Vatican News
Trong sứ điệp, trước hết Đức Thánh Cha gửi lời chào thân ái đến các tham dự viên của hội nghị đầu tiên về chăm sóc giảm nhẹ, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với ban tổ chức là Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống và Hội đồng Giám mục Canada, cùng với các diễn giả tại sự kiện.
Ngài nhận xét, chủ đề hội nghị “Hướng tới một Câu chuyện Hy vọng” vừa thời sự vừa cần thiết. Ngày nay, khi chứng kiến những hậu quả bi thảm của chiến tranh, bạo lực, bất công dưới nhiều hình thức, người ta dễ dàng buông xuôi và thậm chí tuyệt vọng. Tuy nhiên là thành viên của gia đình nhân loại và đặc biệt là những người tin, chúng ta được mời gọi đồng hành với tình yêu và lòng trắc ẩn với những người đang chiến đấu và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lý do hy vọng. Thực vậy, hy vọng trao cho chúng ta sức mạnh khi đối diện với những vấn đề nảy sinh từ những khó khăn trong cuộc sống
Đức Thánh Cha nhấn mạnh điều này còn đúng hơn khi đối diện với những căn bệnh nghiêm trọng hoặc giai đoạn cuối đời của một người. Tất cả những ai phải sống trong hoàn cảnh này cần chứng tá niềm hy vọng của những người chăm sóc, những người ở bên cạnh. Trong cái nhìn này, trong khi tìm cách giảm bớt sự đau đớn bao nhiêu có thể, chăm sóc giảm nhẹ trên hết là một dấu hiệu cụ thể gần gũi và liên đới với anh chị em đang đau khổ. Đồng thời, loại chăm sóc này có thể giúp các bệnh nhân và người thân của họ đón nhận tính dễ bị tổn thương, sự yếu đuối và sự hữu hạn đánh dấu cuộc sống con người trên thế giới này.
Ở điểm này, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng chăm sóc giảm nhẹ hoàn toàn khác với an tử, vốn không bao giờ là nguồn hy vọng hay sự quan tâm thực sự đối với bệnh nhân và người đang hấp hối. Trái lại, an tử là một sự thất bại của tình yêu, phản ánh một “văn hoá vứt bỏ”, trong đó “con người không còn được xem là có giá trị cao quý cần được chăm sóc và tôn trọng”. Thực vậy, chết êm dịu thường được trình bày một cách sai lạc như một hình thức của lòng trắc ẩn. Nhưng, “lòng trắc ẩn” có nghĩa là “đau khổ với”, không bao giờ bao hàm sự cố ý kết thúc sự sống, nhưng đúng hơn là sẵn sàng chia sẻ gánh nặng của những người đang đối diện với giai đoạn cuối của cuộc lữ hành trần thế.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Trong viễn cảnh này, niềm tin tôn giáo của chúng ta mang đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về bệnh tật, đau khổ và cái chết, coi những điều này như một phần của mầu nhiệm quan phòng của Chúa, và đối với truyền thống Kitô giáo, là một phương tiện thánh hoá. Đồng thời, những hành động nhân ái và tôn trọng của các nhân viên y tế và người chăm sóc tận tâm thường tạo cơ hội cho những người cuối đời tìm được niềm an ủi, hy vọng và sự hòa giải về mặt tinh thần với Chúa, với những người trong gia đình và bạn bè”.
Nguồn:vaticannews.va
Tin tức liên quan khác
Trực tiếp: Thánh lễ do Đức TGM Paul Richard Gallagher chủ tế tại TGP Huế
Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho Hiệp hội Nhà báo Quốc tế hoạt động tại Vatican
Chúa nhật 16 Thường niên năm A (Mt 13,24-43)
Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Liên đoàn Quốc gia Ý-Trung Quốc
Giúp hối nhân vượt qua lạm dụng phim ảnh khiêu dâm trong Bí tích Sám hối
Thứ Năm tuần 22 Thường niên năm II (Lc 5,1-11)
Thứ Sáu tuần 21 Thường niên năm I (Mt 25,1-13)
Ba tư tưởng sâu sắc nhất tôi từng có