WHĐ (06.05.2024) – Sáng hôm mồng 02.05, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị các Thủ lãnh của Liên hiệp Anh giáo, được tổ chức tại Roma từ ngày 29.04 đến ngày 03.05.2024. Hội nghị thường được diễn ra 2 đến 3 năm một lần để các vị lãnh đạo cùng nhau suy tư về những ưu tiên và thách đố chung của Giáo hội Anh giáo trên thế giới.
Được biết, Liên hiệp Anh giáo hiện có khoảng từ 77 đến 85 triệu tín hữu thuộc 39 giáo tỉnh tự trị, được điều hành bởi các Tổng Giám mục đứng đầu mỗi giáo tỉnh. Ngoài ra, Liên hiệp có một vị chủ tịch Liên hiệp, là Giáo chủ của Anh giáo tại Anh quốc, hiện nay là Đức Tổng giám mục Justin Welby của Giáo phận Canterbury.
Trong buổi tiếp kiến, sau lời chào mừng của Đức Tổng giám mục Justin Welby, Đức Thánh Cha đã có bài đáp từ. Dưới đây là toàn văn Việt ngữ diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ CÁC THỦ LÃNH CỦA LIÊN HIỆP ANH GIÁO
Thứ Năm, ngày mồng 02 tháng 05 năm 2024
Anh chị em thân mến, bình an ở cùng anh chị em!
Tôi hân hoan chào đón anh chị em bằng những lời của Đấng Phục Sinh, những lời loan báo niềm hy vọng phát xuất từ sự Phục Sinh vốn không làm thất vọng. Đây cũng là trải nghiệm của các môn đệ khi quy tụ tại Phòng Tiệc Ly, và Chúa Giêsu đã hiện đến, cất đi nỗi sợ hãi của họ, chỉ cho họ thấy các vết thương và cạnh sườn bị đâm thâu, và đổ Thánh Thần của Người xuống trên họ (x. Ga 20,19-23).
Hôm nay cũng vậy, khi những vị lãnh đạo dân Chúa họp lại với nhau, họ có thể cảm thấy sợ hãi giống như các môn đệ, họ có thể bị cám dỗ để nản lòng, chia sẻ sự thất vọng và những kỳ vọng chưa được đáp ứng với nhau, để cho những lo lắng chi phối và không thể ngăn chặn những bất đồng ngày càng tăng. Tuy nhiên, ngay cả ngày nay, nếu chúng ta hướng ánh mắt về Đức Kitô thay vì nhìn vào chính mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng, Đấng Phục Sinh đang ở giữa chúng ta và ước muốn ban cho chúng ta sự bình an và Thánh Thần của Người.
Tôi xin cám ơn Đức Tổng giám mục Justin Welby vì những lời chào mừng đầy tình huynh đệ dành cho tôi: Đức Tổng bắt đầu phục vụ với tư cách là Tổng Giám mục Canterbury cùng thời điểm khi tôi bắt đầu là Giám mục Rôma. Kể từ đó, chúng tôi có nhiều dịp gặp gỡ, cùng nhau cầu nguyện, và làm chứng cho đức tin của chúng ta nơi Chúa. Năm nay, trong buổi cử hành Kinh Chiều nhân Lễ trọng Thánh Phaolô Trở Lại, chúng tôi đã ủy nhiệm cho một số giám mục Công giáo và Anh giáo cùng nhau thi hành tác vụ, để “cho thế giới nếm trước sự hòa giải của tất cả các Kitô hữu trong sự hiệp nhất của Giáo Hội duy nhất của Đức Kitô”[1]. Người anh em Justin thân mến, cảm ơn anh vì sự hợp tác huynh đệ này nhân danh Tin Mừng! Và tôi không quên điều tuyệt vời mà anh và phu nhân đã thực hiện trong chuyến viếng thăm Nam Sudan vừa qua.
Chúa mời gọi mỗi chúng ta trở thành người xây dựng sự hiệp nhất, và ngay cả khi chúng ta chưa hiệp nhất, thì sự hiệp thông chưa trọn vẹn của chúng ta cũng không được ngăn cản chúng ta cùng nhau bước đi. Thật vậy, “mối tương quan giữa các Kitô hữu… tiên liệu và yêu cầu ngay từ bây giờ tất cả mọi hình thức hợp tác thực tế có thể có ở mọi cấp độ: mục vụ, văn hóa và xã hội, cũng như việc làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng”[2]. Những khác biệt không làm suy giảm tầm quan trọng của những gì hiệp nhất chúng ta: Những khác biệt ấy “không thể ngăn cản chúng ta nhìn nhận nhau là anh chị em trong Đức Kitô nhờ Phép Rửa chung của chúng ta”[3]. Với tâm tình này, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với công việc của Ủy ban Quốc tế Anh giáo-Công giáo Roma trong 50 năm qua, đã nỗ lực rất nhiều để vượt thắng những trở ngại ngăn cản sự hiệp nhất, trước hết và trên hết, thừa nhận rằng “sự hiệp thông hiệp nhất chúng ta được đặt nền tảng trên đức tin vào Thiên Chúa, Cha chúng ta, vào Chúa Giêsu Kitô, và vào Chúa Thánh Thần; trên phép rửa chung của chúng ta trong Đức Kitô; trên việc chúng ta chung Kinh Thánh, Kinh Tin Kính các Tông đồ và Kinh Tin Kính Nicea; trên định tín của Công đồng Chalcedonian và giáo huấn của các Giáo phụ; và trên di sản Kitô giáo chung của chúng ta trong nhiều thế kỷ”[4].
Anh chị em thân mến, Mùa Phục Sinh đưa chúng ta trở về cội nguồn của mình qua việc đọc Sách Công vụ Tông đồ. Giữa rất nhiều trang rực rỡ về đức tin và tình huynh đệ, lòng can đảm khi đối diện với sự bách hại, niềm vui truyền bá Tin Mừng, và cởi mở với Dân ngoại, thánh tác giả không che giấu những lúc căng thẳng và hiểu lầm, thường phát sinh từ sự yếu đuối của các môn đệ, hoặc từ những cách tiếp cận khác nhau trong mối tương quan với truyền thống quá khứ. Nhưng xuyên suốt câu chuyện, người ta thấy một cách minh nhiên rằng, nhân vật chính đích thực là Chúa Thánh Thần: các Tông đồ đạt đến sự hiểu biết lẫn nhau và có được các giải pháp qua việc để cho Thánh Thần hướng dẫn. Đôi khi chúng ta quên rằng những bất đồng cũng ghi dấu ấn nơi cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, vốn là những người đã biết Chúa và gặp Người khi Người từ cõi chết sống lại. Chúng ta không được sợ những bất đồng, nhưng hãy đón nhận chúng, đồng thời dành quyền ưu tiên cho Đấng Phù trợ. Tôi rất thích cách diễn đạt trong sách Công vụ Tông đồ: “Chúa Thánh Thần và chúng tôi thấy điều đó là tốt đẹp”. Đây là một điều gì đó rất tuyệt vời. Chúng ta được mời gọi để cầu nguyện và lắng nghe nhau, cố gắng hiểu những mối quan tâm của nhau và luôn tự vấn, trước khi truy vấn người khác rằng, liệu chúng ta có ngoan nguỳ trước sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, hay là chúng ta chiều theo ý kiến cá nhân hoặc nhóm của mình. Chắc chắn, nhãn quan của Thiên Chúa sẽ không bao giờ là nhãn quan của sự bất hoà, chia rẽ, hoặc gián đoạn cuộc đối thoại. Trái lại, đường lối của Thiên Chúa dẫn chúng ta đến việc khắng khít ngày càng nồng nàn hơn với Chúa Giêsu, bởi vì chỉ trong sự hiệp thông với Người, chúng ta mới tìm thấy sự hiệp thông trọn vẹn với nhau.
Thế giới bị thương tích ngày nay cần sự xuất hiện của Chúa Giêsu! Thế giới cần phải biết Đức Kitô! Một số trong anh chị em đến từ những vùng mà chiến tranh, bạo lực và bất công là lương thực hàng ngày của các tín hữu, dù thế, ngay cả ở những quốc gia được cho là giàu có và hòa bình, cũng không thiếu đau khổ, nghèo đói cùng cực. Vậy thì, thông điệp mà chúng ta đưa ra để đáp ứng thực tại này là gì nếu không phải là Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ? Sứ mạng của chúng ta là làm cho Người được biết đến. Tiếp nối lời của Thánh Phêrô nói với người què ở cửa Đền thờ, điều chúng ta phải cống hiến trong thời điểm hỗn loạn và thiếu thốn này không phải là vàng bạc, mà là Đức Kitô và tin mừng đầy ngạc nhiên về Vương quốc của Người (x. Cv 3,6).
Kính thưa quý Thủ lãnh của Liên hiệp Anh giáo, cảm ơn quý vị đã chọn cuộc họp mặt năm nay tại Kinh thành của hai Tông đồ Phêrô và Phaolô. Đây thực là một món quà để tôi cảm thấy gần gũi với các cộng đồng mà quý vị đại diện. Tôi biết rằng vai trò của Giám mục Rôma vẫn là một vấn đề gây tranh cãi và chia rẽ giữa các Kitô hữu. Thế nhưng, theo cách diễn đạt tuyệt vời của Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả, người đã cử Thánh Augustinô với tư cách là thừa sai tới Anh quốc, thì Giám mục Rôma là servus servorum Dei – tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa-. Ngoài ra, như lời của Đức Gioan Phaolô II, “định nghĩa này là biện pháp bảo vệ tốt nhất khỏi nguy cơ chia rẽ quyền lực (và đặc biệt là quyền tối thượng) khỏi thừa tác vụ. Sự chia rẽ như thế sẽ mâu thuẫn với chính ý nghĩa của quyền lực theo Tin Mừng: ‘Thầy ở giữa anh em như một người phục vụ’ (Lc 22,27)”[5]. Do đó, cần phải tham gia vào “một cuộc đối thoại kiên nhẫn và huynh đệ về chủ đề này, một cuộc đối thoại mà trong đó, bỏ lại đằng sau những tranh cãi vô ích”[6], cố gắng hiểu thừa tác vụ Phêrô có thể phát triển như một việc phục vụ tình yêu dành cho tất cả mọi người như thế nào. Tạ ơn Thiên Chúa, những kết quả tích cực đã đạt được trong các cuộc đối thoại đại kết khác nhau về vấn đề quyền tối thượng như một “món quà cần được chia sẻ”[7].
Như quý vị đã biết, Giáo hội Công giáo đang tham gia vào một lộ trình hiệp hành. Tôi vui mừng vì có rất nhiều đại biểu huynh đệ, trong đó có một giám mục của Hiệp hội Anh giáo, đã tham gia khoá họp đầu tiên của Đại hội Thượng Hội đồng được tổ chức vào năm ngoái, và tôi mong muốn có sự tham gia đại kết hơn nữa vào khoá họp sẽ được tổ chức vào mùa thu này. Tôi cầu xin rằng một nhận thức rõ hơn về vai trò của Giám mục Rôma sẽ là một trong những hoa trái của Thượng Hội đồng. Báo cáo Tổng hợp vào cuối khoá họp đầu tiên đã yêu cầu nghiên cứu sâu hơn về mối tương quan giữa tính hiệp hành và quyền tối thượng ở các cấp độ khác nhau, địa phương, khu vực và phổ quát[8]. Công trình mới đây của Ủy ban Quốc tế Anh giáo-Công giáo Roma có thể chứng tỏ là một nguồn tài liệu hữu ích theo nghĩa này[9].
Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, bước đi và làm việc với lòng tin tưởng và hy vọng. Tuyên bố chung năm 2016 nêu rõ: “Mặc dù, giống như những vị tiền nhiệm, chính chúng tôi vẫn chưa thấy có giải pháp nào cho những trở ngại trước mắt nhưng chúng tôi không nao núng. Với niềm tin tưởng và hân hoan trong Chúa Thánh Thần, chúng tôi tin rằng sự đối thoại và cam kết hỗ tương sẽ đào sâu sự hiểu biết và giúp chúng ta phân định ý muốn của Đức Kitô đối với Giáo hội của Người. Chúng ta tin tưởng vào ân sủng và sự quan phòng của Thiên Chúa, vì biết rằng Chúa Thánh Thần sẽ mở ra những cánh cửa mới và dẫn chúng ta vào chân lý trọn vẹn”[10]. Sẽ là một cớ vấp phạm nếu vì sự chia rẽ mà chúng ta không chu toàn ơn gọi chung của mình là làm cho Đức Kitô được biết đến. Trái lại, nếu vượt lên trên nhãn quan riêng của mình, chúng ta có thể làm chứng cho Đức Kitô bằng sự khiêm tốn và tình yêu thương, Người sẽ là Đấng đưa chúng ta xích lại gần nhau hơn. Tôi xin nhắc lại: “Chỉ có tình yêu trở thành sự phục vụ vô vị lợi, chỉ có tình yêu mà Chúa Giêsu đã dạy và thể hiện, mới đưa các Kitô hữu ly tán đến gần nhau hơn. Chỉ có tình yêu đó, một tình yêu vốn không viện đến quá khứ để xa cách hoặc chỉ tay, chỉ có tình yêu mà nhân danh Thiên Chúa, đặt anh chị em của chúng ta lên trước sự phòng thủ cứng rắn của các cơ cấu tôn giáo của chính mình, chỉ có tình yêu này mới hiệp nhất chúng ta. Trước hết là anh chị em của chúng ta, sau đó là các cơ cấu”[11]. Thưa anh chị em, một lần nữa, xin cám ơn anh chị em vì chuyến viếng thăm này, một chuyến viếng thăm giúp chúng ta lớn lên trong tình hiệp thông. Bây giờ tôi rất vui được lắng nghe những gì anh chị em muốn chia sẻ với tôi, và cùng cầu nguyện với anh chị em.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (02. 05. 2024)
[1] Commissioning of Bishops for the International Anglican-Roman Catholic Commission for Unity and Mission, ngày 25.01.2024 (x. Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio, 24).
[2] Thánh Gioan Phaolo II, Thông điệp Ut Unum Sint, 40, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-ut-unum-sint-de-tat-ca-nen-mot-ve-viec-dan-than-dai-ket-54300
[3] Tuyên bố chung của Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Tổng Giám mục Justin Welby, ngày mồng 05.10.2016.
[4] ARCIC II, The Church as Communion, 50.
[5] Thánh Gioan Phaolo II, Thông điệp Ut Unum Sint, 50, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-ut-unum-sint-de-tat-ca-nen-mot-ve-viec-dan-than-dai-ket-54300
[6] sđd., 96.
[7] ARCIC II, The Gift of Authority, 60.
[8] X. Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, Một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ, Báo cáo tổng hợp, Phần I.7.h.
[9] X. ARCIC III, Walking Together on the Way.
[10] Tuyên bố chung của Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Tổng Giám mục Justin Welby, ngày mồng 05.10.2016.
[11] Bài giảng Kinh chiều II, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại, ngày 25.01.2024.
Tin tức liên quan khác
Hành trình Mục vụ Mùa Chay của Đức cha Louis tại Giáo xứ Kim Cương
Các Giám Mục Pháp quan tâm đến cuộc cách mạng kỹ thuật số
Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: Suy tư về sự chết
Con đang tìm gì?
Mình Máu thánh Chúa Giêsu theo thánh Gioan
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ IV năm 2024
Giáo xứ Tiếp Võ: Hồng Ân Đón Nhận ơn Thánh Thần Trong Thánh Lễ Khai Mạc Tuần Chầu
ĐTC gặp gỡ 100 thành viên Phong trào Focolare – Tổ Ấm