ĐI TÌM NGÀY SINH CỦA
ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE
(Nhân kỷ niệm 400 năm ngài chào đời
1624-2024)
Nt. Marie Fiat Tuyết Mai,
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm
WHĐ (10.01.2024) – Ngày sinh của một con người thật thiêng liêng, trân quý, nó mở đầu hành trình làm người trên dương thế. Riêng đối với Đức cha Lambert, ngày đó đi vào chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã dự định và tuyển chọn ngài cho phần rỗi các linh hồn tại miền Viễn Đông xa xôi. Hiện tại, các nguồn sử liệu đưa ra nhiều ngày sinh cho Đức cha Lambert. Trong quyển sách viết về ngài[1] xuất bản năm 2016, chúng tôi đã nêu ra tất cả các tác phẩm đề nghị những ngày sinh khác nhau. Thật thú vị khi chúng ta sắp xếp chúng lại theo thứ tự thời gian để thấy tính logic cho từng thời điểm cụ thể, từ đó có thể chọn lựa cách khoa học.
GIAI ĐOẠN 1: Lambert sinh ngày 28-01-1624
Ngay từ thế kỷ 17, trong tài liệu Vie de M. de Beryte (Cuộc đời Đức cha Hiệu tòa Beryte) do Cha Jacques-Charles de Brisacier, Bề trên Chủng viện Thừa sai Paris, soạn thảo vào năm 1685, sáu năm sau khi Đức cha Pierre Lambert de la Motte qua đời[2], ngài nêu rõ: « De la Motte Lambert sinh ra trong Giáo phận Lisieux, ngày 28-01-1624 »[3].
GIAI ĐOẠN 2: Lambert sinh ngày 28-01-1624
Vào thế kỷ 19, năm 1885, tại quê hương Normandie của Đức cha Pierre Lambert de la Motte, các sử gia cũng tìm thấy ngày sinh của ngài, được nêu trong tài liệu Bulletin de la Commission des Antiquités de la Seine-Inférieure[4] (Tập san Ban Nghiên cứu Cổ). Tài liệu viết như sau: « Pierre-Marie Lambert, chủ lãnh địa ‘la Boissière’ và ‘la Motte’, con trai của ông Pierre Lambert, chủ đất ‘la Motte’, Phó Pháp quan vùng Evreux, và bà Catherine Heudey de Pommainville et de Bocquencey, sinh tại Boissière, ngày 28-01-1624 »[5].
GIAI ĐOẠN 3: Lambert sinh ngày 28-01-1624
Năm 1894, Cha Adrien Launay xuất bản quyển Histoire générale de la Société des Missions Étrangères (Lịch sử Tổng quát của Hội Thừa sai)[6], trích dẫn tài liệu của vùng Normandie và ghi rõ ngày sinh của Đức cha Pierre Lambert de la Motte là 28-01-1624[7].
GIAI ĐOẠN 4: Lambert sinh ngày 28-01-1624
Năm 1916, Cha Adrien Launay xuất bản quyển Mémorial de la Société des Missions Étrangères (Lưu ký Hội Thừa sai), cũng vẫn giữ ngày sinh của Pierre Lambert de la Motte là 28-01-1624[8].
Như vậy, từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, người ta chỉ biết đến một ngày sinh duy nhất của Đức cha Lambert là 28-01-1624.
GIAI ĐOẠN 5: Lambert sinh ngày 16-01-1624
Thế kỷ 20, Hầu tước Henri de Frondeville[9], người thuộc một nhánh khác trong dòng tộc Lambert, tuyên bố đã đọc trong sổ lưu giáo xứ Saint-Jacques ở Lisieux, ngày rửa tội của Pierre Lambert là 16-01-1624.
Năm 1923, tin lời của Hầu tước Frondeville, Cha Adrien Launay sửa lại ngày sinh của Đức cha Lambert thành 16-01-1624 trong quyển sách Histoire de la mission de Cochinchine (Lịch sử truyền giáo Đàng Trong), ngài ghi rõ như sau: « Thông tin nhận từ Hầu tước Frondeville, thuộc gia tộc của Đức cha Lambert, cho phép chúng tôi sửa ngày sinh của Đức cha Lambert nêu ra từ trước đến giờ »[10]. Như vậy, Cha Launay cho ngài sinh cùng ngày rửa tội. Nếu Cha Launay đến Lisieux kiểm chứng và chỉnh sửa dựa trên tài liệu do chính mình đọc, điều đó sẽ thuyết phục hơn khi chỉ đơn thuần tin vào lời của Hầu tước Frondeville[11].
GIAI ĐOẠN 6: Lambert sinh ngày 16-01-1624
Năm 1925, Hầu tước Frondeville xuất bản một tài liệu về cuộc đời Đức cha Lambert và viết rõ: « ngày rửa tội được ghi là 16-01-1624 trong sổ của Giáo xứ St. Jacques thuộc Lisieux, lưu tại Văn khố của thành phố. Vì thế, do nhầm lẫn mà tất cả những người viết tiểu sử Đức cha Lambert de la Motte đều cho rằng ngài sinh ngày 18 hay 24 tháng 01 »[12].
Từ Hầu tước Frondeville, xuất hiện những ngày mà từ 3 thế kỷ trước không ai nói tới: 16/01, 18/01, 24/01 …
Vì Cha Launay đang làm việc tại Văn khố của Hội Thừa sai Paris, việc ngài sửa ngày sinh của Đức cha Lambert theo đề nghị của Hầu tước Frondeville gây ảnh hưởng không ít. Từ đó, tất cả các tài liệu liên quan đến Đức cha Lambert xuất bản vào thế kỷ 20 đều dùng ngày 16-01-1624, kể cả các tài liệu chính thức của Văn khố Hội Thừa sai Paris.
GIAI ĐOẠN 7: Lambert sinh ngày 28-01-1624
Tất cả các tài liệu viết tay của Đức cha Lambert còn lưu trữ cẩn thận trong các Văn khố tại Paris cũng như ở Rôma, chưa được xuất bản, đặc biệt tập Nhật ký ngài viết đều đặn mỗi ngày, từ năm 1674 đến 1678. Tài liệu này vô cùng khó đọc, hai Cha trong Hội Thừa sai Paris: Henri Simonin và Jean Guennou đã đánh máy lại toàn bộ tập nhật ký này, hoàn thành vào ngày 20-4-1961. Nhờ đó, chúng ta có thể tiếp cận dễ dàng với tài liệu riêng của Đức cha. Trong Nhật ký viết năm 1677, Đức cha Lambert ghi rõ:
– Ngày 28 tháng 01 là kỷ niệm ngày sinh của ngài, tạ ơn Chúa về hữu thể Chúa ban (On a eu vue que c’était aujourd’hui jour de sa naissance. On a été porté de remercier Dieu de l’être qu’on a reçu de lui)[13]. Đây là dòng chữ do chính Đức cha Lambert viết về nội dung này:
– Ngày 15 tháng 02 kỷ niệm ngày rửa tội, Đức Giám mục Bérithe chuẩn bị lặp lại lời cam kết khi nhận phép Thánh tẩy (L’évêque de Bérithe s’est disposé à la rénovation des vœux de son baptême qui fut le 15 de ce mois)[14].
Đến đây, mỗi độc giả có thể tự chọn ngày sinh của Đức cha Pierre Lambert de la Motte.
Chúng tôi xin chia sẻ thêm một chi tiết liên quan đến Hầu tước Frondeville: Trên tấm hình này, có một hàng chữ, ghi tên Đức cha Lambert: “Pierre Marie Lambert de la Motte Frondeville, Giám mục Hiệu tòa Béryte, 1660”.
Trong tất cả các tài liệu viết vào thời của ngài – thế kỷ XVII, và các thế kỷ tiếp theo, Đức cha hiệu tòa Béryte chưa bao giờ được gọi là Frondeville. Chuyên viên Huy hiệu Arnaud Bunel đồng ý với vị Đặc trách lưu trữ huy hiệu ở Văn khố Quốc gia Pháp: « Đặc tính giả mạo của hàng chữ ghi trên bức tranh có thể xảy ra, gắn liền với ước muốn của một Frondeville muốn sáp nhập cách chính thức một nhân vật quan trọng vào chi tộc của mình. Điều đó không có gì ngạc nhiên »[15].
Việc tìm ngày sinh của Đức cha Lambert là một vấn đề nhỏ, nhưng là một ví dụ điển hình giúp chúng ta quan tâm đến việc phân định và cẩn trọng đối với mọi sự kiện lịch sử liên quan đến cuộc đời của Đức cha Lambert, không ít những tài liệu trình bày đối lập nhau, đặc biệt trong bối cảnh lịch sử hết sức phức tạp lúc bấy giờ: chính trị, tôn giáo, kinh tế, … đan xen, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống Giáo hội. Hơn thế nữa, nơi Đức cha Lambert, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa đời sống và tư tưởng của ngài. Vì thế, tiên vàn cần xác định chân dung đích thực của vị Cha chung – Giám mục tiên khởi của Giáo hội Việt Nam, để có thể hiểu đúng và đi sâu vào giáo huấn của ngài.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bulletin de la Commission des Antiquités de la Seine-Inférieure, t. VI : 1882-1884, Rouen, imprimerie Espérance Cagniard, 1885.
Arnaul Bunel, Huy hiệu Giám mục của Đức cha Lambert de la Motte, Trao đổi giữa chuyên viên Huy hiệu Arnaud Bunel và nữ tu Marie Fiat Tuyết Mai, Dòng Mến Thánh Giá, Lưu hành nội bộ, 2021.
J.-C. de Brisacier, Vie de M. de Beryte, Archives des Missions Étrangères de Paris (AMEP), tập 122.
Henri de Frondeville, Pierre Lambert de la Motte, Évêque de Béryte, 1624-1679, Paris, Spes, 1925.
Pierre Lambert de la Motte, Nhật ký viết từ năm 1674-1678, AMEP, tập 877.
Adrien Launay, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères, Paris, Téqui, 1894, t. I.
Adrien Launay, Mémorial de la Société des Missions Étrangères, Deuxième partie 1658-1913, Paris, Séminaire des Missions Étrangères, 1916.
Adrien Launay , Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques, t. 1: 1658-1728, Paris, MEP-Les Indes savantes, 2000.
Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, La mission continue de Jésus selon Mgr Lambert de la Motte (1624-1679) et le renouveau de la mission en Asie, Paris, Cerf Patrimoine, 2016 (Sứ mạng liên tục của Chúa Giêsu theo quan điểm của Đức cha Lambert de la Motte và công cuộc canh tân việc phúc âm hóa tại Châu Á, Bản Việt ngữ, T. 1, 2018).
[1] Marie Fiat Trần Thị Tuyết Mai, La mission continue de Jésus selon Mgr Lambert de la Motte (1624-1679) et le renouveau de la mission en Asie, Paris, Cerf Patrimoine, 2016 (Sứ mạng liên tục của Chúa Giêsu theo quan điểm của Đức cha Lambert de la Motte và công cuộc canh tân việc phúc âm hóa tại Châu Á, Bản Việt ngữ, T.1, 2018).
[2] Nt., tr. 19-20 (Bản Việt ngữ, tr. 49-50).
[3] J.-C. de Brisacier, Vie de M. de Beryte, Archives des Missions Étrangères de Paris (AMEP), tập 122, tr. 1, n° 1.
[4] Marie Fiat TTT. Mai, La mission continue, tr. 55 (Việt ngữ, tr. 84). Seine-Inférieure được đổi thành Seine-Maritime từ năm 1955.
[5] Bulletin de la Commission des Antiquités de la Seine-Inférieure, t. VI: 1882-1884, Rouen, imprimerie Espérance Cagniard, 1885, tr. 264.
[6] Marie Fiat TTT. Mai, La mission continue, tr. 55 (Việt ngữ, tr. 84).
[7] A. Launay, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères, Paris, Téqui, 1894, t. I, tr. 3, note 1.
[8] A. Launay, Mémorial de la Société des Missions Étrangères, Deuxième partie 1658-1913, Paris, Séminaire des Missions Étrangères, 1916, tr. 350.
[9] Marie Fiat TTT. Mai, La mission continue, 2016, tr. 54-55 (Việt ngữ, tr. 84).
[10] Adrien Launay, Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, Documents historiques, t. 1: 1658-1728, Paris, MEP-Les Indes savantes, 2000, tr. 1, note 1.
[11] Chúng tôi đã đến Lisieux để kiểm chứng tài liệu này, nhưng rất tiếc, trận bom phe đồng minh dội xuống Lisieux trong thế chiến thứ hai, vào tháng 6 năm 1944, bình địa cả thành phố này, tất cả đều bị thiêu hủy.
[12] H. de Frondeville, Pierre Lambert de la Motte, Évêque de Béryte, 1624-1679, Paris, Spes, 1925, tr. 7, note 1.
[13] Marie Fiat TTT. Mai, La mission continue, tr. 55, trích P. Lambert de la Motte, Nhật ký, AMEP, tập 877, tr. 595.
[14] P. Lambert de la Motte, Nhật ký, AMEP, tập 877, tr. 595. 597, x. Simonin, bản đánh máy, tr. 249. 253.
[15] Arnaul Bunel, Huy hiệu Giám mục của Đức cha Lambert de la Motte, Trao đổi giữa chuyên viên Huy hiệu Arnaud Bunel và nữ tu Marie Fiat Tuyết Mai, Dòng Mến Thánh Giá, Lưu hành nội bộ, 2021, tr. 40-41.
Tin tức liên quan khác
ĐTC Phanxicô và các lãnh đạo Kitô giáo sẽ cử hành Canh thức đại kết khai mạc Thượng Hội đồng
Thứ Sáu tuần 32 Thường niên năm II – Hy sinh (Lc 17,26-37)
Các Giám mục châu Âu khẳng định phá thai không phải là quyền cơ bản
Thứ Bảy tuần 28 Thường niên năm I – Chối đạo (Lc 12,8-12)
Thứ Ba tuần 31 Thường niên năm I – Thức tỉnh (Lc 14,15-24)
Ngày Giới trẻ Thế giới: một sự kiện ân sủng giúp người trẻ ước mơ
Chịu đau khổ như Đức Kitô nghĩa là gì?
Cuốn sách mà tất cả các tu sĩ Cát Minh đều đọc trong Mùa Chay