Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy.
Bài Ðọc I: Cn 9, 1-6
“Các ngươi hãy ăn bánh của ta, và hãy uống rượu ta đã pha cho các ngươi”.
Trích sách Châm Ngôn.
Sự khôn ngoan đã xây nhà mình và dựng bảy cột trụ, đã giết các sinh vật, pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: “Ai ngây thơ, hãy đến cùng ta”. Và bảo những kẻ mê muội rằng: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 10-11. 12-13. 14-15
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
2) Các thánh nhân của Chúa hãy tôn sợ Chúa, vì người tôn sợ Chúa chẳng thiếu thốn chi; bọn sang giàu đã sa cơ nghèo đói, nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
3) Các đệ tử ơi, hãy lại đây, hãy nghe ta, ta sẽ dạy cho các con biết tôn sợ Chúa. Ai là người yêu quý cuộc đời, mong sống lâu để hưởng nhiều phúc lộc.
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
4) Hãy giữ lưỡi đừng nói ra điều ác, và ngậm môi cho khỏi thốt ra lời gian ngoa. Hãy lo tránh ác và hành thiện, hãy tìm kiếm và theo đuổi bình an.
Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
Bài Ðọc II: Ep 5, 15-20
“Anh em hãy ăn ở khôn ngoan theo thánh ý Chúa”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức và hết lòng ca tụng Chúa. Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14,23
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 51-59
“Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do Thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
Vậy người Do Thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”
Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.
Ðó là lời Chúa.
Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 20 Thường Niên năm B
WHĐ (14.08.2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 20 Thường Niên năm B theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Số 1402-1405: Bí tích Thánh Thể, bảo chứng cho vinh quang tương lai Số 2828-2837: Thánh Thể là lương thực hằng ngày của chúng ta Số 1336: Cớ vấp phạm Bài Ðọc I: Cn 9, 1-6 Bài Ðọc II: Ep 5, 15-20 Phúc Âm: Ga 6, 51-59 |
Số 1402-1405: Bí tích Thánh Thể, bảo chứng cho vinh quang tương lai
Số 1402. Trong một kinh nguyện cổ xưa, Hội Thánh tung hô mầu nhiệm Thánh Thể như sau: “Ôi Tiệc Thánh, trong đó Đức Kitô được rước lấy làm lương thực, việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Người được nhắc lại, tâm trí được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho vinh quang mai sau được ban cho chúng ta”[1]. Nếu bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa, nếu nhờ việc rước lễ tại bàn thờ mà chúng ta được “tràn đầy ân phúc bởi trời”[2], thì bí tích Thánh Thể cũng là sự tham dự trước vào vinh quang thiên quốc.
Số 1403. Trong bữa Tiệc ly, chính Chúa hướng các môn đệ Người đến sự hoàn tất lễ Vượt Qua trong Nước Thiên Chúa: “Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29)[3]. Mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh nhớ lại lời hứa này và hướng trông “Đấng đang đến” (Kh 1,4). Trong kinh nguyện, Hội Thánh kêu cầu Người ngự đến: “Marana tha” (1 Cr 16,22), “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20), “Ước gì ân sủng của Ngài đến và trần gian này qua đi”[4].
Số 1404. Hội Thánh biết rằng giờ đây Chúa đã đến trong bí tích Thánh Thể của Người, và Người ở đó giữa chúng ta. Tuy nhiên, sự hiện diện này còn bị che phủ. Chính vì vậy, chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể “đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con”[5], trong khi chúng ta khẩn nguyện được “cùng nhau tận hưởng vinh quang Cha muôn đời, khi Cha lau sạch nước mắt chúng con, vì khi được thấy tường tận Cha là Thiên Chúa chúng con, thì muôn đời chúng con sẽ trở nên giống Cha và sẽ ca ngợi Cha khôn cùng”[6].
Số 1405. Về niềm hy vọng lớn lao này, niềm hy vọng về trời mới đất mới, nơi công lý lưu ngụ cách chắc chắn[7], chúng ta không có bảo chứng nào vững chắc hơn và dấu chỉ nào được biểu lộ rõ ràng hơn, là bí tích Thánh Thể. Thật vậy, mỗi khi mầu nhiệm này được cử hành, thì “công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện”[8] và “chúng ta bẻ cùng một tấm bánh, là phương dược trường sinh bất tử, và của ăn để chúng ta không chết, nhưng đem lại sự sống muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô”[9].
Số 2828-2837: Thánh Thể là lương thực hằng ngày của chúng ta
Số 2828. “Xin Cha cho chúng con”: đẹp thay lòng tin tưởng của con cái trông chờ Cha ban cho mọi sự: “Ngài cho mặt trời của Ngài mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45), Ngài cho tất cả mọi sinh vật “đến bữa cho ăn” (Tv 104,27). Chúa Giêsu dạy chúng ta lời cầu xin này: đây là lời tôn vinh Cha chúng ta, bởi vì lời cầu xin này nhận biết Cha là Đấng quá tốt lành, vượt xa mọi lòng tốt.
Số 2829. “Xin Cha cho chúng con” cũng là lời cầu xin trong tinh thần Giao Ước: chúng ta thuộc về Ngài và Ngài thuộc về chúng ta, lo cho chúng ta. Nhưng từ “chúng con” nhận biết Ngài là Cha của mọi người nên chúng ta cầu xin Cha cho mọi người, trong tình liên đới với các nhu cầu và đau khổ của họ.
Số 2830. “Lương thực”: Chúa Cha, Đấng ban sự sống cho chúng ta, không lẽ lại không ban những gì cần thiết cho sự sống, tất cả những điều thiện hảo “thích hợp”, vật chất cũng như tinh thần. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lòng tín thác con thảo, cùng cộng tác với sự quan phòng của Cha chúng ta[10]. Ngài không muốn chúng ta làm biếng[11], nhưng muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi lo âu và bận tâm. Đó là sự phó thác hiếu thảo của con cái Thiên Chúa:
“Đối với những ai tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, Ngài hứa ban cho họ mọi điều khác. Bởi vì mọi sự đều thuộc về Thiên Chúa, nên ai có Thiên Chúa thì sẽ không thiếu thốn sự gì, nếu họ không thiếu vắng Thiên Chúa”[12].
Số 2831. Nhưng sự tồn tại của những người đang đói cơm bánh cho thấy một chiều sâu khác của lời cầu xin này. Thảm kịch đói khát trên thế giới mời gọi các Kitô hữu đang cầu nguyện trong chân lý, phải có trách nhiệm hữu hiệu đối với các anh em, trong cách hành động cá nhân của họ cũng như trong sự liên đới của họ với gia đình nhân loại. Lời cầu xin này trong kinh Lạy Cha không được tách biệt với các dụ ngôn Anh Lazarô nghèo khó[13] và Cuộc Phán Xét Chung[14].
Số 2832. Như men trong bột, sự mới mẻ của Nước Chúa phải làm “dậy men” trái đất bằng Thần Khí của Đức Kitô[15]. Điều này phải được tỏ hiện bằng việc thiết lập công bằng trong các tương quan cá nhân và xã hội, kinh tế và quốc tế, mà đừng bao giờ quên rằng không thể có cơ cấu xã hội công bằng nếu không có những con người muốn sống công bằng.
Số 2833. Đối tượng cầu xin là lương thực của “chúng con”: “một” điều cho “tất cả”. Tinh thần khó nghèo theo các mối phúc là nhân đức chia sẻ: nó thúc đẩy thông chia và phân phát những của cải vật chất cũng như tinh thần, không vì cưỡng bách nhưng do tình yêu, ngõ hầu sự dư thừa của người này bù đắp sự túng thiếu của những người khác[16].
Số 2834. “Cầu nguyện và làm việc”[17]. “Anh em hãy cầu nguyện như thể tất cả tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, và hãy làm việc như thể tất cả tuỳ thuộc vào anh em”[18]. Cả khi chúng ta đã hoàn tất công việc của mình, lương thực vẫn là một hồng ân của Cha chúng ta; đẹp thay việc cầu xin Ngài và tạ ơn Ngài về lương thực đó. Đó là ý nghĩa của kinh chúc lành bữa ăn trong gia đình Kitô giáo.
Số 2835. Lời cầu xin này và trách nhiệm kèm theo, cũng có giá trị đối với một nạn đói khác khiến cho con người phải diệt vong: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4)[19], nghĩa là nhờ Lời và Thần Khí của Thiên Chúa. Các Kitô hữu phải vận dụng mọi nỗ lực của mình để “những người nghèo khó được loan báo Tin Mừng”. Trên trái đất còn những người đói khát, “không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe Lời Chúa” (Am 8,11). Vì thế, ý nghĩa đặc thù Kitô giáo của lời cầu xin thứ tư này liên quan đến Bánh trường sinh: đó là Lời Chúa được đón nhận trong đức tin, là Mình Thánh Chúa Kitô được lãnh nhận trong bí tích Thánh Thể[20].
Số 2836. “Hôm nay” cũng là kiểu nói biểu lộ sự phó thác. Chúa dạy chúng ta điều này[21]; chứ chúng ta không thể sáng chế ra. Đặc biệt khi nói đến Lời Chúa và Mình Thánh của Con Ngài, từ “hôm nay” không chỉ nói đến hiện tại của thời gian chóng qua, mà còn là ngày “Hôm nay” của Thiên Chúa:
“Nếu mỗi ngày bạn lãnh nhận lương thực, thì mỗi ngày đều là ngày hôm nay cho bạn. Nếu Đức Kitô hôm nay là của bạn, thì mỗi ngày Người sống lại cho bạn. Làm sao lại như thế được? ‘Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con’ (Tv 2,7). Vì vậy, Ngày Hôm Nay là khi Đức Kitô sống lại”[22].
Số 2837. “Hằng ngày”. Tân Ước không sử dụng từ “hằng ngày” (épiousios) ở chỗ nào khác. Theo nghĩa thời gian, từ này là sự lặp lại từ “hôm nay” theo kiểu sư phạm[23], để dạy chúng ta phó thác cách triệt để. Theo nghĩa phẩm chất, từ này có nghĩa là điều cần thiết cho sự sống và, hiểu rộng hơn, mọi điều thiện hảo đủ để tồn tại[24]. Theo nghĩa văn tự (épi-ousios: “super-substantiale”, vượt trên điều cốt thiết), từ này trực tiếp nói đến Bánh trường sinh, là Mình Thánh Chúa Kitô, “phương dược trường sinh”[25], mà nếu không có lương thực này, chúng ta sẽ không có sự sống nơi mình[26]. Sau cùng, kết hợp với điều đã nói trên, ý nghĩa thiên quốc là rõ ràng: “ngày” là ngày của Chúa, ngày của Bàn tiệc Nước Trời, mà bí tích Thánh Thể là một sự tham dự trước, như nếm trước Nước Trời đang đến. Chính vì vậy, phụng vụ Thánh Thể phải được cử hành “hằng ngày”.
“Vậy Thánh Thể là lương thực hằng ngày của chúng ta…. Đặc tính của lương thực thần thiêng này là sự hợp nhất, để một khi được kết hợp trong Mình Thánh Người, trở nên các chi thể của Người, chúng ta trở thành điều chúng ta lãnh nhận…. Và lương thực hằng ngày là khi anh em nghe các bài đọc mỗi ngày ở nhà thờ; lương thực hằng ngày là khi anh em nghe và hát các thánh thi. Bởi vì những điều đó là cần thiết cho cuộc lữ hành của chúng ta”[27].
“Cha trên trời thúc dục chúng ta là, với tư cách là con cái bởi trời, chúng ta hãy cầu xin Bánh bởi trời[28]. Đức Kitô ‘chính Người là tấm bánh được gieo trồng trong lòng Đức Trinh Nữ, dậy men trong xác phàm, làm thành bánh trong cuộc khổ nạn, nấu nương trong lò huyệt mộ, lưu giữ trong các nhà thờ, được dâng lên trên các bàn thờ, hằng ngày cung cấp lương thực bởi trời cho các tín hữu’”[29].
Số 1336: Cớ vấp phạm
Số 1336. Lời loan báo đầu tiên về bí tích Thánh Thể đã gây chia rẽ các môn đệ, giống như lời loan báo về cuộc khổ nạn đã làm cho họ vấp phạm: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Thánh Thể và Thánh Giá là những hòn đá gây vấp ngã. Vẫn là cùng một mầu nhiệm, và mầu nhiệm đó không ngừng là cớ gây chia rẽ. “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6,67): Câu hỏi này của Chúa vang vọng qua các thời đại, với tính cách một lời mời gọi của tình yêu của Người để khám phá ra rằng, chỉ một mình Người mới có “những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68), và việc đón nhận hồng ân Thánh Thể của Người trong đức tin là đón nhận chính Người.
Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa Nhật 20 Thường Niên năm B:
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa Nhật 20 Thường Niên năm B (19/8/2018) – Tầm quan trọng của sự hiệp thông với Chúa Giêsu
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa Nhật 20 Thường Niên năm B (16/8/2015) – Rước Chúa để trở nên như Ngài
Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa Nhật 20 Thường Niên năm B (19/8/2012) – Thánh Thể diễn tả trọn vẹn lòng khiêm tốn và sự thánh thiện của Thiên Chúa
Suy Niệm: TÔI LÀ BÁNH
Cả các Kitô hữu cũng ngỡ ngàng trước bí tích Thánh Thể.
Ăn thịt và uống máu người mình yêu
là điều khủng khiếp chẳng ai dám nghĩ tới.
Nhưng Ðức Giêsu lại muốn nuôi cả nhân loại
bằng Thịt và Máu Ngài.
Và thực sự Ngài đã nuôi ta bằng cái chết thập giá –
ở đó Ngài đã hy sinh Máu Thịt mình.
Ðúng hơn, Ngài nuôi chúng ta bằng sự sống của Ngài:
sự sống được trao đi qua cái chết tự nguyện,
và sự sống được lấy lại qua phục sinh vinh quang.
Ðức Giêsu ban cho ta Tấm Bánh (c.51).
Ngài còn tự nhận mình là Tấm Bánh (cc.48.51):
Tấm Bánh có sự sống và Tấm Bánh ban sự sống.
Tôi là Tấm Bánh: đó là định nghĩa của Ðức Giêsu về mình.
Ðịnh nghĩa này có làm ta ngạc nhiên không?
Bánh là cái gì ăn được và đem lại sự sống.
Bánh không sống cho mình, nhưng cho người khác.
Chấp nhận là bánh có nghĩa là chấp nhận bị ăn,
chấp nhận biến tan, chấp nhận như mất chính mình.
Mà chỉ khi mất mình như thế,
bánh mới thật là bánh, mình mới thật là mình.
Thật ra bánh vẫn hiện diện và nên một với người ăn.
Ðức Giêsu là Tấm Bánh đặc biệt.
Khi tôi ăn, Ngài thành tôi và biến tôi thành Ngài.
“Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi
thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (c.56).
Mỗi lần rước lễ, chúng ta thực hiện lời mời của Chúa:
“Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4).
Đó là sự ở lại hai chiều, giao lưu qua lại.
Chúa Giêsu không chỉ mong ở lại bên, hay ở lại với.
Ngài còn mong ở lại trong từng người chúng ta,
một sự ở lại thân thiết như mẫu Cha và Con ở lại trong nhau.
“Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở trong người ấy,
thì người ấy sinh nhiều hoa trái’ (Ga 15,5).
Bí tích Thánh Thể sinh trái ngọt cho cây nho đời ta.
Mỗi lần rước lễ, chúng ta đón lấy dòng sự sống.
Chúng ta chấp nhận sống nhờ Chúa Giêsu.
Như Chúa Giêsu sống nhờ Cha thế nào,
thì chúng ta cũng sống nhờ Chúa Giêsu như vậy (c.57).
Như cành nho sống nhờ thân cây nho,
chúng ta cũng sống nhờ,
nghĩa là sống trong và sống cho Chúa.
Trong nhiều thế kỷ, Hội Thánh đã từng có thái độ
nhìn và thờ lạy Thánh Thể hơn là cầm lấy mà ăn.
Ðộng từ ăn được nhắc đến 8 lần trong bài Tin Mừng này,
như một lời mời gọi tha thiết của Ðức Giêsu.
Ngày nay, người ta rước lễ nhiều hơn trước.
Tiếc thay lắm khi cuộc gặp gỡ này khá vội vã,
thiếu chuẩn bị và cũng thiếu đối thoại thân tình.
Tôi lên rước lễ chỉ vì mọi người trong hàng ghế đã lên.
Phút thinh lặng sau rước lễ cũng bị cắt ngắn.
Tôi phải về ngay vì phải lấy xe, vì nhà thờ đóng cửa…
Chính vì thế rước lễ chẳng gây được âm vang nào nơi tôi.
Nó trở thành một thói quen, một nghi thức thuần tuý.
Tôi lên ăn một vật thánh, thay vì đón một người.
Ít khi có vị khách quý nào
bị thường xuyên tiếp đón lạnh nhạt như thế!
Rốt cuộc chẳng có cuộc gặp gỡ nào xảy ra,
nên tôi vẫn cứ là tôi như trước.
Hãy dự lễ như người đi dự tiệc Lời Chúa, Mình Chúa.
Chỉ ai biết ăn, biết thưởng thức và nghiền ngẫm,
người ấy mới gặp được sự sống và gặp được Giêsu.
Gợi Ý Chia Sẻ
1. Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Ðức Giêsu tự định nghĩa mình là Cửa (10,7), là Mục Tử (10,11), là Ánh Sáng (12,46), là Con Ðường (14,6), là Cây Nho (15,1), là Tấm Bánh (6,48). Những định nghĩa rất gợi hình và đều hướng về con người. Bạn thích định nghĩa nào hơn cả? Tại sao?
2. Bạn nghĩ gì về việc bạn rước lễ? Có cái gì không ổn, cần sửa đổi không? Có khi nào bạn thấy
mình gặp được Chúa sau khi rước lễ không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đến với chúng con
dưới dạng tấm bánh bình thường.
Tấm bánh chẳng nói gì, chỉ biết lặng lẽ chờ đợi.
Tấm bánh hiện diện là để phục vụ cho con người.
Tấm bánh quá đỗi mong manh, nhỏ bé,
có thể bị ẩm mốc làm hư hoại,
và tan rất mau sau khi được nhận lãnh.
Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự
giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin cho chúng con biết cách
đến với con người hôm nay:
đơn sơ, khiêm hạ,
không chút vinh quang hay quyền lực.
Nhờ ăn tấm bánh của Chúa,
chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon,
được bẻ ra để đáp ứng khẩu vị của nhiều người.
Ước gì chúng con dám rước Chúa
đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình,
để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và ước gì chúng con trở thành
những Nhà Tạm di động,
đem Chúa đến cho đồng bào
và quê hương chúng con. Amen.
Tin tức liên quan khác
Bình An Của Chúa Phục Sinh Ngập Tràn Trong Ngày Khai Mạc Tuần Chầu Lượt Giáo Xứ Trung Nghĩa
Truyền hình trực tiếp Thánh Lễ Phục Sinh (31/03/2024)
Thứ Hai tuần 14 Thường niên năm I (Mt 9,18-26)
Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho tham dự viên phiên họp toàn thể của Bộ Giáo Sĩ năm 2024
Học viện Công giáo: Thông báo chương trình Pháp ngữ ôn thi cấp tốc DELF B1
Đức Thánh Cha điều chỉnh luật của Toà án Tông toà
Giáo xứ Tĩnh Giang: Thánh Lễ Ban Các Bí Tích Khai Tâm cho 20 Dự Tòng
Chuỗi Mân Côi – Chuỗi Ngày Sống