Thanh luyện ý hướng và vượt qua nỗi sợ hãi của chúng ta

WHĐ (29.06.2023) – Cha tôi luôn nói những lời động viên tôi trong suốt quá trình đào tạo linh mục và tu trì của tôi và vẫn còn rất lâu sau khi tôi thụ phong linh mục. Ông luôn kết thúc cuộc trò chuyện của chúng tôi bằng những lời khẳng định như sau: “Ba cảm ơn Chúa vì ơn gọi của con… Gia đình chúng ta thực sự được chúc phúc bởi ơn gọi linh mục của con… Cảm ơn con đã đáp lại ơn gọi này của Chúa.”

Tôi đã khao khát được nghe những lời như vậy kể từ khi cha tôi qua đời khoảng một năm trước. Ông rõ ràng hài lòng với ơn gọi của tôi. Có Chúa phù hộ, sự ra đi của ông đã khiến tôi suy ngẫm về động lực sâu xa nhất của mình để giữ chặt lấy nó và ở lại trong ơn gọi này. Nói cách khác, tôi đã phải tự hỏi mình: “Tại sao tôi phải tiếp tục là một tu sĩ linh mục? Tôi đang cố gắng làm đẹp lòng ai khi đi theo ơn gọi này? Tôi đang cố gắng làm hài lòng bản thân, làm hài lòng những người thân yêu, bạn bè của tôi hay tôi đang làm điều này để làm đẹp lòng Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã yêu thương tôi, chết vì tôi và đã ân cần mời tôi làm linh mục của Người?”

Tất cả bạn bè của tiên tri Giêrêmia đều quay lưng lại với ông, bắt bớ ông, sỉ nhục ông và lên kế hoạch tiêu diệt ông: “Ấy vì tôi nghe lắm người đàm tiếu: “Tứ phía kinh hoàng! Tố cáo đi! Ta hãy tố cáo nó đi!” Mọi kẻ thân tín của tôi đều dòm ngó chờ tôi sẩy ngã” (20, 10). Mặc dù Vị tiên tri đơn độc đối mặt với những kẻ thù đầy thù hận của mình, nhưng ông không sợ hãi vì mục tiêu của ông là làm đẹp lòng một mình Thiên Chúa. Ông nói: “Lạy Chúa các đạo binh, Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài” (20, 12). Ông đã vượt qua nỗi sợ hãi về những gì người ta có thể nói hoặc làm với ông chỉ bằng cách đổi mới và củng cố quyết tâm làm đẹp lòng Thiên Chúa trước hết và trên hết, chớ không phải những người khác.

Chúa Giêsu có hai lời mời gọi chúng ta trong Mt 10: 26-33. Đầu tiên, Ngài nói một cách dứt khoát, “Anh em đừng sợ người ta.”  Khi chúng ta sợ hãi người khác, chúng ta cố gắng tránh làm hoặc nói bất cứ điều gì có thể xúc phạm họ hoặc khiến họ tức giận. Chúng ta có thể cố gắng bằng mọi giá để giành được tình cảm của họ đến độ chúng ta bắt đầu che giấu những phần khó chịu của chân lý cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu cảnh báo: “Không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết” (Mt 10. 26). Chúng ta phải yêu thương và tôn trọng tất cả mọi người nhưng đừng loại bỏ đi ánh sáng chân lý trong Tin Mừng.

Thứ hai, chúng ta phải kính sợ một mình Thiên Chúa, Đấng “có thể hủy diệt cả hồn lẫn xác trong địa ngục”. Linh hồn bị hủy diệt theo nghĩa là vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa, chính là sự sống đích thực của mỗi linh hồn. Sự kính sợ Thiên Chúa này không ám chỉ một nỗi sợ bệnh hoạn bị Thiên Chúa trừng phạt, nhưng là một nỗi sợ làm mất lòng Thiên Chúa, Đấng hoàn toàn biết chúng ta và yêu thương chúng ta hết tình. Do đó, Chúa Giêsu liên kết sự kính sợ Thiên Chúa này với sự tin cậy đầy yêu thương nơi Thiên Chúa: “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Ngài cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10, 30-31). Dù với bất cứ hình thức nào, thì việc sợ làm mất lòng Thiên Chúa luôn được thể hiện qua quyết tâm vững chắc làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự và trên hết mọi sự.

Chúng ta chỉ có thể vượt qua nỗi sợ hãi của mình khi chúng ta thực sự biết sợ làm mất lòng Thiên Chúa, cũng như có quyết tâm vững vàng làm đẹp lòng Ngài trong mọi việc vì tình yêu dành cho Ngài. Chúng ta phải vượt qua nỗi sợ hãi của mình giống như cách mà Chúa Giêsu đã vượt qua nỗi sợ hãi của chính Người, tức là bằng cách có một ý định trong sáng trong mọi việc Người làm, “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Ngài không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Ngài” (Ga 8:29). Bằng cách đó, Chúa Giêsu đã chiến thắng nỗi sợ hãi cái chết trong Vườn Giệtsimani: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26:38). Vào những giờ phút đen tối đó khi các môn đệ của Người ngủ say và Người bước vào cơn hấp hối một mình, Người đã đối mặt với nỗi sợ hãi này bằng cách liên tục lặp lại sự dâng hiến của Người để làm đẹp lòng Chúa Cha hơn tất cả những người khác: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô, thế giới của chúng ta ngày nay ngày càng trở nên không biết sợ xúc phạm đến Thiên Chúa. Chúng ta phủ nhận rằng tội lỗi của chúng ta thực sự là tội lỗi mà đó chỉ là vấn đề của những quan điểm có thể thay đổi. Chúng ta biện minh cho những lựa chọn tội lỗi của mình bởi vì chúng ta cảm thấy Lời Chúa cần được cập nhật để đáp ứng thị hiếu và sự thích thú nhất thời của chúng ta. Chúng ta có những tội lỗi trái tự nhiên được hệ thống hóa thành luật của xã hội chúng ta dưới hình thức kết hợp đồng giới. Chúng ta không bảo vệ những người vô tội và kỷ luật những kẻ săn mồi tình dục.

Chúng ta cũng đã đánh mất quyết tâm làm đẹp lòng Thiên Chúa trên hết mọi sự. Chúng ta đang ở trong thời đại “tôi là trên hết” chỉ tìm kiếm niềm vui cho bản thân hơn tất cả mọi thứ. Chúng ta không nói sự thật vì chúng ta sợ làm mất uy tín của những người dị ứng với sự thật. Chúng ta thà chết chứ không hy sinh tiện nghi cá nhân. Chúng ta không làm hoặc không chịu đựng bất cứ điều gì nếu điều đó không đem lại một số lợi ích vật chất hoặc lợi ích tức khắc cho chúng ta. Thiên Chúa ngăn chặn không để chúng ta bị mang tiếng xấu vì đã nói và làm điều chân thật.

Nếu không sợ làm mất lòng Thiên Chúa và làm đẹp lòng một mình Ngài trong mọi việc, chúng ta trở thành nô lệ vô vọng của sự sợ hãi. Chúng ta sợ cả những điều sai trái và cả những điều đúng đắn, một cách sai lầm. Chúng ta sợ mọi người và những gì họ có thể nói hoặc làm với chúng ta. Chúng ta sợ bị đau ốm ngay cả khi chúng ta có sức khỏe tốt. Chúng ta sợ đau khổ và hy sinh có thể xẩy đến với chúng ta. Chúng ta sợ tương lai và tất cả những gì tương lai đó có thể gây ra.

Chính nhờ ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa mà chúng ta mới có thể kính sợ Thiên Chúa và có ý định trong sạch trong mọi sự. Tội lỗi của chúng ta khiến chúng ta trở nên ích kỷ hơn và muốn làm hài lòng bản thân hơn. Mặt khác, ân sủng của Thiên Chúa dành cho chúng ta nhờ thập giá là để chúng ta cũng có thể như Chúa Kitô chọn làm đẹp lòng Chúa Cha trên hết mọi sự trong trần thế này. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về sự dồi dào của ân sủng này dành cho tất cả chúng ta khi đối mặt với tội lỗi, “Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,12-15)

Chúng ta gặp chính Đấng đã nói với chúng ta, “Đừng sợ,” trong mỗi Thánh Lễ. Ngài luôn ban cho chúng ta cùng một ân sủng giúp chúng ta có thể tìm cách làm đẹp lòng Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta tha thiết. Ân sủng này thúc đẩy chúng ta làm theo ý muốn của Thiên Chúa với ý định ngày càng trong sạch hơn.

Hôm nay chúng ta cần phải thực hiện một sự lựa chọn cá nhân.

Hoặc chúng ta có thể nhận được ân sủng này một cách vô ích và vẫn tiếp tục làm hài lòng bản thân và những người khác trong khi xúc phạm đến Thiên Chúa. Như thế, chúng ta chọn trở thành nô lệ vô vọng của nỗi sợ hãi.

Hoặc chúng ta có thể quyết định sử dụng ân sủng này để làm đẹp lòng một mình Thiên Chúa trên hết mọi sự và chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh của Chúa Kitô để vượt qua mọi nỗi sợ hãi của chúng ta.

Thực hiện sự chọn lựa là việc của chúng ta.

Vinh danh Chúa Giêsu! Tôn vinh Mẹ Maria!

Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (27.06.2023)