Người bảo các ông:
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.
Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt
sai thợ ra gặt lúa về”.
(Lc 10,2)
BÀI ĐỌC I (năm I): Nkm 8, 1-4a. 5-6. 7b-12
“Thầy Esdra mở sách luật ra, chúc phúc cho dân và toàn dân đáp lại: Amen! Amen!”
Trích sách Nơkhemia.
Trong những ngày ấy, toàn dân mọi người như một, tụ họp lại ở phố trước cửa Nước, họ xin thầy Esdra mang ra sách Luật của Môsê mà Chúa đã truyền cho dân Israel. Vậy thầy tư tế Esdra mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật.
Thầy thư ký Esdra đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng lên. Esdra chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại: Amen, Amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Các thầy Lêvi khiến dân chúng thinh lặng để nghe đọc Lề Luật: Dân chúng mỗi người đứng nơi mình. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được điều đã đọc.
Nơkhemia là tổng trấn, Esdra là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng, nói với họ rằng: “Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa chúng ta: anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc”. Vì lúc đó toàn dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật.
Họ nói với dân chúng rằng: “Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gởi phần cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh dâng cho Chúa, đừng buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn lũy của chúng ta”.
Các Thầy Lêvi khiến toàn dân thinh lặng mà rằng: “Anh chị em hãy thinh lặng, vì hôm nay là ngày thánh, nên chớ lo buồn”. Vì thế toàn dân đi trở ra ăn uống, gởi phần cho những người không có, và đầy hân hoan vui mừng, vì người ta hiểu rõ những lời mình nghe giảng dạy.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can
Xướng: Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
Xướng: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.
Xướng: Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy.
Xướng: Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt hơn mật, và hơn cả mật chảy tự tàng ong.
Tin mừng: Lc 10, 1-12
1 Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông:
3Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.
5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này! “ 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.
7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”
10 Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: 11 “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.”
12 Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Nhiệm vụ loan báo Tin Mừng không chỉ dành riêng cho mười hai tông đồ, nhưng là sứ mạng của tất cả mọi người. Là người Kitô hữu, ta được Chúa sai đi nối tiếp công việc truyền giáo của các tông đồ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi sai các môn đệ ra đi, Chúa đã căn dặn các ông cầu xin Chúa Cha ban nhiều thợ gặt. Chúa muốn các ông ý thức vai trò của các ông là hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, vì Chúa Cha là chủ ruộng. Hôm nay, Chúa cũng mời con lên đường truyền giáo, nhưng công việc truyền giáo cần phải bắt đầu bằng những giờ cầu nguyện. Vâng Chúa ơi, công việc của Chúa trao phó luôn luôn bắt đầu từ tấm lòng đáp trả lại lời mời gọi, và được cụ thể hoá bằng giờ phút riêng tư giữa con với Chúa. Vì lạy Chúa, những giờ phút cầu nguyện sẽ đem lại cho con một nghị lực mới, một ánh sáng chan hòa, tạo được một sức sống trào dâng. Xin Chúa dạy con biết cầu nguyện.
Lạy Chúa, cầu nguyện là điều cần thiết, nhưng Chúa không miễn chuẩn cho con phải làm việc: “Anh em hãy ra đi”. Lệnh truyền của Chúa thật dứt khoát. Xin Chúa giúp con ra đi với một tấm lòng rộng mở. Con tin việc làm của con sẽ có một năng lực phi thường vì có Chúa trợ giúp. Xin giúp con biết làm việc tông đồ trong khi kết hiệp với Chúa.
Xin Chúa cho con biết ra đi khỏi chính mình để luôn bận tâm làm việc cho Chúa mà thôi. Xin cho con ra đi khỏi những ràng buộc của thế gian, để có thể phục vụ một người Chủ duy nhất là chính Chúa. Amen.
Ghi nhớ:“Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống…)
Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng:
– Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm tông đồ mà còn cả nhóm môn đệ nữa. Luca muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý này lại được làm rõ thêm với con số 72. Đây là số dân của loài người mà St 10 đã liệt kê.
– “Từng nhóm hai người”: Việc loan Tin mừng không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người khác.
– “Hãy cầu xin”: Việc đầu tiên mà nhà truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Thiên Chúa là chủ mùa gặt, nhận ai vào Nước Thiên Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài. Chúa Giêsu bảo cầu xin là để các môn đệ ý thức rằng họ được gọi là nhờ ơn Chúa, và để có thêm nhiều người nữa nhận được ơn ấy.
– “Như chiên non vào giữa sói rừng”: Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ về những hiểm nguy và sự thù nghịch mà có thể họ sẽ gặp phải.
– “Đừng chào ai dọc đường”: việc chào hỏi của người Phương Đông thường kéo theo những câu chuyện rề rà rất lâu. Trong khi sứ mạng loan Tin mừng đòi phải gấp.
– “Bình an cho nhà này”: đây vừa là một lời chúc vừa là một lời ban ơn bởi vì nó có sức tạo nên điều nó chúc (Is 45, 23). Người rao giảng Tin Mừng phải là “con cái của sự bình an”. Họ phải có bình an trong mình và sau đó đem bình an ấy ban lại cho người khác. Nếu nhà nào đáng được hưởng ơn bình an thì được bình an, nếu không thì ơn bình an trở lại cho người chúc.
– “Cứ ở lại nhà ấy”: gặp nhà nào đầu tiên cho ở thì người môn đệ hãy ở đó. Đừng tìm hiểu nhà để so sánh chọn lựa nhà nào tiện nghi hơn. Điều quan trọng là loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa chứ không phải tiện nghi cho mình hoặc cách người ta tiếp rước mình.
– “Ăn uống của người ta cung cấp cho mình”: sứ mạng của môn đệ đừng để bị ảnh hưởng bởi những quan tâm có tính cách trần thế (đòi hỏi hoặc e ngại những gì của ăn uống người ta lo cho mình).
– “Thợ đáng trả lương”: đây là một nguyên tắc (1Tm 5, 18; 1Cr 9, 11). Nhưng người thừa sai cũng có thể tự ý từ chối (1Cr 9, 14-18).
– “Người ta dọn thức gì cứ ăn thức ấy”: Người rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu không còn bị bận vướng bởi luật Môsê về sự phân loại thức ăn nào sạch, thức ăn nào dơ (1Cr 10, 27).
– “Hãy chữa lành các bệnh nhân”: đây là dấu hiệu Nước Thiên Chúa gần đến.
– “Phủi bụi chân”: người Do Thái thường phủi bụi chân khi từ một vùng đất ngoại trở về đất Palestina vốn được coi là đất thánh. Cử chỉ này có nghĩa là không có chung đụng giữa Israel và dân ngoại. Thành nào không đón nhận sứ điệp của Chúa Giêsu thì cũng cắt đứt liên hệ với dân Thiên Chúa, trách nhiệm là thuộc về họ.
– Thành đó sẽ đáng chịu phán xét trong ngày chung thẩm, họ sẽ bị trừng phạt nặng nề còn hơn Sôđôma ngày xưa. Việc các thừa sai đến loan Tin mừng là cơ hội cho người ta chọn lựa để hoặc được cứu độ hoặc bị luận phạt.
B. Suy niệm (…nẩy mầm)
1. Truyền giáo là bổn phận của tất cả mọi tín hữu không trừ ai. Thực ra, người tín hữu Việt Nam chỉ mới lo giữ đạo chứ chưa ý thức truyền đạo.
2. Việc đầu tiên người truyền giáo phải làm là “cầu xin”. Đây là điều mà chúng ta hay quên.
3. Điều thứ hai người truyền giáo phải lưu ý là: cái họ cần có hơn là ơn Chúa chứ không phải là những phương tiện vật chất (túi tiền, bao bị, giày dép…)
4. Việc làm chính của người truyền giáo là “chữa lành các bệnh tật”, nghĩa là làm giảm bớt đi những đau khổ tinh thần và vật chất của người ta.
5. “Anh em hãy ra đi. Đừng mang theo túi tiền, bao bị giày dép.(Lc 10, 4)
Nếu phải thực hiện một chuyến đi dài, tôi sẽ mang theo thứ gì ? Chắc chắn là những gì gọn nhất, nhẹ nhất, cần thiết nhất. Và hôm nay, trong lênh truyền của Chúa Giêsu tôi đọc được nét nhẹ nhàng thanh thoát ấy trong bước chân của người môn đệ không giày dép, bao bị, tiền nong…
Và phải chăng cũng vang động trong tâm hồn tôi lời mời gọi “ra một cuộc lữ hành” ? Nhưng lạy Chúa, khó quá, vì nơi con: Đã quen rồi bóng râm của tiện nghi, an toàn. Đã quen rồi đôi giày của danh vọng. Đã quen rồi chiếc đồng hồ kế hoạch. Đã quen rồi bao bị của bằng cấp, bạc tiền.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin giải thoát con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con. (Hosanna).
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Thánh Giêrônimô, linh mục, tiến sĩ hội thánh (Lc 10,1-12)
- Đức Giêsu đi rao giảng Tin mừng Nước trời cho dân chúng để đem lại ơn cứu độ cho họ. Mối ưu tư hàng đầu của Ngài là làm cho mọi người được nghe biết Tin mừng. Và mối ưu tư ấy đã được diễn tả trong lúc thổ lộ tâm tình với các môn đệ: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt lúa về” (Lc 10,2).
Sau khi đã trang bị cho họ những khả năng tinh thần tuyệt diệu, Đức Giêsu đã sai 72 môn đệ đi loan báo Tin mừng bình an cho mọi người. Ngài ân cần khuyên họ đừng lo tìm an toàn nơi các phương tiện vật chất trần gian. Họ vâng lời ra đi và trở về trong hân hoan. Đức Giêsu cho họ biết họ hãy vui mừng, vì tên tuổi họ đã được ghi trên Nước trời.
- Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng, điều đầu tiên Chúa muốn nơi họ là lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. 72 môn đệ được sai đi tay không. Chúa cũng không ra lệnh cho họ đến các hội đường hay các ngã ba đường để rao giảng, nhưng là đến từng nhà và hội nhập vào đó, hiện diện như một phần tử trong gia đình, ăn những gì người ta dọn cho. Nhờ đó Tin mừng sẽ được đón nhận dễ dàng hơn, bởi vì Tin mừng không còn là sức mạnh áp đặt từ bên ngoài, mà là một sức sống từ người rao giảng truyền sang những người khác và đâm rễ sâu trong lòng họ (Mỗi ngày một tin vui).
- Bảy mươi hai môn đệ là hình bóng của mọi tín hữu được kêu mời tham gia vào việc tông đồ của hàng Giáo phẩm. Đức Giêsu đã nói: “Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít”. Vậy thợ gặt là ai? Trước đây người ta thường dành danh xưng “thợ gặt” cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các nhà truyền giáo. Đây là một nhầm lẫn. Không ai có thể trở thành Kitô hữu mà lại không cảm nghiệm nơi mình nỗi lo âu của Đức Giêsu trước cánh đồng lúa chín mênh mông. Những tác vụ đa dạng sẽ làm nảy sinh những hình thức hoạt động khác nhau nơi mỗi người, nhưng ai nấy theo cách của mình, đều được gọi và làm việc ở đồng lúa chín (L. Sintas).
- Ngay từ đầu sứ vụ, Đức Giêsu đặt công việc truyền giáo trong cái nhìn cấp bách và khẩn thiết. Cho nên Chúa tuyển chọn 12 tông đồ và sau đó là 72 môn đệ, huấn luyện và sai đi truyền giáo. Hội thánh ngày hôm nay cũng không ngừng tiếp tục mời gọi những người thành tâm thiện chí tiếp tục ra đi loan báo sứ điệp tình thương và ơn cứu độ của Chúa cho trần gian, qua mọi thời đại. Cần ý thức rằng, qua bí tích Rửa tội, mỗi tín hữu cũng là một nhà truyền giáo, được sai đi để làm công việc của Chúa là cứu chữa các linh hồn (5 phút mỗi ngày).
- Trong tinh thần ấy, thánh Phanxicô Xaviê hồi còn là sinh viên ở trường đại học Paris, đã nghe được lời mời gọi trở thành linh mục và sau đó ngài là một nhà truyền giáo ở Ấn độ. Một trong những lá thư của ngài từ Ấn độ vang vọng lời Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay. Đây là một phần của lá thư:
“Nơi đây, nhiều người không trở nên Kitô hữu được, chỉ vì lý do là không có ai sẵn sàng đảm nhận việc dạy dỗ cho họ về Chúa. Tôi thường nghĩ đến việc đi tới trường đại học ở châu Âu và kêu gọi những người thợ đến thu hoạch mùa ở Ấn độ”.
- Đức Giêsu đã kêu gọi và ngày nay Hội thánh cũng kêu gọi chúng ta hãy tích cực tham gia vào trong việc truyền giáo này. Đức Giêsu đã không dành riêng việc rao giảng Tin mừng cho các Tông đồ, mà còn sai 72 môn đệ ra đi. Nói khác đi, Ngài muốn gửi sứ mạng rao giảng đến mỗi người chúng ta. Ước gì chúng ta luôn ý thức sứ mạng rao giảng đó, không những bằng lời nói mà nhất là bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ.
Nói một cách cụ thể, chúng ta có thể tham gia vào việc truyền giáo bằng cầu nguyện, xin Chúa sai nhiều thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo. Đây là một việc mọi người có thể làm bất cứ lúc nào. Cầu nguyện còn chứng tỏ lòng tin tưởng cậy trông của chúng ta, vì từ việc sai thợ gặt đến cánh đồng truyền giáo, cho đến việc cứu độ thực sự là làm cho người ta chấp nhận Tin Mừng, trở về với Chúa để được hưởng ơn cứu độ.
- Truyện: Chúa cần bàn tay bạn
Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều tiên trước đây là một cuộc chiến tranh tàn khốc. Một ngôi làng nhỏ rơi vào dưới làn đạn của trọng pháo. Trong làng có một ngôi nhà thờ Công giáo, bên ngoài nhà thờ có một bệ cao, bên trên có đặt một bức tượng Đức Kitô. Tuy nhiên, khi cuộc chiến tranh qua, rồi bức tượng đã biến mất. Bức tượng đã bị hất ra khỏi bệ vỡ ra từng mảnh trên mặt đất.
Một hôm lính Mỹ đã giúp vị linh mục thu thập những mảnh vụn. Một cách cẩn thận, họ đã ráp lại pho tượng. Họ tìm thấy tất cả các mảnh vỡ, trừ đôi bàn tay. Họ đề nghị khi trở về Mỹ họ sẽ đặt làm đôi bàn tay ấy. Nhưng vị linh mục đã từ chối. Ngài nói:
– Tôi có một ý tưởng hay hơn: Chúng ta hãy để pho tượng không có bàn tay. Và chúng ta sẽ ghi vào chân đế lời này: BẠN ƠI, BẠN HÃY CHO TÔI MƯỢN ĐÔI BÀN TAY CỦA BẠN” (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật B, tr. 494).
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Tướng Carreau bị thương nặng, sắp chết. Sau khi được chịu các phép sau hết, ông cầm lấy thánh giá mà vợ ông đã mang vào cổ ông, nói với các bạn binh sĩ của ông:
“Các bạn hãy can đảm lên!. Giữa các sự cực nhọc và đau khổ của mình, các bạn đừng quên rằng cuộc đời là vắn vỏi và ta thật vô phúc nếu khi chết, ta thấy rằng ta đã không hiểu biết, đã không thờ lạy và đã không bênh vực Chúa Giêsu”.
Suy niệm
Tyrô và Siđôn, những thành phố phồn thịnh, nổi tiếng thời Cựu ước, cũng là cửa ngõ bị ảnh hưởng của đời sống ngoại giáo xâm nhập vào Israel, nên các ngôn sứ hay phê phán nặng lời các thành phố này (x. Is 23; Ed 26-28; Ge 4,4-8; Am 1,9-10; Dcr 9,2-4). Riêng Sôđôma là thành phố tội lỗi đã bị Chúa hủy diệt bằng lửa… Các ngôn sứ lên án vì nếp sống thực dụng vật chất hưởng thụ dẫn tới những sa đọa luân lý, tôn thờ ngẫu tượng của ngoại bang tại các thành phố này.
Corozain, Bethsaiđa và Capharnaum là những thành phố nằm trên bờ hồ Giênêgiarét. Chúa Giêsu và các môn đệ đã nhiều lần rao giảng Tin Mừng, cũng như làm nhiều phép lạ ở các nơi này. Cuộc sống vật chất sung túc, làm cho con người không chỉ sa đọa, mà còn chối bỏ tương quan với Ðấng Tạo Hóa qua việc họ không tin vào lời giảng dạy của Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ. Thế mà dân ở đây vẫn cứng lòng không lãnh nhận giáo huấn Chúa.Chính sự chối bỏ, cứng tin của họ, làm cho họ bị phán xét nặng hơn vì ngoan cố không chịu nghe theo Chúa. Thế mà dân ở đây vẫn cứng lòng không theo Chúa. Hình phạt cho các thị trấn sẽ nặng hơn vì ngoan cố không chịu nghe theo Chúa.
Khi loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, đời người sẽ trở nên trống rỗng vắng bóng Ngài, dễ dàng rơi vào sa đọa… Chỉ tin vào Thiên Chúa, khi đó con người mới biết đặt Ngài vào trọng tâm cuộc đời, sống những giá trị thiêng liêng và xây dựng tình người với nhau.
Ý lực sống
“Con hy vọng rất nhiều vào Chúa,
linh hồn con trông cậy ở Lời Chúa”
(Tv 130,5).
Tin tức liên quan khác
Đức Hồng y Hollerich: “Học cách nhìn giáo hội hoàn vũ trong các giáo hội địa phương”
Thứ Hai tuần 22 Thường niên năm II (Lc 4,16-30)
Thứ Bảy tuần 19 Thường niên năm II – Tôn trọng trẻ nhỏ (Mt 19,13-15)
Giáo Xứ Văn Hạnh: Chúa Thánh Thần Ngự Đến Trên Gần 300 Em Thiếu Nhi
Soi vào ánh sáng
Thứ Năm tuần 12 Thường niên năm II – Thực thi ý Chúa (Mt 7,21-29)
Suy tôn Thánh Giá và phục hồi căn tính
Nghi lễ tiếp đón ĐTC và ĐTC thăm hữu nghị tổng thống Indonesia