Bài đọc I: 2 Tm 3, 10-17
“Kẻ sống đạo đức trong Ðức Giêsu Kitô, đều chịu bắt bớ”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi cho Timô-thêu.
Con thân mến, con đã noi theo cha về giáo lý, đức hạnh, dự định, lòng tin, khoan dung, yêu thương, kiên nhẫn, bắt bớ, đau khổ, như đã xảy đến cho cha ở Antiokia, Icôni và Lystra. Biết bao cuộc bắt bớ cha đã phải chịu, và Chúa đã cứu cha thoát khỏi tất cả. Vả lại, mọi kẻ muốn sống đạo đức trong Ðức Giêsu Kitô đều chịu bắt bớ. Còn những kẻ tội lỗi và gian trá, thì sẽ đi sâu vào tình trạng tệ hại hơn, vì họ lầm lạc và làm cho kẻ khác lầm lạc. Phần con, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp: Ðại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa (c. 165).
Xướng: 1) Nhiều người bắt bớ và nhiễu hại con, nhưng con chẳng sai trật lời nghiêm huấn của Chúa.
Ðáp: Ðại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa (c. 165).
2) Căn bản lời Chúa là sự thật, mọi chỉ dụ công minh của Chúa tồn tại muôn đời.
Ðáp: Ðại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa (c. 165).
3) Các vua chúa bách hại con vô lý, nhưng lòng con vẫn kính sợ lời Ngài. – Ðáp.
4) Ðại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa, không có gì làm cớ cho họ sẩy chân.
Ðáp: Ðại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa (c. 165).
5) Lạy Chúa, con mong ơn Ngài phù trợ, để thực thi những chỉ thị của Ngài.
Ðáp: Ðại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa (c. 165).
6) Con tuân giữ huấn lệnh và những lời truyền của Chúa, vì bao đường lối của con hiện ở trước nhan Ngài.
Ðáp: Ðại bình an cho những ai yêu luật pháp Chúa (c. 165).
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 35-37
“Sao họ có thể bảo Ðức Kitô là Con vua Ðavít?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: “Sao các luật sĩ lại nói Ðấng Cứu Thế là con vua Ðavít? Vì chính Ðavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con”. Chính Ðavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Ðavít được?” Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Sau khi đã bị chất vấn về nhiều vấn đề bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo,
bây giờ đến lượt Đức Giêsu đặt vấn đề với họ, cụ thể là các kinh sư.
Khung cảnh vẫn là Đền thờ với đám đông thính giả.
Có vẻ đây là một đám đông có cảm tình với Đức Giêsu (c. 37).
Câu chuyện khởi đi từ câu đầu tiên của thánh vịnh 110.
Thánh vịnh này là thánh vịnh được các Kitô hữu sơ khai yêu thích,
và được trích dẫn nhiều lần trong các sách Tân Ước,
bởi lẽ họ nhận ra khuôn mặt của Đức Giêsu vinh quang trong đó.
Đối với các kinh sư, cũng như đối với Đức Giêsu,
thánh vịnh này được vua Đavít viết ra, dưới ơn linh hứng của Thánh Thần.
Ông viết về Đấng Mêsia được Đức Chúa cho toàn thắng.
“Đức Chúa phán cùng Chúa của tôi rằng: bên hữu Ta đây, con lên ngự trị,
để rồi bao địch thù Ta đặt làm bệ dưới chân con” (c.36).
Trong thánh vịnh này, Đavít đã gọi Đấng Mêsia một cách long trọng,
bằng tước hiệu “Chúa của tôi”.
Thế mà theo quan niệm của các kinh sư, Đấng Mêsia (còn gọi là Đấng Kitô)
là con vua Đavít, là người thuộc dòng dõi vua Đavít.
Câu hỏi Đức Giêsu đặt cho các kinh sư như sau:
Nếu Đavít gọi Đấng Mêsia là Chúa của tôi
thì làm sao Đấng Mêsia lại là Con của Đavít?
Mới nghe câu hỏi của Đức Giêsu,
ta có cảm tưởng Ngài không nhìn nhận mình là Con vua Đavít.
Thật ra Ngài không bảo rằng Đấng Mêsia không thể là Con Đavít được.
Nhưng Ngài chỉ đặt một câu hỏi lơ lửng để mời họ suy nghĩ.
“Bởi đâu (pothen) mà Đấng Mêsia lại là con vua Đavít?” (c. 37).
Bởi đâu Đấng Mêsia vừa là Con, vừa là Chúa của Đavít?
Đối với Kitô hữu chúng ta, mầu nhiệm này đã được hiển lộ.
Đức Giêsu là Con vua Đavít, thuộc dòng dõi Đavít theo xác thịt (Rm 1,3),
nhưng Ngài được siêu tôn làm Chúa nhờ trải qua cái chết thập giá,
nhờ sự hạ mình vâng phục, và nhờ được phục sinh.
“Chính vì thế Ngài được ban cho một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu,”
khiến mọi loài phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa (Ph 2, 9-11).
Hôm nay chúng ta vẫn phải làm việc vất vả
để thế giới nhìn nhận quyền làm Chúa của Đức Giêsu Kitô.
Vì kẻ thù cuối cùng vẫn chưa bị khuất phục trọn vẹn (1 Cr 15, 25).
Chúng ta mong mọi sự quy phục Đức Kitô, để tất cả thuộc về Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đã yêu trái đất này,
và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết
nỗi khổ đau và hạnh phúc,
sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh
để xây dựng trái đất này,
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm chúng con quên trời cao;
và những vẻ đẹp của trần gian
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
Tin tức liên quan khác
Thánh Lễ Truyền Chức Phó Tế Cho 09 Chủng Sinh Tại Giáo Phận Hà Tĩnh
ĐTC tiếp các tham dự viên Đại hội toàn thể của Phân bộ thứ nhất của Bộ Loan báo Tin Mừng
Bế mạc Tuần Tĩnh tâm linh mục đoàn Giáo phận Hà Tĩnh năm 2023
Phỏng vấn Đức Hồng y Giorgio Marengo, nhà truyền giáo tại Mông Cổ, về bản chất truyền giáo của Giáo hội
Phải được giương cao (14.09.2023 – Lễ suy tôn Thánh Giá)
Tại sao mang Khăn choàng vai khi ban phép lành Chầu Thánh Thể
Diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ở Mông Cổ
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu mở cửa tâm hồn đón Đức Mẹ