WHĐ (22.06.2024) – Hôm thứ Năm, ngày 20.06, Đức Thánh Cha đã dành cho các tham dự viên Hội nghị Lemaître của Đài thiên văn Vatican buổi tiếp kiến riêng. Nhằm vinh danh vị linh mục và nhà thiên văn học người Bỉ, George Lemaître, Hội nghị lần thứ II với chủ đề “Lỗ đen, Sóng hấp dẫn và Điểm kỳ dị Không gian-Thời gian” diễn ra tại Castel Gandolfo từ ngày 16-21.06, quy tụ khoảng 40 nhà nghiên cứu, trong đó có hai người đoạt giải Nobel. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ LEMAÎTRE CỦA ĐÀI THIÊN VĂN VATICAN
Dinh Tông toà
Thứ Năm, ngày 20 tháng 06 năm 2024
Thưa quý vị, xin chào anh chị em!
Tôi xin chào Đức Hồng y Vérgez và Sơ Tổng Thư Ký. Bây giờ phụ nữ đang bắt đầu nắm quyền ở đây!
Tôi nồng nhiệt chào đón và cảm ơn anh chị em vì chuyến viếng thăm thú vị này. Đặc biệt, tôi bày tỏ lòng biết ơn đến Thầy Guy Consolmagno và các thành viên khác của cộng đoàn Đài Thiên văn Vatican trong việc thúc đẩy sáng kiến này.
Anh chị em đang quy tụ tại Castel Gandolfo để dự Hội nghị về “Lỗ đen, Sóng hấp dẫn và Điểm kỳ dị Không gian-Thời gian” (Black Holes, Gravitational Waves and Space-Time Singularities) được tổ chức để vinh danh Đức ông Georges Lemaître. Trong bảy năm sau Hội nghị lần thứ I, những đóng góp mang tính khoa học của vị linh mục và nhà vũ trụ học người Bỉ đã được Liên minh Thiên văn Quốc tế công nhận, họ đã quyết định rằng định luật Hubble nổi tiếng nên được gọi cách chính xác hơn là định luật Hubble-Lemaître.
Trong những ngày này, anh chị em thảo luận về những câu hỏi mới nhất do nghiên cứu khoa học về vũ trụ học đặt ra: các kết quả khác nhau thu được trong phép đo hằng số Hubble, bản chất bí ẩn của một số điểm kỳ dị vũ trụ học (từ Vụ nổ lớn [Big Bang] đến Lỗ đen) và vấn đề rất thời sự về sóng hấp dẫn.
Giáo hội lưu tâm và khuyến khích những nghiên cứu như vậy, bởi vì những nghiên cứu này thúc đẩy sự quan tâm và tư duy của mọi người nam nữ trong thế giới ngày nay. Sự khởi đầu của vũ trụ, sự tiến hóa cuối cùng của vũ trụ và cấu trúc sâu xa của không gian và thời gian, đặt ra một số vấn nạn nghiêm túc về ý nghĩa của cuộc sống. Điều này cũng mở ra trước mắt chúng ta một viễn cảnh rộng lớn mà trong đó chúng ta rất dễ có nguy cơ bị lạc lối. Với cảm thức này, chúng ta thấy lời cảm thán của tác giả Thánh Vịnh thật xác đáng: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên” (Tv 8,4-7). Chúng ta cũng không thể không đánh giá cao tầm quan trọng của những vấn đề này đối với thần học, triết học, khoa học và đời sống tâm linh.
Georges Lemaître là một linh mục và nhà khoa học gương mẫu. Cuộc hành trình nhân bản và tâm linh của ngài tiêu biểu cho một mô hình cuộc sống mà tất cả chúng ta đều có thể học hỏi.
Để thực hiện mong muốn của cha mình, Lemaître trước hết theo học ngành kỹ thuật. Anh phục vụ trong Thế chiến thứ nhất và tận mắt chứng kiến sự khủng khiếp của cuộc chiến này. Sau đó, anh theo đuổi ơn gọi linh mục và ngành khoa học. Thoạt đầu, cha Lemaître có khuynh hướng theo “thuyết tương hợp” (concordism), có nghĩa là cha tin rằng các chân lý khoa học được lưu giữ trong Kinh thánh. Nhưng sau đó, với những trải nghiệm sâu sắc hơn và sự trưởng thành về tâm linh đã giúp cha nhận ra rằng khoa học và đức tin là hai lộ trình riêng biệt và song song, giữa chúng không có xung đột. Thật vậy, hai lộ trình này có thể bổ sung cho nhau, vì đối với tín hữu, cả khoa học và đức tin đều có cùng một nền tảng trong Chân lý tuyệt đối của Thiên Chúa. Hành trình đức tin đã đưa cha Lemaître đến nhận thức rằng “sự sáng tạo” và “vụ nổ lớn” là hai thực tại khác nhau, và rằng Thiên Chúa mà cha tin tưởng không thể là một đối tượng dễ dàng bị lý trí con người phân loại, mà là một “vị Thiên Chúa ẩn mình“, Đấng luôn ở trong một chiều kích mầu nhiệm, và lý trí của con người không bao giờ có thể hiểu thấu được.
Các bạn thân mến, tôi mời gọi các bạn tiếp tục nghiên cứu những chủ đề quan trọng mà các bạn hiện đang thảo luận với sự chân thành và khiêm tốn. Chớ gì sự tự do và việc ra khỏi môi trường sống hằng ngày mà các bạn trải nghiệm trong Hội nghị này giúp các bạn tiến triển trong các lĩnh vực khác nhau của mình hướng tới Sự thật, vốn chắc chắn phản ánh tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Đức tin và khoa học có thể được hiệp nhất trong đức ái, nếu khoa học được dùng để phục vụ mọi người nam nữ trong thời đại chúng ta chứ không bị lạm dụng để làm gây tổn hại hoặc thậm chí huỷ diệt họ. Vì vậy, tôi khuyến khích các bạn hãy tiến tới những giới hạn xa hơn của kiến thức nhân loại. Để ở đó, chúng ta có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa tình yêu, Đấng đáp ứng những khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn con người.
Tôi ưu ái ban phép lành cho các bạn và công việc của các bạn. Xin các bạn cũng nhớ cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (20. 06. 2024)
Tin tức liên quan khác
“Work with Us”: Trang web để xin việc tại Vatican
Thứ Tư tuần 17 Thường niên năm I – Nước Trời quý giá hơn tất cả (Mt 13,44-46)
Thập Giá và Phục Sinh trong đời sống hằng ngày
Đức Thánh Cha: Mỗi người là hồng ân quý giá của Chúa
Diễn từ của Đức Thánh Cha dành cho thành viên Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử năm 2024
Cùng Thuộc Về Một Gia Đình Dân Chúa – Ơn Gọi Thánh Hiến Hiệp Hành Với Phẩm Trật Giáo Hội
ĐTC gặp gỡ 100 thành viên Phong trào Focolare – Tổ Ấm
Ngày 29/06: Thánh Phêrô và thánh Phaolô, Tông đồ (Mt 16,13-19)