Các Nông Dân Này Sẽ Cứu Thế Giới

Nền nông nghiệp tái tạo đang thay đổi cuộc sống các cộng đồng nông thôn trên toàn cầu. Sáng kiến Nông nghiệp tự nhiên dựa vào cộng đồng mang tên Andhra Pradesh của Ấn Độ trao quyền cho 1 triệu nông dân để họ hồi phục sức khỏe và năng suất đất một cách tự nhiên, minh chứng tiềm năng tổng thể nền nông nghiệp bền vững trong việc nuôi dưỡng con người và tái tạo hành tinh.

Chúng ta thường phức tạp hóa những thứ thực ra khá đơn giản. Trong số những nhóm người phải chịu đựng sự phức tạp này là các nông dân, những người thấy công việc của họ hiệu quả hơn khi họ tận dụng đất ở dạng tự nhiên. Nhưng qua nhiều năm, hóa chất và thuốc trừ sâu đã tàn phá trái đất, khiến việc canh tác trở nên khó khăn và tốn kém. Trên thực tế, người nông dân phải  chi rất nhiều tiền để mua phân bón hóa học, theo thời gian, chúng ngày càng làm hư hại đất, đến mức không có thứ gì có thể phát triển được.

Nhưng có một cách để đảo ngược quá trình này và giúp đất trở lại hình dạng tự nhiên của nó, với sự trợ giúp của phương pháp tiếp cận hợp tác và nông nghiệp sáng tạo

Đây không chỉ là một lý thuyết. Nó đã được minh chứng bởi 1 triệu nông dân ở vùng nông thôn Andhra Pradesh, Ấn Độ. Họ và cộng đồng của họ được hưởng lợi từ một trong những sáng kiến sáng tạo và thành công nhất thế giới nhằm mở rộng quy mô nông nghiệp tái tạo cho những người nông dân nhỏ: Nông nghiệp tự nhiên dựa vào cộng đồng Andhra Pradesh (APCNF).

Nền tảng của thành công

Nhưng APCNF là gì? Rythu Sadhikara Samastha (RySS), Tổ chức Trao quyền cho Nông dân, năm 2016, được chính quyền tiểu bang Andhra Pradesh giao nhiệm vụ thực hiện chương trình cho toàn tiểu bang, chương trình đã mở rộng quy mô lên 1 triệu nông dân chỉ trong vòng 8 năm. Chương trình cũng đang được điều chỉnh tại các tiểu bang khác của Ấn Độ và quốc tế.

Kể từ năm 2000, nền tảng của chương trình này, và một phần lý do tại sao nó lại thành công như vậy, khi Vijay Kumar, Phó chủ tịch điều hành của RySS, được bổ nhiệm là người lãnh đạo Hiệp hội Xóa đói giảm nghèo ở Nông thôn. Sáng kiến này đã giúp phụ nữ nông thôn tự tổ chức thành các nhóm tự lực, giúp họ thực hiện cùng hành động chung các vấn đề quan trọng liên quan đến họ. Điều này bao gồm sự hỗ trợ lẫn nhau về tài chính thông qua tiết kiệm và cho vay lẫn nhau và bằng cách chia sẻ các thành quả trong nông nghiệp.

Kumar cho biết: “Trong khoảng mười năm, chương trình này đã liên kết được 11,5 triệu phụ nữ ở vùng nông thôn Andhra Pradesh”, và trong 10 năm khác nữa, sáng kiến quốc gia đã có thể liên kết được 100 triệu phụ nữ khắp các làng mạc Ấn Độ.

Họ thành lập liên đoàn. Rất nhanh chóng, người ta nhận ra rằng “nếu phụ nữ nông thôn đoàn kết lại, sức mạnh của họ sẽ tăng lên gấp bội và họ có thể vượt qua được rất nhiều trở ngại”. Thông qua sự hợp tác với các ngân hàng, phụ nữ đủ điều kiện để vay vốn không cần thế chấp, khiến họ trở thành khách hàng có uy tín về tín dụng. “Ban đầu, chúng tôi phải cậy nhờ các ngân hàng”, Kumar lưu ý. “Bây giờ, các ngân hàng quan tâm đối tượng khách hàng phụ nữ để mời gọi họ vay vốn”. Lúc đầu, họ tìm kiếm những nhu cầu cơ bản, nhưng chẳng bao lâu, họ bắt đầu đầu tư vào tài sản và nông nghiệp.

Những người tiên phong trong nông nghiệp tái tạo

Từ năm 2016, với sự giúp đỡ của RySS, các phụ nữ này đã áp dụng các phương pháp canh tác tiên tiến của APCNF, loại bỏ các hóa chất tổng hợp, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ đắt tiền, đồng thời cải thiện đáng kể năng suất cây trồng và tăng thu nhập cho họ. Với sự nỗ lực, họ đã xây dựng năng lực quản lý tài chính, sinh kế, giới và các vấn đề xã hội, đồng thời cho họ có tiếng nói mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng trong gia đình và làng mạc của mình. Nhiều phụ nữ đã được bầu chọn vào các vị trí, tạo ra mức ảnh hưởng đáng kể về chính trị. “Một khi nguồn năng lượng được lan toả qua việc liên kết với nhau, họ có thể vượt qua nhiều trở ngại và cải thiện cuộc sống của mình, cải thiện cuộc sống của con cái họ”.

Đây chính là cách mà phong trào nông nghiệp nông thôn xuất hiện, và ông Kumar biết rằng thực ra nó khá đơn giản: “Nó có nghĩa là việc canh tác hài hòa với thiên nhiên”.

Nông dân Zambia và Ấn Độ ở Andhra Pradesh, Ấn Độ

Hỗ trợ chính quyền RySS của Andhra Pradesh và các cộng đồng nông nghiệp này trong sứ mệnh của họ là NOW Partners Foundation, người sáng lập của tổ chức này, Walter Link, nhìn nhận mọi thứ chính xác như Vijay Kumar. Ông nhấn mạnh tiềm năng tác động to lớn của việc kết hợp trí thông minh của con người và thiên nhiên nhằm cải tiến cách tái tạo.

Nông nghiệp tái sinh hiện đại

Trái ngược với niềm tin thông thường, rằng việc canh tác tái tạo không có nghĩa là quay lại các phương pháp cũ. “Chúng ta không quay ngược thời gian”, Walter Link nói. Thay vào đó, ông giải thích, canh tác tái tạo dựa trên sự đổi mới mang tính đột phá, giải quyết thành công các vấn đề đương đại, bao gồm vấn về biến đổi khí hậu. “Mặc dù quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo rất quan trọng vì nó làm giảm lượng khí thải carbon, nhưng nông nghiệp tái tạo cũng đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Bởi vì chỉ có đồng ruộng, đồng cỏ, rừng và đại dương mới có thể thu giữ lượng carbon lớn, là điều mà các giải pháp năng lượng khác không thể đạt được. Nếu chúng ta mở rộng quy mô nông nghiệp tái tạo trở thành xu hướng chính mới, chúng ta không chỉ giảm được lượng khí thải mới mà còn dần dần giảm mức nhiệt độ tăng gây hại. Đây là một tham vọng lớn nhưng thực tế, mà đôi bên cùng có lợi”

Ông tiếp tục nói thêm rằng nông nghiệp tái tạo cũng giúp giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và nước và tăng cường sự đa dạng sinh học qua việc áp dụng các phương thức của APCNF như đa canh. “Ví dụ, trên khắp châu Phi, nông dân thường chỉ sản xuất các loại cây trồng độc canh để xuất khẩu, khiến họ bị đói và tài chính không an toàn. Với các phương pháp tái tạo, nông dân có thể trồng tới 20 loại cây trồng khác nhau cùng với cây trồng chính, giúp tăng năng suất, tăng thu nhập và an ninh lương thực”.

Ngoài ra, ông tiếp tục, việc canh tác tái tạo cần ít nước hơn. Bằng cách tăng khả năng giữ nước của đất thông qua quá trình thu giữ carbon, làm giảm bớt tình trạng khắc nghiệt như hạn hán và lũ lụt.

Vậy thì bước tiếp theo của dự án tuyệt vời này là gì? Lan tỏa nó trên toàn thế giới. Đây là một dự án dựa trên cộng đồng và từ cộng đồng là điều cần thiết. Trên thực tế, Walter Link khẳng định lại rằng không một cá nhân hay tổ chức nào có thể làm được điều này một mình. Cộng đồng này bao gồm hàng triệu nông dân tại Andhra Pradesh, các nhóm phụ nữ, chính quyền địa phương và các đối tác quốc tế. “Ví dụ, quỹ của chúng tôi hợp tác với RySS nhằm mang phương pháp này từ Andhra Pradesh ở Ấn Độ đến tận Zambia, với sự hỗ trợ của chính phủ Zambia cùng nông dân và giáo đoàn địa phương”.

Đó chính là hành động theo thông điệp Laudato Si và Fratelli Tutti, và bạn thực sự có thể bắt đầu thấy được thành quả của tình anh em này khi các nông dân trên khắp Zambia bắt đầu áp dụng và triển khai các kỹ thuật của APCNF trong cộng đồng của họ tại quốc gia miền Nam châu Phi này.

Giáo hội Công giáo và sứ mệnh nông nghiệp ở Zambia

Đây cũng là nơi Giáo hội Công giáo đóng vai trò quan trọng. Sơ Modesta Chansa- nữ tu dòng Salesian tại Luwingu, Zambia. Tại đó, hội dòng của sơ điều hành một trang trại có tên là trang trại Volponasca Learning, chuyên giúp đỡ những người nông dân và những người trẻ muốn bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Chúng tôi đang làm việc với 1.000 hộ gia đình và 84 nhóm nông dân”, Sơ Modesta nói, bày tỏ sự đau buồn trước những thách thức mà họ phải đối mặt trong các năm qua vì “hầu hết nông dân của chúng tôi không thể canh tác phần lớn trang trại của họ vì giá phân bón họ sử dụng quá đắt”. Vì thế, khi Quỹ NOW Partners liên hệ với họ để đề xuất một chuyến đi đến Ấn Độ để tìm hiểu về một loại hình nông nghiệp “không có hóa chất”, Sơ Modesta nói, “bạn có thể tưởng tượng tôi quan tâm đến nhường nào”.

Nông dân Zambia và Ấn Độ ở Andhra Pradesh, Ấn Độ

Trong khi đó, tại thủ đô Lusaka, Cha Claus Recktenwald, SJ, đã nhận được một đề xuất tương tự, với mong muốn sẽ thu hút được sự liên đới với trung tâm do Dòng Tên điều hành nơi cha làm việc. Trung tâm hướng dẫn Nông nghiệp Kasisi hoạt động nhằm đào tạo các nông dân quy mô nhỏ về nông nghiệp hữu cơ và nông sinh thái nhằm giúp cải thiện sinh kế cho họ. Dù người nông dân đã từng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tự nhiên trong 30 năm, nhưng cơ hội mở rộng dự án và lĩnh hội kiến thức từ những người khác là một việc làm cần thiết. Việc triển khai tại đây sẽ bắt đầu vào tháng 11.

Trong thời gian kỷ lục, phái đoàn các nông dân Zambia đã được cấp hộ chiếu và thị thực. Họ rời khỏi đất nước lần đầu tiên, hướng đến Andhra Pradesh để tìm hiểu về phương pháp canh tác tái tạo mới này. Kể từ đó, phái đoàn các chuyên gia APCNF của Ấn Độ đã đến Zambia bắt đầu việc trồng trọt vào mùa khô. Vào tháng 11, các huấn luyện viên nông dân của APCNF sẽ quay trở lại Zambia để hỗ trợ việc triển khai phương pháp này tại địa phương đang được thực hiện tại nhiều khu vực thí điểm khác nhau. Sự hỗ trợ cho nông dân Zambia sẽ tiếp tục trong nhiều năm, cho đến khi các huấn luyện viên nông dân bản xứ hoàn thành việc đào tạo.

Lan tỏa sự thành công

“Chúng tôi đã lĩnh hội được kiến thức mới,” Cha Claus nói khi trở về Zambia, đồng thời nói thêm rằng điều hấp dẫn nữa là chứng kiến “tinh thần huynh đệ mạnh mẽ trong cuộc chia sẻ rất thú vị này giữa hai nền văn hóa rất khác nhau, và niềm tin được đặt vào mối quan hệ đối tác này.” “Điều này phù hợp với các giá trị cơ bản của Giáo hội và ý niệm thống nhất tình anh em và tình huynh đệ,” ngài nói.

Và đây chính xác là điều mà đội ngũ lao động chăm chỉ này hy vọng: sự hòa hợp và cộng đồng, chia sẻ ý tưởng và lan tỏa tình yêu thương đối với láng giềng và hành tinh của chúng ta, nhằm tìm kiếm lợi ích chung.

Walter Link của Quỹ NOW Partner kết luận: “Mục tiêu của quan hệ đối tác củng cố lẫn nhau của chúng tôi với RySS và các đối tác địa phương và quốc tế khác là tạo ra một cộng đồng Global Academy đầy cảm hứng và thực tế. Chúng tôi hướng đến việc trao quyền cho việc mở rộng các phương pháp triển khai thích ứng thúc đẩy sự đổi mới đồng sáng tạo và mở rộng APCNF và các phương pháp nông sinh thái tái tạo khác. Điều này liên quan đến sự tôn trọng và học hỏi lẫn nhau và thích nghi với các điều kiện địa phương. Mặc dù các khu vực như Ấn Độ, Zambia, Ai Cập, Brazil và các quốc gia khác nơi cơ hội triển khai theo nhiều chiều kích khác nhau, nhưng các nguyên tắc về sức khỏe đất và các hoạt động tái tạo là phổ quát. Tất cả chúng ta đều có thể học hỏi lẫn nhau, bất kể sự khác biệt về địa lý, văn hóa và các khác biệt khác. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra một xu hướng căn bản mới của các phương pháp nông sinh thái đa dạng mang lại lợi ích cho nông dân và xã hội trên toàn thế giới vì nó tái tạo thiên nhiên và khí hậu.”

Nông dân Zambia và Ấn Độ tại Andhra Pradesh, Ấn Độ

Chuyển ngữ: PTT – Caritas Việt Nam
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va
Nguồn: caritasvietnam.org

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *