TGPSG — Nhân chuyến tông du Indonesia của Đức Giáo hoàng Phanxicô, chúng ta cùng chiêm ngắm một vị tử đạo tại đất nước Hồi Giáo này.
“Cái chết của linh mục Sandjaja vẫn là vấn đề nhạy cảm ở Indonesia, một quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi.”
Thời niên thiếu của Cha Sandjaja
Linh mục Sandjaja sinh vào ngày 20-5-1914 tại Muntilan, miền trung Java, Indonesia. Cha của ngài, Willem Kromosendjojo, làm việc tại một bệnh viện do Dòng Tên điều hành. Mẹ của ngài, Richarda Kasijah, là một người nội trợ.
Thông minh từ nhỏ, Sandjaja được gọi là ‘từ điển biết đi’, và rất siêng năng cầu nguyện. Sandjaja vào chủng viện và được thụ phong linh mục tại Muntilan vào ngày 13-1-1943, một năm sau khi Nhật Bản xâm lăng Indonesia.
Đời linh mục của Cha Sandjaja
Trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Indonesia (1942-1945), Cha Sandjaja đã phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài áp lực từ cuộc chiếm đóng, ngài còn phải chịu đựng các cuộc công kích từ những người Hồi giáo hiếu chiến phản đối công việc truyền giáo của ngài.
Nhiều lần nhà thờ của ngài bị phá hủy bởi những người Hồi giáo được cho là chiến binh và được xây dựng lại với sự giúp đỡ của giáo dân.
Trong công việc của mình, Cha Sandjaja duy trì mối quan hệ tốt với các quan chức Hà Lan, khiến những người Indonesia khác nghi ngờ ngài hợp tác với thực dân.
Cái chết của Cha Sandjaja
Vào ngày 20-12-1948, một nhóm chiến binh độc lập của Indonesia đã bắt cóc và giết Cha Sandjaja cùng với chủng sinh Dòng Tên người Hà Lan Herman Bouwens.
Ngày hôm sau, hài cốt của các ngài được tìm thấy và được chôn cất theo nghi lễ Công giáo. Giáo hội địa phương coi cả Cha Sandjaja và Bouwens là những vị tử đạo và vào tháng 8 năm 1950 đã chuyển hài cốt của các ngài đến Nghĩa trang Kerkof.
Đừng nói về việc phong thánh cho Cha Sandjaja
Macarius Martomo, một người họ hàng của Cha Sandjaja, cho biết: vị linh mục này là một người thông minh, giản dị và là con người của cầu nguyện, người đã truyền cảm hứng cho nhiều tín hữu Công giáo ở Indonesia để họ luôn mạnh mẽ trong đức tin của mình.
Theo Martomo, một quá trình thu thập những câu chuyện về phép lạ để phong thánh cho Cha Sandjaja đã bắt đầu từ năm 1956 ở Indonesia. Tuy nhiên, nhiều năm sau, không có thêm tin tức nào về quá trình này nữa.
“Các chứng từ của những người hành hương cho thấy Cha Sandjaja là một người đặc biệt”, Cha Fransiskus Xaverius Sukendar, quản trị viên Tổng giáo phận Semarang cho biết. “Nhưng điều này không nhất thiết phải dẫn đến việc phong chân phước hoặc phong thánh.”
Theo vị linh mục này, cái chết của Cha Sandjaja vẫn là một vấn đề nhạy cảm vì nó liên quan đến sự hòa hợp liên tôn ở Indonesia.
Việc phong thánh sẽ “làm tổn thương những người khác, những người không thoải mái với điều đó”, Cha Sukendar nói.
Cảm nhận này cũng tương tự như cảm nhận của Hồng y Dòng Tên đã nghỉ hưu Julius Darmaatmadja ở Jakarta – người đã từng nói: “Hãy để sự thánh thiện và cuộc tử đạo của Cha Sandjaja được lưu giữ trong trái tim của những người Công giáo Indonesia.”
Chương Điền (theo Ucanews)
Tin tức liên quan khác
Thứ Sáu tuần 24 Thường niên năm II (Lc 8,1-3)
Đức Thánh Cha: Kiến thức phát triển qua việc chia sẻ với người khác
Đức Thánh Cha làm phép “Ngôi nhà Thương xót” của Giáo hội Mông Cổ
Giải thích: Thượng Hội đồng về tính hiệp hành 2024
Thứ Hai tuần 15 Thường niên năm I – Chúa sẽ đền bù (Mt 10,34-11,1)
ĐTC bổ nhiệm ĐHY Semeraro làm đặc sứ tại lễ kỷ niệm 700 năm Thánh Tôma Aquinô được tuyên thánh
Đức Thánh Cha: Giáo lý không phải là một tảng đá không thể thay đổi
Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông của Đức Thánh Cha: AI không bao giờ có thể thay thế sự khôn ngoan của trái tim con người