Chúa nhật 28 Thường niên năm B – Để được sự sống đời đời (Mc 10,17-27)

“Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo,
anh sẽ được một kho tàng trên trời”. (Mc 10, 21)

Bài Ðọc I: Kn 7, 7-11

“Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không”.

Bài trích sách Khôn Ngoan.

Tôi đã ước ao được ban sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn.

Tôi yêu quý sự khôn ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp, tôi lấy nó làm hơn được sự sáng, vì sự sáng của nó không hề tắt. Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó, và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết.

 

ĐÁP CA: Tv 89, 12-13. 14-15. 16-17

Đáp: Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan (c. 14).

Xướng: 1) Xin dạy chúng con biết đếm ngày giờ, để chúng con luyện được lòng trí khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại, chứ còn để tới bao giờ? Xin tỏ lòng xót thương tôi tớ của Ngài. – Đáp.

2) Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con. Xin ban niềm vui thế cho những ngày Chúa hạ nhục chúng con, thế cho những năm chúng con mục kích nạn tai. – Đáp.

3) Xin cho các bầy tôi nhìn thấy sự nghiệp của Chúa, và cho con cháu họ được thấy vinh quang Ngài. Xin cho chúng con được hưởng ân sủng Chúa là Thiên Chúa chúng con, sự nghiệp tay chúng con làm ra, xin Ngài củng cố; xin Ngài củng cố sự nghiệp tay chúng con làm ra. – Đáp.

 

Bài Ðọc II: Dt 4, 12-13

“Lời của Chúa phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn”.

Bài trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà chúng ta phải trả lẽ.

 

Tin mừng: Mc 10, 17-27

17 Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời ?” 18 Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa.

19 Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. 20 Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.

21 Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”.

22 Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

23 Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!” 24 Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”.

26 Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ ?” 27 Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

 

Giáo lý cho bài giảng Chúa nhật 28 Thường niên năm B:

WHĐ (10/10/2024) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của lễ Chúa nhật 28 Thường niên năm B theo sự hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích.

Số 101-104: Đức Kitô, Lời duy nhất của Thiên Chúa

Số 131-133: Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội

Số 2653-2654: Thánh Kinh, một nguồn của kinh nguyện

Số 1723, 2536, 2444-2447: Sự nghèo khó của trái tim

Bài Ðọc I: Kn 7, 7-11

Bài Ðọc II: Dt 4, 12-13

Phúc Âm: Mc 10, 17-30

 

Số 101-104: Đức Kitô, Lời duy nhất của Thiên Chúa

Số 101. Thiên Chúa, trong sự hạ cố do lòng nhân hậu của Ngài, để tự mạc khải cho loài người, đã dùng ngôn ngữ phàm nhân mà nói với họ: “Các lời của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, đã trở nên tương tự với lời nói loài người, cũng như khi xưa Lời của Chúa Cha vĩnh cửu đã mặc lấy xác thịt yếu đuối của loài người, đã trở nên giống như loài người”[1].

Số 102. Qua tất cả các lời ở trong Thánh Kinh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là (Ngôi) Lời duy nhất của Ngài. Trong Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ tất cả về chính mình Ngài[2]:

“Anh em hãy nhớ rằng một Lời duy nhất của Thiên Chúa được trải ra trong toàn bộ Thánh Kinh, một Lời duy nhất vang trên môi miệng của các Thánh. Lời này lúc khởi đầu là Thiên Chúa hướng về Thiên Chúa, lúc ấy Lời không có các âm vận, bởi vì Ngài không lệ thuộc thời gian”[3].

Số 103. Vì lý do đó, Hội Thánh đã luôn tôn kính Thánh Kinh như đã tôn kính chính Thân Thể [Mình Thánh] Chúa. Hội Thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Thân Thể [Mình Thánh] Chúa Kitô mà trao ban cho các tín hữu[4].

Số 104. Hội Thánh không ngừng tìm thấy lương thực và sức mạnh cho mình trong Thánh Kinh[5], vì nơi đó, Hội Thánh không chỉ tiếp nhận một lời phàm nhân, nhưng thực sự là Lời của Thiên Chúa[6]. “Quả thật, trong các sách thánh, Cha trên trời âu yếm đến gặp con cái và trò chuyện với họ”[7].

 

Số 131-133: Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội

Số 131. “Trong Lời Thiên Chúa, có năng lực lớn lao có thể nâng đỡ và ban sinh lực cho Hội Thánh, còn đối với con cái Hội Thánh thì thành sức mạnh cho đức tin, lương thực cho linh hồn, nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng”[8]. Vì vậy, “lối vào Thánh Kinh cần phải được rộng mở cho các Kitô hữu”[9].

Số 132. “Việc nghiên cứu Thánh Kinh phải là như linh hồn của khoa Thần học. Nhờ chính lời Thánh Kinh này, thừa tác vụ Lời Chúa, gồm có việc giảng thuyết của các vị chủ chăn, việc dạy giáo lý và toàn thể giáo huấn Kitô giáo, trong đó bài diễn giảng trong phụng vụ phải chiếm ưu thế, được nuôi dưỡng lành mạnh và tăng cường sinh lực thánh thiện”[10].

Số 133. Hội Thánh “nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu … học được ‘mối lợi tuyệt vời, là được biết Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh. ‘Thật vậy, không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô’”[11].

 

Số 2653-2654: Thánh Kinh, một nguồn của kinh nguyện

Số 2653. Hội Thánh “nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu … học được ‘sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh…. Nhưng họ nên nhớ rằng kinh nguyện phải có kèm theo việc đọc Thánh Kinh, để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì ‘chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh’”[12].

Số 2654. Các linh phụ đã dùng câu Tin Mừng Mt 7,7 để tóm lược tiến trình tâm hồn được Lời Chúa nuôi dưỡng khi cầu nguyện, như sau: “Anh em cứ tìm nhờ đọc, thì sẽ thấy nhờ suy niệm; cứ gõ cửa nhờ cầu nguyện, thì sẽ mở ra cho anh em nhờ chiêm niệm”[13].

 

Số 1723, 2536, 2444-2447: Sự nghèo khó của trái tim

Số 1723. Vinh phúc được hứa ban đặt chúng ta trước những lựa chọn luân lý có tính quyết định. Vinh phúc đó mời gọi chúng ta thanh luyện trái tim khỏi những bản năng xấu và tìm kiếm tình yêu của Thiên Chúa trên hết mọi sự. Nó dạy chúng ta biết rằng hạnh phúc thật không cốt tại của cải trần thế hoặc tiện nghi, cũng không phải trong vinh quang nhân loại hay quyền lực, cũng không phải trong công trình nhân loại nào, cho dù là hữu ích, như khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật, cũng không ở trong bất cứ tạo vật nào, nhưng duy chỉ ở nơi Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi điều thiện hảo và mọi tình yêu:

“Ngày nay, giàu sang là vị thần vĩ đại; nhiều người, hàng lớp người tự nguyện sùng bái vị thần này. Họ đo lường hạnh phúc bằng tài sản; họ đo lường cả sự đáng kính cũng bằng tài sản…. Điều đó phát sinh do sự xác tín của chúng ta … theo đó thì có tiền thì mọi sự đều có thể. Vì vậy giàu sang là một trong những ngẫu tượng của thời đại ngày nay, và danh tiếng là một ngẫu tượng khác…. Danh tiếng, được người ta biết đến, có tiếng tăm ở trần gian, đưa đến chỗ chính danh tiếng được coi là điều thiện hảo, là điều thiện hảo cao cả, là đối tượng cho người ta kính trọng… Đó có thể được gọi là sự nổi tiếng trên báo chí”[14].

Số 2536. Điều răn thứ mười cấm sự tham lam và ước muốn sở hữu của cải trần thế cách vô chừng mực; cấm sự ham muốn phát sinh do đam mê vô độ của cải và quyền lực do của cải đem lại. Điều răn này cũng cấm ước muốn làm điều bất công gây thiệt hại cho người lân cận về của cải trần thế của họ.

“Khi Lề luật dạy: ‘Chớ tham của người’, thì có nghĩa là chúng ta đừng ham muốn những gì của người khác. Thật vậy, sự khao khát ham muốn của cải của người khác thì bao la, vô tận và chẳng bao giờ được thoả mãn, như đã chép rằng: ‘Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ’ (Gv 5,9)”[15].

Số 2444. “Lòng yêu mến của Hội Thánh đối với người nghèo… được tiếp nối liên tục trong kinh nghiệm truyền thống của Hội Thánh”[16]. Tình yêu đó được linh hứng bởi Tin Mừng của các mối phúc[17], bởi sự khó nghèo của Chúa Giêsu[18] và sự quan tâm của Người đối với kẻ nghèo.[19] Tình yêu đối với người nghèo cũng là một trong những động lực thúc đẩy bổn phận làm việc để “có gì chia sẻ với người túng thiếu”[20]. Điều này không chỉ giới hạn ở sự nghèo khó về vật chất, nhưng còn hướng tới nhiều hình thức nghèo đói về văn hóa và tôn giáo[21].

Số 2445. Tình yêu đối với người nghèo không thể đi đôi với tình yêu vô độ đối với của cải hoặc việc sử dụng của cải cách ích kỷ:

“Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi đã bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các ngươi; nó sẽ như lửa thiêu hủy xác thịt các ngươi. Các ngươi đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các ngươi đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các ngươi, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh. Trên cõi đất này, các ngươi đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các ngươi đã được no đầy thỏa mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5,1-6).

Số 2446. Thánh Gioan Kim Khẩu nhắc lại điều này một cách mạnh mẽ: “Không cho kẻ nghèo được chia sẻ của cải thuộc về mình, là ăn cắp của họ và cướp lấy mạng sống của họ; … của cải chúng ta đang nắm giữ, không phải là của chúng ta, nhưng là của họ”[22]. “Phải thỏa mãn những đòi hỏi của đức công bằng trước đã, kẻo những tặng phẩm đem cho, tưởng là vì bác ái, mà thật ra là phải đền trả vì đức công bằng”[23].

“Khi tặng bất cứ thứ gì cần thiết cho người nghèo, thì không phải chúng ta tặng những gì của chúng ta, nhưng là chúng ta trả lại cho họ những gì là của họ; chúng ta trả nợ theo đức công bằng, hơn là chúng ta làm những việc từ thiện”[24].

Số 2447. Các việc từ thiện là những hành vi bác ái, qua đó chúng ta giúp đỡ tha nhân những gì cần thiết cho thể xác và tinh thần của họ[25]. Dạy dỗ, khuyên nhủ, an ủi, khích lệ là những việc từ thiện về mặt tinh thần, cũng như tha thứ và nhẫn nhục chịu đựng. Các việc từ thiện về mặt vật chất gồm có: cho kẻ đói ăn, cho kẻ vô gia cư tạm trú, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng bệnh nhân và kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết[26]. Trong các công việc đó, bố thí cho người nghèo[27] là một trong những bằng chứng chủ yếu của tình bác ái huynh đệ; đó cũng là việc thực thi đức công bằng làm đẹp lòng Thiên Chúa[28]:

“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11). “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi” (Lc 11,41). “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?” (Gc 2,15-16)[29].

 

Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật 28 Thường Niên năm B

Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 28 Thường Niên năm B.

NỘI DUNG CHÍNH

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (10/10/2021) – Gặp gỡ, lắng nghe, phân định

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (10/10/2021) – Tránh đức tin kiểu thương mại

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (11/10/2015) – Cái nhìn của Chúa Giêsu

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 28 Thường Niên năm B (14/10/2012) – Người giàu có thật là khó vào Nước Thiên Chúa

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Ðức Giêsu nhấn mạnh đến sự chọn lựa của một người đi theo Chúa: chọn của cải dưới đất hay kho tàng trên trời ?

Người thanh niên trong bài Tin Mừng là một người giàu có và giữ nền đạo đức từ thuở nhỏ. Nhưng khi Ðức Giêsu đưa ra một điều kiện cao hơn: chia sẻ của cải cho tha nhân, thì anh ta chán nản bỏ đi. Ðức Giêsu cho chúng ta thấy: để được vào Nước Trời, không chỉ giữ đúng, giữ đủ các điều luật, không làm gì hại đến ai như anh nhà giàu kia, mà còn phải thực thi bác ái. Vì chỉ ai sẵn sàng nên nghèo khó về bản thân để mưu ích cho anh em mới xứng đáng đón nhận ơn cứu độ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con muốn theo Chúa, muốn vào được Nước Trời, phải từ bỏ tất cả. Mỗi người chúng con đi theo Chúa nhưng vẫn muốn tích trữ cho mình thật nhiều của cải. Tiền của đời này là một trở ngại, biến chúng con thành nô lệ, ích kỷ và khó thoát ra được để đến với anh em. Xin cho chúng con hiểu rằng của cải trần gian chóng qua mau hết. Ðược Chúa, được Nước Trời mới là hạnh phúc đích thực. Amen.

Ghi nhớ:“Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Bài đọc I hôm nay nói về phẩm chất khôn ngoan. Nhưng chẳng hiểu tác giả muốn ám chỉ phẩm chất khôn ngoan nào. Vì ông nói nó quí hơn vàng bạc, sức khoẻ, vương trượng, ngai vàng, sắc đẹp… nghĩa là chẳng có chi sánh bằng: “Tôi kêu cầu và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi. Đức Khôn Ngoan tôi đã quý trọng hơn vương trượng, ngai vàng, so với Đức Khôn Ngoan tôi coi của cải chẳng ra gì…vàng bạc chỉ là cát bụi.” Nhưng điều lạ là Đức khôn ngoan được nhân cách hoá biến thành “bà khôn ngoan”, chứ không phải phẩm chất. Bà khôn ngoan còn sang trọng hơn cả ánh sáng: “Đức khôn ngoan hơn ánh sáng vì vẻ rực rỡ của nó chẳng bao giờ tàn lụi.” Tác giả muốn nói gì?

Theo như phỏng đoán thì tác giả cuốn sách là vua Salômôn. Ông nổi tiếng về phẩm chất khôn ngoan. Vì không những hàng ngày ông cầu xin cho được thông tuệ thực hiện những lựa chọn tốt, mà còn truyền thống tôn giáo giúp đỡ ông làm những quyết định đúng đắn về tinh thần và luân lý. Tác giả xem ra không chỉ bằng lòng với bấy nhiêu thôi. Ông còn xin cho được những điều tốt lành hơn. Những điều mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể ban cho. Do đó ông cất lời kêu xin: “Tôi nguyện xin và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.” Bởi vì giàu có để làm gì nếu không có ơn lành của Khôn Ngoan hướng dẫn đạt tới khát vọng sâu thẳm nhất của cuộc đời là thành toàn cá nhân?

Cuốn sách mô tả Đức khôn ngoan ở giống cái. Ngôn ngữ cổ Do Thái, từ khôn ngoan là giống cái. Nhưng còn một lý do khác: Tác giả khao khát một điều gì đó vượt lên trên các thành ngữ, ngạn ngữ, châm ngôn của đời thường. Tác giả muốn nhắc nhở chúng ta mọi thứ chúng ta tưởng là quan trọng thực ra sẽ qua đi. Ông muốn điều chi vững bền hơn, ông muốn một người bạn đồng hành dẫn dắt mình qua những thăng trầm của cuộc sống. Lời cầu xin của ông đã được chấp nhận. Một người bạn trọn đời trung tín và lịch thiệp đã đến với ông “Và thần khí khôn ngoan đã đến với tôi. Đức Khôn Ngoan tôi đã quý chuộng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan.” Như vậy ông đã có một ánh sáng rất là thông tuệ để hướng dẫn mình, ánh sáng vượt lên trên hết mọi sự thông minh khác.

Qua bài Phúc Âm, Chúa Giêsu chính là ánh sáng khôn ngoan ấy. Khi người thanh niên sấp mình trước mặt Ngài hỏi: “Thưa thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Chúa trả lời: Anh chỉ còn thiếu “một điều”. Nếu người thanh niên nhanh trí đủ thì nhận ra điều anh đang thiếu giống như tác giả sách khôn ngoan “thông tuệ suốt cuộc đời”. Nhưng anh không ngộ ra nên Chúa nhắc khéo, như nhân viên nhắc văn bản trong các buổi diễn kịch sân khấu: “Phải tôi sẽ bán tất cả của cải hiện có, phân phát cho kẻ nghèo, sắm lấy kho tàng trên trời.” Anh đang cần một điều mà anh chẳng hề có, anh không thể tự cung cấp, anh chỉ có thể cầu xin với Người trước mặt anh ban cho. Đó là một ân huệ trổi vượt trên cả ánh sáng. Nhưng người thanh niên đã bỏ lỡ cơ hội, không dám gạt sang một bên những của cải chóng qua để nhận lãnh ơn huệ đó. Anh buồn rầu bỏ đi. Anh không thể có cả hai: của cải đời này và Chúa Giêsu. Hoặc anh chọn Ngài, hoặc từ chối Ngài mà bám lấy giàu sang phú quý. Bài học quá rõ ràng cho những ai quyết tâm làm tôi Chúa. Tác hại thay, hơn hai ngàn năm trôi qua mà thiên hạ vẫn chưa học nổi. Họ vẫn bắt cá hai tay. Xin Chúa ban thêm cho chúng ta ánh sáng khôn ngoan để lựa chọn cho chính xác. Bởi chỉ khi đó, Hội Thánh mới có cơ hội thăng tiến trên đường thiêng liêng. Thánh thiện mới thực sự ló dạng.

Thánh Marcô mở màn giai đoạn này của Tin Mừng nói rằng Chúa khởi sự hành trình lên Giêrusalem. Hành trình không phải là vị trí cố định và an toàn. Người lữ hành phải xông pha vào thay đổi và bất định. Tiếng Anh gọi là ‘hit the road’, một từ ngữ gợi lên nhiều vất vả nhọc nhằn, người ta phải cố gắng luôn, chẳng thể êm ấm ở trong nhà mình với của cải giàu sang. Những người theo Chúa cũng phải khốn đốn qua nhiều chặng khác nhau của con đường, gặp những người, những hoàn cảnh mà mình không có quyền chọn lựa. Theo Chúa là nhổ rễ khỏi an toàn hiện tại, mà theo ánh sáng chỉ dẫn, gặp những tình huống không ưa, những nhân vật mình không thích, không còn tự do chọn lựa số phận và tương lai. Người khác quyết định cho mình. Theo Chúa là luôn luôn ở trong hoàn cảnh mới, định mệnh mới. Thực tế Chúa mặc khải số phận đang đợi Ngài ở Giêrusalem và nói: Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình, vác thập giá mà theo.

Hành trình Chúa đi sẽ đem ngài đến thành thánh. Các môn đệ cũng phải lên đó. Đau khổ và cái chết của Ngài sẽ bẻ gãy xiềng xích của tội lỗi và sự dữ, mang lại cho nhân loại ơn thánh và sự sống. Điều mà thế gian không hề mong đợi ngoại trừ những linh hồn khao khát ơn cứu độ. Điều mà tiền bạc, giàu sang của thế giới không thể mua, lao động không thể cung cấp, quyền lực không thể chiếm đoạt. Như vậy phụng vụ hôm nay cho chúng ta cơ hội tốt để tỉnh ngộ, nhận ra những sai lầm khi đặt hy vọng vào các ảo tưởng tai hại: tiền bạc, chức quyền, tài sắc, xác thịt, tiện nghi, vui sướng. Những thứ đó không khi nào ban cho người ta an toàn lâu dài. Chúng ta phải ước ao giống như người thanh niên trong câu chuyện: Tìm kiếm cuộc sống đời đời làm gia nghiệp. Cuộc sống đó không những chỉ là vĩnh hằng mà thôi mà còn làm chúng ta lãnh nhận được một sự giàu có nội tại, sự thoả mãn mênh mông trong tình yêu của Thiên Chúa. Tóm lại là hạnh phúc muôn thuở ở mức độ tuyệt hảo vượt xa mọi khao khát nhân loại.

Vậy thì Chúa Giêsu đang nói chuyện với ai? Đề nghị cuộc sống đó cho hạng người nào? Có phải Bill Gates hay Trumps của Hoa Kỳ? Xin thưa là không. Ngài nói với tất cả chúng ta những kẻ muốn theo làm muôn đệ Ngài. Bối cảnh lúc này là Ngài phán dạy đám đông nghèo khó, sửa chữa lối nhìn của họ về Thiên Chúa, tư tưởng của họ trong tương quan với Thiên Chúa. Thế giới Do Thái bấy giờ coi giàu sang là phúc lành của trời đất thưởng cho người đạo đức. Do đó nghèo khổ là dấu hiệu tội lỗi và bị trừng phạt. Họ ở ngoài cái nhìn và lòng thương yêu của Đức Chúa, Chúa Thượng dân Israel. Như vậy người thanh niên giàu có trong Phúc Âm rõ ràng là dấu chỉ được Thiên Chúa quí mến, của cải của anh ta là ân huệ Ngài ban. Thế mà Chúa Giêsu lại khuyên anh bán hết đi, bố thí cho kẻ nghèo hèn, vất bỏ ơn lành Thiên Chúa rồi theo ngài. Quả là ngược đời, xúc phạm đến não trạng đương thời. Cho nên Phúc Âm kể: các môn đệ sững sờ. Đúng vậy, làm sao hiểu nổi một giáo lý quá mới mẻ, lội ngược dòng với trào lưu tư tưởng phổ thông mà xưa nay dân tộc vẫn suy nghĩ. Bán hết của cải đi nghĩa là dẹp sang một bên phúc lộc Thiên Chúa ban, để rồi chỉ lựa chọn một mình ông Giêsu. chẳng lẽ ông còn vĩ đại hơn phúc lành từ trời? Chẳng ai nuốt nổi tư tưởng. Nhưng Chúa Giêsu không rút lại tuyên bố của mình, hơn nữa còn nhấn mạnh thêm: “Những người có của thì khó vào thiên đàng biết bao, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn…” Cho hay lời Chúa Giêsu là sự thật, các ông phải chấp nhận. Các ông phải bỏ hết các dấu chỉ ơn lành bề ngoài, giàu sang phú quý để theo Ngài, nhận lãnh sự sống đời đời từ tay Ngài ban mà thôi. Người ta sẽ có được tương quan chính xác với Thiên Chúa, chứ không phải là tương quan theo kiểu cũ. Theo Ngài đòi hỏi phải từ bỏ an toàn của một ngôi nhà với những tiện nghi giàu có, những danh vọng mà lên đường “hit the road”. Chấp nhận thay đổi, hành xích, khổ đau, phỉ nhổ, chê cười và ngay cả cái chết. Chỉ khi ấy người ta mới đủ khả năng ngắm nhìn Giêsu mà noi theo con đường Ngài đi. Quả thật là khó, chúng ta cần nhiều ơn thánh mới đủ can đảm thực hiện. Vì thế Chúa nói tiếp: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.” Chúng ta chẳng lạ gì người thanh niên giàu có sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi. Vào trường hợp của mình có lẽ chúng ta cũng hành động tương tự.

Cho nên hôm nay mọi người phải chất vấn lương tâm, mình đã tuân theo Lời Chúa thế nào trong cuộc sống? Nghiêm túc hay đùa giỡn. Môi miệng thì có thể là nghiêm túc, nhưng nếp sống thì chưa chắc. Bởi chúng ta còn yêu mến thế gian nhiều quá, tìm kiếm tiện nghi sung sướng, an toàn, êm ấm chứ không dám lên đường với Chúa Giêsu, chấp nhận bất trắc và gian khó. Điều gì khiến chúng ta hành động như thế? Điều gì cản trở chúng ta nghe tiếng Chúa gọi bên trong? Giàu sang nào lôi cuốn tâm hồn chúng ta? Chúng ta bám vào đâu để nói rằng theo Chúa? Điều gì phân tán linh hồn khiến chúng ta không nghiêm chỉnh tìm kiếm Thiên Chúa? Đa phần sống vô trách nhiệm, nói một đàng làm một nẻo, nên khi cám dỗ đến chúng ta không cưỡng nổi được nữa. Vì thiếu ơn Chúa. Chúng ta chẳng còn khả năng gói gọn hành lý mà lên đường ( hit the road). Vậy mỗi ngày xin lắng đọng tâm hồn, cầu nguyện Chúa ban thêm ánh sáng, để chúng ta nghe rõ lời kêu gọi của Ngài, đi theo làm môn đệ Ngài thật lòng, phục vụ Ngài tích cực trong gia đình, trường học, sở làm việc, các sinh hoạt xã hội. Ngõ hầu Ngài trả lại gấp trăm ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

 

PHẢI BIẾT LỰA CHỌN
+++

A. DẪN NHẬP

Theo tâm lý chung của con người, ai cũng thích được giàu sang phú quý, của cải dư dật, có kẻ hầu người hạ, nhưng Hội thánh muốn dùng những bài đọc hôm nay để cảnh giác chúng ta: của cải, sự giàu sang có thể là một trở ngại cho đời môn đệ. Cần phải biết cách làm chủ chúng, và chấp nhận sự hy sinh trong việc sử dụng. Tuy nhiên, so với những hy sinh mà đời môn đệ phải có thì phần thưởng được ban cho đời môn đệ thật vô cùng lớn lao.

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc một chàng thanh niên giàu có đến xin Đức Giêsu chỉ bảo cho cách thức để chiếm được gia nghiệp đời đời và đi theo Ngài. Đức Giêsu liền đưa ra cho anh một điều kiện tiên quyết là phải bán hết của cải mà phân phát cho người nghèo khó, rồi đến làm môn đệ Ngài. Nhưng tiếc thay, anh ta buồn rầu bỏ đi vì anh ta quá dính bén với của cải vật chất.

Nhân dịp này, Đức Giêsu khuyên các môn đệ phải có tinh thần siêu thoát đối với của cải vật chất. Hãy dùng nó như phương tiện chứ đừng tôn nó lên làm chúa tể vì Chúa nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan như Salomon để biết quý trọng sự sống đời đời, biết dùng của cải vật chất cho xứng đáng và luôn có tinh thần chia sẻ với người khác.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Kn 7,7-11

Đoạn văn trích sách Khôn ngoan hôm nay ca tụng Đức Khôn ngoan và coi Đức Khôn ngoan là cao trọng hơn hết. Trong khi người thường quý trọng tiền của và sự giàu sang thì người công chính lại coi Đức

Khôn ngoan là cao trọng hơn cả. Tác giả cho biết lý do:

Khôn ngoan quý trọng hơn vàng bạc châu báu.

Khôn ngoan quý trọng hơn sức khoẻ và sắc đẹp.

Khôn ngoan sẽ đem đến cho người công chính nhiều sự may lành.

Nhưng muốn được Đức Khôn ngoan phải kêu cầu Chúa, Người sẽ ban cho kẻ kêu xin.

+ Bài đọc 2:Dt 4,12-13

Tác giả thư gửi tín hữu Do thái nói với chúng ta rằng: như lưỡi gươm sắc bén, Lời Chúa thâm nhập tâm can đến những chốn thẳm sâu để soi cho tâm hồn thấy được chính mình, không ảo tưởng. Lời Chúa lột tẩy những sai trái của con người, không phải là để kết án, nhưng là để soi sáng và mời mọi người điều chỉnh lại bước đường của họ.

+ Bài Tin mừng:Mc 10,17-30

Bài Tin mừng được chia thành hai phần:     

a) Thiện chí nửa vời: Một thanh niên muốn tiến cao trên đường nhân đức đã đến xin Đức Giêsu chỉ bảo cách thức để có thể tiến tới đường trọn lành của Nước trời. Đức Giêsu đã chỉ dẫn cho anh: “Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Ta”. Nghe thế, anh ta buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều tiền của. Đức Giêsu tiếc rẻ cho anh ta, nhìn chung quanh và nói: “Những kẻ cậy dựa vào của cải khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”.

b) Bài học về sự từ bỏ: Đức Giêsu đưa ra điều kiện tiên quyết cho những người muốn làm môn đệ của Ngài là phải từ bỏ mọi sự. Ngài cũng lợi dụng hoàn cảnh này để cảnh giác các môn đệ cho khỏi quyền lực của trần gian chế ngự. Chúng kìm hãm và chặn đứng những nhiệt tình cao đẹp nhất. Chúng làm khô héo những hoài bão thanh cao nhất của những người thiện chí.

Tuy nhiên, Ngài cũng hứa phần thưởng cho những ai từ bỏ vì Nước trời: Được lãi gấp trăm ở đời này, cùng với sự bắt bớ: nghĩa là được chia sẻ số phận với Ngài, được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Phải biết lựa chọn

I. KHÔN NGOAN TRONG VIỆC LỰA CHỌN

1. Salomon khôn ngoan lựa chọn

Bài đọc 1 cho chúng ta biết Salômon là một ông vua có sự khôn ngoan đặc biệt. Ông đã xin Thiên Chúa và Người đã thương ban cho ông, ông cũng biết quý nó hơn hết mọi sự ở trên đời.

Về điểm này, Sách Các vua quyển I (3,3-14) cho biết: khi mới lên ngôi, Salômon đã đến Gabaon, một thánh điện nổi tiếng thời bấy giờ. Ông dâng cả ngàn lễ vật lên Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hiện ra với ông và hỏi ông muốn xin gì? Ông khiêm tốn thú nhận mình còn trẻ trung mà phải cai trị một dân “đông đảo”, nên ông không xin điều gì khác ngoài một lòng trí biết nghe Lời Chúa để trị dân và phân biệt phải trái mà thôi. Điều ông xin đã đẹp lòng Chúa và Chúa ban cho ông theo ý sở nguyện.

Đó mới thật là sự khôn ngoan mà phụng vụ hôm nay mượn lời Salômon khuyên nhủ chúng ta hãy ao ước và cầu xin. Đừng quý gì hơn nó vì chỉ có nó là hạnh phúc đầy đủ cho chúng ta.

2. Người thanh niên thiếu khôn ngoan

a) Xin làm môn đệ Đức Giêsu

Khi Đức Giêsu đi trên đường thì có một anh thanh niên chạy đến và sụp quỳ dưới chân Ngài. Có lẽ đây là một người giàu sang, có nhiều của cải, có địa vị trong xã hội, được nhiều người kính nể. Anh ta có đầy đủ mọi thứ để được hạnh phúc theo tiêu chuẩn thông thường của người đời.

Nhưng anh ta còn có một ước vọng cao quý hơn nữa, đó là phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Đức Giêsu rất ưng ý và vạch ra một số việc phải làm như “chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. Anh ta lanh lẹ trả lời: “Tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10,20).

Đây quả là một người ngay thẳng, có lương tâm trong sáng. Anh đã tuân giữ lề luật. Anh ta sống có kỷ cương. Đức Giêsu không phủ nhận sự thành thực của những lời anh ta nói. Ngài có cái nhìn yêu thương trìu mến đối với anh, nhưng Đức Giêsu không ngừng ở đây, Ngài nói tiếp làm cho anh ngỡ ngàng: “Anh chỉ còn thiếu có một điều là: Hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho trên trời. Rồi hãy đến theo Ta” (Mc 10,21).

b) Từ chối lời mời gọi

Khi Đức Giêsu nói những lời đó: “Anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10,22). Anh ta không ngờ Đức Giêsu đã đưa ra một điều kiện mà anh không thể vượt qua được.

Thái độ này diễn tả rằng lời mời gọi của Đức Giêsu đã khác hẳn với ý nghĩ của anh và vượt quá sức của anh, vì anh chưa sẵn sàng từ bỏ của cải, đang khi anh là người giàu có, và vì anh đã không hiểu rằng: điều kiện của một cuộc sống theo Chúa là phải có sự độc lập với của cải vật chất và với những trói buộc xã hội. Đàng khác anh cũng chưa nhận ra sự giàu có trói buộc và nô lệ hoá con người cách khắt khe đến như vậy, nên anh “buồn rầu bỏ đi”.

3. Những khó khăn trong việc theo Chúa

Sau khi người thanh niên bỏ đi, Đức Giêsu nhìn chung quanh nói với một giọng tiếc rẻ: “Những người giàu có vào Nước Thiên Chúa khó biết bao” (Mc 10,23).

Đây là cái nhìn tỏ lòng thương tiếc đối với những tâm hồn đang bị của cải vật chất chi phối đến nỗi không thể vươn mình lên để vào Nước trời được; vì thế, Chúa mới nói với các môn đệ: Những người giàu có ở đây là những người có tiền tài, có kho tàng bảo vật, của chìm của nổi, động sản hay bất động sản… Tất cả những cái đó kìm hãm họ, không cho họ có thể vươn lên tới Nước trời là thiên đàng.

Truyện: Đạo một mắt

Bác sĩ A.J. Gordon kể: ngày nọ, có một ông nhà giàu nhưng keo kiệt đến xin chữa mắt. Sau khi khám nghiệm, bác sĩ cho biết phải chữa cả hai mắt, nếu không, có nguy cơ bị mù. Ông hỏi:

– Nhưng giá bao nhiêu?

– Chữa mỗi mắt là 100 đô.

Ông nhà giàu phân vân giữa tiền bạc và mù loà. Rồi ông nói với bác sĩ:

– Tôi chữa một mắt thôi, vì một mắt cũng đủ thấy tiền và đếm tiền. Lại đỡ tốn!

Nhiều người vẫn cầu nguyện: “Xin mở mắt để con thấy kỳ công của Chúa…” Nhưng xem ra nhiều Kitô hữu chỉ muốn mở cho mình một mắt để thấy công trình của Chúa mà thôi, một mắt còn phải để trông coi gia sản!

II. LỰA CHỌN THIÊN CHÚA HAY TIỀN CỦA

1. Người giàu có và con lạc đà

Nghe Đức Giêsu cho biết kẻ giàu có khó vào Nước Thiên Chúa khiến các môn đệ kinh ngạc. Vì sao lại kinh ngạc? Vì tâm trạng người Do thái đinh ninh rằng sự giàu sang là ân huệ của Thiên Chúa. Ý định của Thiên Chúa sáng tạo không phải là để giao cho con người quyền sở hữu và thống trị thế giới này, nhằm xây dựng và làm cho thế giới thêm giá trị sao? (St 1,27-31)

J. Potingiải thích: “Các môn đệ càng cảm thấy sửng sốt hơn nữa vì theo cách giữ đạo thời đó, thì càng giàu càng có nhiều thuận lợi. Có tiền thì người giàu có thể dâng lễ vật cho Thiên Chúa theo luật buộc để được xá tội, có thể dâng cúng một phần mười tài sản mà các tư tế đòi, hoặc có thể bố thí cho người nghèo… Dường như có một thỏa thuận ngầm giữa Thiên Chúa và những người giàu. Như vậy, giàu có của cải không phải là dấu chỉ của người đẹp lòng Thiên Chúa sao?” (Fiches dominicales A, tr 298)

Đức Giêsu lại bồi thêm một câu nữa làm cho các ông càng kinh ngạc: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10,25) Chúng ta phải hiểu câu nói của Đức Giêsu như thế nào?

Có những người nghĩ rằng: câu nói phóng đại thái quá, muốn làm dịu bớt. Thay vì chữ lạc đà, có người thay vào chữ “dây cáp”. Người khác giữ chữ lạc đà, nhưng cho rằng cái lỗ kim phải hiểu là tên một trong các cửa thành Giêrusalem. Thực ra phải giữ nguyên cả con lạc đà lẫn lỗ kim.

Trong những sách các thầy rabbi viết, cũng đã có những phóng đại như vậy, thí dụ con voi chui qua lỗ kim (sách Talmud). Đức Giêsu cũng đã có lần nói đến, khi trách người biệt phái: “Quân dẫn đàng mù quáng! Các ngươi gạn lọc con muỗi, nhưng lại nuốt chửng con lạc đà” (Mt 23,24). Thực ra so sánh người giàu vào Nước trời với con lạc đà chui qua lỗ kim, không phải Chúa có ý nói người giàu vào Nước trời khó mà thôi, mà Chúa có ý nói là việc không thể có (Lm. Trần Văn Khả, Phúc âm Chúa nhật, năm B, tr 24-325).

Đức Giêsu là một nhà giảng thuyết nổi tiếng, đã có nghệ thuật dùng những kiểu nói gây ấn tượng mạnh để dễ nhớ. Chúng ta không nên làm nhẹ những câu nói này, nại cớ là chúng nghịch lý.

Ngay trong văn chương Việt Nam chúng ta, người dân quê cũng dùng những kiểu nói ví von phóng đại và nghịch lý tương tự như Đức Giêsu đã nói. Ví dụ:

Lỗ mũi em thì tám gánh lông,
Chồng yêu chồng bảo tơ rồng trời cho.

Hoặc câu khác nhẹ hơn:

Cổ tay em trắng như ngà,
Con mắt em sắc như là dao cau (Ca dao).

Nghe lời Đức Giêsu nói, các môn đệ kinh ngạc và tỏ ra thất vọng, vì sức con người yếu đuối trước sự trói buộc do tiền của vật chất gây ra, nên đã thốt lên: “Vậy thì ai có thể được cứu độ?”

Nhưng Đức Giêsu đã khích lệ và nâng đỡ các ông đang kinh ngạc trước sự nguy hiểm của vật chất và Ngài trấn an các ông bằng cách chỉ dẫn cho các ông một chân lý căn bản là sự cần thiết của ơn Chúa: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự” (Mc 10,27).

2. Chúa không lên án người giàu có

Thực ra, Đức Giêsu không lên án người giàu có, cũng không chúc lành cho người nghèo. Những người “đàn bà thánh thiện” đi theo Chúa, họ là những người giàu có, đem tiền của trợ giúp Ngài và các môn đệ trong công việc truyền giáo, họ đâu bị kết án. Cũng như khi Maria, em của Mátta và chị của Lazarô, đem bình thuốc thơm mà Giuđa đánh giá đến 300 đồng (công nhật một người thợ thời ấy là một đồng). Ngài đi dự những bữa ăn sang trọng của người biệt phái giàu có (Lc 7,36-38; Mc 14,3-9), hay những người thu thuế có tiền (Lc 19,1-10). Vậy Chúa lên án những gì?

Ngài lên án những người không biết dùng tiền của, làm nô lệ cho tiền của. Thật khó cho người giàu có thể trở nên một Kitô hữu chân thật, khi họ coi đồng tiền là chúa tể. Điển hình là người thanh niên hôm nay, anh không dám hay không đành dấn thân theo chân Chúa, như Phêrô và các bạn ông đã làm.

3. Tiền của cần thiết cho đời sống

Ai cũng phải công nhận rằng: của cải cần thiết cho đời sống con người. Của cải sẽ đem lại cho con người nhiều hạnh phúc hơn. Cả Tây phương lẫn Đông phương đều có chung một quan niệm:

– Manducare priusquam philosophare: ăn đã rồi hãy triết lý.

– Dĩ thực vi tiên: cái ăn phải đứng hàng đầu.

– Có thực mới vực được đạo.

Tiền của cần thiết như thế nên Đức Giêsu không bao giờ lên án tiền của hay người có tiền của, tức là người giàu. Ngài biết con người phải có tiền của để sống xứng đáng với cuộc sống của mình. Ngài biết “đồng tiền liền khúc ruột”, cần có tiền để sống, để giữ đạo nữa. Sự túng thiếu bần cùng là một sự dữ, loài người không ai muốn, thì Chúa cũng không muốn con cái Ngài phải vướng mắc vào.

4. Những nguy hại do tiền của

Tiền của có thể gây nguy hại cho người giàu có, vì tiền của có sức mạnh khống chế con người. Vì thế người ta mới nói:

Tiền là tiên là phật,
Là sức bật của lò xo,
Là thước đo của lòng người,
Là nụ cười của tuổi trẻ,
Là sức khoẻ của người già
Là cái đà của danh vọng,
Là cái lọng để che thân.

Người xưa cũng thường nói: “Hoàng kim hắc thế tâm nhân”:

Đồng tiền không phấn không hồ,
Đồng tiền khéo điểm khéo tô mặt người.

Tiền bạc của cải luôn là con dao hai lưỡi: nó có thể trở nên ông chủ khắc nghiệt hay trở nên một đứa đầy tớ trung tín, tuỳ theo cách người ta sử dụng nó: nếu nó được sử dụng như một phương tiện, tiền của sẽ giúp cho chúng ta sống đúng với nhân phẩm của mình; trái lại, khi chúng ta chạy theo tiền của như cứu cánh của cuộc đời, mà quên đi những giá trị khác trong cuộc sống, nhất là giá trị thiêng liêng, tinh thần, thì nó sẽ làm cho chúng ta bị phá sản về vật chất cũng như tinh thần.

Nói khác đi, tiền của tự nó vẫn tốt và giúp ích cho con người. Nó chỉ xấu và có hại khi đem sử dụng vào những mục tiêu xấu. Đúng vậy, vì tiền của mà người ta có thể đánh mất lý tưởng cuộc đời, có thể làm những điều bất chính, tội lỗi, nhất là vì ham mê tiền của mà quên cả Chúa, quên cả anh em, thì đó chính là thứ lạc đà đứng trước lỗ kim, đó chính là người khó vào Nước trời.

III. QUYẾT TÂM CỦA CHÚNG TA

1. Đừng “bắt cá hai tay”

Đây là một câu tục ngữ người Việt ta thường dùng. Dĩ nhiên, muốn bắt một con cá thì phải dùng cả hai tay thì mới bắt được, nhưng ở đây có ý nói: không phải là hai tay định bắt một con cá mà mỗi tay định bắt một con. Câu này thường dùng để chỉ người mưu một lúc cả hai việc, hy vọng rằng hễ hỏng việc nọ thì được việc kia.

Về vấn đề này, Đức Giêsu đã nhiều lần cảnh cáo trong suốt thời gian rao giảng Tin mừng: “Các ngươi không thể phục vụ Thiên Chúa và tiền của cùng một lúc” (x. Lc 16,13), hoặc: Người giàu trở nên điên rồ và phi lý. Người ấy tưởng mình không cần đến Thiên Chúa nữa (x. Lc 12,16-20). Người giầu từ từ đóng cửa con tim và không còn thấy anh em của mình đang đau khổ bên cạnh mình (Lc 16,19-31). Sự giàu sang bóp nghẹt Lời Chúa (x. Mt 13,22).

Truyện: Con lừa trước sự lựa chọn

Ông viện trưởng đại học Paris ở thế kỷ 14 đã làm một thí nghiệm như sau: ông để cho một con lừa nhịn đói, nhịn khát trong mấy ngày. Sau đó, ông đưa nó đến sân ăn, ông đặt nó giữa một thùng nước và một bó cỏ non. Lừa ta tuy đói lắm nhưng hết nhìn đống cỏ này lại ngó thùng nước kia, nó lưỡng lự giữa nước và cỏ, để rồi cuối cùng kiệt lả mà chết. (Con lừa của Buridan).

Cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn và chọn lúc nào cũng đòi hỏi hy sinh. Kẻ bắt cá hai tay vẫn luôn luôn là người thua thiệt nhiều nhất. Hãy nhớ lại Lời Chúa đã phán: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24).

2. Phải có tinh thần siêu thoát

Ai muốn làm môn đệ Chúa phải có tinh thần siêu thoát đối với tiền của. Siêu thoát đây không có nghĩa là phải bỏ hết mọi sự để sống một đời sống nghèo nàn tuyệt đối như thánh Phanxicô Assisi. Phanxicô đã nghe bài giảng trong Thánh lễ có câu: “Anh chỉ còn thiếu một điều: hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Ta”. Phanxicô lập tức thực hiện câu Tin mừng, nên đã bán hết những gì mình có, bố thí cho người nghèo và bắt đầu một đời sống theo Chúa: ăn mặc rách rưới, rảo quanh các đường phố vừa rung chuông vừa rao giảng Tin mừng tình thương của Chúa.

Chúa không đòi chúng ta phải sống nghèo khó tuyệt đối như thánh Phanxicô. Ngài chỉ đòi chúng ta phải có tinh thần siêu thoát đối với tiền của, không để cho của cải vật chất chi phối làm cản bước đường tiến tới sự trọn lành, mà chỉ dùng của cải như bàn đạp để tiến lên, tiến tới đỉnh trọn lành và đạt tới hạnh phúc Nước trời.

Truyện: Đứng trên của cải

Có một người giàu có kia thường xuyên đến xưng tội với thánh Philipphê Nêri. Ông có nhiều tiền của, có thiện chí, nhưng ông vẫn cảm thấy mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng. Từ chán nản đến thất vọng, cuối cùng ông bỏ cuộc và không trở lại xưng tội với thánh nhân nữa. Thấy ông đã lâu không đến xưng tội, thánh nhân tìm đến nhà ông để gặp ông. Sau một hồi trò chuyện, ngài nhìn lên cây Thánh giá trên tường, ngài cân nhắc độ cao của Thánh giá rồi đề nghị với người đàn ông giàu có “Ông là người cao lớn, ông thử với coi có tới Thánh giá không”. Ông đứng dậy giơ cánh tay lên cố với nhưng không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh giá. Bấy giờ thánh Philipphê dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giàu đến bên cạnh ông và bảo ông hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với tới cây Thánh giá. Ông làm theo ý thánh nhân và sờ được Chúa Giêsu trên Thánh giá. Sau đó ngài nói với ông: “Để có thể nắm lấy được Chúa Giêsu, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng trên tiền bạc của cải”.

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

ĐƯỢC GẤP TRĂM

Câu chuyện về người đàn ông đến với Đức Giêsu

là câu chuyện có một kết thúc buồn.

Chúng ta không rõ người ấy thực sự bao nhiêu tuổi,

chỉ biết anh không còn trẻ (Mc 10,20; x. 1 Tm 4,12),

và đang làm chủ một tài sản lớn (Mc 10,22).

Anh có cuộc sống tương đối tốt với tha nhân,

và có lẽ anh cũng giữ tương quan tốt với Thiên Chúa.

Cuộc sống của anh như thế chẳng có gì đáng phàn nàn.

Chỉ có điều là tâm hồn anh không bình an.

Anh vẫn thấy có cái gì không ổn, cái gì chưa tốt lắm.

Anh vẫn khắc khoải, thao thức với một câu hỏi trong tâm.

Và anh muốn tìm một bậc thầy mà anh kính phục để hỏi.

Thầy Giêsu chính là người mà anh tìm gặp.

Lúc Thầy lên đường thì anh chạy lại, quỳ xuống trước mặt.

Với tất cả sự kính trọng và tin tưởng vào uy tín của Thầy,

anh hỏi Thầy câu hỏi mà anh vẫn giữ bấy lâu:

“Thưa Thầy tốt lành, tôi phải làm gì

để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17).

Câu hỏi có vẻ đơn sơ nhưng nói lên một khao khát,

một mơ ước về một điều gì đó không thuộc đời này.

Anh mong Thầy trả lời một cách cụ thể,

chỉ rõ cho anh điều anh phải làm bây giờ.

Khi anh tập trung sự chờ mong vào con người Thầy,

thì Thầy lại hướng anh về Thiên Chúa tốt lành.

Thiên Chúa mới là nguồn sự sống đời đời,

và đường dẫn đến sự sống bước đầu là giữ các giới răn.

Thầy kể cho anh những điều cấm làm cho tha nhân,

và một điều phải làm cho cha mẹ (Mc 10,19).

Chắc anh không mãn nguyện lắm với câu trả lời trên,

vì người Do-thái nào cũng thuộc nằm lòng rồi.

Hơn nữa, chẳng những anh thuộc mà còn tuân giữ nữa:

“Thưa Thầy, tất cả những điều đó,

tôi đã tuân giữ từ hồi còn trẻ” (Mc 10,20).

Vậy mà anh vẫn không bình an.

Hẳn anh còn chờ một câu trả lời khác của Thầy Giêsu.

Thầy Giêsu bị hấp dẫn bởi lòng đạo đức của anh,

nhưng đồng thời Thầy nhận ra một điều anh còn thiếu.

Chính điều này làm anh thao thức không nguôi,

dù anh đã sống nghiêm chỉnh các điều răn của Chúa.

Thầy mời anh lên đường tìm lại tự do, bằng cách:

đi, bán của cải, cho người nghèo, rồi đến và theo Thầy.

Điều anh còn thiếu, đó là chưa buông bỏ cái thừa.

Để có sự sống đời đời, anh phải thôi gắn bó với của cải.

Chỉ khi tay trắng, không còn chỗ cậy dựa,

anh mới bắt đầu sở hữu kho tàng trên trời.

Anh hỏi Thầy xem mình phải làm gì,

và Thầy đã chỉ cho anh những điều phải làm.

Nhưng anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi,

vì không thể làm được điều Thầy mời gọi.

Lời mời của Thầy làm lộ ra lý do khiến anh khắc khoải.

Anh thật sự không có tự do, anh bị trói buộc.

Không phải anh sở hữu của cải, mà của cải sở hữu anh.

Anh muốn sống tốt hơn, nhưng không làm được.

Có thiện chí và ước muốn tốt lành, vẫn không đủ.

Còn phải can đảm chấp nhận những buông bỏ đau đớn.

Chuyện của anh cũng là chuyện của tôi.

Chúa vẫn nói với tôi về những điều tôi còn thiếu,

những điều tôi phải làm để được sống vĩnh cửu.

Tôi không dám làm vì không tin mình được gấp trăm.

Tôi chỉ thấy điều mình bị mất ngay trước mắt.

Xin cho tôi đừng vội quay lưng bỏ đi,

đánh mất cơ hội bằng vàng để trở nên môn đệ Chúa.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha,

sống là tìm kiếm.

Mỗi người chạy theo điều mình kiếm tìm.

Chúng con tự hỏi mình đang tìm gì, tìm ai,

đâu là hướng đi, đâu là lý tưởng đời mình.

Chúng con thấy rằng những giá trị của thế gian

chiếm chỗ lớn trong những ước mơ của chúng con.

Tiền bạc , danh vọng, khoái lạc, quyền lực

vẫn là những điều mê hoặc chúng con,

nên Cha không có chỗ cao nhất

trong cuộc đời chúng con.

Lạy Cha, xin ban cho chúng con ơn hoán cải.

Xin đánh thức chúng con khỏi cơn mê,

và làm chúng con tỉnh ngộ để nhận ra giá trị đích thực.

Xin dạy chúng con biết kiếm tìm Cha.

Vì chỉ có Cha mới thật sự đong đầy

những ước mơ sâu kín của chúng con,

và cho chúng con được hạnh phúc viên mãn.

 

5. Suy niệm (song ngữ)

28th Sunday in Ordinary Time
Reading I: Wisdom 7:7-11 II: Hebrews 4:12-13
Chúa Nhật 28 Thường Niên
Bài Đọc I: Khôn Ngoan 7:7-11 II: Do Thái 4:12-13
——–o0o——-

Gospel
Mark 10:17-30

17 And as he was setting out on his journey, a man ran up and knelt before him, and asked him, “Good Teacher, what must I do to inherit eternal life?”

18 And Jesus said to him, “Why do you call me good? No one is good but God alone.

19 You know the commandments: “Do not kill, Do not commit adultery, Do not steal, Do not bear false witness, Do not defraud, Honor your father and mother.”

20 And he said to him, “Teacher, all these I have observed from my youth.”

21 And Jesus looking upon him loved him, and said to him, “You lack one thing; go, sell what you have, and give to the poor, and you will have treasure in heaven; and come, follow me.”

22 At that saying his countenance fell, and he went away sorrowful; for he had great possessions.

23 And Jesus looked around and said to his disciples, “How hard it will be for those who have riches to enter the kingdom of God!”

24 And the disciples were amazed at his words. But Jesus said to them again, “Children, how hard it is to enter the kingdom of God!

25 It is easier for a camel to go through the eye of a needle than for a rich man to enter the kingdom of God.”

26 And they were exceedingly astonished, and said to him, “Then who can be saved?”

27 Jesus looked at them and said, “With men it is impossible, but not with God; for all things are possible with God.”

28 Peter began to say to him, “Lo, we have left everything and followed you.”

29 Jesus said, “Truly, I say to you, there is no one who has left house or brothers or sisters or mother or father or children or lands, for my sake and for the gospel,

30 who will not receive a hundredfold now in this time, houses and brothers and sisters and mothers and children and lands, with persecutions, and in the age to come eternal life.

Phúc Âm
Máccô 10:17-30

17 Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?”

18 Đức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành ? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.

19 Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”

20 Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”.

21 Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”.

22 Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

23 Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao !”

24 Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao !

25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”.

26 Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu ?”

27 Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”.

28 Ông Phêrô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy !”

29 Đức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,

30 mà bây giờ, ngay ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống đời đời ở đời sau.