Lời của Biên tập viên Elio Guerriero:

“Trong một cuộc gặp gỡ diễn ra vào ngày 28 tháng 6 năm 2021, một ngày trước lễ kỷ niệm 70 năm thụ phong linh mục của ngài, Đức Bênêđictô XVI đã nhiệt tình nói với tôi về cuộc đời linh mục của mình, và nhấn mạnh tầm quan trọng của bản văn về chức linh mục[1] sẽ được trình bày trong tác phẩm này. Ngài hài lòng với thành quả mà ngài đã đạt được, dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình. Trong số những điều đó, ngài khẳng định rằng ngài đã góp phần vào việc khắc phục lỗ hổng còn bị thiếu sót trong Sắc lệnh về Tác vụ và Đời sống các Linh mục [Presbyterorum Ordinis] của Công đồng Vaticanô II. Công việc đang tiến hành liên quan đến bản văn vẫn chưa hề kết thúc” (trích lời giới thiệu của Elio Guerriero).

Bài viết về chức linh mục đã được xuất bản lần đầu trong tập sách của Đức Hồng y Sarah, ‘Từ thẳm sâu tâm hồn chúng tôi’. Sau đó, tôi đã làm lại bản văn đó và tạo cho nó một trọng tâm mới. Văn kiện của Công đồng Vaticanô II về chức linh mục thừa tác đã cố gắng thể hiện lại vẻ đẹp của nó theo một cách mới mẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, vẫn còn một thiếu sót quan trọng, do hoàn cảnh chú giải Kinh thánh thời hiện đại gây ra. Quả thực, chức tư tế về cơ bản xuất hiện như một chức vụ mục vụ, trong khi đặc điểm thiết yếu của chức tư tế [proprium sacerdotale] được cho là không hiện hữu trong chức vụ mục vụ của Tân ước. Tuy nhiên, tôi đã có thể chứng minh rằng, bất chấp điều này, chữ “presbyter” trong Tân ước chính là một sacerdos, ngay cả khi theo một nghĩa mới được định nghĩa bởi thầy tế lễ thượng phẩm, là chính Đức Giêsu Kitô trên thập giá” (trích Lời tựa của Đức Bênêđictô XVI, ngày 1 tháng 5 năm 2022).

*****

CHỨC LINH MỤC CÔNG GIÁO

I. SUY TƯ SƠ LƯỢC VỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN

II. ĐÀO TẠO CHỨC LINH MỤC TÂN ƯỚC THEO KHOA CHÚ GIẢI KITÔ HỌC VÀ THÁNH LINH HỌC

1. Tông đồ [Apostolos, Aπόστολος]

2. Giám quản, Giám mục [Episkopos, ἐπίσκοπος]

3. Kỳ mục, linh mục [Presbyteros, πρεσβύτερος]

III. PHÂN TÍCH BA BẢN VĂN

1. Thánh vịnh 16,5-6

2. Đệ Nhị Luật (Đnl 10,8 và trong Đnl 18,5-8)

3. Tin mừng Gioan, chương 17 câu 17

I. SUY TƯ SƠ LƯỢC VỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN

Công đồng Vaticanô II đã cung cấp cho chúng ta một bản văn tuyệt vời về chức linh mục Công giáo, nhưng lại không giải quyết được vấn nạn cơ bản do phong trào Tin lành Cải cách thế kỷ XVI đặt ra cho chức linh mục Công giáo. Vấn nạn này còn là một vết thương âm thầm tiếp tục gây ra, và theo tôi, vết thương này phải được xử lý triệt để và công khai một lần cho mãi mãi. Nhiệm vụ này vừa quan trọng và vừa khó khăn vì toàn bộ vấn đề chú giải đều có liên quan, mà cách giải thích của vấn đề này được xác định bởi Luthêrô. Nhà Tin lành Cải cách người Đức bắt đầu từ thực tế là các chức vụ trong Tân ước có bản chất khác với chức tư tế trong Cựu ước. Trong Giao ước cũ, nhiệm vụ chính yếu của “tư tế” là dâng hy lễ, và nhờ đó, đạt được sự công chính theo cách thức đã được quy định trong Lề luật [Torah], nghĩa là nhiệm vụ này khôi phục lại trật tự công bằng trong mối tương giao giữa Thiên Chúa với con người, bằng một hành động được chính Thiên Chúa quy định. Trái lại, thánh Phaolô dạy chúng ta rằng, theo cách này thì không thể có sự công chính đích thực nào đối với con người, như lời chỉ trích việc sùng bái của các ngôn sứ trong Cựu ước đã nhấn mạnh rõ ràng. Tuy nhiên, theo Luthêrô, hồng ân cứu độ của Đức Giêsu bao gồm việc chúng ta được công chính hóa chỉ nhờ đức tin [sola fide] – nghĩa là chỉ nhờ đức tin chứ không phải vì nhờ điều gì khác. Hành động cơ bản của đức tin bao gồm niềm tin vững chắc rằng tôi được công chính hóa. Sự chắc chắn của đức tin quy chiếu chủ yếu đến bản thân tôi: đó là sự chắc chắn về sự công chính hóa của tôi.[2] Vì vậy, đối với Luthêrô, ngoài bí tích Rửa tội và bữa Tiệc ly thì không có bí tích nào cần thiết cả, cho dù Bí tích Hòa giải có quan trọng đến mức nào đối với ông ta. Tuy nhiên, đối với Luthêrô, bản chất của Bí tích hòa giải không phải nằm ở việc tha tội, nhưng truyền cho tôi niềm tin chắc chắn rằng tội lỗi đã được thứ tha. Về cơ bản, một lần nữa, nhiệm vụ của vị mục tử là trấn an từng người một, về sự công chính hóa của chính bản thân họ. Vì vậy, thừa tác viên của Tân ước không mang tính chất của vị tư tế; không giống như chức tư tế trong Cựu ước, thừa tác viên của Tân ước không liên quan gì đến việc tiến dâng hy lễ, mà thừa tác viên Tân ước được cấu trúc theo một cách thức hoàn toàn khác. Thừa tác viên Tân ước chỉ hệ tại ở việc loan báo đức tin cho dân chúng để dẫn họ đến đức tin và trong đức tin.

Trái ngược với các tư tế trong Giao ước Cũ, các thừa tác viên của Giao ước Mới là “các vị mục tử”. Sự khác biệt cơ bản giữa sacerdos, thừa tác vụ phục vụ Lề luật, và việc mục vụ phục vụ có thể được nhận ra trong tất cả tính chất sâu sắc khi ta nỗ lực xem xét Lề luật quy định để biện minh cho chính mình về sự công chính hóa qua việc làm [sự hy sinh], về cơ bản, sẽ dẫn dắt con người bị lạc đường đến mức nào. Con người tin rằng theo cách này, họ đang thực thi thánh ý Thiên Chúa, Đấng mà từ trước đến nay dường như đòi hỏi con người phải hy sinh, nhưng thực ra, trong Lề luật, lại nói ngược lại, như kẻ thù của chính con người. Trên thực tế, con người chỉ được ơn công chính hóa nhờ lòng tin. Mối liên hệ giữa hai Giao ước được mô tả như phép biện chứng giữa Lề luật và Tin mừng. Tuy nhiên, phép biện chứng đó đã bị suy yếu bởi thực tế là trong chính Cựu ước, bên cạnh Lề luật, còn có lời hứa [promissio] đề cập đến Tin mừng trong tương lai.

Đối với Luthêrô, thì sai lầm nghiêm trọng của truyền thống Công giáo nằm ở chỗ, trong suốt những thế kỷ đầu tiên, một lần nữa, sai lầm này biến sứ vụ mục vụ trong Tân ước thành chức tư tế [Latinh: sacerdotium], đến nỗi, hạn từ priester trong tiếng Đức đã bị Đức hóa bởi hạn từ trưởng lão [Hy Lạp: presbyter]trái ngược với nghĩa gốc của nó trong Tân ước, trên thực tế, ngày nay có nghĩa là linh mục [sacerdos]. Theo quan điểm của Luthêrô, Giáo hội Công giáo hẳn đã làm sai lệch hoàn toàn sứ điệp của Tân ước bằng cách bãi bỏ sola fide [chỉ nhờ đức tin], và đặt trở lại vị trí của sự công chính hóa bằng Lề luật. Vì lý do này, Luthêrô quan niệm rằng Thánh lễ Công giáo cũng sai lầm giống như hy lễ trong Cựu ước, và ông khuyến khích những người theo ông chống lại Thánh lễ Công giáo, kể cả bằng những hành vi bạo lực nữa.

Do đó, hoàn toàn rõ ràng rằng “bữa Tiệc ly” [của Tin lành] và “Thánh lễ” [của Công giáo] là hai hình thức phụng tự hoàn toàn khác nhau, về bản chất, hai hình thức này loại trừ lẫn nhau. Vì thế, bất cứ ai muốn rao giảng về việc rước lễ chung liên giáo phái ngày nay, thì họ nên ghi nhớ điều này.

Toàn bộ cấu trúc của Luthêrô dựa trên khái niệm của ông về mối quan hệ hỗ tương giữa hai Giao ước, dựa trên sự tương phản giữa Lề luật và Tin mừng, giữa sự công chính hóa bằng việc làm và sự công chính hóa chỉ nhờ đức tin. Cách tự nhiên, người Công giáo nhận thấy rằng, quan niệm này không thể đúng; do đó, người Công giáo không cảm thấy rằng, Thánh lễ như một sự tái phạm quá mức, để quay trở lại việc sùng bái hy tế trong Giao ước cũ, nhưng đúng hơn, chúng ta được tháp nhập vào Nhiệm thể Chúa Kitô, và do đó, qua việc Người tự hiến chính mình cho Chúa Cha, một hành động làm cho tất cả chúng ta trở nên một với Người. Sắc lệnh của Công đồng Vaticanô II về tác vụ và đời sống các linh mục, cũng như trong hiến chế về Phụng vụ của Công đồng, được hỗ trợ bởi sự chắc chắn thanh thản này, ngay cả khi trong việc thực hiện cách cụ thể cuộc cải cách phụng vụ, các luận điểm của Luthêrô vẫn âm thầm đóng một vai trò nhất định nào đó, vì thế, trong một số trường hợp vẫn duy trì quan điểm, cho rằng những Sắc lệnh của Công đồng Trentô về sự hy tế của Thánh lễ đã ngầm bị hủy bỏ rồi. Sự phản đối gay gắt chống lại việc chấp nhận nghi lễ cũ, chắc chắn một phần cũng dựa trên thực tế là người ta nhận thấy rằng, nền phụng tự này đang áp dụng một khái niệm không còn được chấp nhận về lễ hy sinh và đền tội.

Ngược lại, khoa chú giải phê bình lịch sử đã minh chứng rằng ban đầu, các thừa tác vụ Tân ước không có tính chất tư tế, mà thay vào đó là các công việc mục vụ. Tuy nhiên, sau đó, sự sáp nhập với chức tư tế [sacerdotium] của Giao ước cũ đã được thực hiện nhanh chóng một cách đáng ngạc nhiên và không bị ai chỉ trích cả. Điều này có thể thực hiện được trên cơ sở một quan niệm khác về mối liên hệ giữa Cựu và Tân ước. Giáo hội sơ khai không bao giờ nghĩ đến mối liên hệ này như một sự tương phản giữa ơn công chính hóa bằng việc làm và ơn công chính hóa chỉ nhờ vào đức tin. Trong Giáo hội sơ khai, thần học Luthêrô chỉ tìm thấy một đối trọng tương ứng ở lạc thuyết Marcion.[3] Tuy nhiên, ngay lập tức, học thuyết của Marcion đã bị loại trừ trong Giáo hội sơ khai vì học thuyết đó bị coi là dị giáo. Ý tưởng về Lề luật [Torah] như Thiên Chúa hành động trái ngược [ex contratio] hoàn toàn xa lạ với Giáo hội sơ khai, và trực tiếp đối lập với mối liên hệ cơ bản giữa Lề luật với Cựu ước. Theo cách Luthêrô hiểu, vì lý do này, chỉ nhờ đức tin [sola fide], Giáo hội sơ khai chưa bao giờ dạy điều này. Thay vào đó, mối tương giao giữa các Giao ước được hình thành như một bước chuyển biến, từ cách hiểu vật chất sang cách hiểu về Thánh Linh học (x. 2Cr 3).

Liên quan đến Bí tích Thánh Thể, điều này bao hàm hai khía cạnh:

1) Việc chấm dứt “sự tế tự của Cựu ước” trước hết là do Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy. Theo nghĩa này, đó là do lỗi của con người [Schuld, colpa] tức là do Đền thờ bị phá hủy, mà cả người Do Thái và người dân ngoại [người La Mã] đều phải chịu trách nhiệm như nhau. Tội lỗi này của con người dẫn đến sự hủy diệt vĩnh viễn đã được Thiên Chúa biến đổi thành một hành trình mới cho nhân loại: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,19). Việc phá hủy Đền thờ bằng đá cũng đồng nghĩa với việc Đức Giêsu chịu đóng đinh, thay vì một ngôi đền thờ bằng đá, Đức Giêsu Kitô đã sống lại vào ngày thứ ba trong Thân xác vinh hiển của Người. Cùng với ngôi đền thờ cũ đã bị phá hủy vĩnh viễn, trật tự hiến tế của Giao ước cũ cũng bị bãi bỏ. Không giống như những lần ngôi Đền thờ bị phá hủy trước đây, lần bị phá hủy này là vĩnh viễn. Thậm chí ngày nay, khi nhà nước Israel có quyền tài phán tối cao đối với Núi Đền thờ [ הַר הַבַּיִת, Temple Mount] cũng không ai nghĩ đến việc tái thiết đền thờ Giêrusalem nữa. Nỗ lực cuối cùng xảy ra với Bar Kochba (vào năm 135 sau Công nguyên), tương ứng với sự mất mát vĩnh viễn và không thể nào thay đổi ngôi đền thờ bằng đá. Thay vì tế lễ bằng những con vật bị hiến tế là chính Đức Giêsu chịu đóng đinh. Việc dâng hiến tình yêu của Người lên Chúa Cha là sự thờ phượng đích thực, như Thư gửi tín hữu Do Thái cho thấy cách xác quyết. Đồng thời, đó là sự thờ phượng dứt khoát không thể thay thế bằng bất cứ điều gì cao siêu hơn nữa, bởi vì không có gì cao cả hơn tình yêu của Con Thiên Chúa làm người, Đấng quy tụ mọi sự nơi chính mình và biến đổi mọi hy lễ của trần gian.

2) Trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã dâng hiến hy lễ chính mình lên Chúa Cha dưới hình thức vĩnh cửu, để từ đó trở đi, Giáo hội ở mọi thời và mọi nơi, có thể hiệp thông vào hy tế của Người. Trong những lệnh truyền tại bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã kết nối truyền thống Sinai với truyền thống ngôn sứ, và do đó, người đã thực sự thiết lập một nền “phụng tự” của Giao ước Mới, trong đó, việc thờ phượng, yêu mến và lắng nghe Lời Chúa, trở thành việc phục vụ tha nhân, yêu thương người thân cận, tất cả trở nên một và giống như nhau. Ơn cứu chuộc nhân loại bao gồm, không phải ở một loại niềm tin đơn độc [sola fide] theo kiểu của lạc thuyết Marcion, nhưng đúng hơn, ở sự kết hợp sâu sắc hơn bao giờ hết với tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Như vậy, con người vẫn luôn bị thách thức và vẫn còn đang trên cuộc hành trình, đồng thời, vẫn được chào đón nhờ tình yêu ngày càng lớn lao hơn của Đức Giêsu Kitô.

Rõ ràng là tinh thần của thời hiện đại và phương pháp phê bình lịch sử bắt nguồn từ nó, cảm thấy dễ chịu với giải pháp của Luthêrô hơn là với giải pháp của Giáo hội Công giáo, bởi vì lối chú giải “Thánh Linh học”, hiểu Cựu ước như con đường hướng tới Đức Giêsu Kitô, lối chú giải này gần như không thể tiếp cận được đối với Giáo hội. Tuy nhiên, rõ ràng, Đức Giêsu đã không suy nghĩ theo nghĩa chỉ nhờ đức tin [sola fide] cách triệt để, nhưng đúng hơn, theo nghĩa kiện toàn Lề luật và các Ngôn sứ trong hành trình của riêng Người và trong chính bản thể của Người. Nhiệm vụ của thế hệ mới vừa phải là tạo ra nhiều điều kiện và phương pháp luận, để tái nhận thức cách mới mẻ về những gì vừa được đề cập ở trên đây.

II. ĐÀO TẠO CHỨC LINH MỤC TÂN ƯỚC THEO KHOA CHÚ GIẢI KITÔ HỌC VÀ THÁNH LINH HỌC

Phong trào đã hình thành xung quanh Đức Giêsu thành Nadarét đã là một phong trào thuộc giới bình dân, tối thiểu, trong thời kỳ tiền Vượt qua. Về điểm này, phong trào giống như phong trào của nhóm Pharisêu. Và đây là lý do tại sao các cuộc xung đột đầu tiên được miêu tả trong các sách Tin mừng chủ yếu liên quan đến nhóm này. Chỉ vào thời điểm lễ Vượt qua sau cùng của Đức Giêsu ở Giêrusalem, tầng lớp tư tế quý tộc của Đền thờ, nhóm Sađốc, mới để ý đến Đức Giêsu và phong trào của Người, và dẫn đến cuộc xét xử, kết án và hành hình Đức Giêsu. Kết quả, các thừa tác vụ của cộng đoàn, vốn đã bắt đầu hình thành xung quanh Đức Giêsu lại không thể thuộc về cấu trúc của chức tư tế trong Cựu ước. Chức tư tế thuộc Đền thờ mang tính kế thừa cha truyền con nối: nếu như một cá nhân không thuộc gia đình tư tế, người ấy không thể trở thành tư tế được.

Giờ đây, chúng ta cùng lướt qua các thừa tác vụ đã bắt đầu hình thành trong cộng đoàn tiền Vượt qua của Đức Giêsu.

1. Tông đồ [Apostolos, Aπόστολος]

Sứ vụ thiết yếu do Đức Giêsu thiết lập là sứ vụ tông đồ. Trong thế giới Hy Lạp, hạn từ “tông đồ” [aπόστολος] là một thuật ngữ thuộc ngôn ngữ thể chế-chính trị, nghĩa là người được sai đi, người được giao cho một sứ điệp.[4] Điều quan trọng ở đây là người được giao nhiệm vụ, trong phạm vi được giao phó, cũng giống như chính người giao nhiệm vụ vậy. Ngôn ngữ Do Thái giáo quen thuộc với hạn từ này theo nghĩa tương tự. Thánh sử Máccô đề cập đến việc thiết lập các tông đồ bằng những lời ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: “Người lập Nhóm Mười Hai (mà Người gọi là tông đồ) để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3,14-15; cụm từ trong ngoặc đơn được tìm thấy trong một số bản chép tay cổ xưa). Tiếp theo, Máccô lặp lại một lần nữa những lời: “Người lập Nhóm Mười Hai”, và sau đó, liệt kê tên của mười hai người được gọi (x. Mc 3,16-19). Trong Tin mừng Mátthêu, chương 28 câu 16, Đức Giêsu Phục sinh nới rộng mệnh lệnh này và còn mở rộng sứ mạng này tới muôn dân.

Tuy nhiên, liên quan đến những hạn từ cơ bản khi thiết lập trong Tin mừng Máccô, chương 3, chúng ta nhận ra rằng từ ban đầu, hạn từ “tông đồ” không được sử dụng, nhưng thay vào đó: “Người lập Nhóm Mười Hai”. Chỉ sau đó, Người tuyên bố: “những kẻ mà Người đặt tên là tông đồ”. Theo đó, Mátthêu lại không nói về các tông đồ nhưng nói về mười một môn đệ [disciples] (x. Mt 28,16tt). Như đã biết, mười một Tông đồ đã coi con số mười hai của tập thể (collegium)[5] này rất quan trọng, đến mức các ngài đã khôi phục lại Nhóm Mười Hai bằng cách đồng chọn [một người thế chỗ của Giuđa Iscariốt].

Theo nghĩa này và trên thực tế, các cách diễn đạt “Nhóm Mười Hai” và “Tông đồ” tương đương với nhau, và nhanh chóng liên kết chặt chẽ với nhau trong công thức “Nhóm Mười Hai”, do đó, chỉ những ai thuộc Nhóm Mười Hai, họ mới có thể được gọi là Tông đồ. Điều này đặt ra một vấn đề đối với thánh Phaolô, tuy nhiên, thánh Phaolô cũng nhận biết cá nhân mình cũng thuộc Nhóm Mười Hai và cùng đẳng cấp với các Tông đồ.

Nhìn chung, chúng ta có thể cho rằng mối liên hệ chặt chẽ giữa “Nhóm Mười Hai” và “các Tông đồ” chỉ phát triển tiệm tiến, dù rất sớm. Do đó, nếu chúng ta coi Nhóm Mười Hai như mệnh lệnh mà chính Đức Giêsu mong muốn, thì yếu tố mới mà Đức Giêsu muốn mang đến sẽ xuất hiện rất rõ ràng. Trên thực tế, Nhóm Mười Hai đề cập ám chỉ đến mười hai người con trai của Giacóp mà từ đó dân tộc Israel đã phát triển. Thêm vào đó là nhóm bảy mươi người khác thuộc nhà Giacóp, ám chỉ đến con số các quốc gia trên thế giới. Do đó, ý tưởng ban đầu của Đức Giêsu là tự coi mình, qua việc kêu gọi “Nhóm Mười Hai”, như nguồn gốc của Dân Israel mới, một tuyên bố vượt xa mọi mong đợi thông thường liên quan đến ơn cứu độ. Theo nghĩa này, ý tưởng ban đầu của Đức Giêsu vượt xa ý tưởng về cộng tác viên giáo dân, dù không đề cập trực tiếp đến chức linh mục.

2. Giám quản, Giám mục [Episkopos, ἐπίσκοπος][6]

Trong ngôn ngữ thường ngày của người Hy Lạp, hạn từ episkopos ám chỉ đến các chức năng liên quan đến các nhiệm vụ mang tính kỹ thuật và tài chính. Tuy nhiên, hạn từ này cũng mang ý nghĩa tôn giáo nữa, vì những ai được gọi là episkopos, nghĩa là, “những người bảo vệ”, là những vị thần. “Bản Bảy Mươi [Septuagint] sử dụng hạn từ episkopos theo hai nghĩa đã được sử dụng trong thế giới Hy Lạp ngoại giáo. Một mặt, như tên của Thượng Đế, và mặt khác, theo nghĩa trần tục, và cách chung chung là “người giám quản”.[7]

3. Kỳ mục, linh mục [Presbyteros, πρεσβύτερος][8]

Trong khi những người Kitô hữu gốc dân ngoại thông thường sử dụng thuật ngữ episkopos để nói về các thừa tác viên. Thế nhưng, hạn từ presbyteros đặc trưng trong bối cảnh Do Thái – Kitô giáo. Ở Giêrusalem, truyền thống Do Thái về “hàng kỳ mục, trưởng lão”, vốn được coi như hội đồng mang tính lập pháp. Hiển nhiên, truyền thống này đã phát triển nhanh chóng trở thành hình thức mục vụ đầu tiên của Kitô giáo. Bắt đầu từ đây, trong Giáo hội bao gồm người Do Thái và người gốc dân ngoại. Giáo hội phát triển thành ba hình thức thừa tác vụ, đó là giám mục, linh mục và phó tế. Chúng ta thấy hình thức này đã được thánh Inhaxiô thành Antiôkia đề cập đến cách rõ ràng vào cuối thế kỷ thứ nhất. Cho đến ngày nay, hình thức này diễn tả cách thích hợp cấu trúc thừa tác vụ này trong Giáo hội của Đức Giêsu Kitô, cả về mặt thuật ngữ lẫn hữu thể học.

Từ những nhận xét trên đây, chúng ta rút ra một kết luận sơ khởi, đặc tính giáo dân trong phong trào Giêsu tiên khởi cũng như đặc tính các thừa tác vụ tiên khởi, được hiểu không theo nghĩa tế tự thờ phượng. Không nhất thiết cả hai đặc tính trên đặt nền tảng trên chọn lựa chống lại Do Thái giáo hoặc chống lại việc thờ phượng. Nhưng đúng ra, cả hai đặc tính trên do hệ quả phát xuất từ hoàn cảnh cụ thể của chức tư tế trong Cựu ước. Khi ấy, chức tư tế chỉ dành riêng cho dòng tộc Aharon-Lêvi. Trong hai “phong trào thường dân” khác vào thời Đức Giêsu, mối liên hệ đến chức tư tế có khác biệt: về cơ bản, những người Pharisêu dường như sống hòa hợp với phẩm trật Đền thờ, trừ tranh luận về việc thân xác sống lại. Trong số những người Essenien thuộc phong trào Qumran, tình hình còn phức tạp hơn nữa. Dù sao chăng nữa, một nhóm thuộc phong trào Qumran đã nổi tiếng khi phản đối lại Đền thờ thời Hêrôđê và chức tư tế gắn liền với đền thờ, nhưng không phải để phủ nhận chức tư tế, mà chính xác là để tái thiết chức tư tế đó ở dạng thuần khiết và đúng đắn. Tương tự như vậy, ngay cả trong phong trào của Đức Giêsu, vấn đề hoàn toàn không phải là vấn đề “giải thiêng”, “khử trừ Lề luật” và bác bỏ chức tư tế và phẩm trật. Ngược lại, sự phê phán mang tính ngôn sứ về việc thờ phượng chắc chắn đã được đón nhận, nhưng sự phê bình ấy lại hợp nhất cách đáng ngạc nhiên với truyền thống tư tế và thờ phượng trong một tổng hợp buộc chúng ta phải nỗ lực để thấu hiểu. Trong tác phẩm Tinh thần Phụng vụ, tôi đã giải thích những phê bình khác nhau của các ngôn sứ liên quan đến việc thờ phượng. Thánh Stêphanô đã dùng lại những phê bình ấy, và thánh Phaolô đã nối kết những phê bình ấy với truyền thống thờ phượng mới trong bữa Tiệc ly của Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu đã lặp lại và tán thành những phê bình về thờ phượng mang tính ngôn sứ này, đặc biệt qua chủ đề tranh luận về việc giải thích cách chính xác về ý nghĩa của ngày Sabát (Mt 12,7-8).

Chúng ta xem xét đến mối liên hệ đầu tiên giữa Đức Giêsu với Đền thờ, xét như biểu hiện Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt giữa dân Người tuyển chọn, và như nơi thờ phượng đã được Môsê quy định. Trình thuật trẻ Giêsu lên 12 tuổi trong Đền thờ cho thấy gia đình của Người đã tuân thủ, và chính bản thân Người cũng tham dự vào nếp sống đạo đức của gia đình. Những lời Đức Giêsu trả lời cho thân mẫu: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Những lời này diễn tả niềm xác tín Đền thờ tiêu biểu là nơi Thiên Chúa cư ngụ theo cách thức đặc thù. Vì thế, Đền thờ cũng là một nơi thích hợp để Chúa Con cư ngụ. Tương tự như vậy, trong suốt cuộc đời công khai ngắn ngủi của Người, Đức Giêsu đã tham gia vào các cuộc hành hương của dân Israel lên Đền thờ. Và sau biến cố Phục sinh, khá phổ biến vì cộng đoàn của Người thường xuyên gặp nhau trong Đền thờ để giảng dạy và cầu nguyện.

Chưa hết, qua việc thanh tẩy Đền thờ, Đức Giêsu muốn giới thiệu điểm nhấn mới mang tính nền tảng liên quan đến Đền thờ (Mc 11,15; Ga 2,13-22). Nếu chúng ta giải thích hành động của Đức Giêsu khi thanh tẩy Đền thờ chỉ để chống lại các lạm dụng, và vì thế, xác định chức năng của Đền thờ, lối giải thích đó không thỏa đáng. Trong Tin mừng Gioan, chúng ta tìm thấy những cụm từ diễn tả hành động của Đức Giêsu như báo trước sự phá hủy ngôi đền bằng đất đá này để thay thế bằng chính Thân thể Người như ngôi Đền thờ mới. Trong Tin mừng Nhất lãm, lối giải thích lời của Đức Giêsu xuất hiện trên môi miệng của những kẻ làm chứng gian tại phiên tòa xét xử Người (Mc 14,58). Phiên bản làm chứng này đã bị bóp méo, và vì vậy, phiên bản ấy không thể được dùng để thuyết phục kết quả của phiên tòa. Cho dù Đức Giêsu đã thực sự tuyên bố những lời đó, nhưng chúng ta không thể xác quyết thật chính xác về những lời này. Do đó, Giáo hội sơ khai chính xác khi cho rằng, phiên bản của Gioan là chân thực về Đức Giêsu. Điều này có nghĩa là Đức Giêsu coi việc phá hủy Đền thờ là hậu quả của thái độ sai lầm của những người có thẩm quyền cao nhất trong hàng tư tế. Tuy nhiên, cũng như vào mọi thời điểm quan trọng của lịch sử cứu độ, ở đây, Thiên Chúa dùng những hành vi sai trái của con người như một phương cách [modus] nhằm biểu lộ tình yêu lớn lao hơn của Người. Cuối cùng, Đức Giêsu coi việc Đền thờ hiện tại bị phá hủy chính là một bước trong việc chữa lành thiêng liêng. Người giải thích sự kiện này như sự hình thành và cấu tạo sự thờ phượng mới và dứt khoát. Theo nghĩa đó, việc thanh tẩy Đền thờ công bố về hình thức thờ phượng Thiên Chúa cách mới mẻ. Theo nghĩa này, việc thanh tẩy đền thờ là việc công bố một hình thức thờ phượng mới mẻ đối với Thiên Chúa, và do đó, liên quan đến bản chất của việc thờ phượng và chức linh mục nói chung.

Rõ ràng là với việc Đức Giêsu Kitô dâng hiến chính Mình và Máu Người, bữa Tiệc ly có tính chất quyết định để hiểu được điều Đức Giêsu muốn hay bác bỏ, khi đề cập tới chủ đề thờ phượng. Ở đây, chúng ta không tranh luận về những gì đã được triển khai sau đó về cách giải thích chính xác biến cố đó, cũng như những lời của Đức Giêsu. Một đàng, thật quan trọng để nhấn mạnh đến sự kiện Đức Giêsu chấp nhận truyền thống Sinai, và do đó, Người tự coi mình như là Môsê mới. Đàng khác, Đức Giêsu cũng chấp nhận niềm hy vọng vào Giao ước Mới, đã được Giêrêmia trình bày một cách đặc biệt. Do đó, Đức Giêsu công bố một phát triển vượt qua khỏi truyền thống Sinai, mà ở trọng tâm truyền thống đó, chính bản thân Người vừa là tư tế và vừa là vật sát tế. Thật cần thiết để chúng ta nhận ra Đấng Giêsu này đang đứng giữa các môn đệ của mình, và đồng thời, cũng là Đấng tự trao ban chính mình cho họ trong Thịt và Máu Người, vì thế, bữa Tiệc ly tiên báo về Thập giá và sự Phục sinh. Nếu như không có sự sống lại thì tất cả những điều này sẽ trở nên vô nghĩa. Tự bản chất, sự kiện Đức Giêsu bị đóng đinh không phải là một hành vi thờ phượng, và những tên lính Rôma đã xử tử Người chẳng phải vì coi Người là một vị tư tế. Những người lính thực hiện một cuộc hành quyết, họ hoàn toàn không nghĩ đến việc họ đang thực hiện một hành động liên quan đến việc thờ phượng. Trên thực tế, sự kiện Đức Giêsu tự trao ban chính mình mãi mãi là của ăn trong bữa Tiệc ly, hành động trao ban này tiên báo cái chết và sự Phục sinh của Người. Có nghĩa là Người biến đổi một hành động tàn ác của phàm nhân trở thành một hành động yêu thương và tự hiến. Đây chính là cách mà Đức Giêsu hoàn thành việc canh tân nền tảng trong việc thờ phượng, một việc vẫn mãi còn hiệu lực và bắt buộc. Đức Giêsu biến đổi tội lỗi nhân loại thành một hành động tha thứ và yêu thương mà các môn đệ tương lai có thể bước vào, bằng cách tham dự vào những điều Người đã thiết lập. Do đó, chúng ta hiểu được điều thánh Augustinô gọi là sự chuyển đổi từ bữa Tiệc ly sang hy lễ ban mai của Giáo hội. Bữa Tiệc ly là hồng ân do Thiên Chúa ban cho ta trong tình yêu của Đức Giêsu, Đấng thứ tha tội lỗi. Đến lượt mình, nhân loại có thể nhận lãnh được cử chỉ yêu thương này của Thiên Chúa và đền đáp tình yêu của Người.

Trong tất cả những điều trên đây không đề cập trực tiếp đến chức linh mục. Tuy nhiên, rõ ràng là trật tự cũ của Aharon đã lỗi thời, và chính Đức Giêsu xuất hiện với tư cách là Thượng tế. Quan trọng hơn nữa, cách thức này còn phê bình sự thờ phượng do các ngôn sứ và truyền thống tế tự vốn hiện diện từ thời Môsê: tình yêu và hy tế. Trong quyển sách về Đức Giêsu thành Nadarét[9], tôi đã giải thích nền tảng của việc thờ phượng mới mẻ, và cùng với nền tảng này, là chức linh mục đã được hoàn thành trọn vẹn nơi tư tưởng của thánh Phaolô như thế nào. Sự hiệp nhất cơ bản này giữa tình yêu và sự hy sinh dựa trên sự trung gian được thiết lập bởi cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu. Điều này đã được thừa nhận rõ ràng ngay cả bởi những kẻ phản đối những tuyên bố của thánh Phaolô.

Việc phá hủy các bức tường của Đền thờ do con người gây ra, được Thiên Chúa tích cực đón nhận. Chẳng còn bức tường nào nữa, vì Đức Kitô Phục sinh đã trở thành một nơi để toàn thể nhân loại thờ phượng Thiên Chúa. Theo cách thức này, sự kiện Đền thờ thời Hêrôđê bị sụp đổ nói lên rằng, giờ đây, không còn điều gì xen vào ở giữa. Một mặt, không gian ngôn ngữ và sự tồn tại của luật Môsê, và mặt khác, không gian của phong trào tụ họp quanh Đức Giêsu. Các thừa tác vụ Kitô giáo: giám mục [episkopos]; linh mục [presbyteros]; phó tế [diakonos], và những tác vụ do luật Môsê quy định như các thượng tế, tư tế, Lêvi, từ nay trở đi có thể công khai hiện hữu bên cạnh nhau, và giờ đây, chúng có thể được xác định trong mối liên hệ với nhau một cách rõ ràng hơn. Thật vậy, về mặt thuật ngữ, sự tương ứng xuất hiện khá nhanh chóng: episkopos = Thượng tế, presbyteros = tư tế và diakonos = Lêvi. Chúng ta tìm thấy sự tương ứng ấy khá rõ ràng trong các bài giáo lý về phép Rửa tội của thánh Ambrôsiô, tuy nhiên, chắc chắn những bài này đề cập đến các mô hình và tài liệu cũ hơn. Những gì xảy ra ở đây không gì khác hơn là cách giải thích Kitô học về Cựu ước, cũng có thể được gọi là cách giải thích Thánh Linh học và đại diện cho cách thức mà Cựu ước có thể trở thành và vẫn là Kinh thánh của các Kitô hữu. Nếu, một mặt, lối giải thích Kitô học và Thánh Linh học này cũng có thể được gọi là “ẩn dụ” từ góc độ lịch sử lẫn văn chương, thì mặt khác, tính mới mẻ sâu sắc và động lực rõ ràng của cách giải thích Tân ước của Kitô giáo về Cựu ước là điều hiển nhiên. Ở đây, phép ẩn dụ không phải là một thủ pháp văn chương để làm cho bản văn có thể sử dụng được cho những mục đích mới, nhưng đúng hơn, phép ẩn dụ diễn đạt một quá trình lịch sử tương ứng với lôgíc nội tại của bản văn.

Thập giá của Đức Giêsu Kitô là hành vi yêu thương triệt để, trong đó sự hòa giải giữa Thiên Chúa và thế gian đầy tội lỗi được thực hiện trọn vẹn. Đây là lý do tại sao sự kiện này, vốn không phải là một hình thức tế tự, lại thể hiện lòng tôn thờ Thiên Chúa cách tuyệt đối. Nơi Thập giá, giữa chiều đi xuống (katabatikos; καταιβατός) của Thiên Chúa, và chiều đi lên (anabatikos; καταβατικός) của nhân loại, đang tiến dâng lên Thiên Chúa, trở thành một hành động duy nhất, được thực hiện nhờ ngôi đền thờ mới là Thân thể Đức Kitô trong sự Phục sinh. Trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể, Giáo hội, đúng hơn là toàn thể nhân loại, không ngừng được lôi kéo và được tham gia vào trong tiến trình. Nơi Thập giá Đức Kitô, lời của các ngôn sứ phê bình việc thờ phượng chắc chắn đã đạt được mục tiêu một cách dứt khoát. Tuy nhiên, một nền phụng tự mới đã được thiết lập vào chính thời điểm đó. Tình yêu của Đức Kitô vốn luôn hiện diện trong Bí tích Thánh Thể là một hành vi tôn thờ mới. Hệ quả, các tác vụ tư tế của Israel trở nên “vô hiệu” trong việc phục vụ tình yêu này, đồng thời luôn biểu thị việc tôn thờ Thiên Chúa. Sự thống nhất mới này giữa tình yêu và sự thờ phượng, giữa việc phê bình sự thờ phượng và việc tôn vinh Thiên Chúa trong việc phục vụ tình yêu, chắc chắn là một chức năng vô tiền khoáng hậu, nhưng nay lại được ủy thác cho Giáo hội và Giáo hội phải được canh tân qua từng thế hệ.

Từ đó, Thánh linh học khắc phục “chữ nghĩa” của Cựu ước lại liên tiếp đòi buộc sự chuyển tiếp từ “chữ nghĩa” sang tinh thần. Vào thế kỷ thứ XVI, ông Luthêrô đã đặt nền tảng các giáo lý của mình, dựa trên một kiểu đọc Cựu ước hoàn toàn khác, đã không thể thực hiện quá trình chuyển tiếp này nữa. Vì lý do này, ông đã giải thích việc thờ phượng và chức tư tế trong Cựu ước như đã được thiết lập chỉ biểu hiện về Lề luật, giờ đây, đối với ông, Lề luật không còn là một đường lối ân sủng của Thiên Chúa, nhưng đã đi ngược lại với ân sủng. Do đó, chắc hẳn ông đã thấy sự đối lập hoàn toàn giữa các chức vụ thừa tác trong Tân ước và chức tư tế nói chung. Vào thời Công đồng, sự đối lập giữa các thừa tác vụ và chức tư tế đã trở thành một vấn đề không thể tránh khỏi, kể cả đối với Giáo hội Công giáo. Quả thật, phép “ẩn dụ”, xét như một sự chuyển tiếp mang tính Thánh Linh học từ Cựu sang Tân ước, đã trở nên thật khó hiểu. Tuy nhiên, sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục [Presbyterorum ordinis] của Công đồng Vaticanô II, trên thực tế, hầu như không đề cập tới vấn đề này, thì đến thời hậu Công đồng, nó đã tác động đến chúng ta một cách khẩn cấp chưa từng có, và nó đã trở thành một cuộc khủng hoảng về chức linh mục vẫn tiếp tục diễn ra trong Giáo hội cho đến ngày nay.

Tôi muốn minh họa qua hai nhận định về quan điểm này, vì ký ức tôi vẫn còn khắc sâu về một trong những người bạn của tôi, một chuyên gia về Ấn Độ học vĩ đại Paul Hacker, ông đã đối mặt với vấn nạn này với niềm đam mê mãnh liệt thông thường của ông ấy trong việc cải đạo từ một tín đồ Luthêrô nhiệt thành trở thành tín hữu Công giáo. Ông ta coi “linh mục” như một thực tại chắc chắn đã lỗi thời trong Tân ước. Trước hết, cùng với sự phẫn nộ mãnh liệt, ông ấy phản đối thực tế cho rằng, hạn từ Priester trong tiếng Đức, vốn xuất phát từ thuật ngữ Hy Lạp: presbyteros [trưởng lão] mang ý nghĩa của hạn từ tiếng Latinh: sacerdotium [chức tư tế], tiếp tục gây tiếng vang bất chấp mọi thứ – nhưng điều này lại là đúng. Tôi không biết cuối cùng ông ấy đã giải quyết được vấn nạn này như thế nào nữa.

Trong suốt tiến trình diễn ra cuộc hội thảo về chức linh mục trong Giáo hội được tổ chức ngay sau Công đồng, tự bản thân, tôi nghĩ rằng phải trình bày vị linh mục của Tân ước như một người suy niệm Lời Chúa, chứ không phải là một “người thờ phượng cách điêu luyện” [craftsman of worship]. Thật vậy, việc suy niệm Lời Chúa là một nhiệm vụ quan trọng và căn bản nơi người linh mục của Chúa trong Giao ước Mới. Tuy nhiên, Lời này đã trở thành xác phàm, và việc suy niệm Lời Chúa cũng luôn đồng nghĩa với việc được nuôi dưỡng nhờ Thân thể đã được trao ban cho chúng ta trong Bí tích Thánh Thể cực thánh như là Bánh bởi Trời. Việc suy niệm Lời Chúa trong Giáo hội thời Tân ước luôn luôn có nghĩa là từ bỏ chính mình để trở nên Thân thể của Đức Giêsu Kitô. Sự từ bỏ này đồng thời cũng bao hàm chấp nhận sự biến đổi chính mình nhờ Thập giá Đức Kitô.

Tôi sẽ trở lại đề tài trên đây cách sâu xa hơn. Bây giờ, chúng ta cùng xem xét đến một vài giai đoạn phát triển cụ thể trong lịch sử Giáo hội.

Chúng ta có thể quan sát thấy bước đầu tiên trong việc thiết lập một thừa tác vụ mới. Sách Công vụ Tông đồ đề cập đến chuyện các tông đồ phải làm việc quá tải, vì ngoài nhiệm vụ rao giảng và hướng dẫn đời sống cầu nguyện cho Giáo hội, các ngài còn phải chăm lo cho người nghèo. Một trong những hậu quả của thực trạng này là một nhóm các tín hữu gốc Hy Lạp trong Giáo hội sơ khai đã cảm thấy mình bị bỏ rơi. Vì vậy, các tông đồ đã quyết định hoàn toàn chú tâm vào việc cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa. Còn đối với những công việc bác ái, các ngài lập ra thừa tác vụ của Nhóm Bảy người, và sau này, được đồng hóa với tác vụ phó tế. Hơn nữa, mẫu gương của thánh Stêphanô cho thấy, thừa tác vụ này cũng đòi hỏi không chỉ công việc thuần túy mang tính bác ái, nhưng còn cả công việc của Thần khí và đức tin, và do đó, cũng đòi hỏi khả năng phục vụ Lời Chúa.

Một vấn đề vẫn còn quan trọng cho đến ngày nay, phát sinh từ thực tế là các thừa tác vụ mới không dựa trên nguồn gốc gia đình huyết thống, mà dựa trên sự tuyển chọn và ơn kêu gọi. Trước đây, tính liên tục của phẩm trật tư tế Israel được đảm bảo bởi chính Thiên Chúa, vì xét cho cùng, chính Người đã trao ban con cái cho các cha mẹ chúng. Ngược lại, các thừa tác vụ mới không còn đặt nền tảng trên các thành viên trong một gia đình, nhưng là ơn gọi được Thiên Chúa ban cho và con người đã đón nhận như người thụ hưởng. Vì lý do này, vấn đề ơn gọi đã nảy sinh trong cộng đoàn Tân ước ngay từ đầu: “Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,38). Qua mọi thế hệ, Giáo hội luôn hy vọng và quan tâm đến việc tìm kiếm một số người được ơn kêu gọi. Tất cả chúng ta đều biết rất rõ đây là một mối quan tâm và nhiệm vụ lớn lao của Giáo hội đến mức nào, đặc biệt trong bối cảnh ngày hôm nay.

Còn một vấn đề khác trực tiếp gắn liền với vấn đề trên đây. Đó là, dù chúng ta không biết chính xác từ khi nào, nhưng từ rất xa xưa, việc cử hành Thánh lễ mỗi ngày và thường xuyên đã trở nên cần thiết đối với Giáo hội. Đồng thời, bánh “siêu thực thể – ἐπῐούσῐοςepioúsiossupersubstantialis” cũng chính là lương thực “hằng ngày” của Giáo hội. Điều này có một hệ quả quan trọng, chính xác là đang ám ảnh Giáo hội ngày hôm nay.[10]

Trong nhận thức chung của dân Israel, các vị tư tế buộc phải giữ mình không được gần gũi với phụ nữ trong suốt khoảng thời gian họ thực hành việc thờ phượng, và do đó, tiếp xúc với mầu nhiệm Thiên Chúa. Mối liên hệ giữa việc tiết dục và việc thờ phượng Thiên Chúa hoàn toàn hiển nhiên trong nhận thức chung của dân Israel. Để làm ví dụ, tôi muốn nhắc lại trích đoạn về vua Đavít trong khi chạy trốn vua Saun, ông đã xin tư tế Akhimeléc chút bánh ăn: “Tư tế trả lời ông Ðavít rằng: “Tôi không có sẵn bánh thường, chỉ có bánh thánh hiến, miễn là các đầy tớ đã giữ mình, không gần gũi đàn bà.” Ông Ðavít trả lời tư tế rằng: “Phải, chúng tôi bị cấm không được gần gũi đàn bà, như xưa nay, mỗi khi tôi ra trận” (1Sm 21,5-6). Vì các vị tư tế của Cựu ước chỉ buộc phải dành trọn bản thân cho việc thờ phượng trong thời gian quy định cụ thể, nên hôn nhân và chức tư tế tương thích với nhau.

Tuy nhiên, vì Thánh lễ được cử hành thường xuyên, và thậm chí là hằng ngày nữa, nên hoàn cảnh của các linh mục trong Giáo hội Đức Giêsu Kitô đã thay đổi hoàn toàn. Từ nay trở đi, toàn bộ cuộc sống của linh mục phải luôn tiếp xúc với mầu nhiệm thánh thiêng. Điều này đòi hỏi người linh mục phải dành trọn bản thân cho một mình Thiên Chúa. Hệ quả, sự dâng hiến này loại bỏ những mối ràng buộc khác, chẳng hạn như hôn nhân, vốn bao trùm toàn bộ cuộc sống của linh mục. Chính vì vậy, từ việc cử hành Thánh lễ thường xuyên ấy, ám chỉ đến một đời sống phụng sự Thiên Chúa liên lỉ, làm nảy sinh việc các linh mục không thể kết hôn. Chúng ta có thể nói thêm rằng, việc tiết dục vốn thiết thực, đã tự động biến đổi thành sự kiêng cữ mang tính hữu thể luận. Như vậy, động cơ và ý nghĩa của việc kiêng cữ ấy được thay đổi cách sâu sắc từ bên trong nội tâm.

Ngày nay, một số học giả vội vàng tuyên bố cách dễ dãi rằng, tất cả những điều này chỉ là kết quả của một sự khinh miệt thân xác và tình dục. Những lời chỉ trích cho rằng, nền tảng của đời sống độc thân linh mục dựa trên quan niệm của phái Manikê về thế giới đã được hình thành từ thế kỷ thứ IV. Tuy nhiên, các Giáo phụ đã bác bỏ phê bình này ngay lập tức và thật dứt khoát, và không lâu sau đó, các ngài đã đặt dấu chấm hết cho quan niệm ấy.

Lối suy nghĩ về cuộc đời độc thân thánh hiến như vậy là sai lầm. Để chứng minh điều này, chúng ta chỉ cần nhắc lại rằng, Giáo hội luôn coi hôn nhân như là hồng ân Thiên Chúa ban tặng, vốn được ban cho con người ngay từ vườn địa đàng, và như thế là đủ. Tuy nhiên, vì đời sống hôn nhân liên hệ đến một con người trọn vẹn, và vì việc phục vụ Thiên Chúa cũng đòi hỏi một hành động hiến dâng trọn vẹn, thế nên, dường như không thể đảm nhận hai ơn gọi cùng một lúc được. Vì thế, việc từ bỏ hôn nhân để đặt toàn bộ cuộc đời mình theo ý định của Thiên Chúa trở thành một tiêu chuẩn cho thừa tác vụ linh mục.

Đối với hình thức độc thân cách cụ thể trong Giáo hội sơ khai, cũng cần lưu ý rằng những người đàn ông đã kết hôn vẫn có thể lãnh nhận bí tích truyền chức thánh, nếu họ cam kết sống tiết dục, do đó, họ phải ký kết cái gọi là “hôn nhân Giuse” nghĩa là giống như cuộc hôn nhân giữa thánh Giuse với Đức Trinh Nữ Maria. Điều này dường như hoàn toàn bình thường trong những thế kỷ đầu tiên. Hiển nhiên là đã có nhiều người nam và người nữ xem lối sống này hợp lý và họ có thể sống như vậy để cùng nhau dâng hiến cho Chúa.[11]

III. PHÂN TÍCH BA BẢN VĂN

Những suy tư trên đây cho thấy thật rõ biết bao, dựa trên cơ sở cách đọc Cựu ước theo Kitô học, Đức Giêsu thành Nadarét cũng là một vị tư tế theo đúng nghĩa. Tuy nhiên, Người không thể mang danh hiệu liên quan đến tư cách thành viên của gia tộc Aharon-Lêvi, vì Đức Giêsu thuộc dòng dõi Giuđa. Một bước mới mẻ theo hướng này đã được thực hiện nhờ Thư gửi tín hữu Do Thái. Khoa chú giải Kinh thánh của Đức luôn coi đó như là đứa con ghẻ [tức là cách hiểu này có vấn đề], vì cách chú giải này dạy rằng cũng nên hiểu Đức Giêsu theo một cách tuyệt đối quan trọng với tư cách là vị thượng tế, một quan điểm không thể dung hòa với lối chú giải của Luthêrô. Tuy nhiên, trong khi đó, Đức Hồng y Albert Vanhoye, một tu sĩ dòng Tên, người Pháp, giáo sư lâu năm tại Học viện Giáo hoàng về Kinh thánh ở Rôma, đã cống hiến cả cuộc đời mình để tìm hiểu Thư gửi tín hữu Do Thái. Vì thế, cho chúng ta có cơ hội để thủ đắc tài liệu thực sự quý giá này. Nhưng ngay cả ở Đức, mọi thứ đã bắt đầu thay đổi. Theo nghĩa này, tôi đặc biệt đề cập đến bài bình luận xuất sắc về Thư gửi tín hữu Hípri, do Knut Backhaus viết cho cuốn Tân ước Regensburger.[12]

Tác giả của Thư gửi tín hữu Hípri, cá nhân hoàn toàn sống trong bối cảnh thần học thờ phượng được thánh Stêphanô mô tả, và được thánh Phaolô triển khai hết sức sâu sắc, đã khám phá ra trong sách Sáng thế, chương 14,17-20 và trong Thánh vịnh 110 câu trả lời cho vấn nạn về chức tư tế của Đức Giêsu hiện diện trong các bản văn này. Khi Ápraham giải thoát cháu Lót của ông khỏi bị giam cầm, lấy lại tất cả tài sản của mình, vua Sô-đôm ra đón ông trước, nhưng vua lại không quan tâm đến ông. Sau đó, nhân vật bí ẩn Menkixêđê, vua thành Salem, xuất hiện tại hiện trường: “Ông Menkixêđê, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. Ông chúc phúc cho ông Ápram và nói: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Ápram! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!” Rồi ông Ápram biếu ông Menkixêđê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm” (St 14,18-20). Chỉ cần một vài từ ngữ để miêu tả một nhân vật mạnh mẽ. Menkixêđê, tên này có nghĩa là vua công lý, vua thành Salem, nói cách khác, của Giêrusalem. Theo cách này, một đàng, Menkixêđê được nối kết với truyền thống Giêrusalem; đàng khác, truyền thống địa phương trở nên quan trọng hơn đối với tâm điểm thực của diễn từ: Menkixêđê là vua của hòa bình. Ngoài ra, ông còn là vị tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. Một điều bí ẩn nữa là việc đề cập đến bánh và rượu, những lễ vật được hiểu là hình ảnh tiên trưng [prefiguration] của việc dâng hy lễ Thánh Thể. Cuối cùng, bí ẩn này còn nói về Menkixêđê cho rằng ông ta là vị thượng tế của Thiên Chúa Tối Cao, và ông ta chúc lành cho những ai đang hiện diện ở đó. Hành động dâng một phần mười, Ápram đã công nhận Menkixêđê có đặc quyền của vị thượng tế.

Do Thái giáo thời kỳ đầu, và đồng thời, các Giáo phụ đã cống hiến hết sức mình để giải thích nhân vật này, người mà đối với các Giáo phụ, nhân vật này nhất thiết phải xuất hiện theo nhiều cách như một sự tiên báo về Đức Giêsu Kitô.

Trong phần đầu của lịch sử cứu độ, dường như, Menkixêđê được xác định bởi Lề luật và việc truyền chức trong Lề luật, và trong Thánh vịnh 110, Menkixêđê được miêu tả như một lời hứa cho tương lai. Thánh vịnh 110 là Thánh vịnh về Đấng Cứu Thế thường được Tân ước trích dẫn nhiều nhất. Thánh vịnh ấy được phân biệt bởi vì vắng bóng các hạn từ cơ bản, “vua” và “ngai vàng”. Điều này lại đi ngược lại với các Thánh vịnh thiên sai khác. Ở đây, Thánh vịnh này nói về Menkixêđê vì ông được dựng nên cách bí ẩn “trước ngôi sao mai sáng” và “từ hừng đông”. Tuy nhiên, đây là những hình ảnh thần thoại để sau này được sử dụng để hình dung trước mầu nhiệm Chúa Con. Tiếp theo là những lời cơ bản của lời hứa lặp lại tiên báo trong Sáng thế, chương 14, và trở thành khía cạnh trung tâm của ơn cứu độ trong tương lai: “Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: ‘Muôn thuở, Con là Thượng Tế, theo phẩm trật Menkixêđê’” (Tv 110,4). Theo cách này, nhân vật chúng ta gặp bên cạnh Ápram ngay từ đầu lịch sử cứu độ quy chiếu về tương lai: Đấng Cứu Độ sẽ đến trước hết là một vị thượng tế, và chính xác, “theo phẩm trật Menkixêđê”. Dựa theo quy định của Giao ước trên núi Sinai, ở Israel có một vị thượng tế theo phẩm trật Aharon. Thánh vịnh 110 hướng dẫn ta, sự kiện là trong tương lai sẽ có một vị thượng tế khác “theo phẩm trật Menkixêđê”. Do đó, giải quyết vấn đề nảy sinh từ việc giới hạn vai trò tư tế đối với con cháu theo dòng tộc Aharon và Lêvi. “Phẩm trật Menkixêđê” đã mở ra một mẫu thức mới cho sứ vụ của vị thượng tế. Đức Giêsu thực sự chính là vị thượng tế ấy, dù không theo phẩm trật Aharon. Trong đoạn trước, chúng ta đã thấy làm thế nào vị tư tế này hoàn toàn mới và khác với tư tế Aharon. Tuy nhiên, vai trò tư tế này hoàn toàn mang ý nghĩa của chức tư tế [sacerdotium]. Nói cách khác, sứ vụ hy sinh trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Đồng thời điểm này còn giải thích về đặc tính tư tế của các thừa tác vụ, vì trước khi việc khám phá ra “theo phẩm trật Menkixêđê” không thể nào định hình như sacerdotium.

Tiếp đến qua một số ví dụ, tôi muốn trình bày cách thức các thừa tác vụ mới đảm nhận tác vụ đặc tính tư tế. Rõ ràng, khi áp dụng các khái niệm sacerdos và sacerdotium, luôn có nguy cơ coi thường sự biến đổi triệt để của thừa tác vụ hy sinh đã diễn ra trên Thập giá của Đức Kitô. Theo nghĩa này, Luthêrô đã bắt đầu sợ hãi, nỗi sợ hãi ấy có cơ sở, dù những kết luận khiến cho nhà cải cách người Đức này mắc sai lầm không nhất thiết xuất phát từ đó. Giờ đây, tôi muốn giải thích về ba bản văn thật hữu ích cho tôi trong hành trình tôi tiến bước tới chức linh mục. Tôi lựa chọn các bản văn để kết nối với câu chuyện cá nhân của tôi, và do đó, không bị bó buộc phải tuôn chảy theo. Đức Hồng y Albert Vanhoye đã thuyết giảng trong cuộc Tĩnh tâm Mùa Chay cho chúng tôi và giáo triều tại Vatican vào năm 2008. Phần chính yếu của tuần tĩnh tâm là khái niệm mới về chức linh mục trong Thư gửi tín hữu Do Thái, đặc biệt khi được trình bày ở các trang 38-39.[13] Tôi hy vọng sẽ có được bản dịch tốt sang tiếng Đức của cuốn sách quan trọng này thật sớm.

1. Thánh vịnh 16,5-6

Những hạn từ được dùng tới để nhận một cá nhân vào bậc giáo sĩ trước Công đồng

Trước tiên, tôi chú giải những lời Thánh vịnh do tôi đã nhận vào ngày trước khi tôi được gia nhập hàng giáo sĩ, tháng 5 năm 1948. Thánh vịnh 16,5-6. Những lời này được vị Giám mục tuyên bố, sau đó ứng viên lặp lại: “Dominus pars hereditatis meae et calicis mei; tu es qui restitues hereditatem meam mihi: Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con. Số mạng con chính Ngài nắm giữ” (Tv 16,5-6). Thật vậy, mặc dù thuộc về Cựu ước, câu Thánh vịnh này cũng diễn tả cách chính xác vấn đề sẽ xảy ra sau này trong Giáo hội: Sự chấp nhận được bước vào hàng ngũ linh mục đoàn. Đoạn Thánh vịnh này nhắc nhở chúng ta rằng tất cả các chi tộc Israel, cũng như mỗi gia đình, đại diện cho di sản lời hứa của Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ Ápraham. Điều này được thể hiện cách cụ thể ở chỗ mỗi gia đình được thừa hưởng một phần Đất hứa mà họ trở thành chủ sở hữu. Việc sở hữu một phần Đất thánh đã đảm bảo cho mỗi gia đình là họ cũng được chia sẻ lời hứa đó. Cách cụ thể, lời hứa đó bảo đảm cho họ có được một kế sinh nhai, mỗi người có được phần đất họ cần để sinh sống. Câu chuyện về ông Navốt (1V 21,1-29), người đã dứt khoát từ chối nhường vườn nho của mình cho vua Akháp, mặc dù vua Akháp nói rằng sẵn sàng bồi thường đầy đủ cho ông, điều đó cho thấy rõ tầm quan trọng của phần thừa kế cụ thể này. Đối với Navốt, vườn nho không chỉ là một mảnh đất quý giá: mà đó là sự tham gia của ông vào lời hứa của Thiên Chúa dành cho dân Israel. Trong khi mỗi người dân Israel đều có đất để cung cấp cho họ những thứ họ cần để sinh sống thì chi tộc Lêvi lại có điểm đặc biệt này: đó là chi tộc duy nhất không có đất đai làm sản nghiệp thừa kế. Chi tộc Lêvi vẫn không sở hữu đất đai, và do đó, bị tước đoạt nguồn cung cấp lương thực ngay lập tức từ đất đai. Chi tộc ấy chỉ có thể sống nhờ vào Thiên Chúa và sống cho Thiên Chúa. Trên thực tế, điều này ngụ ý chi tộc ấy phải sống dựa theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, dựa trên những lễ vật hiến tế do dân Israel dành riêng cho Thiên Chúa.

Hình ảnh tiên trưng này của Cựu ước đã được hiện thực hóa nơi các linh mục của Giáo hội một cách mới mẻ và sắc hơn: vị linh mục phải sống chỉ nhờ vào Thiên Chúa và sống chỉ cho một mình Người. Đặc biệt, thánh Phaolô đã giải thích thật rõ ràng ý nghĩa này cách thật cụ thể trong các bản văn của ngài. Vị tông đồ sống nhờ những gì người ta dành cho ngài, bởi vì chính ngài đã ban cho họ Lời Chúa, đó là bánh đích thực và là lẽ sống thật của chúng ta. Trong Cựu ước, chi tộc Lêvi từ bỏ quyền sở hữu đất đai. Trong Tân ước, sự tước đoạt này được biến đổi và canh tân: nơi các linh mục, vì đã tận hiến mình cho Thiên Chúa, từ bỏ hôn nhân và gia đình. Giáo hội Công giáo đã giải thích hạn từ “giáo sĩ” [clerus] theo nghĩa này. Gia nhập hàng giáo sĩ có nghĩa là từ bỏ một lối sống vị kỷ, để nhận lấy một mình Thiên Chúa duy nhất như nguồn trợ lực và đảm bảo cho đời sống riêng của mình mà thôi.

Tôi vẫn nhớ và suy niệm đoạn Thánh vịnh này như một kỷ niệm thật sống động vào chiều hôm trước ngày chịu chức cắt tóc. Tôi đã hiểu được điều Chúa mong muốn nơi tôi lúc đó: chính Người đã muốn tôi hoàn toàn trao phó cuộc đời tôi cho Người tùy ý sử dụng. Đồng thời, Chúa cũng hoàn toàn trao phó chính Người cho tôi. Vì vậy, tôi quan niệm tất cả lời của Thánh vịnh này là mảnh đất được phân phát cho tôi để cày cấy. “Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con. Số mạng con chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn” (Tv 16,5-6).

2. Đệ Nhị Luật (Đnl 10,8 và trong Đnl 18,5-8)

Những lời được tháp nhập vào kinh nguyện Thánh Thể II: quan điểm Kitô học và Thánh Linh học giải thích lại vai trò của chi tộc Lêvi cho chức vụ linh mục trong Giáo hội

Thật phấn khích khi cuộc cải cách phụng vụ hậu Công đồng Vaticanô II đã cho phép lựa chọn một trong số bốn Kinh nguyện Thánh Thể. Cho đến lúc đó, không giống như các phụng vụ Đông phương, phụng vụ Rôma chỉ biết đến một Kinh nguyện. Cho đến thời điểm đó, Kinh nguyện Thánh Thể I, Lễ Quy Rôma, duy nhất hợp lệ.

Tiếp đến, giờ đây chúng ta hãy xem xét một Kinh nguyện Thánh Thể trích từ Truyền thống Tông đồ của thánh Hippolytô (qua đời khoảng năm 235). Kinh nguyện này có mặt từ nửa đầu thế kỷ thứ ba. Bên cạnh bản văn Latinh, bản văn được chứng thực ở nhiều vùng ngôn ngữ khác nhau của Giáo hội sơ khai, đặc biệt ở Ai Cập. Vào năm 1962, đan sĩ Bênađô Botte, thuộc dòng Biển Đức, đã cung cấp cho chúng ta một khai mở xuất sắc về các bản văn và lịch sử chúng được lưu truyền lại. Bản văn truyền thống [Traditio] chưa bao giờ trở thành bản văn phụng vụ chính thức. Thánh Hippôlytô dự định đưa ra trong đó một số tiêu chí cho một Kinh nguyện Thánh Thể chính thống. Vì nhiều lý do, cuộc cải cách phụng vụ đã biến bản văn thành một phần chính thức của phụng vụ canh tân của Giáo hội Rôma. Hiển nhiên theo cách này, bản văn có ý định làm nổi bật cấu trúc cơ bản của một Kinh nguyện Thánh Thể, cũng như những nhận định cơ bản trong đó. Dù sao chăng nữa, trong những năm đầu tiên của cuộc cải cách phụng vụ, Kinh nguyện Thánh Thể của thánh Hippôlytô được sử dụng nhiều nhất trong phụng vụ mới như Kinh nguyện Thánh Thể.

Tôi xúc động cách đặc biệt về câu minh họa vai trò linh mục: “Domine, panem vitae et calicem salutis offerimus, gratias agentes quia nos dignos habuisti astare coram te et tibi ministrare: Chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước Tôn nhan và phụng sự Chúa”.[14] Câu này không có nghĩa như một số chuyên gia phụng vụ vẫn giải thích làm cho chúng ta tin rằng, ngay cả khi đọc Kinh nguyện Thánh Thể, cả linh mục lẫn giáo dân đều phải đứng chứ không được quỳ gối.[15] Chúng ta luận ra để hiểu đúng đắn về câu trên đây khi biết rằng câu đó được trích nguyên văn từ sách Đệ Nhị Luật, chương 10 câu 8 (và chương 18,5-8). Câu này đề cập đến vai trò tế tự chính yếu của chi tộc Lêvi: “Thời ấy, Đức Chúa tách chi tộc Lêvi ra, để họ mang Hòm bia Giao ước của Đức Chúa, chầu chực trước nhan Đức Chúa, phụng sự Người và chúc phúc nhân danh Người” (Đnl 10,8). “Thật vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã chọn họ trong mọi chi tộc, để họ và con cái họ ứng trực và phụng sự mọi ngày nhân danh Đức Chúa” (Đnl 18,5).

Trong sách Đệ Nhị Luật, những hạn từ “chầu chực” và “ứng trực” được dùng để định nghĩa bản thể của linh mục. Về sau, các hạn từ này tháp nhập vào Kinh nguyện Thánh Thể của Giáo hội Đức Giêsu Kitô. Vì thế, những hạn từ này diễn đạt tính liên tục và mới mẻ của linh mục trong Giao ước Mới. Điều đã trình bày trên đây về chi tộc Lêvi cũng như liên quan đến chi tộc ấy, giờ đây, lại được áp dụng cho linh mục và giám mục của Giáo hội.

Dựa trên một ý niệm xuất phát từ phong trào Tin lành Cải cách, người ta có thể nói rằng, với sự mới mẻ của cộng đoàn Đức Giêsu Kitô, chúng ta đang đi thụt lùi trở lại vai trò linh mục vốn đã lỗi thời và cần phải loại bỏ. Hoàn toàn ngược lại, đây chính xác là bước tiến tới của Giao ước Mới. Giao ước này tự đảm nhận tư tế cũ đã lỗi thời, và đồng thời, biến đổi linh mục lỗi thời bằng cách nâng linh mục cũ lên đỉnh cao của Đức Giêsu Kitô. Linh mục không còn là vấn đề thành viên của một gia đình. Nhưng đúng hơn, linh mục mở ra cho toàn thể nhân loại trên một quy mô rộng lớn hơn. Linh mục không còn thực hành hy tế trong Đền thờ nữa. Đúng hơn, linh mục quy tụ nhân loại lại trong tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Đấng ôm lấy toàn thể nhân loại. Giờ đây, thờ phượng và lời phê bình về thờ phượng, hy tế phụng vụ và việc phục vụ tình yêu đối với người lân cận trở thành một. Vì vậy, câu “astare coram te et tibi ministrare, hầu cận trước tôn nhan và phụng sự Chúa” không nhắm đến một thái độ bên ngoài. Trái lại, câu ấy diễn tả một điểm thống nhất thâm sâu giữa Cựu và Tân ước. Đồng thời, câu này diễn tả chính bản chất của linh mục. Cùng lúc ấy, câu này cũng không quy chiếu đến một giai cấp nhất định của cá nhân. Nhưng quy chiếu đến sự kiện tất cả chúng ta đều chầu chực trước tôn nhan Thiên Chúa.

Tôi cố giải thích bản văn trên đây trong một bài giảng tại Đền thờ thánh Phêrô vào ngày thứ Năm tuần Thánh, năm 2008. Tôi trích dẫn lại một phần của bài giảng này:

Thứ Năm Tuần Thánh cũng còn là một dịp để một lần nữa chúng ta tự hỏi: chúng ta thưa tiếng “xin vâng” để đáp lại điều gì? “ linh mục của Đức Giêsu Kitô” có nghĩa là gì? Kinh Nguyện Thánh Thể II diễn tả bản chất của sứ vụ linh mục với những lời mà sách Đệ Nhị Luật (18,5.7) cũng đã đề cập đến bản chất của chức tư tế trong Cựu ước: astare coram te et tibi ministrare (ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa). Có hai chức năng xác định bản chất của chức linh mục thừa tác: trước hết là “ứng trực trước nhan Chúa.” Theo sách Đệ Nhị Luật, điều này phải được giải thích trong bối cảnh của của sự phân phối của cải thời trước, theo đó, các tư tế không nhận bổng lợi nào của Đất thánh – họ sống bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Họ không tham gia vào những công việc độ nhật thường ngày. Công vụ của họ là “ứng trực trước nhan Chúa”- nghĩa là chăm chú nhìn lên Chúa, sống cho Chúa. Tóm lại, cách dụng ngữ trên chỉ định một đời sống đắm chìm trong sự hiện diện của Chúa cùng với một sứ vụ là đại diện cho tha nhân. Cũng như những người canh tác đất đai để nhờ đó tư tế có thể sống còn, thì tư tế phải giữ cho giữ cho thế giới này luôn hướng về Thiên Chúa, chính họ phải hướng lòng lên Người. Nếu những lời này hôm nay được đặt trong Kinh Nguyện Thánh Thể ngay sau phần thánh hiến các lễ vật, nối tiếp đoạn Chúa hiện diện giữa cộng đoàn đang quy tụ để cầu nguyện, thì nó chỉ cho chúng ta thấy việc đứng đó là đứng trước Chúa đang hiện diện, nghĩa là, trước Thánh Thể, trọng tâm của đời sống linh mục. Nhưng dẫu vậy, ý nghĩa này còn mở rộng hơn nữa. Trong bài thánh thi của các giờ kinh Phụng vụ về Mùa Chay dẫn nhập vào giờ kinh sách – giờ kinh mà các đan sĩ thường cầu nguyện với Chúa vào ban đêm, thay cho mọi người – một trong các việc thực hành của Mùa Chay được đưa ra theo cách truyền lệnh: arctius perstemus in custodia – chúng ta hãy nhiệt tâm canh thức hơn nữa. Theo truyền thống đan tu Syria, các đan sĩ được mô tả như “những người đứng vững trên đôi chân của mình”; đứng thẳng chân là cách thể hiện sự canh thức. Điều được coi như là phận vụ riêng của các đan sĩ thì cũng được nhìn nhận một cách hợp lý khi áp dụng cho sứ vụ linh mục, đúng như những lời trong sách Đệ Nhị Luật: linh mục phải là người canh thức. Linh mục phải đứng để bảo vệ chống lại những thế lực xấu xa đang xâm lấn. Linh mục phải canh giữ cho thế giới này luôn thức tỉnh hướng về Chúa. Linh mục phải là người đứng thẳng trên đôi chân của mình: cương trực trước mọi dòng thời gian. Chính trực trong sự thật. Thẳng thắn đứng lên vì những điều thiện hảo. Ứng trực trước nhan Chúa, tự sâu thẳm của tư thế này cũng có nghĩa là nâng mọi người lên với Đức Giêsu, là Đấng sẽ nâng tất cả mọi người chúng ta lên với Chúa Cha. Đó phải là sự nâng cao chính Người, chính Đức Kitô, Lời Người, sự thật của Người, tình yêu của Người. Linh mục phải cương trực, không bị dao động, phải sẵn sàng chịu cả những sự xúc phạm vì Chúa, như được thuật lại trong sách Công vụ Tông đồ: họ “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41).

Giờ đây, chúng ta tiếp tục tìm hiểu ý nghĩa thứ hai mà Kinh Nguyện Thánh Thể II lấy từ Cựu ước – “Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa.” Linh mục phải là một người chính trực và tỉnh thức, một người đứng thẳng. Cộng thêm vào những đức tính này nữa là sự phục vụ. Theo bản văn của Cựu ước, từ ngữ này có một ý nghĩa chủ yếu theo nghi thức: vị tư tế phải chịu trách nhiệm về tất cả hành vi thờ phượng đã được Lề luật quy định. Tuy nhiên, theo nghi thức, hành động thờ phượng này được xếp vào loại phục vụ, một bổn phận phục vụ, và vì thế, giải thích tinh thần cần phải có mà công việc này đòi hỏi. Với việc đưa vào cách diễn tả “phục vụ” trong Kinh Nguyện Thánh Thể, ý nghĩa phụng vụ của từ ngữ này được thích ứng một cách thức nào đó, để phù hợp với sự mới mẻ của phụng vụ Kitô giáo. Công việc vị linh mục làm trong khi cử hành Thánh Thể là phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Sự thờ phượng mà Đức Kitô dâng lên Chúa Cha là hiến dâng chính mình cho đến cùng, vì phần rỗi con người. Linh mục phải tự đặt mình vào trong việc thờ phượng này, trong việc phục vụ này. Như thế, cách diễn tả “phục vụ” bao hàm nhiều chiều kích. Chắc chắn điều đầu tiên trong những chiều kích này là việc cử hành đúng đắn phụng vụ và các Bí tích nói chung, được thực hiện với sự tham dự nội tâm. Chúng ta phải học để mỗi ngày hiểu hơn phụng vụ thánh trong tất cả bản chất của nó, học để phát triển sự quen thân sống động với nó, để nó trở thành linh hồn của đời sống thường ngày. Chỉ khi đó chúng ta mới cử hành một cách đúng nghĩa, chính lúc đó mới thể hiện tất cả nghệ thuật cử hành phụng vụ [ars celebrandi]. Không được có gì là giả tạo trong nghệ thuật này. Nếu Phụng vụ là một trách nhiệm chính yếu của linh mục thì điều này cũng có nghĩa là cần phải đặt ra sự ưu tiên dành để học hỏi liên tục, tiếp cận mới và sâu xa hơn cách thế cầu nguyện, trong trường học của Chúa Kitô và của các thánh qua mọi thời đại. Bởi vì phụng vụ Kitô giáo, tự bản chất vẫn luôn luôn là một lời loan báo, nên chúng ta phải là những con người quen thuộc với Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa và sống Lời Chúa: chỉ khi đó chúng ta mới có thể cắt nghĩa Lời Chúa một cách xứng hợp. “Phụng sự Chúa”- việc phục vụ của linh mục cũng có nghĩa là học biết Chúa trong Lời của Người, và làm cho tất cả những ai Người đã uỷ thác cho ta được nhận biết Lời ấy.

Cuối cùng, có hai khía cạnh khác liên quan đến việc phục vụ. Không ai gần gũi với ông chủ của mình hơn người tôi tớ, là kẻ có thể đi vào không gian riêng tư nhất trong đời sống của ông chủ. Theo nghĩa này, “phục vụ” nghĩa là gần gũi, nó đòi hỏi sự thân tình. Nhưng sự thân tình này cũng có thể đưa đến một mối nguy: đó là sự tiếp xúc thường xuyên của chúng ta với điều thánh thiêng có thể làm cho chúng ta nhàm chán. Và như thế, đánh mất lòng kính sợ. Với ảnh hưởng của thói quen, chúng ta không còn cảm nhận một biến cố cao trọng, mới mẻ, lạ lùng, là chính Người đang hiện diện, chính Người nói với chúng ta, chính Người tự hiến cho chúng ta. Chúng ta phải không ngừng chiến đấu chống lại sự nhàm chán đối với thực tại ngoại thường này, chống lại sự dửng dưng vô cảm của tâm hồn, để luôn nhìn lại sự bất xứng của chúng ta và ân huệ đang diễn ra trong việc Người tự ý giao nộp mình vào bàn tay của chúng ta theo thể thức này. Phụng sự có nghĩa là gần gũi, nhưng trên hết là sự tuân phục. Người phục vụ cần luôn ghi nhớ lời này: “xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc 22,42). Với những lời này trong vườn Cây Dầu, Đức Giêsu dứt khoát đối đầu với tội lỗi, chống lại sự nổi loạn của tâm hồn sa ngã. Tội của Ađam chủ yếu hệ tại việc ông muốn làm theo ý mình, chứ không theo ý Thiên Chúa. Cám dỗ của nhân loại luôn là muốn hoàn toàn tự lập, muốn chỉ theo ý riêng mình và muốn mãi như thế để được hoàn toàn tự do; chỉ theo sự tự do vô giới hạn như thế con người mới trọn vẹn là mình. Nhưng như vậy, chúng ta đã đặt mình chống lại sự thật. Bởi vì sự thật là chúng ta phải chia sẻ sự tự do của chúng ta với người khác và chúng ta chỉ tự do khi hiệp thông với người khác. Sự tự do được chia sẻ này chỉ có thể trở nên sự tự do đích thực nếu qua việc này chúng ta đi vào ý muốn của Thiên Chúa, chấp nhận những gì cấu thành mức độ của tự do. Sự tự do nền tảng này là một phần của hiện hữu con người, một sự hiện hữu không chỉ thuộc về nó và cho chính nó, càng ngày càng trở nên cụ thể trong linh mục: chúng ta không rao truyền chính chúng ta, nhưng chính Chúa và lời của Người, những gì chúng ta không thể tự ý tưởng tượng ra. Chúng ta chỉ loan truyền lời Đức Kitô một cách đúng đắn khi thông hiệp với Thân Mình của Người. Sự tuân phục của chúng ta là tin cùng với Giáo hội, suy nghĩ và nói năng cùng với Giáo hội, phục vụ cùng với Giáo hội. Điều này luôn bao hàm lời Đức Giêsu đã nói với ông Phêrô: ‘Một người khác sẽ dẫn con đến nơi con chẳng muốn’. Được dẫn đến nơi chúng ta chẳng muốn đến là một khía cạnh căn bản của sự phục vụ, và chính điều này làm cho chúng ta được tự do. Được dẫn đi theo cách thế đó, có thể trái với chính tư tưởng và kế hoạch của chúng ta, nhưng chúng ta cảm nhận điều mới mẻ- sự phong phú của tình yêu Thiên Chúa.

“Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa”: Đức Giêsu Kitô, vị Linh Mục Tối Cao thật sự của trần gian đã đem đến cho những lời này tính sâu thẳm mà trước đó người ta không thể hình dung được. Người vừa là Con vừa là Chúa, đã muốn trở thành người tôi tớ Thiên Chúa theo lối nhìn của sách ngôn sứ Isaia đã phác hoạ. Người đã muốn trở thành tôi tớ của tất cả mọi người. Người đã diễn tả tính toàn diện của chức linh mục tối cao trong cử chỉ rửa chân. Với hành vi yêu thương cho đến cùng, Người rửa sạch các bàn chân dơ bẩn; với sự khiêm hạ trong việc phục vụ, Người thanh tẩy chúng ta khỏi căn bệnh tự phụ. Như thế Người làm cho chúng ta có thể trở nên bạn hữu củaThiên Chúa. Người đã bước xuống, và sự đi lên đích thực của con người giờ đây được thực hiện trong việc chúng ta đi lên cùng với Người và tiến đến với Người. Sự nâng lên của Người là Thập giá. Đây là sự tự hạ thẳm sâu nhất, và cũng như tình yêu được đẩy đến cực độ, thì đồng thời đó cũng là đỉnh cao của sự đi lên, của việc “nâng cao” con người. “Ứng trực trước nhan Chúa và phụng sự Chúa”, điều này giờ đây có nghĩa là bước vào lời mời gọi của Chúa như người tôi trung của Thiên Chúa. Như vậy, Bí tích Thánh Thể như là cuộc đi xuống và đi lên của Đức Kitô, và ngoài ra, còn luôn nhắc nhở chúng ta về nhiều cách thức phục vụ qua việc yêu thương tha nhân. Ngày hôm nay chúng ta hãy nguyện xin Chúa ban ơn để có thể một lần nữa thốt lên tiếng “xin vâng” theo nghĩa này để đáp lại lời mời gọi của Người: “Con đây, Lạy Chúa, xin hãy sai con” (x. Is 6,8). Amen.[16]

3. Tin mừng Gioan, chương 17 câu 17

Lời cầu nguyện thượng tế của Đức Giêsu: diễn giải về việc truyền chức linh mục

Để kết luận, tôi muốn suy tư thêm một chút về một vài lời trích từ lời cầu nguyện thượng tế của Đức Giêsu (Tin mừng Gioan, chương 17), một lời cầu nguyện thượng tế mà tôi đã suy niệm một ngày trước khi tôi được chịu chức linh mục, đã được in dấu đặc biệt trong tâm hồn tôi. Trong khi các Tin mừng Nhất Lãm tóm lược công cuộc rao giảng của Đức Giêsu chủ yếu diễn ra ở Galilê, thì thánh sử Gioan – một người dường như có liên hệ họ hàng với tầng lớp quý tộc của Đền thờ – chủ yếu kể lại việc Đức Giêsu rao giảng tại Giêrusalem, đồng thời, đề cập về những vấn đề liên quan giữa Đền thờ với việc thờ phượng. Trong bối cảnh này, lời nguyện thượng tế của Đức Giêsu (Tin mừng Gioan, chương 17) có tầm quan trọng đặc biệt.

Ở đây, tôi không có ý định lặp lại những yếu tố khác nhau mà tôi đã phân tích trong tác phẩm Đức Giêsu thành Nadarét.[17] Tôi chỉ muốn đề cập sự kiện thánh sử Gioan đã đảm nhận một sự chuyển động thiêng liêng trong Thư gửi tín hữu Hípri, vị thánh sử đã đưa hoàn thành chuyển động thiêng liêng này theo cách của riêng mình. Theo nghĩa này, bất chấp mọi khác biệt trong cách chú giải, thì thánh sử Gioan và tác giả Thư gửi tín hữu Hípri đều có cùng một chủ đích, đó là chứng tỏ cho thấy Đức Giêsu chính là vị thượng tế đích thực của Giao ước Mới. Ngay cả đến các nhà chú giải Tin lành gần đây nhất cũng tán đồng rộng rãi về sự kiện Đức Giêsu, đặc biệt ngay trong lời nguyện thượng tế cao cả của Người, lại xuất hiện hành vi hoàn tất và biến đổi sứ vụ của vị thượng tế. Theo nghĩa này, và trong phân tích cuối cùng, Thư gửi tín hữu Hípri và Tin mừng Gioan cùng tương đương có những cách thức trình bày Đức Giêsu như là vị Thượng tế của Giao ước Mới.

Tôi chỉ muốn giới hạn ở các câu 17 và 18, những câu này đặc biệt gây ấn tượng với tôi vào đêm trước lễ thụ phong linh mục của tôi. Bản văn: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,17-18). Hạn từ “thánh” [sanctus] diễn tả bản chất đặc biệt của Thiên Chúa. Chỉ một mình Người là Đấng Thánh. Con người phàm chỉ có thể trở nên thánh thiện khi nào họ bắt đầu hiện hữu với Thiên Chúa. Hiện hữu với Thiên Chúa đồng nghĩa với để qua một bên những gì chỉ là cá nhân mình, và trở nên một với thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, việc giải thoát ra khỏi bản thân tôi có thể rất đau đớn, và không bao giờ có thể hoàn tất một lần cho tất cả. Tuy nhiên, qua từ ngữ “thánh hiến”, chúng ta cũng có thể hiểu việc truyền chức linh mục một cách rất cụ thể, theo nghĩa nó hàm ý rằng Thiên Chúa hằng sống đã xác nhận cách triệt để cho một cá nhân phụng sự Thiên Chúa. Khi bản văn nói rằng: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ”, điều đó có nghĩa là, Đức Giêsu đang cầu xin cùng Chúa Cha để cho Nhóm Mười Hai cũng được tham dự vào sứ vụ của Người, nghĩa là ban tác vụ linh mục cho họ.

“Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ”. Ở đây, dường như cũng quy chiếu cách kín đáo về nghi thức truyền chức linh mục trong Cựu ước: trên thực thế, vị tiến chức đã được thanh tẩy thể xác bằng cách tắm rửa toàn bộ trước khi được mặc phẩm phục thánh. Khi hai yếu tố này kết hợp với nhau có nghĩa là, theo cách này, vị sứ giả được trở thành một con người mới. Tuy nhiên, những gì chỉ biểu trưng về hình ảnh trong nghi thức của Cựu ước, giờ đây, đã trở thành một thực tại trong lời nguyện của Đức Giêsu. Sự rửa sạch duy nhất có thể thực sự thanh tẩy con người là chính sự thật, đó là chính Chúa Kitô. Chính Người cũng là phẩm phục mới mà các phẩm phục tế tự bên ngoài muốn ám chỉ. “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ”. Điều này có nghĩa: xin hãy cho họ hoàn toàn chìm ngập vào trong Đức Giêsu Kitô, ngõ hầu điều thánh Phaolô đã ghi nhận như cảm nghiệm nền tảng về sứ vụ tông đồ của ngài, lại có thể trở nên đúng với họ: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Vì vậy, vào chiều ngày trước khi chịu chức, tâm hồn tôi đã khắc ghi một ấn tượng sâu sắc về ý nghĩa việc được truyền chức linh mục. Ấn tượng này vượt xa mọi chiều kích nghi lễ: nghĩa là, hữu thể buộc phải tiếp tục để cho Đức Kitô Rửa tội và để cho Đức Kitô thẩm thấu vào, ngõ hầu Đức Kitô trở thành Đấng đang lên tiếng và hành động nơi ta, và chính ta càng nhỏ đi. Hiển nhiên theo tôi, tiến trình đang trở nên một với Người, và thoát ra khỏi những gì chỉ là tôi, kéo dài suốt cả cuộc đời. Đồng thời, tiến trình ấy bao gồm những cuộc giải thoát và canh tân đầy đớn đau.

Trong ý nghĩa đó, những lời trong Tin mừng Gioan, chương 17 câu 17-18, đã trở thành tấm bảng chỉ đường cho cuộc hành trình theo suốt đời tôi.

Bênêđictô XVI

Thành Vatican, tại đan viện Mater Ecclesiae,

Ngày 17 tháng 9 năm 2019

Chuyển ngữ: Đan sĩ Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.

Nguyên tác tiếng Ý: “CHE COS’È IL CRISTIANESIMO, Quasi un testamento spiritual”, Mondadori Libri S.p.A., Milan, Italy, gennaio 2023. Bản tiếng Anh: “WHAT IS CHRISTIANITY? The Last Writings”, by Ignatius Press, San Francisco, September 2023, trang 113-142.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 141 (Tháng 05 & 06 năm 2024)

Nguồn: hdgmvietnam.com

________

[1] Bản văn “Chức linh mục Công giáo” được hoàn thành vào năm 2019 và được xuất bản trong Robert Sarah với Joseph Ratzinger-Benedetto XVI, Dal profondo del nostro cuore [Từ thẳm sâu tâm hồn chúng tôi], a cura di Nicolas Diat, Siena, Cantagalli, 2020, tr. 23-56. Bản văn, sau đó được sửa đổi và mở rộng thêm, phiên bản mới này được xuất bản lần đầu tiên ở đây.

[2] Cfr. Paul Hacker, Das Ich im Glauben bei Martin Luther (Graz-Wien-Koln, Verlag Styria), 1966.

[3] Marcionism: lạc thuyết Marcion. Lạc thuyết của ông Marcion (qua đời khoảng năm 160) với chủ trương Thiên Chúa trong Cựu ước thật hà khắc, trái với Thiên Chúa tình yêu của Tân ước. Do đó, ông loại bỏ các sách Cựu ước ra khỏi Kinh thánh, ông chỉ chấp nhận Tin mừng Luca và các thư thánh Phaolô (x. GLHTCG, số 123).

[4] Theologisches Wörterbuch zum Neuen Testament, 11 vols., new ed. (Darmstadt: WBG Academic, 2019), 1:397–448.

[5] College: Tập thể, tập đoàn (Latinh: collegium). Hạn từ cổ trong luật Rôma, ám chỉ những tập thể mà mọi thành viên đều có quyền tham gia biểu quyết, ví dụ như Hồng y đoàn (Sacred college). Giáo luật hiện hành còn duy trì ý nghĩa này (BGL, điều 115). Trong Giáo hội học, hạn từ College được áp dụng cách riêng cho các thánh tông đồ và các giám mục kế vị tông đồ đoàn (x. GLHTCG, số 880). Apostolic college: Tông đồ đoàn; College of Consultors: Hội đồng tư vấn; Electoral college: Cử tri đoàn, đoàn thể Giám mục (x. BGL 336); College of Cardinals: Hội đồng hồng y (x. BGL, điều 350).

[6] Episkopos; ἐπίσκοπος: Giám quản, Giám mục [người lãnh đạo của đoàn thể giáo dân trong mỗi Địa phận, hoặc người điều hành Giáo hội vào thời kỳ Giáo hội Sơ khai].

[7] Ibid., 2:610, hàng 6-19.

[8] Kỳ mục, linh mục (presbyter; πρεσβύτερος: kỳ lão). Thuật ngữ ám chỉ chức sắc trong Hội đường Do Thái, thành viên của Thượng Hội đồng tại Giêrusalem. Trong Tân ước, đây là những người lãnh đạo cộng đoàn Kitô hữu tại Giêrusalem và Antiôkia. Họ là “kỳ mục – presbyteroi” (Cv 11,30; 14,23), hay giám quản (episkopoi) (Pl 1,1; Tt 1,5.7).

Theo thánh Inhatiô Antiokia (k.35-k.107), các kỳ mục (hoặc linh mục) là thành phần dưới quyền của giám quản (hoặc giám mục) và ở trên các phó tế. Ngày nay, thuật ngữ “presbyter” được hiểu là linh mục, người được truyền chức thánh để hiến thánh và hiến dâng Mình và Máu Chúa Kitô trong thánh lễ (x. BGL, điều 1015; GLHTCG, số 1562-1568).

[9] J. Ratzinger, Gesù di Nazaret, in Opera Omnia, Città del Vaticano, LEV, 2013, vol. VI/1, trích dẫn các trang 488-490.

[10] Về ý nghĩa của hạn từ “siêu bản thể; siêu thực thể” epioúsios; ἐπῐούσῐος (supersubstantialis), xin xem Eckhard Nordhofen, “What Bread Is This? What Bread This Is!”, CommunioInternational Catholic Review 44/1 (2017): 43–71; Gerd Neuhaus, “Möglichkeit und Grenzen einer Gottespräsenz im menschlichen ‘Fleisch’: Anmerkungen zu Eckhard Nordhofens Relektüre der vierten Vaterunser-Bitte” (Possibility and limits of a divine presence in human ‘flesh’: Remarks on Eckhard Nordhofen’s rereading of the fourth petition of the Our Father), Internazionale katholische Zeitschrift Communio 46/1 (2017): 23–32.

[11] Ampie informazioni sulla storia del celibato nei primi secoli si trovano in Stefan Heid, Zölibat in der frühen Kirche: Die Anfänge einer Enthaltsamkeitspflicht für Kleriker in Ost und West, Paderbom, Ferdinand Schöningh, 1997.

[12] Knut Backhaus, “Der Hebräerbrief”, in Regensburger Neues Testament (Regensburg: Verlag Friedrich Pustet, 2009).

[13] Card. Albert Vanhoye, Accogliamo Cristo nostro Sommo Sacerdote. Esercizi Spirituali con Benedetto XVI, esercizi spirituali predicati in Vaticano, 10-16 febbraio 2008, Città del Vaticano, LEV, 2008.

[14] Nghi Thức Thánh Lễ, theo bản dịch mới của Ủy ban Phụng tự, Hội đồng Giám mục Việt Nam, năm 2005.

[15] Trong tiếng Đức, bản dịch chính thức của Kinh nguyện Thánh Thể II nói một cách chính xác: “vor dir zu stehen und dir zu dienenđứng trước Tôn Nhan và phụng sự Chúa”. Bản dịch tiếng Ý đã đơn giản hóa bản văn và bỏ qua hình ảnh đứng trước sự hiện diện của Thiên Chúa. “Ti rendiamo grazie di averci ammessi alla tua presenza a compiere il servizio sacerdotale”, Chúng con tạ ơn Cha vì đã cho chúng con được đến trước Tôn Nhan và tế lễ phụng thờ”. Bản tiếng Anh cũng đơn giản hóa trong ấn bản thứ ba của Sách lễ Rôma, năm 2011, và thay thế “được đến trước Tôn Nhan” bằng từ “đứng”, như đã thấy ở trên.

[16] Benedetto XVI, Il sacerdote: uomo in piedi, dritto, vigilante, omelia durante la Messa crismale nella Basilica Vaticana di San Pietro, mattina del Giovedì Santo, 20 marzo 2008, in Insegnamenti di Benedetto XVI, vol. IV, 1, gennaio-giugno 2008, (Città del Vaticano, LEV, 2009), pp. 442-446.

[17] Joseph Ratzinger, Gesù di Nazaret, in Opera Omnia, Città del Vaticano, LEV, 2013. Tale volume, il n. VI/1, ha ripristinato l’ordine cronologico della vita di Gesù, vol. VI/1, pp. 517-539.