến người lành không ?
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng con nhận ra sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Thiên Chúa nhẫn nại để chờ đợi con người hoán cải. Thời gian là điều kiện để có thể biến đổi. Xin cho chúng con được dần dần biến đổi từ xấu sang tốt. Amen.
Ghi nhớ :“Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.
Suy niệm: (TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Suy niệm: dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng. Giải thích của Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.
Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sư hiện diện của ma quỷ. Ma quỷ hiện hữu. Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu. Chúa đã chuẩn bị những thửa ruộng tốt. Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người. Chúa đã gieo những hạt giống tốt. Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người. Nhưng ma quỷ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.
Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hoà bình. Đẹp biết bao nếu mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng buồn thay, cánh đồng hoà bình tươi xanh đã bị những ngọn cỏ tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sự thế giới được ghi bằng những trang buồn vì không ngày nào không có chiến tranh.
Thế giới sẽ đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần xây dựng. Nhưng buồn thay, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc huỷ hoại, tha hoá, nô lệ hoá con người.
Ngay trong bản thân mỗi người, không thiếu những sáng kiến, những hoạt động ban đầu xem ra tốt đẹp, nhưng dần dà vị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang, tìm hư danh, tìm lợi lộc.
Đó là những hạt cỏ xấu ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.
Tuy nhiên, dụ ngôn cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa. Chúa đợi cho đến ngày tận thế mới thu lúa cùng với cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hi vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt. Nếu phạt ngay nhưng người tội lỗi thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng ông thánh trộm lành. Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Madalêna, Tông đồ của các Tông đồ, thánh Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại. Nếu Chúa chấp tội thì bản thân ta sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những tội lỗi, những sự xấu. Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.
Sau cùng, dụ ngôn cho ta hiểu tất cả là hồng ân của Chúa. Có sự lành để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt lành của Thiên Chúa. Có sự dữ để ta gớm ghét tránh xa và càng thêm gắn bó với sự lành. Có sự lành để ta được hưởng niềm an ủi ngọt ngào của Chúa. Có sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng trung tín của ta với Chúa. Có thuận lợi tiến bước trên đường thánh thiện. Có khó khăn để ta rèn luyện thêm đức.
Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Thật vậy, việc cấm đạo là sự dữ. Nhưng nhờ đó mà Giáo hội có được những chứng nhân anh hùng. Đau khổ và bệnh tật là những khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng lại giúp con người được thông phần đau khổ với Chúa. Thánh Nữ Têrêsa đã nhìn thấy tất cả là hồng ân của Chúa. Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Khi gặp những người xấu trong xứ đạo, trong hội đoàn, bạn có muốn khai trừ người đó ngay tức khắc không?
2) Trong con người bạn có những khuyết điểm, những bệnh tật, bạn có phấn đấu khắc phục những khuyết điểm, vượt qua bệnh tật để thăng tiến bản thân không?
3) Chúa đã khoan dung, kiên nhẫn đợi chờ bạn ăn năn hối cải. Bạn có biết kiên nhẫn với người khác?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết kiên tâm trước mọi khó khăn nghịch cảnh xảy đến với con, vì con biết Chúa ở bên con. Amen.
Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
SỰ KIÊN NHẪN CỦA THIÊN CHÚA
A. DẪN NHẬP
Tuần vừa qua, chúng ta đã suy niệm về dụ ngôn Lời Chúa, hạt giống Lời Chúa phải được sinh hoa kết quả trong lòng chúng ta. Hôm nay, chúng ta suy niệm về dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng. Trong đồng lúa tốt lại có xen cỏ lùng do hạt giống xấu sinh ra, cỏ dại này cùng mọc bên cạnh lúa tốt, cả hai cùng mọc lên xanh tốt.
Cũng thế, trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn, và trớ trêu thay, có khi người xấu lại được gặp may mắn hơn cả người tốt. Chúng ta phải có thái độ nào đối với những người xấu? Phải tiêu diệt người xấu đi chăng để chỉ còn lại người tốt?
Câu trả lời sẽ là: theo gương Chúa, chúng ta phải có thái độ như trong bài Tin mừng hôm nay: hãy bắt chước lòng kiên nhẫn của Chúa. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như cho cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt chiên ra khỏi dê, người lành khỏi kẻ dữ. Trong khi chờ đợi ngày phân xử, chúng ta hãy yêu thương mọi người, nhất là tạo điều kiện cho những kẻ tội lỗi biết sám hối trở về đường lành, còn việc xét xử thì dành cho Thiên Chúa.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1:Kn 12,13,16-19
Các chương 10-19 của sách Khôn ngoan chứa đựng những suy tư về cách hành xử của Thiên Chúa qua những biến cố lịch sử. Dân Do thái bị kẻ thù hãm hại đủ điều, họ tưởng rằng Thiên Chúa sẽ dùng sức mạnh, dùng bạo lực để tiêu diệt quân thù của họ, nhưng ngược lại, Ngài hành xử với chúng bằng sự kiên nhẫn và nhân hậu.
Sự kiện này làm cho dân Do thái hiểu lầm rằng Thiên Chúa quá yếu ớt không thể can thiệp giúp họ. Nhưng câu trả lời cho họ là những kẻ thù ấy cũng là thụ tạo của Chúa, nên cũng được Ngài yêu thương. Ngài có đủ uy quyền phá tan kẻ dữ, nhưng Ngài chỉ dùng sức mạnh ấy đối với những kẻ ngoan cố. Còn đối với những người mà Ngài còn hy vọng họ hoán cải thì Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi cho họ sám hối để được tha thứ.
+ Bài đọc 2:Rm 8,26-27
Thánh Phaolô đề cao vai trò Chúa Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu, nhất là trong việc cầu nguyện. Vì chúng ta yếu đuối, không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp với ý Chúa, nên Chúa Thánh Thần sẽ ở trong chúng ta, Ngài giúp chúng ta cầu nguyện thế nào cho xứng hợp. Ngài sẽ dạy chúng ta cầu nguyện thế nào cho có hiệu quả bằng những “tiếng thankhôn tả” như lời thánh Phaolô đã nói.
+ Bài
Tin mừng: Mt 13,24-43
Chúa Giêsu hay dùng dụ ngôn để nói đến từng khía cạnh của Nước trời. Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra ba dụ ngôn để ta suy gẫm, đó là dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men bánh.
Dụ ngôn cỏ lùng giải thích cho chúng ta lý do tại sao lại có sự thiện và sự ác trên trần gian, tại sao trong Hội thánh lại có người lành kẻ dữ? Và tại sao Thiên Chúa lại để cho người dữ sống chung với người lành mà không tiêu diệt nó đi.
Hai dụ ngôn hạt cải và men bánh nói lên sự tăng triển của Nước trời. Nước trời hay Hội thánh chỉ là cộng đoàn nhỏ, nhưng sẽ phát triển mạnh trong âm thầm và trong những hoàn cảnh khó khăn, như những cuộc cấm cách, bách hại đạo.
Qua những dụ ngôn này, chúng ta có thể rút ra được một kết luận để cảnh giác chúng ta: đừng có ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ còn có toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Chúa kiên nhẫn chờ đợi
I. DỤ NGÔN CỎ LÙNG
1. Ý nghĩa dụ ngôn
Dụ ngôn này cho biết trong các công việc của Nước Thiên Chúa, vẫn có xen lẫn những công việc của ma quỉ, mà trong giai đoạn sống ở trần gian, người ta không thể nào triệt bỏ hết được, chỉ đến ngày tận thế sự phân định mới rõ ràng. Vì thế, dụ ngôn cỏ lùng có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử.
2. Lúa và cỏ lùng
Những hình ảnh trong dụ ngôn này rất rõ ràng và quen thuộc với người Palestine. Cỏ lùng là một thứ cỏ dại mà nhà nông phải diệt trừ. Lúc còn nhỏ, cây cỏ lùng giống như cây lúa mì nên khó phân biệt hai thứ, cho đến khi cả hai đâm bông thì có thể nhận ra cách dễ dàng, nhưng lúc đó rễ cỏ lùng và rễ lúa đã mọc quyện vào nhau, đến nỗi hễ nhổ cỏ lùng thì lúa cũng dễ dàng bị trốc theo.
Lúa và cỏ lùng không thể tách riêng ra một cách an toàn khi cả hai đang phát triển, nhưng cuối cùng chúng phải được tách riêng ra. Cần phải tách riêng chúng ra bởi vì (khác với cỏ lồng vực bên chúng ta) hạt cỏ lùng rất độc, nó gây chóng mặt, đau ốm và hôn mê. Một số lượng nhỏ của nó cũng có thể gây vị đắng khó chịu. Rốt cuộc người ta thường tách riêng nó ra bằng tay.
Ông Levison mô tả diễn tiến như sau: người ta thuê đàn bà lượm hạt cỏ lùng trong lúa trước khi đem đi xay. Theo nguyên tắc thì người ta tách cỏ lùng với lúa mì sau khi đập xong. Người ta bầy hạt lên trên một cái nia to và các bà có thể lựa ra những hạt cỏ lùng có kích thước và hình dáng y như hạt lúa mì nhưng có màu xám nhạt.
3. Người tốt và người xấu
Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người, đó là cánh đồng lúa mì mà trong đó cỏ lùng mọc lẫn lộn bên cạnh cây lúa tốt. Còn đối với con người, xấu tốt ở xen lẫn với nhau, vàng thau lẫn lộn, không phân biệt được tốt xấu, hoặc đôi khi đánh giá lầm mà coi người tốt ra người xấu, hoặc người xấu ra người tốt.
Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội. Thánh Phaolô đã nói: “Tôi không làm được điều thiện mà tôi muốn, mà điều ác tôi không muốn, tôi lại làm” (Rm 7,19).
II. THIÊN CHÚA KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI
1. Cách hành xử của con người
Chúng ta là những con người bất toàn nhưng lại muốn tiêu diệt những kẻ bất toàn, vì chúng ta mang một thái độ bất bao dung. Chúng ta cảm thấy khó chịu tại sao trong Hội thánh lại có những kẻ xấu, những kẻ bách hại Hội thánh, gây đau khổ cho nhiều người mà họ cứ sống nhởn nhơ con cá vàng, đôi lúc lại còn may mắn hơn người chịu đau khổ? Chúng ta thường có thái độ như những đầy tớ của ông chủ trong
Tin mừng: “Vậy ông có muốn chúng tôi nhổ cỏ đi không?”
Đây là thái độ chung của mọi tín hữu chúng ta. Đó cũng là phản ứng của thánh Gioan Tẩy giả, người đã vẽ nên bức tranh gây ấn tượng về việc Đấng Messia sắp đến: “Tay Ngườicầm nia. Người rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 3,12). Hụt hẫng vì không thấy cách xét xử của Chúa diễn ra y như mình đã loan báo, nên từ trong ngục tù, Ngài sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
Đó là phản ứng ngỡ ngàng của tất cả những ai đã nghe lời Đức Giêsu loan báo: “Nước trời đã đến gần”, thế mà họ lại chẳng thấy có gì được phác hoạ giống như sự xét xử vẫn trông đợi khi Nước này tới (Fiches dominicales, năm A, tr 230).
2. Cách hành xử của Thiên Chúa
Phản ứng tự nhiên của con người là muốn tiêu diệt ngay cái xấu, diệt cả con người xấu. Nhưng Thiên Chúa lại có một lối hành xử khác với con người. Theo Tin mừng, đáp lại lời hỏi của đầy tớ, ông chủ nói: “Đừng, cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt… sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”.
Từ mùa gieo – hình ảnh Nước Thiên Chúa đến – đến mùa gặt kèm theo việc đập lúa – hình ảnh việc xét xử – có một khoảng thời gian: Lúc này đang là thời kỳ lúa lớn lên là thời gian nhẫn nại của Thiên Chúa: nếu Thiên Chúa gớm ghét sự ác, thì Người vẫn cứ phải yêu thương con người – kẻ tội lỗi cũng như người công chính – và Người biết rõ tiềm năng lạ lùng của Lời trong lòng họ. Ngày thu hoạch mùa và lựa lọc sẽ đến vào giờ của Người; ngày đó không thể dự đoán trước. Ông chủ nói với các đầy tớ ông rằng: “Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy nhặt cỏ lùng trước đã, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Fiches dominicales, năm A, tr 231).
Trong Thánh vịnh chúng ta thấy có câu: “Chúa chậm bất bình và giàu lòng khoandung”. Chúa kiên nhẫn đợi chờ con người sám hối. Cỏ lùng thì không có cách nào thay đổi được chỉ chờ đến ngày là thu hoạch cho vào lửa; còn con người thì khác, con người có thể cải tà qui chính, có thể từ một thằng quỉ biến thành một vị thánh. Trong lịch sử Giáo hội, có biết bao “cỏ lùng”, nhờ ơn Chúa, đã trở nên hạt lúa tốt: những Augustinô, những Charles de Foucauld, những Ève Lavallière là những chứng tích sáng chói.
Truyện: Cải tà qui chính
Piri Thomas có viết một tác phẩm nhan đề: Hãy xuống những con đường tồi tàn này”. Tác phẩm thuật lại việc ông cải tà qui chính từ một người bị kết án tù vì nghiện ma tuý và cố tình giết người, cuối cùng đã sám hối để trở thành một tín hữu Kitô gương mẫu.
Một đêm kia, Piri đang nằm trong phòng giam chuẩn bị ngủ. Đột nhiên, anh nghĩ tới tình trạng tệ hại xấu xa mà anh đã gây ra trong đời mình. Anh cảm thấy có một ước muốn mãnh liệt cần phải cầu nguyện. Nhưng anh đang nằm chung với một tù nhân khác tên là Chicô. Nên anh phải đợi cho Chicô ngủ đã, anh mới quì gối trên sàn nhà và cầu nguyện. Anh kể lại rằng: “Tôi bày tỏ với Chúa những gì có trong trái tim tôi… Tôi nói với Ngài những điều tôi muốn, những thiếu thốn của tôi, những hy vọng và thất vọng… Tôi cảm thấy dường như có thể khóc được… đó là một điều mà bao nhiêu năm nay tôi không thể làm được”.
Sau khi Piri vừa cầu nguyện xong, một tiếng nói đáp lại: “Amen”. Đó là tiếng của Chicô. Rồi Chicô nói nhỏ với Piri: “Tôi cũng tin Chúa”. Thế là hai người bạn tù dốc cạn quá khứ tội lỗi xấu xa và cùng chia sẻ quyết tâm sám hối trở về. Không biết họ đã tâm sự với nhau bao lâu, nhưng trước khi đi ngủ lại, Piri đã nói: “Chúc Chicô ngủ ngon nhé! Tôi nghĩ rằng Thiên Chúa luôn luôn ở với chúng ta, chỉ có chúng ta là không ở với Ngài thôi”.
III. THÁI ĐỘ CỦA CHÚNG TA
1. Tích cực hay tiêu cực
Đứng trước tình trạng như thế trong trần gian và trong Giáo hội, chúng ta phải có thái độ nào? Chỉ có hai thái độ: hoặc là tiêu cực, hoặc là tích cực. Nếu có thái độ tiêu cực thì cho thế gian này là đồ bỏ đi, một thế giới hư hỏng đầy tội lỗi, cứ để cho nó qua đi. Thái độ tiêu cực này làm cho chúng ta tuyệt vọng, không còn tin vào cái gì nữa, chỉ còn biết ngồi mà rủa bóng tối. Chắc chắn Chúa không cho chúng ta có thái độ tiêu cực này.
Chúng ta phải có thái độ tích cực. Thái độ này giúp chúng ta hãy hướng lòng lên, không ngồi đấy mà nguyền rủa bóng tối, mà chấp nhận nó, đồng thời cố gắng đốt lên một ngọn nến. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Các con là ánh sáng cho thế gian, không ai đốt đèn rồi đặt dưới đáy thùng, ngược lại người ấy sẽ đặt trên giá đèn để soi sáng cho mọi người trong nhà. Ánh sáng các con cũng phải tỏa sáng trước thiên hạ như thế” (Mt 5,14-16).
Nhưng một cách thực tế, làm sao chúng ta có thể thắp lên một ngọn nến giữa đêm đen tối tăm của thế giới hôm nay? Trước hết, chúng ta có thể cầu nguyện. Một thi sĩ đã nói: “Lời cầu nguyện mang lại nhiều điều hơn những điều thế giới dám mơ ước”. Thứ đến và tích cực hơn, chúng ta có thể xắn tay áo lên làm một điều gì đó chống lại sự ác trong thế giới chúng ta.
2. Tấm lòng khoan dung
Chúa để người lành kẻ dữ sống chung với nhau là để gây ích lợi cho nhau như lời thánh Augustinô đã nói: “Kẻ dữ người lành đều là con cái Chúa, được Chúa thương yêu tất cả, chúng ta cũng phải thương yêu nhau và phải có thái độ khoan dung”.
Có lần Liên Hợp Quốc đã chọn nguyên một năm làm “Năm quốc tế về lòng khoan dung”, để giảm thiểu khuynh hướng bất bao dung ngày càng gia tăng trong nhân loại. Bao dung là nhân từ, kiên nhẫn chịu đựng những điều xấu của người khác để dần dần tìm cách hoán cải họ.
3. Kiên nhẫn chịu đựng
Sự kiên nhẫn mà Chúa khuyên chúng ta phải có là phản ảnh sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Đây không phải là sự cam chịu vô ích là đè nén cơn giận và cay cú thất vọng. Sự kiên nhẫn phải có là sự bình thản đợi chờ để kẻ tội lỗi có cơ may quay trở lại.
Chúa ghét tội nhưng lại yêu tội nhân, vì họ còn có thể thống hối để được tha thứ (Rm 2,4). Nếu Chúa không kiên nhẫn với ta, ta sẽ thế nào? Ta có cần kiên nhẫn với người gây phiền hà cho ta không? Nhưng nên nhớ rằng Chúa kiên nhẫn chịu đựng là để giải thoát chứ không phải để dung túng.
Truyện: Giai thoại về thánh Antôn
Một hôm thánh nhân nghe tin một người thợ giày tiến bộ hơn Ngài về đường nhân đức. Lòng hăm hở tiến đức đã thúc đẩy Ngài quyết chí đi tìm người thợ giầy kia để học hỏi cách tu đức của người ấy.
Sau những ngày cố công tìm tòi, Ngài đã gặp được người thợ giày kia. Thoạt thấy công việc của người thợ giày, thánh nhân hơi nản lòng, vì thấy sinh hoạt duy nhất của người này là đóng giày. Nhưng để cho bõ công đi tìm kiếm, thánh nhân đã trao đổi với người thợ giầy kia về lối sống tu đức.
Thánh nhân hỏi người thợ giày về chương trình sống hằng ngày của người thợ ấy. Người này cho biết một ngày của ông được chia ra làm ba phần như sau:
– 8 giờ cho công việc của người thợ giày.
– 8 giờ cho việc cầu nguyện.
– 8 giờ cho việc ăn uống nghỉ ngơi.
Sau khi nghe người thợ giày nói, thánh nhân nản lòng, vì chính Ngài đã dành cho hết cả ngày để cầu nguyện chứ không phải chỉ tám tiếng.
Thánh nhân hỏi cách sử dụng tiền của ông ta. Người này cho biết 1/3 dành cho ông, 1/3 dành cho Giáo hội, 1/3 dành cho người nghèo.
Nghe vậy thánh nhân cho rằng người thợ giày này không thể nhân đức hơn Ngài được, vì Ngài đã dành tất cả của cải của Ngài cho người nghèo chứ không phải chỉ 1/3.
Cuối cùng thánh nhân khám phá ra người thợ giày phải sống giữa một thành phố sa đoạ, chung quanh đầy những người tội lỗi và gương xấu, và ông thợ giày đau khổ về chuyện đó, ông không ngớt kêu cầu cùng Chúa cho họ, và ông hằng cầu nguyện cho kẻ có tội chung quanh ông. Và thánh nhân chợt nhận ra rằng đó là điều mà Ngài thua kém người thợ giày. Ngài thấy rằng Ngài chưa có được sự thao thức về những nỗi khổ đau của những người chung quanh, trái lại, Ngài lại đi tìm cho một mình một cuộc sống an phận với nếp sống ẩn tu (Cử hành phụng vụ Chúa nhật, năm A, tr 67-68).
Các bài đọc hôm nay dạy chúng ta rằng: luôn luôn có một thế lực thù địch ở trong thế gian, tìm kiếm và chờ đợi để phá huỷ hạt giống tốt. Kinh nghiệm đời sống chúng ta có hai loại ảnh hưởng và cùng tác động trên đời sống chúng ta: ảnh hưởng giúp cho hạt giống Lời Chúa được nảy nở tăng trưởng và ảnh hưởng tìm huỷ hoại hạt giống tốt, trước khi nó có thể đâm bông kết trái. Đó là bài học nhắc nhở chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác.
Không có vinh quang nào mà không phải trải qua đau thương, không có vinh dự nào mà không đòi hỏi phải chiến đấu. Bởi đó, khi sống trong trần gian đối diện với cái ác, chúng ta không run sợ đầu hàng, hoặc thất vọng nản chí, nhưng hãy kiên tâm chiến đấu để luôn đứng vững trong hàng ngũ con cái Chúa, rồi chắc chắn Chúa sẽ đội mũ triều thiên cho ta. Trong khi chiến đấu với cái ác, chúng ta cũng phải luôn có cái nhìn bao dung với những người tội lỗi, phải có lòng quảng đại, biết cảm thông, và luôn giúp họ tìm dịp trở về. Có như thế chúng ta mới thực sự là những Kitô hữu hoàn thiện như người thợ đóng giày trong câu chuyện trên.
Suy niệm 3: (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.)
Mt 13,24-43
ĐỂ CẢ HAI CÙNG LỚN LÊN
Dụ ngôn cỏ lùng là một dụ ngôn chỉ có trong Tin Mừng Mátthêu.
Dụ ngôn này cũng thuộc loại khó hiểu nên các môn đệ đã phải đến
để xin Thầy Giêsu giải thích riêng tại nhà (Mt 13,36).
Thầy Giêsu kể dụ ngôn người gieo giống để giải thích cho họ biết
tại sao việc gieo vãi Lời Chúa lại không sinh trái ở một số người.
Qua dụ ngôn cỏ lùng, Thầy lại muốn giải thích cho họ biết
tại sao trong thế giới và trong Hội Thánh lại có những phần tử xấu xa.
Tại sao lại có cuộc xung đột giữa cái tốt và cái xấu trên thế gian này ?
“Cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?”
Câu hỏi của các đầy tớ ông chủ ruộng là câu hỏi ngàn đời của chúng ta.
Khi thấy sự dữ tác oai tác quái trên mặt địa cầu,
chúng ta vẫn thường hỏi câu đó: tại sao có cỏ lùng ? tại sao có sự dữ ?
Chúng ta muốn biết nguyên nhân, gốc rễ của sự dữ đang xảy ra.
Như các đầy tớ, chúng ta ngỡ ngàng khi thấy cỏ lùng trong ruộng lúa,
khi lúa đã mọc lên và trổ bông.
“Kẻ thù đã làm đó !”, ông chủ trả lời.
Ông chủ chỉ gieo giống tốt, vậy phải có một kẻ đã gieo cỏ lùng vô ruộng.
Kẻ đó đã lén lút, lợi dụng bóng tối ban đêm, khi mọi người ngủ,
để gieo cỏ lùng vào giữa lúa, rồi trốn đi.
Kẻ đó là quỷ, là kẻ thù của Đức Kitô, ông chủ của cả thế giới.
Hóa ra không phải chỉ có một người gieo là ông chủ tốt lành.
Còn có Xatan, kẻ chỉ muốn phá hoại ruộng lúa là thế giới.
Satan là nhân vật có thật, chứ không phải là chuyện hư cấu.
Satan là quỷ, là ác thần, có mặt và hoạt động trong cánh đồng thế giới.
Nó hoạt động khéo léo, bí mật, gian manh và có tính phá hoại.
Không dễ bắt gặp khi nó đang gieo cỏ lùng.
Cỏ lùng là “con cái của ác thần”, của Xatan (Mt 13,38).
Cỏ lùng là “mọi kẻ làm gương xấu, mọi kẻ làm điều gian ác” (Mt 13,41).
Như vậy Xatan đã biến người thường thành cỏ lùng,
khi nó cám dỗ, lôi kéo, làm người ta sa ngã
và ngả về phía nó, rốt cuộc thành tay sai của nó để đi hại người khác.
Chẳng ai tự bản chất là “con cái của ác thần”.
Người ta thành con cái của ác thần khi nghe lời Xatan mà chối bỏ Chúa.
“Vậy ông có muốn chúng tôi đi gom cỏ lùng lại không ?”
Như lúa tốt phải sống chung với cỏ lùng,
“con cái của Nước Trời” phải sống chung với “con cái của ác thần”:
Đó là chuyện làm chúng ta khó chịu và muốn giải quyết ngay.
Chúng ta muốn thửa ruộng chỉ gồm có lúa tốt.
Chúng ta muốn thế giới và Hội Thánh chỉ gồm những người thánh thiện.
Chúng ta muốn nhổ ngay mọi thứ xấu xa, vì biết cỏ lùng làm hại lúa.
Nhưng đó lại không phải là ý của ông chủ.
Ông không muốn nhổ cỏ lùng vì sợ gây hại cho cây lúa đang trổ bông.
Ông nghĩ cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt,
khi ấy có nhổ cỏ lùng và đốt đi cũng không muộn.
Dụ ngôn cỏ lùng cho thấy sự bao dung, kiên nhẫn của Chúa Giêsu.
Ngài không trừng phạt trước ngày tận thế.
Khi ấy, Ngài mới tống những kẻ làm điều gian ác ra khỏi Nước của Ngài.
Như vậy, Ngài vẫn cho mọi người chúng ta thời gian hoán cải.
Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa tốt,
nhưng “con cái của ác thần” có thể trở thành “con cái của Nước Trời”.
Khi còn sống trên đời, ai cũng có thể trở thành con cái của Chúa,
và ai cũng có thể trở thành con cái của Xatan.
Chúng ta là con cái Chúa, đừng biến mình thành cỏ lùng.
Đừng để cỏ lùng lấn át chúng ta, làm chúng ta suy yếu,
nhưng cuộc sống của chúng ta phải “chói lọi như mặt trời” (Mt 13,43),
để có thể biến cỏ lùng thành lúa tốt.
CẦU NGUYỆN
Lạy Thầy Giêsu,
thật là khó khi phải giữ thái độ khoan dung
đối với những ai đang gây ra bất công và đau khổ
cho bao người trên thế giới.
Chúng con chỉ muốn bứng gốc sự dữ ra khỏi địa cầu,
và làm cho Giáo Hội gồm toàn người thánh thiện.
Nhưng lạy Thầy Giêsu,
Thầy lại muốn chúng con để cỏ lùng sống chung với lúa,
và để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt.
Chúng con hiểu tại sao ác nhân vẫn tung hoành,
và Xatan dường như thắng thế trong cuộc chiến hiện tại.
Thầy cho chúng con thấy khuôn mặt của Chúa Cha,
Đấng chậm giận, thứ tha và đầy nhân hậu.
Cha cho mặt trời sáng trên kẻ dữ,và cho mưa rơi trên ác nhân.
Cha quý cả những ai đã trở nên kẻ thù của Cha,
và kiên nhẫn đưa họ trở về chính lộ.
Xin Thầy dạy chúng con biết cách chấp nhận
cuộc xung đột kéo dài đến tận thế
giữa con cái ánh sáng và con cái tối tăm, giữa lúa tốt và cỏ lùng.
Và xin cho chúng con tin rằng
chiến thắng cuối cùng
sẽ thuộc về ánh sáng và sự thiện, công lý và tình yêu.
Suy niệm 4: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Ở Do Thái, “cỏ lùng” là một loại cỏ dại được gọi là darnel. Nó rất giống cây lúa khi mới mọc lên. Loại cỏ dại này mọc ở khắp nơi và hiện hữu ở ruộng lúa. Chính vì nó giống cây lúa, nên ban đầu rất khó phân biệt với lúa…
Khi trổ bông thì người ta mới phân biệt được sự khác nhau giữa cỏ lùng và lúa, nhưng lúc đó thì rễ của cỏ và lúa đã quấn với nhau nên không thể nhổ một mình cỏ được. Hạt cỏ thì độc không ăn được.
Suy niệm
Tâm hồn chúng ta được trình bày bằng hình ảnh thửa ruộng. Một thửa ruộng có lúa tốt xanh tươi nhưng cũng hiện hữu cỏ lùng phát triển không kém tựa lúa xanh và có khi nhìn thấy giống nhau.
Dụ ngôn lúa và cỏ lùng trong cùng thửa ruộng nói về thân phận con người luôn mang trong mình những cuộc đấu tranh giữa tốt và xấu, giữa chọn Thiên Chúa và chọn đối nghịch với Ngài. Một cuộc tranh đấu không ngừng, chỉ chấm dứt và phân thắng bại khi kết thúc đời người ở trần gian… Trong cuộc sống nhân sinh, nếu Thiên Chúa nhổ cỏ lùng – tiêu diệt sự ác, thì chắc chắn không ai trong chúng ta có thể sống sót, bởi vì như lời Thánh Vịnh đã diễn tả: “Từ trong lòng mẹ, tôi đã là tội nhân, thoạt sinh ra, tôi đã mắc tội rồi” (Tv 51,7). Tình thương thì nhẫn nại, nên Thiên Chúa luôn chờ đợi thiện chí hoán cải của từng người, đồng thời Ngài còn ban ơn nâng đỡ họ trên mọi bước đường đời, để lúa thêm xanh tốt và lan toả, triệt hạ cỏ lùng để rồi cuối cùng, ngày thẩm phán tới, ngày xét xử tuyệt đối công minh và không ai có thể trách cứ Ngài là đã không rủ lòng thương xót.
Từ ý nghĩa của dụ ngôn, chúng ta nhìn vào cuộc đời, và thấy rõ ràng nơi chúng ta một cuộc đời luôn hiện hữu những tâm tình tốt lành, những việc làm thánh thiện nở hoa, nhưng cũng chính con người tôi cũng không ít những ích kỷ nhỏ nhen, những hành động mang sắc thái của cỏ lùng… Có những tật xấu khiếm khuyết làm ta rất khổ sở dù đã làm đủ cách như người thợ xin chủ vườn, “nhổ tận gốc cỏ lùng”, nhưng nó vẫn cứ hiện hữu trong cuộc đời ta, xin đừng thất vọng mà hãy kiên tâm nỗ lực sống, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi, Ngài đã sai Con của Ngài đến không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ tin vào Người Con ấy mà được cứu độ (Ga 3,17). Thế gian nhờ vào Ngài để lúa chín vàng xanh tốt cho vào kho lẫm và để cỏ lùng bị tận diệt khi Ngài đến trong vinh quang. Ngài còn luôn tỏ ra kiên nhẫn với con người mang thửa ruộng đầy cỏ lùng – tội lỗi: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ed 33,11).
Chính vì tin vào thiện chí và lòng hướng thượng của những kẻ gian ác mà vị chủ ruộng (tức Thiên Chúa) đã trì hoãn việc nhổ cỏ lùng ngay, vì Ngài chẳng muốn nhổ lầm những mầm lúa tốt trong tâm hồn những kẻ ác (x. Mt 13,29).
Với sức mạnh của ân sủng đức tin và lòng mến lan tỏa, chúng ta tận diệt được cỏ hoang và biến cánh đồng nhân sinh thành đồng ruộng tốt tươi đầy bông lúa chín vàng như trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh ánh sáng đẩy lùi bóng tối: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,46).
Mong thay…
Ý lực sống
“Những kẻ dữ hiện hữu trong thế gian này hoặc là để được cải thiện hay là nhờ họ mà những kẻ lành có thể luyện tập đức nhẫn nại” (Thánh Âugustinô).
Suy niệm 4: (song ngữ)
16th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Wisdom 12: 13, 16-19 II: Romans 8: 26-27
CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN A
Bài Đọc I: Khôn ngoan 12: 13, 16-19; II: Rm 8:26-27
Gospel
Matthew 13:24-43
24 Another parable he put before them, saying, “The kingdom of heaven may be compared to a man who sowed good seed in his field;
25 but while men were sleeping, his enemy came and sowed weeds among the wheat, and went away.
26 So when the plants came up and bore grain, then the weeds appeared also.
27 And the servants of the householder came and said to him, ‘Sir, did you not sow good seed in your field? How then has it weeds?’
28 He said to them, ‘An enemy has done this.’ The servants said to him, ‘Then do you want us to go and gather them?’
29 But he said, ‘No; lest in gathering the weeds you root up the wheat along with them.
30 Let both grow together until the harvest; and at harvest time I will tell the reapers, Gather the weeds first and bind them in bundles to be burned, but gather the wheat into my barn.”
31 Another parable he put before them, saying, “The kingdom of heaven is like a grain of mustard seed which a man took and sowed in his field;
32 it is the smallest of all seeds, but when it has grown it is the greatest of shrubs and becomes a tree, so that the birds of the air come and make nests in its branches.”
33 He told them another parable. “The kingdom of heaven is like leaven which a woman took and hid in three measures of flour, till it was all leavened.”
34 All this Jesus said to the crowds in parables; indeed he said nothing to them without a parable.
35 This was to fulfil what was spoken by the prophet: “I will open my mouth in parables, I will utter what has been hidden since the foundation of the world.”
36 Then he left the crowds and went into the house. And his disciples came to him, saying, “Explain to us the parable of the weeds of the field.”
37 He answered, “He who sows the good seed is the Son of man;
38 the field is the world, and the good seed means the sons of the kingdom; the weeds are the sons of the evil one,
39 and the enemy who sowed them is the devil; the harvest is the close of the age, and the reapers are angels.
40 Just as the weeds are gathered and burned with fire, so will it be at the close of the age.
41 The Son of man will send his angels, and they will gather out of his kingdom all causes of sin and all evildoers,
42 and throw them into the furnace of fire; there men will weep and gnash their teeth.
43 Then the righteous will shine like the sun in the kingdom of their Father. He who has ears, let him hear.
Phúc Âm
Matthêu 13:24-43
24 Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.
25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.
26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.
27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?
28 Ông đáp : “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói : “Vậy ông có muốn chúng tôi ra nhặt đi không?”
29 Ông đáp : Đừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa.
30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy nhặt cỏ lùng trước đã, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”.
31 Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói :” Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình.
32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”.
33 Người còn kể cho một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”.
34 Tất cả các điều ấy, Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn,
35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.
36 Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”.
37 Người đáp : “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người.
38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.
39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.
40 Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.
41 Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người,
42 rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.
Interesting Details
• The word “weeds” were used to refer to darnel, tares or cockle. These weeds are so much like wheat in the early stages that it is very hard to distinguish them from real wheat. They can only be distinguished later when they are grown, but their roots would be too intertwined with those of the wheat so that both would be uprooted. The grain of these weeds is slightly poisonous and can cause sickness if eaten.
• Sowing weeds into an enemy’s field was a common form of vengeance or sabotage at that time. Roman laws punished it as a crime.
• A mustard seed would grow into a shrub-like tree about 10 to 12 feet high. The emphasis is the contrast between the insignificance of the beginning of the kingdom and the unimaginable greatness of the completed kingdom.
• With the Jews, leaven represents something sinful or evil. One of the preparation ceremonies for Passover was to search and burn every scrap of leaven that can be found in the house. It was however used here by Jesus as a figure of something good. Jesus must have chosen this figure deliberately to arouse attention, and to emphasize the transforming power of the leaven.
Chi Tiết Hay
• Danh từ “cỏ lùng” được dùng để diễn tả một loại cỏ dại gọi là darnel. Loại cỏ dại này rất là giống cây lúa khi mới mọc lên, nên rất khó phân biệt với lúa. Chỉ khi trổ bông thì mới khác với lúa, lúc đó thì rễ của cỏ và lúa đã quấn với nhau nên không thể nhổ một mình cỏ được. Hạt cỏ thì lại độc không ăn được.
• Gieo cỏ lùng vào ruộng người khác là một hình thức trả thù hay phá hoại vào thời đó. Luật La-mã trừng phạt những hành động này như là một tội hình.
• Cây cải giống có thể lên cao khoảng từ 10 đến 12 feet. Dụ ngôn này chú tâm đến sư tương phản giữa sự bắt đầu rất bé nhỏ của Triều Đại Thiên Chúa và sự vinh quang ngoài sức tưởng tượng khi triều đại được hoàn hảo.
• Đối với người Do thái, men tượng trưng cho những điều tội lỗi. Một trong những nghi thức chuẩn bị cho lễ Vượt Qua là tìm tất cả những mảnh men trong nhà mà đốt đi. Nhưng Đức Giêsu lại dùng men cho việc tốt. Có lẽ Ngài muốn dùng hình ảnh này để làm người nghe chú ý và chủ tâm là nói đến tầm mức ảnh hưởng của men.
One Main Point
God believes in people. He is patient to give us freedom to discern, spiritual food to grow, and time to transform for the Kingdom of God.
Một Điểm Chính
Thiên Chúa tin tưởng và đặt niềm hy vọng nơi nhân loại. Ngài kiên nhẫn để cho chúng ta tự do để nhận định, của ăn thiêng liêng để bồi bổ tâm hồn, và thời gian để biến cải tâm hồn cho Triều Đại Thiên Chúa.
Reflections
1. To separate rightly the ones from the others is an impossible task for those who can judge only according to appearance. God alone can see clearly what is in the human heart. Contemplate your social and spiritual environments. What do you see of yourself and what do you perceive of others?
2. Contemplate your daily life. Like the mustard seeds that grow ceaselessly, what effort have you put in to grow spiritually under the grace of God? Is your faith growing stronger day after day? What should you do to encourage it along?
3. Like the yeast that leavens the dough, how have you allowed or used the Words of God to transform your complete being for the Kingdom of God?
Suy Niệm
1. Phân biệt người công chính giữa các người khác là một việc làm vượt ngoài khả năng của con người khi chúng ta chỉ nhận định dựa vào những yếu tố bên ngoài. Chỉ có Thiên Chúa mới thấy rõ tâm lòng của mỗi người. Suy niệm về hoàn cảnh xã hội và thiêng liêng của đời sống của chính mình. Bạn nhận thấy bạn là người thế nào và bạn xem các người chung quanh là người thế nào?
2. Suy niệm về cuộc sống thường ngày của chính mình. Hạt cải vươn lên từng phút từng giây. Bạn hãy suy niệm về nổ lực bạn dành cho hạt cải đức tin trong tâm hồn của mình. Đức tin của bạn triển nở như thế nào trong ân sủng và quan phòng của Thiên Chúa?
3. Như là một tí men đã làm dậy cả đấu bột, bạn đã dùng hoặc mở lòng như thế nào cho Phúc Âm của Thiên Chúa biến đổi toàn diện con người của mình cho Triều Đại Thiên Chúa?
Tin tức liên quan khác
29 tháng 12: Ngày thứ 5 trong tuần Bát nhật Giáng sinh – Ánh sáng muôn dân (Lc 2,22-35)
Điểm Hẹn Tình Yêu – Ngày Cao Điểm Tuần Chầu Giáo xứ Dũ Lộc
Đức Thánh Cha: Cần cái nhìn chiêm ngắm của Thánh Phanxicô trong việc bảo vệ Thụ tạo
Đức Thánh Cha: 60 năm sau “Pacem in terris- Hoà bình dưới thế”, sở hữu vũ khí hạt nhân là vô đạo đức
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng niên khóa 2023 – 2024, Trao bằng Thạc sĩ và Cử nhân Thần học
Chương trình tông du Papua New Guinea của Đức Giáo hoàng Phanxicô
Đức Tổng Giám mục Gallagher gặp Thủ tướng Việt Nam tại Hà Nội
Nhân Công nghị của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ucraina tại Roma