Đức Thánh Cha khuyên các tín hữu nên cầu nguyện liên tục để tình yêu dành cho Chúa không bị nguội lạnh. Cần phải dành thời gian cho Ngài mỗi ngày, và nếu rất bận rộn, chúng ta có thể gần gũi với Chúa bằng những lời cầu nguyện ngắn truyền thống, thường có vần điệu, đặc biệt được đọc bởi những người cao tuổi và dễ thuộc, có thể được lặp lại thường xuyên trong ngày.
Vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 16/10/2022, như thường lệ, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô.
Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với các tín hữu một vài điểm trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường niên năm C. Ngài mời gọi các tín hữu chú trọng đến những điều quan trọng nhất: kính mến Chúa và yêu thương tha nhân, và cầu nguyện không ngừng, bằng những lời nguyện ngắn, để đức tin chúng ta được vững mạnh khi luôn kết hiệp với Chúa.
Bài huấn dụ
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay kết thúc bằng một câu hỏi đầy lo lắng của Chúa Giêsu: “Khi Con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?” (Lc 18,8). Như thể Chúa muốn nói: khi Ta đi đến cuối lịch sử – hay chúng ta có thể nghĩ, ngay cả bây giờ, trong thời điểm này của cuộc đời – Ta sẽ tìm thấy một chút niềm tin nơi các ngươi, trong thế giới của các người không?”
Đâu là ưu tiên của tôi?
Đây là một câu hỏi nghiêm túc. Chúng ta hãy tưởng tượng rằng Chúa đến thế gian hôm nay. Thật không may, Người sẽ thấy rất nhiều cuộc chiến tranh, đói nghèo và bất bình đẳng. Đồng thời, Người có thể sẽ thấy những thành tựu công nghệ vĩ đại, những phương tiện hiện đại và những con người chạy không ngừng nghỉ. Nhưng liệu Người có tìm được những người dành thời gian và tình cảm cho Người, những người đặt Người ở vị trí đầu tiên không? Trên hết, chúng ta hãy tự hỏi: “Người sẽ tìm thấy gì nơi tôi, trong cuộc đời tôi, trong trái tim tôi? Người sẽ thấy những ưu tiên nào?”
Cầu nguyện là liều thuốc của đức tin, phục hồi tâm hồn
Chúng ta thường tập trung vào nhiều việc cấp bách nhưng không cần thiết, chúng ta bận rộn và lo lắng về nhiều thực tại thứ yếu; và có lẽ chúng ta không nhận ra điều đó và chúng ta bỏ mặc những gì quan trọng nhất và để tình yêu của chúng ta dành cho Chúa trở nên nguội lạnh dần dần. Hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta phương thuốc để hâm nóng lại đức tin nửa nóng nửa lạnh. Đó là điều gì? Là cầu nguyện. Đúng vậy, cầu nguyện là liều thuốc của đức tin, là liều thuốc bổ cho tâm hồn. Tuy nhiên, đó phải là việc cầu nguyện liên lỉ.
Cầu nguyện liên lỉ
Nếu chúng ta phải theo một trị liệu chữa bệnh để khoẻ hơn, điều quan trọng là phải theo sát kế hoạch trị liệu, uống thuốc đúng cách và đúng thời gian, kiên trì và đều đặn. Trong cuộc sống mọi thứ đều cần có điều này. Hãy nghĩ về một loại cây mà chúng ta trồng trong nhà: chúng ta phải chăm bón nó liên tục, chúng ta không thể ngâm nó trong nước và sau đó không tưới nước cho nó suốt cả tuần! Còn hơn thế nữa đối với việc cầu nguyện. Chúng ta không thể chỉ sống dựa vào những khoảnh khắc mạnh mẽ hoặc những cuộc gặp gỡ mật thiết thỉnh thoảng và sau đó “đi vào giấc ngủ đông”. Niềm tin của chúng ta sẽ khô héo. Chúng ta cần nước hàng ngày của việc cầu nguyện, của thời gian được dành riêng cho Thiên Chúa, để Người có thể bước vào thời gian của chúng ta; của những khoảnh khắc kiên trì trong đó chúng ta mở rộng trái tim mình với Người, để Người có thể mỗi ngày đổ tràn tâm hồn chúng ta tình yêu, bình an, niềm vui, sức mạnh, hy vọng và như thế Người nuôi dưỡng đức tin của chúng ta.
Lời cầu nguyện ngắn
Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với các môn đệ – với tất cả mọi người, không chỉ với một số người! – “rằng họ phải luôn luôn cầu nguyện và không nản lòng” (câu 1). Có ai đó có thể phản đối: “Làm thế nào tôi có thể làm điều đó? Tôi không sống trong tu viện. Tôi không có nhiều thời gian để cầu nguyện!” Một cách thực hành tu đức khôn ngoan mà những người già, đặc biệt là ông bà của chúng ta, biết rõ, có thể giúp chúng ta; cách thế này ngày nay hơi bị lãng quên. Đây là những điều được gọi là “những lời nguyện ngắn”. Tên của chúng thì hơi lỗi thời, nhưng về căn bản thì rất tốt. Những điều này có nghĩa là gì? Đó là những lời cầu nguyện rất ngắn, dễ ghi nhớ, có thể được lặp đi lặp lại thường xuyên trong ngày, trong quá trình thực hiện các hoạt động khác nhau, để luôn “hòa hợp” với Chúa.
Câu trả lời của Chúa trong Phúc Âm
Hãy lấy một ví dụ. Ngay khi thức dậy, chúng ta có thể nói: “Lạy Chúa, con cảm ơn và con xin dâng ngày này cho Chúa”. Đây là một lời nguyện ngắn. Sau đó, trước khi bắt đầu làm việc, chúng ta có thể lặp lại, “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”. Giữa việc này và việc khác, chúng ta có thể cầu nguyện thế này: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa và con yêu mến Chúa”. Những lời nguyện ngắn nhưng giúp chúng ta tương tác với Chúa. Bao nhiêu lần chúng ta gửi tin nhắn đến những người chúng ta yêu thương! Chúng ta cũng hãy làm điều này với Chúa để trái tim của chúng ta vẫn kết nối với Người. Và đừng quên đọc phản hồi của Người. Chúa luôn luôn trả lời. Chúng ta thấy câu trả lời của Người ở đâu? Trong sách Tin Mừng mà chúng ta cần luôn luôn có trong tầm tay và cần được mở ra mỗi ngày, để nhận được một Lời sự sống hướng đến chúng ta.
Và chúng ta hãy quay lại lời khuyên mà tôi đã nói với anh chị em rất nhiều lần: hãy mang theo một cuốn Phúc Âm nhỏ trong túi của anh chị em, trong túi xách của anh chị em, và như thế khi anh chị em có một phút, hãy mở ra và đọc một điều gì đó, và Chúa sẽ trả lời.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, người trung thành lắng nghe, dạy chúng ta nghệ thuật cầu nguyện luôn luôn và không mệt mỏi.
Nguồn: vaticannews.va
Tin tức liên quan khác
Hiệp Hành: Cùng đi với Chúa Kitô – Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Thứ Tư tuần 30 Thường niên năm II – Hãy qua cửa hẹp (Lc 13,22-30)
“Hoa Nở Mùa Chay”
Tiếng nấc trong tấc dạ
Thứ Hai tuần 15 Thường niên năm II – Chúa sẽ đền bù (Mt 10,34-11,1)
Lặng
Chống lại chủ nghĩa đắc thắng và tinh thần thế tục – Kỳ 3: Phương thuốc giải độc
Thứ Sáu tuần 8 Thường niên năm I – Phải sinh hoa trái việc lành (Mc 11,11-26)