THIẾU NHI THÁNH THỂ VÀ CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
Tên gọi “Thiếu Nhi Thánh Thể” đã nói lên những chiều kích quan trọng nhất của những người thuộc về đoàn thiếu nhi thánh thể. Đó là những người mang tên Chúa Giêsu Thánh Thể, và mang lấy chính Chúa Giêsu Thánh Thể trong cuộc sống. Nhưng mang lấy Chúa Giêsu Thánh Thể không chỉ là một công việc chỉ xảy ra nơi nhà thờ, mà chi phối toàn bộ cuộc sống của một thiếu nhi thánh thể. Trong Tông Thư “Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con”, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết rằng: “Người Kitô hữu tham dự vào Thánh Thể, học được nơi Thánh Thể cách trở nên người xây dựng sự hiệp thông, hòa bình, liên đới trong mọi tình huống của cuộc sống” (số 27).
Trong bài viết ngắn này, chúng ta chẳng thể nào diễn tả được tất cả mọi chiều kích của đời sống của thiếu nhi thánh thể, nên xin được trình bày ba cột trụ quan trọng, giúp cho người huynh trưởng thiếu nhi thánh thể đi vào tương quan với Chúa, và từ đó mang Chúa vào đời sống, thánh hóa môi trường sống bằng chính đời sống của mình.
1. Thiếu Nhi Thánh Thể, sống Bí Tích Hiệp Nhất
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã viết rằng “bí tích Thánh Thể còn được gọi là bí tích Hiệp Thông”, và giải thích rằng, vì bí tích Thánh Thể “kết hợp chúng ta với Chúa Kitô, Đấng ban Mình và Máu Người để tất cả trở nên một thân thể” (x. 1Cr 10, 16-17), (x. GLHTCG, 1331). Vì thế, bí tích Thánh Thể xây dựng sự hiệp thông giữa con người với Chúa Giêsu và với Thiên Chúa, cũng như giữa con người với nhau trong Đức Kitô.
Huynh trưởng thiếu nhi thánh thể, vì thế, trước hết là con người của sự hiệp nhất. Mục tiêu đầu tiên của huynh trưởng là tìm cách đi vào mối hiệp thông với Đức Giêsu, như tôn chỉ của thiếu nhi thánh thể hướng dẫn: “kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong cầu nguyện, hy sinh và làm việc tông đồ” (Sổ Tay Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp 1, 2005, tr. 10). Tuy nhiên, thiếu nhi thánh thể không phải là đan sĩ sống trong đan viện, nhưng thiếu nhi thánh thể sống, học hành, và làm việc tông đồ trong môi trường sống hằng ngày. Việc hiệp thông với Thiên Chúa và với Đức Kitô phải biểu lộ nơi lòng yêu mến Thánh Thể và yêu mến Thánh Lễ, nơi Chúa Giêsu hiện diện thật sự với con người. Vì vậy, thiếu nhi thánh thể sẽ siêng năng tham dự Thánh Lễ, và quy hướng đời sống của mình về Thánh Thể qua tinh thần cầu nguyện hằng ngày: sống ngày Thánh Thể, sống Giờ Thánh Thể một cách hiệu quả. Nhờ đó con người thiếu nhi thánh thể càng ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu, sống theo lời dạy của Chúa Giêsu là đường là sự thật và là sự sống (x. Joan 14,6).
Sự hiệp thông với Thiên Chúa và với Chúa Giêsu Thánh Thể là nền tảng quan trọng nhất cho đời sống của thiếu nhi thánh thể. Mối liên kết này chi phối toàn bộ mọi hoạt động của thiếu nhi thánh thể: là mình được đào luyện và tự đào luyện mình, cũng như giúp đào luyện các trẻ em được trao phó cho mình trở nên con người tốt, và con cái thánh thiện của Thiên Chúa (x. Sổ Tay Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp 1, 2005, tr. 8).
Việc hiệp thông ấy cũng không dừng lại nơi tương quan của thiếu nhi thánh thể với Thánh Thể Chúa mà thôi, nhưng như Chúa Giêsu dạy chúng ta về giới răn của luật mới: “Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết trái tim, hết linh hồn, và hết tâm trí ngươi. Đây là giới răn lớn nhất và trước nhất. Giới răn thứ hai cũng giống như thế. Ngươi phải yêu thương người lân cận như chính mình ngươi” (Mt 12, 30-31). Như thế, yêu người chính là mến Chúa. Mến Chúa thì phải yêu người. Và vì thế, sự hiệp thông với Thánh Thể của Chúa mời gọi thiếu nhi thánh thể yêu mến và hiệp thông với người xung quanh. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo diễn tả rằng: “Bí tích Thánh Thể biểu thị và thể hiện chính thực chất của Hội Thánh là hiệp thông đời sống với Thiên Chúa và hiệp nhất Dân Thiên Chúa. (GLHTCG, 1325).
Chính nhờ Bí Tích Thánh Thể, thiếu nhi thánh thể đón nhận được sức sống và một tình yêu mãnh liệt giúp các anh chị em đạt đến sự hiệp thông với nhau. Điều đó được biểu hiện nơi một tâm hồn chân thành muốn cộng tác và liên đới với anh chị em của mình. Chính Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể sẽ giúp các thiếu nhi thánh thể vượt lên trên những giận hờn, chia rẽ, ghen tương, ngần ngại, hiềm khích nhau,… nhưng chân thành làm việc chung với nhau, một lòng một ý, chung tay xây dựng đoàn thiếu nhi thánh thể nơi môi trường sống của mỗi người. Bởi thế mỗi một lần tham dự Thánh Lễ, mỗi một lần rước lấy Chúa Giêsu Thánh Thể, là mỗi một lần thiếu nhi thánh thể học lấy và tập tành lối sống của Chúa Giêsu, đó là một lối sống biết ra khỏi con người mình, biết vượt lên trên mọi ích kỷ, mọi vụ lợi riêng tư, mà đến với anh chị em bằng một tấm lòng yêu thương chân thành, một tấm lòng đã mang lấy sự sống của Chúa Giêsu, hơn thế nữa: mang lấy chính Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng ngự trong ta và ta trong Người.
2. Thiếu Nhi Thánh Thể, Hạt Lúa gieo vào lòng đất
Tác giả thư Do Thái viết: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người (Đức Giêsu) đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, … khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người” (Dt 5, 7-9). Để được phục sinh vinh hiển, Chúa Giêsu đã phải trải qua hy sinh, đau khổ và cả sự chết nữa. Không có hy sinh đau khổ thập giá, không thể có vinh quang phục sinh được. Nếu không có hy sinh, không có phát triển. Nếu hạt lúa mì không chịu thối nát đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều kết quả. Thánh Thể chính là biểu tượng cho việc hy sinh hiến trọn vẹn thân mình để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của người tín hữu.
Chính vì vậy, Chúa Giêsu Thánh Thể chính là gương mẫu tuyệt vời nhất cho thiếu nhi thánh thể về việc hy sinh vất vả để phát triển khả năng và năng lực của mình. Tuy nhiên, ngày nay, có một số thiếu nhi vịn vào nhiều lý do khác nhau, để không tham gia vào sinh hoạt thiếu nhi thánh thể. Nhưng nếu một học sinh đi học mà không hy sinh vất vả học hành, thì khó mà có một kết quả tốt được.
Cũng vì thế, thiếu nhi thánh thể chính là một phương pháp tốt để rèn luyện con người trở nên tốt hơn. Nhờ phương pháp tự nhiên và siêu nhiên, phong trào giúp thiếu nhi thánh thể phát triển con người của mình. Học hành xen lẫn với sinh hoạt vui chơi, chơi mà học. Và nhờ những phương pháp nhẹ nhàng như vậy, mỗi ngày thiếu nhi thánh thể được đào luyện không chỉ về con người thiêng liêng, mà còn cả về con người nhân bản tự nhiên nữa. Trong Sổ Tay Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp I, chúng ta có thể đọc thấy mục đích của phong trào này là: “Đào luyện thanh thiếu nhi về hai phương diện tự nhiên và siêu nhiên, để họ trở thành những con người kiện toàn và những kitô hữu hoàn hảo” (Sổ Tay Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp 1, 2005, tr. 8).
3. Thiếu Nhi Thánh Thể, Tấm Bánh bẻ ra cho mọi người
Cũng như mỗi phút giây trên thế giới, Hội Thánh vẫn cử hành Bí Tích Thánh Thể để trao ban sự sống cho con người, thì hằng ngày vẫn luôn luôn có nhiều người đang “được bẻ ra” để trao ban cho người khác qua việc hy sinh phục vụ của những người thiện chí.
Trong Thánh Lễ được cử hành trên bàn thờ, Đức Giêsu cầm lấy tấm bánh, dâng lời chúc tụng rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả các con, hãy nhận lấy mà ăn, này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con” (Lời truyền phép trong Thánh Lễ). Chúa Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho mọi người ăn mà được sống và sống dồi dào. Người muốn mỗi người chúng ta cộng tác với người.
Noi gương Chúa Giêsu, thiếu nhi thánh thể cũng phải trở thành tấm bánh được bẻ ra để được trao ban cho con người, cách riêng cho các em thiếu nhi được trao phó cho mình huấn luyện. Đó là việc tông đồ và phục vụ của thiếu nhi thánh thể. Hình ảnh “tấm bánh được bẻ ra” mời gọi thiếu nhi thánh thể luôn biết nghĩ đến người khác, biết thao thức đem Chúa đến cho người khác, biết sống khiêm tốn, thánh thiện, biết hy sinh xả kỷ phục vụ và sống nêu gương cho người khác.
Lm. Phêrô Mai Vinh Sơn
Nguồn tin: giaophandalat.com
Tin tức liên quan khác
Đại hội Giáo Lý toàn quốc lần thứ VI: ngày làm việc thứ 2
Anne-Claire làm chứng con đường đau khổ đến với Chúa
Đức Thánh Cha làm phép “Ngôi nhà Thương xót” của Giáo hội Mông Cổ
Chúa nhật 27 Thường niên năm B
Diễn từ Đức Thánh Cha Dành cho các nữ Đan sĩ Dòng Cát Minh Nhặt phép năm 2024
Đức Thánh Cha: An tử là một sự thất bại của tình yêu
Ba chìa khóa để có một Mùa Chay tốt lành: Đi lên, đi vào và đi ra
Giáo lý loan báo Tin Mừng (07.06.2023): Bài 16 – Gương của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu