Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 – Niềm hy vọng

Vatican News (24/12/2024) – Vào lúc 7 giờ tối thứ Ba ngày 24/12/2024, Đức Thánh Cha đã chủ sự nghi thức mở Cửa Thánh Đền thờ Thánh Phêrô, và sau đó ngài đã cử hành Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh. Đức Thánh Cha đã chính thức khai mạc Năm Thánh Hy vọng trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh mang lại hy vọng cho mỗi người. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng của Đức Thánh Cha:

MỞ CỬA THÁNH VÀ LỄ ĐÊM
BẮT ĐẦU NĂM THÁNH THƯỜNG LỆ

ĐẠI LỄ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Đền thờ Thánh Phêrô

Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024

[Đa phương tiện]

Một thiên thần của Chúa, được bao phủ bởi ánh sáng, chiếu sáng màn đêm và báo tin vui cho các mục đồng: “Tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,10-11). Giữa sự ngạc nhiên của những người nghèo và tiếng hát của các thiên thần, trời cao mở ra và cúi xuống trên trái đất: Thiên Chúa trở thành một người trong chúng ta để làm cho chúng ta trở nên giống như Người, Đấng ngự xuống giữa chúng ta để nâng chúng ta lên và đưa chúng ta trở lại trong vòng tay của Chúa Cha.

Anh chị em thân mến,

Đây là niềm hy vọng của chúng ta. Thiên Chúa là Emmanuel, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Sự vĩ đại vô cùng tự trở nên bé nhỏ; ánh sáng thần linh đã chiếu soi giữa bóng tối của thế giới; vinh quang thiên quốc xuất hiện trên trái đất, nơi sự nhỏ bé của một Hài Nhi. Và nếu Thiên Chúa đến, ngay cả khi tâm hồn chúng ta giống như một máng cỏ nghèo hèn, thì chúng ta có thể nói: niềm hy vọng không chết, niềm hy vọng vẫn sống và bao bọc cuộc sống chúng ta mãi mãi!

Anh chị em thân mến, với việc mở Cửa Thánh, chúng ta bắt đầu một Năm Thánh mới: mỗi người chúng ta có thể bước vào mầu nhiệm của việc loan báo ân sủng này. Đây là đêm mà cánh cửa hy vọng mở rộng cho thế giới; đây là đêm mà Thiên Chúa nói với mỗi người: niềm hy vọng cũng dành cho bạn! Niềm hy vọng dành cho mỗi người chúng ta. Và thưa anh chị em, đừng quên điều này là Chúa tha thứ tất cả, Ngài luôn tha thứ. Đừng quên điều này, đó là cách hiểu về niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

Để đón nhận hồng ân này, chúng ta được mời gọi lên đường với sự ngạc nhiên của các mục đồng ở Bêlem. Phúc Âm kể rằng, sau khi nhận được lời loan báo của thiên thần, họ “hối hả ra đi” (Lc 2,16). Đây là dấu hiệu để tìm lại niềm hy vọng đã mất, làm mới lại trong lòng chúng ta, gieo vãi nó vào sự hoang tàn của thời đại và thế giới của chúng ta: không trì hoãn. Đừng trì hoãn, đừng chậm lại nhưng hãy để mình được thu hút bởi những tin tức tốt lành.

Không trì hoãn, chúng ta đi gặp Chúa, Đấng đã sinh ra cho chúng ta, với trái tim trong sáng và tỉnh thức, sẵn sàng gặp gỡ, để có thể mang niềm hy vọng vào các hoàn cảnh sống của chúng ta. Bởi vì niềm hy vọng Kitô giáo không phải là một kết thúc có hậu được chờ đợi một cách thụ động: đó là lời hứa của Chúa mà chúng ta cần đón nhận trong mọi nơi và trong giây phút hiện tại, trên mảnh đất đau khổ và rên xiết này. Do đó, lời hứa của Người yêu cầu chúng ta không trì hoãn, không buông mình vào những thói quen, không nán lại trong sự tầm thường và lười biếng; lời hứa của Người yêu cầu chúng ta – Thánh Augustinô nói – phẫn nộ trước những điều sai trái và can đảm thay đổi chúng; lời hứa của Người yêu cầu chúng ta trở thành những người hành hương tìm kiếm sự thật, những người không bao giờ mệt mỏi ước mơ, những người nam nữ để cho giấc mơ của Thiên Chúa, giấc mơ về một thế giới mới, nơi hoà bình và công lý ngự trị.

Chúng ta hãy học từ gương của các mục đồng: niềm hy vọng nảy sinh trong đêm nay không dung thứ cho sự lười biếng của những người ít vận động và sự lười biếng của những người ổn định cuộc sống của mình trong sự tiện nghi; nó không chấp nhận sự khôn ngoan sai lầm của những người không dám mạo hiểm vì sợ dấn thân, cũng không thừa nhận sự tính toán của những người chỉ nghĩ đến bản thân mình; nó không phù hợp với cuộc sống bình lặng của những người không lên tiếng chống lại sự ác và những bất công đối với những người nghèo nhất. Ngược lại, niềm hy vọng Kitô giáo, trong khi mời gọi chúng ta kiên nhẫn chờ đợi Vương quốc nảy mầm và phát triển, đòi hỏi chúng ta phải can đảm thực hiện trước lời hứa này hôm nay, bằng trách nhiệm và lòng cảm thông của chúng ta. Và ở đây có lẽ sẽ có ích cho chúng ta khi tự hỏi mình về lòng cảm thông: tôi có lòng cảm thông không? Tôi có thể chịu đựng được không? Chúng ta hãy suy ngẫm về điều này.

Nhìn vào cách chúng ta thường hòa nhập vào thế giới này, thích nghi với tâm lý của nó, một linh mục cũng là một nhà văn xuất sắc đã cầu nguyện vào Lễ Giáng Sinh Thánh như thế này: “Lạy Chúa, con xin Chúa một chút dằn vặt, một chút lo lắng, một chút hối hận. Vào lễ Giáng sinh, con muốn thấy mình không hài lòng. Vui mừng, nhưng cũng không hài lòng. Vui mừng vì những gì Ngài làm cho con, nhưng không hài lòng với việc con không đáp lại. Xin hãy lấy đi sự bình yên giả tạo của chúng con và đặt vào trong “máng cỏ tự mãn” của chúng con một đống gai. Hãy đặt vào lòng chúng con niềm khao khát một điều gì khác” (A. PRONZATO, Tuần cửu nhật Giáng sinh). Mong muốn điều gì đó lớn lao hơn. Đừng đứng yên tự mãn. Chúng ta đừng quên rằng nước tĩnh là thứ đầu tiên trở nên ứ đọng.

Niềm hy vọng Kitô giáo chính là “điều gì đó khác” yêu cầu chúng ta hành động “không chậm trễ”. Thực vậy, chúng ta, các môn đệ của Chúa, được mời gọi tái khám phá nơi Người niềm hy vọng lớn nhất của chúng ta, để rồi ngay lập tức, như những người hành hương ánh sáng, mang hy vọng vào bóng tối của thế giới.

Thưa anh chị em, đây là Năm Thánh, đây là thời gian của niềm hy vọng! Nó mời gọi chúng ta tái khám phá niềm vui gặp gỡ Chúa, nó mời gọi chúng ta canh tân tâm linh và dấn thân vào việc biến đổi thế giới, để thời gian này thực sự trở thành một thời gian hân hoan. Chớ gì điều đó sẽ xảy ra với mẹ trái đất của chúng ta, vốn bị biến dạng bởi logic lợi nhuận; chớ gì điều đó cũng được như vậy đối với các quốc gia nghèo nhất, đang ngập trong nợ nần bất công; chớ gì điều đó sẽ được như vậy đối với tất cả những ai là tù nhân của chế độ nô lệ cũ và mới.

Tất cả chúng ta đều có ân sủng và nhiệm vụ mang lại niềm hy vọng ở những nơi đã mất, ở nơi cuộc sống bị tổn thương, những kỳ vọng bị phản bội, những giấc mơ tan vỡ, những thất bại làm tan nát trái tim; trong sự mệt mỏi của những người không thể chịu đựng được nữa, trong nỗi cô đơn cay đắng của những người cảm thấy thất bại, trong nỗi đau khổ ăn sâu vào tâm hồn; trong những ngày dài và trống rỗng của tù nhân, trong những căn phòng chật hẹp và lạnh lẽo của người nghèo, ở những nơi bị chiến tranh và bạo lực tàn phá. Mang hy vọng đến đó, gieo hy vọng ở đó.

Năm Thánh mở ra để mọi người có thể được ban niềm hy vọng Tin Mừng, niềm hy vọng tình yêu, niềm hy vọng được tha thứ.

Và khi nhìn vào hang đá, nhìn vào sự dịu hiền của Thiên Chúa được biểu lộ trên khuôn mặt của Hài Nhi Giêsu, chúng ta tự hỏi: “Trong tâm hồn chúng ta có sự chờ đợi này không? Trong lòng chúng ta có niềm hy vọng này không? […] Khi chiêm ngưỡng sự đáng yêu của Thiên Chúa, Đấng chiến thắng sự ngờ vực và sợ hãi của chúng ta, chúng ta cũng chiêm ngưỡng sự cao cả của niềm hy vọng đang chờ đợi chúng ta. […] Chớ gì viễn tượng hy vọng này soi sáng cuộc hành trình của chúng ta mỗi ngày” (C. M. MARTINI, Bài giảng Giáng sinh, 1980).

Thưa anh chị em, trong đêm nay, “cánh cửa thánh” của trái tim Thiên Chúa sẽ mở ra cho anh chị em. Chúa Giêsu, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã được sinh ra cho anh chị em, cho chúng ta, cho mọi người nam nữ. Và với Người niềm vui nảy nở, với Người cuộc sống thay đổi, với Người niềm hy vọng không làm thất vọng.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *