WHĐ (27.08.2023) – Được chọn là người nhận giải thưởng danh giá “E’ Giornalismo” năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho phái đoàn đến trao giải buổi tiếp kiến riêng vào sáng thứ Bảy, 26.08 vừa qua.
Giải thưởng “E’ Giornalismo”, do một nhóm các nhà báo Ý nổi tiếng quốc tế thành lập vào năm 1995, nhằm tôn vinh những nhân vật báo chí và truyền hình Ý có tầm ảnh hưởng, cũng như các nhà báo, những người định hình cách tường thuật các vấn đề thời sự tại Ý một cách khách quan, chuyên nghiệp, và sáng tạo.
Dưới đây là nội dung bài diễn từ của Đức Thánh Cha:
DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO PHÁI ĐOÀN TRAO GIẢI THƯỞNG “È GIORNALISMO”
Thứ Bảy, ngày 26.08.2023
Các bạn thân mến, xin chào!
Xin chào và cảm ơn các bạn vì cuộc gặp gỡ này cũng như vì việc trao Giải thưởng “È Giornalismo“. Các bạn biết rằng, ngay cả trước khi trở thành giám mục Rôma, tôi đã từng từ chối những lời đề nghị nhận giải thưởng. Tôi không muốn và chưa bao giờ nhận bất kỳ giải thưởng nào. Và tôi tiếp tục làm như vậy ngay cả trên cương vị Giáo hoàng. Tuy nhiên, có một lý do thúc đẩy tôi nhận giải thưởng của các bạn, đó là tính cấp thiết của việc truyền thông mang tính xây dựng, cổ võ văn hóa gặp gỡ chứ không phải đối đầu; văn hóa hòa bình chứ không phải chiến tranh; văn hóa cởi mở với người khác chứ không phải thành kiến. Tất cả các bạn đều là những nhà báo tiêu biểu xuất sắc của báo chí Ý. Vì vậy, hãy cho phép tôi giãi bày với các bạn một niềm hy vọng và cũng thẳng thắn trình bày yêu cầu sự giúp đỡ từ các bạn. Nhưng tôi không xin tiền các bạn đâu, nên đừng lo!
Niềm hy vọng là thế này: rằng hiện nay, vào thời điểm mà mọi người dường như bình luận về mọi thứ, thậm chí bất chấp sự thật và thường ngay cả trước khi am hiểu vấn đề, chúng ta tái khám phá và quay trở lại trau dồi thêm nguyên tắc của tính chính xác – tính chính xác luôn luôn vượt trội hơn ý tưởng – tính chính xác của sự việc, tính năng động của sự việc vốn không bao giờ ở thể tĩnh mà luôn tiến triển, hướng tới sự thiện hoặc sự ác, để không gặp nguy cơ của việc xã hội thông tin biến thành xã hội thông tin sai lệch. Sự thông tin sai lệch là một trong những tội lỗi của báo chí, trong đó có 4 tội: Thông tin sai lệch, khi báo chí không đưa tin hoặc đưa tin sai; vu khống (đôi khi điều này được sử dụng); phỉ báng, khác với vu khống nhưng có tính hủy diệt; và thứ tư là coprophilia, tức là thích sự tai tiếng, tục tĩu; buôn bán sự tai tiếng. Có thể nói, thông tin sai lệch là tội đầu tiên của báo chí.
Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần truyền bá một nền văn hóa gặp gỡ, văn hóa đối thoại, văn hóa lắng nghe người khác và những lý do của họ. Văn hóa kỹ thuật số đã mang lại cho chúng ta rất nhiều cơ hội trao đổi mới, nhưng nó cũng có nguy cơ biến truyền thông thành khẩu hiệu. Không, truyền thông luôn có qua có lại. Tôi nói, tôi lắng nghe và tôi phản hồi, nhưng luôn luôn đối thoại. Đó không phải là một khẩu hiệu. Chẳng hạn, tôi lo ngại về sự thao túng của những kẻ hứng thú tuyên truyền tin giả để lèo lái dư luận. Làm ơn, chúng ta đừng nhượng bộ trước logic của sự đối lập, đừng để mình bị ảnh hưởng bởi những ngôn ngữ hận thù. Vào thời điểm đầy kịch tính mà Châu Âu đang trải qua, với cuộc chiến tiếp diễn ở Ukraine, chúng ta được mời gọi thức tỉnh lại về trách nhiệm. Tôi hy vọng rằng sẽ có chỗ cho những tiếng nói của hòa bình, cho những người cam kết chấm dứt cuộc xung đột này cũng như rất nhiều cuộc xung đột khác, cho những người không đầu hàng trước logic “Ca-in” của chiến tranh nhưng, bất chấp tất cả, vẫn tiếp tục tin tưởng logic của hòa bình, logic của đối thoại, và logic của ngoại giao.
Và bây giờ tôi đi đến yêu cầu sự giúp đỡ. Chính trong thời điểm này, khi người ta nói nhiều mà nghe ít, và khi ý thức về công ích có nguy cơ bị suy yếu, thì toàn thể Giáo hội đã bắt đầu cuộc hành trình tái khám phá từ “cùng nhau”. Chúng ta phải tái khám phá cùng nhau. Cùng nhau bước đi. Cùng nhau đặt vấn đề. Cùng nhau chịu trách nhiệm về việc phân định cộng đoàn, mà đối với chúng ta đó là cầu nguyện, như các Tông đồ tiên khởi đã làm: đây là sự hiệp hành, điều mà chúng ta muốn biến thành thói quen hàng ngày trong mọi cách diễn đạt của nó. Chính vì mục đích này, chỉ trong hơn một tháng nữa, các giám mục và giáo dân từ khắp nơi trên thế giới sẽ quy tụ về Roma để tham dự Thượng Hội đồng về hiệp hành: cùng nhau lắng nghe, cùng nhau phân định, cùng nhau cầu nguyện. Từ “cùng nhau” rất quan trọng. Chúng ta đang ở trong một nền văn hóa loại trừ, vốn là một loại chủ nghĩa tư bản trong truyền thông. Có lẽ lời cầu nguyện thông thường của sự loại trừ này là: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì con không như thế này, con không như thế kia, con không…”: họ tự loại trừ chính mình. Chúng ta phải tạ ơn Chúa vì biết bao điều tốt lành!
Tôi nhận thức rất rõ rằng việc nói về một “Thượng Hội đồng về hiệp hành” có vẻ là một điều gì đó khó hiểu, mang tính tự quy chiếu, quá mang tính kỹ thuật và không thú vị lắm đối với công chúng. Nhưng những gì đã xảy ra trong năm qua, sẽ tiếp tục diễn ra tại Đại hội vào tháng 10 tới đây và sau đó là giai đoạn thứ hai của Thượng hội đồng 2024, là một điều thực sự quan trọng đối với Giáo hội. Đó là một cuộc hành trình mà Thánh Phaolô VI đã khởi sự vào cuối Công đồng, khi ngài thành lập Ban Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, bởi vì ngài nhận ra rằng trong Giáo hội phương Tây tính hiệp hành đã biến mất, trong khi ở Giáo hội Đông phương họ có chiều kích này. Và cuộc hành trình kéo dài nhiều năm này – 60 năm – đang mang lại nhiều thành quả tuyệt vời. Làm ơn, hãy tập thói quen lắng nghe nhau, chuyện trò với nhau, đừng cắt ngang với sự chỉ trích. Hãy lắng nghe, trao đổi một cách chín chắn. Đây là một ân sủng mà tất cả chúng ta đều cần để tiến về phía trước. Và đây là điều mà Giáo hội cống hiến cho thế giới ngày nay, một thế giới thường không có khả năng đưa ra quyết định, ngay cả khi sự sống còn của chúng ta đang bị đe dọa. Chúng tôi đang cố gắng học một cách thức mới trong việc thực hiện các mối tương quan, trong việc lắng nghe nhau để cùng nghe và làm theo tiếng nói của Thần Khí. Chúng ta đã mở cửa, chúng ta tạo cơ hội cho mọi người tham gia, chúng ta đã tính đến nhu cầu và đề xuất của mọi người. Chúng ta muốn cùng nhau góp phần xây dựng Giáo hội nơi mọi người cảm thấy như ở nhà, nơi không ai bị loại trừ. Lời Phúc âm rất quan trọng: “tất cả mọi người”. Mọi người, mọi người: không có người Công giáo hạng nhất, hạng hai hay hạng ba, không! Tất cả đều cùng nhau. Mọi người. Đó chính là lời mời gọi của Chúa.
Vì vậy, tôi tin tưởng nhờ các bạn, những chuyên gia báo chí, giúp đỡ: hãy giúp tôi thuật lại tiến trình này thực chất là gì, bỏ lại đằng sau logic của những khẩu hiệu và những câu chuyện được đóng gói sẵn. Không: hãy thực tế. Có người đã nói: “Sự thật duy nhất là tính chính xác”. Đúng vậy, hãy chính xác. Tất cả chúng ta sẽ được hưởng lợi từ điều này, và tôi chắc chắn rằng đây cũng là “báo chí”, “è giornalismo”!
Các bạn thân mến, một lần nữa tôi cảm ơn các bạn vì cuộc gặp gỡ này, vì ý nghĩa của nó đối với cam kết chung của chúng ta đối với sự thật và hòa bình. Tôi phó thác tất cả các bạn cho sự chuyển cầu của Đức Maria, và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (26. 08. 2023)
Tin tức liên quan khác
Thứ Hai tuần 2 Thường niên năm II – Ăn chay (Mc 2,18-22)
Mục đích thực sự của việc ăn chay là gì?
Thứ Hai tuần 12 Thường niên năm I – Đừng xét đoán (Mt 7,1-5)
Thứ Tư tuần 1 Thường niên năm II – Chữa lành (Mc 1,29-39)
Đức Thánh Cha: Kiến thức phát triển qua việc chia sẻ với người khác
28 tháng 12: Ngày thứ 4 trong tuần Bát nhật Giáng sinh – Kính Các thánh Anh hài (Mt 2,13-18)
“Sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền Lề luật”: Giáng Sinh theo Thánh Phaolô
Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Sự sống nói về sự Phục sinh