“Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”.
BÀI ĐỌC I: 1 V 19, 9a. 11-13a
“Ngươi hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”.
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang… Có lời Chúa phán cùng ông rằng: “Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa”. Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14
Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).
Xướng:
1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán báo điều chi ? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong Đất Nước chúng tôi. – Đáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. – Đáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và Đất Nước chúng con sẽ sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 9, 1-5
“Tôi đã ước ao được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Đức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Đức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.Amen.
Đó là lời Chúa.
Tin mừng: Mt 14, 22-33
Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.
Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa!”, và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến!” Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.
Bài giảng của linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
“Trời tối và Ðức Giêsu chưa đến với họ. Biển động vì cuồng phong đốc thổi”. Thuyền của các môn đệ chao đảo giữa mù tối và sóng gió.
Con thuyền Giáo hội đang vật lộn giữa vòng xoáy của cuộc sống hôm hay: Giữa những giáo thuyết sai lạc và luân lý suy đồi. Cuộc sống của mỗi chúng ta, gia đình của chúng ta cũng lao đao khốn đốn giữa dòng chảy cuộc đời nếu không có Chúa đồng hành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết đặt Ngài làm trung tâm cuộc sống của chúng con. Xin cho chúng con biết tìm Chúa khi đời chúng con dậy sóng. Vì đến muôn đời Chúa vẫn là bến bờ hạnh phúc và an vui. Amen.
Ghi nhớ:“Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”.
Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
HÃY TÌM GẶP THIÊN CHÚA
A. DẪN NHẬP
Trong cuộc sống ai cũng muốn cho mình có một đời sống an toàn, được bảo đảm, không gặp những thử thách, những trở ngại làm cho mình phải lo sợ. Đấy là ước vọng chung của mọi người. Nhưng trong thực tế, không ai có một cuộc đời tươi đẹp như thế, bao lâu còn ở trên trần thế này. Cuộc đời không thiếu gì chông gai, không thiếu gì những gian nan thử thách làm cho nhiều người có thể vươn lên và có thể làm cho nhiều người bị tụt xuống.
Phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt nước và cứu ông Phêrô cho khỏi bị chìm nói lên quyền năng vô biên của Chúa. Trong cuộc sống bình yên cũng như trong những lúc gặp gian nan thử thách, Thiên Chúa luôn ở bên cạnh con người. Chúa sẵn sàng ban ơn phù trợ và cứu giúp khi chúng ta kêu cầu. Để bảo đảm cho cuộc sống, chúng ta hãy luôn ngước mắt nhìn lên Chúa, đừng nhìn xuống, đừng cậy dựa vào mình hay vào người khác mà chỉ cậy nhờ ơn Chúa phù giúp, kêu cầu Chúa như thánh Phêrô đã làm: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Tin tưởng phó thác vào Chúa như vậy con người sẽ có một cuộc sống an toàn.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1:1V 19,9a.11-13
Thời vua Akháp đang trị vì nước Israel, hoàng hậu Zébabel đem việc thờ phượng thần Baal vào nước, tiên tri Êlia phải liều mạng đến kéo đồng bào ông về với Thiên Chúa, giải thoát họ khỏi gông cùm của tà thần, dù một mình phải thách thức với cả ngàn sư sãi thờ thần Baal của hoàng hậu và nhà vua. Dù thắng cuộc và sư sãi thần Baal bị tiêu diệt, ông vẫn phải trốn thoát tay hung tàn của hoàng hậu lùng bắt.
Ông phải chạy trốn lên núi Horeb trong một quãng đường dài mệt mỏi. Nơi đây Thiên Chúa đã hiện ra với ông, không phải trong tiếng sấm sét ầm ĩ của một thiên nhiên giận dữ như khi hiện ra với ông Maisen, nhưng hiện ra với ông một cách êm dịu trong sự tĩnh mịch của miền rừng núi. Êlia không nhìn thấy Ngài, nhưng ông biết Ngài đang hiện diện bên cạnh ông qua một làn gió hiu hiu.
+ Bài đọc 2: Rm 9,1-5
Thánh Phaolô giãi bày tâm sự với tín hữu Rôma: Ngài rất đau buồn khi thấy đồng bào Do thái của Ngài không tin nhận Đức Kitô. Ngài muốn nói lên tình yêu của Ngài đối với dân Do thái, dân Chúa chọn, mà trong những thế kỷ trước đã được đầy tràn hồng ân của Chúa. Vì tình yêu thắm thiết ấy, thánh Phaolô sẵn sàng chịu cho người ta nguyền rủa, ngay cả việc xa rời Chúa Kitô, nếu mãi mãi sự hy sinh này cứu được dân Do thái
Nhưng dù sao, Ngài cũng hy vọng rằng cuối cùng dân Do thái cũng sẽ tin, bởi vì dù sao họ cũng “được quyền làm con, được cho thấy vinh quang, nhận giao ước, lề luật, phụng tự và lời hứa”.
+ Bài Tin mừng: Mt 14,22-33
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng hào hứng, muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua. Điều đó không phù hợp với sứ mạng Messia của Ngài. Có lẽ Ngài không muốn cho lòng hăng hái lệch lạc này tác động lên các Tông đồ, nên đã vội vã bảo các ông lên thuyền sang bên bờ kia.
Sáng sớm Ngài đã đi trên mặt nước mà đến với các ông. Họ tưởng Ngài là ma nên đã kêu rú lên. Nhưng Chúa Giêsu đã trấn an họ. Ông Phêrô muốn rời thuyền đi trên mặt nước mà đến với Chúa. Được sự đồng ý của Chúa, ông mạnh dạn bước đi, nhưng vì sóng lớn, ông sắp bị chìm, đã kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Chúa Giêsu đưa tay ra đỡ ông lên thuyền và trách ông thiếu lòng tin. Sau biến cố này, các môn đệ đã thốt lên: “Quả thật, Ngài là Con Thiên Chúa”.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Có Chúa trong cuộc đời
I. CUỘC ĐỜI CON NGƯỜI TRÊN TRẦN THẾ
Trên trần gian này ai cũng muốn được hạnh phúc, còn hạnh phúc đời sau thì tùy ở mỗi người, có đức tin hay không. Sống trên đời, con người ai cũng muốn được an toàn may mắn, gặp những điều tốt đẹp… nên họ chúc nhau: vạn sự như ý. Thế nhưng những trang lịch sử của toàn thế giới, của các dân tộc và của riêng bao con người, đã cho thấy rằng các điều tốt đẹp trên nếu có đạt được thì rất giới hạn và mau qua. Ngay trong đời sống của các thánh hiền hay của những người có đức Kitô hiện diện cũng không có nghĩa là họ thoát khỏi những khó khăn không ngờ xảy đến.
Tuy nhiên, nếu như xưa Đức Kitô ở bên cạnh các Tông đồ, giúp đỡ các ông thắng vượt những khó khăn trên mặt biển, thì sự hiện diện của Đức Kitô nơi chúng ta sẽ giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận và vượt qua những khó khăn hằng ngày trong cuộc sống như vậy, vì “ngày nàocó sự khó cho ngày ấy”. Chính trong các hoàn cảnh này, niềm tin của chúng ta mới phát triển và trưởng thành hơn.
Kinh nghiệm cho hay những người có đức tin hay những người chẳng có đức tin đều bị chi phối bởi những luật lệ thiên nhiên mà không ai chống lại được. Không thiếu gì những thiên tai do thiên nhiên đưa đến như bão lụt, động đất, hạn hán, sóng thần… hoặc do con người gây ra như chiến tranh, loạn lạc, hận thù chia rẽ, khủng bố, nghèo đói…
Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm đã nói lên nhận xét của mình về một xã hội chứa đầy những đau khổ loạn ly trong phần mở đầu cuốn “Chinh phụ ngâm”:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm tầng không,
Vì ai gây dựng nên nông nỗi này?
Thi sĩ Nguyễn Du cũng gửi gắm tâm sự của mình trước những cảnh nhiễu nhương của xã hội thời ông, trong cuốn “Đoạn trường tân thanh”:
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Theo nhận xét của Nguyễn Du đời người là một cuộc bể dâu, thay thay đổi đổi không ngừng, không có gì là vững chắc. Trong những thay đổi ấy thi sĩ thấy có biết bao nhiêu cảnh đoạn trường xảy ra làm cho mình đau đớn. Chính những điều thay đổi ấy không làm cho thi sĩ được yên ủi, nhưng ngược lại làm cho thi sĩ phải buồn sầu đối với “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Thi sĩ Xuân Diệu thì có cái nhìn bi quan về sự thay đổi của sự vật, nghĩa là chỉ nhìn thấy cái mất mà không thấy cái còn: Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt.
Một thi sĩ khác cũng phát biểu như thế: Hoa nở để mà tàn,
Trăng tròn để mà khuyết,
Mây hợp để mà tan,
Nước đầy để mà vơi.
Có rất nhiều người trên đời đã phải vật lộn với biết bao gian nan thử thách để mà sống. Có người đã vượt qua, có người bị đắm chìm, nên người ta đã gửi kinh nghiệm sống ấy vào câu tục ngữ: Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh: nghĩa là số phận của con người, hoặc cuộc sống long đong gặp nhiều gian truân vất vả.
II. NHỮNG THỬ THÁCH TRONG CUỘC ĐỜI
1. Trong đời sống vật chất và tinh thần
Đối với những người yếu đuối tinh thần, những người nhu nhược thì sự gian nan khốn khó làm cho họ nản lòng rủn chí. Trái lại, đối với những người có ý chí vững mạnh, gian nan khốn khó càng là động lực thúc đẩy họ tiến lên.
Ông Baden Powell,ông tổ của Hướng Đạo, đã nói: “Đời sẽ thành vô vị nếu toàn là đường mật, muối sẽ mặn chát nếu ta nhấm một mình nó, nhưng khi bỏ nó vào đồ ăn, nó là một thứ gia vị ngon lành. Khó khăn, trở ngại đều là những hạt muối trong đời”.
Người Đông phương thường truyền lại một câu chuyện mang tính chất ngụ ngôn như thế này: Ngày xưa có chàng nông phu theo truyền thống lâu đời của gia đình, năm nào cũng chăm chỉ cày bừa đào xới đất ruộng, dù mười hai năm liền trời không mưa.
Ngày nay phần đông chúng ta chỉ cần một năm trời hạn hán là đâm ra chán nản, không muốn tiếp tục cày ruộng nữa. Chúng ta thường là những người thiếu ý chí, quên lời dạy của cổ nhân: “Ở đời không có con đường nào bước một bước mà đến nơi bao giờ”.
Người ta cho gian nan thử thách là một điều cần thiết để đề cao giá trị con người không biết mỏi mệt, không chịu đầu hàng trước những khó khăn:
Có gió lung mới biết tùng bá cứng,
Có ngọn lửa hừng mới biết thức vàng cao (Nguyễn Công Trứ)
Hoặc một nhận xét rất thực tế của một danh nhân:
“Những cây mạnh nhất, cao nhất, mọc trên những mảnh đất cằn cỗi nhất”.
Bời vì kinh nghiệm của một thi sĩ đã cho biết:
“Chiến đấu có gian nan, khải hoàn mới vinh quang” (Corneille).
2. Trong đời sống thiêng liêng
Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về sự chấp nhận và biết thánh hóa những gian nan thử thách trong đời sống hằng ngày. Thánh Phaolô đã diễn tả trong một bài Thánh ca:
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).
Kinh thánh cũng cho biết gian nan thử thách là cần vì nhờ đó mà vàng thau không còn lẫn lộn nữa. Nhờ thử thách vàng ròng sẽ được tinh luyện: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Vì thế người ta nói:
Vàng vào lửa hóa vàng y
Rác rơm vào lửa biến đi đàng nào.
Thánh vịnh 90 cho biết cuộc đời con người vắn vỏi chỉ như cơn gió thoảng qua, nhưng trong đó có biết bao đau khổ con người phải chịu:
Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục
Mạnh giỏi chăng là được tám mươi
Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ
Cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi (Tv 90,10)
Thánh Phaolô đã bị đau khổ dằn vặt vì những khó khăn xảy ra nơi mình. Ngài đã phải chiến đấu khổ sở. Ngài đã tiết lộ cuộc chiến đấu cam go của ngài cho tín hữu Côrintô: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi đã bị như một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối’” (2Cr 12,7-9).
Truyện: Chỉ bán hạt giống
Cha Anthony de Mello kể lại giấc mơ của Paquita như sau: Nàng rảo quanh các quầy hàng của một trong những cửa tiệm lớn nhất hành tinh. Bỗng nhiên nàng nhận ra Thiên Chúa sau một quầy hàng:
– Lạy Chúa, Ngài bán gì vậy?
– Tất cả những gì mà lòng con mong ước.
– Con muốn mua sự bình an trong tâm hồn, tình yêu, sự khôn ngoan, những liều thuốc chữa trị mọi thứ sợ hãi.
– Tốt lắm, nhưng ở đây không bán trái mà chỉ bán hạt giống thôi (André Sève, Sương mai, tr 51-52).
III. THÁI ĐỘ CỦA TA TRƯỚC GIAN NAN THỬ THÁCH
Ta có thể coi trần gian là một biển rộng mênh mông, con người chỉ là một chiếc thuyền trên mặt biển. Mặt biển có lúc phẳng lặng, con thuyền có thể lướt qua mặt nước một cách an toàn. Nhưng cũng có lúc mặt biển nổi sóng to gió lớn như biển Tibériade, mà các Tông đồ đang gặp phải trong bài Tin mừng hôm nay, thì con thuyền sẽ chao đảo, phải chèo chống mạnh mẽ.
Trong những lúc con thuyền đời ta đang gặp sóng gió trên biển cả, ta phải làm gì? Một mình chèo chống chưa đủ vì sức người yếu đuối, sóng gió lại dữ dội. Ngoài sức chèo chống của mình, chúng ta còn phải kêu cầu Chúa đến giúp đỡ như các Tông đồ đã làm: “Xin cứu con với!”
1. Ta phải tin cậy Chúa
Trong cơn gian nan thử thách ta hay thất bại, nản lòng vì chỉ tin vào sức mình hay vào người khác. Để vượt qua những khó khăn ấy, Chúa đòi chúng ta phải có lòng tin vào Chúa. Thánh Phêrô đã chứng minh điều đó: khi bước xuống khỏi thuyền đi trên mặt nước đến với Chúa: ông tin. Khi sắp bị chìm, ông sợ hãi kêu cứu: ông mất tin. Khi Chúa kéo ông lên thuyền: ông tin. Tại sao ông Phêrô cũng như chúng ta sợ? Vì thiếu lòng tin. Chúa khuyên: “Đừng sợ!”
Truyện: Đức tin lớn lao
Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tĩnh trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi:
– Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?
– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là một người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao (Trích ở Góp nhặt).
Hai hình ảnh về một lòng tin đã được thánh Mátthêu nối kết với nhau, như một đối trọng, nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa ở cùng, luôn là điều cần thiết cho các môn đệ năm xưa. Lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa như một mặt hồ phản chiếu. Có những lúc phẳng lặng trong suốt soi rõ những vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng nhiều khi chỉ một làn gió nhẹ làm gợn sóng, mặt hồ liền xáo động, bao nhiêu vẻ đẹp đều tan biến.
Nhìn lại những thăng trầm của cuộc đời, mỗi khi chúng ta được sống trong bầu khí an vui, được hài lòng với mọi sở nguyện, chúng ta dễ dàng xác tín và cảm nhận mạnh mẽ sự quan phòng của Chúa. Thế nhưng khi gặp phải những gian nan thử thách, những điều bất ưng, những nghịch cảnh – như các môn đệ xưa ở giữa sóng gió – chúng ta dễ dàng hoang mang lo sợ và không nhận ra Ngài. Bởi lẽ chúng ta đã quá lo lắng về cuộc sống và chỉ biết tự lo liệu lấy một mình. Nhưng “Phúc thay ai bước đi không phải nhờ cái nhìn, mà nhờ sự phó thác của niềm tin” (Sh Roger). Quả thật, lòng tin của chúng ta đã nhiều lúc yếu ớt, mong manh – một khi chúng ta không biết tín thác vào Chúa Kitô để có sự bình an, không còn chia sẻ con đường thập giá như một phương tiện để hưởng nhờ vinh quang với Ngài (Mai Chi, CG và DT, số Giáng sinh 95, tr 228).
2. Ta phải nỗ lực
Chúa luôn yêu thương ta, Chúa không bao giờ “đem con bỏ chợ”. Nhưng thương yêu không có nghĩa là lúc nào Ngài cũng âu yếm ôm ta vào lòng, chiều chuộng như một đứa con nít, nhưng Chúa muốn ta phải trưởng thành, phải chịu gian nan thử thách để thành nhân.
Tuy Chúa để ta phải chịu thử thách, Ngài đã đo lường sức chịu đựng của chúng ta, không bao giờ chúng ta phải chịu thử thách quá mức. Chúa chỉ đòi chúng ta cộng tác một nửa hay ít ra một phần, còn bao nhiêu thì để phần cho Chúa, giống như trường hợp các Tông đồ chỉ cung cấp cho Chúa có 5 cái bánh và 2 con cá, nhưng Chúa đã làm cho 5000 người đàn ông ăn no, không kể đàn bà con trẻ, lại còn thu được 12 thúng bánh vụn.
Muốn thành công, Chúa đòi chúng ta phải cộng tác, Chúa không chịu làm một mình. Thánh Augustinô đã có kinh nghiệm về chân lý ấy khi viết trong cuốn Tự thuật: “Lạy Chúa, khi dựng nên con Chúa không cần có con, nhưng Chúa không thể cứu con nếu con không cộng tác”.
Truyện: Phải kiên trì
Ông Baden Powell kể: Có hai con ếch té nhào vào trong một lu sữa to lớn. Cả hai dẫy dụa và mệt lử. Một con nản lòng và chết đuối. Con kia cũng thất vọng, nhưng mà điều đó càng khiến nó vùng vẫy đến nỗi nó trèo được lên đỉnh một khối bơ, vì nhờ vậy mà nó thoát chết.
3. Ta phải cầu nguyện
Trong cuộc sống chúng ta gặp phải nhiều khó khăn, những ngăn trở làm cho chúng ta hoang mang. Chúng ta có thể tham khảo ý kiến của những người khôn ngoan, hiểu biết hơn, nhưng những hiểu biết đó chỉ có hạn; hơn nữa những khó khăn ấy vượt khả năng của chúng ta, chỉ còn một lối thoát là hãy chạy đến với Chúa, xin Ngài giúp đỡ. Hãy theo gương thánh Phêrô kêu xin Chúa giúp: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Hãy nhìn thẳng vào Chúa, đừng rời Chúa. Bao lâu con mắt ta rời Chúa là ta thất bại vì chỉ biết nhìn vào chính mình hoặc vào người khác.
Truyện: Hãy nhìn lên
Vào lúc mới có thuyền buồm, một cậu bé nọ xin đi biển để học làm thuỷ thủ. Một hôm biển có bão, người ta bảo cậu leo lên trên cột buồm. Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng vì cậu cứ đưa mắt gắn chặt vào bầu trời. Nhưng đến lưng chừng cậu lại phạm một sai lầm. Cậu nhìn xuống mặt nước biển trong cơn bão, thế là cậu bị chóng mặt và sắp sửa ngã xuống.
Thấy thế, một thuỷ thủ già la to lên với cậu: “Này nhóc, ngước nhìn lên lại bầu trời đi! Nhìn lên lại bầu trời đi”. Cậu bé nghe theo lời chỉ dẫn và cuối cùng đã leo lên được an toàn.
Lỗi lầm của cậu bé, giống hệt lỗi lầm của Phêrô trong bài Tin mừng hôm nay. Cậu ta đã rời mắt khỏi đích nhắm của mình và đã nhìn xuống mặt biển giông tố, giống như Phêrô đã rời mắt khỏi Chúa Giêsu và nhìn xuống mặt biển giông tố (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 242).
Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta thẳng thắn nhìn vào cuộc sống của mình. Nếu chúng ta không cảm nghiệm được sự bình an là niềm vui thiêng liêng mà ta đã từng cảm nhận, thì chắc hẳn là vì chúng ta đã rời khỏi mắt Chúa Giêsu. Nếu chúng ta đang sắp bị bão tố cuộc đời nuốt chửng, thì có lẽ là vì chúng ta đã rời mắt đi xa Chúa Giêsu.
Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
Mt 14,22-33
NÚI, NƯỚC, GIÓ VÀ SÓNG
Không rõ lúc nào thì con thuyền các môn đệ gặp gió ngược.
Có gió thì có sóng, sóng đánh làm thuyền chòng chành.
Thuyền rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Tiến tới bờ bên kia thì không được, mà về cũng không xong,
vì con thuyền đã ra xa bờ nhiều dặm.
Các môn đệ phải tự mình đương đầu với sóng gió.
Tay chèo của họ mệt mỏi giữa đêm khuya.
Không có Thầy Giêsu ở đây, trong khoang thuyền này.
Tại sao Thầy bắt họ phải qua bờ bên kia ngay lập tức ?
Tại sao Thầy không hoãn đến sáng mai, vì đâu có gì mà vội ?
Bây giờ Thầy đang làm gì một mình ở chỗ hoang vắng đó ?
Thầy có biết các môn đệ vì vâng lời Thầy mà gặp rắc rối không ?
Có một thứ sóng gió nào đó đang xôn xao trong lòng họ.
Thầy Giêsu đến với họ lúc trời còn tối, nên chẳng ai nhận ra.
Ngài đến với họ ngay giữa sóng gió, Ngài đạp lên sóng mà đi.
Các môn đệ thấy bóng người đi trên mặt nước.
Hoảng hốt và sợ hãi, họ tưởng mình thấy ma.
Họ nghĩ chỉ có ma mới đi trên mặt nước được.
Nhưng đây không phải là ma, đây là người Thầy của họ.
“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”
Vậy mà Phêrô vẫn chưa nhận ra giọng nói và khuôn mặt của Thầy.
Ông muốn đưa ra một trắc nghiệm để kiểm chứng.
“Nếu quả là Ngài, xin truyền cho con đi trên nước để đến với Ngài.”
Nếu ông đi được trên nước thì người kia mới đúng là Thầy Giêsu.
Ông xác tín rằng điều Thầy làm được, Thầy cũng cho trò làm được.
Phêrô tự đặt mình vào một thách đố không dễ dàng.
Thầy Giêsu chấp nhận thách đố này và mời Phêrô: “Hãy đến !”
Thầy đã đi trên sóng nước để đến với ông.
Nay Thầy mời ông đi trên sóng nước để đến với Thầy.
Chúng ta cần hình dung giây phút Phêrô đặt chân trên mặt nước.
Mặt nước đang có sóng lớn vì gió mạnh.
Ông có ngần ngại khi bước ra khỏi thuyền không ?
Ông có dám tin mình sẽ đi được trên nước không ?
Phêrô đã làm gì để chiến thắng sự sợ hãi đang đè nặng ?
Chúng ta chỉ biết ông đã thắng được chính mình,
đã ra khỏi thuyền, đã đặt chân trên sóng nước và bước đi.
Không rõ người ông trở nên nhẹ hay mặt nước trở nên cứng.
Càng bước đi, ông càng xác tín rằng đúng là Thầy rồi.
Và ông cứ hướng về phía Thầy mà tiến bước.
Nhưng ngay cả khi tin Thầy đang ở trước mặt mình,
Phêrô cũng bị chao đảo vì một cơn gió mạnh bất ngờ ập tới.
Ông sợ hãi và chìm xuống, nên ông la to xin Thầy cứu mình.
Thầy Giêsu lập tức đưa bàn tay ra nắm lấy ông.
Thầy trách ông đã nghi ngờ, dù chỉ trong một giây phút.
Nghi ngờ là dấu hiệu của lòng tin còn non yếu.
Lòng tin này có thể lung lay trước những biến động của cuộc đời.
Thật cảm động cảnh Thầy Giêsu nắm tay Phêrô và đưa ông về thuyền.
Gió vẫn chưa ngừng, sóng vẫn đánh.
Nhưng Phêrô yên tâm đi bên Thầy, đạp trên sóng gió mà đi.
Chỉ khi Thầy trò về thuyền, gió mới lặng.
Kinh nghiệm của Phêrô cũng là kinh nghiệm của các kitô hữu.
Kinh nghiệm bị ép phải qua bờ bên kia ngay lập tức,
trong hoàn cảnh trời tối, ngược gió, và không có Thầy gần bên.
Kinh nghiệm hoảng hốt vì Thầy đến mà mình không nhận ra.
Kinh nghiệm hạnh phúc đi được trên nước để đến với Thầy,
và rồi bị chìm, dù biết Thầy ở ngay trước mặt.
Kinh nghiệm được Thầy dắt về thuyền trong bình an.
Bao nhiêu cung bậc cảm xúc trong từng kinh nghiệm.
Tất cả dẫn đến kinh nghiệm cuối là nhận ra Con Thiên Chúa
đang ở trong cùng thuyền với Hội Thánh hôm nay (Mt 14,33).
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
Sống ở đời chẳng ai thích sóng gió,
nhưng sóng gió lúc nào cũng có trong đời người.
Các môn đệ đầu tiên đã nhiều lần gặp sóng gió ở hồ Galilê.
Sóng gió đến khi Chúa đang ngủ vùi trên thuyền,
khiến môn đệ phải vội vàng đánh thức.
Sóng gió đến khi Chúa không ở trong thuyền,
khiến môn đệ phải chèo chống vất vả.
Chúa không tránh cho đời chúng con khỏi mọi sóng gió,
vì Chúa biết sóng gió làm chúng con trưởng thành,
tập vượt qua nỗi sợ hãi bằng lòng tin,
tập vượt qua nỗi lo âu bằng hy vọng.
Chúa để chúng con chiến đấu suốt đêm với gió ngược,
nhưng lại đến với chúng con khi trời gần sáng.
Xin cho chúng con yêu quý sự bình an,
nhưng lại không ngỡ ngàng trước sóng gió.
Giữa cơn sóng gió, xin cho chúng con tin rằng
Chúa vẫn hiện diện gần bên chúng con,
và đang đưa con thuyền Giáo Hội về đến bến.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
Câu chuyện
Một viên sĩ quan người Anh được phái đến phục vụ ở một xứ xa quê nhà. Ông cùng gia đình xuống tàu vượt biển để đi đến nơi được bổ nhiệm.
Tàu rời bến được vài ngày thì biển động mạnh, một cơn bão kinh khủng ập đến làm thuyền có nguy cơ bị đắm. Sự lo lắng nỗi sợ hãi xâm chiếm tất cả mọi người trên con tàu. Vợ của viên sĩ quan là người tỏ ra lo sợ hơn cả. Trái với phản ứng sợ hãi của vợ, ông là một quân nhân nhiều phen đối diện với trận địa sinh tử trong gang tấc nên tỏ ra rất bình tĩnh. Hơn nữa, ông là người có đức tin mạnh mẽ xác tín vào Thiên Chúa.
Thái độ bình tĩnh của vị sĩ quan bị bà xem như một biểu lộ sự thiếu lo lắng, yêu thương đối với bà và con cái. Sau khi nói vài lời ngắn gọn với vợ, ông rời căn phòng, nhưng liền sau đó ông quay trở lại với thanh kiếm trên tay. Với ánh mắt thảm não, ông tiến về phía người vợ và dí mũi kiếm vào ngực bà. Lúc đầu bà này sợ tái mặt, nhưng sau đó bỗng bà cười lớn tiếng, không hề tỏ vẻ sợ hãi.
– Làm sao em có thể cười khi em cảm thấy mũi nhọn của lưỡi kiếm trên ngực em ? Em không sợ sao ? – Viên sĩ quan hỏi.
– Làm sao em sợ được – Bà trả lời, – khi em thấy lưỡi kiếm ấy ở trong tay một người thương em.
– Vậy tại sao em lại muốn anh sợ cơn bão tố này khi anh biết rằng nó ở trong tay của Chúa là Cha – Người hằng yêu mến anh ?.
Suy niệm
Vâng lời Thầy, các môn đệ vượt biển, vượt biển đã vất vả vì phải chèo chống, thì cuồng phong lại nổi lên. Cuồng phong chỉ muốn nhấn chìm, chỉ muốn tiêu diệt tất cả trong lòng biển, cuồng phong là biểu tượng cho tất cả những gì ngăn cản con người tiến bước trong hành trình đức tin. Các môn đệ phải nỗ lực để băng qua biển, chống chọi lại cuồng phong là biểu tượng của Giáo hội nói chung, của mỗi người chúng ta nói riêng khi đương đầu với mọi thế lực muốn tiêu diệt chúng ta. Giữa trung tâm của sóng biển cuồng phong, Thầy đang đi trên mặt biển đến với các ông, nhưng do bóng đêm bao phủ, cuồng phong đe dọa khiến cho các môn đệ lầm tưởng Chúa là ma và kêu lên: “Ma kìa!” Chúng ta cũng đã từng lầm tưởng sự hiện diện ân cần, chia sẻ của Chúa trong cuộc sống.
Từ hình ảnh bình an ban đầu của Phêrô khi bước chân đến với Chúa cho đến khi sóng gió nổi lên làm cho ông sợ hãi, gợi cho chúng ta hành trình đức tin luôn vững bước và tín thác. Như ngôn sứ Êlia khởi sự nói lời Thiên Chúa, mọi việc thật tốt đẹp: Tỏ hiện thần uy của Thiên Chúa. Sau đó bị săn đuổi trong sa mạc, ông kiệt lực chán nản, xin cho mình được chết (x. 1V 18.19,1-8). Ông ẩn mình trong một hốc đá ở núi Khorép, mệt mỏi và đói lả, muốn được chết để thoát khỏi cảnh gian nan. Và kìa, Thiên Chúa đã hiện ra đàm đạo với ông trong cơn gió hiu hiu, sự bình an đã trở lại với tâm hồn ông (x. 1V 19,9a.11-13a). Các tông đồ cũng khởi sự với phép lạ bánh hóa nhiều với sự ân cần của Thiên Chúa đối với dân Ngài, rồi Phêrô cũng vậy, ban đầu ông bước ra khỏi thuyền, nhìn và nhắm hướng đi thẳng tới Chúa Giêsu nên ông đi dễ dàng trên sóng nước. Nhưng khi nổi gió, bão táp ập đến, ông nhìn quanh sợ hãi kêu lớn: “Lạy Thầy, xin cứu con”. Thật khó cho ông khi phải đối mặt với nghịch cảnh.
Ngài giơ tay cứu ông khỏi cơn phẫn nộ của trùng dương và biến ông thành hoa tiêu đem con thuyền Giáo hội ra khỏi cơn bão tố. Hình ảnh đó cũng gợi cách riêng cho mỗi người chúng ta: Ngài bên cạnh tôi và bạn, cứu chúng ta giữa trung tâm bão tố và dẫn dắt chúng ta thêm vững bước.
Ðức Giêsu nói với ông Phêrô: “Sao lại hoài nghi ?” (Mt 14:31). Lời này cũng nói với mỗi người chúng ta hôm nay khi chúng ta đứng trước gian nan của cuộc đời. Chúng ta hoài nghi vào tình yêu của Thiên Chúa khi nghĩ rằng Ngài bỏ rơi mình. Chính vì hoài nghi, chúng ta đang chìm đắm giữa nỗi lo thất vọng mặc cho sóng gió cuốn đi…
“Sau cơn mưa trời lại sáng”, hành trình vượt biển đầy sóng gió kết thúc trong tĩnh vì “gió lặng” (Mt 14:32) sau khi “chiếc thuyền bị sóng đánh vì ngược gió” (Mt 14:24). Chiếc thuyền trên đó có ông Phêrô và các môn đệ là hình ảnh về một Giáo hội nói chung đang bập bềnh trên sóng nước của trần gian và của mọi người chúng ta nói riêng trước những gian nan khốn khó của cuộc đời làm ta yếu tin, nghi ngờ. Và con thuyền ấy đang phải chống chọi lại những trận cuồng phong và quyền lực của sự dữ. Vị Thầy của các ông không có mặt trong khoang thuyền: Các ông chờ đợi Người xuất hiện vào lúc đêm tàn…
Ý lực sống
“Xin cứu lấy con… Ðức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông” (Mt 14:31).
Suy niệm (song ngữ)
19th Sunday in Ordinary Time
Reading I:1 Kings 19:9,11-13
Reading II:Romans 11:33-36
Chúa Nhật 19 Thường Niên
Bài Đọc I:1 Các Vua 19,9.11-13
Bài Đọc II:Rôma 9,1-5
Gospel
Matthew 14:22-33
22 Then he made the disciples get into the boat and go before him to the other side, while he dismissed the crowds.
23 And after he had dismissed the crowds, he went up on the mountain by himself to pray. When evening came, he was there alone,
24 but the boat by this time was many furlongs distant from the land, beaten by the waves; for the wind was against them.
25 And in the fourth watch of the night he came to them, walking on the sea.
26 But when the disciples saw him walking on the sea, they were terrified, saying, “It is a ghost!” And they cried out for fear.
27 But immediately he spoke to them, saying, “Take heart, it is I; have no fear.”
28 And Peter answered him, “Lord, if it is you, bid me come to you on the water.”
29 He said, “Come.” So Peter got out of the boat and walked on the water and came to Jesus;
30 but when he saw the wind, he was afraid, and beginning to sink he cried out, “Lord, save me.”
31 Jesus immediately reached out his hand and caught him, saying to him, “O man of little faith, why did you doubt ?”
32 And when they got into the boat, the wind ceased.
33 And those in the boat worshiped him, saying, “Truly you are the Son of God.”
Phúc Âm
Mátthêu 14:22-33
22 Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán đám đông.
23 Sau khi giải tán đám đông, Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình,
24 còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió.
25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.
26 Thấy Người đi trên mặt biển các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy !”, và sợ hải la lên.
27 Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm chính Thầy đây, đừng sợ!
28 Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”.
29 Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu.
30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài xin cứu con với !”
31 Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi ?
32 Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay.
33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”
Interesting Details
- Matthew reported only twice that Jesus prayed, here and in Gethsemane (26:36ff). Prayer in the Mediterranean region means “a message communicated to someone who is ultimately in charge of one’s existence. The purpose of prayer is always to get results” [Pilch]. The result here was God’s responding to Jesus’ faith by calming the sea.
- “Faith” can be understood as loyalty. Peter was distracted from his loyalty to Jesus because of fear (v.30). His cry, “Lord, save me” appeared also in Mt 8:25 and Psalm 69.
- “Little faith” (v.31) might be ascribed of not only to Peter but also to other disciples and most Christians. There is recognition that Jesus is Lord, but there is also doubt. There is loyalty, but wavering at times. Yet there is hope for the people with little faith because “Jesus reached out his hand.”
Chi Tiết Hay
- Thánh Matthêu chỉ kể hai lần về việc Chúa cầu nguyện, trong đoạn này và trong vườn cây dầu (Mt 26:36ff). Đối với dân vùng Địa Trung Hải, cầu nguyện là “liên lạc với đấng nắm sự hiện hữu của mình. Cầu cho một kết quả nào đó” [Pilch]. Trong đoạn này, kết quả là Chúa Cha đáp ứng lời nguyện của Chúa Con là cho sóng lặng.
- Đức tin còn có nghĩa là trung thành. Phêrô vì sợ hãi mà sao lãng việc trung thành với Chúa, nên bị chìm (c. 30). Lời khẩn cầu của ông: “Thưa Ngài, xin cứu con với” cũng là lời cầu trong Mt 8:25 và Thánh Vịnh 69.
- “Kém tin” (c.31) là tình cảnh của Phêrô cũng như của đa số các tông đồ và tín hữu khác. Chúng ta tin Ngài là Chúa, nhưng đôi khi cũng hoài nghi. Có trung thành, nhưng không phải trong mọi lúc. Tuy nhiên những kẻ yếu tin vẫn còn hy vọng vì “Đức Giêsu đưa tay ra” cứu giúp.
One Main Point
Jesus is the Son of God.
“It is I” (v.27) denotes divinity (Is 41:4 and 43:10). Walking on the water is also associated with God’s action: “Who alone stretched out the heavens and trampled the waves of the sea (Job 9:8; see also Ex 14:13-31, Ps 77:20, Is 43:16, Hab 3:15). People, after seeing Jesus’ actions and power, also proclaim his divinity (v.33).
Một Điểm Chính
Chúa Giêsu là Thiên Chúa
“Chính Thầy đây” (c. 27) có thể được dịch chính xác hơn thành “Ta đây”, là cách mà Chúa tỏ thiên tính trong Cựu Ước (Is 41:4 và 43:10). Đi trên sóng biển cũng là dấu chỉ Thiên Chúa, như trong Job 9,8 có câu “Mình Ngài là đấng trải ra các tầng trời và đạp chân trên sóng biển”. (Có thể xem thêm Ex 14,13-31; Ps 77,20; Is 43,16; Hab 3,15). Thấy quyền năng Ngài, dân chúng bái lạy và nói: “Ngài là Con Thiên Chúa” (c.33).
Reflections
- How much faith do I have in Jesus the Lord ? What experiences do I have that bring me to the conclusion “Truly Jesus is the Son of God.”
- What were the storms in my life ? Did they affect my loyalty to the Lord ? What storms am I afraid of now ?
- Cry out to Jesus, “Lord, save me.” What is Jesus’ response ?
Suy Niệm
- Đức tin của tôi lớn tới độ nào ? Tôi có kinh nghiệm gì trong cuộc sống để tuyên xưng rằng “Ngài là con Thiên Chúa” ?
- Đời tôi đã gặp những sóng gió nào ? Có làm tôi sao lãng việc trung thành với Chúa không ? Hiện giờ tôi đang sợ những sóng gió nào ?
- Than thở cùng Chúa, “Thưa Ngài, xin cứu con với”. Chúa trả lời ra sao ?
Tin tức liên quan khác
Toà Thánh và Hàn Quốc đánh dấu 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao
Chọn lựa
Thứ Năm tuần 10 Thường niên năm II – Giữ luật với tâm tình yêu thương (Mt 5,20-26)
Ngày Giới Trẻ Thế Giới cho thấy một thế giới khác
Diễn từ của Đức Thánh Cha dành cho sự kiện ông bà và con cháu năm 2024
Sức mạnh của tràng chuỗi Mân Côi
Học viện Công giáo Việt Nam: Khai giảng năm học 2022-2023
Giáo xứ Tân Vĩnh: 140 Em Lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần trong Ngày Cao Điểm Tuần Chầu Lượt