“Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em,
vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời”. (Mt 23,9)
BÀI ĐỌC I: Is 1, 10. 16-20
“Các ngươi hãy học làm điều lành và tìm kiếm công lý”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hỡi các Thủ lãnh thành Sôđôma, hãy nghe lời Chúa; hỡi dân thành Gômôra, hãy lắng nghe lề luật của Thiên Chúa chúng ta. Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành; hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh vực người goá bụa.
Và Chúa phán: “Các ngươi hãy đến và đối chất với Ta: cho dầu tội lỗi các ngươi như màu đỏ thắm, cũng sẽ trở nên trắng như tuyết; cho dầu đỏ như vải điều, cũng sẽ trở nên trắng như len. Nếu các ngươi quyết tâm nghe Ta, các ngươi sẽ hưởng hoa màu ruộng đất; nhưng nếu các ngươi cố chấp không nghe và khiêu khích Ta, thì lưỡi gươm sẽ tiêu diệt các ngươi, vì miệng Chúa phán như thế”.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 49, 8-9. 16bc-17. 21 và 23
Đáp:Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).
Xướng:
1) Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận từ nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận từ đoàn chiên ngươi những con dê đực.- Đáp.
2) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta, ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn, và ném bỏ lời Ta lại sau lưng ?- Đáp.
3) Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng ? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi ? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ. – Đáp.
Tin mừng: Mt 23,1-12
Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.
Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.
Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.
“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.
Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp:Chúa Giêsu dạy những ai có trách nhiệm dạy bảo người khác phải thực hành những điều mình nói, với thái độ khiêm tốn và phục vụ.
Cầu nguyện:Lạy Chúa Giêsu là Thầy của con, con là môn đệ của Thầy. Con chẳng thấy ai được như Thầy, vì Thầy là mẫu mực hoàn hảo cho con bắt chước. Những điều Thầy dạy con thì Thầy đã sống trước và sống tới mức độ tột cùng. Thế mà lúc nào Thầy cũng khiêm tốn, và khiêm tốn cũng tột độ.
Lạy Thầy Giêsu, trước mặt Thầy, chúng con chẳng phải là cha, là thầy, và là người lãnh đạo của nhau, mà chỉ là anh em với nhau. Tuy nhiên, Thầy đã trao phó cho chúng con trách nhiệm dìu dắt nhau sống theo chân lý Thầy đã mặc khải. Xin Thầy dạy con biết chu toàn nhiệm vụ này theo gương của Thầy.
Xin giúp con là cha mẹ biết chu toàn bổn phận giáo dục con cái. Bổn phận của con quá nặng nề, con cảm thấy bất lực. Rất nhiều lúc lời con dạy dỗ chỉ gặp thấy sự dửng dưng hoặc kháng cự. Xin Thầy giúp con biết khiêm tốn giữ sự bình tĩnh tế nhị, gia tăng lời cầu nguyện, và nỗ lực sống đạo đức thánh thiện hơn. Xin đừng để gương xấu của con trở thành cớ vấp phạm cho con cái, trái lại, xin cho con biết làm gương sáng, biết thực hành những điều con dạy bảo. Xin ban ơn để con có thể ảnh hưởng tốt nơi con cái bằng chính cuộc sống của con.
Con cũng cầu xin cho các linh mục và tu sĩ được noi gương Thầy sống đời thánh thiện gương mẫu, khiêm tốn phục vụ, để lời rao giảng và cuộc đời tận hiến lôi kéo được nhiều linh hồn về với Chúa hơn.
Về phần con là con cái, xin Thầy giúp con biết hạ mình khiêm tốn vâng phục các bề trên. Dù đời sống các ngài còn nhiều thiếu sót và nhiều lỗi lầm, nhưng xin Thầy thánh hóa các ngài, và xin giúp con biết nhận ra những điều đúng đắn để tuân giữ. Amen.
Ghi nhớ: “Họ nói mà không làm”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích
Lời Chúa hôm nay đặc biệt nói với các “thủ lãnh”
1. Bài đọc I (trích sách Isaia): Ngôn sứ Isaia bảo các thủ lãnh Sôđôma và Gômôra “Hãy làm điều lành, tìm kiếm công lý”, đó là cách để ta được Chúa thứ tha: “Cho dù tội lỗi các ngươi như màu đỏ thắm cũng sẽ trở nên trắng như tuyết, cho dù đỏ như vải điều cũng sẽ trở nên trắng như len”. Ta hãy chú ý tới những động từ “làm”, “tìm kiếm”. Đó là những hành động tích cực chứ không phải là những tâm tình hay lời nói suông.
2. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về những người biệt phái và luật sĩ. Họ nói nhiều nhưng làm ít, nói tốt nhưng làm xấu. Họ lo tô vẽ dáng bề ngoài cho đạo đức mẫu mực nhưng lòng họ thì hám danh, phô trương và tham lam. Chúa phân biệt rõ hai phương diện: những gì họ nói thì đều là nói lời Chúa, nên hãy nghe theo ; nhưng những việc họ làm thì mâu thuẫn với những lời họ dạy, cho nên đừng bắt chước.
B. Suy niệm
1. Là Linh mục, tu sĩ thì theo một phương diện nào đó cũng là làm “lãnh đạo”, vì cách sống của chúng ta ảnh hưởng đến cách sống của người khác. Sám hối của kẻ “lãnh đạo” là:
– Không chỉ nói mà còn làm.
– Không chỉ lo cho dáng vẻ bề ngoài của mình có vẽ mô phạm, mẫu mực mà còn phải trau dồi cái tâm đạo đức thật của mình.
2. Isaia đặc biệt bảo các nhà lãnh đạo hãy quan tâm đến những kẻ yếu thế dưới quyền mình: “hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, mồ côi, góa bụa”
3. Người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau: Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong tôi thấy hai hành lang với hai hàng chữ ”Bên phải dành cho người công giáo ; bên trái dành cho kẻ ngoại”. Tôi đi theo hàng lang bên phải. Đi được một lúc tôi tới ngã rẽ khác, lần này tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau ”Bên phải dành cho người có đức tin vững mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém”. Tôi lại đi theo bên phải. Đến một ngã rẽ khác, tôi loại thấy bảng chỉ dẫn ”Bên phải dành cho những người có lòng bác ái, bên trái dành cho những kẻ ích kỷ”. Tôi lại chạy qua bên phải. Cuối cùng tôi gặp bảng chỉ dẫn ”Bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi”. Một lần nữa, tôi chọn bên phải. Tôi đang hân hoan rảo bước thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy: cảnh hoả ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức dậy. Sau một phút, tôi tự hỏi” Phải chăng cuộc sống đạo của tôi toàn là giả hình như giấc mơ hãi hùng ấy ?” (Trích ”Món quà giáng sinh”)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Đừng có giả hình (Mt 23,1-12)
- Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người luật sĩ và biệt phải giả hình. Họ là những người nói nhiều làm ít, mồm miệng đỡ chân tay, nói hay nhưng làm dở. Họ lo tô vẽ dáng bề ngoài cho đạo đức mẫu mực nhưng lòng họ thì hám danh, phô trương và tham lam. Chúa phân biệt rõ hai phương diện: những gì họ nói thì đều là nói Lời Chúa, nên hãy nghe theo; nhưng những việc họ làm thì mâu thuẫn với những lời họ giảng dạy, cho nên đừng bắt chước.
- Luật sĩ và biệt phái tượng trưng cho quyền bính trong dân. Họ có bổn phận phải giảng dạy dân chúng và người dân có nghĩa vụ tuân giữ những lời họ giảng dạy. Thế nhưng nhiều lần họ đã bị Đức Giêsu khiển trách, chỉ vì họ tự cho mình là tài giỏi, đạo đức, từ đó họ phê bình chỉ trích lên án người khác; làm gì họ cũng muốn cho người khác thấy và khen ngợi; họ ham muốn danh vọng chức quyền, luôn luôn lên mặt dạy đời, nhất là họ nói mà không làm.
Tuy thế, Chúa vẫn khuyên chúng ta tôn trọng họ vì họ có nghĩa vụ giảng dạy, và hãy thực hiện những lời họ giảng dạy. Vì thế Chúa phán: “Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ!”
- “Các ngươi chất lên vai kẻ khác những gánh nặng…”
Thật vậy, nhiều tiến sĩ luật Do thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bên ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Phải chăng chỉ những luật sĩ và biệt phái thời xưa mới kiêu căng giả hình ? Phải chăng thời nay không còn hạng người đó nữa ? Nhan nhản trước mắt chúng ta: biết bao người ngoài miệng rêu rao là vị nhân vị nghĩa, mà kỳ thực, họ tham lam, ích kỷ, tự tôn, lợi dụng thế lực để bóc lột người khác; họ lường gạt xảo trá không những đối với con người mà cả với Chúa nữa.
Aristogiton lúc thanh bình, là một nhà ái quốc thượng thặng. Thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hoàn cảnh để cổ võ những đức tính anh hùng của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, khán giả có ấn tượng như chàng đang tuyên chiến với các cường quốc trên thế giới. Nhưng đến khi phải thi hành lệnh quân dịch, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khập khiễng, tay chống gậy, chân thì băng bó, trông thảm não vô cùng.
Biết rõ những bí ẩn của chàng, ông Photion trợn mắt nói: “Aristogiton đã làm một người què lại còn hèn nhát”.
- Có một người nêu ý kiến rằng: Nếu phải chọn một trong hai điều, một là cứu rỗi một triết nhân, chỉ biết mình là tất cả, kiêu ngạo, khoe khoang về kiến thức của mình. Hai là phải cứu rỗi một trăm người tội lỗi, điếm đàng, thì hiển nhiên nên chọn điều thứ hai.
Tại sao vậy ? Vì ở trần gian, không có gì khó bằng khuất phục một người trí thức kiêu ngạo, tâm hồn họ đầy cái tôi của mình thì chẳng còn chỗ nào cho Thiên Chúa len vào được. Cũng như một chiếc bình đầy nước thì không thể đồng thời chứa đầy dầu hôi. Đối với tâm hồn, tình trạng cũng chẳng khác gì, Thiên Chúa chỉ ban chân lý và sự sống của Ngài cho những ai trống rỗng với chính mình. Do đó, chúng ta phải tạo một khoảng trống trong tâm hồn để có thể chứa ơn thánh.
- Mọi quyền hành đều bắt nguồn bởi Thiên Chúa và phải trở về Thiên Chúa. Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo thì vì họ được chia sẻ quyền làm thầy của Đức Kitô, họ phải nêu gương trước. Nhưng trong thực tế, vẫn còn đó đây những vị này vị nọ nói thuyết thì hay nhưng lại tự chuẩn cho mình; dạy dỗ người ta nhưng chính mình lại không giữ, thậm chí còn tệ hơn – ngôn hành bất nhất. Lại nữa, chỉ thấy người khác phạm luật và trách mắng họ, nhưng thực tế thì “suy bụng ta ra bụng người” – chính mình còn bê bối hơn cả những gì mình trách người… Xin Chúa giúp chúng ta, biết dùng chính hành động làm cho lời nói có giá trị, nghĩa là khi muốn ai giữ luật, thì mình phải làm gương trước – ngôn hành như nhất.
- Truyện: Bé cái lầm
Có một người đi dạo đến nơi hành hương. Vì quá mệt nhọc, ông ngồi nghỉ chân trên một bệ đá. Ông hết sức ngạc nhiên và rồi tỏ ra hãnh diện sung sướng khi thấy nhiều người đi qua trước mặt ông, họ đã ngả mũ cúi chào.
Trong khi còn đang nghĩ ngợi, thắc mắc, thì cũng có một bà già đến trước mặt ông. Sau khi cúi chào, bà đã ngước nhìn lên và miệng lâm râm nhiều lời mà ông không thể nghe rõ.
Thế rồi bà ta tiếp tục đi như những người khác. Lúc ấy ông mới quay lưng lại và nhìn lên theo hướng bà kia đã nhìn. Ông nhận ra ngay sau lưng và phía trên đầu ông có một cây thánh giá đã được dựng lên ở đó. Và ông xấu hổ bỏ đi nơi khác.
Tin tức liên quan khác
Học viện Công Giáo Việt Nam: Lễ bế giảng năm học 2021-2022
Khai mạc Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ nhất (25/5/2024)
Thứ Tư tuần 21 Thường niên năm II (Mt 23,27-32)
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Tham dự viên Hội nghị Quốc tế về Thông điệp Pacem in Terries
Giáo Xứ Kim Cương Đón Nhận Hồng Ân Thánh Thần
Thánh lễ mừng kính thánh Anphongsô – Quan thầy Di dân Giáo hạt Văn Hạnh tại miền Nam
Chúa nhật 19 Thường niên năm A (13.08.2023) – Lúc tăm tối, hãy kêu cầu và chào đón Chúa
Chủ đề Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ ba