ĐHY Kurt Koch: Quyền tối thượng của Giáo hoàng là phục vụ, được thực hiện theo phương cách hiệp hành

VATICAN NEWSĐức Hồng y Kurt Koch, Tổng trưởng Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, giải thích về tài liệu đại kết có tựa đề “Giám mục Rôma”: sứ vụ của Người kế vị Thánh Phêrô không còn được các Giáo hội khác nhìn nhận như là một vấn đề, mà là một cơ hội để cùng nhau suy tư về bản chất của Giáo hội và sứ mệnh của Giáo hội trong thế giới.

Đức Hồng y Kurt Koch, tổng trưởng Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, nhấn mạnh một trong những điểm then chốt của tài liệu nghiên cứu mới có tựa đề Giám mục Rôma đó là: “Quyền tối thượng phải được thực hiện theo phương cách hiệp hành, và hiệp hành yêu cầu quyền tối thượng”. Tài liệu này, được công bố vào thứ Năm, ngày 13.6.2024, tóm tắt những phát triển trong cuộc đối thoại đại kết về chủ đề quyền tối thượng và hiệp hành trong nhiều thập kỷ kể từ khi công bố thông điệp Ut unum sint của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II về sự hiệp nhất Kitô hữu.

Tổng Biên tập Vatican News ông Andrea Tornielli đã có cuộc trò chuyện với Đức Hồng y Kurt về tài liệu mới này.

 

Phỏng vấn Đức Hồng y Kurt Koch

Thưa Đức Hồng y, trước tiên ngài có thể giải thích cách tài liệu này ra đời và mục đích của nó là gì không?

Tài liệu Giám mục Rôma là một tài liệu nghiên cứu cung cấp một bản tổng hợp các phát triển đại kết gần đây về chủ đề quyền tối thượng và tính hiệp hành. Nguồn gốc của nó bắt đầu từ lời mời gọi của Thánh Gioan Phaolô II trong Ut unum sint để tìm kiếm, “dĩ nhiên là cùng nhau”, những hình thức trong đó thừa tác vụ của Giám mục Rôma “có thể hoàn thành việc phục vụ yêu thương” mà các bên đều nhìn nhận. Lời mời gọi này đã được Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại nhiều lần. Tài liệu này tóm tắt khoảng 30 phản hồi cho lời mời gọi này và khoảng 50 văn bản của các cuộc đối thoại đại kết về chủ đề này.

Vào năm 2020, Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu đã coi lễ kỷ niệm 25 năm thông điệp Ut unum sint như một cơ hội để đánh giá cuộc thảo luận. Việc triệu tập một Thượng Hội đồng về tính hiệp hành đã xác nhận sự liên quan của dự án này như một đóng góp cho chiều kích đại kết của tiến trình thượng hội đồng.

Phương pháp nào đã được sử dụng để tạo ra tài liệu này?

Tài liệu là kết quả của công việc đại kết và hiệp hành thực sự. Trong quá trình thực hiện, nó không chỉ liên quan đến các quan chức, mà còn cả các thành viên và cố vấn của Bộ, những người đã thảo luận trong hai phiên họp toàn thể. Nhiều chuyên gia Công giáo và học giả từ các truyền thống Kitô giáo khác nhau, Đông phương và Tây phương, đã được tham khảo ý kiến, phối hợp với Viện Nghiên cứu Đại kết Angelicum. Cuối cùng, tài liệu đã được gửi đến các Bộ khác nhau của Giáo triều Rôma và Tổng Thư ký Thượng Hội đồng. Tổng cộng, hơn 50 ý kiến và đóng góp đã được xem xét. Tài liệu của chúng tôi cũng tính đến các can thiệp mới nhất trong khuôn khổ của tiến trình thượng hội đồng.

Trong thông điệp Ut unum sint (1995), Thánh Gioan Phaolô II nói rằng ngài sẵn sàng thảo luận về các hình thức thực hiện quyền tối thượng của Giám mục Rôma. Quãng đường đã đi được trong ba thập kỷ qua là gì?

Trong những thập kỷ gần đây, vấn đề quyền tối thượng đã được thảo luận một cách tích cực trong hầu hết mọi bối cảnh đại kết. Tài liệu của chúng tôi báo cáo tiến bộ và nhấn mạnh rằng các cuộc đối thoại thần học và những phản hồi đối với thông điệp chứng tỏ một tinh thần đại kết mới và tích cực trong cuộc thảo luận. Bầu không khí mới này là dấu hiệu của mối quan hệ tốt đẹp được thiết lập giữa các cộng đồng Kitô giáo, của sự “tái khám phá tình huynh đệ” mà Ut unum sint nói đến.

Có thể nói rằng các cuộc đối thoại đại kết đã được chứng minh là bối cảnh thích hợp để thảo luận về chủ đề nhạy cảm này. Vào thời điểm mà các kết quả của các nỗ lực đại kết thường được bị coi là ít ỏi hoặc không đáng kể, thì kết quả của các cuộc đối thoại thần học chứng tỏ giá trị của phương pháp luận của chúng, nghĩa là của việc suy tư được thực hiện “dĩ nhiên là cùng nhau.”

Khi đọc tài liệu, người ta trước tiên bị ấn tượng bởi sự đồng thuận ngày càng tăng trong các cuộc đối thoại đại kết khác nhau về sự cần thiết của quyền tối thượng. Liệu điều này có nghĩa là đối với các Giáo hội Kitô giáo khác thì vai trò của Giám mục Rôma không còn được coi là một trở ngại cho sự hiệp nhất chăng?

Năm 1967, Đức Phaolô VI đã tuyên bố rằng “Giáo hoàng […] chắc chắn là trở ngại lớn nhất trên con đường đại kết.” Tuy nhiên, 50 năm sau, việc đọc các tài liệu đối thoại và các phản hồi cho Ut unum sint cho thấy rằng vấn đề quyền tối thượng đối với toàn Giáo hội, và đặc biệt là của chức vụ Giám mục Rôma, không còn được coi chỉ là một vấn đề, mà là một cơ hội để suy tư chung về bản chất của Giáo hội và sứ mệnh của nó trên thế giới. Hơn nữa, trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta, chắc chắn ngày càng có nhiều người cảm thấy cần có một mục vụ hiệp nhất ở cấp độ hoàn vũ. Vấn đề đặt ra là phải thống nhất về cách thực hiện mục vụ này, được Thánh Gioan Phaolô II định nghĩa là một “sự phục vụ trong tình thương.”

Trong hai thiên niên kỷ lịch sử của Giáo hội, cách thực hiện quyền tối thượng đã thay đổi như thế nào? Và ngày nay, sự phát triển nào có thể có để làm cho việc thực hiện này được các Giáo hội khác chấp nhận dù không ở trong sự hiệp thông hoàn toàn với Rôma?

Chắc chắn, cách thực hiện thừa tác vụ Phêrô đã phát triển theo thời gian, tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử và những thách thức mới. Tuy nhiên, đối với nhiều cuộc đối thoại thần học, các nguyên tắc và mô hình của sự hiệp thông được tôn trọng trong thiên niên kỷ đầu tiên vẫn là mẫu mực cho việc khôi phục lại sự hiệp thông hoàn toàn trong tương lai. Một số tiêu chí của thiên niên kỷ đầu tiên đã được xác định là điểm tham chiếu và nguồn cảm hứng cho việc thực hiện một sứ vụ hiệp nhất được công nhận toàn cầu.

Mặc dù thiên niên kỷ đầu tiên là có tính quyết định, nhiều cuộc đối thoại nhận ra rằng nó không nên được lý tưởng hóa hay đơn giản là tái tạo, bởi vì sự phát triển của thiên niên kỷ thứ hai không thể bị bỏ qua và cũng bởi vì một quyền tối thượng ở cấp độ hoàn vũ nên đáp ứng các thách đố đương đại. Dù sao đi nữa, đổi mới việc thực thi quyền tối thượng cuối cùng phải được mô phỏng theo việc phục vụ, theo diakonia. Quyền lực và phục vụ đều có liên quan mật thiết với nhau.

Liệu có thể hình dung một hình thức chung về việc thực hiện quyền tối thượng Phêrô trên toàn Kitô giáo mà không liên quan đến quyền tài phán của Giáo hoàng đối với Giáo hội Latinh trong tương lai?

Thật vậy, một số cuộc đối thoại đại kết gợi ý một sự phân biệt rõ ràng hơn giữa các trách nhiệm khác nhau của Giám mục Rôma, đặc biệt là giữa những gì có thể được gọi là sứ vụ thượng phụ giáo chủ của Giáo hoàng trong Giáo hội Tây phương hoặc Latinh, và sứ vụ tối thượng của ngài trong việc xây dựng sự hiệp nhất và hiệp thông giữa các Giáo hội, cả Tây phương và Đông phương.

Hơn nữa, những cuộc đối thoại ấy nhấn mạnh sự cần thiết phải phân biệt vai trò thượng phụ và tối thượng của Giám mục Rôma khỏi chức năng của ngài như là người đứng đầu quốc gia. Việc nhấn mạnh đến việc thực hiện sứ vụ của Giáo hoàng trong Giáo hội của ngài, là giáo phận Rôma, mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đặc biệt nhấn mạnh, giúp làm nổi bật chức vụ giám mục của ngài, mà ngài chia sẻ với các giám mục anh em của mình.

Tài liệu này được công bố khi Giáo hội Công giáo đang trải qua một tiến trình thượng hội đồng tập trung chính yếu vào chủ đề hiệp hành. Vậy tính hiệp hành và quyền tối thượng có mối liên hệ như thế nào?

Phần lớn các phản hồi và tài liệu đối thoại đều nhất trí rõ ràng về sự tương hỗ phụ thuộc lẫn nhau của quyền tối thượng và tính hiệp hành ở mọi cấp độ của Giáo hội: địa phương, khu vực và thậm chí ở cấp độ hoàn vũ. Do đó, quyền tối thượng phải được thực thi trong tinh thần hiệp hành, và hiệp hành yêu cầu quyền tối thượng.

Về tất cả những khía cạnh này, Bộ của chúng tôi cũng đã tổ chức các hội nghị có tựa đề “Lắng nghe Đông phương” và “Lắng nghe Tây phương”, lắng nghe các truyền thống Kitô giáo khác nhau về tính hiệp hành và quyền tối thượng, như một đóng góp cho tiến trình thượng hội đồng.

Một bước quyết định liên quan đến quyền tối thượng là việc tín điều hóa tính bất khả ngộ của Giám mục Rome khi đề cập đến ex cathedra (từ tòa Phêrô) và quyền tài phán của Giáo mục Rôma đối với Giáo hội. Vậy, Đức Hồng y có thể cho chúng con biết liệu có thể thực hiện được và bằng cách nào một cách đọc và cách hiểu mới về Công đồng Vatican I dưới ánh sáng của Vatican II và các bước tiến hành trên con đường đại kết không?

Chắc chắn, một số cuộc đối thoại đã cố gắng giải thích Công đồng Vatican I dưới ánh sáng bối cảnh lịch sử, mục tiêu và sự tiếp nhận của nó. Vì các định nghĩa tín lý của Công đồng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các hoàn cảnh lịch sử, nên chúng gợi ý rằng Giáo hội Công giáo nên tìm kiếm những cách diễn đạt và từ vựng mới trung thành với ý định ban đầu, tích hợp chúng vào một nền giáo hội học về hiệp thông và thích ứng chúng với bối cảnh văn hóa và đại kết hiện tại. Do đó, người ta nói đến việc “tiếp nhận lại” hoặc thậm chí “cải cách” các giáo huấn của Vatican I.

Để các Giáo hội tiếp tục suy tư chung về quyền tối thượng thì những bước tiếp theo là gì?

Nghiên cứu này kết thúc bằng một đề xuất ngắn gọn của Phiên họp toàn thể của Bộ, có tựa đề “Hướng tới việc thực thi quyền tối thượng trong thế kỷ 21”, trong đó xác định những khuyến nghị quan trọng nhất được đề xuất bởi các câu trả lời và đối thoại khác nhau để thực hiện đổi mới sứ vụ hiệp nhất của Giám mục Rôma. Bộ của chúng tôi muốn chia sẻ khuyến nghị này, cùng với tài liệu nghiên cứu, với các cộng đồng Kitô giáo khác nhau, và hỏi ý kiến ​​của họ về vấn đề này. Do đó, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục thảo luận “dĩ nhiên là cùng nhau” để thực thi sứ vụ hiệp nhất của Giám mục Rôma “mà các bên đều nhìn nhận”.

___________________

Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: vaticannews.va