Chúa nhật 18 Thường niên năm B – Bánh đích thực (Ga 6,24-35)

Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát,
nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh
.”
(Ga 6, 27)

 

BÀI ĐỌC I: Xh 16, 2-4. 12-15

“Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: “Thà chúng tôi chết trong đất Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn no nê. Tại sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?”

Chúa liền phán cùng Môsê rằng: “Đây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa: dân chúng phải đi lượm bánh ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không. Ta đã nghe tiếng kêu trách của con cái Israel: ngươi hãy nói với họ rằng: ‘Chiều nay các ngươi sẽ ăn thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê, như thế các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi’“.

Chiều hôm ấy, có chim cút bay tới che rợp các trại, và sáng hôm sau có sương sa xuống quanh trại. Tới lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn tròn như hột sương đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi nhau rằng: “Man-hu”, có nghĩa là: “Cái gì vậy?” vì họ không biết là thứ gì. Môsê liền nói với họ: “Đó là bánh do Chúa ban cho anh em ăn”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 77, 3 và 4bc. 23-24. 25 và 54

Đáp: Chúa đã ban cho họ được bánh bởi trời (c. 24b).

Xướng:

1) Điều mà chúng tôi đã nghe, đã biết mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai: đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa. – Đáp.

2) Nhưng Người đã ra lệnh cho ngàn mây trên cõi cao xanh, và Người đã mở rộng các cửa trờiNgười đã làm mưa man-na xuống để họ ăn, và Người đã ban cho họ được bánh bởi trời. – Đáp.

3) Con người được ăn bánh của những bậc hùng anh; Người ban cho họ lương thực ăn tới no nê. Người đưa họ vào nơi thánh địa của Người, tới miền núi non mà tay hữu Người tậu sắm. – Đáp.

 

BÀI ĐỌC II: Ep 4, 17. 20-24

“Hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi nói với anh em điều này, và chứng thực trong Chúa là anh em chớ ăn ở như Dân Ngoại ăn ở, chiều theo sự giả trá của tâm tư mình. Phần anh em, anh em không hề học biết Đức Kitô như thế đâu, nhưng nếu anh em đã nghe biết Người và đã được thụ giáo trong Người, như sự chân thật trong Đức Giêsu dạy, là anh em hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc. Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em, hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật.

Đó là lời Chúa.

 

Tin mừng: Ga 6, 24-35

24Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người.

25Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?” 26Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.

27Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” 28Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”

29Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” 30Họ lại hỏi: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? 31Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”

32Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, 33vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” 34Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” 35Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 18 Thường Niên năm B

WHĐ (31.07.2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 18 Thường Niên năm B theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 1333-1336: Các dấu chỉ là bánh và rượu

Số 1691-1696: Đời sống trong Đức Kitô

Bài Ðọc I: Xh 16, 2-4. 12-15

Bài Ðọc II: Ep 4, 17. 20-24

Phúc Âm: Ga 6, 24-35

Số 1333-1336: Các dấu chỉ là bánh và rượu

Số 1333. Ở trung tâm việc cử hành bí tích Thánh Thể có bánh và rượu, mà nhờ lời của Đức Kitô và việc khẩn cầu Chúa Thánh Thần, sẽ trở thành Mình và Máu của Đức Kitô. Trung thành với mệnh lệnh của Chúa, để nhớ đến Người, cho tới khi Người lại đến trong vinh quang, Hội Thánh tiếp tục làm điều Chúa đã làm hôm trước ngày Người chịu khổ hình: “Người cầm lấy bánh…”, “Người cầm lấy chén rượu…”. Các dấu chỉ là bánh và rượu, khi đã trở nên Mình và Máu Đức Kitô cách mầu nhiệm, vẫn tiếp tục nói lên sự thiện hảo của công trình tạo dựng. Vì vậy trong phần Dâng lễ, chúng ta tạ ơn Đấng Tạo Hoá vì đã ban bánh và rượu[1], là kết quả của “công lao của con người,” nhưng trước hết đó là “hoa mầu ruộng đất” và “sản phẩm từ cây nho”, tức là những hồng ân của Đấng Tạo Hoá. Hội Thánh nhận ra cử chỉ của Melchisedech, là vua và là tư tế, ông “mang bánh và rượu ra” (St 14,18), là hình ảnh tiên báo cho hiến lễ của mình[2].

Số 1334. Thời Giao Ước cũ, trong số các hoa trái đầu mùa của ruộng đất, bánh và rượu được dâng lên làm lễ vật, với tính cách một dấu chỉ của lòng biết ơn đối với Đấng Tạo Hoá. Nhưng chúng còn mang một ý nghĩa mới trong bối cảnh cuộc Xuất Hành: Các bánh không men mà người Do Thái hằng năm vẫn ăn trong dịp lễ Vượt Qua, gợi nhớ đến sự vội vã của cuộc ra đi thoát khỏi Ai Cập; kỷ niệm về manna trong sa mạc luôn nhắc nhớ dân Israel rằng họ sống bằng bánh là Lời Chúa[3]. Cuối cùng, bánh ăn hằng ngày là sản phẩm của Đất hứa, là bảo chứng việc Thiên Chúa trung tín với các lời hứa của Ngài. “Chén chúc tụng” (1 Cr 10,16) vào cuối bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái, đã thêm cho rượu một ý nghĩa cánh chung ngoài niềm vui lễ hội, đó là sự trông chờ Đấng Messia đến tái tạo Giêrusalem. Khi thiết lập bí tích Thánh Thể của Người, Chúa Giêsu đã ban một ý nghĩa mới và dứt khoát cho việc dâng lời chúc tụng trên bánh và chén rượu.

Số 1335. Các phép lạ hóa bánh ra nhiều, khi Chúa dâng lời chúc tụng, bẻ bánh ra và trao cho các môn đệ Người để nuôi dưỡng đám đông, là hình ảnh tiên báo sự vô cùng phong phú của tấm bánh duy nhất là Thánh Thể của Người[4]. Dấu chỉ nước hoá thành rượu ở Cana[5] đã loan báo Giờ vinh quang của Chúa Giêsu. Dấu chỉ này biểu lộ sự hoàn tất của bữa tiệc cưới trong Nước của Chúa Cha, nơi các tín hữu uống rượu mới[6] đã trở thành Máu Đức Kitô.

Số 1336. Lời loan báo đầu tiên về bí tích Thánh Thể đã gây chia rẽ các môn đệ, giống như lời loan báo về cuộc khổ nạn đã làm cho họ vấp phạm: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Thánh Thể và Thánh Giá là những hòn đá gây vấp ngã. Vẫn là cùng một mầu nhiệm, và mầu nhiệm đó không ngừng là cớ gây chia rẽ. “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67): Câu hỏi này của Chúa vang vọng qua các thời đại, với tính cách một lời mời gọi của tình yêu của Người để khám phá ra rằng, chỉ một mình Người mới có “những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68), và việc đón nhận hồng ân Thánh Thể của Người trong đức tin là đón nhận chính Người.

 

Số 1691-1696: Đời sống trong Đức Kitô

Số 1691. “Hỡi Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của bạn, và đã được thông phần bản tính thần linh, bạn đừng quay trở lại với sự thấp hèn trước kia. Bạn hãy nhớ bạn thuộc về Đầu nào và là chi thể của ai. Bạn hãy nhớ rằng bạn đã được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm và được đưa vào ánh sáng và Nước của Thiên Chúa”[7].

Số 1692. Tín biểu tuyên xưng sự cao cả của các hồng ân Thiên Chúa đã rộng ban cho loài người trong công trình tạo dựng của Ngài và hơn nữa nhờ ơn cứu chuộc và thánh hoá. Điều đức tin tuyên xưng, được các bí tích truyền thông: nhơ các bí tích tái sinh, các Kitô hữu trở nên “con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1)[8], “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4). Khi nhận biết phẩm giá mới của mình nhờ đức tin, các Kitô hữu được kêu gọi để từ nay ăn ở cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô[9]. Nhờ các bí tích và kinh nguyện, họ nhận được ân sủng của Đức Kitô và các hồng ân của Thần Khí của Người, làm cho họ có khả năng thực hiện điều đó.

Số 1693. Đức Kitô Giêsu luôn làm điều đẹp lòng Chúa Cha[10]. Người luôn sống trong sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha. Cũng một cách đó, các môn đệ của Người được mời gọi sống trước tôn nhan Chúa Cha, “Đấng thấu suốt những gì kín đáo” (Mt 6,6), để trở nên “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Số 1694. Được tháp nhập vào Đức Kitô[11] nhờ Phép Rửacác Kitô hữu đã chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu[12], và như vậy họ được tham dự vào sự sống của Đấng Phục Sinh[13]. Khi bước theo Đức Kitô và kết hợp với Người[14], các Kitô hữu có thể cố gắng bắt chước Thiên Chúa, như những người con rất yêu dấu và bước đi trong tình yêu[15], bằng việc uốn nắn các ý nghĩ, lời nói và hành động của mình, sao cho họ có nơi mình tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu[16] và sống theo gương Người[17].

Số 1695. Các Kitô hữu, “được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta” (1 Cr 6,11), được thánh hoá và được gọi là thánh[18], họ trở thành “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1 Cr 6,19). Chính “Thần Khí của Chúa Con” dạy họ cầu nguyện với Chúa Cha[19], và khi đã trở nên sự sống của họ, Ngài thúc đẩy họ hành động[20], để mang lại hoa trái của Thần Khí[21], nhờ thực hiện đức mến. Khi chữa lành các vết thương của tội lỗi, Chúa Thánh Thần canh tân nội tâm chúng ta bằng sự biến đổi thiêng liêng[22], Ngài soi sáng chúng ta và củng cố để với tư cách là “con cái ánh sáng” (Ep 5,8), chúng ta sống “lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,9).

Số 1696. Con đường của Đức Kitô “đưa đến sự sống” (Mt 7,14), còn con đường đối nghịch “đưa đến diệt vong” (Mt 7,13)[23]. Dụ ngôn Tin Mừng về hai con đường luôn hiện diện trong việc dạy giáo lý của Hội Thánh. Nó cho thấy tầm quan trọng của các quyết định luân lý đối với ơn cứu độ của chúng ta. “Có hai con đường, một dẫn đến sự sống, một dẫn đến sự chết: hai bên khác nhau một trời một vực”[24].

 

Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 18 Thường Niên năm B

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 18 Thường Niên năm B (25.07.2021) – Cần tự hỏi tại sao tôi tìm kiếm Chúa?

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 18 Thường Niên năm B (05.08.2018) – Cơn đói của linh hồn

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 18 Thường Niên năm B (02.08.2015) – Vượt quá các nhu cầu vật chất

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 18 Thường Niên năm B (05.08.2012) – Tìm kiếm và tin vào Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Với phép lạ bánh hóa nhiều, Ðức Giêsu làm để nuôi đám dân đông đúc. Hôm sau họ lại đi tìm Ngài. Nhân cơ hội đó, Ðức Giêsu dạy cho họ ý nghĩa của việc tìm kiếm đích thực: đừng làm việc vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực cho hạnh phúc trường sinh.

Cuộc sống của chúng ta hôm nay, chúng ta cũng bôn ba vất vả về nhiều chuyện: Hết lo cơm ăn, lo áo mặc, lại lo cho có tiện nghi sang trọng. Chúng ta dành hết thời giờ sức lực tìm kiếm cuộc sống hôm nay, thế nhưng cuộc sống viên mãn mai sau thế nào, chúng ta lại chẳng mấy quan tâm.

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta phải tìm kiếm điều gì mới là chính đáng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng thưa lên với Chúa như đám dân chúng xưa: Chúng con phải làm gì để thực hiện những gì Thiên Chúa muốn ?

Cuộc sống của chúng con hôm nay, tất cả đều là ơn lành của Thiên Chúa. Xin cho chúng con trong khi hưởng dùng lương thực đời này, biết tìm kiếm một lương thực vĩnh viễn. Và chỉ khi tìm thấy nguồn hạnh phúc muôn đời, chúng con mới được no thỏa. Chúng con có thể nói như thánh Augustinô: Hồn con hằng khát khao tìm kiếm, cho tới khi nghỉ an trong Chúa. Amen.

Ghi nhớ:“Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Dân chúng vẫn còn sôi nổi sau phép lạ bánh hoá nhiều.

Hôm sau, họ lên thuyền qua bờ bên kia để tìm Đức Giêsu. Đức Giêsu thấy nỗ lực tìm kiếm của họ. Ngài biết họ tìm Ngài chỉ vì đã được ăn bánh no nê. Có lẽ họ hy vọng sẽ được những bữa ăn tương tự… Miếng ăn là nỗi lo của người nghèo vùng Galilê. Đó cũng là nỗi lo của hàng tỉ người trên thế giới. Đức Giêsu không trách họ về chuyện này. Ngài chỉ muốn nâng họ lên cao hơn, bởi lẽ con người không chỉ là thân xác.

Dân chúng vất vả tìm chút lương thực mau qua. Đức Giêsu muốn họ đừng quên thứ lương thực thường tồn nhằm nuôi dưỡng tinh thần và đem lại sự sống vĩnh cửu.

Người dân Galilê chỉ nhớ đến chiếc bánh hôm qua. Họ bị sa lầy và ngừng lại trong phép lạ. Họ không thể đi xa hơn và cũng không mơ ước gì hơn.

Con người hôm nay có nét giống đám đông ngày xưa. Người nghèo thì bị hút vào công việc lam lũ nhọc nhằn, để thỏa mãn cái đói cấp bách của thân xác. Người giàu thì mê mải với bao tiện nghi đang mời gọi. Họ bị ám ảnh và chạy đua với những mặt hàng mới. Rốt cuộc, kẻ nghèo người giàu đều có nguy cơ như nhau, đó là đánh mất đi cái đói khát tinh thần, mãn nguyện với cái bụng no, hay với thứ nữ trang đắt giá.

Thật ra, cũng khó dập tắt nỗi khát khao về Tuyệt Đối mà Thiên Chúa đã đặt rất sâu trong lòng người.

Mọi thứ thức ăn trần gian, con người không lấy làm đủ. Người nghèo không chỉ cần cơm bánh, mà còn cần tình thương. Người giàu dư cơm bánh, nhưng lại cần lẽ sống. Không thiếu những bạn trẻ nhà giàu, có học, có tương lai, nhưng lại thất vọng chán chường, thậm chí rơi vào trụy lạc. Họ có tất cả, nhưng vẫn thấy thiếu cái gì đó… Thiếu cái này thì mọi thứ khác trở thành thừa. Có khi sống sa đọa lại là cách họ biểu lộ cơn đói khác vô cùng về những điều cao cả.

Đức Giêsu khơi dậy những khát khao tốt đẹp đang ngủ quên. Ngài không cho dân chúng thứ manna từ trời rơi xuống, để mỗi ngày họ phải lượm mà ăn.

Ngài cho họ thứ bánh bởi trời đích thực, bánh ban sự sống đời đời cho toàn thế giới.

“Xin cho chúng tôi thứ bánh đó luôn luôn”

“Xin ông cho tôi thứ nước ấy” (Ga 4, 15).

Con người vẫn đói khát thức ăn tinh thần. Cơn đói này còn kinh khủng hơn cả cơn đói thân xác.

Hãy đến với Giêsu! Hãy tin vào Giêsu! Nếu bạn khao khát Tuyệt Đối thì chỉ Tuyệt Đối mới làm bạn no thỏa. Tuyệt Đối đã hiện diện nơi Đức Giêsu.

Ước chi bạn để cho Ngài nuôi bằng lời giáo huấn, và tin tưởng dấn thân theo Ngài bằng cả cuộc đời.

GỢI Ý CHIA SẺ

Khi nói đến thức ăn tinh thần, người ta nghĩ ngay đến báo chí, sách vở, các phương tiện truyền thông đại chúng như tivi, phim ảnh, video. Bạn đánh giá thế nào về các món ăn tinh thần này? Bạn thích hình thức giải trí nào hơn cả?

Bạn có những khát vọng về mặt vật chất cũng như tinh thần. Khi đến với Đức Giêsu, bạn có thấy mình được mãn nguyện chút nào không?

 

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

LƯƠNG THỰC CHÚA BAN CHO CON NGƯỜI
+++

A. DẪN NHẬP

Thiên Chúa hằng quan tâm săn sóc con người. Phép lạ hóa bánh ra nhiều của tuần trước đã chứng minh điều đó. Còn hơn thế nữa, trong bài đọc 1 hôm nay, sách Xuất hành còn nhắc lại việc Thiên Chúa ban manna từ trời rơi xuống nuôi dân Do thái suốt quãng đường đi về Đất hứa. Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu cho dân Do thái biết manna mà Thiên Chúa ban cho cha ông họ trong sa mạc chưa phải là bánh thật mà chỉ là biểu tượng cho thứ bánh mà Thiên Chúa sẽ ban cho loài người. Bánh thật ấy là bánh hằng sống. Đức Giêsu đã khẳng định rằng bánh ấy chính là Ngài, khi Ngài nói với họ: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói. Ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ” (Ga 6,35).

Con người có nhiều khát vọng cần được thoả mãn, mà khát vọng đầu tiên là thoả mãn cơn đói khát của thể xác. Ngoài ra, còn những khát vọng khác của tinh thần như nhu cầu được hiểu biết, được bảo vệ, được quan tâm, được thông cảm… Nhưng nhu cầu căn bản và sâu xa nhất là tình yêu. Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,16). Thiên Chúa là nguồn tình yêu, mọi tình yêu phải phát xuất từ Ngài, chỉ có Ngài mới thoả mãn được nhu cầu ấy. Ai được yêu là được sống trong hạnh phúc, mà hạnh phúc thật và trường cửu chỉ có ở trong Thiên Chúa.

Ai muốn được trường sinh và hưởng hạnh phúc thật thì phải dùng lương thực trường sinh, mà lương thực trường sinh chính là Đức Giêsu như Ngài nói: “Ta là bánh ban sự sống” (Ga 6,35). Ta hãy tìm lương thực trường sinh ấy trong Lời Chúa và Thánh Thể. Đấy là lương thực thần linh nuôi sống con người trong cuộc hành trình đi về quê trời.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1:Xh 16,2-4.12-15

Đây là trình thuật được viết sau cuộc lưu đày nói lên những thử thách mà dân Chúa phải chịu đựng trong sa mạc. Dưới sự hướng dẫn của Maisen và Aaron, dân Do thái đã từ giã Ai cập về Đất hứa. Họ phải vượt qua sa mạc khô cằn của núi Sinai. Sa mạc cũng là nơi thử thách, mà một trong những thử thách lớn nhất đối với họ là đói, không có thức ăn.

Họ đã kêu trách ông Maisen vì đã đem họ vào sa mạc này để bị chết đói. Họ muốn trở lại Ai cập. Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp, Ngài cho manna từ trời rơi xuống để làm bánh và cho chim cút sà xuống để làm thức ăn trong suốt 40 năm trời trong sa mạc. Khi dân được hưởng hoa màu nơi Đất hứa thì manna chấm dứt.

Qua phép lạ manna này, người Do thái đã biết nhìn nhận trong những hiện tượng tự nhiên sự biểu lộ lòng ân cần săn sóc của Thiên Chúa đối với họ và lương thực họ dùng hằng ngày là do Chúa ban.

+ Bài đọc 2: Ep 4,17-24

Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Êphêsô hãy từ bỏ “con người cũ” mà mặc lấy “con người mới”. Giáo huấn của Ngài dựa trên phép Thánh tẩy, vì khi chịu phép rửa tội là chúng ta đã chết cho tội lỗi, giết bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới theo tinh thần Đức Kitô.

Ngài khuyên các tín hữu một khi đã theo Đức Kitô thì phải từ bỏ nếp sống cũ và tinh thần cũ như hồi còn là dân ngoại. Thay vào đó, hãy mặc lấy con người mới theo tinh thần mới và cách sống như Đức Kitô: “Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thực sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,24).

+ Bài Tin mừng:Ga6,24-33

Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng rất hồ hởi và hy vọng. Hôm sau, họ đến với Đức Giêsu rất đông, hy vọng kiếm được của ăn ít ra cũng dồi dào như manna, xưa đã nuôi sống cha ông họ trong sa mạc suốt thời gian đi về Đất hứa.

Nhưng Đức Giêsu muốn hướng họ lên cao hơn một bước, Ngài mời họ trước hết hãy tìm kiếm lương thực không hư nát, là thứ tồn tại cho đến cuộc sống vĩnh hằng: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,26).

Họ tưởng lương thực mà Đức Giêsu nói đây là manna ngày xưa cha ông họ đã ăn trong sa mạc. Nhưng Đức Giêsu bác bỏ quan niệm của họ và nói rõ ràng hơn: “Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta không hề phải đói. Ai tin vào Ta chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35).

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Hãy tìm lương thực trường sinh

I. ĐI TÌM LƯƠNG THỰC CHO CUỘC SỐNG

1. Điều Đức Giêsu muốn dạy ta

Sau phép lạ bánh hoá nhiều, Đức Giêsu và các Tông đồ bỏ đảo Zénézareth trở về Capharnaum, nhưng Đức Giêsu không đi cùng thuyền với các Tông đồ, vì Ngài còn lên núi cầu nguyện một mình (Ga 6,15). Dân chúng thấy rõ Đức Giêsu không đi trên thuyền đó, nên họ đổ xô đi tìm Ngài. Khi về tới Capharnaum gặp Chúa, họ hết sức ngạc nhiên vì gặp Ngài ở đó rồi: “Lạy Thầy, Thầy đến đây bao giờ?” Một câu hỏi đơn sơ, tỏ lòng tha thiết với Chúa và muốn biết Ngài đến đây bằng cách nào.

Đức Giêsu không trả lời câu hỏi ấy, mà nhân cơ hội này Ngài giảng cho họ một bài về Bánh hằng sống. Bài này cốt nâng cao tư tưởng thính giả lên bên trên những lo lắng vật chất. Đức Giêsu biết rõ, dân chúng chỉ đến với Ngài sau khi được ăn bánh no nê. Và phép lạ làm cho bánh hoá nhiều làm cho người ta nghĩ rằng: đã đến thời lập lại nước Israel, đời sống sẽ phú túc. Bài này có ý cải chính ý tưởng đó.

Điều Đức Giêsu muốn là đưa họ đi xa, đưa họ lên cao hơn những điều họ thấy trước mắt: việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Ngài sai đến, tức tin vào Ngài là Đấng vừa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn. Nhưng như thế vẫn chưa hết, vì Đức Giêsu còn muốn làm cho người Do thái nhận ra rằng: Ngài không chỉ có thể làm cho bánh hoá nhiều để duy trì sự sống vật chất của con người, mà Ngài còn có thể ban chính sự sống cho con người, không chỉ là sự sống thể xác do cơm bánh lương thực tạo nên, mà còn sự sống thần linh, sự sống vĩnh cửu mà chỉ một mình Thiên Chúa mới ban được cho con người: “Chính Ta là Bánh trường sinh, ai đến với Ta, không hề phải đói. Ai tin vào Ta, chẳng hề khát bao giờ” (Ga 6,35).

Đức Giêsu là bánh trường sinh. Bánh trường sinh ban sự sống trường sinh. Những ai ăn bánh trường sinh thì không còn phải đói khát bao giờ nữa vì được no thỏa tâm hồn. Nhưng sự sống trường sinh là gì? – Sự sống trường sinh là nhận biết Đức Giêsu là Đấng đến từ Thiên Chúa, là sự sống của Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống của Thiên Chúa cho những ai muốn đón nhận. Sự sống trường sinh là sự sống của “con người mới” tức con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được dạy dỗ theo tinh thần của Đức Kitô. Cụ thể đó là con người thực sự sống công chính và thánh thiện (Bài đọc 2).

2. Sự đói khát triền miên của con người.

Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Đức Giêsu nói chuyện với những người nông dân vùng Galilê đang vất vả để kiếm sống. Họ biết đói khổ là thế nào khi họ miệt mài làm việc để mùa thu hoạch có kết quả tốt. Đức Giêsu dựa vào một nhu cầu vật chất của thính giả làm khởi điểm, đó là những biểu tượng thông thường: đói, khát, bánh, nước…

Chúng ta có thể đặt ra câu hỏi: nếu một người giàu có đầy đủ: gia đình, nghề nghiệp, lợi tức, chức quyền, danh vọng… nhưng họ vẫn thấy còn thiếu cái gì nữa chăng? Nếu chúng ta trả lời rằng “CÓ” thì các bài đọc Kinh thánh hôm nay là một sứ điệp quan trọng cho chúng ta. Chúng nhắc cho chúng ta một điều chúng ta thường hay bỏ quên, đó là: trên thế giới này có hai loại đói: trước hết là đói khát thể lý mà chỉ đồ ăn thức uống mới có thể thỏa mãn được. Thứ đến là đói khát thiêng liêng mà không thực phẩm nào trên trần gian này có thể thỏa mãn được. Nói cách khác, dầu chúng ta có giàu có hoặc thành công đến đâu đi nữa, chúng ta vẫn cảm thấy nơi thâm sâu lòng mình một cơn đói khát khó có thể bày tỏ được.

Đối với con người nếu chỉ nhằm thoả mãn những nhu cầu về thể xác thì càng cảm thấy thiếu thốn, vì nhu cầu đẻ ra nhu cầu, nhu cầu này nối tiếp nhu cầu kia làm cho người ta luôn tìm kiếm mà không bao giờ được thoả mãn.

Truyện: Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng

Tần Thuỷ Hoàng của nước Tàu đã sống trước Chúa Giáng sinh 200 năm. Ông tự phong là “Nhất Thế”, nghĩa là vô địch nhất thế gian này, về đức độ hơn cả Tam Hoàng, có công hơn cả Ngũ Đế là những vị vua có công lập quốc, kiến quốc nhất của Trung Hoa. Tần Thuỷ Hoàng còn muốn trường sinh trẻ mãi, nên đi tìm đủ mọi danh y, pháp thuật, bói toán, chỉ dẫn cho uống thuốc, tập luyện và sai quần thần đi khắp nơi tìm thuốc trường sinh, với bất cứ giá nào, dù phải vượt biển Đông hão huyền cũng phải đi tìm, dù phải khổ luyện đến chết, vẫn nhắm mắt theo. Đồng thời, ông lại lo xây nhà mồ như cung điện nguy nga, rộng lớn chín dặm vuông vức, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thuỷ tinh làm sông Ngân hà, lấy vàng bạc xây tường và chôn sống hàng trăm cung nữ vây quanh nhà mồ của ông… Quả thực, Thuỷ Hoàng chỉ làm vua hơn chục năm và sống hơn năm mươi tuổi (Lm. Vũ Khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá, năm B, tr 155).

3. Thỏa mãn sự đói khát của con người

Dân chúng hỏi Đức Giêsu rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của ThiênChúa?” Đức Giêsu đáp lại: “Đây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Đấng Người sai đến”. Ở đây bắt đầu một mặc khải lạ lùng. Lương thực cốt yếu mà con người đói khát, đó chính là Đức Giêsu! Một quyết đáp có vẻ táo bạo và điên rồ, nhưng đã được kiểm chứng hàng triệu lần từ 2000 năm qua. “Anh em hãy tin”. Đó là công trình của Thiên Chúa nơi chúng ta. Tin, có đức tin, đó là làm việc với Thiên Chúa, là cộng tác với Thiên Chúa, Đấng muốn ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu của Ngài.

Đức Giêsu vừa đưa ra một tuyên bố quan trọng. Ngài bảo rằng công việc đích thực của Thiên Chúa là tin Ngài. Người Do thái nói: Hay lắm, quả thật đây là lời tuyên xưng mình là Đấng Messia, vậy ông hãy chứng minh đi…

Bấy giờ họ vẫn còn nghĩ đến việc Chúa hóa bánh cho đám đông ăn, nên điều không tránh được là họ liên tưởng ngay đến manna trong sa mạc. Họ kết hợp hai việc đó thật dễ dàng. Manna vẫn được xem như bánh của Thiên Chúa (Tv 77,24; Xh 16,15). Trong Do thái giáo, có một niềm tin mạnh mẽ rằng: khi Đấng Messia đến, Ngài sẽ lại ban manna. Việc ban manna được cho là việc tối quan trọng trong cuộc sống của Maisen, mà Đấng Messia thì còn phải hơn thế nữa. Vị cứu tinh đầu tiên thế nào thì vị cuối cùng cũng phải như thế. Vị cứu tinh đầu tiên đã khiến manna từ trời rơi xuống thế nào, thì vị cứu tinh thứ hai cũng phải khiến được manna từ trời rơi xuống thể ấy.

Như vậy, dân Do thái đang thách thức Đức Giêsu hãy khiến bánh từ trời xuống để hậu thuẫn cho lời tuyên bố của Ngài. Họ không chịu xem số bánh cho 5000 người vừa được ăn là bánh từ Thiên Chúa đến. Ban đầu nó vốn là bánh của trần gian. Theo họ, manna phải khác hẳn, và đó là trắc nghiệm cho Đức Giêsu. Câu trả lời của Đức Giêsu gồm hai phương diện. Trước hết, Ngài nhắc họ rằng, không phải Maisen đã cho họ ăn manna, mà là Thiên Chúa. Thứ hai, Ngài bảo họ: manna không phải là bánh thật của Thiên Chúa, mà chỉ là biểu tượng cho bánh của Thiên Chúa. Bánh của Thiên Chúa là Đấng từ trời xuống và ban cho loài người không chỉ sự no đủ về phương diện thể xác nhưng là sự sống. Đức Giêsu tuyên bố rằng sự thoả mãn duy nhất là ở trong Ngài.

II. ĐI TÌM LƯƠNG THỰC TRƯỜNG SINH

1. Phải hướng tâm hồn lên.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng đưa ra một lời chê bai những người tìm đến với Ngài khi Ngài nói: “Các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì cácông đã được ăn bánh no nê”. Đức Giêsu biết rõ tâm tư của họ, họ đến với Ngài chỉ vì muốn được ăn bánh no nê như đã được ăn hôm trước. Dĩ nhiên, việc ăn uống nuôi thể xác là một điều cần thiết, ai lại không phải ăn? Nhưng Đức Giêsu muốn nói với họ là ngoài sự đói khát vật chất và thể lý còn có sự đói khát thuộc tinh thần và tâm linh nữa. Và Chúa đã đưa ra cho họ một lời khuyên: “Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”.

Truyện: Napoléon có đôi mắt sáng

Một hôm, Napoléon, vị hoàng đế có một đôi mắt rất sáng, nói chuyện với một người bạn của ông, người này thì lại có một đôi mắt rất kém. Hai người nói chuyện với nhau về sự đời, bên cạnh một cửa sổ. Bất chợt, Napoléon chỉ tay lên trời, một bầu trời đầy sao, đang phát ra những ánh sáng lập loè, và hỏi người bạn:

– Anh có thấy những ngôi sao ở trên trời kia không?

Người bạn trả lời:

– Không, mắt tôi kém lắm rồi, tôi không thấy gì cả.

Napoléon nói:

– Đó là sự khác biệt giữa anh và tôi. Rồi Napoléon nói tiếp:

– Những người nhìn bầu trời đen mà không thấy gì thì mới sống được nửa cuộc đời mà thôi. Muốn sống trọn cả cuộc đời, thì phải thấy được những ngôi sao giữa bầu trời đen.

Lời nhận xét trên đây của Napoléon là một lời gián tiếp chê bai người bạn của ông có đôi mắt kém (Lm. Phạm Văn Phượng).

Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng gián tiếp chê bai những người đến với Ngài không phải vì đã chứng kiến các dấu lạ mà chỉ muốn được ăn no nê. Họ chỉ biết thỏa mãn những gì thuộc thể xác, còn những gì cao hơn họ không để ý tới. Như vậy, theo như Napoléon, họ mới sống được nửa cuộc đời mà thôi.

2. Những khát vọng của con người.

Con người sống trên trần gian này có rất nhiều khát vọng cần được thoả mãn. Khát vọng đầu tiên là được thoả mãn cơn đói khát thể xác. Cái ăn cái uống là những nhu cầu vật chất khẩn thiết làm cho thể xác được bảo toàn và tăng trưởng. Người Tây phương có một câu ngạn ngữ nói về nhu cầu đó: “Manducare priusquam philosophare”: ăn đã rồi muốn nói gì thì nói. Người Việt Nam chúng ta cũng có tư tưởng ấy được gói ghém trong câu tục ngữ: “Dĩ thực vi tiên”: cái ăn phải đứng đầu.

Ngoài những nhu cầu vật chất, người ta còn có những khát vọng tinh thần cần được thoả mãn: nhu cầu hiểu biết, cần được tôn trọng, cần được quan tâm, cần được thông cảm…. Tuy nhiên, con người còn có một khát vọng căn bản và sâu xa nhất, đó là khát vọng tình yêu. Đó là khát vọng sống đời đời.

Nói cách khác, đó là khát khao Thiên Chúa. Cảm nghiệm được khát khao này không phải là một bất hạnh mà là sự chúc lành. Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là tìnhyêu”. Chính Chúa là hạnh phúc, ai được yêu mến là sống trong hạnh phúc. Nhiều người muốn được hạnh phúc mà không biết cách tìm, họ tìm hạnh phúc ở nơi tạo vật mà bỏ quên Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc, cho nên họ đã thất bại. Thay vì tiến tới hạnh phúc, họ chỉ đạt tới những bất hạnh vì họ đã đi chệch đường.

Truyện: Kinh nghiệm của một người

Tại Pháp, có một thương gia rất giàu, phương châm sống của đời ông là làm tiền, ăn nhậu và chơi bời. Nhưng chẳng bao lâu ông bị bệnh trầm trọng: thần kinh chỉ huy thanh quản bị tê liệt, làm ông bị câm. Trên giường bệnh, ông luôn thở dài chán nản. Cuối cùng, trước khi chết, ông ghi một hàng chữ và truyền khắc nó trên bia mộ của ông: “Đây là người dại dột, đã sống mà không biết sống. Hỡi những người đang sống, chớ gì sự vô phúc của kẻ khác mở mắt các ông”.

3. Khát vọng được lấp đầy

Đức Giêsu nói: “Bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống chothế gian”. Đức Giêsu khẳng định mình là bánh từ trời xuống để ban sự sống cho thế gian: “Talà bánh hằng sống”. Linh hồn chúng ta phải có của ăn mới sống được, mà của ăn ấy chính là Đức Kitô: “Chính Ta là bánh ban sự sống ai đến với Ta sẽ không hề đói. Ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.

Chúng ta đã được tạo dựng cho Thiên Chúa. Dù muốn dù không, cơn đói của chúng ta chính là đói Thiên Chúa. Tiên tri Isaia đã nói: “Tại sao phí tiền vào những của không làm nobụng”. Thánh Augustinôđã thú nhận rằng: “Lạy Chúa, tâm hồn con không nghỉ yên khi nó chưa được an nghỉ trong Chúa”. Vâng, tâm hồn chúng ta rất rộng lớn đến nỗi không gì có thể lấp đầy được, ngoài một mình Thiên Chúa mà chúng ta được dựng nên vì Ngài.

Vậy sứ điệp trong các bài Kinh thánh hôm nay gửi đến cho chúng ta như sau: tận thâm tâm mỗi người chúng ta đều ẩn chứa một cơn đói khát sâu xa, mà chỉ một mình Đức Giêsu mới có thể thỏa mãn. Sứ điệp này đã mang lại ý nghĩa mới cho hàng triệu người và nó cũng mang lại cho cuộc sống chúng ta một ý nghĩa mới miễn là chúng ta chấp nhận nó.

4. Hãy sống bằng bánh trường sinh

Khi người Do thái nói với Chúa: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánhấy”. Đức Giêsu bảo họ: “Chính Ta là Bánh trường sinh”, Bánh trường sinh mà Đức Giêsu ban cho chúng ta, chính là Lời Chúa và Thánh Thể.

* Lời Chúa: chúng ta thấy quan niệm cho rằng Lời Chúa, giới răn Chúa là thức ăn thiêng liêng bồi dưỡng cho con người, cao quý hơn thức ăn thông thường đã có trong Cựu ước. Ví dụ tiên tri Amos đã nói: “Sắp tới những ngày, Ta sẽ cho nạn đói đến trong xứ, không phải đói bánh, không phải khát nước, mà là đói khát nghe Lời Chúa” (Am 8,11).

Tiên tri Giêrêmia cũng khát Lời Chúa: “Khi nghe Lời của Ngài, tôi đã ăn ngấu nghiến. Lời Chúa là sự vui sướng hạnh phúc cho lòng tôi” (Gr 15,16).

* Thánh Thể: trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nói rõ: “Ta bảo thật các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trongcác ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lạingày sau hết”.

Chúa khêu gợi sự tò mò và chú ý của dân chúng, để họ nghĩ đến một của ăn bí nhiệm mà Con Người sẽ ban cho họ… một thứ manna đích thực “từ trời xuống và ban sự sống cho thế gian”. Nhưng họ không hiểu hay không muốn hiểu. Ngài kết luận: “Chính Ta là bánh ban sự sống, ai đến với Ta sẽ không hề đói. ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”. Chúa đến để nuôi sống linh hồn chúng ta.

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

BÁNH THẬT TỪ TRỜI

Dấu lạ bánh hóa nhiều đã gây ra một ấn tượng mạnh mẽ.

Dân chúng ngất ngây vì được ăn no nê, dư dật.

Trong thời buổi còn nhiều người đói nghèo

thì bữa ăn đơn sơ ở bên kia hồ do Đức Giêsu khoản đãi

cũng đủ khiến đám đông mong có mãi.

Dưới mắt họ, Ngài được coi là vị ngôn sứ giống Môsê

mà xưa Đức Chúa đã hứa (Đnl 18,15-18).

Thậm chí họ còn muốn tôn Ngài lên làm vua.                                              

Có được một vị vua biết cho dân ăn no thì tốt biết mấy!

Nói chung, dân chúng mong dấu lạ bánh hóa nhiều

không xảy ra chỉ một lần, nhưng được lặp đi lặp lại.

Chẳng ai phải làm lụng vất vả nữa!

Hay nói như người phụ nữ Samaria bên giếng nước:

chẳng phải đến đây lấy nước nữa (Ga 4,15).

Hôm sau, khi thấy vắng bóng Đức Giêsu và các môn đệ,

đám đông đã lên thuyền đi tìm Ngài ở Caphácnaum.

Họ háo hức được gặp lại Ngài, người đã nuôi họ ăn.

Nhưng dấu lạ của Đức Giêsu luôn đưa người ta đi xa hơn.

Đúng là Ngài đã lo cho cái đói cái no của thân xác,

và quả thực mạng sống thật đáng trân trọng.

Nhưng con người không phải chỉ có thế!

Ngài còn quan tâm đến sự sống tâm linh của con người.

Sau khi nuôi dân, Ngài lên núi cầu nguyện.

Có thể ở đó Ngài nhận ra giới hạn của dấu lạ vừa rồi.

Nó chỉ làm no thân xác được vài tiếng, rồi lại đói.

Nó chỉ làm cho vài ngàn người Israel được vui.

Còn thế giới này thì sao? Lấy gì mà nuôi đời sống tâm linh?

Đức Giêsu muốn đưa dân chúng đi từ tấm bánh vật chất

đến một thứ bánh khác quý hơn nhiều.

Thấy đám đông còn phấn khích về chuyện được ăn bánh,

Đức Giêsu biết họ chưa hiểu hết ý nghĩa của dấu lạ hôm qua.

Họ còn mải mê thứ lương thực hay hư nát,

mà chưa để tâm đến thứ lương thực thường tồn (Ga 6,27).

Lương thực hay hư nát chỉ bổ dưỡng thân xác,

còn lương thực thường tồn mới đem lại sự sống vĩnh hằng.

Đức Giêsu báo cho họ một tin vui:

Ngài là người được Thiên Chúa Cha đóng ấn xác nhận,

nên có thể ban cho họ thứ lương thực thường tồn.

Để có thứ lương thực quý giá này, cần phải làm việc.

Không phải là giữ Luật Môsê cho nghiêm,

mà là tin vào Ngài, Đấng được Chúa Cha sai đến (Ga 6,29).

Thiên Chúa Cha là Đấng hằng nuôi dân của Ngài.

Đám đông không quên tổ tiên họ được nuôi bằng manna.

Đó là thứ bánh bởi trời rơi như sương sa trong sa mạc.

Dấu lạ lớn lao này đã kéo dài nhiều năm…

Bây giờ họ cũng mong một dấu lạ tương tự (Ga 6,30).

Đức Giêsu cho biết Cha Ngài muốn tiếp tục nuôi con người

bằng thứ Bánh mới, Bánh đích thật, Bánh từ trời xuống,

Bánh đem lại sự sống vĩnh hằng cho cả thế gian (Ga 6,32-33).

Khi dân chúng khao khát được ăn thứ bánh kỳ diệu ấy,

Đức Giêsu lại báo cho họ tin vui:

Chính Ngài là Bánh mà Chúa Cha muốn trao cho cả nhân loại.

Chỉ cần tin vào Ngài là được hưởng dùng Tấm Bánh đó.

Thế giới và con người hôm nay đói khát nhiều thứ.

Đói có đủ oxy để thở, khát có đủ vaccine để chích ngừa.

Thèm được một ngày bình yên không có chiến tranh.

Mong các bệnh viện không bị quá tải bởi dịch bệnh.

Mong người nghèo không phải đôn đáo lo miếng ăn.

Trái đất xanh hơn, không khí sạch hơn, nước trong hơn,

và con người sống có tình hơn.

Đức Giêsu mời ta đến với Ngài, tin vào Ngài và giữ lời Ngài

để giải quyết chuyện đói khát triền miên (Ga 6,35).

Chúng ta có dám tin Ngài làm được dấu lạ này không?

Chúng ta có muốn hai tay đón lấy Tấm Bánh Giêsu không?

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã có kinh nghiệm về cái đói,

sau khi ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa.

Chúa cũng từng đói đến mức phải tìm trái nơi cây vả.

Chúa đã xin nước uống nơi người phụ nữ Samari,

và đã nếm cái khát của người bị mất máu trên thập giá.

                                       

Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa có thân xác như chúng con,

nên Chúa đã bênh các môn đệ khi họ bứt lúa mà ăn vì đói,

Chúa đã làm phép lạ bánh hóa nhiều

vì sợ người ta xỉu dọc đường,

Chúa đã bảo người ta cho cô bé mới hồi sinh được ăn.

Đói khát là chuyện bình thường của thân xác con người,

và Chúa chẳng bao giờ coi thường

những nhu cầu chính đáng của nó.

Nhưng xin nhắc chúng con nhớ rằng

con người không chỉ sống nhờ cơm bánh,

mà còn nhờ Lời Chúa,

không chỉ đói khát thức ăn vật chất

mà còn khao khát những giá trị tinh thần.

Xin dạy chúng con đừng khép cửa lòng

như ông nhà giàu xây thêm kho,

nhưng biết chia sẻ cho những Ladarô đang nằm ngoài cổng.

Xin cho chúng con hiểu

giá trị của một ly nước được trao đi,

của tấm bánh giữa đêm khuya cho người bạn mượn.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đói khát nên vẫn ngửa tay xin chúng con mỗi ngày

mà chúng con không hay.

Xin giúp chúng con bắt chước Chúa trong bữa tiệc cuối cùng

dám bẻ ra và trao đi tấm bánh đời mình để phục vụ.

Ước gì mai này chúng con được đồng bàn với Chúa

và với mọi người thành tâm thiện chí trong Nước Trời.