WHĐ (27.06.2023) – Vào tháng 11.2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Ý có tựa đề “Ti voglio felice. Il centuplo in questa vita – Tôi muốn bạn hạnh phúc: Gấp trăm lần trong cuộc đời này”. Với 8 chương, cuốn sách bao gồm những suy tư và ý tưởng chính của Đức Thánh Cha như là cẩm nang nhằm giúp mọi người sống hạnh phúc hơn.
Dưới đây là 10 phương thế để sống hạnh phúc hơn được rút ra từ tập sách của Đức Thánh Cha:
1. Hãy trở nên thánh thiện bằng việc để mình được tự do!
Trong chương thứ nhất có tiêu đề: “Hạnh phúc là một món quà được lãnh nhận”, Đức Thánh Cha giải thích:
“Đừng sợ trở nên thánh thiện. Sự thánh thiện sẽ không lấy đi năng lượng, sức sống hay niềm vui của bạn. Trái lại, bạn sẽ trở thành người mà Chúa Cha đã nghĩ đến khi dựng nên bạn, và bạn sẽ trở nên trung thực với chính con người sâu xa nhất của mình”.
Theo ngài, để nên thánh, chúng ta phải thoát khỏi những điều đang trói buộc chúng ta trong cuộc sống.
“Rất nhiều lần chúng ta nghĩ về sự thánh thiện như một điều phi thường, giống như có những thị kiến hoặc những lời cầu nguyện rất cao siêu. […] Trái lại, nên thánh là một điều gì đó rất khác: Đó là tiến tới sự thánh thiện, tiến tới ánh sáng, và tiến tới ân sủng được ban tặng cho chúng ta. […] Nhưng để bước đi như vậy, cần phải được tự do và cảm thấy tự do, thay vì quá nhiều thứ biến chúng ta thành nô lệ”.
2. Đặt máy định vị (GPS) của bạn hướng tới một điểm đến tuyệt vời: hướng lên cao!
Đức Thánh Cha khuyến khích chúng ta nên có những khát vọng lớn lao và đừng sa lầy vào những vấn đề của trần thế, bởi vì “Thiên Chúa không bao giờ ngừng tin tưởng bạn, dù chỉ một giây” do đó, bạn cũng đừng bao giờ ngừng tin tưởng bản thân mình. Bạn có thể tự vấn: “Tại sao tôi phải nỗ lực hết sức để làm những điều người khác không tin”? Hoặc: “Làm sao tôi có thể ‘bay lên’ trong một thế giới dường như không ngừng bị ghì xuống bởi những vụ bê bối, chiến tranh, gian lận, bất công, hủy hoại môi trường, sự thờ ơ với những người cần được giúp đỡ, vỡ mộng trước những người lẽ ra phải làm gương? Đối diện với những câu hỏi này, thì đâu là câu trả lời?”
Đức Thánh Cha khích lệ: “Bạn chính là câu trả lời. Chính bạn, hỡi các anh chị em của tôi”.
“Này các bạn, các bạn không được dựng nên để ‘sống qua ngày’, để dành cả ngày cho việc cân bằng giữa bổn phận và ý thích; các bạn được dựng nên để bay vút lên cao. […] Các bạn sẽ nhận ra điều này khi ngước nhìn lên trời lúc cầu nguyện, và nhất là khi chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trên thập giá. Các bạn sẽ nhận ra rằng, từ trên thập giá Chúa Giêsu không bao giờ lên án nhưng ôm lấy bạn và khích lệ bạn, bởi vì Người tin tưởng bạn ngay cả những khi bạn không còn tin tưởng vào chính mình. […] Hãy đặt máy định vị của cuộc đời bạn hướng tới một điểm đến tuyệt vời: hướng lên cao!
3. Bơi ngược dòng nhưng không chống lại người khác
Trong một thế giới mà sự chia rẽ về chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế tạo ra những bè phái ngày càng đối nghịch nhau, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta “hãy tìm kiếm sự can đảm mà chúng ta cần để bơi ngược dòng” và trở nên giống Chúa Giêsu hơn.
“Thử thách hàng ngày không phải là bơi ngược dòng chống lại người khác, giống như kiểu của những người luôn cho mình là nạn nhân, những người theo thuyết âm mưu, và những người luôn đổ lỗi cho người khác; mà là chống lại dòng chảy tai hại của tính ích kỷ, khép kín và cứng nhắc của chính mình, vốn thường tìm kiếm những nhóm người có cùng chí hướng để tồn tại. Không phải chống lại người khác nhưng, thay vào đó, là bơi ngược dòng để trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Vì Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy đối phó với cái ác chỉ bằng sức mạnh dịu dàng và khiêm tốn của điều tốt. […] Tôi khuyến khích các bạn hãy là những nhà cách mạng, hãy lội ngược dòng; và hãy nổi dậy chống lại nền văn hóa coi mọi thứ là nhất thời và rốt cuộc là tin rằng bạn không có khả năng chịu trách nhiệm, không có khả năng yêu thương thực sự. […] Nhưng hãy can đảm để trở nên hạnh phúc”.
4. Hãy giữ cho ngọn lửa yêu mến Đức Kitô luôn sống động
Đức Thánh Cha khuyến khích đừng quên cảm giác lần đầu tiên chúng ta “phải lòng với Chúa Giêsu” và hãy quay trở lại với cảm giác đó trong những lúc khó khăn.
“Chúa không muốn những người nam, nữ miễn cưỡng đi theo Người mà trong lòng không có chút niềm vui nào. Chúa Giêsu muốn người ta hiểu rằng được ở với Người mang lại niềm hạnh phúc vô biên, niềm hạnh phúc có thể được đổi mới mỗi ngày trong cuộc đời chúng ta. […] Chúng ta trở thành những người rao giảng của Chúa Giêsu không phải bằng cách mài giũa vũ khí hùng biện: Bạn có thể nói, nói, và nói… nhưng nếu không còn điều gì khác…. Thì làm sao chúng ta có thể trở thành những người rao giảng về Chúa Giêsu? Bằng cách giữ cho đôi mắt của chúng ta lấp lánh hạnh phúc đích thực”.
Ngài giải thích:
“Vì lý do này, giống như Đức Trinh Nữ Maria, Kitô hữu hãy giữ cho ngọn lửa tình yêu của mình sống động: đó là yêu mến Chúa Giêsu. Chắc chắn cuộc sống luôn có đó những thử thách; nhưng chúng ta vẫn cần phải tiến lên cho dù lạnh giá, gió ngược, và nhiều cay đắng. Các Kitô hữu biết con đường dẫn đến ngọn lửa thánh thiêng đã bừng cháy nơi họ một lần và mãi mãi”.
5. Học cách phân biệt tiếng của Thiên Chúa và tiếng của ma quỷ
Đức Thánh Cha cho chúng ta một số lời khuyên về cách phân biệt giữa tiếng Thiên Chúa thúc giục chúng ta làm điều tốt và tiếng ma quỷ cố gắng cám dỗ chúng ta làm điều ác.
“Người ta có thể học cách phân biệt hai tiếng nói này: Thiên Chúa và ma quỷ nói hai ngôn ngữ khác nhau, nghĩa là Thiên Chúa và ma quỷ có những cách trái ngược nhau để gõ cánh cửa trái tim của chúng ta.
Tiếng của Thiên Chúa không bao giờ ép buộc: Thiên Chúa tự đề xuất, và không áp đặt chính mình. Trái lại, tiếng của ma quỷ dụ dỗ, tấn công, cưỡng ép: Nó khơi dậy những ảo tưởng chói lọi, những cảm xúc đầy hấp dẫn nhưng thoáng qua. […] Tiếng của Thiên Chúa là tiếng nói có chân trời, trong khi tiếng nói của ma quỷ dẫn đến chân tường, dồn bạn vào một góc”.
Ngoài ra, ngài giải thích rằng ma quỷ “muốn chúng ta tập trung vào nỗi sợ hãi về tương lai hoặc nỗi buồn về quá khứ” trong khi Thiên Chúa nói với chúng ta về hiện tại và truyền cảm hứng giúp chúng ta tiến bước.
Cuối cùng, ngài nói thêm rằng Thiên Chúa và ma quỷ sẽ gợi ra những câu hỏi khác nhau trong tâm trí chúng ta: Thiên Chúa sẽ hỏi: “Điều gì tốt cho tôi?” trong khi nhiều khả năng ma quỷ sẽ hỏi: “Tôi cảm thấy muốn làm gì?”
6. Hãy nhớ rằng đối lập với “Tôi” là “Chúng ta”, không phải “Bạn”
Đức Thánh Cha cũng cho chúng ta một cách khác để suy nghĩ và liên hệ với những người xung quanh chúng ta — bằng cách xem họ như những đối tác tiềm năng để cùng xây dựng một cộng đoàn hòa bình, thay vì những kẻ thù riêng lẻ.
“Kinh thánh cho chúng ta biết rằng những giấc mơ vĩ đại là những giấc mơ có khả năng đơm hoa kết trái, có khả năng gieo rắc hòa bình, tình huynh đệ, niềm vui, giống như hôm nay: ngay tại đây, đó là những giấc mơ vĩ đại vì coi mọi người như là ‘chúng ta’. Một lần kia, có một linh mục hỏi tôi: “Hãy cho con biết, từ đối lập với ‘Tôi’ là gì. Và tôi đã ngây thơ rơi vào cái bẫy và nói rằng ‘ngược lại với “Tôi” là “Bạn”‘ – ‘Không, thưa Đức Thánh Cha: Đây là mầm mống của chiến tranh. Đúng ra, ngược lại với “Tôi” là “Chúng ta”’. Nếu tôi nói: Đối lập với “Tôi” là “Bạn”, tôi tạo ra chiến tranh; nếu tôi nói đối lập với ích kỷ của bản thân là “chúng ta”, thì tôi tạo ra hòa bình; tôi tạo ra cộng đoàn, tôi mang đến những giấc mơ về tình bạn, về hòa bình”.
“Chúng ta đừng từ bỏ những giấc mơ vĩ đại. Chúng ta đừng chỉ giải quyết những gì là cần thiết. Chúa không muốn chúng ta thu hẹp tầm nhìn của mình hoặc dừng lại bên vệ đường cuộc đời. Ngài muốn chúng ta dũng cảm và vui vẻ chạy đua hướng tới những mục tiêu cao cả. Chúng ta không được dựng nên để mơ về những kỳ nghỉ hay những ngày cuối tuần, nhưng để biến những giấc mơ của Thiên Chúa thành hiện thực trên thế giới này. Thiên Chúa ban cho chúng ta có khả năng ước mơ, để chúng ta có thể đón nhận vẻ đẹp của cuộc sống”.
7. Hãy tiến về miền Galilê!
Đức Thánh Cha dùng ví dụ về các môn đệ đi đến Galilê sau khi Đức Kitô phục sinh như một sự khích lệ đối với chúng ta về một đức tin sống động và tích cực tiến về phía trước và không bám chặt vào quá khứ.
“Những người phụ nữ đang tìm Chúa Giêsu tại ngôi mộ; họ đến đây để nhớ lại những gì họ đã trải nghiệm với Người, mà giờ đây đã qua đi mãi mãi. […] Có một loại đức tin có thể trở thành ký ức về một điều gì đó đã từng tốt đẹp, giờ đây chỉ còn là sự hồi tưởng. Nhiều người – trong đó có chúng ta – trải qua một ‘đức tin về ký ức’ như thể Chúa Giêsu là một người nào đó trong quá khứ […]. Một đức tin được hình thành từ những thói quen, những điều từ quá khứ, những kỷ niệm thời thơ ấu đáng yêu, nhưng không còn là một đức tin lay động bản thân hay thách thức bản thân nữa. Trái lại, đi đến Galilê có nghĩa là nhận ra rằng đức tin, nếu là một đức tin sống động, thì phải thúc giục bản thân phải lên đường trở lại. Đức tin phải đổi mới hàng ngày những bước đầu tiên của cuộc hành trình, sự ngạc nhiên của cuộc gặp gỡ đầu tiên. Và đức tin phải tiếp tục tin tưởng, không nghĩ rằng mình đã biết tất cả, nhưng chấp nhận sự khiêm tốn của những người để cho mình ngạc nhiên trước đường lối của Thiên Chúa. Chúng ta thường sợ hãi trước những điều ngạc nhiên của Thiên Chúa. […] Vậy thì chúng ta hãy đến Galilê để khám phá ra rằng Thiên Chúa không thể bị cất đi trong ký ức tuổi thơ của chúng ta, nhưng Ngài đang sống động và đầy bất ngờ”.
Đức Phanxicô nhấn mạnh Galilê không phải là một nơi hư cấu mà là bối cảnh cuộc sống của chúng ta: “Chúa Phục Sinh đang mời gọi các môn đệ của Người hãy đến đó ngay bây giờ: Người yêu cầu chúng ta hãy đến Galilê, đến ‘Galilê’ đích thực của cuộc sống hàng ngày, đến những con đường chúng ta đi lại hàng ngày, những ngóc ngách của thành phố chúng ta. Ở đó, Chúa đi trước chúng ta và hiện diện trong cuộc sống của những người xung quanh chúng ta, những người chia sẻ cuộc sống hàng ngày, nơi ở, công việc, khó khăn và hy vọng của chúng ta”.
8. Hãy thương xót (vì bạn cần được xót thương)
Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần phải có lòng thương xót đối với người khác bởi vì chúng ta cũng cần được xót thương và chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên lòng thương xót.
“Vậy tôi xin các bạn hãy tái khám phá những việc làm thương xót về mặt thể lý: cho kẻ đói ăn; cho kẻ khát uống; cho kẻ rách rưới ăn mặc; viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; cho khách đỗ nhà; chuộc kẻ làm tôi; và chôn xác kẻ chết. Đồng thời, chúng ta cũng đừng coi thường những việc làm thương xót về đàng thiêng liêng: lấy lời lành mà khuyên người; mở dậy kẻ mê muội; yên ủi kẻ âu lo; răn bảo kẻ có tội; tha kẻ dể ta; nhịn kẻ mất lòng ta; và cầu cho kẻ sống và kẻ chết”.
Đức Thánh Cha giải thích:
“Như bạn có thể thấy, lòng thương xót không chỉ bao hàm việc trở thành một ‘người tốt cũng không phải chỉ là sự đa cảm. Nhưng lòng thương xót là thước đo tính xác thực của chúng ta với tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu, và tính khả tín của chúng ta với tư cách là Kitô hữu trong thế giới ngày nay”.
“Lòng thương xót của Thiên Chúa là sự giải thoát và là hạnh phúc của chúng ta. Sống trong lòng thương xót, và vì thế, chúng ta không thể không có lòng thương xót. Lòng thương xót là không khí mà chúng ta hít thở nên đừng trở nên quá nghèo nàn để có thể đặt ra bất kỳ điều kiện nào. Chúng ta cần phải tha thứ vì chúng ta cần được thứ tha”.
9. Chúng ta chỉ có thể mang lên Thiên đàng những gì mình đã chia sẻ với người khác
“Bạn không thể làm tôi hai chủ: Thiên Chúa và tiền của”, Đức Thánh Cha lặp đi lặp lại nhiều lần trong chương thứ IV, có tiêu đề “Hạnh phúc không phải chỉ là sống qua ngày”. Ngài mời gọi chúng ta đừng đặt tất cả sự an toàn của mình vào của cải trần thế.
“Một tâm hồn xao xuyến vì ham muốn của cải là một con tim đầy khao khát của cải nhưng trống rỗng về Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu thường cảnh báo những người giàu có, bởi vì họ rất mạo hiểm khi đặt sự an toàn của mình vào của cải thế gian này, trong khi đó, sự an toàn, sự an toàn tối hậu, là ở nơi Thiên Chúa”.
“Nếu mỗi người chúng ta làm giàu không phải cho riêng mình mà là để phục vụ người khác, thì trong trường hợp này, trong hành động liên đới này, sự quan phòng của Thiên Chúa trở nên hữu hình. Nhưng nếu một người chỉ tích lũy cho riêng mình, thì điều gì sẽ xảy ra khi họ được Thiên Chúa gọi ra khỏi đời này? Chẳng ai có thể mang theo tài sản của mình, bởi vì – như bạn biết đấy – tấm khăn liệm không có túi! Chia sẻ luôn luôn tốt hơn, vì chúng ta chỉ có thể mang theo mình lên Thiên đàng những gì chúng ta đã chia sẻ với người khác”.
10. Mỗi ngày hãy nhớ rằng Thiên Chúa yêu thương bạn
Đức Thánh Cha nhấn mạnh:
“Thiên Chúa yêu chúng ta nhiều đến nỗi Ngài vui mừng và hài lòng về chúng ta. Ngài yêu chúng ta bằng tình yêu nhưng không, nghĩa là một tình yêu vô hạn và không mong được đền đáp.
Sự thật tiên quyết mà tôi muốn nói với từng người trong các bạn là: ‘Thiên Chúa yêu thương bạn’. Dù bạn đã nghe hay chưa về điều này thì cũng không có gì khác biệt. Tôi muốn nhắc bạn về rằng: Thiên Chúa yêu thương bạn. Đừng bao giờ nghi ngờ điều này, bất kể điều gì có thể xảy đến với bạn trong cuộc sống. Trong mọi khoảnh khắc, bạn đều được Thiên Chúa yêu thương vô hạn”.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (15. 06. 2023)
Tin tức liên quan khác
Thứ Năm tuần 2 mùa Chay (Lc 16,19-31)
Buổi phỏng vấn của Đức Thánh Cha với chương trình “60 Minutes”
Đại Hội Giới Trẻ Giáo Hạt Kỳ Anh Lần Thứ VI – Năm 2023
Đức Thánh Cha: Đừng để nhà thờ bị mất bầu khí cầu nguyện
Dòng sự kiện Đức Thánh Cha tông du Mông Cổ từ ngày 31.08 đến 04.09.2023
Hội nghị thường niên Hội đồng Giám Mục kỳ I/2024: Ngày I
Thượng Hội đồng: Chứng từ về Sứ mạng Kỹ thuật số trong Phiên họp khoáng đại thứ VIII
Ủy ban Giáo lý Đức tin thông báo về Đại hội Giáo lý toàn quốc lần VI (2023)