TGPSG – Ủy Ban Giám mục về Nghệ Thuật Thánh (UBNTT) đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề: “Bảo tồn, trùng tu công trình kiến trúc và tác phẩm mỹ thuật Công giáo Việt Nam” vào lúc 9g thứ Bảy ngày 1-10-2022, tại Trung tâm Mục vụ Đaminh Ba Chuông, tọa lạc số 190 Lê Văn Sỹ, Quận Phú Nhuận, TP HCM.
Tham dự trong buổi hội thảo có khoảng 250 người, gồm:
- Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi – Giám mục Giáo phận Qui Nhơn – Chủ tịch UBNTT, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng – TGM TGPSG; linh mục (Lm) Vinh Sơn Phạm Trung Thành – Thư ký UBNTT; Lm Giuse Phạm Hưng Thịnh, OP – Bề trên Tu Viện Mai Khôi.
- Giáo sư Tiến sĩ Điêu khắc gia (GS.TS.ĐKG) Nguyễn Xuân Tiên – Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM và Tiến sĩ Kiến trúc sư (TS.KTS) Phạm Phú Cường – Trưởng Khoa Kiến trúc Đại học Kiến trúc TP HCM.
- Quý linh mục, tu sĩ nam nữ từ nhiều giáo phận, các học viên của Học Viện Công giáo; những người trong giới mỹ thuật: Hội họa, kiến trúc, điêu khắc, nhiếp ảnh và một số người trong lãnh vực khác.
Khai mạc
Đức Cha Matthêu đã thánh hóa và khai mạc buổi hội thảo. Đức Cha Matthêu nói: Sự quy tụ trong buổi hội thảo này nói lên sự hiệp hành trong Giáo hội mà chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy. Những gì lưu lại trong quá trình lịch sử nhìn chung như là tác phẩm nghệ thuật tôn giáo, những công trình kiến trúc, những tác phẩm phi vật thể như bài ca tiếng hát…đã tồn tại và lưu lại cho thế hệ mai sau. Chúng ta là những con cháu có bổn phận gìn giữ. Chính Chúa là nhà kiến trúc đại tài dựng lên thế giới muôn hình muôn vẻ này cho chúng ta hưởng dùng và nhận ra Thiên Chúa. Giờ đây, chúng ta cũng muốn tiếp tay vào công trình của Thiên Chúa để phổ biến sự tốt đẹp vĩ đại của Chúa qua những tác phẩm nghệ thuật; tiếp nối thế hệ trước để thế hệ tương lai biết được Thiên Chúa qua những tác phẩm nghệ thuật này. Xin Chúa chúc lành cho buổi hội thảo.
Phần I. Thuyết trình
Lm Vinh Sơn Phạm Trung Thành, đã giới thiệu khách tham dự và hai vị thuyết trình:
- GS.TS.ĐKG Nguyễn Xuân Tiên, thuyết trình về đề tài: “Bảo tồn, trùng tu tác phẩm mỹ thuật Công giáo Việt Nam”
Thuyết trình của ông trình bày, tôn giáo là văn hóa, là thành tố căn cốt của mỗi quốc gia, dân tộc. Về hình thức, nhà thờ Công giáo chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Châu Âu, nhưng sau này đã có thích ứng, hòa hợp với văn hóa và kiến trúc cổ truyền Việt Nam (VN), thể hiện sự kết hợp Âu – Á độc đáo. Mỗi nhà thờ Công giáo VN đều là những di tích văn hóa là một trầm tích, một chứng nhân quan trọng của lịch sử, đức tin, tình yêu thương của cộng đoàn… Ở đó, người ta thấy truyền thống tốt đẹp và trí tuệ của cha ông, xây dựng lên nền văn hóa Công giáo của dân tộc.
Dưới tác động của thời gian, chiến tranh, điều kiện môi trường, các cấu kiện kiến trúc, tác phẩm mỹ thuật của các nhà thờ khó tránh khỏi việc xuống cấp và hư hại. Vì thế, việc bảo tồn, trùng tu công trình kiến trúc và tác phẩm mỹ thuật Công giáo ở VN là cần thiết.
Các thể loại Mỹ thuật Công giáo và vấn đề bảo tồn di tích:
- Tột đình của nghệ thuật tôn giáo là nghệ thuật thánh. Nghệ thuật thánh nhằm diễn tả một cách nào đó vẻ đẹp vô biên của Thiên Chúa qua những tác phẩm nhân loại. Nghệ thuật này càng làm cho Thiên Chúa được ca tụng và tôn vinh hơn, một khi những tác phẩm đó chỉ nhằm góp phần tích cực vào việc đạo đức là hướng tâm trí người ta về cùng Chúa (Hiến Chế PV)
- Ông cũng trình bày về Mỹ thuật Công giáo trong không gian nội thất và không gian ngoại thất (ngoài trời) như: Tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ trong khuôn viên giáo xứ, không gian tâm linh, nơi trung tâm hành hương…. Công trình mỹ thuật thánh trang trí trong công viên như: Phù điêu, cụm tượng Chặng đàng Thánh giá, Mầu nhiệm Mân Côi… Những tiêu chí cần được xem xét trong việc bảo tồn, trùng tu một công trình kiến trúc và tác phẩm mỹ thuật Công giáo là tính lịch sử, tính thẩm mỹ, và tính xã hội. Ngoài ra còn cần lưu ý đến nhiệt độ, thời tiết, khí hậu vùng miền.
Kết luận: Việc bảo quản và trùng tu các công trình kiến trúc và tác phẩm Mỹ thuật Công giáo ở VN là công việc cần làm thường xuyên ở các nhà thờ, nơi thờ tự. Nhưng rõ ràng, một số nhà thờ thực hiện vẫn theo cảm tính, thiếu khoa học, thiếu tính chuyên môn, không theo thiết kế ban đầu…, làm giảm đi giá trị nghệ thuật của tác phẩm và tính thiêng của Nghệ thuật thánh. Ông đã nêu sự hoang mang lo lắng nơi cộng đồng giáo dân về việc trùng tu của hai nhà thờ có bề dày lịch sử lâu đời là: nhà thờ Lớn Hà Nội và nhà thờ Đức Bà ở TP HCM, có giữ được nguyên bản gốc không?
Sau cùng, ông đã đề xuất một số giải pháp cho việc bảo tồn và trùng tu các tác phẩm Mỹ thuật tại VN. Ông đã phân tích các tượng và tha thiết đề nghị phải nhanh chóng bảo tồn tượng Chúa Kitô ở Vũng Tàu và nhóm 15 tượng Mân Côi ở La Vang.
Để việc trùng tu các công trình kiến trúc và tác phẩm mỹ thuật Công giáo thực sự đạt hiệu quả lâu dài, bền vững cần có nhiều hơn nữa những giải pháp đồng bộ, khoa học, chuyên nghiệp từ nhiều phía. Trong đó, điều quan trọng hơn cả là kiến thức về trùng tu, mỹ thuật, kiến trúc để phục vụ cho việc gìn giữ các nhà thờ với nguyên bản gốc. Đồng thời cần có sự kết nối của UB Giám mục về Nghệ thuật Thánh với các chuyên gia văn hóa, nghệ thuật và từng giáo phận, giáo xứ, giáo dân để từng bước hình thành, xây dựng ý thức bảo tồn và trùng tu có hiệu quả trong quá trình phát triển Nghệ thuật thánh Công giáo VN.
- TS.KTS Phạm Phú Cường, thuyết trình về đề tài: “Di sản kiến trúc Công giáo”
Ông trình bày 3 nội dung chính:
- Tổng thể di sản kiến trúc đô thị Sài Gòn;
- Giá trị của di sản kiến trúc Công giáo Sài Gòn;
- Gợi ý nguyên tắc bảo tồn di sản kiến trúc Công giáo Sài Gòn.
Về nội dung “Gợi ý nguyên tắc bảo tồn di sản kiến trúc Công giáo Sài Gòn hiện nay.” Có 4 cấp độ xử lý: bảo quản – trùng tu – khôi phục – thích nghi.
- Nguyên tắc xử lý: “Ưu tiên bảo quản hơn trùng tu; ưu tiên trùng tu hơn khôi phục” để bảo vệ tối đa tính nguyên vẹn, tính xác thực lịch sử của di sản.
“Thích nghi”, áp dụng cho các công trình kiến trúc Công giáo có niên đại muộn hơn, có ý nghĩa ít quan trọng trong xếp hạng di tích.
- Nguyên tắc trong thích nghi: cho phép sửa chữa, thay thế hoặc bổ sung để đáp ứng nhu cầu sử dụng theo công năng mới, trong khi vẫn bảo toàn các đặc điểm làm nên giá trị lịch sử – nghệ thuật của công trình.
Bài thuyết trình đã trình bày khái quát về di sản kiến trúc Công giáo Sài Gòn, tầm nhìn để bảo tồn giá trị những công trình này. Ông nói: “Theo tôi, việc bảo tồn di sản kiến trúc Công giáo Sài Gòn không chỉ dành riêng cho người Công giáo mà còn chính là truyền giao di tích lịch sử, niềm tự hào đối với người Sài Gòn.”
Phần II. Tọa đàm
GS.TS.ĐKG Nguyễn Xuân Tiên và TS.KTS Phạm Phú Cường trao đổi với các tham dự viên và đã trả lời các câu hỏi của các tham dự viên quan tâm: Việc bảo tồn không gian; sự thay đổi kiến trúc của nền văn hóa cũ; màu thời gian, bảo tồn (bảo vệ) những tác phẩm mỹ thuật của giới Công giáo…
Đức TGM Giuse có phát biểu trả lời cho lo lắng mà GS.TS.ĐKG Nguyễn Xuân Tiên. Đức TGM xác định việc trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, là công trình có giá trị về mỹ thuật, văn hóa lâu đời của Sài Gòn (xây năm 1877), đã bị hư hại rất nhiều. Việc trùng tu được tập đoàn Monument (Bỉ), là tập đoàn chuyên nghiệp trong trùng tu công trình cổ, nên phương pháp của họ rất chuyên nghiệp, khoa học. Những vật liệu như gạch, sắt để thay thế được nhập tận gốc công ty của Pháp sản xuất, nhà cung cấp vào thời đó. Đức TGM Giuse hy vọng công trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đạt được những đòi hỏi về kỹ thuật chuyên môn và vẫn giữ được chất liệu, màu thời gian, giá trị nguyên bản gốc của công trình.
Kết thúc buổi tọa đàm, Lm Vinh Sơn Phạm Trung Thành đã đại diện Ban tổ chức cảm ơn hai vị đã thuyết trình đồng thời gởi đến hai vị món quà thể hiện lòng biết ơn.
Tiếp theo chương trình, họa sĩ trẻ Nguyễn Bình Thuận đã trình diễn vẽ trong khoảng 3 phút một bức tranh bằng sơn nước (màu đỏ) hình nhà thờ Đaminh – Ba chuông, trước khi sang phần thuyết trình đề tài về nhà thờ Đaminh – Ba chuông.
Lm Giuse Phạm Hưng Thịnh, OP, thuyết trình đề tài: “Quá trình trùng tu và bảo trì nhà thờ Đaminh – Ba Chuông.
Lm Giuse đã giới thiệu đôi nét về Thánh đường Đaminh – Ba chuông, trước khi thuyết trình đề tài. Việc bảo tồn và trùng tu Thánh đường Đaminh – Ba Chuông được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 15 năm Thánh đường và cũng do có nhu cầu cần bảo tồn và trùng tu.
Nhận định về tầm quan trọng của việc bảo trì và trùng tu nơi Thánh đường Đaminh – Ba chuông cho thấy việc:
- Tái xác nhận hứng khởi và ý hướng ban đầu: Tôn giáo trong văn hóa và văn hóa trong tôn giáo; Hội nhập Văn hóa Việt Nam và Nghệ thuật thánh.
- Một kinh nghiệm bảo tồn và trùng tu:Dù có bảo trì, trùng tu bao nhiêu lần, nguyên bản giá trị vẫn được tôn trọng và duy trì với thời gian, vẫn được đưa về giá trị ban đầu để có sự thống nhất xuyên suốt tính lịch sử. Đây là những di sản chung của những người đi trước bàn giao lại cho những thế hệ mai sau: một nơi thờ tự nơi trần gian cách xứng đáng, trong khi chờ đợi cùng sum họp nơi ngôi nhà vĩnh cửu trên quê Trời.
Tiếp theo, Lm Vinh Sơn Phạm Trung Thành trình chiếu hình ảnh về Vương Cung Thánh đường Thánh Mẫu La Vang. Ý tưởng chủ đạo trong thiết kế Thánh đường đó là ngôi nhà Việt, nơi có Đức Mẹ La Vang ngự trên rừng cây. Ngài cũng giới thiệu đôi nét về chất liệu và công năng của ngôi Thánh đường mà người Công giáo trong nước và hải ngoại mong chờ thăm viếng.
Triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Công giáo
“Trong cơ hội hiệp hành này, chúng ta khám phá ra trong lòng Giáo hội có nhiều nghệ sĩ rất yêu mến Giáo hội và nỗ lực thể hiện đời sống đức tin của mình thông qua các tác phẩm. Thông qua cơ hội này, chúng ta khuyến khích các nghệ sĩ Công giáo tiếp tục đóng góp cho Giáo hội bằng những tác phẩm Nghệ thuật thánh.” Lm Vinh Sơn đã nhận định như thế và mời các tác giả có tác phẩm triển lãm lên sân khấu nhận tặng phẩm của Ban tổ chức; một tràng pháo tay nồng nhiệt vang lên cảm ơn các tác giả.
Lm Vinh Sơn thay mặt ban tổ chức cảm ơn những đóng góp của tất cả mọi người cho buổi hội thảo và triển lãm này. Lm cũng cảm ơn Lm Giuse Phạm Hưng Thịnh về lòng quảng đại và yêu mến Nghệ thuật thánh mà đã cho phép tổ chức triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ mỹ thuật Công giáo, tại Trung tâm Mục vụ Đa Minh – Ba Chuông.
Đặc biệt, cảm ơn Đạo diễn Vũ Thành Vinh, nhiệt thành với Giáo hội, anh đã đóng góp rất nhiều cho kết quả tốt đẹp hôm nay; cảm ơn các chuyên gia và cũng là các nhà giáo: Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn, Họa sĩ Mai Quế Vũ, Họa sĩ Nguyễn Quang Cảnh, Kiến trúc sư Đỗ Quốc Hiệp và các cộng sự đã giúp thực hiện buổi hội thảo và triển lãm này.
Tiếp theo, tại tầng 1, sảnh triển lãm, Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi và Lm Giuse Phạm Hưng Thịnh đã cắt băng khai mạc triển lãm 20 tác phẩm điêu khắc, hội họa, và kiến trúc. Đây là các tác phẩm làm đồ án tốt nghiệp từ hai trường Đại học Kiến Trúc và Mỹ Thuật thành phố đạt điểm xuất sắc trong những năm gần đây. Cuộc triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 01-10-2022 đến 30-10-2022.
Buổi hội thảo và triển lãm kết thúc lúc 12g15, nhưng nhiều người vẫn còn nán lại vì chưa thỏa chiêm ngưỡng.
Bài & Ảnh: Tiến Hương (TGPSG)
Tin tức liên quan khác
Thứ Tư tuần 19 Thường niên năm II (Mt 18,15-20)
Đức Thánh Cha dặn dò Giáo hội Mông Cổ: Thương xót và tha thứ
Phỏng vấn Đức Hồng y Giorgio Marengo, Giám mục Phủ doãn tông tòa Ulaanbaatar – Mông Cổ
5 cách để nhận ra Thiên Chúa đang hành động trong cuộc đời chúng ta
Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 28 Thường Niên – A
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh lễ tại Khu vực Taci Tolu
Vatican tiếp tục hướng tới mục tiêu “Quốc gia xanh” vào năm 2050
Trái tim mục tử chẳng bao giờ đóng kín