“Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt,
tôi phải tiếp tục đi”.
(Lc 13,33)
BÀI ĐỌC I (năm II): Ep 6, 10-20
“Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa để có thể đứng vững”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, về tương lai, anh em hãy can đảm trong Chúa, và trong quyền năng sức mạnh của Người. Anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để anh em có thể chống lại được với những mưu chước ma quỷ. Bởi vì chúng ta không những chiến đấu với huyết nhục, mà còn chiến đấu với kẻ chấp chính và quyền thế, với kẻ cai quản thế giới u minh này, và những ác thần trên không gian. Bởi đó, anh em hãy mặc lấy mã giáp của Thiên Chúa, để có thể kháng cự được trong ngày đen tối, và đứng vững sau khi bình định được tất cả. Vậy anh em hãy đứng vững, thắt đai lưng chân lý, mặc áo giáp công chính, và chân mang giày để sẵn sàng truyền bá Tin Mừng hoà bình. Anh em hãy luôn luôn mang khiên thuẫn đức tin, nhờ đó anh em dập tắt được mọi tên lửa kẻ cực ác. Anh em hãy nhận lấy mũ chiến cứu độ và cầm gươm của Thánh Thần, (tức là lời của Thiên Chúa).
Bằng mọi lời cầu xin và khẩn nguyện, anh em hãy nguyện cầu mọi lúc trong Thánh Thần. Hãy tỉnh thức ân cần lo việc đó, và cũng hãy cầu nguyện cho tất cả các thánh. Hãy cầu nguyện cho cả tôi nữa, để tôi được lợi khẩu khi mở miệng, và can đảm rao giảng mầu nhiệm Tin Mừng mà tôi là sứ giả ngay trong lúc phải mang xiềng xích, hầu khi rao giảng, tôi mạnh dạn nói năng như tôi phải nói.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 143, 1. 2. 9-10
Ðáp: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! (c. 1a).
Xướng: Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa, là Ðấng rèn luyện cho tay con biết đấu tranh, cho các ngón tay con thiện nghề chinh chiến.
Xướng: Chúa là Tình thương và là chiến luỹ, là Ðấng phù trợ và giải phóng con, Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu. Ngài bắt chư dân phải khuất phục con.
Xướng: Ôi Thiên Chúa, con sẽ ca mừng Ngài bài ca mới, với cây đàn mười dây con sẽ ca mừng Ngài, vì Ngài đã ban cho các vua chiến thắng, đã giải phóng Ðavít là tôi tớ của Ngài.
Tin mừng: Lc 13,31-35
31 Một hôm, tại Giê-ru-sa-lem, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!” 32 Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. 33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.’
34 “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. 35 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu yêu thương con người đến nỗi cho dù con người phản nghịch chống lại Ngài, Ngài vẫn tha thiết yêu thương như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để rao giảng về Nước Thiên Chúa cho con người. Nhưng phũ phàng thay, có biết bao nhiêu người đã bịt tai giả điếc làm ngơ trước Lời của Chúa. Thậm chí có người tìm cách triệt hạ Chúa như một Hêrôđê, như thành Giêrusalem, nơi bao ngôn sứ bị giết hại, và như chính con khi đã bao lần sã ngã phạm tội.
Lạy Chúa, thế mà Chúa vẫn tha thiết yêu thương và kiên nhẫn mời gọi con trở về sống trong ân tình của Chúa. Chúa sẵn sàng quên đi bao lỗi lầm thiếu sót của con, và Chúa chỉ muốn một điều là được bảo vệ con trong vòng tay yêu thương của Chúa.
Ôi lạy Chúa, xin cho con luôn cảm nhận được tình yêu bao la đó, để con yêu mến Chúa nhiều hơn, và để từ nay, con sẽ quyết tâm xa lìa con đường tội lỗi. Trong những khi gặp gian nan thử thách, hay những lúc yếu đuối tuyệt vọng, xin cho con biết tìm đến Chúa như nguồn sức mạnh đỡ nâng, như nơi trú ẩn an toàn. Lạy Chúa, con biết rằng Chúa yêu thương con như gà mẹ ủ ấp gà con dưới cánh. Xin đừng bao giờ để con trở thành kẻ bạc nghĩa vong ân phản nghịch chống lại Chúa, nhưng xin cho con luôn là người con chí hiếu, luôn biết vâng phục Thánh Ý Chúa trong suốt cuộc đời. Amen.
Ghi nhớ:“Không lẽ một tiên tri phải giết chết ngoài thành Giêrusalem ?”
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Bối cảnh của đoạn này là có một số người báo tin cho Chúa Giêsu hay Hêrôđê muốn giết Ngài và khuyên Ngài hãy trốn đi nơi khác.
Đoạn này gồm hai ý:
1. Cảm nghĩ của Chúa Giêsu về cái chết sắp tới (cc. 31-33): lời khuyên Ngài trốn đi có vẻ khôn ngoan theo sự tính toán của người đời, bởi vì Hêrôđê là một tên gian hùng, dám khử trừ bất cứ ai mà ông không thích. Tuy nhiên Chúa Giêsu không theo sự khôn ngoan của thế gian, Ngài theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài biết việc đi lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết là kế hoạch của Thiên Chúa mà Ngài “phải” thực hiện cho xong.
- Dù Hêrôđê có mưu đồ gì đi nữa, Chúa Giêsu vẫn xem đó là chuyện thường. Do đó, Ngài gọi ông là “con cáo”. Kiểu nói này đối với người Do Thái hàm ý coi thường (nếu hàm ý nể sợ, người ta sẽ gọi là “con sư tử”).
- Sở dĩ Chúa Giêsu coi thường là vì Ngài biết Hêrôđê chẳng thể làm gì được Ngài trước khi thời gian dành cho sứ mạng của Ngài kết thúc. Bởi đó, Ngài nói: “Hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi”. Kiểu nói này chỉ một thời gian ngắn, nên không được hiểu chính xác theo số học.
- “Ngày thứ ba, tôi hoàn tất”: “Hoàn tất” vừa có nghĩa thời gian là kết thúc, vừa có nghĩa sự nghiệp là đã đạt mục đích. Chúa Giêsu chắc chắn sự nghiệp Ngài sẽ hoàn thành trong một thời gian ngắn nữa, không ai và không gì ngăn cản được.
2. Lời Chúa Giêsu nhắn gởi dân thành Giêrusalem trước viễn tượng Ngài sắp chết (cc. 34-35): Chúa Giêsu đặt đối chọi nhau 2 điều hiển nhiên: Đã bao lần Ngài (và xưa kia là các sứ giả của Thiên Chúa) cố gắng tập họp họ lại như gà mẹ tập họp gà con, hầu che chở họ khỏi tai họa là cuộc phán xét của Thiên Chúa về các tội lỗi của họ. Nhưng, xưa cũng như nay, không bao giờ họ chịu nghe lời Ngài (và lời các ngôn sứ), trái lại còn bách hại và giết chết các ngôn sứ, cũng như sắp giết chết Ngài. Vì thế, số phận của họ là sẽ bị Thiên Chúa bỏ mặc.
B- Suy gẫm (… nẩy mầm)
1. Chúa Giêsu đã tỏ ra bình thản trước việc Hêrôđê đang tìm cách sát hại Ngài. Sở dĩ Ngài bình thản được như thế là vì Ngài luôn trung thành tuyệt đối với ý định của Thiên Chúa. Thật vậy, cả cuộc đời Ngài là một tiếng xin vâng đối với thánh ý Thiên Chúa. Do đó, một khi biết rằng có một hiến lễ phải hoàn tất và hiến lễ ấy nằm trong chương trình của Thiên Chúa thì không gì phải làm cho Ngài bận tâm, ngoài việc chu toàn công việc được giao phó… Xin cho chúng ta biết sống trọn giây phút hiện tại, nhờ đó chúng ta an tâm và sẵn sàng bất cứ lúc nào Chúa đến gọi chúng ta. (Trích: Mỗi ngày một tin vui)
2. Hãy sống như sắp chết, để có thể bình an, chết như bước vào cõi sống.
3. Một tu sĩ nọ được giao nhiệm vụ may vá. Ngày kia, Thầy ngã bệnh nặng. Trong lúc hấp hối, Thầy nói “Hãy đưa cho tôi chìa khóa thiên đàng”. Những người quanh giường bệnh bối rối nhìn nhau không hiểu Thầy muốn gì. Nhưng một người hiểu ý đưa cây kim cho Thầy. Tu sĩ ấy mỉm cười hài lòng. Cây kim mà Thầy dùng mỗi ngày để may vá cho mọi người trong cộng đoàn chính là chìa khóa mở cửa thiên đàng cho Thầy. (Drinkwater)
4. Có Mấy người Pharisêu đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!” Người bảo họ, các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.” (Lc 13,31-32)
Một lần Thánh Gioan Boscô hỏi các học sinh của Ngài đang chơi đùa: “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì ?” Một số trả lời sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số khác cho biết sẽ đi xưng tội dọn mình chết lành. Riêng Đaminh Savio điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục cuộc chơi”.
Đứng trước mối đe dọa là cái chết, Chúa Giêsu vẫn chu toàn bổn phận người làm con.
Lạy Chúa, xin cho biết sống giây phút hiện tại để chu toàn sứ mệnh người làm con. (Hosanna)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Đức Giêsu bị đe doạ giết chết (Lc 13,31-35)
- Đức Giêsu được mấy người biệt phái cho biết vua Hêrôđê muốn giết Ngài và khuyên Ngài nên lánh đi nơi khác. Lời khuyên Ngài trốn đi có vẻ khôn ngoan theo sự tính toán của người đời, bởi vì Hêrôđê là một tên gian hùng, dám khử trừ bất cứ ai mà ông không thích. Tuy nhiên, Đức Giêsu không theo sự khôn ngoan của thế gian, Ngài theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài biết việc lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết là kế hoạch của Thiên Chúa mà Ngài “phải” thực hiện cho xong.
Ngoài ra, Ngài cũng than tiếc cho Giêrusalem sẽ bị tàn phá, vì họ không chịu nghe lời rao giảng của Ngài để thống hối. Ngài đã xử với họ như gà mẹ ấp con dưới cánh, nhưng vô ích. Vì lòng chai dạ đá của họ, Thiên Chúa phải dùng bàn tay cứng rắn để sửa trị họ.
- Qua bài Tin mừng chúng ta thấy thái độ của Đức Giêsu trước cái chết gần kề. Bình thường cái chết luôn là một đe dọa đối với con người. Lo sợ căng thẳng khi cái chết là một cực hình. Là con người như chúng ta, Đức Giêsu cũng không tránh khỏi những lo âu sợ hãi trước cái chết, như Ngài đã cho thấy điều đó trong cơn hấp hối tại vườn Giệtsêmani. Tuy nhiên, trong Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã tỏ ra bình thản trước vua Hêrôđê đang tìm cách sát hại Ngài. Đức Giêsu bình thản đến độ dửng dưng và thách đố, và sở dĩ như thế là vì Ngài luôn trung thành tuyệt đối với ý định của Thiên Chúa. Thật vậy, cả cuộc đời Ngài là một tiếng xin vâng đối với thánh ý Thiên Chúa. Do đó, một khi biết rằng có một hiến lễ phải hoàn tất và hiến lễ ấy nằm trong chương trình của Thiên Chúa, thì không gì phải làm Ngài bận tâm, ngoài việc chu toàn công việc được giao phó (Mỗi ngày một tin vui).
- Tâm tình của Đức Giêsu trước viễn tượng thành Giêrusalem sẽ bị phá huỷ. Đã bao lần, xưa kia là các sứ giả của Thiên Chúa và bây giờ là Ngài, đã cố gắng tập họp họ lại như gà mẹ tập họp gà con, hầu che chở họ khỏi tai hoạ là cuộc phán xét của Thiên Chúa về các tội của họ. Nhưng, xưa cũng như nay, không bao giờ họ chịu nghe lời các tiên tri cũng như lời Ngài, trái lại, họ còn bách hại và giết chết các tiên tri, cũng như sắp giết chết Ngài. Mặc dầu biết trước như thế, nhưng Đức Giêsu vẫn thanh thản đi tới, không một điều gì có thể làm cho Ngài chùn bước. Vì giờ của Chúa Cha ấn định cho Ngài chưa tới. Có Cha thì Ngài chẳng có gì phải sợ.
- Dù cho Hêrôđê có mưu đồ gì đi nữa, Đức Giêsu vẫn coi thường. Dù sống trong bầu khí đe dọa mạng sống: do những nhà lãnh đạo Do thái thù oán, và do sự ganh tị của Hêrôđê, Đức Giêsu vẫn tiếp tục sứ mạng cứu thế của Ngài, bằng những công việc trừ quỷ, chữa bệnh và rao giảng. Đức Giêsu nêu gương cho các Kitô hữu chúng ta: dù sống trong hoàn cảnh nào: khó khăn hay thuận tiện, chúng ta đều phải ra công làm việc cho phần rỗi của mình và của tha nhân.
- Những người biệt phái trong Tin mừng hôm nay có cảm tình với Đức Giêsu, nên khi biết tin Hêrôđê muốn bắt Chúa, họ đã trình bày với Chúa và hiến kế giúp Ngài. Thế nhưng, thái độ Đức Giêsu rất cương quyết, Ngài không vì những đe dọa của thế quyền mà làm trì trệ thánh ý Chúa Cha. Ngài đã không để những đau khổ của con người qua đến ngày mai, nên nhiều lần Ngài đã chữa bệnh trong ngày Sabat. Trên Thập giá, thân xác đau đớn vì đòn roi, nhưng Đức Giêsu vẫn một lòng thực hiện thánh ý yêu thương và tha thứ của Chúa Cha cho tên trộm lành, cho những người đóng đinh Ngài và cho toàn thể nhân loại (5 phút Lời Chúa).
- Cuộc sống là một ân huệ, nhưng cũng là một sứ mạng. Cũng như Đức Giêsu, con người phải nói lên ý muốn của Đấng đã sai phái họ và làm cho sứ mạng của họ được hoàn tất. Chỉ khác một điều là Đức Giêsu biết lúc nào sứ mạng của Ngài hoàn tất, còn con người thì không. Nhưng dù được gọi bất cứ lúc nào, con người vẫn có thể bình tĩnh, vì biết rằng mình đang lo chu toàn sứ mạng được giao phó. Xin Chúa cho chúng ta biết sống trọn từng giây phút hiện tại, nhờ đó chúng ta có thể an tâm và sẵn sàng bất cứ lúc nào Chúa đến gọi chúng ta.
- Truyện: Con vẫn tiếp tục chơi
Một lần kia, thánh Gioan Boscô hỏi các học sinh của ngài đang chơi đùa: “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì ?” Một số trả lời sẽ đi vào nhà thờ cầu nguyện, một số khác cho biết sẽ đi xưng tội dọn mình chết lành. Riêng Đaminh Saviô điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con sẽ chết, con vẫn tiếp tục chơi”.
Vâng, đó là thái độ của những con người luôn biết sống theo thánh ý của Thiên Chúa, rồi thì không có gì có thể làm cho họ phải sợ và cũng chẳng có gì làm cho họ chùn bước trước những khó khăn trên đời.
4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một diễn giả thuyết trình cho các bậc phụ huynh về thái độ phải luôn thông cảm với con cái, nhất là khi chúng còn nhỏ. Diễn giả vừa dứt lời, thì có một người mẹ phát biểu ý kiến: “Trong bài thuyết trình, ông đã nhiều lần nhắc đến những sai sót của cha mẹ không đủ kiên nhẫn để tỏ ra thông cảm với con cái. Phần tôi thì có kinh nghiệm ngược lại: tôi luôn luôn tìm cách thông cảm với con cái, nhưng chẳng những chúng không nghe lời tôi, mà còn chống lại tôi. Xin ông vui lòng cho chúng tôi biết phải làm gì nữa để con cái nghe lời chúng tôi”.
Kinh nghiệm của người mẹ trên đây có thể giúp chúng ta hiểu thêm phần nào tâm tình của Chúa Giêsu đối với người Do Thái và, đối với thành Giêrusalem như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Ðó là tâm tình yêu thương của Chúa trước sự khước từ của dân Chúa. Tác giả Gioan đã đưa ra nhận định chung về cuộc đời của Chúa Giêsu: “Ngài đã đến nơi nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Con người là tạo vật của Thiên Chúa, nhưng lại có quyền tự do từ chối Ngài, đó là cái bi thảm của cuộc đời (Theo Mỗi Ngày Một Tin Vui của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu).
Suy niệm
Chúa Giêsu đang tiến về Giêrusalem để thực hiện thánh ý của Chúa Cha: Cuộc Vượt Qua Thương Khó đem ơn cứu rỗi cho mọi người. Lời rao giảng chân lý, sự thật làm cho những kẻ không muốn lãnh nhận chống đối Chúa mỗi lúc một gia tăng, nhất là những kẻ Ngài chỉ trích sự giả hình, cứng tin là người biệt phái, luật sĩ, tư tế trong dân, đang tìm cách loại trừ Chúa. Cả vua Hêrôđê Antipas, người bất chấp chân lý ra lệnh chặt đầu Gioan Tẩy giả, cũng không ưa thích gì Ngài, Đấng rao giảng công lý và sự thật làm cho nhà vua không vừa lòng. Người pharisiêu báo tin cho Đức Giêsu về việc Hêrôđê muốn giết Ngài (x. Lc 13,31) vì Chúa Giêsu lúc đó đang có mặt trên phần đất thuộc thẩm quyền của vua. Họ khuyên Ngài nên ra khỏi vùng đất dưới quyền của Hêrôđê. Nhưng Đức Giêsu không sợ hãi gì, Ngài gọi Hêrôđê là con cáo, một con vật biểu tượng sự ranh mãnh quỷ quyệt (x. Lc 13,32). Sự đe dọa của ông ta không làm Ngài chùn bước. Ngài vẫn thi hành sứ mạng thi ân cho người khổ đau hàng ngày như trừ quỷ và chữa bệnh… Ngài khẳng định: “Tôi phải tiếp tục đi” (Lc 13,33). Ngài vẫn tiếp tục lên đường hướng tới Giêrusalem, nơi nhiều ngôn sứ đã chịu bách hại và cũng là nơi cái chết đang chờ đợi Ngài, Giêrusalem nơi hoàn thành sứ mạng Đấng Cứu Thế.
Giêrusalem là nơi đáng sợ, nhưng cũng là nơi đáng thương khi nhìn trong viễn cảnh Giêrusalem sẽ bị tàn phá, Ðức Giêsu cảm thương dân chúng, Ngài buồn, Ngài than! Ðức Giêsu đau lòng khi thấy họ khổ. Vì lòng chai cứng của họ chối từ Con Thiên Chúa, nên tai hoạ đã giáng xuống trên họ. Thành Giêrusalem bị huỷ, dân chúng lầm than, Ngài đau lòng biết bao, vì Ngài thương họ như gà mẹ ủ con dưới cánh.
Lời tiên báo của Chúa Giêsu cũng hé mở cho chúng ta thấy viễn tượng hy vọng: “Các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa, cho đến lúc các ngươi nói: chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa”. Lời tiên tri về cuộc khải hoàn của Ngài vào thành Giêrusalem, cũng là lời loan báo cuộc chiến thắng cuối cùng của Ngài vào thời cánh chung, vì Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.
Hôm nay, chúng con cũng như dân Do Thái năm xưa: Chúng con đã đón nhận biết bao ơn lành của Chúa nhưng chúng con vô ơn, sống bất xứng và cứng lòng cố chấp. Xin Chúa sửa dạy chúng con. Xin cho chúng con sớm nhận ra tình yêu của Chúa. Xin đừng để chúng con cứ mãi chai lì, khiến Chúa phải đau lòng.
Ý lực sống
“Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa”
(Tv 109,26)
Tin tức liên quan khác
Thứ Bảy tuần 29 Thường niên năm II – Thay đổi cái nhìn (Lc 13,1-9)
Thứ Năm tuần 29 Thường niên năm I – Ước mong (Lc 12,49-53)
Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023: Hiệp hành trong hành động
Để truyền đạt sự thật hiệu quả hơn trong tình yêu thương
Thứ Năm tuần 2 mùa Chay (Lc 16,19-31)
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Hội nghị chuyên đề về Chăm sóc giảm nhẹ, năm 2024
Thứ Ba tuần 4 mùa Chay (Ga 5,1-3a.5-16)
Ba Ngôi Thiên Chúa, khác biệt nhưng hiệp nhất