WHĐ (14.05.2024) – Tại Dinh Tông toà sáng thứ Hai ngày 13.05, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến phái đoàn do Đức cha Raphael Thattil, Tổng giám mục Trưởng Giáo chủ làm trưởng đoàn gồm 6 Giám mục, một số linh mục, và khoảng 150 tín hữu thuộc nghi lễ Syro-Malaba từ Ấn Độ cũng như ở Roma.
Được biết, là một trong số 22 Giáo hội Công giáo nghi lễ Đông phương hiệp nhất với Tòa Thánh, Giáo hội Công giáo nghi lễ Syro-Malabar có khoảng hơn 4 triệu tín hữu thuộc 35 giáo phận trong và ngoài Ấn Độ.
Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn từ của Đức Thánh Cha:
DIỄN TỪ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC TÍN HỮU CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO NGHI LỄ SYRO-MALABAR
Dinh Tông toà
Thứ Hai, ngày 13 tháng 05 năm 2024
Thưa Đức Tổng giám mục Trưởng Giáo chủ,
Thưa quý Giám mục,
Anh chị em thân mến,
Tôi hân hoan chào mừng anh chị em, quý anh em giám mục của anh chị em và những người đã đồng hành với anh chị em trong chuyến đi đầu tiên tới Roma sau cuộc bầu cử của anh chị em. Thật tốt đẹp khi có được cuộc bầu cử này! Tôi cũng gửi lời chào huynh đệ đến quý đại diện của cộng đồng Syro-Malabar tại Rôma.
Các tín hữu của Giáo hội thân yêu của anh chị em được biết đến, không chỉ ở Ấn Độ, mà còn trên toàn thế giới, vì đức tin và lòng đạo đức “mãnh liệt” của mình. Đức tin của anh chị em có nguồn gốc xa xưa, vì nó bắt nguồn từ chứng tá tử đạo của Thánh Tôma, vị Tông đồ của Ấn Độ. Tất cả anh chị em đều là những người bảo vệ và thừa kế giáo huấn tông truyền của ngài. Anh chị em đã gặp nhiều thử thách trong suốt lịch sử lâu dài và đầy khó khăn của mình, mà trong quá khứ cũng đã chứng kiến những cùng đức tin có những hành động đáng tiếc chống lại anh chị em vì sự thiếu nhạy cảm của họ đối những đặc thù của Giáo hội đang phát triển của anh chị em. Tuy nhiên, anh chị em vẫn trung thành với Người kế vị Thánh Phêrô. Và hôm nay, tôi rất vui mừng được chào đón anh chị em và xác nhận anh chị em trong di sản cao quý mà anh chị em đã đón nhận và đang tiếp tục tiến bước. Anh chị em vâng phục, và ở đâu có sự vâng phục, ở đó có Giáo hội. Ở đâu có sự bất tuân, ở đó có sự ly giáo. Anh chị em vâng phục; đây là một trong những đức tính cao quý của anh chị em: Vâng phục. Tôi biết điều này không phải là không có đau khổ nhưng hãy tiếp tục tiến về phía trước.
Lịch sử của anh chị em là độc nhất và quý giá, và lịch sử này là một di sản đặc biệt đối với toàn thể Dân Thánh của Thiên Chúa. Tôi cũng nhân cơ hội này nhấn mạnh rằng các truyền thống Đông phương là kho tàng thiết yếu trong đời sống Giáo hội. Nhất là trong thời đại như thời đại của chúng ta, một thời đại vốn cắt đứt cội nguồn kết nối chúng ta với quá khứ và đo lường mọi thứ dựa trên những gì hữu dụng và trước mắt. Tiếc thay, điều này cũng có thể bao gồm cả thái độ tôn giáo. Kitô giáo Đông phương cho phép chúng ta kín múc những nguồn linh đạo cổ xưa và luôn mới mẻ; những nguồn này trở thành dòng suối tươi mát mang lại sức sống cho Giáo hội. Do đó, thật tốt đẹp đối với tôi, với tư cách là Giám mục Rôma, khuyến khích anh chị em, các tín hữu Công giáo Syro-Malabar, dù ở bất cứ đâu, hãy vun trồng cảm thức thuộc về Giáo hội sui iuris (tự trị) của mình, để di sản phụng vụ, thần học, tu đức, và văn hóa vĩ đại của anh chị em ngày càng tỏa sáng rực rỡ hơn nữa. Tôi cũng nói với Đức Tổng giám mục Trưởng Giáo chủ của anh chị em rằng hãy yêu cầu quyền tài phán đối với tất cả những người di cư của anh chị em ở rất nhiều nơi tại Trung Đông. Tôi đã nói rằng các ngài phải yêu cầu quyền tài phán bằng văn bản, nhưng hôm nay tôi đã trao quyền tài phán và các ngài đã có thể thực thi quyền đó. Quyền này phải được viết thành văn bản, nhưng một lần nữa, kể từ hôm nay, anh chị em có thể thực hiện nó. Tôi muốn giúp đỡ anh chị em chứ không thay thế anh chị em, bởi vì bản chất của Giáo hội sui iuris của anh chị em cho phép anh chị em không chỉ xem xét cách cẩn thận các tình huống và thách đố mà anh chị em gặp phải, mà còn thực hiện các bước thích hợp để giải quyết chúng, với tinh thần trách nhiệm và lòng can đảm theo tinh thần Phúc âm, trung thành với sự hướng dẫn của Tổng giám mục Trưởng Giáo chủ và Công nghị. Đây là điều Giáo hội mong muốn, vì ngoài Thánh Phêrô, ngoài Đức Tổng Giám mục Trưởng Giáo chủ thì chẳng có Giáo hội nào cả.
Để đạt mục đích này, gần đây tôi đã gửi thư và một sứ điệp video cho các tín hữu để cảnh báo họ về cơn cám dỗ nguy hiểm muốn tập trung vào một chi tiết mà họ không muốn bỏ qua, thậm chí gây phương hại đến ích chung của Giáo hội. Cơn cám dỗ này bắt nguồn từ sự tự quy chiếu, dẫn đến việc không lắng nghe bất kỳ cách suy nghĩ nào khác ngoài lối nghĩ của chính mình. Trong tiếng Tây Ban Nha, chúng tôi gọi sự tự quy chiếu này là “yo, me, mi, conmigo, para mí”: “Tôi, tôi, với tôi, vì tôi, mọi thứ đều dành cho tôi”. Chính ở đây mà ma quỷ, kẻ chia rẽ, kẻ thực sự hiện hữu, đã lẻn vào và ngăn cản ước muốn chân thành nhất mà Chúa đã bày tỏ trước khi chịu chết vì chúng ta: đó là chúng ta, những môn đệ của Người, trở nên “một” (Ga 17,21), không chia rẽ và cũng không phá vỡ sự hiệp thông. Do đó, bảo vệ sự hiệp nhất không phải là một lời hô hào mang tính đạo đức mà là một nghĩa vụ, và nhất là đối với các linh mục đã hứa vâng phục, và là những người mà các tín hữu mong đợi gương bác ái và hiền lành.
Thưa Đức Tổng giám mục Trưởng Giáo chủ, chúng ta hãy quyết tâm làm việc để bảo vệ sự hiệp thông và cầu nguyện không mệt mỏi để anh chị em của chúng ta, những người bị cám dỗ bởi tinh thần thế tục dẫn đến cứng nhắc và chia rẽ, có thể nhận ra rằng họ là thành viên của một gia đình lớn hơn, yêu thương họ và chờ đợi họ. Như người Cha trong dụ ngôn người con hoang đàng, chúng ta hãy để những cánh cửa mở và tấm lòng rộng mở để một khi họ ăn năn sám hối, họ sẽ không thấy khó khăn khi lại bước vào nhà (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 46): chúng ta đang chờ đợi họ. Chúng ta hãy gặp gỡ và thảo luận mà không sợ hãi, điều này rất tốt, nhưng trên hết, chúng ta hãy cầu nguyện, để ánh sáng của Chúa Thánh Thần, vốn hòa giải những khác biệt và chuyển hướng căng thẳng sang hiệp nhất, có thể giải quyết những xung đột. Có một điều chắc chắn đó là: sự kiêu ngạo, những lời buộc tội và đố kỵ không đến từ Chúa và không bao giờ dẫn đến hòa hợp và hòa bình. Việc thể hiện sự thiếu tôn trọng nghiêm trọng đối với Bí tích Thánh Thể – Bí tích bác ái và hiệp nhất – bằng cách tranh luận về các chi tiết cử hành Thánh Thể, chóp đỉnh của sự hiện diện của Người giữa chúng ta, là không phù hợp với đức tin Kitô giáo. Tiêu chuẩn hướng dẫn, tiêu chuẩn tâm linh đích thực xuất phát từ Chúa Thánh Thần, là sự hiệp thông: điều này đòi chúng ta phải tự xét mình về sự gắn bó với sự hiệp nhất, trung thành, khiêm tốn, tôn trọng và vâng phục gìn giữ những hồng ân chúng ta đã lãnh nhận.
Tôi muốn nói với mọi người, trong những lúc khó khăn và khủng hoảng, đừng để mình bị khuất phục bởi sự chán nản hoặc cảm giác bất lực trước các vấn đề. Thưa anh chị em, chúng ta đừng dập tắt niềm hy vọng, đừng mất kiên nhẫn, và đừng khép mình trong những thành kiến dẫn đến bùng phát thù hận. Trái lại, chúng ta hãy nghĩ về chân trời rộng lớn của sứ mạng mà Chúa đã ủy thác cho chúng ta, sứ mạng trở thành dấu chỉ cho sự hiện diện yêu thương của Người trong thế giới, chứ không phải là cớ vấp phạm cho những người không tin! Khi đưa ra quyết định, chúng ta hãy nghĩ đến những người nghèo và những người bị loại trừ, những người ở vùng ngoại biên, những người ở Ấn Độ và cộng đồng hải ngoại, cũng như những người đang gặp khủng hoảng mang tính hiện sinh. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến những người đau khổ và đang chờ đợi những dấu chỉ của niềm hy vọng và an ủi. Tôi biết rằng cuộc sống của các Kitô hữu ở nhiều nơi còn khó khăn, nhưng sự khác biệt của Kitô giáo hệ tại ở việc chúng ta lấy điều thiện đáp lại điều ác, và làm việc không mệt mỏi với tất cả các tín hữu vì lợi ích của mọi người.
Tôi cảm ơn vì sự dấn thân của Giáo hội anh chị em trong các lĩnh vực đào tạo gia đình và dạy giáo lý, đồng thời tôi ủng hộ việc mục vụ của anh chị em nhắm đến giới trẻ và ơn gọi. Tôi gần gũi với anh chị em trong lời cầu nguyện và mang anh chị em trong tâm hồn tôi mỗi ngày. Xin cũng gửi lời khích lệ của tôi tới các anh chị em khác của anh chị em.
Chúng ta cùng nhau ngước nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh và sống lại, Đấng yêu thương chúng ta và làm cho chúng ta nên một, Đấng muốn chúng ta hiệp nhất như một gia đình quanh một bàn thờ. Giống như Thánh Tông Đồ Tôma, chúng ta hãy nhìn vào các vết thương của Người. Những vết thương ấy ngày nay vẫn còn hiện rõ trên thân xác của biết bao người đói khát và bị bỏ rơi, những người trong nhà tù, trong bệnh viện, và trên đường phố. Khi chạm vào những anh chị em này một cách dịu dàng là chúng ta chào đón Thiên Chúa hằng sống ở giữa chúng ta. Giống như Thánh Tôma, chúng ta nhìn vào những vết thương của Chúa Giêsu, vốn là những vết thương đã làm các môn đệ choáng váng và có thể đẩy họ vào cảm giác tội lỗi không thể khắc phục được, và thấy rằng chính từ những vết thương đó mà Chúa đã tạo ra những kênh tha thứ và thương xót. Một trái tim rộng lớn, luôn là một trái tim vĩ đại! Thánh Tông đồ Tôma hẳn đã cảm thấy kinh ngạc biết bao khi chiêm ngưỡng những vết thương này và thấy những nghi ngờ, sợ hãi của mình tan biến trước sự vĩ đại của Thiên Chúa! Chính sự kinh ngạc đã tạo ra hy vọng, chính sự kinh ngạc đã thôi thúc ngài ra đi, vượt qua những biên cương mới và trở thành cha của anh chị em trong đức tin. Chúng ta hãy nuôi dưỡng sự kinh ngạc này của đức tin, vốn giúp chúng ta vượt thắng mọi trở ngại!
Và thưa anh chị em, những tín hữu thân thương của cộng đồng Syro-Malabar ở Rôma, hậu duệ của Thánh Tông Đồ Tôma tại kinh thành của Thánh Phêrô và Phaolô, có một vai trò đặc biệt. Từ Giáo hội này, là Giáo hội chủ trì sự hiệp thông bác ái phổ quát (x. Thánh Ignatius thành Antioch, Thư gửi tín hữu Rôma), anh chị em được mời gọi cầu nguyện và cộng tác một cách đặc biệt cho sự hiệp nhất trong Giáo hội của anh chị em, không chỉ ở Kerala mà còn trên khắp Ấn Độ và trên toàn thế giới. Kerala là một kho tàng của ơn gọi! Chúng ta hãy cầu nguyện để điều này sẽ tiếp tục như vậy.
Thưa Đức Tổng giám mục Trưởng Giáo chủ, xin cảm ơn vì chuyến viếng thăm huynh đệ này; tôi rất vui vì điều đó. Anh chị em thân mến, tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em và phó thác anh chị em cho Đức Trinh Nữ Maria, cho Thánh Tôma Tông đồ, cho các Thánh và các vị tử đạo của anh chị em; tôi xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn anh chị em rất nhiều!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (13. 05. 2024)
Tin tức liên quan khác
Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho tham dự viên phiên họp toàn thể của Bộ Giáo Sĩ năm 2024
Đức Thánh Cha Phanxicô sửa đổi quy chế của “Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng”
Đức Thánh Cha chúc các bạn trẻ lên đường tham dự Đại hội GTTG bình an và gặp được niềm vui
Ngày 31/05: Đức Mẹ đi viếng bà thánh Êlisabét
Thứ Năm tuần 15 Thường niên năm I – Hãy đến với Ta (Mt 11,28-30)
Ngày 29/07: Thánh nữ Martha, Maria và Ladarô (Ga 11,19-27)
Thứ Bảy tuần 34 Thường niên năm II – Cầu nguyện liên (Lc 21,34-36)
Giáo xứ Tân Thành: Thánh lễ Ban Bí tích Thêm Sức cho 263 em thiếu nhi