Với số đông đảo các vị thánh được tuyên phong ngay trong năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng, Đức Phanxicô đã vượt qua tất cả các vị tiền nhiệm của ngài trong việc công nhận những vị thánh mới.
Vào Chủ Nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024, Đức Giáo hoàng Phanxicô cử hành lễ phong thánh cho 14 chân phước. Trong đó có 11 vị tử đạo bị sát hại ở Syria vào thế kỷ 19, cùng với hai nữ tu và một linh mục, cả ba vị đều là những người sáng lập ra các dòng tu. Với lễ tuyên phong này, được cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô lúc 10:30 sáng, số các vị thánh được Đức Phanxicô tuyên phong sẽ tăng lên 926, một kỷ lục trong Giáo hội Công giáo.
Bắt đầu với hơn 800 vị tử đạo người Ý
Trong năm đầu của triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành vị giáo hoàng công nhận nhiều vị thánh nhất. Trong khi Đức Gioan Phaolô II đã thêm 483 vị vào danh sách các thánh trong gần 27 năm triều đại giáo hoàng của ngài, thì vị giáo hoàng người Argentina đã công bố hơn 800 vị trong Lễ phong thánh đầu tiên của ngài được cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô vào tháng 5 năm 2013, hai tháng sau khi ngài được bầu lên Ngai tòa Thánh Phêrô.
Nhóm những vị đặc biệt này – là những người mà Đức Benedict XVI đã chính thức chấp thuận vào ngày ngài tuyên bố thoái vị ngày 11 tháng 2 năm 2013 – bao gồm 813 vị tử đạo người Ý ở Otranto, bị người Thổ Nhĩ Kỳ thảm sát năm 1480.
Cùng năm đó, Đức Phanxicô đã thực hiện hai lễ phong thánh khác được gọi là “hữu hiệu tương đương”: nhà thần bí người Ý Angela thành Foligno và tu sĩ Dòng Tên người Pháp Pierre Favre đã trở thành thánh sau một sắc lệnh giáo hoàng được công bố, mà không cần có một buổi lễ phong thánh. Đức Giáo hoàng người Argentina đã dùng tiến trình đặc biệt này trong nhiều dịp.
Trái ngược với những gì nhiều người tin tưởng, danh sách các vị thánh mới không nhất thiết liên quan đến sự lựa chọn cá nhân của giáo hoàng. Chắc chắn, quyền công bố các sắc lệnh nằm trong thẩm quyền của giáo hoàng. Tuy nhiên, việc phong chân phước và phong thánh là kết quả của một quá trình rất dài, có thể mất vài thập kỷ hoặc thậm chí nhiều thế kỷ.
Ví dụ, Cha Charles de Foucauld người Pháp đã được phong thánh vào năm 2022 và Đức Thánh Cha Phanxicô có lòng sùng kính đặc biệt với ngài, nhưng án phong thánh của Cha được mở vào năm 1926. Đức Gioan Phaolô II đã ký sắc lệnh công nhận các nhân đức anh dũng của Cha Charles de Foucauld vào năm 2001, và Đức Benedict XVI đã tuyên phong chân phước cho ngài năm 2005.
Tổng cộng, hiện nay Bộ Phong Thánh đang duyệt xét khoảng 2.000 đến 3.000 hồ sơ.
Kể từ đại dịch COVID-19, tốc độ phong thánh đã chậm lại. Vì vậy, năm 2020 là năm đầu tiên không có lễ phong thánh trong gần 30 năm. Năm 2021, chỉ có một vị thánh mới được tuyên phong. Trong khi có 12 vị thánh mới được tôn vinh vào năm 2022 thì năm 2023 không có lễ tuyên phong thánh nào.
Phần lớn các thánh là người Ý, tiếp theo là người Brazil, người Tây Ban Nha và người Pháp
Lễ cử hành vào Chúa nhật này sẽ là lễ tuyên phong thánh thứ hai của năm 2024. Hồi tháng 2, Đức Thánh Cha đã công bố nữ tu Mama Antula (1730-1799) của Argentina là thánh – tên rửa tội của thánh nữ là Maria Antonia De Paz y Figuero. Thánh nữ là một nhân vật nổi tiếng đã mang linh đạo của đấng sáng lập Dòng Tên đến Argentina, gia đình tinh thần của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Vào Chúa nhật, 11 vị tử đạo của Syria sẽ được thêm vào danh sách các vị thánh: tám tu sĩ dòng Phanxicô — bảy người Tây Ban Nha và một người Áo — và ba giáo dân Maronite, tên Francis, Abdel Mooti và Raphaël Massabki. Những vị này bị giết vào ngày 9 và 10 tháng 7 năm 1860, tại Damascus trong cuộc nổi loạn của dân quân Druze chống lại người Kitô giáo ở Li Băng và Syria.
Những “vị chân phước” khác được phong thánh là linh mục người Ý Giuseppe Allamano (1851-1926); nữ tu người Canada Marie-Léonie Paradis (1840-1912); và nữ tu người Ý Elena Guerra (1835-1914).
Trong số các vị thánh được công bố dưới triều đại Đức Giáo hoàng Phanxicô, phần lớn là người gốc Ý, nếu chúng ta tính cả 813 vị tử đạo của Otranto. Cộng với ba vị thánh mới người Ý vào Chúa nhật này thì vị giáo hoàng người Argentina đã thêm 27 người Ý nữa vào danh sách các thánh.
Brazil, Tây Ban Nha và Pháp là những quốc gia có nhiều thánh nhất kể từ năm 2013, với lần lượt 31, 13 và 7 vị thánh mới.
Các thánh giáo hoàng
Danh sách những tên tuổi lớn được phong thánh dưới thời Đức Phanxicô bao gồm ba vị tiền nhiệm của ngài. Tháng 4 năm 2014, trước sự hiện diện của Đức Giáo hoàng danh dự Benedict XVI, Đức Phanxicô đã tuyên phong thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II, đánh dấu sự tiếp nối lịch sử giữa các vị giáo hoàng.
Đức Gioan Phaolô II cũng đã đưa ra lựa chọn tương tự vào năm 2000 khi cùng lúc phong chân phước cho Đức Piô IX và Đức Gioan XXIII.
Năm 2018, Đức Giáo hoàng người Argentina cũng đã phong thánh cho Đức Phaolô VI, vị Giáo hoàng bế mạc Công đồng Vatican II.
Những chứng nhân Công giáo vĩ đại khác đã được phong thánh kể từ khi Đức Phanxicô được bầu vào năm 2013, bao gồm Mẹ Teresa Calcutta (năm 2016), Đức Tổng Giám mục Óscar Romero (năm 2018) và Đức Hồng y John Henry Newman (năm 2019), một linh mục Anh giáo đã trở lại Công giáo.
Năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tuyên phong hai thánh Louis và Zélie Martin là thân phụ mẫu của Thánh Têrêsa thành Lisieux, đôi vợ chồng đầu tiên trong lịch sử được phong thánh cùng nhau. Hai năm sau, tại Bồ Đào Nha, Đức Giáo hoàng đã phong thánh cho Francisco và Jacinta Marto, hai trẻ mục đồng đã chứng kiến Đức Mẹ hiện ra tại Fatima một thế kỷ trước đó, và là những vị thánh không tử đạo trẻ tuổi nhất của Giáo hội.
Việc phong thánh chính thức
Vị thánh đầu tiên được tuyên phong chính thức là Thánh Ulrich xứ Augsburg. Ngài được Đức Giáo hoàng Gioan XV phong thánh năm 993. Trong thế kỷ 12, Giáo hội nhận thấy rằng chúng ta cần một hệ thống có trật tự, nên đã bắt đầu đưa ra một quy trình. Năm 1243, Đức Giáo hoàng Gregory IX tuyên bố rằng chỉ có giáo hoàng mới có thẩm quyền tuyên bố một ai đó là thánh. Những điều căn bản của quy trình đó vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.
Hãy nhớ rằng phong thánh chỉ đơn giản là sự công nhận chính thức rằng một linh hồn đang ở trên thiên đàng. Số đông đảo các thánh sẽ không bao giờ được tuyên phong, những vị này bao gồm tất cả “các vị thánh hàng xóm” — như cách Đức Thánh Cha Phanxicô gọi họ — tất cả những người đã qua đời hiện đang hưởng phúc Thiên đàng và chờ đợi và cầu nguyện để chúng ta được đoàn tụ với họ.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các linh hồn nơi luyện ngục trên con đường trở nên thánh trên thiên đàng!
Tri Khoan
Chuyển ngữ từ: https://aleteia.org (16/10/2024)
Tin tức liên quan khác
Vatican tổ chức khám bệnh miễn phí cho người nghèo nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII
Thứ Tư tuần 25 Thường niên năm I (Lc 9,1-6)
ĐTC tiếp các phái đoàn tặng hang đá và cây thông Giáng Sinh 2023
5 cách để nhận ra Thiên Chúa đang hành động trong cuộc đời chúng ta
TRỰC TIẾP: Diễn Nguyện Mừng Khánh Thành Và Cung Hiến Thánh Đường Giáo Xứ Tam Tòa
Vẻ rực rỡ của những suy tư về Thiên Chúa
Chúa nhật 29 Thường niên năm B (Mc 10,35-45)
Iran: Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn với các nạn nhân vụ nổ ở Kerman