“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng,
thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35)
BÀI ÐỌC I: Is 50, 5-9a
“Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi”.
Trích sách Tiên tri Isaia.
Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi.
Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Ðấng xét tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?
Ðó là lời Chúa.
ÐÁP CA: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9
Ðáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).
Xướng: Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa.
Xướng: Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: “Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!”
Xướng: Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi.
Xướng: Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh.
BÀI ÐỌC II: Gc 2, 14-18
“Ðức tin không có việc làm là đức tin chết”.
Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích gì? Ðức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: “Chúc anh chị em đi bình an, và ăn no mặc ấm”, mà anh em lại không cho họ những gì cần dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?
Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: “Anh, anh có đức tin; còn tôi, tôi có việc làm”. Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.
Ðó là lời Chúa.
Tin mừng: Mc 8, 27-35
27 Đức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”
28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.”
29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.”
30 Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.
32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33 Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
34 Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.
35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
Giáo lý cho bài giảng Chúa Nhật 24 Thường Niên năm B
WHĐ (12/9/2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa Nhật 24 Thường Niên năm B theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.
Số 713-716: Những nét phác hoạ về Đấng Messia được mạc khải trong các bài ca về Người Tôi trung Số 440, 571-572, 601: Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc chúng ta Số 618: Sự tham dự của chúng ta vào hy tế của Đức Kitô Số 2044-2046: Những việc lành biểu lộ đức tin Bài Ðọc I: Is 50, 5-9a Bài Ðọc II: Gc 2, 14-18 Phúc Âm: Mc 8, 27-35 |
Số 713-716: Những nét phác hoạ về Đấng Messia được mạc khải trong các bài ca về Người Tôi trung
Số 713. Những nét phác hoạ về Đấng Messia được mạc khải chủ yếu trong các bài ca về Người Tôi trung[1]. Những bài ca này loan báo ý nghĩa cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và cho thấy cách Người sẽ đổ tràn Thần Khí để cho muôn người được sống: không phải từ bên ngoài, nhưng bằng cách “mặc lấy thân nô lệ” của chúng ta (Pl 2,7). Khi mang lấy cái chết của chúng ta trên mình Người, Người có thể truyền thông cho chúng ta Thần Khí riêng của Người, Thần Khí sự sống của Người.
Số 714. Chính vì vậy, Đức Kitô khởi đầu công cuộc loan báo Tin Mừng của Người bằng cách áp dụng cho mình đoạn sau đây của tiên tri Isaia (Lc 4,18-19)[2]:
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,
Ngài đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa”.
Số 715. Các bản văn tiên tri trực tiếp liên quan đến việc sai Chúa Thánh Thần đến, là những lời sấm trong đó Thiên Chúa lấy ngôn ngữ Lời hứa mà nói vào trái tim của dân Ngài, bằng cung giọng yêu thương và trung tín[3], sáng ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô sẽ tuyên bố việc hoàn thành những điều đó[4]. Theo những lời hứa đó, trong “thời sau hết”, Thần Khí Thiên Chúa sẽ đổi mới trái tim người ta bằng cách ghi khắc Lề luật mới trong họ; Ngài sẽ quy tụ và giao hoà những dân tộc đã bị phân tán và chia rẽ; Ngài sẽ biến đổi công trình tạo dựng thứ nhất và Thiên Chúa sẽ ở đó với người ta trong hoà bình.
Số 716. Đoàn dân “của những người nghèo”[5], những người khiêm nhu và hiền lành, hoàn toàn phó thác cho kế hoạch bí nhiệm của Thiên Chúa của mình, những người mong chờ công lý không bởi người ta nhưng bởi Đấng Messia, đoàn dân ấy cuối cùng là công trình cao cả mà âm thầm của Chúa Thánh Thần, trải suốt thời gian của các Lời hứa, để chuẩn bị cho cuộc Ngự đến của Đức Kitô. Phẩm chất tâm hồn của những người đó, đã được thanh tẩy và soi sáng bởi Thần Khí, được diễn tả trong các Thánh vịnh. Nơi những ngươi nghèo này, Thần Khí chuẩn bị cho Chúa “một dân hoàn hảo”[6].
Số 440, 571-572, 601: Chúa Giêsu chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc chúng ta
Số 440. Khi thánh Phêrô tuyên xưng Người là Đấng Messia, Chúa Giêsu chấp nhận lời tuyên xưng đức tin đó, nhưng Người loan báo ngay cuộc khổ nạn đã gần đến của “Con Người”[7]. Người tỏ cho thấy ý nghĩa đích thực của vương quyền Messia của Người, vừa trong căn tính siêu việt của Con Người, “Đấng từ trời xuống” (Ga 3,l3)[8], vừa trong sứ vụ cứu chuộc của Người với tư cách là Người Tôi trung đau khổ: “Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28)[9]. Do đó ý nghĩa đích thực của vương quyền Người chỉ được biểu lộ cách tột đỉnh trên Thập Giá.[10] Chỉ sau khi Người sống lại, thánh Phêrô mới có thể công bố vương quyền Messia của Người trước mặt dân Thiên Chúa: “Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Chúa Giêsu mà anh em đã treo trên Thập Giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,36).
Số 571. Mầu nhiệm Vượt Qua, tức là mầu nhiệm thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô, là trung tâm Tin Mừng mà các Tông Đồ, và sau các ngài là Hội Thánh, phải loan báo cho trần gian. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất “một lần cho mãi mãi” (Dt 9,26) nhờ cái chết cứu chuộc của Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô.
Số 572. Hội Thánh vẫn trung thành với cách giải thích toàn bộ Thánh Kinh mà chính Chúa Giêsu đã đưa ra trước cũng như sau cuộc Vượt Qua của Người[11]: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Lc 24,26). Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu đã xảy ra cụ thể trong lịch sử do việc Người đã “bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ” (Mc 8,31); và họ đã “nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá” (Mt 20,19).
Đức Kitô “đã chết vì tội lỗi chúng ta theo như lời Thánh Kinh”
Số 601. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa về việc “Người Tôi Trung Công Chính” bị giết[12] đã được báo trước trong Thánh Kinh như một mầu nhiệm Cứu Chuộc phổ quát, nghĩa là, giải thoát người ta khỏi ách nô lệ tội lỗi[13]. Thánh Phaolô, trong lời tuyên xưng đức tin mà ngài nói mình đã “lãnh nhận”[14], tuyên xưng rằng “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh” (1 Cr 15,3)[15]. Sự chết mang lại ơn cứu chuộc của Đức Kitô hoàn thành một cách đặc biệt lời tiên tri về Người Tôi trung đau khổ[16]. Chính Chúa Giêsu đã trình bày ý nghĩa cuộc đời và sự chết của Người dưới ánh sáng về Người Tôi trung đau khổ[17]. Sau khi Người sống lại, Người đã giải thích Thánh Kinh như vậy cho các môn đệ Emmaus[18], rồi cho chính các Tông Đồ[19].
Số 618: Sự tham dự của chúng ta vào hy tế của Đức Kitô
Số 618. Thánh giá là hy tế duy nhất của Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người[20]. Nhưng bởi vì, trong Ngôi Vị Thiên Chúa nhập thể của Người, “một cách nào đó Người đã tự kết hợp với toàn thể mọi người”[21], nên Người đã “ban cho mọi người một khả năng để, theo cách Thiên Chúa biết, họ được kết hợp vào mầu nhiệm Vượt Qua”[22]. Người kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người[23], bởi vì Người đã chịu khổ nạn vì chúng ta, đã để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người[24]. Quả thật, Người cũng muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu chuộc của Người được kết hợp vào hy tế ấy [25]. Điều đó được thực hiện, một cách cao cả nhất, nơi Mẹ Người, Mẹ được kết hợp vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người một cách mật thiết hơn bất cứ ai khác[26].
“Đây là chiếc thang thật và duy nhất của thiên đàng, và ngoài thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời”[27].
Số 2044-2046: Những việc lành biểu lộ đức tin
Số 2044. Lòng trung thành của những người đã lãnh Phép Rửa là điều kiện tiên quyết đối với việc loan báo Tin Mừng và đối với sứ vụ của Hội Thánh trong trần gian. Để tỏ cho mọi người thấy sức mạnh của nó về chân lý và sự rạng ngời, sứ điệp cứu độ phải được chứng thực bằng chứng từ của đời sống các Kitô hữu. “Chính chứng từ của đời sống Kitô hữu và các việc tốt lành được thực thi với tinh thần siêu nhiên, có sức mạnh lôi kéo người ta đến với đức tin và đến với Thiên Chúa”[28].
Số 2045. Bởi vì là các chi thể của Thân Thể mà Đức Kitô là Đầu[29], các Kitô hữu góp phần vào việc xây dựng Hội Thánh bằng sự kiên trì trong xác tín của mình và trong đời sống luân lý của mình. Hội Thánh được tăng số, lớn lên và triển nở bằng sự thánh thiện của các tín hữu của mình[30], cho tới khi chính họ làm thành “con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13).
Số 2046. Bằng đời sống theo Đức Kitô của mình, các Kitô hữu làm cho Nước Thiên Chúa mau đến, đó là “Nước của công bằng, của tình yêu và của bình an”[31]. Nhưng không vì thế mà họ xao lãng nhiệm vụ trần thế của mình; chính họ, trung thành với Thầy mình, chu toàn nhiệm vụ đó với sự ngay thẳng, với sự nhẫn nại và với tình yêu.
Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 24 Thường Niên năm B
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 24 Thường Niên năm B (12/9/2021) – Đối với con, Ta là ai?
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 24 Thường Niên năm B (16/9/2018) – Cần sống lời tuyên xưng
Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 24 Thường Niên năm B (13/9/2015) – Đức tin là ân ban đặc biệt từ Thiên Chúa Cha
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Suy niệm: Ông Phêrô tuyên xưng Ðức Giêsu là Ðức Kitô, lời tuyên xưng này rất đúng. Nhưng người ta có thể hiểu sai về sứ mệnh chân chính của Ðức Giêsu. Họ hiểu sứ mệnh theo nghĩa chính trị: Giải phóng dân tộc, giành được tự do. Vì thế, ngay sau khi ông Phêrô tuyên xưng, Ngài liền loan báo cho họ con đường thương khó và phục sinh của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để thực hiện sứ mệnh theo ý Chúa Cha. Xin giúp chúng con khi nhận mình là Kitô hữu, là môn đệ của Chúa, chúng con cũng biết từ bỏ chính mình mà bước đi theo Chúa trên con đường thập giá, dám can đảm chấp nhận và vượt qua những thử thách, đau khổ để được vào vinh quang phục sinh với Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Thầy là Ðấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
Phân tích
Bài Tin mừng hôm nay có hai phần:
a/ Chúa Giêsu dò hỏi các môn đệ xem dư luận nghĩ sao về Ngài. Các môn đệ phản ảnh: có nhiều dư luận hơi khác nhau, nhưng tựu trung trong mọi người đều nghĩ Chúa Giêsu là một ngôn sứ. Phần Phêrô thì lên tiếng nói thay cả nhóm Mười Hai: “Thầy là Đức Kitô”.
b/ Sau đó Chúa Giêsu tiên báo về cuộc chịu nạn của mình. Phêrô ngăn cản liền bị Chúa trách nặng nề là Xatan. Rồi Ngài cho biết ai muốn làm môn đệ Ngài thì cũng phải đi theo con đường Ngài đi, đó là con đường thập giá.
Suy niệm
1. Phêrô vừa mới được ơn trên soi sáng cho biết Chúa Giêsu là Đức Kitô, nhưng ông chưa hiểu rõ Kitô như thế nào, do đó ông lên tiếng ngăn cản Ngài bước vào con đường thập giá. Điều này có thể thông cảm được. Nhưng tôi đã được biết Đức Kitô từ lâu, thế mà tôi vẫn không chấp nhận con đường thập giá. Tôi nói tôi tôn thờ thập giá nhưng tôi than thở khi phải vác thập giá. Tôi nói tôi theo Đức Kitô, nhưng tôi muốn dừng chân khi Ngài bắt đầu dẫn tôi lên núi sọ.
2.” Con người phải chịu đau nhiều, bị các kỳ lão, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8, 31)
Anh ấy đến với tôi , ồn ào, kiêu hãnh. Và tôi đã thực sự bị chinh phục bởi sự phong lưu sang trọng của anh. Chiều thứ bảy, anh đón tôi đi chơi. Ngồi bên nhau trong quán nước quen thuộc, chúng tôi lặng lẽ ngắm nhìn từng giọt mưa đang rơi nhanh ngoài phố. Một đứa bé ăn xin rách rưới và ướt sũng đến bên anh, chìa đôi tay tím ngắt run rẩy ra trước mặt anh. Anh thản nhiên lắc đầu. Nhìn theo dáng đi xiêu vẹo của đứa bé khuất dần sau làn mưa, tôi chợt nghe như có một cái gì đó đang đổ vỡ trong tâm hồn mình.
Thiên Chúa đến với ta, âm thầm, lặng lẽ, nghèo hèn, giản dị, nhưng chan chứa tình thương. Tôi và các bạn có sẵn sàng đón nhận Người hay còn chờ đợi một Thiên Chúa khác, oai nghi và quyền quý, để rồi lại chợt thấy ngỡ ngàng và hụt hẫng như tôi.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu được mầu nhiệm thánh giá như nhạc sĩ Văn Cao để hiểu và nói:”Chúa Giêsu trần trụi trên thập giá. Ngài không có gì nhưng lại có tất cả”
3.”Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta”.
Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một chút thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục… Cuối cùng ta cũng vác xong bó củi.
Nhiều người lại không làm như thế: chẳng những họ cất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi hôm qua và khúc củi của ngày mai.”Lạ gì họ không vác nổi!”
4.”Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35)
“Chúng tôi muốn lựa chọn một giai cấp thống trị mới, xa lạ với thứ đạo đức thương người, một giai cấp ý thức rằng, dựa trên cơ sở là giống nòi ưu việt nhất, nó có quyền đô hộ, một giai cấp biết thiết lập và duy trì không một chút do dự quyền thống trị của nó đối với quảng đại quần chúng”
Dựa trên thuyết phân biệt chủng tộc, Hítle đã xây dựng một bộ máy chính quyền tôn thờ chiến tranh. Họ coi chiến tranh là “một hoạt động cao quý nhất của những con người thuộc giống nòi ưu việt”. Một đất nước của trại lính và nhà giam đã lôi kéo cả thế giới rơi vào lửa đạn.
50 năm đã trôi qua, chủ nghĩa Phátxít đã bị chôn vùi. Nhưng trên thế giới vẫn còn biết bao ý tưởng điên rồ của con người, khiến nhân loại phải điêu đứng vì chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu.
Lạy Chúa, Chúa đã dạy “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu”, xin giúp con biết hy sinh vì tình yêu đồng loại.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
TIN THEO ĐỨC KITÔ
+++
A. DẪN NHẬP
Đức Giêsu là ai? Đây là câu hỏi được đặt ra nơi người Do thái thời Chúa Giêsu, và ngày nay người ta vẫn tiếp tục lặp lại câu hỏi ấy. Thậm chí có người phủ nhận con người lịch sử của Đức Giêsu và coi đó chỉ là một con người huyền thoại.
Ngày xưa, người Do thái coi Đức Giêsu chỉ là một vị tiên tri có quyền phép làm được những dấu lạ hơn người khác như ông Gioan Tẩy giả, ông Êlia hay một tiên tri nào đó. Riêng ông Phêrô biết con người thật của Đức Giêsu, ông đã tuyên xưng Ngài là “Đấng Kitô”. Tuy thế, đối với ông, Đấng Kitô có tính cách trần tục, Đấng Kitô vinh hiển, Đấng đến để giải phóng dân tộc Do thái và làm cho nước này trở nên hùng cường, bá chủ địa cầu.
Nhưng Đức Giêsu tiết lộ cho các môn đệ biết Ngài là Đấng Kitô, không phải là Đấng Kitô vinh hiển theo kiểu thế gian, mang màu sắc chính trị, mà là Đấng Kitô bị đau khổ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Tiếp đó Đức Giêsu tuyên bố lập trường của Ngài cho các môn đệ và dân chúng: nếu ai muốn theo làm môn đệ Ngài thì phải thi hành hai điều kiện, đó là phải từ bỏ mình và vác thập giá mình hằng ngày.
Vậy chúng ta phải theo Đấng Kitô nào? Đấng Kitô vinh hiển hay Đấng Kitô bị đau khổ? Nếu muốn làm môn đệ của Chúa, chúng ta phải chọn Đấng Kitô bị đau khổ và đi theo đường lối của Ngài, đó là đường khổ giá, nhưng đường đó sẽ dẫn chúng ta đến ơn cứu độ và được thừa hưởng Nước trời vinh quang.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Is 50,5-9a
Đây là đoạn văn được gọi là “Bài ca thứ ba” của tiên tri Isaia nói về Người tôi tớ đau khổ. Đoạn văn này được viết phỏng theo kiểu những lời tâm sự của tiên tri Giêrêmia.
Người tôi trung tự nhận là môn đệ của Giavê, có sứ mạng đem những lời Thiên Chúa truyền cho ông mà loan báo và dạy dỗ. Sứ mạng ấy khiến người ta ghen ghét, ngược đãi dưới nhiều hình thức, nhưng một nguồn sức mạnh mãnh liệt nâng đỡ ông thi hành nhiệm vụ. Ông đã thắng vượt sự buồn lo đó bằng một lòng tín thác không lay chuyển vì ông tin tưởng rằng Thiên Chúa không ngừng đến cứu giúp ông.
Người tôi tớ này được hiểu là Đức Kitô, một người tôi tớ tuyệt hảo nhất. Trong cuộc khổ nạn, Đức Kitô đã đặt niềm tín thác nơi Chúa Cha. Từ đó, Ngài đã được sức mạnh phi thường trong tâm hồn. Thật là mẫu gương sáng ngời cho chúng ta, các môn đệ của Ngài.
+ Bài đọc 2: Gc 2,14-18
Trong bài đọc 2, thánh Giacôbê nói về những đòi hỏi của đức tin trong hành động. Ngài khẳng định: “Đức tin mà không có hành động thì là đức tin chết”. Cả đức tin lẫn hành động đều cần thiết và luôn phải đi đôi với nhau, không thể tách rời.
Ngài còn đưa ra một mẫu gương sống bác ái huynh đệ, để định nghĩa và dẫn giải về đức tin sống động. Điều đó muốn nói rằng: giá trị của đức tin chúng ta tùy thuộc ở mức độ bác ái đối với mọi người anh em của chúng ta.
+ Bài Tin mừng: Mc 8,27-35
Bài Tin mừng hôm nay được chia thành hai phần:
1. Đức Giêsu muốn các môn đệ phản ảnh cho Ngài biết dư luận của dân chúng về Ngài là ai? Các môn đệ cho biết: theo dư luận quần chúng thì Ngài là một tiên tri, một đại tiên tri có quyền làm được những dấu lạ. Phần Phêrô thì lên tiếng nói thay cho Nhóm 12: “Thầy là Đấng Kitô”.
2. Sau đó, Đức Giêsu tiết lộ cho các ông biết về cuộc khổ nạn của Ngài: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ, và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại”. Ông Phêrô, tuy công nhận Ngài là Đấng Messia, nhưng niềm tin này mới là tạm thời: nó không chấp nhận Đấng Messia phải chịu đóng đinh. Các ông không thể hiểu nổi.
Trước sự bỡ ngỡ của Nhóm 12, Đức Giêsu đã khẳng định với tính cách quyết liệt: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Theo Đức Kitô bị đóng đinh
I. ĐỨC KITÔ LÀ AI?
Đức Giêsu là ai? Đó là một câu hỏi được đặt ra không phải chỉ trong thời Đức Giêsu còn ở dưới thế, mà còn được đặt ta ngay trong thời đại chúng ta ngày nay. Câu hỏi đã được đặt ra không phải chỉ vì tò mò muốn biết dư luận nghĩ sao về nhân vật Giêsu, nhưng nó được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời.
Trong đời mỗi người, hữu thần hay vô thần, sẽ có lần trực diện với câu hỏi: Giêsu Kitô, ông là ai? Trên bàn viết của Lênin, thuỷ tổ cộng sản, được lưu giữ như một bảo tàng nhỏ từ khi ông nằm xuống ngày 21/1/1924, người ta thấy bên cạnh cặp kiếng, có một cuốn sách… nói về Chúa Giêsu.
1. Bối cảnh việc tuyên xưng
Thánh Marcô kể: bấy giờ Đức Giêsu đang đi với các môn đệ ở vùng Cêsarêa của Philíp, tức miền cực bắc nước Do thái, nơi bắt nguồn của dòng sông Giođan sẽ chảy xuống phía nam. Người ta gọi nơi này là Cêsarêa của Philíp, vì chính Hêrôđê Philíp đã xây ở đây một thành mang tên Cêsarê, tức là tên của hoàng đế La mã. Do đó, đặt chân đến chốn này, ai cũng phải nghĩ tới hoàng đế và uy quyền thống trị của ông. Và mặc nhiên người ta cũng phải nghĩ đến thân phận của mình.
Ngoài ra, Chúa Giêsu sắp kết thúc việc rao giảng ở Galilê, nay mai sẽ lên đường đi Giêrusalem, chặng đường cuối cùng kết thúc ở đồi Calvê, trong khúc quanh này, đã đến lúc Chúa phải sửa soạn giai đoạn chót cho các Tông đồ.
Có lẽ vì vậy Chúa Giêsu quay sang hỏi các môn đệ xem ý kiến của quần chúng và của các ông về Ngài như thế nào. Ngài muốn biết ý kiến của các ông, sau đó Ngài mới tiết lộ cho các ông về con người thật của Ngài.
2. Theo dư luận quần chúng
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp liền: “Họ bảo Thầylà ông Gioan Tẩy giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một tiên tri nào đó” (Mc 8,28).
Ngày xưa, nhiều người Do thái cho rằng Giêsu cũng chỉ là một người nào đó như các tiên tri, như Elia, như Gioan hay như bất cứ một tiên tri nào khác. Mà theo họ nghĩ thì tiên tri là những người tuy rao giảng một giáo thuyết hay, tuy làm được một số việc lạ lùng hơn người, nhiều khi cũng quấy rầy cuộc sống an bình của họ. Bởi thế khi không muốn bị quấy rầy nữa thì họ không ngại giết các tiên tri: họ lùng bắt Êlia, họ đã bỏ tù Giêrêmia, họ đã chém đầu Gioan Tẩy giả… Đức Giêsu đối với họ thì cũng chỉ có thế thôi.
3. Theo ý kiến các môn đệ
Chúa Giêsu lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô tức khắc trả lời: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29).
Các ông chưa kịp trả lời thì ông Phêrô đã thay cho nhóm 12 mà tuyên xưng Đức Giêsu với danh hiệu là Kitô hay Messia. Câu trả lời của ông Phêrô vượt xa những câu trả lời thông thường của quần chúng. Họ là một thiểu số rất nhỏ. Không ai nghĩ ra một điều như thế, chỉ trừ nhóm này.
Tước vị “Christos”-“Messiah trong tiếng Hêbrơ có một ý nghĩa rất mạnh như một biến cố bùng nổ ở Israel: Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Đó là Đấng được mọi người mong đợi để đến “hoàn tất lịch sử”. Đấng các tiên tri đã báo trước, Đấng sẽ cho đời sống con người có ý nghĩa.
Tuy tuyên xưng Đức Giêsu là Kitô, có lẽ Phêrô vẫn quan niệm như người Do thái về một Đức Kitô vinh quang. Người Do thái chỉ muốn Đức Kitô làm vua như Maisen, như Đavít. Như Maisen, Đức Kitô sẽ chiến thắng muôn dân, làm cho nước Do thái trở nên hùng cường, cai trị khắp địa cầu, thịnh vượng hơn thời Salômôn. Cho nên, Đức Kitô mới được tôn vinh là Cố vấn kỳ diệu, Thiên Chúa hùng mạnh, Cha muôn thuở, Hoàng tử hoà bình, danh Người siêu việt, sự việc Ngài đã lừng vang trên toàn cõi đất. Người là Đấng thánh của Israel và Nước Người tồn tại đến vô cùng tận (Tv 11 và 12).
4. Theo sự tiết lộ của Chúa Giêsu
Đức Giêsu đồng ý với lời tuyên xưng của ông Phêrô và cấm ngặt các ông đừng nói với ai về Người. Rồi Người bắt đầu tiết lộ cho các ông biết: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các luật sĩ loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).
Đó là sứ mạng cốt yếu của Đức Kitô, hy sinh hiến mạng sống mình chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại tội lỗi. Người đến không phải để thiết lập nước vinh quang trần gian mà thiết lập Nước trời vinh phúc vĩnh cửu. Người đến trần gian không dạy đường lối vào trần gian hư nát, nhưng dạy đường lối vào Nước trời muôn thuở. Người đến trần gian chỉ để hy sinh phục vụ như một tôi tớ hiền lành, khiêm tốn để chứng tỏ tận cùng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, để con người nhận biết “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian được sống và được sống dồi dào” (Ga 3,16-18).
II. TIN THEO ĐỨC KITÔ
1. Theo Đức Kitô nào đây?
Sau đó, Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại và nói: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Ta và vì Phúc âm, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,34-35).
Chúa Giêsu bảo ai muốn theo Ngài vì Ngài là Đấng Kitô, nhưng phải theo Đấng Kitô nào? Theo Đấng Kitô vinh hiển như người Do thái thường quan niệm hay Đấng Kitô đau khổ như Người mới tiết lộ?
Trở lại bài đọc 1, ta thấy tiên tri Isaia có một bài ca nói về Người tôi tớ đau khổ nào đó, mà người tôi tớ đau khổ ấy chính là Đức Kitô. Và mọi Kitô hữu cũng một phần nào là người tôi tớ ấy.
Chúng ta chưa hiểu vì sao lại phải như vậy! Nhưng rõ ràng đó là ý muốn của Thiên Chúa và là kế hoạch cứu thế của Người. Người muốn cứu độ bằng đường Thánh giá: ai muốn được ơn cứu độ của Ngài, phải bằng lòng đi vào con đường ấy. Nhiệm vụ của chúng ta hằng ngày là tự hỏi Thiên Chúa muốn cho tôi ngày hôm nay, trong giờ phút này vác thập giá nào đây, để tôi được cứu độ và góp phần vào việc cứu thế.
Truyện: Tôn giáo của ông Lavallière Lepaux
Lavallière Lepaux là một nhân viên Thượng hội đồng quốc gia Pháp, ghét đạo Công giáo. Ông lập một đạo mới gồm những triết thuyết và có vẻ khoa học. Ông cho cán bộ chữ nghĩa đi tuyên truyền khắp nước Pháp, nhưng rất ít người theo.
Một hôm ông nói với một ông bạn tên là Barras:
– Tôi không hiểu tại sao, tôn giáo của tôi là một công trình triết lý và khoa học, cán bộ của tôi là người có học, có huấn luyện, mà không được mấy người theo. Còn ông Giêsu dùng mấy người chài lưới thất học, mà cả thế giới theo ông
Barras trả lời:
– Thưa đồng chí, nếu đồng chí muốn thiên hạ theo đạo mình, thì đồng chí để cho người ta đóng đinh đồng chí ngày thứ sáu, rồi sáng ngày Chúa nhật, đồng chí cố sống lại đi.
2. Những điều kiện để theo Chúa
Muốn theo Chúa thì phải thi hành hai điều kiện là phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình. Hai điều kiện này xem ra ít ỏi nhưng khó ăn lắm.
a) Phải từ bỏ chính mình
Từ bỏ chính mình để nhận lấy Thập giá mà bước theo Chúa. Từ bỏ để khỏi bận tâm tính toán, so sánh hơn thiệt trong việc theo Chúa. Không từ bỏ, con người vướng bận nhiều thứ là cái tôi kềnh càng, tự ái, ích kỷ; nào là vật chất, đẳng cấp, vị thế xã hội. Muốn thong dong trong việc đi theo Chúa phải từ bỏ những thứ phụ thuộc đó, đặt niềm tin vào Chúa mới mong theo trọn con đường Chúa mời gọi.
Ngoài ra, việc từ bỏ chính mình, đứng về phương diện triết học ngày nay, thì là một sự “tha hoá, vong thân”, mình không còn phải là mình nữa. Xét theo tâm lý học thì điều này không tốt, vì mỗi người phải giữ cái độc đáo của mình. Nhưng xét theo thần học thì lại rất tốt: tuy ta không còn là mình nữa nhưng ta hoá nên giống Đức Giêsu thì thật tuyệt vời.
Lý tưởng mà thánh Phaolô muốn nhắm tới là được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu. Hơn nữa đây thực sự không phải là “tha hoá” mà là tìm lại chính mình, bởi vì từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng con người “giống hình ảnh” Ngài. Chỉ sau đó do tội lỗi nên con người bị “tha hoá”. Nay cố gắng trở nên giống Đức Giêsu chính là tìm lại hình ảnh ban đầu (Lm. Carôlô, Sợi chỉ đỏ, năm B, tr 653).
b) Vác thập giá mình
Thập giá, theo Tin mừng, chính là chấp nhận và làm ngược lại mọi sở thích và khuynh hướng tự nhiên của con người. Thập giá là tự chủ, tự chế, là vượt lên những đòi hỏi của bản năng thấp hèn. Thập giá là nỗ lực hoàn thiện, gột bỏ con người thú tính, để mặc lấy nhân phẩm, nhân cách của thụ tạo duy nhất được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, và có khả năng đối thoại với Thiên Chúa.
Như vậy, kiểu nói “vác thập giá mình” có ý nói con người phải nhận những khổ cực của mình, cũng như Đức Giêsu đã đón nhận những khổ cực của Ngài. Ngoài ra, theo luật hình sự Rôma, người bị kết án đóng đinh phải tự mình vác lấy thập giá của mình ra pháp trường. Như thế, “vác thập giá mình” cũng đồng nghĩa với mình đã bị án tử rồi.
c) Chấp nhận đau khổ trong đời
Từ xưa đến nay, có một vấn đề gai góc, một vấn đề nan giải, một vấn đề làm cho nhiều người thắc mắc và thất vọng. Đó là vấn đề đau khổ. Người ta sinh ra trong tiếng khóc, trải qua cuộc đời đầy nước mắt, rồi âm thầm nằm xuống trong tiếng khóc chân thật hay giả dối của người khác. Phải chăng đời là bể khổ như Phật giáo chủ trương? Vấn đề đau khổ này cũng đã được đề cập đến trong sách Gióp, nhưng chưa tìm được câu giải đáp thỏa đáng, phải chờ Đức Giêsu đến để giải thích và cho nó một ý nghĩa.
Chúng ta có thể ví những đau khổ, phiền muộn như cơn bão táp, lụt lội xảy đến. Chúng là một phần cuộc sống mà chúng ta không thể nào tránh né được. Tuy nhiên, đối với Chúa, điều quan trọng trong cuộc sống không phải là nỗi phiền muộn hay đau khổ xảy đến trên chúng ta, mà chính là thái độ chúng ta đáp ứng chúng, cách thức chúng ta xử lý chúng. Có lẽ chúng ta không thể nào tránh né được đau khổ phiền muộn, nhưng chúng ta vẫn có thể biến chúng thành nguồn trợ lực thay vì huỷ diệt, nguồn mang sức sống thay vì chết chóc; nhờ đó, chúng trở nên tốt đẹp hơn thay vì chua chát hơn.
Truyện: Nữ thủ tướng Golda Meir
Khi còn là một thiếu nữ, Golda Meir rất thất vọng về nhan sắc của mình. Cô viết: “Mãi về sau, tôi mới nhận ra rằng không được đẹp lại là một cái may mắn ẩn chìm, bởi vì điều ấy buộc tôi phải khai triển những tài năng sâu kín hơn. Cuối cùng tôi hiểu được rằng phụ nữ không thể ỷ lại vào sắc đẹp của mình, mà phải làm việc chăm chỉ để nhờ đó… mang lại ích lợi cho mình hơn”.
Nói cách khác, Golda Meir đã biết chấp nhận thập giá của mình. Cô đã không kêu gào than khóc, không bẳn gắt, căm hờn. Cô biết cam nhận vác nó lên với lòng can đảm, để rồi cuối cùng cô đã trở nên nữ thủ tướng đầu tiên của Israel (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật B, tr 327).
3. Đường đưa tới vinh quang
Chúng ta thấy dòng Mến Thánh giá có một khẩu hiệu để làm câu tâm niệm hằng ngày rất có ý nghĩa: “Per crucem ad lucem”: qua thập giá tới ánh sáng. Đúng vậy, Chúa Kitô phải trải qua ngày thứ sáu tuần thánh mới tiến tới ngày Chúa nhật Phục sinh được. Thực sự, đạo của chúng ta không phải là đạo tử nạn, nhưng là đạo Phục sinh. Chết chỉ là điều kiện để tiến tới sự sống lại.
Thập giá không còn là cái gì ghê rợn mà là vinh quang. Chúng ta thường hát: “Vinh quang của ta là thập giá Đức Kitô, nơi Người ơn cứu độ của ta, phục sinh của ta. Nhờ Chúa ta được cứu độ, nhờ Chúa ta được giải thoát”.
Ngày nay, có quá nhiều tiện nghi, có nhiều phương cách thoả mãn các nhu cầu thể chất của con người, nên người ta “sợ” thập giá, người ta “ngại” hy sinh, người ta “tránh” từ bỏ… Nhưng không thể khác được, nếu con người muốn vươn lên, muốn thành đạt, muốn có một cuộc sống có ý nghĩa với những hoa trái thơm tho cho cuộc đời, thì phải chấp nhận thập giá, chấp nhận gian nan thử thách, vì như người xưa đã nói: “Bất nhập hổ huyệt, an đắc hổ tử”: không vào hang cọp, làm sao bắt được cọp con?
Hiểu được ý nghĩa cao quý của thập giá, chúng ta phải hãnh diện về cây thập giá. Hãy nói một cách tự hào như thánh Phaolô nói với tín hữu Galata: “Vinh dự của tôi là Thập giá Đức Kitô” (Gl 6,14). Hãy mang lấy trọn vẹn thập giá mà Chúa trao cho hằng ngày, không thêm, không bớt. Chính thập giá là chiếc cầu dẫn ta vào Thiên đàng.
Truyện: Cưa bớt thập giá
Anh kia được Chúa ban cho một cây thập giá và được căn dặn rằng khi nào về thiên đàng nhất thiết phải vác theo. Suốt ngày anh ca cẩm, phân bua vì thập giá của mình quá dài và nặng hơn thập giá của những người khác. Thế rồi, sẵn cưa, anh cưa bớt đi mười phân. Và anh cảm thấy ưng ý với thập giá mới.
Ngày về thiên đàng đã đến, anh cùng mọi người vác thập giá ra đi. Đường vào thiên đàng buộc phải vượt qua một con suối nước chảy xiết. Những người khác có sáng kiến đặt thập giá của mình xuống làm cầu để có thể bước qua bên kia. Anh này cũng bắt chước đặt thập giá xuống để làm cầu. Tiếc rằng thập giá của anh lại thiếu mất mười phân khiến vĩnh viễn anh không thể vào thiên đàng được.
Thi sĩ Robert Browning Hamilton tóm tắt tinh thần bài Tin mừng hôm nay bằng những lời sau:
“Tôi bước đi một dặm đường với Nữ thần lạc thú,
Nàng vuốt ve tôi đủ điều,
nhưng cuối cùng chả làm tôi khôn ngoan tí nào qua những điều nàng nói.
“Tôi lại bước đi một dặm với Nữ thần đau khổ,
Nàng chả nói với tôi lời nào,
Nhưng tôi lại học được biết bao điều
Khi nàng bước đi bên cạnh tôi…”
4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)
AI MUỐN THEO TÔI
Trước câu hỏi của Thầy Giêsu: “Anh em nói Thầy là ai?”
Phêrô đại diện cho cả nhóm đã trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.”
Câu trả lời này đã mở ra một giai đoạn mới,
vì từ nay Thầy Giêsu không còn giảng bằng dụ ngôn nữa.
Thầy sẽ bắt đầu nói thẳng về những biến cố sắp xảy ra.
Khi tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, là Đấng Mêsia,
Phêrô đã khẳng định một điều hết sức quan trọng.
Dân Israen đã chờ Đấng Mêsia cả sáu thế kỷ.
Họ mong Đấng ấy đến để giải phóng họ khỏi ách nô lệ,
cho đất nước được độc lập, hạnh phúc, ấm no.
Họ vẫn chờ một vị vua thuộc dòng tộc Đavít lên ngôi,
đúng như lời Thiên Chúa đã hứa (2 Sm 7,12-17).
Phêrô tin Đấng Mêsia đã đến rồi, không phải chờ nữa!
Đấng Mêsia là Thầy Giêsu đang ở ngay bên.
Vào chính giây phút Phêrô reo lên như thế,
Thầy Giêsu đã vén mở cho các môn đệ
con đường làm Mêsia rất khác thường của Thầy.
Con đường này hẳn làm các ông chưng hửng,
vì đây là một Mêsia chỉ chiến thắng sau bao khổ đau,
một Mêsia sống lại sau khi bị giết chết.
Nhưng đây là con đường Thiên Chúa muốn Thầy đi,
đây là kế hoạch mà Đấng Mêsia “phải” chấp nhận.
Phêrô đã phản ứng mạnh mẽ khi nghe Thầy nói
về con đường bi thảm Thầy sắp đi.
Ông không thể chấp nhận chuyện Thầy bị hãm hại.
Ông muốn kéo Thầy ra khỏi những suy nghĩ u ám
về định mệnh đang chờ mình.
Phêrô đã thất bại trong việc lôi kéo Thầy,
vì Thầy Giêsu thấy đằng sau lòng tốt của Phêrô
có bóng dáng của Xatan, kẻ đã từng cám dỗ Ngài.
Nơi hoang địa, Xatan đã lôi kéo Đức Giêsu
đi vào con đường cứu độ theo kiểu trần tục tự nhiên
nhờ nhảy xuống từ nóc Đền thờ hay quỳ bái lạy nó.
Giờ đây, Phêrô lại đang làm một điều tương tự,
bởi đó Thầy Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ không kém.
Thầy đã gọi anh học trò yêu quý là Xatan,
và Thầy ra lệnh cho anh lui ra đằng sau Thầy,
đứng vào đúng chỗ của người môn đệ.
Phêrô không muốn Thầy đi vào con đường khổ nhục,
nhưng ý nghĩ của ông không phải là ý Thiên Chúa.
Con đường Thầy Giêsu cũng là đường cho đám đông,
cho bất cứ ai muốn theo, bây giờ và mãi mãi.
Những gì Thầy phải làm thì môn đệ cũng phải làm.
Đó là từ bỏ chính mình, làm cho mình ra không (Pl 2,7).
Đó là vác thập giá của mình, là chấp nhận mất mạng sống.
Người môn đệ Thầy Giêsu cũng phải trải qua khổ đau,
qua cái chết nhục nhằn mới được vinh quang phục sinh.
Đời người môn đệ phải kết dính với đời Thầy Giêsu:
đi sau Thầy, vác thập giá mình mà theo Thầy,
và chịu mất mạng sống ở đời này vì Thầy (Mc 8,34-35),
bởi lẽ chính Thầy đã vác thập giá của mình (Mc 15,20-21)
và đã chịu mất mạng vì họ (Mc 10,45).
Chẳng ai là môn đệ Chúa Giêsu mà lại đi đường khác.
“Ai nói rằng mình ở lại trong Thiên Chúa
thì cũng phải đi như chính Đức Giêsu đã đi” ( 1 Ga 2,6).
Vào thời bạo chúa Nê-rô, các kitô hữu bị bách hại dã man.
Họ thấy ấm lòng khi đọc Tin Mừng Máccô
vì biết mình đi sau Thầy, đi cùng một đường với Thầy.
Các kitô hữu hôm nay cũng không ngạc nhiên
nếu đời họ được che phủ dưới bóng thập giá.
Có nhiều thứ bách hại thời nay tinh vi hơn của Nêrô,
kéo họ chiều theo cái lợi nhất thời của lối nghĩ trần tục,
tìm giải pháp dễ dãi để giải quyết ngay những khó khăn.
Chọn theo Giêsu là chọn theo Ngài đi vào đường hẹp.
Nếu thấy mình đi trên đường rộng rãi, thênh thang,
thì không chắc mình đang đi trên Đường Giêsu.
CẦU NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Xin nhớ đến sáu triệu người đã bị chết vì hơi ngạt,
bị giết, bị dìm dưới nước, bị thiêu sống, bị tra tấn,
bị đánh đập hay chịu lạnh cóng cho đến chết.
Chỉ vì lòng độc ác của một người
mà cả dân tộc chúng con bị đóng đinh,
trong khi thế giới lặng lẽ đứng nhìn.
Trái tim chúng con
sẽ chẳng bao giờ quên được những chuyện đó.
Lạy Thiên Chúa của cha ông chúng con,
Xin cho tro cốt của những đứa trẻ bị thiêu ở Auschwitz,
cho dòng sông máu đổ ra ở Bab-bi Yar hay Maj-da-nek,
trở thành lời cảnh báo cho nhân loại biết rằng:
lòng căm thù dẫn đến hủy diệt, bạo lực thì dễ lây lan,
và khả năng độc ác của con người thì vô hạn.
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
Xin Chúa hãy làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia:
“Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc, thành cày,
rèn giáo mác nên liềm, nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,
và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” Amen.
Alexander Kimel (người sống sót sau Holocaust)
5. Suy niệm (song ngữ)
24th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Isaiah 50:4-9 II: James 2:14-18
Chúa Nhật 24 Thường Niên
Bài Đọc I: Isaiah 50:4-9 II: James 2:14-18
——o0o——
Gospel
Mark 8:27-35
27 And Jesus went on with his disciples, to the villages of Caesare’a Philip’pi; and on the way he asked his disciples, “Who do men say that I am?”
28 And they told him, “John the Baptist; and others say, Eli’jah; and others one of the prophets.”
29 And he asked them, “But who do you say that I am?” Peter answered him, “You are the Christ.”
30 And he charged them to tell no one about him.
31 And he began to teach them that the Son of man must suffer many things, and be rejected by the elders and the chief priests and the scribes, and be killed, and after three days rise again.
32 And he said this plainly. And Peter took him, and began to rebuke him. 33 But turning and seeing his disciples, he rebuked Peter, and said, “Get behind me, Satan! For you are not on the side of God, but of men.”
34 And he called to him the multitude with his disciples, and said to them, “If any man would come after me, let him deny himself and take up his cross and follow me.
35 For whoever would save his life will lose it; and whoever loses his life for my sake and the gospel’s will save it.
Phúc Âm
Máccô 8:27-35
27 Đức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai ?”
28 Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”.
29 Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”.
30 Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.
32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.
33 Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: “Xatan ! lui lại đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loàn người”.
34 Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.
35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
Interesting Details
• (v.28) In the popular mind, the Messiah was a nationalistic, political leader that would restore the glory days of Israel. Jewish people of Jesus’ day (and still now) believed that Elijah had to re-appear before the Messiah would come. John the Baptist was considered by many to be Elijah. Jesus was also considered by the public in a similar fashion.
• (v.30) Because of the political implication of Messiahship in the popular understanding, Jesus did not want his disciples to publicize him being the Messiah lest it precipitates a revolution against Rome.
• (v.31) “Son of Man” (ben adam) appears 81 times in the Gospels and never used by anyone but Jesus to call himself. It has two meanings. One is simply mean “I.” The other, taken from Dan 7:13-14, is a heavenly figure entrusted by God with authority, glory and sovereign power.
• (vv.32-33) Suffering and rejection had no place in the popular concept of Messiah, thus it was normal for Peter to get upset with Jesus’ prediction. Yet, by calling Peter “Satan” (meaning the “adversary”) Jesus did not mean that Peter was the devil. He only pointed out that Peter’s attempt to dissuade Jesus from going to the cross was like that of the devil, which is adversarial to God’s plan.
• (vv.34-35) Discipleship may result in the lost of physical life but that loss is insignificant when compare with gaining eternal life.
Chi Tiết Hay
• (c.28) Đối với quần chúng, đấng Mesia là một vị lãnh đạo chính trị, có tinh thần ái quốc, sẽ đưa Israel trở lại thời vàng son. Người Do Thái thời Chúa Giêsu (cũng như bây giờ) tin rằng ngôn sứ Elia phải tái xuất hiện để dọn đường cho đấng Mesia. Nhiều người cho rằng Gioan Tẩy giả là hiện thân của Elia. Đối với một số người Chúa Giêsu cũng mang một tầm quan trọng như vậy.
• (c.30) Vì khái niệm của dân chúng về đấng Mesia mang mầu sắc chính trị, Chúa Giêsu không muốn các môn đệ khoe trương Ngài là đấng Mesia vì e rằng điều này có thể đưa đến một cuộc nổi dậy chống chế độ La Mã.
• (c.31) Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dùng danh xưng “Con Người” (ben adam) dùng 81 lần để tự gọi. Danh xưng này có hai nghiã. Một nghiã là “tôi”. Nghiã thứ hai, mượn từ Dan 7:13-14, là hình ảnh một người đến từ trời được Thiên Chúa ủy nhiệm quyền bính, vinh quang và quyền lực cai quản.
• (cc.32-33) Theo quan niệm thông thường, đấng Mesia không thể bị chối bỏ và chịu đau khổ, thế nên chúng ta không ngạc nhiên nếu Phêrô không hiểu và bực tức với lời tiên báo của Chúa. Nhưng khi gọi Phêrô là “Satan” (có nghiã là kẻ đối nghịch), Chúa Giêsu không có ý ám chỉ Phêrô là ma quỵ. Ngài chỉ muốn nói Phêrô suy nghĩ như ma quỵ muốn cản trở và đối nghịch với kế hoạch của Thiên Chúa.
• (cc.34-35) Làm môn đệ đôi lúc đòi hy sinh đến cả mạng sống, nhưng hy sinh đó so với sựsống muôn đời thì có là bao.
One Main Point
Following Jesus is no rose garden. It will cost you everything.
Một Điểm Chính
Đường theo Chúa không phải dễ dàng. Làm người môn đệ đòi hỏi hy sinh tất cả.
Reflections
1. If you meet Jesus today, how do you answer his question: “Who do you say I am?”
2. In what areas of your life (relationships, priorities, family, career…) does “your way” still conflict with “Jesus’ way”?
3. What does the call to “deny yourself and carry the cross” mean to you personally? How do you apply that in your life? Suy Niệm
1. Nếu hôm nay bạn gặp Ngài, bạn sẽ trả lời câu Ngài hỏi: “Con bảo ta là ai?” như thế nào?
2. Trong cuộc sống của bạn, có những phần nào (quan hệ tình cảm, thứ tự công việc, gia đình, nghề nghiệp…) còn “đối chọi” với điều kiện sống của Chúa (xem cc. 34-36)?
3. Lời mời gọi “bỏ mình để vác thập giá” đối với riêng bạn có ý nghiã gì? Bạn áp dụng điều này trong cuộc sống ra sao?
Tin tức liên quan khác
Thứ Tư tuần 6 Phục sinh – Chúa Thánh Thần là Thầy dạy Kitô hữu (Ga 16,12-15)
Liệu sự phân tâm chia trí trong khi cầu nguyện có một ý nghĩa nhất định không?
ĐTC trả lời phỏng vấn trên chuyến bay từ thủ đô của Mông Cổ trở về Roma
Đức Thánh Cha Phanxicô công bố Năm Cầu nguyện chuẩn bị cho Năm Thánh 2025
ĐTC tiếp các thành viên của Uỷ ban Toà Thánh Bảo vệ trẻ vị thành niên
Thứ Năm tuần 2 mùa Chay (Lc 16,19-31)
ĐTC gặp gỡ 100 thành viên Phong trào Focolare – Tổ Ấm
Hạnh phúc thay