Chút suy tư mùa Giáng sinh 2024

TGPSG — “Giữa lúc bơ vơ trong đêm tối mênh mông, chẳng có ai để trò chuyện.

Xin được trở về cõi riêng bên Chúa Giêsu, để một mình suy tư, trầm lắng và bình an.”

Mùa Giáng sinh năm nay không hiểu sao lòng cảm thấy một nỗi buồn man mác. Có lẽ vì nhớ đến những người thân yêu đã ra đi: anh Đức, chị Phương và ba mẹ. Lang thang trên các đường phố Sài Gòn rồi dừng chân ngắm nhìn hang đá Hài đồng Giêsu tại các giáo xứ, tôi nhớ đến những bài giảng của linh mục (Lm) chủ tế giảng phòng Giuse Phạm Công Liêm, OP trong ba ngày giảng phòng tại tu viện giáo xứ Mai Khôi, hạt Tân Định.

Chủ đề của ba buổi tĩnh tâm chính là Global Positioning System (GPS) và Đức Giêsu cũng chính là GPS nhưng là GPS thiêng liêng với ba diều cốt lõi “Biết ơn – Bình an – Hy sinh.”

Hang đá nơi Tu viện giáo xứ Mai Khôi

 Lòng biết ơn

Lòng biết ơn không chỉ là đức tính lớn nhất mà là mẹ của các đức tính khác. Người biết ơn sẽ tìm thấy điều tốt đẹp nhất trong mọi hoàn cảnh.

Trong một ngày sống khi mở mắt ra, điều đầu tiên chúng ta làm gì? Có phải chúng ta cần tạ ơn Chúa vì có thêm một ngày mới để yêu thương và rất nhiều điều khác nữa, vì Ngài là nguồn gốc của mọi ơn lành. Anh em hãy tạ ơn Chúa  trong mọi hoàn cảnh vì đó là  điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1Thêxalônica 5,18). Đó là lời cầu nguyện đẹp lòng Người nhất.

Chúa là Đấng yêu thương, luôn chăm lo cho đời sống chúng ta từ cuộc sống vật chất, công việc và cả về đời sống tâm linh, tinh thần. Như Chúa đã nói “Hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì sẽ mở.” Khi chúng ta là những đàn chiên trong sự dẫn dắt của Chúa thì Chúa còn hứa cho chúng ta “được sống và sống dồi dào.”

Đôi khi chúng ta cảm thấy hụt hẫng, đau khổ, áy náy lương tâm thì Chúa sẽ ban cho chúng ta ơn chữa lành hồn xác, ơn tha thứ tội lỗi, ơn yêu thương, ơn sức mạnh và can đảm để vững bước trong cuộc sống khó khăn. Chúa ban cho chúng ta niềm vui và hy vọng trọn vẹn.

Chúng ta tạ ơn Chúa mỗi ngày không chỉ trong lời nói mà cần phải thể hiện qua hành động, việc làm như cầu nguyện tạ ơn, dâng lễ tạ ơn cũng như sử dụng đúng thời gian mỗi ngày để không lãng phí những ơn Chúa đã ban cho chúng ta.

Lạy Chúa, con muôn vàn tạ ơn Chúa vì Người đã che chở, dìu dắt gia đình con những lúc thăng trầm.

Hang đá Hài đồng Giêsu tại giáo xứ Hòa Hưng, hạt Phú Thọ

Sống tâm tình bình an, tín thác

Thế giới hiện nay với chiến tranh, hận thù, chia rẽ và dịch bệnh kéo dài gây ra biết bao sự mất mát, đổ vỡ, phân cách, … Có khi, sự xa cách ấy làm cho con người cảm thấy như không thể hàn gắn, nhiều người cảm thấy cô đơn, lạc lõng ngay trong chính gia đình, quê hương và môi trường sống của mình.

Trong thế giới bị đe dọa về cơn khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, nhiều người mất việc, nhiều cơ sở bị đóng cửa, nhiều công việc bị đình trệ, việc làm khó khăn nhưng con người vẫn phải sống, vẫn phải chi tiêu. Những hệ lụy đó đã dẫn đến một lối sống thiếu bình an và từ đó sinh ra tâm lí sợ hãi, bất ổn trong tâm hồn.

Làm thế nào để chúng ta tìm được sự bình an trong cuộc đời này? Từ khi tội lỗi thâm nhập vào thế gian hay khi chúng ta phạm tội thì chắc chắn tâm hồn chúng ta không còn bình an nữa, cuộc sống trở nên nặng nề như một gánh nặng đang đè lên vai. Và nếu như thế tội lỗi ngày càng chồng chất, làm sao chúng ta có thể bình an được. Nhưng nhờ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến để gánh tội lỗi của con người, chuộc tội cho chúng ta và tha thứ tất cả tội lỗi  để chúng ta giảng hòa với Thiên Chúa qua Bí tích Hòa Giải.

Khi chúng ta thật lòng thống hối, ăn năn và hòa giải với Thiên Chúa về tội lỗi của mình thì tâm hồn chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ lòng. Chính vì vậy, hòa giải với Thiên Chúa là điều cần thiết để có sự bình an đích thực. Tin mừng của Gioan: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an cho anh em. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng.”

Tiếp theo là bình an nội tâm. Khi chúng ta đang có Chúa và tin tưởng vào Thiên Chúa và nép mình vào trong cánh tay của Ngài thì chúng ta có được sự bình an nội tâm mà không ai có thể lấy mất. Vì bình an của Chúa vượt lên mọi hoàn cảnh, không như bình an của thế gian. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt, sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn khóc lóc, kêu than, đau khổ nữa.

Cuộc đời là những thử thách với các biến cố không lường trước được nhưng nếu chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa là sự bình an thì sẽ giúp chúng ta vượt qua rất nhiều sóng gió trong cuộc đời. Chúa vẫn luôn đồng hành với chúng ta, luôn bên cạnh và ban bình an để chúng ta vượt qua những trắc trở trong cuộc đời.

 Chúa Giêsu là ánh sáng dẫn đường, giống như là GPS thiêng liêng giúp chúng ta vượt qua lúc gian nan, nỗi sợ, nỗi đau, bệnh tật, mất mát trong cuộc đời. Ngài soi sáng, chỉ ra con đường cho chúng ta dưới sự hướng dẫn của lời Chúa. “Lời Chúa là ngọn đèn soi sáng cho chúng ta.”

Lạy Chúa, bao nhiêu năm qua, con đã sống rất vô tâm, thiếu lòng nhân hậu. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Chúa.

Hang đá Giáo  xứ Tống Viết Bường, hạt Phú Thọ

Hy sinh

Nghe chữ hy sinh, chúng ta thấy có gì nặng nề, dấu ấn của sự mất mát, khổ đau. Cho nên ngày nay, xã hội chúng ta ít tìm thấy những tư tưởng, lời nói hay những khuyến cáo, khuyến khích sự hy sinh. Vì sao? Bởi vì chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại, người ta đề cao, tôn vinh cá nhân, đề cao tự do thì người ta khuyến khích con người theo đuổi những đam mê và sống cho chính mình, sống hết mình cho chính bản thân mình. Cho nên dường như ít người muốn hy sinh.

Sống hy sinh, chúng ta được gì? Khi chọn lựa đời sống hy sinh là chúng ta chọn lựa một lối sống có ý nghĩa. Sống hy sinh, chúng ta cảm thấy niềm vui nội tâm mà không ai có thể cho mình được. Sống hy sinh, chúng ta lan tỏa những giá trị đích thực vào trong đời sống hàng ngày.

Sống hy sinh tức là chúng ta thanh luyện ý chí và đức tin của mình, những khó khăn, mất mát trong cuộc sống này. Những gì chúng ta cho đi và cống hiến cho cuộc đời này là cơ hội để chúng ta rèn luyện tính kiên nhẫn, khiêm nhường và khó khăn. Khi hy sinh, chúng ta đối diện với khó khăn, bấc trắc, khi đó chúng ta có cơ hội đặt niềm tin và phó thác vào Chúa. Nếu cuộc đời cứ bằng phẳng mãi thì có lẽ chúng ta sẽ quên Chúa, không nhớ đến Chúa.

Ngày hôm nay, chúng ta thấy rất nhiều cộng đoàn tu sĩ nam nữ, các nhóm thiện nguyện đã đi đến vùng đất xa xôi, hẻo lánh, nghèo nàn để phục vu, để lo cho những người nghèo ở đó. Họ đã sống đời hy sinh theo gương Đức Giêsu Kitô. Những hy sinh đó rất là âm thầm, ít ai biết đến nhưng đó là con đường mà chúng ta cần phải đi. Họ đã hy sinh thời gian, tài năng để phục vụ cho cộng đồng, cho những người nghèo khổ. Họ chấp nhận sống khiêm nhường và từ bỏ để sống với người yếu đuối, thiếu thốn mọi mặt. Họ lan tỏa tình yêu thương qua việc sống kiên nhẫn và hòa nhập với cộng đồng người nghèo ở nơi xa xôi.

Rất nhiều các bạn trẻ ngày nay không cảm nhận được điều đó vì họ quen được sống trong môi trường được chăm sóc rất chu đáo, được chu cấp mọi sự không thiếu điều gì nên vô tình trở nên những người vô cảm, chỉ biết hưởng thụ.

Chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu mỗi ngày như là người dẫn dắt cuộc đời của mỗi người chúng ta. Bước theo sự dẫn dắt của Ngài với lòng biết ơn, sự bình an, tín thác và sẵn sàng hy sinh vì vinh quang của Ngài, không chỉ mang lại lợi ích cho chúng ta mà còn cho người khác nữa. Chúa Giêsu chính là GPS, là đối tượng trong cuộc đời của chúng ta. Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đến mục đích của cuộc đời và hạnh phúc vĩnh cửu về sau.

Những câu chuyện cảm động mà linh mục giảng phòng Giuse kể ra khiến tôi thấy cuộc sống trước kia của mình sao quá vô tâm, hời hợt.

– Một người lính có thể quên mạng sống mình để cứu người đồng đội bị thương và rồi anh lính ấy cũng bị trúng đạn. Người đồng đội ấy đã nói: “Anh đã không bỏ rơi tôi, điều đó làm  tôi cảm thấy được yêu thương hơn bao giờ hết.”

– Sau trận động đất, người ta phát hiện ra ở dưới đống đổ nát một người mẹ đang co mình để ôm đứa con. Người mẹ đã chết lúc nào còn đứa con vẫn còn sống. Một mảnh giấy được để lại với dòng chữ: Con ơi, nếu còn sống hãy luôn nhớ rằng mẹ yêu con.

– Hình ảnh của cha Maximilian Kolbe đã hy sinh cao đẹp cho người bạn tù để cứu lấy một người cha và cả gia đình.

– Sự hy sinh của cô giáo trong trận sóng thần năm 2011: Khi trận sóng thần ập đến, ngôi trường ấy đã bị ngập nước. Cô đã chạy lòng vòng để đưa các em học sinh ra ngoài an toàn nhưng cuối cùng cô đã xả thân trong nước lũ.

Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con biết hy sinh theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu Kitô, biết tiến bước đi theo con đường Chúa đang mời gọi, cho con hiểu rõ hơn về tình yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã cho con một Ngài xuống thế làm người, để hy sinh cứu chuộc chúng con. Xin cho con luôn biết tin tưởng, phó thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh và biết hy sinh vì người khác, để tâm hồn con luôn được bình an.

Bài: Maria Phạm Kim Chi (TGPSG)