WHĐ (23.01.2024) – Sáng ngày 22.01, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tiếp kiến 150 thành viên Hiệp hội Nhà báo Quốc tế đăng ký tại Vatican (The International Association of Journalists accredited to the Vatican).
Được biết, các ký giả chịu trách nhiệm đưa tin từ Vatican nhóm lại thành một Hiệp hội kể từ ngày mồng 06.06.1978. Hiện nay, Hiệp hội hiện có khoảng 250 thành viên đến từ 5 châu lục, và đại diện cho 130 cơ quan truyền thông gồm báo viết, phát thanh, truyền hình, và các hãng thông tấn cả Công giáo và không Công giáo.
Đây là lần đầu tiên Hiệp hội Nhà báo Quốc tế đăng ký tại Vatican được tiếp kiến chính thức với một vị giáo hoàng. Sau khi đọc bài diễn văn khoảng 12 phút, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành thời gian chào hỏi từng ký giả.
Dưới đây là nội dung bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC THÀNH VIÊN HIỆP HỘI NHÀ BÁO QUỐC TẾ ĐĂNG KÝ TẠI VATICAN
Hội trường Clementine
Thứ Hai, ngày 22 tháng 01 năm 2024
Anh chị em thân mến, Xin chào anh chị em!
Xin chào đón anh chị em, dù anh chị em đang ở nhà tại đây! Tôi rất vui, vì đây là cơ hội để tôi cảm ơn anh chị em, những người bạn đồng hành của tôi, vì công việc anh chị em đang làm trong việc thông tin cho độc giả, thính giả và khán giả về hoạt động của Tòa Thánh. Quý ký giả, nhân viên truyền thông, nhiếp ảnh gia, nhà sản xuất: anh chị em là một cộng đoàn được hiệp nhất bởi một sứ mạng. Tôi biết niềm say mê và tình yêu của anh chị em đối với những gì anh chị em tường thuật cũng như nỗ lực của anh chị em. Nhiều người trong anh chị em đưa tin không chỉ về Vatican mà còn cả Ý, Nam Âu, Địa Trung Hải và các quốc gia nơi anh chị em đến.
Trở thành nhà báo là một ơn gọi, hơi giống ơn gọi của một bác sĩ, người chọn yêu thương nhân loại qua việc chữa bệnh. Cũng vậy, theo một nghĩa nào đó, nhà báo chọn chạm vào những vết thương của xã hội và thế giới. Đó là một lời mời gọi xuất hiện khi còn trẻ và dẫn đến sự hiểu biết, làm sáng tỏ, và tường thuật. Tôi ước mong anh chị em quay trở lại cội nguồn của ơn gọi này, ghi nhớ nó, nhớ lại lời mời gọi liên kết anh chị em trong một nhiệm vụ quan trọng như vậy. Một đàng cần hiểu biết và tường thuật bao nhiêu, thì đàng khác cần nuôi dưỡng tình yêu vô điều kiện đối với sự thật bấy nhiêu!
Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn không chỉ vì những gì anh chị em viết và truyền tải, mà còn vì sự kiên trì và kiên nhẫn của anh chị em trong việc hàng ngày theo dõi những tin tức đến từ Tòa thánh và Giáo hội, đưa tin về một tổ chức vượt quá “ở đây và lúc này”, và đời sống của chính chúng tôi. Như Thánh Phaolô VI đã nói, có “sự cảm thông, quý trọng và tin tưởng đối với những gì anh chị em là và những gì anh chị em làm” (Diễn văn dành cho đại diện báo chí Ý và nước ngoài, ngày 29.06.1963). Tôi cũng cám ơn anh chị em vì những hy sinh trong việc theo Giáo hoàng đi khắp thế giới và thường làm việc cả vào ngày Chúa nhật lẫn ngày lễ. Tôi phải xin lỗi anh chị em vì những lúc tin tức liên quan đến tôi, theo nhiều cách khác nhau, đã khiến anh chị em phải xa gia đình, không thể chơi với con cái – điều này rất quan trọng; Thú thật là tôi có hỏi bậc cha mẹ: “Anh chị có chơi với con cái mình không?”: đây là một trong những việc mà người cha, người mẹ luôn phải làm, là chơi với con – và không có giờ cho chồng/vợ mình.
Cuộc gặp gỡ của chúng ta là cơ hội để suy tư về công việc khó nhọc của một chuyên gia về Vatican (Vaticanista), trong việc đưa tin về hành trình của Giáo hội, trong việc xây dựng những cây cầu kiến thức và truyền thông thay vì những rạn nứt chia rẽ và ngờ vực (x. Thánh Gioan XXIII, Diễn văn dành cho các ký giả nhân Hội đồng Quốc gia của Liên đoàn Báo chí Ý, ngày 22.02.1963).
Vậy thì chuyên gia về Vatican là ai? Để trả lời, tôi mượn lời của một trong những đồng nghiệp của anh chị em, người vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 và là người đã đi tới rất nhiều nơi với các Giáo hoàng. Nói về công việc của mình với tư cách là một phóng viên tại Vatican, ông định nghĩa đó là “một công việc nhanh đến mức tàn nhẫn, bất tiện gấp đôi khi áp dụng vào một chủ đề cấp cao như Giáo hội, mà các phương tiện truyền thông thương mại chắc chắn sẽ đưa nó lên [ …] cấp độ thị trường”. Ông nói thêm: “Trong nhiều năm làm phóng viên tại Vatican, tôi đã học được nghệ thuật tìm kiếm và thuật lại những câu chuyện cuộc sống, đó là một cách yêu thương con người […]. Tôi đã học được sự khiêm tốn. Tôi đã tiếp cận nhiều người của Thiên Chúa, những người đã giúp tôi tin tưởng và duy trì tính nhân văn. Do đó, tôi chỉ có thể khuyến khích những ai muốn dấn thân vào chuyên ngành báo chí này” (L. Accattoli, Lời tựa cho G. Tridente, Diventare vaticanista. Informazione religiosa ai tempi del Web, 2018, 5-7). Bất chấp những khó khăn, đó là một sự khích lệ tuyệt vời: yêu thương con người, học tính khiêm tốn.
Thánh Phaolô VI, ngay sau khi được bầu chọn làm giáo hoàng, trong những tháng trước khi Công đồng tiếp tục, đã mời gọi các ký giả đưa tin về các sự kiện của Vatican hãy đắm mình vào bản chất và tinh thần của các sự kiện mà họ đã tận tâm để đưa tin. Ngài nói: “Bạn không nên bị hướng dẫn, như đôi khi xảy ra, bởi những tiêu chí phân loại các sự việc của Giáo hội theo những phạm trù trần tục và chính trị, vốn không phù hợp với chính sự việc, thậm chí thường làm biến dạng sự việc, nhưng bạn phải xem xét tính đến những gì thực sự ảnh hưởng đến đời sống của Giáo hội, nghĩa là các mục đích tôn giáo và đạo đức cũng như những phẩm chất tâm linh đặc trưng của Giáo hội” (Diễn văn dành cho các Đại diện Báo chí). Tôi muốn thêm vào sự tế nhị mà anh chị em thường có khi nói về những vụ bê bối trong Giáo hội: có một số và rất nhiều lần tôi đã thấy nơi anh chị em một sự tế nhị tuyệt vời, một sự tôn trọng, và một sự im lặng gần như “bối rối”: Xin cảm ơn anh chị em vì thái độ này.
Cảm ơn anh chị em vì nỗ lực duy trì tầm nhìn vốn có khả năng nhìn đằng sau vẻ bề ngoài, biết cách nắm bắt bản chất, không nhượng bộ trước sự hời hợt của những khuôn mẫu và những công thức thông tin được đóng gói sẵn, mà trước sự khó khăn trong tiến trình tìm kiếm sự thật, thích phân loại cách dễ dãi các sự kiện và ý tưởng theo sơ đồ đã được thiết lập sẵn. Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục đi theo lộ trình biết làm sao để kết hợp thông tin với suy tư, trò chuyện với lắng nghe, và phân định với tình yêu.
Cũng với vị ký giả mà tôi đã trích dẫn, lập luận rằng trong môi trường truyền thông, “‘chuyên gia về Vatican’ sẽ phải chống lại ơn gọi bẩm sinh của truyền thông đại chúng là nhằm thao túng hình ảnh của Giáo hội, nhiều hơn bất kỳ hình ảnh nào khác liên quan đến con người. Quả thực, các phương tiện truyền thông có xu hướng bóp méo tin tức tôn giáo. Họ xuyên tạc tin tức tôn giáo bằng cả phạm vi cao cả hoặc ý thức hệ lẫn phạm vi thấp hèn hoặc ngoạn mục. Hiệu ứng tổng thể là sự biến dạng kép hình ảnh của Giáo hội: phạm vi thứ nhất có xu hướng áp đặt thông tin dưới chiêu bài chính trị, phạm vi thứ hai có xu hướng đẩy thông tin sang tin tức nhẹ nhàng” (Lời nói đầu).
Đúng là không hề dễ dàng, nhưng ở đây ẩn chứa sự vĩ đại của chuyên gia về Vatican, sự tinh tế của tinh thần đã góp phần nâng cao kỹ năng báo chí. Vẻ đẹp trong công việc của anh chị em xung quanh Phêrô là nó được đặt trên nền tảng vững chắc của trách nhiệm đối với sự thật, chứ không phải trên bãi cát mong manh của những câu chuyện phiếm và những diễn giải về ý thức hệ; điều này nằm ở chỗ không che giấu thực tế và ngay cả những đau khổ của nó, không làm dịu đi những căng thẳng nhưng đồng thời không gây ra những ồn ào không cần thiết, nhưng cố gắng nắm bắt những gì thiết yếu, dưới ánh sáng bản chất của Giáo hội. Điều này mang lại lợi ích tốt đẹp biết bao cho Dân Chúa, cho những người đơn sơ nhất, và cho chính Giáo hội, vốn vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể truyền đạt tốt hơn: bằng chứng tá trước khi bằng từ ngữ. Cảm ơn anh chị em rất nhiều vì công việc của anh chị em. Một điều khiến tôi rất vui đó là tôi đã học được cách biết tên của anh chị em; vị trưởng đoàn vĩ đại đang ở đây, và tôi chào bà ấy; phó đoàn, và rất nhiều người trong số anh chị em mà tôi biết danh tính… Tôi cảm ơn rất nhiều, xin anh chị em cầu nguyện cho tôi, và tôi cũng cầu nguyện cho anh chị em. Tôi lặp lại lời cảm ơn và chúc lành cho anh chị em, cho những người thân yêu của anh chị em, và cho công việc của anh chị em. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (22. 01. 2024)
Tin tức liên quan khác
Thứ Ba tuần 7 Phục sinh – Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta (Ga 17,1-11a)
Thánh Giacôbê dạy về việc chế ngự miệng lưỡi
Đức Thánh Cha: Học thuyết Giáo hội góp phần thực thi công lý
Hoạt động loan báo Tin Mừng của Dòng Thừa sai Scheut ở Mông Cổ
Giáo xứ Tam Tòa khởi công ngôi nhà thờ mới
Giáo hội Mỹ Latinh thành lập mạng lưới những nhà truyền thông
Theo ĐHY tân cử của Cape Town, vai trò của Hồng y là phục vụ
Tản mạn về ca đoàn