“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời,
thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời”. (Mt 10,32)
BÀI ĐỌC I: Gr 20, 10-13
“Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ”.
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ta đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng: “Người này gieo khủng bố khắp nơi: Hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó”. Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: “Ước gì nó bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó”. Nhưng Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt sức: Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ quên được. Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Đấng xét xử người công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù nó cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa. Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 68, 8-10. 14 và 17. 33-35
Đáp: Lạy Chúa, xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi (c. 14c).
Xướng:
1) Sở dĩ vì Chúa mà con chịu nhục, và thẹn thò làm nhơ nhuốc mặt con. Con bị những người anh em coi như khách lạ, bị những người cùng con một mẹ xem như kẻ ngoại lai. Sự nhiệt tâm lo việc nhà Chúa khiến con mòn mỏi, điều tủi nhục người ta nhục mạ Chúa đổ trên mình con. – Đáp.
2) Nhưng, lạy Chúa, con dâng lời nguyện cầu lên Chúa, ôi Thiên Chúa, đây là lúc biểu lộ tình thương. Xin nhậm lời con theo lượng cả đức từ bi, theo ơn phù trợ trung thành của Chúa. Lạy Chúa, xin nhậm lời con vì lòng khoan nhân trắc ẩn, theo lượng cả đức từ bi xin nhìn đến tấm thân con. – Đáp.
3) Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân Người bị bắt cầm tù. Hãy ngợi khen Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 5, 12-15
“Không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Trước khi có lề luật, đã có tội trên thế gian; nhưng tội không bị bắt lỗi, khi không có lề luật. Nhưng từ Ađam cho đến Môsê, sự chết ngự trị cả trên những kẻ không phạm tội giống như sự lỗi phạm của Ađam, hình ảnh của người đến sau.
Nhưng không phải như tội phạm thế nào, thì ơn ban cũng thế ấy đâu, vì nếu do tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ơn nghĩa của Thiên Chúa và ân huệ ban do ơn một người là Đức Giêsu Kitô, làm cho nhiều người được ơn dư đầy hơn bội phần.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mt 10, 26-33
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: “Các con đừng sợ những người đó, vì không có gì che giấu mà không bị thố lộ; và không có gì kín nhiệm mà không hề hay biết.
Ðiều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà.
“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn: Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục.
Nào người ta không bán hai chim sẻ với một đồng tiền đó sao? Thế mà không con nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến.
Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần.
“Vậy ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ tuyên xưng nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời.
Còn ai chối Thầy trước mặt người đời, thì Thầy sẽ chối nó trước mặt Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời”.
Bài giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Ðiều Ðức Giêsu mong muốn nơi các môn đệ trong khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, là phải mạnh dạn can đảm trước những đe dọa của người đời. Phải tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Vì Người hằng quan tâm săn sóc chúng ta. Chúng ta không sợ hãi, thất vọng trước những bắt bớ của người đời. Chỉ có Thiên Chúa là Ðấng chúng ta phải sợ vì Người có quyền lấy mất sự sống đời đời khỏi chúng ta. Nhưng Người cũng là người Cha đầy lòng nhân ái, thế nên chúng ta cứ an tâm.
Là những người tin và đi theo Chúa Giêsu, mỗi tín hữu chúng ta phải nối tiếp sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn thử thách. Chúng ta hãy can đảm tin tưởng vì Chúa luôn ở bên chúng ta.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con niềm tin, sức mạnh và khôn ngoan để chúng con trở thành chứng nhân loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa cho mọi người chung quanh chúng con, bằng cách sống tin tưởng, phó thác cho Chúa trong sự vui tươi và bình an. Amen.
Ghi nhớ :“Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác”.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống…)
Chúa Giêsu tiếp tục dạy các tông đồ về sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Ngài báo trước là người tông đồ sẽ bị bách hại nhưng khuyến khích họ đừng sợ, vì những lý do sau:
– Lý do thứ nhất: khi chịu bách hại là họ được vinh dự chia sẻ thân phận của Thầy mình (cc 24-25 đoạn phía trước).
– Lý do thứ hai: những kẻ bách hại chỉ giết được thân xác nhưng không giết được linh hồn họ.
– Lý do thứ ba: người tông đồ còn được Chúa bảo vệ, bất cứ điều gì xảy đến cho họ cũng nằm sẵn trong kế hoạch quan phòng của Chúa.
– Lý do thứ tư: nếu họ vẫn trung thành và can đảm thì họ sẽ được phần thưởng là Chúa sẽ tuyên bố nhận họ là người của Ngài.
B- Suy gẫm (…nẩy mầm)
1. Khi thực sự yêu thương ai, người ta sẽ lấy làm sung sướng được chịu khổ vì người mình yêu. Các tông đồ đã sung sướng như thế (x. Cv 5,40-41). Xin cho con thêm tình yêu Chúa, đến độ cảm thấy vui mừng được chịu khổ vì Chúa.
2. “Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy rằng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ thì Thầy rằng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy đấng ngự trên trời”: Ta tuyên bố nhận Chúa bằng một cuộc sống đạo mạnh dạn không sợ dư luận, bằng cách tận dụng những cơ hội tốt để nói về Chúa cho người khác hiểu, và bằng cách chọn lựa coi trọng những giá trị siêu nhiên hơn những giá trị tự nhiên.
3. Một người kia nói chuyện với Chúa về những giá trị. Anh hỏi Ngài:
– Giá trị một phút ở trên trời là bao nhiêu ?
– Một tỷ năm.
– Giá trị một xu trên trời là bao nhiêu ?
– Một tỷ đô la.
– Anh liền xin: “Ngài có thể cho tôi một xu ?”
– Chúa nói: “Đợi một phút”. (Góp nhặt)
4. Một sĩ quan người Anh có đức tin mạnh mẽ cùng gia đình xuống tàu để phục vụ ở một xứ xa. Tàu rời bến được vài ngày thì gặp bão. Mọi người rất sợ, nhưng vợ viên sĩ quan sợ hơn cả, còn ông thì bình thản như chẳng có gì xảy ra. Vợ ông trách là ông không quan tâm gì đến an nguy của vợ con. Ông không nói nhiều, vào phòng rồi quay trở ra với một thanh kiếm trong tay. Ông gí mũi kiếm vào ngực vợ. Lúc đầu bà tái mặt nhưng liền sau đó bỗng cười lớn tiếng không tỏ gì là sợ hãi nữa.
– Làm sao em có thể cười khi anh gí mũi kiếm vào ngực em ?
– Làm sao em sợ được khi lưỡi kiếm ấy ở trong tay một người rất thương em!
– Vậy tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Cha anh là người hằng yêu mến anh ? (Góp nhặt)
5. Nữ bác sĩ Sheila Cassidy đến nước Chilê làm việc phục vụ cho dân nghèo. Một hôm cô trị bệnh cho một lãnh tụ phe đối lập. Chính quyền biết chuyện nên bắt giam cô. Cô đã thuật lại như sau: “… Sau 4 ngày bị giam cầm và tra tấn, họ để tôi một mình trong phòng giam… Nhưng lạ thay, tôi không cảm thấy cô đơn và buồn chán, trái lại còn cảm thấy vui nữa, vì tôi biết có Chúa ở với tôi”. Bác sĩ Sheila đã cảm nghiệm được điều Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Chúng con đừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác mà không giết được linh hồn chúng con”.
Hãy tự hỏi bạn sợ điều gì nhất trong đời ? Và bạn sẽ nói gì với Chúa về nỗi sợ đó ?
6. “Lạy Chúa, con không xin Chúa cho con khỏi bị đau khổ, mà chỉ xin Chúa đừng bỏ con một mình trong lúc khổ đau”. (Thánh nữ Bernadette Soubirous)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa không gọi chúng con là tôi tớ, Chúa cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ. Chúa còn coi chúng con như bạn hữu của Chúa, vì Chúa đã thổ lộ cho chúng con những điều riêng tư thầm kín nhất trong tương quan giữa Chúa và Chúa Cha.
Chúa không ngừng nêu câu hỏi: Con bảo Thầy là ai ?
- Chúa là Đấng không ngừng kiếm tìm con, mà con vẫn thờ ơ.
- Chúa là Đấng đang cầu nguyện trong con cả đêm lẫn ngày mà con chẳng hay biết.
- Chúa là Đấng yêu thương con mãi mãi trong cuộc đời, dù con bất xứng.
Xin cho con biết mạnh dạn tuyên xưng niềm tin và dấn thân theo Chúa đến cùng.
Lạy Chúa, hôm nay cũng là Chúa Nhật ngày của cha.
Xin Chúa soi sáng, để con đừng bao giờ phải hối hận ăn năn vì những bận rộn cuộc sống, mà quên đi sự hiện diện của cha mẹ con trên cuộc đời này khi mọi sự không quá muộn màng.
Xin cho con luôn nhớ rằng: Trên đời này: “Không có người cha hoàn hảo, mà chỉ có người cha luôn dành yêu thương hoàn hảo nhất cho những đứa con của mình”. Chính nhờ tình thương hoàn hảo đó, mà con nhận ra Chúa là Người Cha Hoàn Hảo Tuyệt Đối.
Xin thương đến phận người yếu đuối của những người cha, mà chúng con nhớ đến trong ngày Chúa Nhật hiền phụ này, và ban cho người được an hưởng phúc lộc dành cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. Amen.
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
NGƯỜI TÔNG ĐỒ NHIỆT THÀNH
A. DẪN NHẬP
Các bài đọc của tuần 11 mời gọi các Kitô hữu hãy trở nên sứ giả Tin mừng, đem ơn cứu rỗi của Chúa đến cho mọi người. Tuần này, Chúa báo trước cho chúng ta rằng muốn làm tông đồ của Chúa phải can đảm, vững tâm, đừng sợ trước những gian nan thử thách. Nếu Chúa là Chủ và là Thầy mà người ta còn xử tàn tệ như thế, thì chúng ta, những tôi tớ, những môn đệ của Chúa cũng không tránh khỏi con đường đó. Nhưng Chúa khuyên chúng ta đừng lo âu sợ hãi vì Thiên Chúa quan phòng luôn nâng đỡ, che chở và hộ phù mọi sứ giả của Chúa. Hãy có một đức tin vững vàng và một đức cậy sáng suốt mà hành động, và phần thưởng của chúng ta đang chờ nếu biết xưng Chúa ra trước mặt thiên hạ.
Người ta thường nói: “Bất nhập hổ huyệt an đắc hổ tử”: không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con. Muốn đem Tin mừng đến cho người khác thì người tông đồ phải biết dấn thân và dấn thân cũng gần có nghĩa như liều mạng. Thánh Phaolô là gương mẫu của sự dấn thân. Ngài không nề quản những khó khăn vất vả, những gian nan thử thách, ngay cả đến tính mạng của mình vì ngài luôn tâm niệm: “Khốn cho tôi nếu không rao giảng Tin mừng”. Các thánh Tông đồ cũng đã dấn thân rao giảng Tin mừng và kết cục là đã nhận lấy cái chết vì Chúa.
Chúa Giêsu luôn nhắc nhở cho chúng ta cái tư tưởng là “Đừng sợ”. Chúng ta có thể tìm thấy từ ngữ “đừng sợ” 365 lần trong Thánh kinh. Người Tông đồ chỉ có thể tìm được sự can đảm nếu biết tin cậy phó thác cho Chúa. Chính Ngài sẽ ban ơn đầy đủ, để chúng ta có thể hoàn thành sứ mạng đã được giao phó. Qua kinh nghiệm, thánh Phaolô đã khẳng định được tư tưởng trên khi ngài nói: “Omnia possum in eo qui me confortat”: tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Gr 20, 10-13
Tiên tri Giêrêmia là một con người đau khổ triền miên. Ông đã lãnh nhận nhiệm vụ tuyên sấm cho người Do thái, một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm: Ông phải vạch tội của dân và cảnh cáo rằng Chúa sẽ trừng phạt họ. Vì thế, dân chúng thù ghét ông và nhiều lần tìm cách hãm hại ông.
Suốt ngày, Giêrêmia bị coi là trò hề cho họ nhạo báng sỉ nhục, đến nỗi ông phải kêu lên: Ôi, hành hung, ức hiếp… nhưng Thiên Chúa đã ở với ông như tướng quân oai hùng (Gr 20, 7-8). Nhờ thế ông càng tin tưởng vững mạnh, cầu nguyện và ca tụng Thiên Chúa… Ông tiếp tục công bố sứ điệp vừa bằng lời nói, vừa bằng đời sống.
+ Bài đọc 2: Rm 10, 226-33
Bài đọc 2 hôm nay chỉ là chủ đề phụ, không hoàn toàn ăn khớp với bài đọc 1 và bài Tin mừng, theo đó, thánh Phaolô dạy chúng ta rằng: nếu vì liên đới với nguyên tổ Ađam mà chúng ta phải mang tội và phải chết, thì nhờ kết hợp với Đức Kitô, chúng ta sẽ được lãnh nhận ân sủng và sự sống.
Ân sủng của Thiên Chúa thì lớn lao hơn tội lỗi và sự chết là lương bổng của tội lỗi, khiến cho tội của Adam trở nên “Tội hồng phúc” (bài Exsultet) vì nhờ đó mà Ngôi Hai Thiên Chúa mới xuống thế làm người và ở cùng chúng ta.
+ Bài
Tin mừng: Mt 10, 26-33
Bài Tin mừng hôm nay tiếp nối bài Tin mừng tuần trước: Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng, nhưng đồng thời Ngài cũng phải khuyến cáo họ rằng rao giảng Tin mừng không phải là một chuyện dễ dàng, phải dùng đến nội lực, phải can đảm và vững lòng trông cậy trước những khó khăn chồng chất, ngay cả khi bị hãm hại.
Đừng sợ! vì Chúa quan phòng luôn ở bên cạnh để che chở. Đừng sợ vì Cha trên trời đã lưu ý đến cả những con chim chẳng đáng giá gì, cả từng sợi tóc trên đầu từng người. Chúa đã dựng nên tất cả, săn sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn những thứ bé nhỏ như thế, huống chi đối với các tông đồ của Chúa. Ngoài ra, Chúa còn hứa ban thưởng cho những ai dám tuyên xưng Chúa ra trước mặt thiên hạ.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Chân dung người tông đồ
Bản chất của Kitô hữu là truyền giáo. Mọi người phải trở thành sứ giả Tin mừng. Sứ mạng thì cao quý, nhưng thực thi sứ mạng đó rất cam go, việc rao giảng đòi hỏi nơi người tông đồ một số đức tính mà thiếu nó thì không thành công. Dựa theo bài Tin mừng hôm nay, chúng ta cho rằng muốn thành công trong việc rao giảng, người tông đồ phải có 3 đức tính sau đây:
I. NGƯỜI TÔNG ĐỒ PHẢI DẤN THÂN
Đứng trước những công việc khó khăn, ai cũng thấy ái ngại. Những khó khăn trong việc rao giảng Tin mừng không phải là tình cờ hay do may rủi, nhưng đã được Chúa Giêsu báo trước: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10, 16). Con chiên sẽ là mồi ngon cho bầy sói, nguy cơ bị ăn thịt luôn rình rập. Người tông đồ phải sống hiền lành như con chiên, sẵn sàng hy sinh tất cả cho Tin mừng.
Chúa Giêsu cũng còn cho biết: số phận của tông đồ là bị bách hại, vì nếu Chúa Giêsu mà còn bị bách hại thì làm sao họ lại tha các môn đệ? Vì thế, Chúa đã dặn trước: “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em; anh em chưa đi hết các thành của Israel, thì Con Người đã đến. Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi” (Mt 10, 23-24).
Bài đọc hôm nay cũng cho biết tiên tri Giêrêmia phải loan báo cho dân biết những hình phạt mà Thiên Chúa sẽ trút xuống dân. Những lời loan báo này chẳng hay ho gì đối với dân, lại làm cho họ bực mình, nên họ đã chống đối ông, hành hạ ông và muốn giết ông (x. Gr 20, 10-11). Các tông đồ nhận trách nhiệm đi rao giảng lời Chúa cho muôn dân, cũng bị người ta chống đối, hành hạ và giết chết. Các ông đã phải dấn thân vào chỗ nguy hiểm. Số phận các ông cũng giống như Chúa Giêsu.
Những Kitô hữu đầu tiên rất ý thức về sự quan trọng của việc truyền bá đức tin. Họ mang trong lòng lời dặn dò của Chúa Giêsu trước khi về trời là hãy rao giảng Tin mừng cho đến tận cùng trái đất. Tuy nhiên, loan báo Tin mừng một cách công khai đã không phải là một chuyện dễ dàng, bởi vì, trong thời gian đó, nhiều cộng đoàn Kitô hữu đã bị bách hại. Giữa những người Do thái, nhiều người xem những người chuyển sang Kitô giáo như là những kẻ phản bội, và tìm cách loại trừ. Làm chứng đức tin trong thời kỳ này, đôi khi là liều mạng sống. Chính vì thế mà một vài người bị cám dỗ sống âm thầm, kín đáo, không dám lên tiếng.
Thánh Phaolô là gương mẫu của sự dấn thân trong việc rao giảng Tin mừng. Ngài nói: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. Vì vậy, Ngài đã lên đường truyền giáo bất chấp mọi nguy hiểm đang rình chờ. Trong thư gửi cho tín hữu Côrintô ngài đã cho biết về một số nguy hiểm đã phải trải qua: 5 lần bị đánh 39 trượng, 3 lần bị tra tấn, một lần bị ném đá, 3 lần bị đắm tàu một ngày một đêm (2Cr 12, 24-25). Ngài phải được gọi là chiến sĩ của Tin mừng, anh hùng của đức tin, của lòng nhiệt thành, bất chấp mọi gian nan thử thách, bởi vì:
Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai (Nguyễn Bá Học)
Chúa muốn cho các Tông đồ của Ngài phải yêu mến Ngài và dấn thân trọn vẹn trên con đường rao giảng Tin mừng. Ta thấy khi cưới nhau thì hai người nam nữ hứa hiến thân cho nhau suốt đời. Khi khấn dòng: con hứa với Chúa sống khó nghèo, vâng lời và khiết tịnh. Khi lãnh chức linh mục: con có muốn tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa vì phần rỗi mọi người không? – Thưa con muốn.
Một sự dấn thân trọn vẹn: Chúng ta cùng nhau sống mãi tới già. Đó là một trong những điều cao cả của cuộc sống con người. Những kẻ ngại ngùng dấn thân trọn vẹn sẽ chỉ có một đời sống nghèo nàn (André Sève, Sương mai, tr 77).
II. NGƯỜI TÔNG ĐỒ PHẢI CAN ĐẢM: ĐỪNG SỢ
Con người không biết sợ được coi là một người can đảm. Nói theo kiểu bình dân, người ta gọi đó là người “có gan cóc tía”. Con người dám liều mạng vì lý tưởng cao cả, không gì có thể lay chuyển được chí khí của họ, không khó khăn nào có thể làm cho họ chùn bước hay bỏ cuộc. Tấm gương sáng lạn của thánh Phaolô tông đồ đã chứng tỏ điều đó. Cuộc hành trình truyền giáo của Ngài đã phải trải qua những bước thăng trầm, nhưng không gì làm cho ngài chùn bước:
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong,
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên đấng phi thường đâu đấy tỏ (Nguyễn Công Trứ)
Nhưng bình thường, con người có nhiều nỗi lo sợ: sợ khổ, sợ chết, sợ thất bại, sợ cô đơn, sợ dấn thân v.v… Cái sợ làm tê liệt con người: không có sức làm việc, không suy nghĩ sáng suốt, không giải quyết được tình huống… Ngay cả những người làm việc tông đồ cũng không tránh khỏi nỗi sợ: sợ không đủ khả năng, sợ người ta không nghe mình, sợ bị chống đối bởi những người không có thiện cảm với Tin mừng… Vì sợ như thế nên có người không dám mạnh dạn rao giảng, có người trốn tránh sứ mạng.
Trong bài Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cũng bảo cho các tông đồ: “Đừng sợ”. Ngài đã thấy trước bao nhiêu gian nan khốn khó đang chờ đón các ông khiến các ông nản lòng. Hãy can đảm lên vì đã có Chúa ở bên. Các ông hãy nhớ lại lần vượt biển bị sóng gió đánh tơi bời, tưởng chừng thuyền chìm tới nơi. Nhưng Chúa Giêsu đã can thiệp, sóng gió phải vâng lời Ngài, biển lại trở nên tĩnh lặng như tờ. Ngài khuyên bảo các ông một mặt dựa vào Chúa, một mặt cứ vững tay chèo lái con thuyền đời mình:
Chớ thấy sóng cả mà lo,
Sóng cả mặc sóng, chèo cho có chừng (Ca dao)
Chúa Giêsu bảo: “Đừng sợ vì không có gì che giấu mà sẽ không bị tỏ lộ ra, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết”. Ý nghĩa trong câu này là chân lý sẽ thắng. Châm ngôn La tinh có câu: “Chân lý là vĩ đại và chân lý sẽ thắng”. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hay nhắc đến đề tài này trong các huấn dụ của ngài.
Khi vua Giacôbê VI hăm dọa treo cổ hoặc lưu đầy André Meville, ông khảng khái đáp: “Vua không thể treo cổ hoặc lưu đầy chân lý”. Khi Kitô hữu chịu khổ và hy sinh, thậm chí chết vì đạo, thì phải nhớ rằng một ngày kia mọi sự được phơi bày, lúc đó quyền lực của kẻ bách hại và sự anh dũng của người theo Chúa sẽ được minh giải và mỗi người nhận đúng phần công của mình.
Người tông đồ nói điều mình đã nghe Chúa Giêsu và phải nói lại dù phải chuốc lấy oán ghét của người đời, thậm chí có thể toi mạng. Người đời không ưa chân lý vì “chân lý như ánh sáng chiếu vào mắt đau” (Diogène). Một lần giáo sĩ Latimer đang giảng, có cả vua Henri dự, ngài biết mình sắp nói một điều vua không ưa. Ở trên tòa giảng ngài nói lớn như nói với chính mình: “Latimer, Latimer, Latimer, coi chừng điều ngươi nói, có vua Henri đấy”. Kế đó, ngài ngưng, rồi nói tiếp: “Latimer, Latimer. Latimer, coi chừng điều ngươi nói, có Vua của các vua đang ở đây”.
Người giảng đạo đem một sứ điệp nói cho loài người, nhưng phải nói trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi chôn Gioan Knox, người ta nói về ông: “Đây là nơi yên nghỉ của một người kính sợ Thiên Chúa đến nỗi không bao giờ sợ hãi trước mặt loài người”.
Chứng nhân Kitô là người không biết sợ, vì biết sự phán xét đời đời sẽ điều chỉnh sự phán xét tạm thời. Người truyền giảng là người lắng nghe cách cung kính, và nói với lòng can đảm, vì xác tín rằng vô luận nghe nói đều ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa.
Các tín hữu thời sơ khai đã gặp bao nhiêu khó khăn, nhưng họ tỏ ra luôn vững tin, không nao núng trước những thử thách. Sử gia Tertullianô đã viết về họ:
“Những người tin theo Chúa được mệnh danh là Kitô hữu. Kitô hữu (Christianus) nghĩa là thuộc về Chúa Kitô, nên họ đã phải có một tâm tình như Chúa Kitô. Họ không sợ chết. Họ không sợ hình khổ. Họ không sợ bách hại, tại vì họ đã đi cùng một đường với Chúa. Câu ‘Kẻ muốn theo Ta phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo’ đã thấm nhập vào tâm hồn họ, nên mỗi khi phải đau khổ, cũng như bị bách hại, cũng như bị cấm cách, câu nói ấy lại đến với họ như chính Đấng Kitô hiện hình. Hèn gì mà trên tín trường họ coi gươm giáo như hoa hồng, coi lý hình như bạn hữu. Họ chỉ sợ một Thiên Chúa – Đấng sẽ phán xét họ, nếu họ đi chệch đường”.
Người làm tông đồ phải được huấn luyện, tập cho mình biết hy sinh chịu đựng mà không kêu ca phàn nàn. Người làm tông đồ hãy theo cách huấn luyện thanh niên ở thành Spartes: Hằng năm, một số trẻ em thành Spartes cử hành lễ CHỊU ĐỰNG, các em phải chịu đựng cho roi quất vào mình, máu chảy, thịt rách, nhưng không được thối chí hay khóc lóc. Châm ngôn của họ là đau không khóc, đói không than. Ngoài ra, các em phải tự mưu sinh ở trong rừng một thời gian, chiến đấu với thú rừng để sinh tồn.
Chớ gì người tông đồ tỏ ra kiên trung, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để một lòng một dạ theo chân Chúa dù phải đòn vọt, gông cùm hoặc phải nhận lấy cái chết:
Chân xiềng cổ lại đeo gông,
Chết anh anh chịu, anh không buông nàng (Ca dao)
Truyện: Gương can đảm
Các vị Truyền giáo đã kể lại một nhân chứng đức tin như sau:
Ghèssèssén là một bé trai Ethiopie 12 tuổi, tính tình luôn vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Em thuộc một gia đình quí tộc lâu đời trong tỉnh Agamie. Ba em, thủ lãnh và khô khan. Ông không bao giờ chấp nhận kẻ khác bất tuân lời ông hoặc chống lại ông.
Lớn lên em được học ở trường Công giáo Gouala. Tâm hồn em đã bị đánh động bởi các nghi lễ, các lời giảng dạy của các vị Truyền giáo, nhất là gương sống đạo của các em Công giáo sáng nào cũng đi dự lễ, rước lễ. Em rất thích đạo Công giáo, ước ao được rước lễ. Nhưng các Cha Thừa Sai chưa cho em nhập đạo, vì cần chờ ý kiến của ba má em.
Ngày nọ, em bị ba gọi về. Em hứa với chúng tôi sẽ trở lại ngay ngày hôm sau. Nhưng em đã không xuất hiện lại mấy ngày nay. Chúng tôi đã nghĩ người ta đã dùng vũ lực để giữ em lại. Tệ hơn người ta bắt em từ chối ý muốn theo đạo. Và đây là câu chuyện mà em đã kể cho chúng tôi:
Con đến gặp ba con, cùng đi với con có mẹ con. Ông ôm hôn con, và con hôn đầu gối ba theo như tập tục ở xứ con. Lúc ấy, ông nói với một giọng vuốt ve:
– Ta và mẹ đã quyết định cưới vợ cho con, ta chỉ yêu cầu con một chữ: “Dạ”.
Con đã trả lời: – Không.
Cha con nói gằn giọng: – Mày nói gì?
– Con nói “Không”, vì con muốn được học ở nơi các Cha cố.
– Im đi! Ta muốn mày cưới vợ. Biết đâu mày còn muốn theo đạo Công giáo!
– Thưa cha, con đã là Công giáo trong tâm hồn rồi.
Nghe các lời này, ông nổi cơn tam bành, hét to:
– Đồ bị chúc dữ! Mày, con của Rèdada, lại muốn trở thành Công giáo! Ta thích mày chết đi còn hơn!
Ông nghiến răng, nắm tay đấm. Ông dữ tợn và hung hăng như một con sư tử. Dì con và các binh lính la to: “Phải phạt nó”.
Mẹ con thì im lặng. Ba con lặp lại:
– Hãy bỏ tôn giáo đó đi! Nếu không, tao giết mày như một con vật.
– Con không thể bỏ đạo thánh được, thà chết còn hơn. Ba là ba của thân xác con, nhưng chính Chúa là Cha của linh hồn con.
Thế là một trận đòn với biết bao lằn roi cây, roi da hà mã bủa lên thân xác con rất đau đớn do ba con và các lính của ông đánh đập. Cuối cùng, đao phủ của con thấm mệt và dừng tay.
Ba con lại hỏi một lần nữa: – Có bỏ đạo Công giáo không?
Con trả lời: – Không, thà chết…
Trải qua mấy ngày liền, bị đánh đập, cho ăn thiếu thốn, trói buộc. Ba con vẫn giữ vững lập trường bắt con bỏ đạo. Ông hứa hẹn, dụ dỗ, đe dọa… Nhưng tất cả đều vô ích!
Ngày 7/9 vọng lễ Sinh nhật Đức Mẹ, cậu can đảm nói với ba cậu: – Cho con đến Gouala, nhà các cha.
Vị thủ lãnh Rèdada không còn biết làm gì khác. Ông đồng ý. Trời còn chưa sáng, em đã hăm hở lên đường về lại Gouala. Một niềm vui lớn lao cho em và cho chúng tôi. Chúng tôi băng bó các vết thương cho em. Em thành khẩn lặp lại ý muốn chịu phép Rửa tội và Rước lễ. Em nói:
Các cha còn sợ con trở thành kẻ chối đạo nữa sao? Xin đừng sợ! Con sẽ không phản bội Chúa Giêsu của con đâu! Vì Ngài, con sẵn sàng dâng cả mạng sống con.
III. NGƯỜI TÔNG ĐỒ LUÔN TRÔNG CẬY VÀO CHÚA
Trên bước đường truyền giáo, người tông đồ không còn biết trông cậy vào ai, chỉ còn biết trông cậy vào sự quan phòng của Chúa. Tuy không thấy Chúa nhưng phải tin rằng lúc nào cũng có cánh tay của Chúa đang hướng dẫn và hộ phù.
Người phó thác vào Chúa quan phòng tin rằng Chúa luôn hiện diện bên cạnh con người trong mọi tình huống: “Ta hằng ở với con” (Gr 1, 10) hoặc “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 26, 20).
Người tín thác vào Chúa luôn tin rằng Chúa có kế hoạch của Ngài và không có gì xẩy ra ngoài kế hoạch của Thiên Chúa: “Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi” (bài Tin mừng hôm nay). Người phó thác cho Chúa xác tín rằng Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con. Một người cha tốt lành lo cho con tất cả, đem đến cho con những gì tốt lành nhất: “Cha chúng con trên trời thừa biết chúng con cần gì” (Mt 6, 32).
Truyện: Mối dây liên lạc với Thiên Chúa
Một em bé chơi diều, thả con diều lên cao đến độ con diều trở nên như một chấm nhỏ khó có thể trông thấy được. Thấy tay em cầm đầu dây và mặt cứ ngước lên trời, một người qua đường hỏi em:
– Em đang làm gì vậy?
Em bé trả lời:
– Cháu đang chơi thả diều.
Người kia ngạc nhiên hỏi tiếp:
– Diều đâu, tôi không thấy gì ở trên trời cả.
Em bé thưa lại:
– Bác không trông thấy, nhưng cháu chắc chắn là con diều của cháu đang ở trên đó, vì cháu còn giữ được đầu dây trong tay cháu đây mà.
Thiên Chúa cũng thế, người ta không trông thấy Ngài, nhưng có thể cầm được những mối dây, để cảm được sự hiện diện và tình yêu thương của Ngài (Hạt giống âm thầm, tr 196).
Chúng ta hãy tiếp tục triển khai lòng tin cậy vào Thiên Chúa. Hãy tìm hiểu câu nói đầy ý nghĩa này:
Thiên Chúa đóng kín cửa chính thì Ngài mở ra cửa sổ.
Đây là câu nói diễn đạt kinh nghiệm sống của đạo sâu xa. Thiên Chúa đóng kín cửa chính đó là khi chúng ta gặp thử thách, đau khổ, không còn có thể nhìn thấy ánh sáng, sự hiện diện đầy quan phòng của Thiên Chúa. Đó là khi Thiên Chúa xem ra như bỏ rơi, mặc ta đương đầu với thử thách khó khăn. Lúc đó chúng ta nhớ rằng: Thiên Chúa Ngài sẽ mở ra cửa sổ, mở ra một lối thoát, một giải đáp, một hướng đi mới cho cuộc đời chúng ta.
Thiên Chúa đóng kín cửa chính nhiều lần trong cuộc đời mỗi người, nhưng đồng thời Ngài cũng mở ra những cửa sổ, để hướng chúng ta đến một điều tốt đẹp hơn, và trước đó ta không ngờ những kinh nghiệm đau thương tiêu cực, mà ta gặp phải trong cuộc đời, đôi khi đó là tiếng nói của Thiên Chúa, để mời gọi ta bước ra một hoàn cảnh không tốt đẹp, để chuẩn bị ta sẵn sàng đón nhận những hồng ân mới.
Nhìn lại cuộc sống, có thể mọi người chúng ta sẽ cảm nghiệm được những giây phút, Thiên Chúa như đóng kín cửa chính, nhưng đồng thời Ngài cũng mở ra những cửa sổ, những viễn tượng mới tốt đẹp hơn cho cuộc đời chúng ta.
Khi Thiên Chúa đóng kín cửa chính, thì Ngài sẽ mở ra cửa sổ, chúng ta hãy nhìn trong những biến cố đau thương, tiêu cực xảy ra trong cuộc đời, với tinh thần tích cực lạc quan và sự tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa. Chính những lúc ta gặp thử thách đen tối, là lúc ta cần tin tưởng phó thác vào Chúa nhiều hơn nữa. Hãy ngắm nhìn thấy những cánh cửa sổ Thiên Chúa mở ra cho cuộc đời mình. Mỗi người chúng ta cần sống trong sự hiện diện của Ngài, cần lưu hướng về Ngài trong việc thực hành cầu nguyện đối thoại với Ngài. Khi gặp thử thách đau thương, chúng ta không nên giảm bớt hay bỏ quên việc cầu nguyện, chạy đến tiếp xúc với Thiên Chúa.
Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.)
Ga 10,26-33
KHÔNG NGOÀI Ý CHA CỦA ANH EM
Trong thời đại tự do tôn giáo được đề cao,
chưa bao giờ Kitô giáo lại bị bách hại nhiều như thời nay.
Đức Phanxicô dám nói Giáo hội thời nay bị bách hại hơn thời kỳ đầu.
Các Kitô hữu bị thù ghét và làm hại vì chính đức tin của họ.
Có nhiều hình thức bách hại khác nhau.
Có khi là đóng cửa hay tấn công, đốt phá các nhà thờ,
bắt gỡ xuống những thánh giá trên cao.
Có khi là làm cho người Kitô hữu không còn đất sống,
bị phân biệt đối xử, đành phải trốn quê hương mà đi.
Có khi Kitô giáo bị coi là sản phẩm của thực dân ngoại lai,
là thành phần đe dọa an ninh của quốc gia dân tộc.
Trong năm 2015, có hơn bảy ngàn Kitô hữu bị giết,
và gần hai ngàn năm trăm nhà thờ bị tấn công.
Tại Pháp, cha Jacques Hamel bị hai người dùng dao đâm chết
khi đang dâng Thánh Lễ tại họ đạo của mình, vào tháng 7-2016.
Ở nhiều nơi trên thế giới, truyền giáo giữa thanh thiên bạch nhật
vẫn còn là một điều bị cấm đoán,
rao giảng công khai trên mái nhà là nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng Đức Giêsu kêu gọi các Kitô hữu đừng sợ.
Cứ nói to những điều mình đã được Thầy dạy dỗ trong nhà,
cứ công bố những gì mình đã nghe Thầy nhỏ to chia sẻ.
Sớm muộn sẽ đến ngày những điều còn ẩn khuất được lộ ra,
những bí mật được vén mở cho người ta biết.
Đức Giêsu còn chỉ cho ta biết ai là người mà ta phải sợ.
Không phải là người chỉ lấy được mạng sống của xác thân,
mà là Đấng có quyền trên cả hồn lẫn xác, đời này và đời sau.
Nhưng Đấng đáng sợ lại là Đấng đáng yêu,
vì Đấng ấy là Người Cha giàu tình thương với mọi loài thụ tạo.
Cả những thụ tạo bé bỏng và tầm thường như loài chim sẻ.
Hai con chỉ đáng một hào, làm cả ngày mua được ba mươi hai con.
Vậy mà không con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha của anh em.
Trên đầu mỗi người có bao nhiêu sợi tóc, chẳng ai biết.
Vậy mà Cha chúng ta biết, vì Ngài đã đếm từng sợi tóc trên đầu.
Vì Cha quý những thụ tạo tầm thường bé nhỏ,
nên chúng ta biết mình có chỗ đặc biệt trong trái tim Thiên Chúa,
và được Cha trân quý hơn chim sẻ bội phần.
Khi tin vào Người Cha ấy, chúng ta được giải phóng khỏi nỗi sợ.
Cái chết đời này chẳng có nghĩa gì so với cuộc sống vĩnh cửu đời sau,
nên người Kitô hữu ca hát an vui ngay giữa nơi hành hình.
Nơi hành hình là nơi làm chứng trước mặt mọi người về Đức Giêsu.
Có những người sợ khi phải nhận mình thuộc về Đức Giêsu.
Phêrô đã chối không biết Thầy Giêsu, không thuộc nhóm của Thầy.
Ông sợ những liên lụy có thể khiến ông gặp rắc rối.
Nhìn nhận hay từ chối có tương quan thân thiết với Ngài,
điều đó ảnh hưởng đến vận mệnh vĩnh hằng của từng người,
Ai nhìn nhận Đức Giêsu sẽ được Ngài nhìn nhận trước mặt Chúa Cha,
và Chúa Cha sẽ nhận người đó vào Nước của Cha trên trời.
Nói chung, chẳng có ai theo Thầy Giêsu mà lại được yên ổn,
vì chính đời Thầy đã kết thúc một cách rất không yên.
Nhưng theo Thầy là bình yên đón nhận thân phận của Thầy.
Không phải chỉ rao giảng về Thầy, mà còn phải sống lời rao giảng đó.
Không phải chỉ công khai tuyên xưng Thầy trên mái nhà,
mà còn để cho tinh thần của Thầy thấm vào toàn bộ cuộc sống.
Mong rằng chẳng có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được ơn khôn ngoan
để con biết sợ điều phải sợ.
Cho con đừng sợ những đe dọa đến thân xác, tiếng tăm,
nhưng biết sợ toàn bộ con người mình bị hư mất vĩnh viễn.
Cho con đừng sợ những kẻ làm hại con ở đời này,
nhưng biết sợ phải xa Đấng yêu con và muốn con hạnh phúc.
Xin giải phóng con khỏi những nỗi sợ đã ăn sâu vào cuộc sống,
những nỗi sợ ngấm ngầm mà chính con không dám thú nhận,
những nỗi sợ khiến con chẳng được tự do an vui,
nhờ đó con dám sống thật sự là mình,
tươi tắn và hồn nhiên, nhẹ nhàng và thanh thản.
Xin dạy con ngắm những bông hoa dại vệ đường
để thấy chúng được điểm trang lộng lẫy.
Xin dạy con ngắm chính mình mỗi ngày,
để thấy vẻ đẹp nơi mình như một quà tặng của tình yêu.
Xin dạy con ngắm đàn chim sẻ ríu rít buổi sáng,
để biết mình chẳng nên quá lo chuyện cơm áo gạo tiền,
nhưng nên phó thác như em thơ ngồi trong lòng mẹ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đặt đời mình trong tay Cha.
Xin cho con cũng đặt đời con trong tay Chúa.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Ngày 16 tháng 10 năm 1978, khi những làn khói trắng tại thành Vatican Rôma bay lên, cả Rôma đổ xô về đền thờ thánh Phêrô và tất cả thế giới hướng về thủ đô của Giáo hội Công giáo. Vị Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo sau Mật Nghị Hồng y đã được bầu lên ngôi. Chuông của các Giáo đường ở Rôma vang rền chào đón một triều Giáo hoàng mới bắt đầu. Ít phút sau, tên của vị Giáo hoàng – Đức Karol Wojtyla với tước vị Gioan Phaolô II được xướng lên, vị Giáo hoàng đến từ sau bức màn sắt, đất nước Balan. Ngài đã bước ra ban công để chúc lành cho thế giới với trách nhiệm kế vị thánh Phêrô, một trong những lời mà Ngài đã ngỏ lời với thế giới: “Đừng sợ và tin vào Chúa Kitô”.
Lời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II xác định rõ tinh thần của Đức Kitô: “Anh em đừng sợ” (Mt 10,26) mà trước đó Đức Kitô nói đến viễn cảnh những người tin sẽ phải đối diện với sự bách hại và thử thách niềm tin (x. Mt 10,17-25). Hãy sống với niềm tin vào Thầy, vào Cha Thầy. Niềm tin biểu lộ bằng sự vượt qua sợ hãi, sợ hãi do những cơn bách hại, sợ hãi do từng cụ thể hoàn cảnh gây cho con người bối rối lo âu…
Suy niệm
Thân phận của con người luôn đối diện với những sự việc hay hoảng hốt sợ hãi, Tin Mừng đã ghi lại một số sự việc như là tiêu biểu của sự sợ hãi của kiếp nhân sinh:
Thấy Chúa đến với mình khi đi trên mặt biển, các tông đồ hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên (Mt 14,26). Thánh Phêrô dù được Chúa cho đi trên mặt biển với Chúa, nhưng trước phong ba bão tố, ông vẫn cứ sợ và chìm dần xuống, Chúa đã có mặt và dẫn dắt ông đi trong bình an (x. Mt 14,29-33)
Các tông đồ có Chúa bên cạnh trong hành trình vượt sóng, phong ba bão tố nổi lên, các ông sợ tàu của mình sẽ bị nhấn chìm, Đức Kitô chỉ ra lệnh một tiếng: Hãy im ngay và trời đất tỏa sáng cảnh thái bình (x. Mc 4,35-41)
Các tông đồ sợ, khi Thầy bị bắt nên đã bỏ trốn đi hết (x. Mt 26,56). Ông Phêrô trước áp lực truy lùng của người Do Thái cũng đã chối Thầy… (x. Mt 26,69-75). Các tông đồ sợ hãi vì thầy đã mất, người Do Thái đang tìm các ông để thanh toán “món nợ” cũ, lại trước tin đồn “các ông lấy xác Thầy rồi loan tin sống lại” làm các ông hoảng loạn, đóng kín cổng cao tường không dám tiếp xúc với ai bên ngoài (x. Ga 20,19). Vì thế, các ông hoang mang, sợ hãi và một số đã bỏ về quê như hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-23).
Tất cả tâm tư sợ hãi nơi các môn đệ là tiêu biểu cho sự sợ hãi của kiếp con người có lẽ mang tâm tư của Isaia đã trải nghiệm: “Lòng tôi dao động, nỗi kinh hãi khiến tôi bàng hoàng. Cảnh chiều tà xưa tôi ưa thích nay trở thành mối lo sợ cho tôi” (Is 21,4).
Giữa muôn nỗi bàng hoàng, lo sợ thì Đức Kitô đã đến mang sứ điệp hy vọng “anh em đừng sợ” vì “anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ”, thánh Ambrôsiô đã khẳng định: “Nếu Thiên Chúa luôn quan tâm cho cá, chim sẽ đơn giản… thì không nghi ngờ rằng: Ngài luôn nhìn với sự chăm sóc chú ý đến với người tín hữu trung tín”.
Trong cuộc sống vất vả, lo âu khó khăn đã làm chúng ta sợ, đó là niềm sợ hãi của kiếp nhân sinh mà ai ai cũng phải đối diện, làm bào mòn niềm tin của người tín hữu như Gióp đã trải nghiệm, chua xót, thở than đầy thất vọng: “Ðến bao giờ Ngài mới ngoảnh mặt đi để con yên thân nuốt trôi nước miếng ? Con phạm tội có hề chi đến Ngài, lạy Ðấng dò xét phàm nhân ? Sao Ngài cứ đặt con làm bia để bắn ? Phải chăng con đã nên gánh nặng cho Ngài ? (G 7,19-20). Hiện tại đã thế, thì tương lai lại càng mịt mù hơn, nỗi niềm sợ hãi luôn chồng chất trên sợ hãi… Nếu còn chút niềm tin, lời khấn cầu càng trở nên thống thiết: “Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài, xin Ngài đừng để con tủi nhục, đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 25,2).
Bỗng Lời của Chúa thì thầm trong tâm hồn như Ngài đã hứa với ngôn sứ Isaia: “Đừng sợ hãi: Có Ta ở với ngươi. Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ta cho ngươi vững mạnh, Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta”. Cho nên: “Trong ngày con sợ hãi, con tin tưởng vào Ngài” (Tv 56,4) và vì thế, tôi sống và tiến bước mang tâm tình mà Thánh Vịnh đã xác tín: “Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv 27,13)
Mong cho tôi và bạn vững bước tiến đi giữa bao thăng trầm của cuộc sống như Lời Chúa dạy “Đừng có sợ, hãy tin vào Thầy” (Mc 4,40). Tin vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xác tín.
Ý lực sống
“Hãy ký thác đường đời cho Chúa,
tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”.
(Tv 37,5)
Tin tức liên quan khác
Đức Thánh Cha: Công bằng xã hội phải dựa trên nhân phẩm, tình liên đới và phụ trợ
Truyền hình trực tiếp Công nghị phong hồng y – thứ Bảy 30/09/2023
Xin thuận theo Ý Chúa
Thứ Tư tuần 16 Thường niên năm I (Mt 13,1-9)
Họp báo chuẩn bị Đại hội Thánh Thể Quốc tế 2024 tại Ecuador
Tại sao mang Khăn choàng vai khi ban phép lành Chầu Thánh Thể
Để sống tâm tình Tháng Hoa với Mẹ Maria
Cùng Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều cầu nguyện trong tuần tĩnh tâm