“Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng”.
BÀI ĐỌC I (năm II): Ed 34, 1-11
“Ta sẽ giải thoát đoàn chiên Ta khỏi tay chúng, và đoàn chiên sẽ không làm mồi ngon cho chúng nữa”.
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Có lời Chúa phán cùng tôi rằng: Hỡi con người, hãy nói tiên tri về các chủ chăn Israel, hãy nói tiên tri và bảo các chủ chăn rằng: Chúa là Thiên Chúa phán thế này: Khốn cho các chủ chăn Israel, họ chỉ lo nuôi chính bản thân: chớ thì các chủ chăn không phải lo chăn nuôi đoàn chiên sao? Các ngươi đã uống sữa chiên, đã mặc áo lông chiên, hễ con nào béo tốt, các ngươi làm thịt: nhưng các ngươi không chăn nuôi đoàn chiên của Ta. Con nào yếu đuối, các ngươi không bổ dưỡng; con nào đau ốm, các ngươi không chạy chữa; con nào bị thương, các ngươi không băng bó; con nào đi lạc, các ngươi không đem về; con nào đi mất, các ngươi không tìm kiếm; nhưng các ngươi chăn dắt chúng bằng bạo lực và nghiêm khắc. Các chiên Ta tản mác vì thiếu chủ chăn: chúng làm mồi cho thú dữ ngoài đồng. Các chiên Ta lang thang khắp núi, trên mọi đồi cao, các chiên Ta tản mác khắp mặt đất, và chẳng có ai tìm kiếm. Ta nói, chẳng có ai tìm kiếm.
Vì thế, hỡi các chủ chăn, hãy nghe lời Thiên Chúa phán: Nhân danh mạng sống của Ta, các chiên Ta đã bị cướp mất, các chiên Ta làm mồi cho thú dữ ngoài đồng, vì không có chủ chăn: các chủ chăn của Ta không lo lắng cho đoàn chiên Ta, nhưng chúng chỉ nuôi chính bản thân, mà không chăn nuôi các chiên Ta, vì thế, hỡi các chủ chăn, hãy nghe lời Chúa: Chúa là Thiên Chúa phán như thế này: Ðây chính Ta sẽ đến với các chủ chăn, đòi lại đoàn chiên khỏi tay chúng, và sẽ không cho chúng chăn nuôi đoàn chiên nữa, các chủ chăn không còn nuôi chính bản thân nữa. Ta sẽ giải thoát đoàn chiên Ta khỏi miệng chúng, và đoàn chiên sẽ không còn làm mồi ngon cho chúng nữa.
Vì Chúa là Thiên Chúa phán như thế này: Ðây chính Ta sẽ tìm kiếm các chiên Ta, và Ta sẽ thăm viếng chúng.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, người lo bồi dưỡng. – Ðáp.
Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. – Ðáp.
Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. – Ðáp.
Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư, cho tới thời gian rất ư lâu dài. – Ðáp.
Tin mừng: Mt 20, 1-16a
1 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. 2 Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.
3 “Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, 4 ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng’. 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.
6 “Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: ‘Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?’ 7 Họ thưa rằng: ‘Vì không có ai thuê chúng tôi’. Ông bảo họ rằng: ‘Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta’.
8 “Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: ‘Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết’. 9 Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. 10 Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. 11 Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: 12 ‘Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?’ 13 Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: ‘Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? 14 Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, 15 nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?’
16 “Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.
Bài giảng của linh mục Giuse Bùi Công Trác
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Thiên Chúa đối xử với mọi người bằng tình thương. Đó là đức công minh của Ngài. Thái độ kể công làm ta không thể nhận ra tình thương phổ quát của Chúa đối với mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tiêu chuẩn của người đời chúng con là “ăn cho đều, kêu cho sòng”, nên con hiểu và thông cảm thái độ khó chịu, cằn nhằn, của anh thợ làm việc vất vả suốt ngày.
Đôi khi con cũng hay phân bì cả với Chúa nữa. Có người suốt đời sống xa Chúa, thế mà trước giờ chết ăn năn trở lại, thì được Chúa đón về thiên đàng. Con phân bì vì nghĩ rằng mình bị thiệt thòi, nghĩ rằng mình đã vất vả giữ đạo từ bé cũng chẳng hơn gì.
Lạy Chúa, con đã muốn Chúa cư xử với mọi người một cách sòng phẳng, nhưng Chúa không muốn cư xử như vậy. Chúa không muốn con nghĩ về Chúa như vậy. Chúa không phải là ông chủ tính sổ trên sức lao động của người khác, Chúa cũng không nhìn chúng con như một người lao công. Chúa đã cư xử với mọi người chúng con bằng tình thương, bằng tấm lòng quảng đại. Tất cả đều là hồng ân, tất cả đều là tình thương, tất cả chỉ vì lợi ích cho chúng con. Chúa chỉ cần thiện chí của chúng con. Đó là tiêu chuẩn hành động của Chúa, đó là tấm lòng Chúa dành cho con. Bởi vì con làm việc từ sáng sớm, vất vả suốt ngày, cũng không xứng đáng lãnh nhận một đồng tiền công. Và nếu con chỉ được làm việc vào giờ cuối cùng, con cũng không được thất vọng, nhưng vẫn hy vọng vào lòng nhân hậu của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình thương nhân hậu của Chúa để cuộc sống của con tỏ hiện tình thương đối với mọi người. Xin giúp con sống với nhau đừng theo kiểu tính toán chi ly hơn thiệt, nhưng theo kiểu quảng đại của Chúa. Amen.
Ghi nhớ:“Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Điểm nhấn mạnh của dụ ngôn những người thợ làm vườn nho này là 2 lối suy nghĩ khác nhau về cách trả lương của ông chủ:
– Lối suy nghĩ của một số người thợ làm việc nhiều giờ: làm nhiều thì phải được trả công nhiều.
– Lối suy nghĩ của ông chủ: Ông trả công vì thương (nhưng không hại đức công bình), cho nên kẻ làm ít giờ cũng được trả nhiều bằng kẻ làm suốt ngày.
Hai cách suy nghĩ trên phản ánh hai quan niệm khác nhau của người Do Thái và của Chúa Giêsu:
– Người Do Thái làm việc đạo đức để tính công với Chúa. Họ nghĩ, họ làm nhiều thì Chúa phải ban ơn cho họ càng nhiều.
– Đối với Chúa Giêsu: Thiên Chúa ban ơn cho ta không phải vì công lao của ta mà vì tình thương của Ngài.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Lý lẽ của tình thương nhiều khi không công bằng với lý lẽ của công bằng. Trong gia đình, cha mẹ lo cho con cái không phải vì lý lẽ công bằng, theo đúng công lao của chúng nhưng theo lý lẽ tình thương. Có thể một đứa con bệnh tật yếu đuối chẳng làm gì được cho gia đình nhưng lại được chăm sóc nhiều hơn. Nếu cha mẹ trong gia đình lại cư xử với con cái theo lý lẽ công bằng thì không biết con cái sẽ ra sao ?
Chúa cũng cư xử với chúng tôi như thế. Nếu Chúa xử theo công bằng thì không biết chúng ta sẽ ra sao ?
2. Nếu tôi là người thợ làm từ giờ thứ nhất, thì tôi không nên ganh tỵ với người làm từ giờ thứ 11 (những người bên lương trở lại, những người hấp hối mới ăn năn tội). Trái lại tôi phải nghĩ rằng mình hạnh phúc hơn họ vì đã được biết Chúa, ở với Chúa và làm việc cho Chúa lâu hơn họ.
3. Mỗi khi tôi bị cám dỗ viện lẽ công bình để ganh tỵ với người khác, tôi hãy nghĩ đến câu Thánh vịnh “Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được!” Nhờ Chúa cư xử bằng tình thương chứ không theo công bình mà tôi mới có thể đứng vững. Tôi không phải xin Chúa giúp tôi cư xử với mọi người theo lẽ công bình, nhưng vươn tới tình thương.
4. Một người Do Thái nọ qua đời. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ xác nhận người đó chết theo đúng nghĩa y học, và cấp giấy chứng nhận để chôn cất. Giữa lúc hạ huyệt người ta đã nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, người ta rất đỗi ngạc nhiên khi thấy kẻ chết sống lại. Thế nhưng vị chủ trì nói với kẻ chết như sau: “Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay đang chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của bác sĩ, ông quả thực là người chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của bác sĩ.” Nói xong ông truyền đóng nắp quan tài và tiếp tục chôn.
Câu chuyện trên đây có lẽ muốn chế diễu tính máy móc, cứng nhắc của nhiều người khi tuân giữ các luật lệ tôn giáo cũng như khi cư xử với nhau. (Mỗi ngày một tin vui)
5. “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao ?” (Mt 20,12)
Trời quá oi bức, cái quạt bàn trong nhà thờ hôm nay lại trục trặc rồi. Nó vẫn quạt mát nhưng lại đứng lì một chỗ không quay xung quanh được.
Một người lên xoay nó về phí mình. Chưa đầy hai phút một người khác lại lên và tiếp tục xoay nó. Thế rồi một lúc sau một người khác lại chạy lên. Bây giờ tiếng xầm xì nổi lên và người ta bắt đầu tranh chấp. Bỗng một người phía dưới lên tiếng: “Tốt hơn hãy tắt cái quạt máy đi!” và họ chỉ yên lặng sau khi quạt máy tắt hẳn.
Tôi suy nghĩ và tự hỏi: Tại sao đến với Chúa mà người ta vẫn còn chanh chấp ganh tỵ ? Nhưng dường như cuộc sống con người thường như vậy. Khi tính ích kỷ đã lấn át, cái tôi ngự trị, người ta chỉ còn nghĩ đến mình, thu vén mọi lợi ích cho mình và quên đi mọi nhu cầu của tha nhân.
Lạy Chúa, tình yêu Chúa vượt qua mọi tính toán, xin cho con có một tình yêu như Ngài, để con không dừng lại ở quyền lợi, nhưng dừng lại ở chính con người để biết yêu thương. (Hosanna)
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Dụ ngôn thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16a)
- Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm đi mướn người làm vườn nho mình. Ông định cho họ mỗi ngày một quan tiền. Và họ làm việc. Đến 9 giờ và đến trưa ông thấy còn có người ở không, nên cũng gọi họ vào làm. Chiều đến, ông phát lương cho họ: mấy người vào làm sau hết được lãnh mỗi người một quan tiền. Thấy vậy, những người vào làm trước hết tưởng mình sẽ được lãnh nhiều hơn, nhưng rốt cuộc họ cũng chỉ lành được một quan tiền, nên họ phàn nàn trách móc ông chủ bất công. Ông liền nói với họ: các anh đã đồng ý giá mỗi ngày một quan tiền, tôi đã trả đủ cho các anh. Còn những người vào làm sau, tôi cũng cho bằng các anh là tuỳ lòng tốt của tôi.
- Ý nghĩa dụ ngôn
Trước hết, dụ ngôn muốn nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa (ông chủ) đối với dân ngoại, những kẻ được gọi vào Hội thánh (vườn nho) vào giờ sau hết (17 giờ). Đối với những người này Thiên Chúa cũng ban cho họ mọi quyền lợi và đặc ân như người Do thái, những kẻ đã được gọi từ đầu (họ được thuê từ sáng).
Cách đối xử khoan dung và quảng đại này làm cho những người Do thái bực bội, vì họ tưởng bị thiệt thòi, thua kém dân ngoại. Được chọn trước dân ngoại, người Do thái đã tưởng rằng Thiên Chúa phải mắc nợ họ. Những thái độ của những người cằn nhằn ông chủ, cũng giống như thái độ của người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện.
Chuyện này còn ngụ ý rằng Thiên Chúa làm gì cho ai, cũng là bởi tình thương mà thôi: “Tôi muốn cho người vào làm sau chót được bằng bạn…”, người ta phải tôn trọng trong cách xử sự của Người: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền được tuỳ ý sử dụng của cải tôi sao ?” Kẻ không chấp nhận việc người tỏ tình thương như thế, kẻ ấy mắc tội ghen tỵ. Khi người ta đặt nặng các ơn ban hơn là tình yêu ban ơn, cũng là hơn chính Đấng thương yêu, thì người ta không yêu mến mà chỉ ích kỷ thôi! (Lm. Trần Hữu Thành).
- Bao Công ngày xưa nổi tiếng là vị quan xử án công bằng, “thiết diện vô tư”, không kiêng nể người phạm tội là ai. Cho dù đó là hoàng thân quốc thích như phò mã Trần Thế Mỹ hay cháu quan thái sư Bàng Đức… ông đều xử rất công bằng, đúng người đúng tội, không thiên vị một ai. Đây là sự công bằng của con người.
Sự công bằng của Thiên Chúa thì khác. Dụ ngôn ông chủ và người làm công cho thấy rõ điều này.Trong dụ ngôn, ông chủ ám chỉ Thiên Chúa, còn những người làm công là chúng ta. Theo lối nhìn của người trần gian, những người vào làm từ sáng sớm sẽ được nhiều tiền hơn những người vào làm việc từ lúc 17 giờ. Nhưng Thiên Chúa không nhìn theo lối nhìn này.
Đối với Chúa, mọi người cần được thương yêu, chăm sóc, đều có những nhu cầu cần được đáp ứng. Vì thế, Người rộng ban cho chúng ta mọi ơn lành theo như nhu cầu chúng ta cần, chứ không theo như cộng trạng của chúng ta.
- Qua dụ ngôn người làm vườn nho chúng ta thấy rằng: Thiên Chúa không chỉ công bằng, vì Ngài đã trả công đúng như đã thoả thuận, nhưng còn rất giàu lòng yêu thương (1Ga 4,16). Ngài yêu thương và quan tâm đến con người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn. Hay nói đúng hơn, Thiên Chúa mong muốn tất cả mọi người đều làm việc trong vườn nho của Chúa, để được hưởng hạnh phúc Nước trời.
Phần chúng ta, chúng ta theo Chúa không phải vì sự thoả thuận hay được trả công nhiều hay ít. Nhưng theo Chúa là vào làm vườn nho cho Chúa, là tin tưởng vào sự công bằng và tình thương của Ngài, để rồi trong đời sống chúng ta biết cố gắng hằng ngày làm việc cho vườn nho của Chúa.
- Muốn nên giống Chúa Kitô, chúng ta phải sống theo tinh thần Tân ước, không chỉ chú ý đến công bằng mà nhất là chú ý đến bác ái. Đối với Chúa, đức công bằng chưa đủ, vì như thế chúng ta còn đang sống trong tinh thần Cựu ước, vì Cựu ước chưa được hoàn hảo. Chính vì vậy mà dụ ngôn hôm nay nhắc nhở chúng ta là phải chú trọng tới tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân. Từ nay chúng ta đừng phân bì với nhau, mà hãy để cho Chúa hành động theo ý Ngài.
- Truyện: Cha Sở và Cha Phó
Tại một xứ đạo kia số dân khá đông, có cha Sở và Cha Phó. Một số giáo dân, vì cuộc sống bác ái chưa trưởng thành, nên có hai nhóm xung khắc nhau. Một nhóm quí Cha Sở, nhóm kia quí Cha Phó, vì ngài còn trẻ và năng nổ.
Một hôm nhóm ủng hộ Cha Sở đến trao đổi tâm tình với ngài:
– Thưa cha, cha ở đây đã lâu năm, công dày, đức cao, sao cha để Cha Phó thay đổi nề nếp giáo xứ minh, bỏ đi công lao cha xây dựng ? Và đám thanh niên cùng một số lớn giáo dân có vẻ nghiêng cảm tình về Cha Phó. Xin cha ngăn cản đi.
Cha Sở bình tĩnh trả lời:
– Giữa tôi và Cha Phó ai vất vả hơn ?
– Cha Phó.
Cha Sở chậm rãi nói tiếp:
– Ngài còn trẻ, còn có sức hoạt động, phải dấn thân nhiều, và Chúa cũng lo liệu và trợ giúp ngài bằng cách cho những tâm hồn biết thông cảm, cộng tác. Đó là điều công bằng, điều tốt đẹp, sao các ông bà so bì với tôi, một người đáng lẽ đã về hưu ?
Nghe Cha Sở nói sai tần số với mình, nhóm kia chống chế:
– Cha cũng đã từng hoạt động dấn thân, có khi còn hơn cả Cha Phó bây giờ.
Cha Sở nói tiếp:
– Và tôi cũng đã được người ta quí mến, ủng hộ. Và biết đâu còn hơn Cha Phó. Vì bây giờ Cha Phó vẫn còn một số người thiếu thông cảm, muốn hạ thấp.
Đám người kia ra về, họ cảm phục Cha Sở “đức cao” và cảm thấy tâm hồn, cõi lòng mình sao nhỏ nhen, trần thế quá! Từ đó nạn “bè phái” bớt nhiều.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Vườn nho là hình ảnh thân thương đối với dân Do Thái. Chủ đề vườn nho là một trong những chủ đề phong phú nhất của cả Cựu ước, thường được liên kết với chủ đề tình yêu và vườn nho trở nên biểu tượng của “Dân Thiên Chúa” (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78,9-16).
Ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh vườn nho được chăm sóc để làm nổi bật Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc dân “tuyển chọn” rất ân cần chu đáo qua nhân vật chủ vườn nho: “Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5,2a). Người chủ quý vườn nho đến nỗi anh có thể làm tất cả cho sự trù phú của nho: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm ?” (Is 5,4). Với sự chăm sóc ân cần cho vườn nho – dân tuyển chọn của Thiên Chúa, người chủ vườn mong những cây nho thân yêu của mình sinh ra những trái nho ngon ngọt…
Suy niệm
Theo ý nghĩa của Kinh Thánh, vườn nho là nơi hạnh phúc, nơi Giao ước với Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta bước vào như Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy đi vào vườn nho của tôi… Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (x. Mt 25:21-23).
Chúa Giêsu là ông chủ vườn nho, Ngài gọi mọi người đi làm vườn nho cho Ngài vào giờ thứ ba, thứ sáu, thứ chín và thứ mười một. Người Do Thái khi xưa chia một ngày ra tám phần, bốn phần cho ban đêm gọi là canh, và bốn phần cho ban ngày gọi là giờ – giờ thứ nhất, giờ thứ ba, thứ sáu và thứ chín. Với thời gian hôm nay giờ thứ nhất bắt đầu vào rạng đông tức khoảng 6 giờ sáng, giờ thứ ba tương ứng với 9 giờ, giờ thứ sáu là 12 giờ trưa, giờ thứ chín tức 15 giờ và giờ thứ mười một tương đương lúc 17 giờ và ngày làm việc chấm dứt lúc giờ thứ mười hai tức là 18 giờ.
Giờ thứ mười hai là giờ chủ trả công cho mọi người một đồng, một đồng là một số lương với giá trị tối thiểu cho một gia đình sống qua ngày. Chờ đến giờ thứ mười một là những người rất khao khát và cần làm việc kiếm tiền nuôi gia đình. Tất cả đều được trả công một đồng. Người làm sớm cằn nhằn, lẩm bẩm vì ông chủ trả hậu hĩ cho người mới làm một tiếng cũng được một đồng. Bản văn Hy Lạp dùng một chữ có nghĩa chính xác: “Họ lẩm bẩm”. Đó là từ ngữ trong Kinh Thánh nói về những tiếng lẩm bẩm, cằn nhằn của dân Israel trong sa mạc (x. Xh 16,9; Tv l06,25). Những kẻ lẩm bẩm, cằn nhằn ấy trong Tân ước thường thấy nơi các kinh sư và biệt phái, họ không ngừng lẩm bẩm chống lại Đức Giêsu khi Người tiếp đón những “kẻ thu thuế, kẻ tội lỗi và gái điếm” (x. Mt 9,11; Mc 2,16).
Qua dụ ngôn “làm vườn nho”, Đức Giêsu mời chúng ta thay đổi cái nhìn về Thiên Chúa. Ngài công bình, nhưng không cứng nhắc trong luật lệ. Ngài còn là Thiên Chúa của tình yêu (x. 1Ga 4,16), Thiên Chúa của người trộm lành (x. Lc 23,41-43). Qua đó chứng thực sấm ngôn của Isaia: Tư tưởng của Chúa khác hẳn tư tưởng của con người (x. Is 55,8-9). Cách cư xử của nước Trời khác hẳn cách cư xử của nước trần gian. Lý luận của Chúa khác hẳn lý luận của người đời. Ngài không trọng sang khinh hèn, nhưng yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, bị bỏ rơi trong xã hội. Ngài không dùng lý lẽ của lý trí nhưng dùng lý lẽ của con tim luôn yêu thương, luôn mong muốn hạnh phúc cho mọi người.
Phần chúng ta, theo Chúa không cần một sự thỏa thuận được thua hơn kém, theo Chúa là vào làm việc cho vườn nho của Ngài là tin tưởng vào sự công bình và quảng đại của chủ vườn nho. Tình thương của Thiên Chúa khiến chúng ta nhớ đến người trộm lành trên đồi Canvê là người được gọi làm vườn nho vào giờ thứ mười một của nước Thiên Chúa, anh chỉ tín thác “khi về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”, trong khi đó bạn anh lên tiếng trước “…” đòi hỏi thỏa thuận “nếu … thì” (x. Lc 23,39-43).
Ước gì con sẽ “không lẩm bẩm” với Chúa, con cũng chẳng “hãnh diện so sánh hơn thiệt” với anh em. Đi vào vườn nho Giáo hội, con không đặt điều kiện đòi hỏi nơi Ngài mình sẽ được gì, nhưng luôn tin và tín thác vào Ngài và cố gắng làm vườn nho.
Ý lực sống
“Người ta được nên công chính vì tin…” (Rm 3,30).
Tin tức liên quan khác
Gặp gỡ Đức Kitô
Bổ nhiệm Giám quản Tông tòa giáo phận Nha Trang
Các nữ tu biết ơn Đức Thánh Cha về quyền bỏ phiếu của nữ tu tại Thượng Hội đồng
Thứ Năm tuần 29 Thường niên năm I – Ước mong (Lc 12,49-53)
Đức Tin là tất cả
Chuyến tông du khó quên của vị Giáo Hoàng truyền giáo đến tận cùng Thế Giới
Thứ Bảy tuần 6 Phục sinh – Niềm vui trọn vẹn (Ga 16,23-28)
Diễn văn của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ đại diện của một số trung tâm trợ giúp và bác ái