Cách chữa lành hiệu quả

WHĐ (22.05.2024) – Mấy tuần này tôi thường nghe về phong trào chữa lành. Thực ra, nhu cầu này luôn tồn tại trong cuộc sống. Trước những áp lực và căng thẳng hàng ngày, con người cần được hồi phục và chữa lành. Tôn giáo luôn mang đến liều thuốc chữa lành hiệu quả nhất qua mọi thời đại. Trong Công giáo, Thiên Chúa là vị thầy thuốc luôn chữa lành vết thương cho chúng ta[1]. Chúa Giêsu đã nhiều lần mời gọi: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Nói cách khác, việc gặp gỡ Thiên Chúa để được chữa lành là ước mơ chính đáng của mỗi người. Thiên Chúa cũng mong muốn gặp gỡ con người, luôn kiên nhẫn chờ đợi mỗi người mở lòng để có được cuộc gặp gỡ thần linh. Dù trải nghiệm này còn xa lạ với nhiều bạn trẻ, nhưng đó là mối quan tâm lớn của Giáo hội: làm sao để con cái mình gặp được Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ này có thể thay đổi tâm trí và lối sống của mỗi người. Giáo hội luôn trung thành với sứ mạng của mình là giới thiệu và đưa con người đến với Thiên Chúa. Vấn đề đặt ra là: làm sao để gặp gỡ Thiên Chúa?

Giáo hội nhận thấy có nhiều cách dễ dàng để gặp gỡ Thiên Chúa: trong cầu nguyện, Thánh lễ, Hòa giải, đọc Thánh Kinh hoặc tĩnh tâm, v.v. Tuy nhiên, trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ đi sâu vào một linh đạo gặp gỡ khác, đó là tìm gặp Chúa trong mọi sự (“Finding God in All Things”).

1. Nền tảng của linh đạo này

Nếu đọc lại cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài hằng liên kết với Chúa Cha. Dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, Chúa Giêsu luôn biết cách giúp con người gặp được Chúa Cha. Bởi thế trong Tin mừng, chúng ta thấy rất nhiều dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để giúp con người nối kết được với Thiên Chúa. Hoặc nói đúng hơn, Chúa đã dùng dụ ngôn để dạy dỗ đám đông (Mt 18,23-35; Mt 25,10-13; Lc 16,19-31), và để nói về Mầu nhiệm Nước Trời (Mt 13). Theo nghĩa này, Chúa Giêsu đề nghị rằng: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,33).

Thời các Tông đồ, các ngài đã đề nghị các tín hữu về linh đạo gặp gỡ này:

Với thánh Phaolô: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. (1 Ths 5,16-18). Hoặc: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Col 3,12-21).

Với thánh Phêrô: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.” (Rm 8,28).

Có lẽ những câu trên đây như là hướng dẫn để Giáo hội tin rằng: con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong mọi sự. Lý do?

2. Vài cách có thể áp dụng

a) Nhìn thấy và chiêm ngắm

Thừa hưởng truyền thống chiêm niệm của thánh Phanxicô, thánh I-nhã tiếp tục đề nghị mỗi người: “Trong tất cả mọi sự, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa uy linh” (Linh Thao 233). Hơn nữa, thánh nhân còn giúp người làm linh thao, với cặp mắt đức tin, với tinh thần chiêm niệm, họ có thể gặp được Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Để khép lại những ngày tĩnh tâm, linh thao, Thánh nhân đề nghị một bài tập rất quan trọng để họ bước vào cuộc sống: “chiêm niệm để được tình yêu”. Chẳng hạn, thánh nhân đề nghị mình: “Nhìn xem Thiên Chúa ngự trong thọ tạo như thế nào, trong các nguyên tố bằng cách ban cho hiện hữu, trong thảo mộc bằng cách ban cho sức tăng trưởng, trong thú vật bằng cách ban cho cảm giác, trong loài người bằng cách ban cho trí khôn…” (Lt 235). Kế đến, “suy xét xem Thiên Chúa làm việc và hành động cho tôi như thế nào trong mọi thọ tạo trên mặt đất…” (Lt 236). Và, “xét xem mọi điều tốt lành và mọi ơn riêng đều từ trên ban xuống như thế nào…” (Lt 237).

Những bài tập thiêng liêng như trên có thể giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về sự hiện diện của Chúa trong mọi khía cạnh của đời sống: từ những sự kiện lớn lao cho đến những chi tiết bình dị nhất. Chúng ta vẫn tin rằng Thiên Chúa không chỉ hiện diện trong nhà thờ hay trong cầu nguyện, mà ngay cả trong các hoạt động đời thường. Điều này được Công đồng Vatican II tiếp tục mời gọi chúng ta đối diện với những vấn đề trần thế và hướng dẫn chúng theo ý muốn của Thiên Chúa (x. Lumen Gentium, 31). Thậm chí Giáo hội khi nhìn về các tôn giáo bạn, cũng tin rằng: “Thiên Chúa mà họ không biết nhưng lại gần gũi vì Ngài ban sự sống và hơi thở và mọi thứ và muốn tất cả mọi người được cứu rỗi.” (Giáo lý 843).

b) Lòng biết ơn

Khi nhận ra món quà cao cả mà Thiên Chúa ban cho mình, bình thường, chúng ta biết thể hiện lòng biết ơn. Quá trình tương tác này sẽ giúp mình gần Thiên Chúa hơn. Hoặc nói như quan điểm của Giáo hội: nhận thức Kitô giáo về thế giới bắt nguồn từ lòng biết ơn Thiên Chúa vì món quà của thế giới (Giáo lý 914). Với lòng biết ơn này, chúng ta sống và làm việc không đơn thuần như người vô ơn, nhưng được liên kết với sự khôn ngoan thượng trí của chính Thiên Chúa, khiến cho việc sáng tạo và vũ trụ – đã được Chúa Cha sắp xếp một cách khôn ngoan – trở nên càng đẹp đẽ hơn. (x. Gaudium et spes 38).

c) Ý thức trong cầu nguyện

Có lẽ đây là chìa khóa quan trọng nhất để chúng ta có thể gặp Chúa trong mọi sự. Ý thức thôi chưa đủ, nhưng ý thức cần gắn với tâm tình cầu nguyện. Chỉ với lòng cầu nguyện, chúng ta mới chiêm ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên như là “vinh quang” của Thiên Chúa. Chỉ có tinh thần cầu nguyện, chúng ta mới đọc ra những dấu chỉ của thời đại vốn là tiếng vọng của Thiên Chúa. Chỉ có âm thanh của nguyện cầu, chúng ta mới nối kết được tiếng gọi của Thiên Chúa trong những việc mình làm.

Chẳng hạn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta tập có được ý thức nguyện cầu này trước Thiên nhiên: “Vũ trụ đang khai mở trong Thiên Chúa, Đấng bao phủ chúng tràn đầy. Như thế. có một mầu nhiệm trong một trang giấy, trên một con đường, trong sương mai, trong gương mặt của người nghèo. Lý tưởng không chỉ là từ bên ngoài tiến vào bên trong để khám phá ra hành động của Thiên Chúa trong linh hồn, nhưng có thể đạt được qua cuộc gặp gỡ Người trong mọi vật. Như thánh Bonaventura dạy: “Chiêm niệm chỉ đạt đến đỉnh cao khi con người cảm nghiệm hiệu quả hồng ân Thiên Chúa trong chính mình, hoặc khi con người càng hiểu rõ để gặp gỡ Thiên Chúa trong mọi thụ tạo bên ngoài.” (Thông Điệp Laudato Si’ 233).

d) Sự ngạc nhiên

Có lẽ ngày nay chúng ta tiếp nhận quá nhiều thông tin. Vì thế là sự ngạc nhiên đang giảm dần. Sự ngạc nhiên này quan trọng trong hầu hết các lãnh vực để con người có thể phát minh hoặc khám phá ra những điều trọng đại. Trong linh đạo Kitô cũng thế. Sự ngạc nhiên trước một vẻ đẹp, trước một nhân đức hoặc trước một sự kiện có thể dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Hoặc nói như thánh Gioan Thánh Giá: “Nếu người ấy kinh ngạc trước sự vĩ đại của một ngọn núi, thì họ không thể tách ngọn núi ra khỏi Thiên Chúa và nhận thức, sự kinh ngạc nội tâm mà họ cảm nghiệm, phải hướng về Chúa. Những ngọn núi được nâng lên cao, chúng thật màu mỡ, rộng, đẹp, mát mẻ, đầy bóng mát. Đối với tôi, những ngọn núi này là Đấng yêu thương của tôi. Những thung lũng xa xôi thật êm ả, dễ thương, thoáng đãng và đầy bóng mát, đầy nước ngọt, với biết bao loài cây cối, với tiếng ca của các loài chim đang trú ngụ. Chúng tạo nên sự mát mẻ và yên nghỉ nhờ sự yên tịnh và thinh lặng đang có. Đối với tôi, những thung lũng này là Đấng yêu thương tôi.”[2]

Không chỉ ngạc nhiên trước thiên nhiên, nhưng chúng ta có thể thấy những “dấu lạ” trong đời thường. Có thể một người mẹ đang vất vả lo cho những người con với rất nhiều tình yêu. Có thể một người chồng bôn ba làm ăn để chăm sóc cho gia đình. Hoặc quanh bạn có những người đang miệt mài phục vụ con người. Những bạn trẻ đang thực hiện ước mơ, v.v. Sự ngạc nhiên sẽ là “mật khẩu” để bạn có thể bước vào một thế giới thiêng liêng, nơi đó Thiên Chúa đang ngỏ lời với chúng ta. Nhưng để làm sao đọc ra những điều này? Truyền thống Giáo hội lại mời gọi chúng ta thực tập, bắt đầu thực tập.

3. Thực tập các việc tìm kiếm Chúa trong mọi sự

Thomas Merton, một nhà linh đạo nổi tiếng người Mỹ, chia sẻ rằng: “Cánh cổng thiên đàng ở mọi nơi – The gate of heaven is everywhere.” Bước vào cánh cổng này là một tiến trình thực tập. Càng biết cách thực hành, chúng ta càng dễ bước vào thiên đàng ở nhiều nơi mình muốn. Chẳng hạn, Giáo hội trước giờ vẫn chỉ cho chúng ta vài cách:

 Cầu nguyện thường xuyên: Tôi gọi là “thường xuyên” vì nó tạo cho chúng ta thói quen nhận thấy sự hướng dẫn và hiện diện của Chúa trong mọi hoạt động, suy nghĩ và quyết định của mình. Cầu nguyện có thể giúp bạn mở lòng ra và nhận ra những dấu chỉ của Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

 Chiêm niệm trong hoạt động: Cụm từ này rất phong phú ý nghĩa, nhưng ở đây, chúng ta hiểu là hãy sống trong hiện tại và quan sát mọi sự với cặp mắt đức tin. Bằng cách chú ý đến từng khoảnh khắc, bạn có thể bắt gặp sự hiện diện của Chúa trong những điều nhỏ nhặt nhất[3].

 Đọc và suy ngẫm Lời Chúa: Có thể cầu nguyện với Thánh Kinh. Dành thời gian mỗi ngày để đọc Kinh Thánh hay sách thiêng liêng. Thử nối kết những câu chuyện Kinh Thánh, hoặc lời dạy của Chúa vào đời sống cụ thể của mình. Cách này sẽ giúp bạn thấy được Chúa trong cuộc sống hàng ngày.

 Làm phút hồi tâm: Đây là phương pháp rất tốt để tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự. Mỗi ngày bạn có thể dành ra 5 phút để nhìn lại ngày sống. Trong khó khăn và thử thách, chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa. Trong thuận lợi bình an, chúng ta cũng cảm nhận Chúa luôn đồng hành. Trong phút hồi tâm này, bạn có thể thực hành lòng biết ơn: những điều tốt đẹp, những may mắn, người làm tôi vui, những món quà, sức khỏe, cơ hội, v.v. có thể giúp bạn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa.

 Phục vụ người khác: Đây cũng là điểm thánh I-nhã đề nghị chúng ta chiêm niệm để được tình yêu. Yêu thôi thúc chúng ta phục vụ và yêu thương người khác. Chúng ta có thể tìm thấy “khuôn mặt của Chúa” nơi những người anh em của mình.

– Bạn có thể liệt kê thêm cách mà mình muốn tập….

Tạm kết

Để kết thúc đề tài thú vị này, chúng ta nghe lại chia sẻ của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Cầu nguyện là nguồn cảm hứng, năng lượng, can đảm và kiên trì trước khó khăn. Tham gia vào phụng vụ và các bí tích của Giáo hội, đặc biệt là Thánh Thể và Hòa Giải giúp nuôi dưỡng đời sống nội tâm và lan tỏa sự hiện diện và ân sủng của Chúa Kitô trong mọi mặt của cuộc sống[4]. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn khẳng định rằng đối với những người mắc chứng trầm cảm, việc chiêm ngưỡng Chúa Kitô và tham gia vào các bí tích, có thể là nguồn an bình nội tâm và cách để tái khám phá hy vọng và ý muốn sống. Giáo hội phải nỗ lực giúp đỡ những người trầm cảm với sự kiên nhẫn và nhạy cảm, nhớ rằng Chúa luôn gần gũi với những người đang khổ đau[5]. “Thiên Chúa gần gũi” đến nỗi chúng ta có thể tìm và gặp được Ngài ở mọi nơi, trong mọi sự. Mong thay!

 

[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-gie-su-ki-to-duong-chua-lanh-39802

[2] Cántico Espiritual, XIV, 6-7

[3] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-06/dtc-phanxico-angelus-dieu-tot-phat-trien-am-tham-khiem-ton.html

[4] https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/homilies/1997/documents/hf_jp-ii_hom_19970602_gorzow.html

[5] https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/speeches/2003/november/documents/hf_jp-ii_spe_20031114_pc-hlthwork.html