Vài nét lịch sử
Giáo Hội Công Giáo Ucraina Đông phương hiện có khoảng 5 triệu tín hữu trên thế giới và là Giáo Hội lớn nhất trong số 22 cộng đoàn Công Giáo Đông phương hiệp nhất với Tòa Thánh. Trong số 36 giáo phận thuộc Giáo Hội này, có 20 giáo phận ở nước ngoài; riêng ở Bắc và Nam Mỹ có 12 giáo phận. Tại Ucraina, Giáo Hội này có khoảng 3.500 giáo xứ và 2.900 giáo sĩ.
Giáo Hội Công Giáo Ucraina được thành lập năm 1596 khi một số Giám Mục và tín hữu Chính Thống, dưới sự hướng dẫn của Đức Tổng Giám Mục giáo phận Kiev, trở về hiệp nhất và thuộc quyền Đức Thánh Cha thay vì thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople và cũng để tránh lệ thuộc tân Thượng Phụ Chính Thống Mátxcơva bấy giờ.
Dưới thời cộng sản Liên xô, Nhà Nước tổ chức một công nghị ngụy tạo trong Giáo Hội Công Giáo Ucraina Đông phương vào năm 1946, và quyết định trở về hiệp nhất với “Giáo Hội Mẹ” là Chính Thống Nga. Mọi thánh đường và tài sản của Công Giáo đều bị tịch thu và giao cho Chính Thống Nga quản lý. Các tín hữu và giáo sĩ cũng bị ép trở thành tín hữu Chính Thống Nga. Nhiều Giám Mục và tín hữu Công Giáo Ucraina không tuân phục quyết định đó, bị bắt và lưu đày tới miền Siberia và chết rũ tù tại đó. Chỉ tới năm 1989, Giáo Hội này mới ra khỏi tình trạng hầm trú ở Ucraina.
Tòa Thánh và Công Giáo Ucraina
Trong những quan hệ đại kết với Chính Thống Nga, đặc biệt sau khi Ucraina được độc lập và các Cộng đoàn Công Giáo nghi lễ Đông phương tại nước này hồi sinh, Tòa Thánh vẫn luôn bênh vực quyền hiện hữu và tự do hành đạo của Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ucraina.
Năm 2014, khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ucraina: Nga xáp nhập bán đảo Crimea, rồi chiếm miền Donetsk và Luhansk, nơi có đa số dân là người gốc Nga, nhiều người Ucraina từ miền này phải tị nạn tới các vùng khác trong nước. Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát động cuộc lạc quyên tại Âu Châu để cứu trợ các nạn nhân chiến tranh tại Ucraina. Và sự quan tâm và trợ giúp này càng gia tăng khi Nga bắt đầu xâm chiếm Ucraina từ ngày 24/2/2022. Đức Thánh Cha liên tục kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho “Ucraina đang bị đau khổ”. Ngài cũng hết sức cổ võ hòa bình cho dân nước này bằng đường lối thương thuyết ngoại giao, thay vì bằng võ lực quân sự với sự giúp đỡ của khối Nato, đứng đầu là Mỹ với bao nhiêu tỷ võ khí được đổ vào chiến trường Ucraina. Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Tổng trưởng Bộ bác ái, thay mặt Đức Thánh Cha, đã tổ chức 110 xe tải chở các đồ cứu trợ sang giúp các nạn nhân chiến tranh ở Ucraina.
Tuy nhiên có những cử chỉ và tuyên bố của Đức Thánh Cha bị người Ucraina cho là ngài “thân Nga” vì không quyết liệt đích danh lên án Nga.
Những lời Đức Thánh Cha với giới trẻ Công Giáo Nga
Sự hiểu lầm này lên tới cao độ nhân cuộc gặp gỡ trực tuyến chiều ngày 25/8 vừa qua (2023) của Đức Thánh Cha với hơn 400 bạn trẻ Công Giáo Nga ở thành phố San Petersburg.
Qua màn hình lớn, ngài đã đọc bài diễn văn dọn sẵn bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng vào cuối bài, ngài ứng khẩu nhắn nhủ bằng tiếng Ý rằng: “Các con đừng quên gia sản của mình. Các con là những người thừa kế của Nga vĩ đại – nước Nga vĩ đại của các thánh, các vua, đại Nga của Pie đại đế, của nữ hoàng Catarina II, đại đế quốc Nga, – phong phú về văn hóa và tình nhân đạo. Các con là hậu duệ của Đại mẫu quốc Nga. Hãy tiếp tục tiến bước…”
Phản ứng của Ucraina
Các cơ quan truyền thông Nga đặc biệt đề cao những lời trên đây của Đức Thánh Cha. Nhưng về phía Ucraina, dư luận mạnh mẽ phê bình và phản đối. Ông Oleg Nikolenko, Phát ngôn viên của bộ ngoại giao Ucraina, viết trên Facebook rằng “Thật là đáng tiếc vì những ý tưởng về một đại cường Nga, trong thực tế là nguyên nhân gây ra cuộc tấn công, xâm lăng kinh niên của Nga, đã xuất phát, cách ý thức hoặc vô thức, từ miệng Đức Giáo Hoàng, mà theo ý kiến chúng tôi, sứ mạng của ngài chính là mở mắt cho những người trẻ Nga về con đường hủy diệt hiện nay của giới lãnh đạo Nga… Chính do sự tuyên truyền đế quốc ấy và về sự cần thiết phải cứu “đại mẫu quốc Nga” mà Điện Kremlin biện minh cho sự sát hại hàng ngàn người Ucraina, và tàn phá hàng trăm thành phố và làng mạc của Ucraina”.
Giáo chủ Công Giáo Ucraina Đông phương
Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk cũng ra thông cáo bày tỏ lo âu nhiều vì những phản ứng tiêu cực trong dư luận ở Ucraina trước những lời gán cho Đức Thánh Cha, cho rằng ngài ủng hộ tham vọng đế quốc của Nga, đồng thời Đức Tổng Giám Mục trưởng chia sẻ những đau lòng và thất vọng của các Giám Mục, giáo sĩ và giáo dân Công Giáo cũng như các Giáo Hội Kitô khác, vì những lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng bị coi như khích lệ những thái độ quốc gia chủ nghĩa và đế quốc, gây ra chiến tranh hiện nay.
Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Ucraina và Phòng báo chí Tòa Thánh bác bỏ những giải thích sai trái đối với Đức Thánh Cha và trên chuyến bay từ Mông Cổ về Roma chiều ngày 4/9/2023, chính ngài cũng minh xác bối cảnh câu trả lời, và chủ ý của ngài là nhắc nhở những người trẻ Công Giáo Nga hãy đảm trách gia sản của mình. Ngài xác quyết rằng “gia sản văn hóa của Nga rất tốt. Bạn hãy nghĩ đến văn chương, âm nhạc, đến văn hào Nga Dostoievski… Có những năm đen tối tại Nga, nhưng gia sản vẫn còn đó… Cần phải phân biệt giữa văn hóa của một dân tộc và những ý thức hệ nảy sinh sau đó nơi một triết gia hay một nhà chính trị của dân tộc ấy. Tôi nói điều đó cho tất cả mọi người, kể cả đối với Giáo Hội”.
Gặp gỡ các Giám Mục Ucraina
Cơ hội cho cuộc giải tỏa chính thức những hiểu lầm từ phía Công Giáo Ucraina là cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và 45 Giám Mục thuộc Giáo Hội này trong 1 giờ 40 phút sáng ngày 6/9/2023 tại Vatican.
Các Giám Mục đã trình bày cho Đức Thánh Cha tất cả những “bức xúc” từ phía các tín hữu Công Giáo Ucraina ở quốc nội và các nơi trên thế giới về những lời nói và cử chỉ của ngài. Đức Tổng Giám Mục Trưởng Shevchuk nói: “Một số lời tuyên bố và cử chỉ của Tòa Thánh, đặc biệt là của Đức Thánh Cha, trở thành điều đau khổ và khó hiểu đối với nhân dân Ucraina, trong lúc này đang chiến đấu và đổ máu để bảo tồn phẩm giá và nền độc lập của họ… Ngoài ra, ngay từ đầu cuộc chiến tranh ở mức độ rộng lớn, những hiểu lầm đó đã bị guồng máy tuyên truyền của Nga lợi dụng để biện minh, cổ võ và ủng hộ ý thức hệ sát nhân của ‘thế giới Nga’, vì thế các tín hữu của Giáo Hội chúng con đặc biệt nhạy cảm đối với mỗi lời của Đức Thánh Cha, người đại diện cho tiếng nói hoàn vũ của sự thật và công lý”.
Giải thích của Đức Thánh Cha
Nhắc lại điều ngài đã trả lời giới báo chí trên chuyến bay từ Mông Cổ trở về Roma, Đức Thánh Cha khẳng định rằng đau khổ đích thực được biểu lộ khi gia sản văn hóa của một dân tộc phải chịu một sự “thanh lọc” và chịu những lèo lái của một quyền bính nào đó của Nhà Nước, theo sau đó, nó biến thành một ý thức hệ tàn phá và giết hại. Thật là một thảm họa khi một ý thức hệ như thế tràn vào trong Giáo Hội và thay thế Tin Mừng của Chúa Kitô”.
Đức Thánh Cha nhìn nhận rằng “sự kiện người ta nghi ngờ Giáo Hoàng đứng về phe nào là một đau khổ đặc biệt đối với nhân dân Ucraina”. Ngài nói: “Tôi muốn bảo đảm với anh em tình liên đới của tôi với anh em và luôn gần gũi trong kinh nguyện, cũng như với toàn dân Ucraina”.
Như một cử chỉ đặc biệt, và biểu tượng sự gần gũi với nhân dân Ucraina, Đức Thánh Cha đã mang theo một một ảnh Đức Mẹ Thiên Chúa. Ngài giơ cho các Giám Mục Ucraina và nói: “Bức ảnh này đã được Đức Tổng Giám Mục trưởng Shevchuk tặng cho tôi khi tôi còn là một Giám Mục trẻ ở Argentina. Trước ảnh này, tôi cầu nguyện hằng ngày cho Ucraina”.
Trong cuộc gặp gỡ, các Giám Mục đã cám ơn Đức Thánh Cha vì sự liên lỷ dấn thân bênh vực Ucraina trên bình diện quốc tế, những sáng kiến nhân đạo của ngài, những cố gắng cá nhân để giải thoát các tù nhân, và sứ vụ hòa bình ủy thác cho phái viên đặc biệt là Đức Hồng Y Matteo Zuppi và những sáng kiến tương tự”.
“Làm ơn mắc oán”
Gần 2 tiếng đồng hồ trao đổi chắc chắn không đủ đánh tan những hiểu lầm nhưng cũng góp phần làm sáng tỏ vấn đề, để Đức Thánh Cha khỏi bị rơi vào tình trạng “làm ơn mắc oán” nơi người Ucraina, như Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã nhận xét trong cuộc gặp gỡ các Giám Mục Ucraina sáng ngày 5/9 tại Vatican. Đức Hồng Y nhắc đến lòng yêu mến và quan tâm, giúp đỡ của Đức Thánh Cha đối với Ucraina và bao nhiêu cử chỉ được lập lại và đầy ý nghĩa đối với dân nước này, vì thế, Đức Hồng Y nói: “Thật là bất công khi nghi ngờ lòng quí mến của Đức Thánh Cha đối với nhân dân Ucraina và những cố gắng của ngài, không luôn được hiểu và đánh giá cao, nhắm góp phần chấm dứt thảm trạng đang diễn ra, và đảm bảo một nền hòa bình công chính và bền vững qua cuộc thương thuyết”.
Tin tức liên quan khác
Ngày 15/08: Đức Mẹ hồn xác về trời (Lc 1,39-56)
Thứ Năm tuần 18 Thường niên năm II – Hiểu biết và Dấn thân (Mt 16,13-23)
Thứ Năm tuần 15 Thường niên năm I – Hãy đến với Ta (Mt 11,28-30)
Đức Thánh Cha Phanxicô nói với sinh viên Châu Á: “Hãy trung thành với niềm xác tín và đức tin của mình”
Tháng Sáu – Tháng Thánh Tâm
Thứ Năm tuần 4 mùa Chay (Ga 5,31-47)
Thứ Bảy tuần 13 Thường niên năm II (Mt 9,14-17)
Giáo xứ Văn Hạnh: Thánh lễ Kỷ Niệm Cung Hiến Thánh Đường và Khai Mạc Tuần Chầu Đền Tạ