TGPSG — Tâm Tình với người trẻ, nhân ngày Chúa nhật Chúa Chiên Lành
Chúa nhật IV PS A
(Bđ 1: CV 2, 141;36-41. Bđ 2: 1Pr 2, 20 -25. TM: Ga 10, 1 -10)
Cách đây vài hôm, tôi nhận được những tấm hình rất dễ thương trong tập kỷ yếu của đứa cháu đang học lớp 12. Nhìn những gương mặt tươi trẻ, sức sống đầy nhiệt huyết thể hiện nét yêu đời làm tôi nghĩ về những người trẻ khác đang sống, cũng như đi tìm lẽ sống riêng cho bản thân. Nhưng khoảng lặng đã xuất hiện trong tôi, khi hỏi cháu sẽ chọn hướng đi nào, chọn nghề gì thì nhận được sự ậm ự cho qua và trả lời là chưa nghĩ tới. Đây không chỉ là trường hợp riêng đứa cháu của tôi nhưng còn là của nhiều bạn trẻ, những người đang đứng giữa ngã ba đường của việc chọn lựa, đứng trước ngưỡng cửa bước vào đời với hành trang là sự bỡ ngỡ.
Tôi tua đi tua lại những bức ảnh trong tập kỷ yếu học sinh của cháu, nhìn những gương mặt rất dễ thương của tuổi trẻ tuyệt đẹp, tôi miên man muốn tâm sự với những người trẻ và cũng là như nói với chính bản thân. Đặc biệt, Lời Chúa trong ngày Chúa nhật Chúa Chiên Lành, ngày cầu nguyện cho ơn gọi đã gợi lên cho tôi một vài suy tư, nhất là về câu hỏi Tôi phải làm gì, về sự trở về để được cứu độ cũng như về sự sống và sống dồi dào.
- Tôi Phải Làm Gì? ( Cv 2,37b)
Tôi phải làm gì, là một câu hỏi căn bản của mỗi người, nhất là người trẻ khi đứng trước những vấn đề quan trọng, trước những biến cố có thể quyết định cả cuộc đời. Nhưng trong một cuộc sống xô bồ, mạng internet như bao phủ lấy mọi không gian cũng như thời gian sống, khiến nhiều người trẻ không kịp dừng lại để tự hỏi bản thân, không kịp dừng lại để chất vấn khi đối diện với những vấn nạn khó khăn cũng như khi đối diện với việc đi tìm ý nghĩa hiện sinh.
Hơn nữa, câu hỏi “chúng tôi phải làm gì” trong sách Công vụ Tông đồ hôm nay được đặt ra khi những người nghe các tông đồ rao giảng đã bộc lộ sự đau đớn trong lòng, biểu lộ một sự hối hận ăn năn, nhận ra sai lầm vấp phải của cha ông họ trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đặc biệt, họ muốn thoát ra khỏi con đường tội lỗi đó, muốn làm lại để được cứu độ. Thế mà, người trẻ chúng ta đôi lúc không dám dừng lại để đặt ra câu hỏi, không đủ can đảm dừng lại mà cứ bước đi dù đó có thể là những bước đi trong vô định.
Có một chi tiết cũng đáng lưu ý đó là những người Do Thái này đã lắng nghe lời giảng dạy của thánh Phêrô cũng như các tông đồ là những người đại diện Giáo Hội để rồi nhận ra được tình trạng thực sự của họ lúc này. Người trẻ chúng ta cũng được mời gọi lắng nghe giáo huấn của Mẹ Giáo Hội qua các vị đại diện; để được hướng dẫn, để cùng khám phá lời Chúa và đặc biệt được mời gọi đi vào trong tĩnh lặng để gặp gỡ Thiên Chúa, để lắng nghe tiếng lòng mình. Chỉ khi biết lắng nghe, chúng ta mới có khả năng nhận ra thực trạng của mình, cũng như những sai lầm của trào lưu thế tục, những sai lầm của không ít đám đông mà ta tham gia đang gặp phải.
Chúng ta được mời gọi can đảm tách riêng ra khỏi đám đông và “cố gắng xua tan mọi tiếng ồn bên trong, và dành một tích tắc buông mình trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa”. Tách riêng ra để lắng nghe những nhịp sống, lắng nghe tiếng lòng, và đặc biệt là lắng nghe tiếng Chúa. Lắng nghe, để chúng ta được mời gọi ăn năn sám hối và can đảm trở về. Trở về với căn tính của mình, đặc biệt là mời gọi trở về với Đấng canh giữ linh hồn, nơi mà ta mới thực sự là ta.
- Trở về với Đấng canh giữ Linh hồn chúng ta ( 1Pr 2,25)
Những lúc dừng lại và lắng nghe, chúng ta dễ nhận thấy mình đang đi lạc mà bấy lâu ta không biết. Chúng ta cứ chăm chăm thức dậy, lập kế hoạch cho cuộc đời: người đi làm thì cố gắng làm tốt, kiếm nhiều tiền; người đi học thì cố gắng học thật tốt để có thành tích cao…và còn thời gian rảnh rỗi thì có người bạn thân là chiếc smartphone. Ta chẳng khác những cái máy được lập trình sẵn, các nhu cầu thường ngày chỉ cần một cuộc gọi là có thể giải quyết dễ dàng, để rồi cứ sống thu mình và quên mất sự dấn thân, không mở ra để trao ban và đón nhận lòng trắc ẩn như nhận định của cha Thomas Merton: “Trong thực tế có những người trẻ không bao giờ có vấn đề dấn thân nghiêm chỉnh vào đời sống tu trì. Vậy mà chính họ, một cách nào đó, có vẻ như là những người khao khát nên hoàn thiện nhất. Họ tha thiết và mạnh dạn tìm cách phá vỡ tù ngục mà chính họ một cách bi thảm đến nỗi không thể gợi lòng trắc ẩn nơi tất cả những ai cố gắng giúp đỡ họ”.
Ta thu mình nhưng lại ngại ở một mình, ngại thinh lặng dù luôn miệng than van thế giới ngày nay quá ồn ào náo nhiệt. Thực ra vì lòng ta ồn ào náo nhiệt nhưng không nhận ra. Những lúc ta chông chênh nhất, những lúc mà mọi điểm tựa cuộc đời trần gian này dường như không còn, ta cuống cuồng đi tìm, cuống cuồng hoảng hốt. Rồi chợt nhận ra ta thật cô đơn trống trải, nhận ra ta là một hữu thể luôn khắc khoải không nguôi, khao khát được yêu thương, được chia sẻ, được chở che. Những khắc khoải đó chỉ được lấp đầy bởi Thiên Chúa và khi đó cũng chỉ còn Đấng canh giữ linh hồn là luôn ở cạnh, nâng đỡ và yêu thương ta. Chính trong những hoàn cảnh như thế, người trẻ chúng ta được mời gọi nhìn lên Thập giá, nơi Đấng đã đón nhận ta như chính ta, Ngài là chân lý, là sự thật và là sự sống.
Thế nhưng, trong một thời đại mà chủ nghĩa tương đối lên ngôi, đôi lúc ta không phân biệt đâu là chân lý đích thực, đâu là nơi ta phải neo giữ cuộc đời vào đó và ta cứ đi theo đám đông “họ sao ta vậy, họ làm bậy ta cũng làm theo”. Vì ta cho rằng chân lý thuộc về số đông và ta cũng không dám đi lối riêng, không dám bước con đường độc hành dù đôi lúc trong tĩnh lặng ta cũng nghe tiếng nói của Đấng Tối Cao nhắc nhở “đó là con đường tội lỗi dẫn đến sự chết”, ta phớt lờ và không nghe hoặc nghe mà không đáp lại, ta sợ thay đổi, ta sợ tiếng vọng về năm xưa trên đồi Canvê nên buông mình theo tiếng gọi của trần thế, tiếng gọi của chủ nghĩa thực dụng.
Trong thời đại mà chủ nghĩa thực dụng lên ngôi, hiệu năng và tài năng được đề cao thì người trẻ chúng ta dễ lao vào những cuộc đua; chúng ta chạy, chạy và chạy để thu góp, để củng cố và thêm cho “cái ta có” mà quên mất cái căn bản của sự hiện hữu “cái ta là” mới quyết định vận mệnh con người. Ta dễ quên mất tiếng vọng của linh hồn, tiếng vọng của một sự sống thiết yếu và ta chạy vì sợ không kịp, sợ thua bạn kém bè, sợ đủ thứ để rồi quên mất sự sống đích thực, quên ngồi xuống nhặt nhạnh và buông bỏ những gì ghì ta xuống với sự thấp hèn.Ta dễ đặt những giá trị cuộc đời nơi những vật chất tạm bợ của thế giới, của những hào quang giả tạo, những lôi kéo của ánh đèn danh vọng. Khi hành động như thế, ta đang chết mòn chết dần mà ta nghĩ là đang sống phơi phới của tuổi thanh xuân. Chính lời Chúa hôm nay nói với chúng ta hãy ăn năn trở về với Đấng canh giữ linh hồn ta. Chỉ khi trở về với Đấng canh giữ linh hồn thì chúng ta mới được sống và sống dồi dào
- Để được sống và sống dồi dào ( Ga 10,10)
Người trẻ chúng ta thường truyền nhau một triết lý là sống vội, sống gấp kiểu “mau lên chứ, vội vàng lên đi chứ”, vì ta chỉ có một lần trên đời, vì ta chỉ có một thanh xuân. Chúng ta truyền nhau nên đi đây đi đó, níu giữ những khoảnh khắc đẹp qua những bức ảnh, qua những địa điểm “check in” với backgroud tuyệt vời. Những điều này đáng được khuyến khích và trân trọng nhưng đôi lúc chúng ta bị lôi kéo quá sâu về lối sống ảo này, bị lợi dụng như trăn trở của Đức Giáo hoàng Phanxicô “Nền văn hóa hiện nay khai thác hình ảnh của người trẻ. Vẻ đẹp được gắn kết với một dáng vẻ trẻ trung, với những món mỹ phẩm che lấp đi dấu vết của thời gian. Thân thể của người trẻ thường xuyên được quảng cáo như cách để bán các sản phẩm chứ không phải vì tôn trọng và yêu thương” (Tông Huấn Đức Kitô sống, 93). Khi ta bị đánh lừa bởi nền văn hóa như thế, bị kéo sâu vào thế giới ảo, vào những giá trị tạm bợ thì ta như đang đổi thanh xuân lấy những phút “vui chóng qua” chứ không phải là đang sống như Thiên Chúa chờ đợi.
Sống đúng nghĩa đâu chỉ dừng lại ở việc ta đang thở, đang cử động, đang ăn uống mà không biết làm gì, không biết ta là ai, từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu sau cuộc đời này.
Sống cũng đâu chỉ là khoác lên những bộ quần áo đắt tiền, ăn những món ngon, dùng những điện thoại hiện đại nhưng lại quên mất ý nghĩa của việc sống trên đời, sứ mệnh cuộc đời của mình là gì, quên đi ta là một tuyệt tác của Thiên Chúa.
Sống cũng đâu phải chỉ là được đi du lịch thật nhiều nơi, được trọng vọng, được làm điều mình thích; nhưng lại quên mất những tương quan liên vị với tha nhân; quên mất những mảnh đời bất hạnh; quên lối về với những giá trị tốt đẹp như gia đình, bè bạn và quê hương; quên mất những sẻ chia với người khác; quên mất tiếng kêu của mẹ thiên nhiên đang bị tàn phá không thương tiếc.
Muốn biết sống thế nào là đúng nghĩa, và để được sống dồi dào thì chúng ta phải tìm đến với Thầy Giêsu vì “dù các con sống kinh nghiệm những năm tuổi trẻ của mình đến mức nào, các con cũng sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa sâu xa và đầy đủ nhất của nó, nếu các con không gặp gỡ mỗi ngày với người bạn tốt nhất của mình, đó là Đức Giêsu” (Tông Huấn Đức Kitô Sống, 150). Thật sự, Chúa Giêsu dạy chúng ta sống từ chính bên trong, từ chính tuổi trẻ của Ngài: “Chúa Giêsu tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa Cha và luôn thi hành ý muốn của Cha. Ngài cũng giữ tình thân hữu với các môn đệ và không bao giờ thay đổi tình bạn với các ông. Chúa Giêsu có những nhạy cảm tuyệt vời trước người nghèo khổ, những mảnh đời bất hạnh, ốm đau bệnh tật”. Đó mới là cuộc sống đích thực của người trẻ chúng ta mà Thiên Chúa chờ đợi, chúng ta là những tuyệt tác của Thiên Chúa và “sứ vụ chung của chúng ta là sống niềm vui ở những nơi chúng ta hiện diện, qua hành động và lời nói, về kinh nghiệm được ở với Chúa Giêsu và các thành viên trong cộng đoàn Người, đó là Giáo hội. Sứ vụ đó được thể hiện trong các hoạt động thương xót, trong một lối sống chào đón và nhẹ nhàng phản ánh sự gần gũi, cảm thương và dịu dàng, trái ngược với nền hóa lãng phí và thờ ơ” (Sứ điệp nhân ngày cầu nguyện cho ơn gọi 2023). Sống đích thực đó là một cuộc sống biết trao ban, biết mở ra với tha nhân và có một mối thân tình nghĩa thiết với Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống.
Hơn thế nữa, Chúa Giêsu cũng có kinh nghiệm nỗi sợ trước đau khổ và biết sự chênh vênh trong cuộc khổ nạn. Nên Ngài biết cảm thông với thân phận của chúng ta, biết cách chữa lành những vết thương mà người trẻ dễ gặp phải. Ngài là vị chủ chăn nhân lành biết mỗi chúng ta, những tổn thương, những khó khăn của mỗi con chiên một. Người yêu thương ta hơn chính bản thân ta, Ngài yêu ta như chính ta chứ không phải bởi những công trạng hay vì ta là ông kia bà nọ. Ngài luôn mời gọi chúng ta “hãy đến với Ngài để được cứu độ”.
Chúa Giêsu luôn mời gọi, luôn nâng đỡ để ta được sống và sống dồi dào. Việc còn lại là chúng ta cần can đảm và tin tưởng phó thác hoàn toàn vào Thầy Giêsu vì “Nếu chúng ta bám chặt lấy Người, chúng ta sẽ có sự sống, và sẽ được bảo vệ khỏi những đe dọa của chết chóc và bạo lực, là những thứ có thể ập đến trong đời ta”. Đây là một bảo đảm tuyệt vời, một tin vui ta cần rao truyền cho toàn thể nhân loại, ta cần mở tung cánh cửa sợ hãi và tiến lên với niềm vui Tin Mừng Phục Sinh và ta sẽ có một tuổi trẻ tuyệt vời, một cuộc sống đích thực và đó cũng là ơn gọi của mỗi người chúng ta.
F.x Hoàn Phạm, Hội Thừa Sai Việt Nam (TGPSG)
Tin tức liên quan khác
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) – Bạn hữu của Thầy
Thứ Năm tuần 26 Thường niên năm I – Sứ mệnh truyền giáo (Lc 10,1-12)
Ngày 25/07: Kính thánh Giacôbê tông đồ
ĐTC cầu nguyện với một số bệnh nhân và tù nhân tại Fatima
Đức Thánh Cha đã chuẩn bị phần mộ cho mình ở Đền thờ Đức Bà Cả
Hơn 1.200 bạn trẻ tham dự Đại hội Giới Trẻ Giáo Hạt Bình Chính Lần thứ III – Năm 2023
Diễn từ Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho phái đoàn trao Giải thưởng “È Giornalismo” năm 2023
Thứ Hai tuần Bát nhật Phục sinh – Đừng sợ (Mt 28,8-15)