Diễn từ Đức Thánh Cha dành cho thành viên Tổ chức “Centesimus Annus Pro Pontifice”

WHĐ (07.06.2023) – Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, Tổ chức Centesimus Annus Pro Pontifice đã tiến hành Hội nghị quốc tế trong 2 ngày mồng 05 – 06.06.2023 tại Roma với chủ đề: “Ký ức để xây dựng tương lai: Suy nghĩ và hành động vì cộng đồng”Tổ chức Centesimus Annus Pro Pontifice do Thánh Gioan Phaolô II thành lập năm 1993 nhằm thúc đẩy việc thực hiện Học thuyết xã hội của Giáo hội. Hiện nay, tổ chức có khoảng 350 thành viên và hoạt động tại bốn Châu lục.

Trong dịp này, hôm mồng 05.06, Đức Thánh Cha đã dành cho các tham dự viên Hội nghị buổi tiếp kiến riêng. Dưới đây là toàn văn bài diễn từ của Đức Thánh Cha:

DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
DÀNH CHO THÀNH VIÊN TỔ CHỨC
“CENTESIMUS ANNUS PRO PONTIFICE”

Hội trường Clementine
Thứ Hai, 05.06.2023

Ký ức để xây dựng tương lai:
Suy nghĩ và hành động vì cộng đồng

Anh chị em thân mến, xin chào mừng anh chị em!

Thật tuyệt vời khi cử hành những dịp kỷ niệm. Tổ chức Centesimus Annus đến nay đã hiện diện được 30 năm: thành lập sau khi Thánh Gioan Phaolô II công bố Thông điệp Centesimus Annus (Bách chu niên) nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Lêô XIII ban hành Thông điệp Rerum novarum (Tân Sự). Sự dấn thân của anh chị em được đặt chính xác trên lộ trình này, trong “truyền thống” này: đó là dấn thân trong việc nghiên cứu và truyền bá học thuyết xã hội của Giáo hội, nhằm chứng minh rằng đó không chỉ là lý thuyết, mà có thể trở thành một lối sống đạo đức để phát triển các xã hội xứng hợp với con người.

Tính trung tâm của con người, công ích, tình liên đới và bổ trợ đã được anh chị em biến thành những hành động cụ thể trong hơn 30 năm qua, và đã truyền cảm hứng cho trái tim và hành động của nhiều người. Tôi cảm ơn Tổ chức và tất cả anh chị em vì những công việc quý giá mà anh chị em đã thực hiện; đặc biệt là những gì anh chị em đã thực hiện trong 10 năm vừa qua thông qua việc tiếp nhận và phổ biến lại những đóng góp mà tôi đã cố gắng thực hiện để phát triển học thuyết xã hội của Giáo hội.

Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, tôi muốn cảnh báo về nguy cơ trải nghiệm nền kinh tế một cách không lành mạnh. “Một nền kinh tế giết chết” (số 53) mà tôi đã nói vào năm 2013, qua đó lên án một mô hình kinh tế tạo ra sự lãng phí và thúc đẩy điều mà chúng ta có thể gọi là “toàn cầu hóa sự thờ ơ”. Nhiều người trong anh chị em làm việc trong lĩnh vực kinh tế: anh chị em biết rõ rằng một cách hình dung về thực tại đặt con người vào trung tâm, không hạ thấp người lao động và tìm cách tạo ra điều tốt đẹp cho tất cả mọi người có thể mang lại lợi ích ra sao.

Thông điệp Laudato Si’ đã nêu bật những thiệt hại do mô hình kỹ trị thống trị gây ra và đề xuất logic của một hệ sinh thái toàn diện, trong đó “mọi thứ đều được kết nối”, “mọi thứ đều có liên quan”, và vấn đề môi trường không thể tách rời khỏi vấn đề xã hội, vì chúng đi đôi với nhau. Quan tâm đến môi trường và quan tâm đến người nghèo cùng đứng vững hoặc cùng gục ngã. Cuối cùng, không ai được cứu rỗi một mình, và việc tái khám phá tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội mang tính quyết định để không rơi vào chủ nghĩa cá nhân làm cho con người đánh mất niềm vui sống và thậm chí đánh mất cuộc đời của mình.

Tôi rất vui vì anh chị em đã chọn cho Hội nghị quốc tế này chủ đề: “Ký ức để xây dựng tương lai: Suy nghĩ và hành động vì cộng đồng”, trích dẫn trực tiếp số 116 của Thông điệp Fratelli Tutti. Thực ra, những từ này xuất phát từ một bài diễn văn dành cho các phong trào đại chúng vào năm 2014. Nhân dịp đó, tôi đã phát biểu rằng: “Liên đới là một từ không phải lúc nào cũng được đón nhận… Tuy nhiên, đó là một từ có ý nghĩa hơn là một cử chỉ hào phóng lẻ tẻ. Liên đới có nghĩa là suy nghĩ và hành động vì cộng đồng. Liên đới có nghĩa là ưu tiên cuộc sống của mọi người hơn là sự chiếm đoạt của cải bởi một số ngườiLiên đới cũng có nghĩa là đấu tranh chống lại những nguyên nhân mang tính cơ cấu của nghèo đói và bất bình đẳng; của sự thiếu việc làm, đất đai và nhà ở; và của sự từ chối các quyền lao động và xã hội. Liên đới có nghĩa là đương đầu với những tác động hủy diệt của đế chế tiền bạc: cưỡng bức di dời, di cư đau đớn, buôn người, ma túy, chiến tranh, bạo lực… Liên đới, hiểu theo nghĩa sâu sắc nhất, là một cách làm nên lịch sử”.

Tôi nhớ là – tôi đã đề cập đến tiền bạc – một đoạn trong Tin Mừng, khi Chúa Giêsu nói rằng không ai có thể làm tôi hai chủ: hoặc anh em phục vụ Thiên Chúa, hoặc anh em phục vụ – và tôi mong Chúa Giêsu nói: đó là ma quỷ, nhưng không phải, Chúa Giêsu không nói đó là “ma quỷ” – mà nói đó là “tiền bạc“. Hoặc anh em phục vụ Thiên Chúa hoặc anh em phục vụ tiền bạc. Tệ hơn cả ma quỷ. Chúng ta phải tìm xem Chúa Giêsu muốn nói gì trong câu này: có một sứ điệp. Hoặc anh em phục vụ Chúa, hoặc anh em là đầy tớ của tiền bạc. Anh em không được tự do.

Hôm nay, khi nói chuyện với anh chị em và suy nghĩ về chủ đề mà anh chị em đã chọn, tôi muốn bổ sung thêm một điều mà tôi đã đọc được từ một luật gia vĩ đại người Ý, Paolo Grossi, người cũng từng là Chủ tịch của Tòa án Hiến pháp và đã qua đời năm ngoái. Ông khẳng định: “Cộng đồng luôn là đai an toàn đối với những người yếu thế, và cũng mang lại tiếng nói cho những ai không có tiếng nói của riêng mình” (Grammatiche del diritto, tr. 38).

Để cộng đồng thực sự trở thành một nơi mà những người yếu thế và không có tiếng nói cảm thấy được chào đón và lắng nghe, thì có lẽ mọi người đều cần đến bài tập mà chúng ta có thể gọi là “tạo không gian”. Mỗi người kéo “cái tôi” của mình lại một chút, và điều này cho phép người kia hiện diện. Nhưng để làm được điều này, nền tảng của cộng đồng cần phải là đạo lý của quà tặng chứ không phải đạo lý của sự trao đổi.

Theo nghĩa này, chúng ta có thể trích lời một nhà thơ MilanGiampiero Neri, cũng vừa mới qua đời, như sau: “Người ta thường nói về một số người rằng, khi họ bước vào một căn phòng, họ lấp đầy cả căn phòng. Tôi nên mường tượng rằng khi rời đi, thì họ để lại một khoảng trống lớn. Thế nhưng, tôi có khuynh hướng nghĩ rằng những người để lại khoảng trống lớn lại là những người khiêm tốn, thầm lặng; chính những người chỉ chiếm một khoảng trống cần thiết, mới là những người khiến mình được yêu mến”.

Anh chị em thân mến, suy nghĩ và hành động vì cộng đồng có nghĩa là nhường chỗ cho người khác, là tưởng tượng và hành động cho một tương lai, nơi mỗi người có thể tìm thấy vị trí và có chỗ của mình trong thế giới. Một cộng đồng biết cách để mang lại tiếng nói cho những người không có tiếng nói là điều mà tất cả chúng ta cần.

Công việc quý giá của Tổ chức Centesimus Annus cũng có thể là: đóng góp vào suy nghĩ và hành động thúc đẩy sự phát triển của một cộng đồng trong đó chúng ta cùng nhau bước đi trên lộ trình của hòa bình.

Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em và những người thân yêu của anh chị em. Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (05. 06. 2023)