WHĐ (04.07.2024) – Việc tín hữu tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội không chỉ là một chủ đề mang tính mục vụ, nhưng còn là một đề tài thần học, khi chúng ta đặt câu hỏi đâu là nguồn gốc cũng như nền tảng thần học của việc tham gia đó. Việc xác định nguồn gốc hay nền tảng thần học cũng góp phần định hướng cho việc tham gia, gợi ý việc đó cần diễn ra cụ thể thế nào, cho phù hợp với các đặc tính của nguồn gốc của nó. Vì thế, việc tìm hiểu nguồn gốc và nền tảng của việc tham gia vào Giáo hội có thể trả lời các câu hỏi như: Tại sao phải tham gia? Bản chất của việc tham gia đó là gì? Việc tham gia đó mang những tính chất gì? v.v… Từ “tham gia” là phiên dịch của từ “participatio”,[1] vốn có phổ nghĩa khá rộng trong thần học: có thể áp dụng cho các Ngôi Vị Thiên Chúa, cho việc thụ tạo tham dự vào sự sống Thiên Chúa, cho việc tín hữu tham dự vào các chức năng của Đức Kitô, v.v… Vì thế, bài viết này sẽ tập trung vào việc tìm hiểu và trình bày Mầu Nhiệm Ba Ngôi theo ý niệm tham dự – participatio, như một cách đặt nền tảng thần học cho việc cổ võ tín hữu tham dự vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội.
1. Sự tham dự giữa Ba Ngôi 2. Ba Ngôi như là hình mẫu cho việc tham dự? 3. Tham dự vào sự “Tham Dự” giữa Ba Ngôi a. Đặc tính tham dự của bản thể và sứ mạng của Con b. Đặc tính tham dự của Thánh Thần Kết luận |
1. Sự tham dự giữa Ba Ngôi
Trong số ba đặc nét của Hiệp Hành (hiệp thông, sứ mạng, tham gia), chúng ta có thể dễ dàng nói rằng sự hiệp thông và sứ mạng của Giáo hội có nguồn gốc từ chính sự Hiệp Thông và Sứ Mạng của Ba Ngôi. Đó là vì Thiên Chúa luôn được đề cập như là sự Hiệp Thông (communio) giữa Ba Ngôi, đồng thời chính việc sai gởi (missio) giữa các Ngôi (Cha sai Con, Cha và Con sai Thánh Thần) mà chúng ta có nhiệm cục cứu độ, vốn là nền tảng của sứ mạng Giáo hội. Thế còn “tham gia” thì sao, có bắt nguồn từ Ba Ngôi không? Liệu giữa Ba Ngôi có sự Tham Gia hay Tham Dự lẫn nhau không? Chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là sự Tham Dự giữa Ba Ngôi chăng?
Một cách khá lý thú, một số thần học gia gợi ý rằng chúng ta có thể quan niệm có sự Tham Gia giữa các Ngôi Vị thần linh, thay vì chỉ có sự Nhiệm Xuất (processio) một chiều. Quả thế, thần học Kinh Viện quan niệm trong nội tại Ba Ngôi, có hai tiến trình Nhiệm Xuất (processio): Cha nhiệm sinh ra (generare) Con, Cha và Con nhiệm xuy ra (ispirare – xuy, chữ x, có nghĩa là “thổi”) Thánh Thần (x. Tôma Aquinô, Summa Theologiae I, q. 27–28). Chính hai tiến trình Nhiệm Xuất nội tại này làm nền tảng cho hai tiến trình Sai Gởi (missio) giữa các Ngôi trong nhiệm cục, tức là trong lịch sử cứu độ: Cha sai gởi Con, Cha và Con sai gởi Thánh Thần (x. Tôma Aquinô, Summa Theologiae I, q. 43). Xét như thế, một số thần học gia cho rằng nơi Thiên Chúa, chỉ có tiến trình Nhiệm Xuất (nội tại) và Sai Gởi (nơi nhiệm cục) một chiều, đi từ Cha tới Con, rồi tới Thánh Thần. Cha là Ngôi “đầu phát”, không tiếp nhận gì từ Ngôi nào khác; Thánh Thần là Ngôi “đầu cuối”, chỉ tiếp nhận, không làm phát xuất hay sai gởi Ngôi nào khác; Con là Ngôi vừa tiếp nhận (từ Cha) vừa phát gởi (ra Thánh Thần).
Như trên đã nói, một số thần học gia gợi ý rằng nơi Thiên Chúa không chỉ có tương quan với hướng đi một chiều như thế, mà còn có mối tương quan đa chiều giữa Ba Ngôi. Họ cho rằng quan niệm các mối tương quan giữa Ba Ngôi theo kiểu một chiều sẽ dẫn đến quan niệm một chiều về quyền bính và cách vận hành trong Giáo hội, cụ thể là quan niệm “trên bảo dưới nghe”. Theo quan niệm đó, quyền bính và mọi sáng kiến trong các hoạt động của Giáo hội phải phát xuất từ những người có quyền bính, sau đó mới đến các thành phần khác, trong đó giáo dân là những người ở “đầu cuối”. Các thần học gia đó cho rằng quan niệm Ba Ngôi tương quan đa chiều với nhau sẽ là nền tảng cho việc khuyến khích sự tham gia đa dạng giữa các thành phần Dân Chúa vào trong đời sống và các sứ vụ của Giáo hội.
Cụ thể, họ quan niệm Ba Ngôi tương quan đa chiều thế nào? Điển hình như Jürgen Moltmann cho rằng, trong việc sai gởi Con xuống thế làm người, giao nộp Ngài trong biến cố Thập giá và phục sinh Ngài, có năng động đi từ Cha, tới Thánh Thần và tới Con, vì chính nhờ quyền năng Thánh Thần mà Cha làm tất cả những điều đó nơi Con. Nhưng trong khi Con, với tư cách là Đấng Phục Sinh và là Chủ Tể, sai gởi Thánh Thần, thì có năng động đi từ Cha, tới Con, tới Thánh Thần, vì Con cũng là Đấng sai gởi Thánh Thần. Hơn nữa, trong tiến trình hoàn thành cánh chung, thì lại có năng động đi từ Thánh Thần, đến Con rồi đến Cha, vì trong tiến trình đó, Thánh Thần sẽ quy tụ và hoàn tất mọi sự về cho Con, rồi Con đặt mọi sự hướng về Cha.[2] Như vậy, theo Moltmann, giữa Ba Ngôi không chỉ có tương quan sai gởi một chiều phát xuất từ Cha và Con, mà còn có tương quan thúc đẩy, thánh hoá, phát xuất từ Cha và Thánh Thần, và cuối cùng là tương quan quy tụ và hoàn tất, phát xuất từ Thánh Thần và Con; tất cả nói lên tương quan đa chiều giữa Ba Ngôi. Tuy nhiên, từ những suy tư này, tác giả Moltmann dẫn đến những quan niệm khá táo bạo về việc Thiên Chúa đau khổ, lệ thuộc vào lịch sử,[3] nên chúng ta tạm dừng việc trình bày tư tưởng của ông ở đây, và chuyển qua tìm hiểu các tác giả Công giáo khác.
Một điển hình khác, John O’Donnell cho rằng chúng ta cần quan tâm trở lại nền Kitô học Thần Khí, tức là Kitô học nhấn mạnh vai trò của Thánh Thần trên Đức Kitô. Ông cho rằng Kitô học này có dấu vết từ trong Kinh Thánh, nhưng sau đó dần phai nhạt do phản ứng chống lại lạc giáo Nghĩa Tử Thuyết[4] và do ảnh hưởng của hữu thể học Hy Lạp. Từ đó trở đi, Kitô học mang tính “từ trên xuống”, tức là nhấn mạnh mầu nhiệm Ngôi Lời xuống thế làm người, với những suy tư siêu hình học trừu tượng; tác giả cho rằng chúng ta cần bổ túc tình trạng này bằng một Kitô học “từ dưới lên”, quan tâm đến đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu nhiều hơn. Một Kitô học Thần Khí, như Heribert Mühlen, Yves Congar và Hans Urs von Balthasar khai triển, sẽ có thể làm điều đó, bằng cách quan tâm đến vai trò tác động và hướng dẫn của Thánh Thần trên đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu, qua đó cho thấy có sự tiến triển trong ý thức của Chúa Giêsu về căn tính và sứ mạng của Ngài.[5]
Đáng chú ý là quan niệm của Balthasar rằng trong nhiệm cục cứu độ, có một sự đảo ngược liên quan đến vai trò của Con và Thánh Thần. Theo ông, trong nội tại Ba Ngôi, Thánh Thần đóng vai trò thụ động, đón nhận, vì được Cha và Con “thổi ra”, toàn bộ hữu thể Ngài đến từ Cha và Con. Nhưng trong nhiệm cục, cụ thể là trong biến cố Làm Người, Thánh Thần trở nên chủ động và Con trở nên thụ động, đón nhận. Vai trò chủ động của Con trên Thánh Thần, được tạm thời giấu kín trong nhiệm cục cứu độ và Thánh Thần trở nên như “lệnh truyền” (mandatum – x. Ga 10,18; 12,49-50; 14,31) của Cha trên Con. Như vậy, trong nhiệm cục cứu độ, có sự đảo ngược vai trò giữa Con và Thánh Thần, so với năng động trong nội tại Ba Ngôi. Nhưng điều này không gây ra mâu thuẫn giữa đời sống nội tại Ba Ngôi và nhiệm cục cứu độ. Vì thực ra, rất dễ hiểu tại sao Con có thể trở nên thụ động trong nhiệm cục, đó là vì căn tính Ngài (ngay từ nơi nội tại Ba Ngôi) là Con, điều này đồng nghĩa với việc căn tính của Ngài là vâng phục và được sai đi. Với lòng vâng phục con thảo, Ngài buông mình, để Thánh Thần làm cho Ngài thành người, theo Ý muốn và kế hoạch của Cha. Như vậy, Thánh Thần chủ động trong việc tác hiện mầu nhiệm Làm Người. Và từ khoảnh khắc đó, trong suốt hành trình trần thế, Con với căn tính là vâng phục, để cho Thánh Thần hướng dẫn Ngài. Qua sự hướng dẫn của Thánh Thần, Ngài vâng phục Cha trong suốt cuộc đời, cho đến lúc “tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa” (Hr 9,14). Việc đảo ngược vai trò của Con và Thánh Thần rất phù hợp với căn tính tự huỷ (kenosis) của Con trong tương quan với Cha và Thánh Thần. Sau Phục Sinh, lại có sự đảo ngược trở lại, khi Con lại thông phần cùng với Cha vào việc “thổi” Thánh Thần. Balthasar cũng nhấn mạnh rằng “sự đảo ngược” ở đây không phải là một sự thay đổi nơi tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, mà là một cái nhìn mới về tương quan đó.[6]
Như vậy, với sự trợ giúp của một số thần học gia, trong đó đặc biệt là Balthasar, chúng ta có thể quan niệm một sự Tham Dự thần linh giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, qua đó, cùng với tương quan Nhiệm Xuất và Sai Gởi phát xuất từ Cha và Con, có tương quan thúc đẩy mà Thánh Thần đóng vai trò chủ động, như là Ý Muốn hay Mệnh Lệnh của Cha, tác động trên Con, nhất là trong nhiệm cục cứu độ. Nhưng liệu chúng ta có thể lấy sự Tham Dự giữa Ba Ngôi như thế làm nền tảng thần học cho sự tham gia của tín hữu vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội chăng?
2. Ba Ngôi như là hình mẫu cho việc tham dự?
Một số thần học gia, như Jürgen Moltmann, Leonardo Boff, v.v… cho rằng quan niệm của chúng ta về Ba Ngôi sẽ ảnh hưởng đến quan niệm của chúng ta về các mối tương quan xã hội giữa người với người, rằng Ba Ngôi là hình mẫu cho xã hội loài người. Họ cho rằng quan niệm cổ điển về Thiên Chúa Ba Ngôi cùng chung một Bản Thể thần linh, thực ra vẫn là một quan niệm nặng tính độc thần, chưa thực sự mang tính Ba Ngôi. Quan niệm này mặc nhiên cho rằng Thiên Chúa bất biến, xa cách với thế giới và loài người, đồng thời gây ra những hình thái xã hội độc tôn như phong kiến, đề cao vai trò độc tôn của vua, hoặc như hình thái đế quốc (empire) đề cao sự độc tôn của hoàng đế, v.v… Họ cho rằng hình thái tổ chức phẩm trật của Giáo hội, với vai trò độc tôn của Đức giáo hoàng, cũng là hệ quả của quan niệm cổ điển về Ba Ngôi. Ngoài ra, họ cũng cho rằng khái niệm “ngôi vị” cổ điển, vốn xem ngôi vị như tồn tại tự lập, trong thế đối lập với những cái khác, gây ra quan niệm và cách sống theo chủ nghĩa cá nhân, gây tổn hại cho cộng đồng bình đẳng, yêu thương. Vì thế, họ cho rằng quan niệm về Thiên Chúa như mối hiệp thông (communio) hoặc tương tại (perichoresis) giữa Ba Ngôi Vị thần linh, sẽ làm nền tảng và hình mẫu cho một xã hội huynh đệ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa người và người, giúp chúng ta vượt qua chủ nghĩa cá nhân hiện đại và tránh những hình thái tổ chức mang nặng tính độc quyền và gia trưởng.[7]
Một số lập luận đã được nêu lên, phê bình cách tiếp cận này, như tác giả Karen Kilby cho rằng cách tiếp cận mang tính xã hội (social trinitarianism) này có vấn đề, do phóng chiếu những lý tưởng của xã hội loài người vào bản chất Thiên Chúa, sau đó lại lấy quan niệm phóng chiếu đó về bản chất Thiên Chúa làm hình mẫu cho xã hội loài người.[8] Như vậy có vòng luẩn quẩn trong quan niệm và lập luận của cách tiếp cận này, không thực sự tìm hiểu về Thiên Chúa, nhưng chỉ dùng Ngài như một bình phong, cổ võ cho những trào lưu xã hội hiện đại.
Tương tự, tác giả Lydia Schumacher cũng phê bình cách tiếp cận này có khuynh hướng lẫn lộn lãnh vực Thiên Chúa với lãnh vực loài người, và cuối cùng gây tổn hại cho mục đích mà chính cách tiếp cận này muốn vươn tới, đó là tạo nền tảng cho một xã hội bình đẳng, huynh đệ và yêu thương. Theo tác giả, cách tiếp cận xã hội về mầu nhiệm Ba Ngôi quan niệm Thiên Chúa giống chúng ta đến nỗi tình yêu và ơn cứu độ của Ngài chỉ dừng lại ở bình diện nhân loại, tức là Ngài không thể yêu thương và cứu độ chúng ta theo cách mà chỉ Thiên Chúa mới có thể làm. Hơn nữa, cách mà cá nhân con người được hình thành và nâng đỡ trong cộng đoàn khác xa với cách các Ngôi Vị thần linh hiện hữu trong các mối tương quan nội tại bên trong Thiên Chúa. Các Ngôi Vị thần linh là chính tương quan và chỉ hiện hữu như là tương quan, còn mỗi người chúng ta không thể được định nghĩa và đồng nhất với tương quan của mình. Ngoài ra, bản vị chúng ta cũng không thể được định nghĩa bởi cộng đoàn, và cộng đoàn có thể trở thành nơi áp bức, đè nén sự phát triển của bản vị chúng ta. Vì thế, việc hô hào cá nhân phải mang lấy “bản vị tính cộng đoàn” hay “căn tính nhóm” có thể mang tính áp đặt và áp bức đối với các cá nhân, đặc biệt là những ai yếu thế, mỏng giòn.[9]
Tác giả Daniel Miller cũng quan niệm tương tự khi nói về mối tương quan giữa thần học về Ba Ngôi và hoạt động bảo vệ môi trường của Kitô hữu. Theo ông, giáo thuyết về Ba Ngôi định hướng mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa hơn là tương quan của chúng ta với nhau hay với vạn vật. Tác giả phản đối lập luận cho rằng, vì Ba Ngôi là đa dạng trong hiệp nhất, nên chúng ta cần bảo tồn sự đa dạng của thế giới thụ tạo theo mẫu hình của Ba Ngôi, và đó là nền tảng của việc bảo vệ môi sinh. Vì thực ra, sự đa dạng của vạn vật không giống như sự đa dạng giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, vì chúng không có nền tảng nội tại nơi chúng, như Ba Ngôi có nền tảng nội tại nơi chính Mình. Hơn nữa, trong khi mỗi Ngôi Vị thần linh là Thiên Chúa cách trọn vẹn, thì chúng ta không thể nói rằng mỗi thụ tạo là trọn vẹn toàn bộ thế giới (!). Như thế, tác giả cho rằng chúng ta không nên dùng thần học về Ba Ngôi làm hình mẫu cho việc bảo vệ môi sinh, nhưng đúng hơn nên suy tư về việc Kitô hữu tham dự vào công trình sáng tạo của Ba Ngôi thế nào. Kitô hữu cần bảo vệ sự đa dạng của vạn vật, không phải bởi vì có sự đa dạng nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng vì chỉ một thế giới đa dạng mới thể hiện được sự tốt lành của Đấng sáng tạo ra nó. Nói cách khác, giáo thuyết Ba Ngôi không phải là lý do “tại sao” Kitô hữu phải bảo vệ môi sinh, mà cụ thể hơn cho thấy họ phải làm điều đó “thế nào”, bằng cách tham dự vào sứ mạng của Con và Thánh Thần đối với thế giới thụ tạo. Kitô hữu không phải “bắt chước” Ba Ngôi trong việc bảo vệ môi sinh mà là “tham dự” vào công trình đó của Ba Ngôi.[10] Quả thế, có nhiều người hoạt động vì môi trường, nên hoạt động của Kitô hữu chỉ có nét độc đáo ở chỗ tham dự (cách có ý thức) vào công trình phục hồi vạn vật mà Ba Ngôi đã khởi sự.
3. Tham dự vào sự “Tham Dự” giữa Ba Ngôi
Từ những suy tư trên của các tác giả, chúng ta có thể rút ra luận đề rằng, nền tảng thần học của việc Kitô hữu tham gia vào Giáo hội, đến từ việc họ tham dự vào sự sống của Ba Ngôi, vốn có thể được mô tả như là một sự Tham Dự thần linh. Quả thật, Ba Ngôi đúng là nền tảng cho việc tham dự của Kitô hữu vào Giáo hội, nhưng chúng ta sẽ không cho rằng, vì các Ngôi Vị thần linh tham dự lẫn nhau, nên Kitô hữu cần chủ động tham gia cách bình đẳng và tự do vào đời sống và sứ vụ Giáo hội, theo mẫu hình của Ba Ngôi. Một luận đề như thế sẽ gặp phải các nguy cơ đã được đề cập ở trên: 1) chúng ta có thể có sẵn một “ý thức hệ” về việc tham gia “bình đẳng tự do” (chưa hẳn là bình đẳng tự do đích thực) giữa mọi cá nhân trong cộng đoàn, ý thức hệ đó sẽ được phóng chiếu vào Ba Ngôi, làm cho chúng ta nhìn thấy các Ngôi như là “bình đẳng” lẫn nhau, phá tan quan niệm truyền thống về Cha như là nguồn của thần tính trong nội tại Ba Ngôi (như Moltmann quan niệm); 2) sau đó, chúng ta có thể lại phóng chiếu tương quan “bình đẳng” giữa Ba Ngôi đó vào đời sống Giáo hội, cổ võ cho một lối “tham gia” mang tính “cào bằng”, có phần “hỗn loạn”, hoặc xen vào những việc không thuộc phận vụ mình, chống lại hoặc phớt lờ phẩm trật Giáo hội, đánh mất nền tảng và tính thống nhất của tổ chức Giáo hội, v.v…
Trái lại, luận đề của chúng ta sẽ là: Kitô hữu tham gia vào đời sống và sứ vụ Giáo hội bằng cách tham dự vào sự sống và sứ mạng của Ba Ngôi, mà nội tại của Ngài có thể được diễn tả như là sự Tham Dự thần linh. Sự tham gia của Giáo hội hiệp hành chỉ có thể được khởi sự và đưa tới hoàn thành, nếu đó là công trình (economia) của Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử thế giới, qua Con và Thánh Thần. Chính bằng cách tham dự vào sứ mạng (missio) của Con và Thánh Thần, mà Kitô hữu có thể tiến hành sự tham gia của Giáo hội. Nhưng cụ thể, việc tham dự vào sứ mạng và hoạt động của Con và Thánh Thần là thế nào?
a. Đặc tính tham dự của bản thể và sứ mạng của Con
Có thể nói, bản thể của Con chính là sự tham dự trọn vẹn vào bản thể của Cha, khi Con được Cha trao ban và đón nhận tất cả gì Cha là (homoousios). Con cũng tham dự cùng với Cha trong việc “thổi” Thánh Thần (filioque). Căn tính của Con được đánh dấu bởi sự nhiệm sinh vĩnh cửu (generatio), Ngài là và luôn là Đấng được sinh ra. Chính vì thế mà sứ mạng (missio) của Con, như là sự kéo dài trong lịch sử của hoạt động nhiệm sinh, cũng mang tính tham dự và được đánh dấu bởi sự vâng phục và được sai đi. Trong lịch sử, Con – là chính Chúa Giêsu – là và luôn là Đấng được Cha sai đi trong sự vâng phục. Tự bản chất là Đấng tham dự hoàn hảo vào bản thể của Cha, sứ mạng của Chúa Giêsu trong lịch sử cũng có nét tham dự, cụ thể ở đặc tính được sai đi và vâng phục.
Tham dự vào đặc tính được sai đi và vâng phục của Chúa Giêsu, đó là cách Kitô hữu tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội. Điều này có nghĩa là, chúng ta cần nhìn vào Chúa Giêsu mới biết thế nào là người tông đồ (được sai đi) đích thực và thế nào là vâng phục đích thực. Chúng ta cũng cần sự trợ lực hay ân sủng của Đức Kitô thì mới sống tư cách được sai đi và vâng phục đúng nghĩa; nói cách khác, chúng ta cần phải để Ngài sống sự vâng phục và được sai đi, trong chúng ta (x. Gl 2,20). Là Đấng được sai đi, Chúa Giêsu không làm gì khác ngoài Ý Cha (x. Ga 5,30), kể cả việc không sai phạm gì về mặt luân lý hay giới luật, thậm chí còn cần thiết xét theo lý lẽ thông thường: hoá đá thành bánh để ăn (x. Mt 4,3-4). Tuy từ nguyên thuỷ là Đấng “thổi” Thánh Thần, Ngài vẫn vâng phục sự thúc đẩy của Thánh Thần vốn là Ý Cha trong lịch sử cứu độ. Là Đấng vâng phục, Ngài vâng phục ngay cả cho đến lúc chết trên Thập giá (x. Pl 2,6-11), và như thế, chỉ Thập giá mới cho thấy thế nào là sự vâng phục đích thực của Chúa Giêsu.
b. Đặc tính tham dự của Thánh Thần
Nếu chúng ta mô tả mối tương quan giữa Cha và Con mang đặc tính tham dự thì Thánh Thần chính là mối tương quan đó, tức là sự Tham Dự yêu thương trọn vẹn giữa Cha và Con. Trong nội tại Ba Ngôi, Thánh Thần quy hướng Con về Cha và ngược lại. Từ đó, sứ mạng của Thánh Thần trong nhiệm cục luôn là sự nối kết và quy hướng mọi sự về với Con và Cha. Trong nhiệm cục, Thánh Thần đóng vai trò chủ động trên mọi khoảnh khắc của lịch sử, ngay cả trên lịch sử của cuộc đời Chúa Giêsu.
Tín hữu chủ động tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội bằng cách đón nhận sự tác động của Thánh Thần tình yêu. Chính Ngài là tác nhân của sự tham gia trong Giáo hội. Tín hữu chỉ thực sự chủ động tham gia vào Giáo hội khi sống và hành động dưới sự tác động của Thánh Thần. Nếu như việc vâng phục và được sai đi nói lên chiều kích thụ động của việc tham gia, thì chủ động đón nhận Thánh Thần và sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần nói lên nét chủ động của việc tham gia vào đời sống và sứ vụ Giáo hội. Việc chủ động đón nhận Thánh Thần bao hàm việc chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng và phù hợp với việc đón nhận đó, như cầu nguyện, sám hối, đón nhận các bí tích, đọc, lắng nghe, chia sẻ Lời Chúa, sống theo Luật Chúa và luật Giáo hội, sống bác ái yêu thương, quan tâm đặc biệt với người yếu thế, v.v…
Kết luận
Bài viết cố gắng tìm về cội nguồn của sự tham gia, nơi nội tại Thiên Chúa Ba Ngôi; qua chứng tá của Kinh Thánh và Thánh Truyền, với sự trợ giúp của các thần học gia, chúng ta thấy được có tương quan đa chiều giữa Ba Ngôi, đặc biệt sự chủ động qua lại giữa Con và Thánh Thần. Tuy nhiên, chúng ta cũng cẩn trọng tránh những quan niệm thái quá: cổ võ bỏ công thức truyền thống nói về việc Thánh Thần bởi Cha và Con mà ra, hoặc cho rằng Ba Ngôi lệ thuộc vào lịch sử và chịu đau khổ với tư cách là Thiên Chúa, hoặc phóng chiếu ý thức hệ nhân loại vào việc mô tả bản chất và mối tương quan giữa Ba Ngôi, v.v… Từ đó, chúng ta có thể tránh được một số hình thái cực đoan của quan niệm về việc tham gia mang tính “cào bằng” hoặc “hỗn loạn”, phát xuất từ ý thức hệ của thời đại, hơn là bắt nguồn từ tinh thần thiêng liêng Kitô giáo. Chúng ta chỉ có thể là một Giáo hội tham gia đích thực, khi chúng ta tham dự vào sứ mạng có đặc nét tham dự của Con và Thánh Thần.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 140 (Tháng 03 & 04 năm 2024)
________
[1] Ngôn ngữ Latinh, vốn cũng có thể dịch là “tham dự”, “thông dự”, “thông phần”, v.v… Về sơ lược lịch sử và ý nghĩa triết học của từ này, từ thời Hy Lạp cổ đến Plato, Aristoteles và thánh Tôma Aquinô, v.v… xin xem C. Fabro, “Participation”, New Catholic Encyclopedia, second Edition, vol.10 (Detroit: Gale, 2003), 905-910. Trong bài viết này, như trong khẩu hiệu của Thượng Hội Đồng về Hiệp Hành, từ participatio không mang tính triết học, mà chỉ mang ý nghĩa thông thường là “tham gia”, và có liên hệ với các ý nghĩa khác như “hiệp thông”, “liên đới”, “chia sẻ”, “trao ban”, “dấn thân”, v.v… [2] X. Jürgen Moltmann, The Trinity and the Kingdom – The Doctrine of God (Mineapolis: Fortress Press, 1993) , 65-96, đặc biệt trang 94. [3] Hay đề nghị của ông từ bỏ công thức truyền thống “Thánh Thần bởi Cha và Con mà ra”, thay vào đó là những khả thể khác như “… Cha và Con bởi Thánh Thần mà ra”, “Cha sinh ra Con ngang qua Thánh Thần”, “Cha bởi Thánh Thần mà ra, ngang qua Con”, “Thánh Thần từ Cha mà ra để ngự trên Con”, v.v… Thay vì quan niệm phải bỏ công thức truyền thống, nhiều thần học gia, trong đó có Balthasar mà chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp theo sau, tìm cách xây dựng một Kitô học Thánh Thần để bổ túc cho công thức đó. X. Matthew Lewis Sutton, “A Compelling Trinitarian Taxonomy: Hans Urs von Balthasar’s Theology of the Trinitarian Inversion and Reversion”, International Journal of Systematic Theology, 14, 2 (04.2012), 167-168. [4] Lạc thuyết cho rằng, Chúa Giêsu không phải là Thiên Chúa, nhưng được Thiên Chúa, qua tác động của Thánh Thần, nhận làm Con. Ngài tràn đầy Thánh Thần vì được Thiên Chúa nhận làm Con. Tác giả O’Donnell cho rằng, vì đề phòng lạc thuyết đó mà thần học các thế kỷ đầu ít nhấn mạnh vai trò của Thánh Thần trên Chúa Giêsu. [5] X. John O’Donnell, “In Him and Over Him: The Holy Spirit in the Life of Jesus”, Gregorianum 70, 1 (1989), 25-45, đặc biệt trang 25-26. Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn trọng, tránh quan niệm cực đoan cho rằng Chúa Giêsu không ý thức mình là Con của Cha ngay từ đầu, mà khám phá ra căn tính đó cách tịnh tiến theo thời gian. Đức giáo hoàng (ĐGH) Gioan Phaolô II không gạt bỏ quan niệm cho rằng ý thức của Chúa Giêsu về mầu nhiệm của chính mình lớn dần lên theo thời gian, đạt sự tràn đầy lúc Phục Sinh, tuy nhiên, ĐGH cũng khẳng định rằng Chúa Giêsu đã ý thức mình là Con ngay từ hiện hữu trần thế của Ngài, và từ rất sớm, theo như lời kể của các thánh sử. X. Tông Thư Novo Millennio Ineunte (2000), 24. [6] X. Hans Urs von Balthasar, Theo-Drama: Theological Dramatic Theory, vol. 3: The Dramatis Personae: The Person in Christ, trans. Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1992), 183-191, 515-523; John O’Donnell, “In Him and Over Him”, 28-29; Matthew Lewis Sutton, “A Compelling Trinitarian Taxonomy”, 169-172. [7] Ví dụ, Jürgen Moltmann, The Trinity and The Kingdom, 192-202, đặc biệt trang 195, 200. X. Lydia Schumacher, “The Trinity and Christian Life: A Broadly Thomistic Account of Participation”, New Blackfriars 96, 1066 (11.2015), 645-657, đặc biệt ở trang 648, tác giả nhắc đến cả Leonardo Boff và Miroslav Volf. [8] X. Karen Kilby, “Perichoresis and Projection: Problems with Social Doctrines of the Trinity”, New Blackfriars 81, 957 (11.2000), 432-445, đặc biệt trang 441. [9] X. Lydia Schumacher, “The Trinity and Christian Life”, 648, 651, 655-656. [10] X. Daniel Miller, “The Doctrine of the Trinity and Christian Environmental Action”, New Blackfriars 94, 1049 (01.2013), 20-31.
Tin tức liên quan khác
Logo, khẩu hiệu và chương trình viếng thăm của ĐTC tại Mông Cổ
Diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ đại diện của một số trung tâm trợ giúp và bác ái
Vị Thánh làm Mưa Hoa Hồng!
Thứ Bảy tuần 27 Thường niên năm I – Tuân giữ Lời Chúa (Lc 11,27-28)
ĐTC nhận giải thưởng ‘Điện ảnh vì hòa bình’ vì những nỗ lực hỗ trợ Ucraina
Thập giá gắn liền với tình yêu
Chọn lựa
Chức Linh Mục Công Giáo