Xuân Bích Việt Nam (24/11/2024) – Trong bài phát biểu vào thứ Bảy 23/11/2024, với các tham dự viên khóa đào tạo của Tòa Thượng thẩm Rota ở Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô tập trung vào công lý, bác ái và sự thật, cả ba “cùng đi với nhau”, bởi vì “và nếu anh chị em coi thường một điều, những điều khác sẽ mất đi tính xác thực của chúng”. Dưới đây là bài phát biểu của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
CHO CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI TÒA THƯỢNG THẨM ROTA Ở RÔMA
Hội trường Clementine
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
Thưa Đức Hồng y,
các Đức Giám mục,
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Tôi vui mừng được gặp anh chị em vào cuối khóa đào tạo do Tòa Thượng Thẩm Rôma tổ chức với chủ đề Ministerium Iustitiae et Caritatis in Veritate (Thừa tác vụ Công lý và Bác ái trong Chân lý). Tôi thân ái chào mỗi người trong anh chị em, và tôi cám ơn Tổng trưởng Tòa Thượng Thẩm và những người đã cộng tác trong những ngày học tập và suy tư này. Những ngày này đã cho anh chị em cơ hội xem xét những thách thức pháp lý và mục vụ liên quan đến hôn nhân và gia đình. Điều này rất quan trọng. Đó là một lĩnh vực tông đồ rộng lớn, nhưng cũng phức tạp và tế nhị, cần phải cống hiến sức lực và lòng nhiệt tình, với ý hướng cổ vũ Tin Mừng về gia đình và sự sống.
“Bác ái trong chân lý, mà Chúa Giêsu Kitô làm chứng bằng cuộc sống trần thế và đặc biệt bằng cái chết và sự phục sinh của Người, là động lực chính đằng sau sự phát triển đích thực của mỗi người và của toàn thể nhân loại. Tình yêu – caritas – là một sức mạnh phi thường khiến con người lựa chọn dấn thân can đảm và quảng đại trong lĩnh vực công lý và hòa bình. Đó là một sức mạnh có nguồn gốc từ Thiên Chúa, là Tình Yêu Vĩnh Cửu và là Chân Lý Tuyệt Đối”. Với những lời này, Đức Bênêđíctô XVI đã bắt đầu Thông điệp Caritas in veritate[1], trong đó ngài trình bày học thuyết xã hội của Giáo hội từ viễn cảnh về mối quan hệ giữa bác ái và công lý, và giữa bác ái và công lý với chân lý. Đó là những từ áp dụng cho toàn bộ lĩnh vực xã hội dân sự, nhưng được chứng tỏ là hoàn toàn thích đáng khi xem xét các mối quan hệ giữa các tín hữu, giữa họ với các mục tử, trong Dân Thiên Chúa. Do đó, thật thích hợp khi coi sứ mạng của Tòa Thượng Thẩm Rôma là ministerium iustitiae et caritas in Veritate – thừa tác vụ công lý và bác ái trong chân lý – và cách mô tả này có thể được mở rộng cho tất cả các tòa án của Giáo hội; quả thực, nó bao trùm mọi hoạt động mục vụ của Giáo hội, vốn là đối tượng của hội nghị này.
Điểm mấu chốt của thông điệp tôi muốn để lại cho anh chị em hôm nay là: anh chị em được kêu gọi yêu mến công lý, bác ái và chân lý, và nỗ lực hằng ngày để thực hiện chúng trong công việc của anh chị em với tư cách là những nhà giáo luật và trong mọi nhiệm vụ anh chị em thực hiện để phục vụ các tín hữu. Đó là vấn đề yêu mến cả ba cùng một lúc, bởi vì chúng đi cùng nhau – ba điều này, phải không? Công lý, bác ái và chân lý, chúng đi cùng nhau – và nếu anh chị em coi thường một điều, những điều khác sẽ mất đi tính xác thực của chúng. Thật vậy, mẫu gương của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Sự Thật, và là công bằng và giàu lòng thương xót.
Không có công lý mà không có bác ái, cũng như không có bác ái mà không có công lý. Bác ái mà không có công lý thì không phải là bác ái. Công lý là một nhân đức bản lề hết sức quan trọng, giúp trao cho mỗi người các quyền của họ. Và nhân đức này chắc chắn cũng phải được sống trong Giáo hội: các quyền của tín hữu và các quyền của chính Giáo hội đòi hỏi điều đó. Tuy nhiên, không có cộng đồng nhân loại nào, và càng không có trong Giáo hội, việc tôn trọng quyền lợi là đủ; cần phải vượt lên trên các quyền lợi, với lòng nhiệt thành của bác ái, tìm kiếm thiện ích cho người khác qua việc hiến dâng cuộc sống của chính mình một cách quảng đại. Cần phải sống tình yêu phục vụ, bởi vì “công lý chỉ được hiểu dưới ánh sáng của… tình yêu”[2]. Ngay cả trong các nghĩa vụ pháp lý của mình, anh chị em cũng phải luôn nhớ điều này: mọi người phải được đối xử không chỉ theo công lý, một điều không thể tránh khỏi, mà còn và trên hết phải với lòng bác ái. Đừng bao giờ quên rằng những ai đến gặp anh chị em để xin thi hành phận vụ trong Giáo hội của anh chị em, phải luôn gặp được khuôn mặt của Mẹ chúng ta, Giáo hội thánh thiện, yêu thương tất cả con cái mình với lòng dịu dàng.
Vì vậy, cần phải tránh một nền công lý lạnh lùng chỉ mang tính phân phối mà không vượt quá nó, tức là không có lòng thương xót. Có thể áp dụng vào công lý điều mà thông điệp Fratelli tutti tuyên bố: “Con người có thể phát triển một số thói quen vốn có thể xuất hiện như những giá trị đạo đức: lòng dũng cảm, sự điều độ, sự chăm chỉ và những nhân đức tương tự. Tuy nhiên, nếu phải hướng dẫn các hành vi của các nhân đức luân lý khác nhau một cách đúng đắn, thì cần phải tính đến mức độ chúng thúc đẩy sự cởi mở và hiệp nhất với người khác. Và điều đó có thể thực hiện được nhờ lòng bác ái mà Thiên Chúa phú ban. Không có bác ái, có lẽ chúng ta có thể sở hữu những nhân đức bề ngoài, không có khả năng duy trì cuộc sống chung”[3].
Nhưng không ai có thể chủ trương một lòng bác ái mà không có sự công lý. Trên thực tế, Đức Thánh Cha Bênêđíctô tiếp tục giải thích, “Bác ái vượt xa sự công lý, bởi vì yêu thương là cho đi, tặng ban những gì là ‘của tôi’ cho người khác; nhưng nó không bao giờ thiếu công lý, vốn thôi thúc chúng ta trao cho người khác những gì là “của họ”, những gì thuộc về họ do con người hoặc hành động của họ. Tôi không thể ‘cho’ – cho – những gì của tôi cho người khác, mà không trao cho họ những gì thuộc về họ một cách công bằng. Nếu chúng ta yêu thương người khác bằng lòng bác ái, thì trước hết chúng ta cần công bằng đối với họ”[4]. Chính vì anh chị em yêu thương mỗi và mọi thành viên tín hữu, nên hãy trau dồi sự nhạy cảm về mặt pháp lý của anh chị em, không được hiểu, như người ta thường nghĩ, như một sự hoàn thành đơn thuần các thủ tục vốn phải có, nhưng như là một sự thừa nhận tinh tế về những gì cấu thành một quyền thực sự của nhân vị trong Giáo hội. Phẩm giá vô hạn của họ phải được tôn trọng một cách mẫu mực trong các mối quan hệ bên trong Giáo hội.
Nhưng những nỗi sợ hãi không cần thiết phải được vượt qua. Trước hết, nỗi sợ công lý, như thể nó có thể làm xói mòn hoặc làm suy giảm lòng bác ái. Khi xem xét kỹ hơn, nỗi sợ hãi đó bắt nguồn từ quan niệm sai lầm về công lý, bị coi là một yêu sách ích kỷ và có tiềm năng gây xung đột. Bản chất của công lý là một điều gì đó hoàn toàn khác: đó là một nhân đức vị tha tuyệt vời hướng tới thiện ích của người khác. Khi đó, nếu người kia có thể và đôi khi phải yêu cầu quyền của mình được tôn trọng, thì điều này giả định tính khách quan của những gì phải trả. Với tư cách là những người hành nghề luật, anh chị em có nhiệm vụ rất quan trọng là giúp xác định đầu là quyền và nghĩa vụ của các tín hữu và chúng phải được bảo vệ như thế nào, cũng như bằng các phiên tòa, vốn rất cần thiết khi chúng vì lợi ích của Giáo hội và tất cả các thành viên của Giáo hội.
Người ta cũng không thể sợ lòng bác ái, và lòng thương xót như biểu hiện đặc trưng của bác ái. Bác ái không xóa bỏ công lý; nó không tương đối hóa các quyền. Nhân danh tình yêu, người ta không thể bỏ bê nhiệm vụ công lý. Chẳng hạn, người ta không thể giải thích các quy định hiện hành về tiến trình hôn nhân như thể, trong việc theo đuổi sự gần gũi và nhanh chóng một cách có trách nhiệm, chúng hàm ý làm suy yếu các đòi hỏi của công lý. Về phần mình, lòng thương xót không hủy bỏ công lý, trái lại, nó thúc giục chúng ta sống công lý một cách dịu dàng hơn như hoa trái của lòng trắc ẩn đối với đau khổ của tha nhân. Thật vậy, “lòng thương xót chính là nền tảng của đời sống Giáo hội”, đó là nền tảng. “Tất cả hoạt động mục vụ của Giáo hội phải được tập trung vào sự dịu dàng mà Giáo hội dành cho các tín hữu”. Ba thái độ của Chúa, phải không? Sự gần gũi, lòng thương xót và sự dịu dàng. Chúa gần gũi, Người nhân hậu, Người dịu dàng. Không có điều gì trong lời rao giảng và chứng tá của Giáo hội cho thế giới có thể thiếu lòng thương xót. Tính khả tín của Giáo hội được thể hiện qua cách Giáo hội thể hiện tình yêu thương xót và trắc ẩn”[5].
Sự hòa hợp giữa bác ái và công lý được soi sáng trong việc cả hai cùng nhau hướng tới chân lý. Bác ái đích thực và công lý đích thực: đây là viễn cảnh hấp dẫn và thách thức đầy lôi cuốn của việc phục vụ Giáo hội của anh chị em. Điều này đã được nhắc lại ngay trong phần mở đầu của thông điệp Caritas in veritate của Đức Bênêđíctô XVI. Về vấn đề này, ngài dạy rằng: “Chỉ trong chân lý thì lòng bác ái mới tỏa sáng, chỉ trong chân lý thì bác ái mới có thể được sống một cách đích thực. Chân lý là ánh sáng mang lại ý nghĩa và giá trị cho bác ái. Ánh sáng đó vừa là ánh sáng lý trí vừa là ánh sáng đức tin, qua đó trí tuệ đạt đến chân lý tự nhiên và siêu nhiên của bác ái: trí tuệ hiểu được ý nghĩa của nó như là quà tặng, sự chấp nhận và sự hiệp thông. Không có chân lý, lòng bác ái sẽ thoái hóa thành tình cảm ủy mị. Tình yêu trở thành một cái vỏ trống rỗng, được đổ đầy một cách tùy tiện. Trong một nền văn hóa không có chân lý, đây là mối nguy hiểm chết người mà tình yêu phải đối mặt”[6].
Thưa anh chị em, Giáo hội đặt rất nhiều tin tưởng vào anh chị em, với tư cách là những người thực thi công lý và bác ái trong chân lý. Cầu mong bầu không khí làm việc của anh chị em là bầu không khí hy vọng, vốn là tâm điểm của Năm Thánh sắp đến gần. Lời khuyên tôi đưa ra trong Sắc lệnh triệu tập Năm Thánh có thể được áp dụng cho anh chị em: “Ngay bây giờ chúng ta hãy hướng tới niềm hy vọng này! Qua chứng tá của chúng ta, xin cho niềm hy vọng lan tỏa đến tất cả những ai đang lo âu tìm kiếm nó. Ước gì cách sống của chúng ta nói với họ bằng rất nhiều lời: ‘Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa!’ (Tv 27, 14). Xin cho sức mạnh của niềm hy vọng tràn đầy những ngày sống của chúng ta, khi chúng ta tin tưởng chờ đợi sự quang lâm của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đáng được ca ngợi và tôn vinh, bây giờ và mãi mãi”[7].
Vì sứ mạng của anh chị em và vì sự nên thánh của anh chị em trong sứ mạng đó, tôi thân ái ban phép lành cho anh chị em. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!
Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vatican.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net
______
[1] Thông điệp Caritas in veritate, 1.
[2] Thông điệp Dilexit nos (24/10/2024), 197.
[4] Thông điệp Caritas in veritate (29/6/2009), 6; cf Thánh Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (26/3/1967), 22.
[5] Sắc lệnh Misericordiae vultus (11/4/2015), 10.
[6] Thông điệp Caritas in veritate (29/6/2009), 3.
[7] Sắc lệnh Spes non confundit (9/3/2024), 25.
Tin tức liên quan khác
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 04/2024: Cầu cho vai trò của phụ nữ
Hơn 180 Em lãnh nhận Ơn Thánh Thần tại Giáo xứ Trung Nghĩa
Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Tham dự viên Đại hội Quốc tế Nghiên cứu Học thuật về Hồi giáo, năm 2024
Thứ Hai tuần 28 Thường niên năm I – Cứng lòng tin (Lc 11,29-32)
Ngày 15/08: Đức Mẹ hồn xác về trời (Lc 1,39-56)
Giới trẻ giáo xứ Tam Tòa dâng của lễ Đại lễ Phục sinh 2023
Thư báo: Hội thảo Sứ điệp Truyền giáo
Mùa Vọng & Bí Tích Hoà Giải