Nghỉ hè với Chúa

TGPSG — Mùa hè là dịp để các bạn trẻ có thời gian nghỉ ngơi bên Chúa, và các nhà Dòng cũng thường tận dụng những ngày hè để tĩnh tâm năm theo Giáo Luật. Có những buổi tĩnh tâm đầy ắp tiếng cười. Có những buổi tĩnh tâm đong đầy nước mắt như các “khóa tu mùa hè” dành cho các bạn trẻ. Đâu là điểm đến của những “tiếng cười”, và những “giọt nước mắt”? Đằng sau những buổi tĩnh tâm, những khóa tu thiền, những lớp học: chuyển hóa nội tâm, chữa lành tâm thức, phát triển bản thân… chúng ta sẽ còn lại những gì? Đâu là động lực và điểm đến mà chúng ta nhắm đến khi đi tham dự các khóa tĩnh tâm?

Qua những buổi tĩnh tâm, chúng ta có thử hỏi: mình đang mong muốn điều gì? Phải chăng chúng ta thích được nghe những điều vui tai, để giải trí, thư giãn sau những căng thẳng bộn bề của cuộc sống? Phải chăng chúng ta thích nuông chiều những cảm xúc ủy mị, tìm kiếm những an lạc nhất thời do nhu cầu tâm lý đòi hỏi, rồi đâu cũng lại vào đấy, rồi cứ tiếp tục trôi lăn cuộc đời với những gì mà thế gian mời gọi? Khi đi tĩnh tâm, chúng ta có tự nhủ: đây là lần tĩnh tâm cuối cùng, một lần dứt khoát cho cuộc đời mình, như một cuộc hôn ước được ký kết với Đức Kitô bất khả phân ly không?

Chúng ta thường đánh giá thành công của các buổi tĩnh tâm là: vị giảng thuyết ăn nói có duyên, trình bày có phương pháp, dễ hiểu, gây được tiếng cười, tạo được bầu khí, nhất là thu hút được một lượng khán thính giả đông đảo. Còn chúng ta, là những người tham dự: thì cảm thấy vui vẻ, bình an, thư thái, đầy tràn xúc động, với những giọt nước mắt tuôn trào. Điều này tốt, rất tốt, nhưng, nếu chỉ dừng lại ở những cảm xúc nhất thời chóng qua, mà chưa có được “tương quan cá vị với Đức Kitô”, thì sau mỗi lần tĩnh tâm, cuộc sống của chúng ta sẽ vẫn như cũ, chưa được biến đổi gì.

Đức Kitô, vị giảng thuyết đại tài của chúng ta, dân chúng lũ lượt từ khắp mọi nơi tuôn đến để nghe Người giảng. Ấy thế mà, ở buổi tĩnh tâm cuối cùng, trong bài giảng sau cùng của Người dưới chân thập giá, chỉ còn có hai người tham dự, là: Mẹ Maria và thánh Gioan. Chúng ta hãy nhớ lại lời cảnh báo của Đức Kitô: Nếu anh em thuộc về thế gian, ắt hẳn, nó sẽ nghe anh em, nhưng, anh em không thuộc về thế gian, nên nó thù ghét anh em. Đây là mô mẫu của mọi vị giảng thuyết, và là kiểu mẫu cho mọi khóa tĩnh tâm. Nếu chúng ta thèm khát được công nhận, thế gian sẽ sẵn sàng đáp ứng cho chúng ta. Nếu chúng ta muốn thuộc về Đức Kitô, chúng ta phải chấp nhận trả giá.

Chúng ta được cứu độ là do bởi ân sủng, nhưng không phải là một ân sủng chung chung, mà là ân sủng của Đức Kitô. Chúng ta được nên công chính hóa là do bởi đức tin, nhưng không phải một đức tin chung chung, mà là đức tin vào Đức Kitô. Cho nên, việc tĩnh tâm của chúng ta phải đặt nền tảng trên Đức Kitô, và quy hướng về thập giá Đức Kitô với những đòi hỏi quyết liệt, bất khả tương nhượng, có như thế, các kết quả, những ân sủng, và đức tin mà chúng ta thu nhận được từ các buổi tĩnh tâm, mới đích thực là ân sủng của Đức Kitô, Đấng đã yêu thương và thí mạng vì chúng ta.

Sau mỗi lần tĩnh tâm, nếu chúng ta không có được mối tương quan cá vị với Đức Kitô, thì những gì chúng ta nghe giảng về Đức Kitô chỉ là những lý thuyết, cho dù có sâu sắc, cao siêu, thuyết phục đến đâu đi chăng nữa. Chỉ khi nào có tương quan cá vị thật sự với Đức Kitô, cuộc sống của chúng ta mới được biến đổi, khi đó, chúng ta mới được, như thánh Phaolô: coi mọi sự là rác rưởi, là phân bón, so với một mối lợi tuyệt vời: là được biết Đức Kitô. Ước gì việc tĩnh tâm của chúng ta trong Mùa hè này, sẽ thu được nhiều hoa trái tốt đẹp, như lòng Chúa ước mong! Ước gì được như thế!

Để có thể xây dựng mối tương quan cá vị với Đức Kitô, không ai có thể giúp chúng ta hữu hiệu hơn Mẹ Maria, Đấng luôn kết hiệp, và luôn đồng hình đồng dạng với Con của mình. Cùng với Mẹ Maria, qua các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, chúng ta xây dựng mối tương quan cá vị với Đức Kitô, để cũng được nên đồng hình đồng dạng với Người. Chúng ta hãy trao phó cuộc đời, ơn gọi của chúng ta cho tình từ mẫu của Mẹ: Mẹ vừa là Mẹ của Đức Kitô, vừa là Mẹ của mỗi người chúng ta, chắc chắn, Mẹ sẽ vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta, trên suốt hành trình dương thế này.

Bài: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB (TGPSG)