WHĐ (22/12/2024) – Trong bài viết ‘Đức Giê-su Ki-tô: Đường Hiện Diện’, chúng ta cùng nhau tìm hiểu năm hình thức hiện diện căn bản của Người: (1) Đức Giê-su Hằng Hữu; (2) Đức Giê-su Hiệp Nhất; (3) Đức Giê-su Hội Thánh (Giáo Hội); (4) Đức Giê-su Huyền Nhiệm; (5) Đức Giê-su Hiển Trị (Quang Lâm).
Dẫn Nhập
Thiên Chúa là Đấng tự hữu, là Nguồn Gốc và Cùng Đích của muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Tác giả Thánh Vịnh 102 viết: “Ngài là Đấng vạn đại trường tồn… Chúa đã đặt nền trái đất… Ngài tạo tác vòm trời… Chúng tiêu tan, Chúa còn hoài… chính Ngài tiền hậu y nguyên; tháng năm Ngài vẫn triền miên” (Tv 102,25-28). Những thuộc tính của Thiên Chúa thật phong phú, chẳng hạn như Người là ‘Đấng thiêng liêng, vô thủy, vô chung, phép tắc vô cùng, thông minh vô cùng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi’. Quả thực, không có thuộc tính đặc thù nào cũng như không có hình thức tổng hợp thuộc tính nào theo tư tưởng hay ngôn ngữ của loài người có thể diễn tả Thiên Chúa cách đầy đủ. Chẳng hạn, chúng ta nói ‘Thiên Chúa là tình yêu’ nhưng tình yêu của Thiên Chúa siêu việt mọi kinh nghiệm cũng như cảm quan của con người.
Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa sáng tạo con người trong tình trạng tốt lành, thánh thiện và công chính nhưng con người đã phạm tội và hậu quả là con người sống trong tình trạng tối tăm lầm lạc. Tự thân, con người không thể giải thoát mình khỏi tình trạng đó. Tuy nhiên, Thiên Chúa hằng yêu thương con người. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa đã đến với gia đình nhân loại. Trong hành trình trần thế, Người đã loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa và thực thi những dấu chỉ hay phép lạ (chữa bệnh, trừ quỷ, hồi sinh kẻ chết, thiết lập Nhóm Mười Hai, công bố những tiêu chuẩn luân lý mới) để minh chứng rằng sự hiện diện và hoạt động của Người là sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa. Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết, phục sinh, lên trời để ban ơn cứu độ cho con người và biến đổi muôn vật muôn loài. Đặc biệt, Người luôn hiện diện giữa gia đình nhân loại cho đến tận thế trong Bí Tích Thánh Thể. Hơn nữa, Người sẽ hiện diện trong thời cánh chung khi Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài.
Trong bài viết ‘Đức Giê-su Ki-tô: Đường Hiện Diện’, chúng ta cùng nhau tìm hiểu năm hình thức hiện diện căn bản của Người: (1) Đức Giê-su Hằng Hữu: Người là Con Thiên Chúa được sinh ra từ trước muôn đời và là Thiên Chúa, đồng thời, là Khởi Nguyên của muôn vật hữu hình và vô hình; (2) Đức Giê-su Hiệp Nhất: Người nhập thể, sống thân phận con người, giống con người mọi sự, ngoại trừ tội lỗi; (3) Đức Giê-su Hội Thánh (Giáo Hội): Người thiết lập Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người giữa gia đình nhân loại; (4) Đức Giê-su Huyền Nhiệm: Người thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ai thông dự vào Mình và Máu Người thì được sống muôn đời; (5) Đức Giê-su Hiển Trị (Quang Lâm): Người đến trần gian trong thời cánh chung để phán xét kẻ sống và kẻ chết cũng như biến đổi muôn vật muôn loài.
Khái Niệm Hiện Diện 1. Đức Giê-su Hằng Hữu 2. Đức Giê-su Hiệp Nhất 3. Đức Giê-su Hội Thánh 4. Đức Giê-su Huyền Nhiệm 5. Đức Giê-su Hiển Trị Kết Luận |
Khái Niệm Hiện Diện
Hiện diện nghĩa là gì? Theo cách hiểu thông thường nhất, hiện diện nghĩa là ‘có mặt’, chẳng hạn như sự có mặt của các thành viên trong gia đình, sự có mặt của bà con lối xóm hay sự có mặt của các học sinh trong lớp học. Tuy nhiên, trong thực tế, không ai có thể đưa ra định nghĩa bao quát và ngắn gọn cho khái niệm ‘hiện diện’. Quả thực, ‘hiện diện’ là khái niệm liên quan đến các thực thể hữu hình và vô hình. Chúng ta có thể liệt kê vô vàn hình thức hiện diện khác nhau, chẳng hạn như hiện diện phổ quát (universal presence), hiện diện hiện sinh (existential presence), hiện diện trực quan (intuitive presence), hiện diện lịch sử (historical presence), hiện diện đồng cảm (empathetic presence), hiện diện bạn bè (peer presence), hiện diện nhận thức (cognitive presence), hiện diện trải nghiệm (experiential presence), hiện diện tự chủ (autonomous presence), hiện diện toàn cầu (global presence), hiện diện vũ trụ (cosmic presence), hiện diện vật lý (physical presence), hiện diện ảo (virtual presence), hiện diện trung gian (mediated presence), hiện diện đồng thời (co-presence). Đặc biệt, có vô số hình thức hiện diện được đề cập liên quan đến tôn giáo, chẳng hạn như hiện diện tâm linh (spiritual presence), hiện diện bí tích (sacramental presence), hiện diện huyền bí (mystical presence), hiện diện bản thể (ontological presence), hiện diện thực sự (real presence), hiện diện đích thực (authentic presence).
Một trong những hình thức hiện diện đáng để chúng ta quan tâm nhất là sự hiện diện của Thiên Chúa (divine presence) trong vũ trụ bởi vì Người vừa là Đấng Sáng Tạo, vừa là Đấng đồng hành, chăm sóc, nâng đỡ cũng như can thiệp vào lịch sử của con người và muôn vật muôn loài. Dưới nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo, Thiên Chúa hiện diện mọi nơi mọi lúc trong toàn thể công trình tay Người tác tạo cũng như trong mỗi thực thể hay từng phần của công trình này. Nói cách khác, Thiên Chúa hiện diện cách sung mãn trong thế giới vĩ mô cũng như trong thế giới vi mô mà cảm quan con người có thể hay không thể tiếp cận. Tuy nhiên, người trần mắt thịt không thể nhìn thấy Thiên Chúa, không thể định vị ‘nơi chốn’ của Người. Quả thực, Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi nhưng không bị giam hãm hay lệ thuộc vào bất cứ nơi nào. Chúng ta không thể nói rằng có ‘nơi nào đó’ lại không có sự hiện diện của Thiên Chúa, bởi vì ‘không có Thiên Chúa thì chẳng có chi vững bền, chẳng có chi thánh thiện’.
Tác giả Thánh Vịnh 139 diễn tả sự hiện diện huyền diệu của Thiên Chúa như sau: “Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139,5) hay: “Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con” (Tv 139,7-10). Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt trong những hoàn cảnh mà con người xem như ‘vắng bóng Người’, chẳng hạn như Thiên Chúa hiện diện trong các hình thức đau khổ hay trong muôn hình muôn vẻ tăm tối của phận người. Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Tông Huấn ‘Hãy Vui Mừng và Hoan Hỉ’ (Gaudete et Exsultate, 2018) rằng: “Ngay cả khi đời sống của ai đó có vẻ hoàn toàn hư hỏng, ngay cả khi chúng ta thấy nó bị hủy hoại bởi những đồi bại hay nghiện ngập, thì Thiên Chúa vẫn hiện diện ở đó” (Gaudete et Exsultate 42).
Sách Xuất Hành cho chúng ta biết Mô-sê diện kiến Thiên Chúa và hỏi: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” (Xh 3,13). Thiên Chúa trả lời: “Ta là Đấng hiện hữu [אֶֽהְיֶ֑ה אֲשֶׁ֣ר אֶֽהְיֶ֖ה/ ἐγώ εἰμι/ ego sum qui sum/ I am who I am]… Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: Đấng hiện hữu sai tôi đến với anh em” (Xh 3,14). Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, Tên hay Danh ở đây có hình thức động từ dạng ‘qal’ thời ‘vị hoàn/ imperfect’ của động từ ‘היה/ thì, là, ở’, dạng này gợi lên hành động tiếp diễn, không có kết thúc. Chính vì thế, Danh được mạc khải này mang nhiều nghĩa khác nhau, chẳng hạn như: ‘Ta Là Đấng Ta Là’; ‘Ta Là Ta’, ‘Ta Là Đấng Luôn Luôn Là’, ‘Ta Là Đấng Hiện Hữu’. Danh này diễn tả: Thiên Chúa là hữu thể thực sự và sự hiện hữu của Người là sự hiện hữu chủ động, thường hằng bất biến. Như vậy, câu trả lời của Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa luôn tồn tại, luôn hiện diện, luôn tiếp diễn. Như đề cập ở trên, Thiên Chúa không lệ thuộc không gian, thời gian và những gì trong không gian, thời gian. Bởi vì, Người sáng tạo không gian, thời gian và những gì trong không gian, thời gian. Thực ra, ý niệm không gian, thời gian cũng rất trừu tượng và không ai có thể hiểu biết tường tận. Chẳng hạn, khi đề cập ‘thời gian’, thánh Au-gút-ti-nô (354-430) viết rằng nếu không ai hỏi thì ngài còn biết thời gian là gì, còn nếu giải thích thời gian thì ngài ‘không biết’ (Augustine, Confessions XI, 14).
Theo thánh Au-gút-ti-nô, Thiên Chúa không bao giờ bị ‘bó buộc’ trong không gian hay thời gian như con người cũng như vô số thụ tạo khác. Thánh nhân mời gọi mọi người: “Chúng ta đừng cố gắng đưa Thiên Chúa vào một nơi nào đó, chúng ta đừng cố gắng giam giữ Thiên Chúa tại một nơi nào đó, chúng ta đừng cố gắng ‘khuếch tán’ Thiên Chúa trong không gian như một dung lượng nào đó; chúng ta đừng làm điều đó, đừng nghĩ đến điều đó” (Augustine, Sermon 277, 14). Thánh nhân chia sẻ kinh nghiệm rằng Thiên Chúa hiện diện nơi thánh nhân cụ thể, thâm sâu và cao cả hơn thánh nhân hiện diện với chính mình; Thiên Chúa gần với thánh nhân hơn thánh nhân với chính mình. Trong tác phẩm Tự Thuật (Confessions), thánh Au-gút-ti-nô thân thưa cùng Thiên Chúa: “Ngài sâu thẳm hơn những gì sâu thẳm nhất của con và cao cả hơn những gì cao cả nhất của con” (Augustine, Confessions III, 6.11). Tương tự như thế, thánh nhân thầm thĩ cùng Thiên Chúa: “Ngài ở trong con nhưng con ở bên ngoài và con tìm Ngài ở đó… Ngài ở với con nhưng con không ở với Ngài” (Augustine, Confessions X, 27.38).
Thánh Au-gút-ti-nô cho rằng con người có thể hiểu biết Thiên Chúa hơn là diễn đạt bằng lời nói và Thiên Chúa chân thật hơn là những gì con người có thể hiểu biết (Augustine, On The Trinity, VII, 4.7). Cũng theo thánh nhân, Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nhưng Người siêu việt tất cả; Người không thiếu thốn thứ gì nhưng sáng tạo tất cả; Người duy trì vạn vật nhưng Người không lệ thuộc vào chúng; Người biến đổi vạn vật nhưng chính Người không biến đổi; Người vĩ đại nhưng không phải vĩ đại về trường độ hay số lượng. Đặc biệt, thánh nhân khẳng định rằng dễ dàng để nói ‘Thiên Chúa không là’ hơn nói ‘Thiên Chúa là’ (Augustine, On The Trinity V, 1.2). Điều này có nghĩa rằng muôn vàn thuộc tính sau động từ ‘là’ (εἶναι, esse, to be, être) cũng không thể cho phép con người hiểu biết đầy đủ về Thiên Chúa. Chẳng hạn, khi chúng ta nói Thiên Chúa là Đấng ‘thiêng liêng, vô thủy vô chung, phép tắc vô cùng’, chúng ta cũng chỉ hiểu những thuộc tính đó theo khả năng nhận thức hạn hẹp của mình. Nói cách khác, những thuộc tính theo ngôn ngữ hay biểu tượng của loài người không thể diễn tả Thiên Chúa cách trọn vẹn.
Theo thánh Tô-ma A-qui-nô (1225-1274), Thiên Chúa ở khắp mọi nơi theo yếu tính, sự hiện diện và quyền năng của Người (Thomas Aquinas, Summa Theologiae I, q.8, a.3). Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài và không ngừng biến đổi chúng. Diễn từ của thánh Phao-lô trước Hội đồng A-rê-ô-pa-gô (ở A-thê-na) có đoạn: “Chính ở nơi Người [Thiên Chúa] mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người” (Cv 17,28). Điều này có nghĩa rằng sự hiện diện của Thiên Chúa và sự nâng đỡ của Người đối với con người cũng như vạn vật không thể tách rời nhau. Vì Thiên Chúa là Nguồn Gốc của tất cả và yêu thương tất cả những gì Người tác tạo. Hơn nữa, Người không chỉ hiện diện mà còn chăm sóc, gìn giữ và biến đổi muôn vật muôn loài như lời của tác giả Thánh Vịnh 145: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê” (Tv 145,15-16). Nói cách khác, Thiên Chúa luôn hiện diện nơi mọi thực thể do Người sáng tạo, chăm sóc, gìn giữ, bảo toàn và định hướng tới thời viên mãn trong Con Yêu Dấu của Người là Đức Giê-su, Đấng hằng hữu đã được loan báo trong Cựu Ước: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5,1).
1. Đức Giê-su Hằng Hữu
Thiên Chúa của mặc khải Ki-tô Giáo là Thiên Chúa duy nhất và là Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Theo Toát Yếu Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo: ”Ba Ngôi vị thần linh không thể tách rời nhau trong cùng một bản thể duy nhất, thì cũng không thể tách rời trong các hoạt động của mình. Ba Ngôi có cùng một hoạt động duy nhất. Tuy nhiên, trong hoạt động thần linh duy nhất này, mỗi Ngôi vị hiện diện theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi” (TYGLGHCG 49). Thông thường, chúng ta nói rằng Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu độ và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rằng Ba Ngôi Thiên Chúa thông hiệp với nhau cách trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu cũng như trong chương trình đối với muôn vật muôn loài.
Đức Giê-su hằng hữu có nghĩa rằng Người là Con của Chúa Cha, đồng bản thể (ὁμοούσιος/ homoousios) với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Thật khó để tìm kiếm trong thế giới thụ tạo hình ảnh phù hợp để diễn tả môi trường vĩnh cửu hay trạng thái vĩnh cửu của Đức Giê-su cũng như của Thiên Chúa. Khi chúng ta nói rằng ‘môi trường Thiên Chúa’ là vô biên không có nghĩa rằng vô biên theo nghĩa không gian thuộc thế giới thụ tạo. Quả thực, cho đến nay, không ai có thể minh chứng không gian của vũ trụ ‘có biên’ hay ‘không biên’. Điều quan trọng mà chúng ta cần nhận thức (theo mặc khải Ki-tô Giáo) là cho dù không gian của vũ trụ có ‘vô biên’ cũng không thể so sánh với ‘môi trường Thiên Chúa’ cũng như phúc lành mà thánh Phao-lô khẳng định: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).
Câu đầu tiên trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Điều này có nghĩa rằng Đức Giê-su là Ngôi Lời của Thiên Chúa ‘đã hiện diện’ trước ‘khởi đầu’ của thế giới thụ tạo, của không gian, thời gian và những gì trong không gian, thời gian hay những gì được Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô (ex nihilo/ nothingness). Ngôi Lời là Nguyên Ủy của vạn vật: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3). Tương tự như trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,2). Điều này có nghĩa rằng mọi sự bắt nguồn từ Đức Giê-su, Con Thiên Chúa hằng hữu, hằng sống và chân thật.
Là Thiên Chúa hằng hữu, Đức Giê-su hiện diện nơi muôn vật muôn loài và muôn vật muôn loài tồn tại trong Người. Tuy nhiên, khi nói muôn vật muôn loài tồn tại trong Đức Giê-su không có nghĩa rằng muôn vật muôn loài là những bộ phận cấu thành của Người. Muôn vật muôn loài tồn tại trong Đức Giê-su với nghĩa rằng chỉ trong Người muôn vật muôn loài mới được hình thành, tồn tại và phát triển. Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Muôn vật đều do Người [Đức Giê-su] mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người” (Rm 11,36). Cũng theo thánh nhân: “Trong Người [Đức Giê-su], muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Ở đây, chúng ta nhận thức tương quan giữa Thiên Chúa với muôn vật muôn loài, trong đó, Thiên Chúa là Nguyên Nhân tác tạo, bảo toàn, chăm sóc và định hướng tới Cùng Đích trong Đức Giê-su.
Cựu Ước cho chúng ta biết rằng lời của Thiên Chúa là khởi sự của tất cả: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6); lời của Thiên Chúa luôn bền vững: “Lời Ngài bền vững đến ngàn đời, trên cõi trời cao” (Tv 119,89) hay: “Cỏ héo, hoa tàn, nhưng lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững” (Is 40,8); lời của Thiên Chúa mạnh mẽ: “Lời của Ta lại chẳng giống như lửa, chẳng giống như búa đập tan tảng đá sao?” (Gr 23,29); lời của Thiên Chúa dẫn lối đưa đường: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105). Trong sách ngôn sứ I-sai-a, lời của Thiên Chúa được ví như mưa từ trời thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, làm cho hạt nảy mầm, cho con người có bánh ăn và hoàn thành sứ mệnh khi thực thi trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa (Is 55,10-11). Nói cách khác, lời hằng hữu của Thiên Chúa là nền tảng của muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Như vậy, từ nguyên thủy, lời của Thiên Chúa chính là Ngôi Vị hằng hữu (vĩnh cửu) hiện diện cùng Thiên Chúa. Thánh A-tha-na-xi-ô (298-373) viết: “Ngôi Lời tỏ bày chính mình khắp mọi nơi, cả trên cao lẫn dưới thấp, cả chiều sâu lẫn chiều rộng – trên cao, trong việc sáng tạo; dưới thấp, trong việc trở thành con người; trong chiều sâu của âm ty, trong chiều rộng của thế giới, mọi vật được đầy tràn sự hiểu biết Thiên Chúa” (Athanasius, On the Incarnation of the Word 16.3).
Trong Cựu Ước, khôn ngoan của Thiên Chúa được ngôi vị hóa hay nhân cách hóa (personified) là hình ảnh giúp mọi người hướng về Đức Giê-su, chẳng hạn như Đức Khôn Ngoan được sinh ra từ trước muôn đời: “Người đã dựng nên Ta [Đức Khôn Ngoan] trước muôn đời, từ khởi thủy, và Ta sẽ tồn tại mãi đến muôn đời” (Hc 24,9) hay: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thủy, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra; Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra” (Cn 8,22-25). Đức Khôn Ngoan phản ánh hoạt động của Thiên Chúa: “Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người” (Kn 7,26); Đức Khôn Ngoan sáng tạo: “Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả” (Cn 8,30); Đức Khôn Ngoan vinh hiển dẫn lối soi đường: “Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết” (Kn 6,12-13). Trong Tân Ước, thánh Phao-lô diễn tả Đức Giê-su theo cách tương tự, chẳng hạn: “Trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,3) hay: Đức Giê-su là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cr 1,24). Như vậy, Đức Giê-su hằng hữu chính là Khôn Ngoan hằng hữu của Thiên Chúa được trình bày trong Cựu Ước.
Theo thánh A-tha-na-xi-ô, không có nơi nào thuộc thế giới thụ tạo vắng bóng Ngôi Lời là Con Thiên Chúa, Người lấp đầy mọi sự, mọi thời, mọi nơi trong khi vẫn luôn hiện diện với Cha của Người (Athanasius, On the Incarnation of the Word 8.1). Như đề cập ở trên, trong Cựu Ước, khi Mô-sê hỏi Tên hay Danh của Thiên Chúa thì Người cho ông biết Người là Đấng hiện hữu (Xh 3,13-14). Trong Tân Ước, Đức Giê-su khẳng định với dân Do-thái rằng Người hằng hữu (ἐγώ εἰμι/ ego eimi/ I am: ‘Tôi là’, ‘Tôi tồn tại’, ‘Tôi hằng hữu’). Nhiều trích đoạn trong Tin Mừng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về căn tính của Đức Giê-su, chẳng hạn, Người nói: “Nếu các ông không tin là Tôi hằng hữu (ἐγώ εἰμι), các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8,24); “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi hằng hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy” (Ga 8,28); “Thật, tôi bảo thật các ông: Trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi hằng hữu!” (Ga 8,58). Như vậy, chính Đức Giê-su mặc khải Người là Thiên Chúa và thực thi nhiều dấu chỉ, dấu lạ hay phép lạ để minh chứng điều đó.
Theo mặc khải Kinh Thánh, chúng ta có thể khẳng định rằng Đức Giê-su, Đấng hằng hữu (ἐγώ εἰμι/ ego eimi) trong Tân Ước diễn tả cách trọn vẹn Thiên Chúa là Đấng hiện hữu (אֶהְיֶה אֲשֶׁר אֶהְיֶה/ Ehye Asher Ehye) trong Cựu Ước: Đấng hiện hữu trong Cựu Ước thì vô hình còn Đấng hằng hữu trong Tân Ước thì vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật (hữu hình). Quả thực, Đức Giê-su là Thiên Chúa trong thân phận con người, khuôn mặt của Đức Giê-su là khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa. Tư tưởng, lời nói và việc làm của Đức Giê-su là tư tưởng, lời nói và việc làm của Thiên Chúa. Trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an nhiều lần dùng hạn từ ‘ἐγώ εἰμι’ (ego eimi) với những nghĩa phân biệt nhau, chẳng hạn như Ga 4,26, Ga 6,20, Ga 13,19, Ga 18,5. Đặc biệt, ‘ἐγώ εἰμι’ (ego eimi) được dùng trong những câu quan trọng diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su qua các tước hiệu hay hình ảnh như lời Người nói: (1) Tôi là (ἐγώ εἰμι) bánh hằng sống (Ga 6,35), (2) Tôi là (ἐγώ εἰμι) ánh sáng thế gian (Ga 8,12), (3) Tôi là (ἐγώ εἰμι) cửa chuồng chiên (Ga 10,7), (4) Tôi là (ἐγώ εἰμι) mục tử nhân lành (Ga 10,11), (5) Tôi là (ἐγώ εἰμι) sự sống lại và là sự sống (Ga 11,25), (6) Tôi là (ἐγώ εἰμι) con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6), (7) Tôi là (ἐγώ εἰμι) cây nho thật (Ga 15,1). Những tước hiệu hay hình ảnh này giúp chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su là Đấng (1) tái tạo tất cả, (2) chịu đau khổ cho tất cả và (3) đại diện cho tất cả trước nhan Thiên Chúa là Cha của Người (Athanasius, On the Incarnation of the Word 7.1).
Nhiều lần trong Tin Mừng, Đức Giê-su cho mọi người biết Người là nguồn sống hằng hữu (đời đời), là sự sống hằng hữu và là Đấng trao ban sự sống hằng hữu cho con người. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Người thân thưa cùng Chúa Cha: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Đây được xem là ‘định nghĩa’ ngắn gọn và đầy đủ nhất về sự sống đời đời. Quả thật, khi con người không quan tâm để ý hay quan niệm mơ hồ về sự sống đời đời thì Đức Giê-su đã đưa ra ‘định nghĩa’ về sự sống đời đời là nhận biết Chúa Cha và nhận biết chính Đức Giê-su là Con Yêu Dấu của Chúa Cha được sai đến trần gian. Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Người nói: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5,24). Như vậy, ‘nghe, tin và biết’ Chúa Cha cũng như Đức Giê-su hằng hữu là điều kiện cần thiết để được tham dự sự sống đời đời.
Trong các thư của mình, nhiều lần thánh Phao-lô trình bày Đức Giê-su là Đấng hằng hữu hay tiền hữu (the pre-existent Jesus), chẳng hạn như trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, ngài viết: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, ngài viết: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” (Cl 1,15). Thánh nhân còn giải thích thêm: “Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1,17). Như vậy, dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, muôn vật muôn loài đều mang dấu ấn của Ngôi Lời Thiên Chúa, muôn vật muôn loài đều phản ánh chương trình của Thiên Chúa và tường thuật vinh quang của Người. Đặc biệt, dưới nhãn quan của thánh Phao-lô, là con người, ai cũng mang dấu ấn của Thiên Chúa. Chẳng hạn, khi đề cập dân ngoại, thánh nhân chỉ ra rằng lương tâm ngay chính để phân biệt phải trái là dấu ấn của Thiên Chúa nơi con người: “Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải” (Rm 2,15). Không thuộc ‘Nhóm Mười Hai’ của Đức Giê-su nhưng thánh Phao-lô đã được chọn làm Tông Đồ và đón nhận mặc khải Thiên Chúa để trình bày căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su trong hành trình trần thế cách rõ ràng, mạch lạc nhất (Gl 1,1.12; Ep 3,3-5).
2. Đức Giê-su Hiệp Nhất
Hình ảnh mặc nhiên về Chúa Ba Ngôi xuất hiện ngay trong những dòng đầu tiên của bộ Kinh Thánh (St 1,1-3). Bởi vì, lúc khởi đầu, ‘đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm’, với sự hiện diện của ‘thần khí’, Thiên Chúa đã ‘phán’ và muôn vật muôn loài được dựng nên. Với mặc khải Tân Ước, chúng ta biết rằng ‘thần khí’ ở đây là Chúa Thánh Thần và Thiên Chúa đã ‘phán Lời vĩnh cửu’ của Người là Đức Giê-su. Lời của Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần tiếp tục chương trình của Thiên Chúa trong việc duy trì, nâng đỡ và chăm sóc vạn vật. Khi thời gian tới hồi viên mãn, với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa đã trở thành ‘con loài người’ ở giữa gia đình nhân loại. Trong thân phận con người, Đức Giê-su cho mọi người biết nguồn gốc, căn tính và đời sống hằng hữu cũng như sứ mệnh của Người là làm cho mọi người trở thành con cái Thiên Chúa.
Khoảng bảy trăm năm trước Công Nguyên, ngôn sứ I-sai-a cho vua A-khát biết: “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en [nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta]” (Is 7,14; Mt 1,23). Sách ngôn sứ I-sai-a cũng giúp mọi người hiểu biết hơn về Đức Giê-su là Tôi Trung của Thiên Chúa không chỉ đến với dân Do-thái mà còn đến với mọi người trong gia đình nhân loại: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6). Như vậy, sứ mệnh của Đức Giê-su thật cao cả là đem lại ơn cứu độ cho con người cũng như biến đổi muôn vật muôn loài.
Biến Cố Đức Giê-su Nhập Thể là biến cố vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại bởi vì Thiên Chúa không chỉ hiện diện với con người bởi quyền năng, ân sủng hay lời của Người mà còn hiện diện cách cụ thể ‘bằng xương bằng thịt’ để con người có được kinh nghiệm và đi vào mối thông hiệp với Người. Câu hỏi được đặt ra là ‘tại sao Đức Giê-su xuống thế làm người?’ Thưa, tại vì Thiên Chúa yêu thương con người như Đức Giê-su nói với Ni-cô-đê-mô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Trong thư thứ nhất, thánh Gio-an Tông Đồ giải thích rõ hơn rằng: “Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). Thánh A-tha-na-xi-ô viết: “Đức Giê-su trở thành người để chúng ta được thần hóa. Người đã biểu lộ chính mình trong thân thể để chúng ta có thể cảm nhận Chúa Cha vô hình và Người đã chịu đựng sự ngạo mạn của loài người để chúng ta có thể thừa hưởng sự bất tử” (Athanasius, On the Incarnation of the Word 54.3).
Thánh Gio-an Tông Đồ viết: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Quả thực, dưới nhãn quan của các triết gia nhị nguyên Hy-lạp, con người hạ giới thì không thể thấy Thiên Chúa hay Thượng Đế thuộc thế giới thần linh. Bổn phận của con người là tìm về thế giới thần linh, còn thế giới thần linh không bao giờ hạ mình ‘ngang tầm’ thế giới con người. Do đó, sự hiện diện của Đức Giê-su, sự hiện diện của Thiên Chúa uy linh cao cả trong môi trường nhân loại là ‘không thể chấp nhận được’ (1 Cr 1,21-24). Tuy nhiên, Thiên Chúa đã đến với con người theo ‘đường lối của Người’ chứ không theo ‘đường lối con người’. Thánh Gio-an Tông Đồ viết: “Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật. Chúng ta ở trong Thiên Chúa thật, ở trong Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời” (1 Ga 5,20). Nhờ Đức Giê-su, con người mới có thể lắng nghe, nhìn thấy, cảm nhận và đi vào mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa (1 Ga 1,1). Như đề cập ở trên, Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong mọi hoàn cảnh của thế giới thụ tạo. Những nơi mà con người cho là vắng bóng Thiên Chúa lại là những nơi Thiên Chúa hiện diện và hoạt động mạnh mẽ nhất như lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Này Ta sắp làm một việc mới… Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Is 43,19).
Mọi lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước được kiện toàn bởi vì mọi lời đó đều quy về Đức Giê-su là Lời duy nhất và hằng hữu của Thiên Chúa. Trong bài chia sẻ Lễ Giáng Sinh (Lễ Tối, ngày 24 tháng 12 năm 2006), Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI nói: “Chúa Con chính là Ngôi Lời, là Logos; Ngôi Lời vĩnh cửu đã trở nên nhỏ bé – nhỏ bé đến mức có thể vừa vặn trong máng cỏ. Người đã trở thành đứa trẻ, để chúng ta có thể ôm lấy Người”. Quả thực, nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa đã hạ mình, Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé, Thiên Chúa đã trở thành trẻ sơ sinh, Thiên Chúa dễ bị tổn thương, Thiên Chúa cần tình thương của con người, Thiên Chúa cần sự chăm sóc của con người. Theo thánh I-rê-nê (130-202), nhờ Đức Giê-su, trong thân phận con người, Thiên Chúa tiêu diệt tội lỗi, đánh bại sự chết, khôi phục những mất mát, thánh hóa con người và ban tặng sự sống viên mãn (Ireneus, Adversus Haereses III, 18.7). Cũng theo thánh nhân, là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su đã hiện diện ngay từ buổi đầu sáng tạo và trong dòng lịch sử con người cũng như vạn vật: Người biểu lộ Chúa Cha cho những ai người muốn, khi Người muốn và theo ý muốn của Chúa Cha. Qua đó, mọi người nhận ra rằng chỉ có một Thiên Chúa, một Ngôi Lời, một Thần Khí, một chương trình cứu độ cho những ai tin tưởng vào Người (Ireneus, Adversus Haereses III, 18.7).
Trong Tân Ước, tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Dt 1,1-2). Như vậy, Thiên Chúa đã hiện diện theo nhiều cách thức khác nhau và đặc điểm chung là ‘Thiên Chúa hiện diện vô hình’ trong các cách thức đó. Với Đức Giê-su là Đấng Em-ma-nu-en (Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta), Thiên Chúa hiện diện và thiết lập giao ước với con người. Với giao ước này, các hình thức giao ước trong quá khứ được kiện toàn. Điều này có nghĩa rằng giao ước giữa Thiên Chúa và loài người được Đức Giê-su thực hiện là giao ước vĩnh cửu, giao ước cuối cùng để những ai thuộc về giao ước này thì được thông dự sự sống Thiên Chúa ngay trong hành trình trần thế như lời của thánh Phao-lô: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần” (Ep 2,13). Như thế, ai ở gần Đức Giê-su thì ở gần Thiên Chúa và thông dự sự sống vĩnh cửu của Người.
Quả thực, nhờ Đức Giê-su hiện diện và hoạt động giữa gia đình nhân loại, trời nối kết với đất, Thiên Chúa nối kết với con người, vô hình nối kết với hữu hình, môi trường thánh thiện nối kết với môi trường tội lỗi, siêu việt nối kết với giới hạn, vĩnh cửu nối kết với thời gian, quyền năng vô biên nối kết với yếu đuối mọn hèn, thánh thiêng nối kết với phàm tục. Nhờ Đức Giê-su, con người mới có thể ý thức hơn về tính chất nghiêm trọng của tội lỗi và tình thương diệu vời của Thiên Chúa trong việc giải thoát con người khỏi tội lỗi và hậu quả của tội lỗi là sự chết. Nhờ Đức Giê-su, ánh sáng thường hằng bất biến của Thiên Chúa đã chiếu tỏa trong màn đêm của thế giới phàm trần và cho phép con người lần bước về với Thiên Chúa. Nhờ Đức Giê-su, dân Do-thái nối kết với dân ngoại, thế giới linh thiêng nối kết với thế giới hữu hình, thế giới muôn đời bền vững nối kết với thế giới mau tàn chóng qua. Tắt một lời, nhờ Đức Giê-su, những gì là nghịch lý, thử thách, căng thẳng được hòa giải và sự bình an tràn ngập tâm hồn con cái Thiên Chúa.
Hiệp nhất nên một với con người nhưng Đức Giê-su vẫn luôn là Thiên Chúa như lời của thánh Gio-an Tông Đồ: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14). Thánh Phao-lô viết: “Nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể, và trong Người, anh em được sung mãn: Người vốn là đầu mọi quyền lực thần thiêng” (Cl 2,9-10). Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái khẳng định cách mạnh mẽ rằng: “Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Trong Thông Điệp ‘Ðấng Cứu Chuộc Con Người’ (Redemptor Hominis, 1979), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II viết: “Đức Giê-su Ki-tô hiện diện với quyền năng chân lý và tình yêu được diễn tả nơi Người cách viên mãn độc nhất vô nhị cho dù hành trình trần thế của Người ngắn ngủi và hoạt động công khai của Người thậm chí còn ngắn ngủi hơn nữa” (Redemptor Hominis 13). Quả thực, Đức Giê-su hiệp nhất là trung tâm của mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại bởi vì những gì ‘không thể’ dưới nhãn quan con người thì lại ‘có thể’ trong sứ mệnh trần thế của Người.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ mình cho các tổ phụ dân Do-thái. Chẳng hạn, trong giấc chiêm bao, Gia-cóp thấy chiếc thang và các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên chiếc thang này. Sau đó, Gia-cóp khấn nguyện cùng Thiên Chúa: “Nếu Thiên Chúa ở với tôi và giữ gìn tôi trong chuyến đi tôi đang thực hiện, nếu Người ban cho tôi bánh ăn áo mặc, nếu tôi được trở về nhà cha tôi bình an, thì Đức Chúa sẽ là Thiên Chúa của tôi, hòn đá này là hòn đá tôi đã dựng lên làm trụ sẽ là nhà của Thiên Chúa, và lạy Chúa, mọi sự Ngài ban cho con, con sẽ dâng cho Ngài một phần mười” (St 28,20-22). Tại Bết Ên, Gia-cóp cũng làm bàn thờ kính dâng Thiên Chúa. Thời Mô-sê, Thiên Chúa hiện diện với dân Do-thái nơi Nhà Tạm trong hành trình về với Đất Hứa. Thời các Thẩm Phán, cũng như thời vua Sa-un và Đa-vít, Nhà Tạm vẫn là nơi Thiên Chúa hiện diện với dân Do-thái. Tuy nhiên, chính Sa-lô-môn đã xây Đền Thờ ở Giê-ru-sa-lem và từ đó dân Do-thái thờ phượng Thiên Chúa ở đây. Trong hành trình trần thế, Đức Giê-su nói rằng Người là Đền Thờ (Ga 2,19-22). Đồng thời, Người khẳng định rằng cách thức thờ phượng Thiên Chúa đích thực là ‘thờ phượng trong thần khí và sự thật’ (Ga 4,23-24). Như vậy, nơi Đức Giê-su hiệp nhất (Thiên Chúa thật và con người thật), Đền Thờ Thiên Chúa ở với con người và cùng với con người thờ phượng Thiên Chúa.
Nhờ Đức Giê-su, Con Thiên Chúa trở thành con của loài người mà con cái loài người được trở thành con cái Thiên Chúa. Trong Lời Tựa Tin Mừng, thánh Gio-an viết: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người [Đức Giê-su], thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Trong hành trình trần thế, nhiều lần Đức Giê-su cho mọi người biết rằng ai tin tưởng và thực thi thánh ý Người thì trở thành con cái Thiên Chúa (Mt 5,9; Lc 11,2-4; Ga 20,17). Thánh Phao-lô cũng khẳng định điều quan trọng này: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4,4-6). Như vậy, không chỉ Đức Giê-su là Con Thiên Chúa mà những ai kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su cũng trở thành con cái Thiên Chúa (Ga 1,12; 1 Ga 3,1-2; Rm 8,14-17).
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô cho chúng ta biết rằng lời đầu tiên của Đức Giê-su trong thời gian loan báo Tin Mừng là: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Còn thánh Mát-thêu thì trình thuật: “Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). Hành trình trần thế của Đức Giê-su cho chúng ta biết rằng sự hiện diện của Người là sự hiện diện của Nước Thiên Chúa. Hơn nữa, Nước Thiên Chúa được Đức Giê-su diễn tả trong ba trạng thái: (1) thực tại đã đến gần như Người căn dặn các môn đệ: “Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông” (Lc 10,9); (2) Thực tại đã hiện diện như lời Người nói với những ai ngờ vực căn tính của Người: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11,20) và (3) thực tại tương lai như lời Người nói với những ai trung tín với Người: “Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự tòa xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en” (Lc 22,29-30). Như vậy, Nước Thiên Chúa đã đến gần, đến giữa và chưa hoàn thành (already and not yet, déja-là et pas encore: ‘already’ nghĩa là Nước Thiên Chúa đã hiện diện với sự hiện diện của Đức Giê-su; ‘not yet’ nghĩa là Nước Thiên Chúa sẽ hiện diện sung mãn trong thời cánh chung) và mọi người được mời gọi đón nhận những giá trị của Nước Thiên Chúa, sống theo những giá trị đó và thông truyền những giá trị đó cho anh chị em mình. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI viết: “Nước Người không phải là một hình ảnh tưởng tượng đời sau, tọa lạc đâu đó trong tương lai mà chẳng bao giờ đến; nhưng Nước Người hiện diện bất cứ nơi nào Người được yêu thương và bất cứ khi nào tình yêu của Người đến được với chúng ta” (Spe Salvi 31). Nói cách khác, Nước Thiên Chúa hiện diện bất cứ nơi đâu những giá trị của Tin Mừng được đón nhận, được sống và được thông truyền giữa gia đình nhân loại.
Đức Giê-su không chỉ hiệp nhất nên một với mọi người trong sự sống mà còn hiệp nhất nên một với mọi người trong cái chết. Thánh A-tha-na-xi-ô viết rằng, tự bản tính, Ngôi Lời không thể chết vì Người bất tử. Tuy nhiên, Người đã mặc lấy thân phận có thể chết để hiến dâng chính mình thay cho con người hầu tiêu diệt quyền lực sự chết và giải thoát con người khỏi cảnh nô lệ tội lỗi và sự chết (Athanasius, On the Incarnation of the Word 20.6). Nhờ Đức Giê-su hiệp nhất nên một với con người trong cái chết, vực thẳm sâu nhất, đáng sợ nhất và thất vọng nhất bị tiêu diệt. Đó là lý do tại sao thánh Phao-lô viết rằng kẻ thù cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết (1 Cr 15,26). Cái chết của Đức Giê-su trở thành nền tảng của Giao Ước Mới và vĩnh cửu như lời của tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Người là trung gian của một Giao Ước Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa” (Dt 9,15). Cũng theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo” (Dt 10,14).
Sự sống lại của Đức Giê-su là khuôn mẫu cho sự sống lại của con người. Sự sống lại của Người là niềm vui vô tận cho con người bởi vì làm cho ‘con người duy nhất với xác hồn’ (corpore et anima unus) được biến đổi và đạt tới sự sung mãn theo thánh ý Thiên Chúa. Nói cách khác, Biến Cố Đức Giê-su trong hành trình trần thế không phải là ‘giải thoát linh hồn’ khỏi ‘nhà tù thể xác’ con người nhưng làm cho linh hồn và thể xác con người hiệp nhất tới mức hoàn hảo. Như vậy, tương lai của con người không phải là tương lai kết thúc trong vô vọng nhưng là tương lai trong đó hy vọng của con người vươn tới đỉnh điểm, tương lai không còn lệ thuộc vào không gian, thời gian bấp bênh nữa nhưng là tương lai tuyệt đối (absolute future). Tác giả sách Khải Huyền nghe tiếng vang vọng từ trời: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất (Kh 21,4).
3. Đức Giê-su Hội Thánh
Một trong những hình ảnh đặc trưng nhất của Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô. Điều này đã được Công Đồng Vatican II (1962-1965) tái khẳng định ngay trong phần thứ nhất và cũng là phần quan trọng nhất của Hiến Chế ‘Tín Lý về Giáo Hội’ (Lumen Gentium 1-8). Mục đầu tiên của Hiến Chế này có đoạn: “Giáo Hội ở trong Chúa Ki-tô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1). Mầu nhiệm Giáo Hội gắn liền với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Đặc biệt, mầu nhiệm Giáo Hội gắn liền với mầu nhiệm Đức Giê-su, Con Thiên Chúa trong thân phận con người giữa gia đình nhân loại. Chính Người đã thiết lập, đồng hành và dẫn đưa Giáo Hội tới thời viên mãn. Dưới nhãn quan của Công Đồng, Giáo Hội là thực tại mầu nhiệm bởi vì Giáo Hội vừa là công trình của Thiên Chúa, vừa là công trình của con người.
Cũng như muôn vật muôn loài, Giáo Hội phát xuất từ Lời Chúa, cụ thể là Giáo Hội phát xuất từ Đức Giê-su là Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa giữa gia đình nhân loại. Quả thực, sau khi thánh Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, Người nói với thánh nhân: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,17-18). Giáo Hội kín múc sức mạnh của mình từ Lời Chúa. Công Đồng Vatican II khẳng định: “Qua bao thế kỷ Giáo Hội luôn hướng tới sự viên mãn của chân lý Thiên Chúa, cho đến khi lời Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo Hội” (DV 8). Đặc biệt, Giáo Hội tôn kính Lời Chúa như Thân Thể Chúa (DV 21).
Đức Giê-su, Thiên Chúa thật và con người thật, là ‘mẫu hình’ của Giáo Hội. Người đã thiết lập Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm của Người để nhờ Giáo Hội, với Giáo Hội, và qua Giáo Hội, Người hiện diện với mọi người trong gia đình nhân loại. Như Đức Giê-su vừa là Thiên Chúa, vừa là con người, Giáo Hội vừa là thực tại vô hình, vừa là thực tại hữu hình. Trong hành trình trần thế hai chiều kích của Giáo Hội (hữu hình và vô hình) hiệp nhất nên một với nhau và cùng nhau diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của mình giữa dòng đời. Đó là lý do tại sao Giáo Hội của Đức Giê-su phân biệt với các hình thức tập thể khác trong gia đình nhân loại và luôn đồng hành với gia đình nhân loại. Công Đồng Vatican II khẳng định: “Sự tương nhập giữa hai xã hội trần thế và thiên đàng chỉ có thể nhận thức được qua đức tin. Hơn nữa, đó còn là một mầu nhiệm của lịch sử nhân loại, một lịch sử bị tội lỗi xáo trộn cho đến khi vinh quang con cái Thiên Chúa được mặc khải đầy đủ” (GS 40).
Giáo Hội là ‘Thân Thể Đức Ki-tô’ (the Body of Christ) được thánh Phao-lô sử dụng khá nhiều trong các thư của ngài, chẳng hạn như: “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: Tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Ki-tô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,4-5); “Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12,13). Khái niệm ‘Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô’ (Mystical Body of Christ) được triển khai sau này bởi các Giáo Phụ. Theo thánh Tô-ma A-qui-nô: “Đầu và các chi thể như một ngôi vị huyền bí” (Thomas Aquinas, Summa Theologiae III, q.2, a.1). Đặc biệt, ‘Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô’ xuất hiện đầu tiên trong tài liệu chính thức của Giáo Hội bởi Đức Giáo Hoàng Bô-ni-phát VIII với Tông Sắc ‘Duy Nhất Thánh Thiện’ (Unam Sanctam, 1302). Ngài viết: “Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm với Đức Ki-tô là Đầu.”
Trong Thông Điệp ‘Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô’ (Mystici Corporis Christi, 1943), Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII viết: “Nếu chúng ta định nghĩa và diễn tả Giáo Hội thật của Đức Giê-su Ki-tô – Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo, Tông Truyền và Giáo Hội Rôma – chúng ta sẽ không tìm được điều gì cao trọng hơn, uy nghi hơn, thần thiêng hơn sự diễn tả [Giáo Hội] ‘Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô’ (Pius XII, Mystici Corporis Christi 13). Đồng thời, ngài cũng phân biệt giữa thân thể tự nhiên và Thân Thể Mầu Nhiệm: “Trong thân thể tự nhiên, nguyên lý thống nhất kết hợp các thành phần theo cách thức mà mỗi thành phần thiếu sự tồn tại riêng biệt của nó; ngược lại, trong Thân Thể Mầu Nhiệm, sự kết hợp hỗ tương, mặc dù là nội tại, nối kết các thành phần bằng mối liên kết cho phép mỗi thành phần tận hưởng trọn vẹn nhân cách của mình” (Pius XII, Mystici Corporis Christi 61).
Thánh Phao-lô không chỉ trình bày Giáo Hội là Thân Thể Đức Ki-tô mà còn khẳng định Đức Ki-tô là Đầu của Giáo Hội: Chẳng hạn, ngài viết: “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình” (Ep 4,15-16). Trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê, thánh nhân viết: “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cl 1,18). Công Đồng Vatican II tiếp tục quảng diễn tư tưởng của thánh Phao-lô như sau: “Chúa Ki-tô là Ðầu của Thân Thể này. Chính Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, và trong Người mọi vật được tác thành. Người có trước mọi người và mọi sự được bền vững trong Người. Người là Ðầu của Thân Thể là Giáo Hội. Người là nguyên lý, là anh cả của những kẻ phải chết, hầu nắm quyền thủ lãnh mọi sự” (LG 7). Đặc biệt, Công Đồng Vatican II khẳng định Nhiệm Thể trọn vẹn của Đức Ki-tô bao gồm Đầu và các chi thể của Người (SC 7).
Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô luôn sống động. Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII viết: “Trong thân thể luân lý, nguyên lý hợp nhất không gì khác hơn là mục đích chung và sự cộng tác chung của tất cả dưới thẩm quyền xã hội để đạt được mục đích đó; còn trong Thân Thể Mầu Nhiệm mà chúng ta đang bàn tới, sự cộng tác này được bổ sung bởi nguyên lý nội tại khác tồn tại cách hiệu quả trong toàn thể và nơi mỗi thành phần và sự ưu việt đó trỗi vượt hơn nhiều so với bất kỳ mối ràng buộc liên kết nào có thể tìm thấy trong thân thể thể lý hoặc luân lý” (Pius XII, Mystici Corporis Christi 62). Ở đây, Đức Giáo Hoàng Pi-ô XII muốn nói về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô. Chúng ta cũng tìm thấy những ý tưởng tương tự trong các thư của thánh Phao-lô hoặc trong tư tưởng của các Giáo Phụ. Chẳng hạn, theo thánh I-rê-nê: “Ở đâu có Giáo Hội, ở đó có Thần Khí Thiên Chúa và ở đâu có Thần Khí Thiên Chúa ở đó có Giáo Hội và muôn ân sủng của Người” (Ireneus, Adversus Haereses III, 24.1). Còn thánh Au-gút-ti-nô khẳng định: “Linh hồn ở trong con người thế nào thì Chúa Thánh Thần ở trong Giáo Hội là Thân Thể Đức Ki-tô như vậy” (Sermon 267.4). Vai trò Chúa Thánh Thần là ‘linh hồn của Giáo Hội’ cũng được nhiều đấng bậc và các thần học gia khai triển, chẳng hạn như Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII, Pi-ô XII, Gio-an Phao-lô II, Bê-nê-đích-tô XVI, Đức Hồng Y Yves Congar, Đức Hồng Y Henri de Lubac, Karl Rahner, Hans Urs von Balthasar.
Theo Công Đồng Vatican II, Đức Giê-su luôn hiện diện trong Giáo Hội, chẳng hạn, Hiến Chế ‘Phụng Vụ Thánh’ (Sacrosanctum Concilium, 1963) chỉ ra bốn hình thức hiện diện của Người trong phụng vụ: (1) Người hiện diện trong Hy Lễ (bao gồm thừa thác viên và dưới hình Bánh và Rượu), (2) Người hiện diện trong các bí tích nhờ quyền năng của Người, (3) Người hiện diện trong lời của Người khi mọi người cùng chia sẻ Kinh Thánh, (4) Người hiện diện khi con cái Giáo Hội cùng nhau cầu nguyện như Người đã hứa: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Đặc biệt, theo Công Đồng Vatican II: “Trong công cuộc vĩ đại tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa mọi người, Chúa Ki-tô hằng kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất quý yêu và Giáo Hội kêu cầu Người như Chúa mình và nhờ chính Người phụng thờ Chúa Cha Hằng Hữu” (SC 7).
Thánh I-nha-xi-ô (Ignatius of Antioch, 35-110) viết: “Ở đâu Đức Ki-tô hiện diện, ở đó có Giáo Hội Công Giáo” (Ignatius, Epistle to the Smyrnians 8). Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô trình bày sự viên mãn của Giáo Hội như sau: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1,22-23) hay: “Dân Thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,12-13). Công Đồng Vatican II mời gọi các thành phần trong Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô là Giáo Hội đóng góp phần mình làm cho Giáo Hội ngày càng trở nên trong sạch, lành thánh, trên đường lữ hành hướng về cánh chung như sau: “Giáo Hội chỉ kết thúc trong vinh quang trên trời, khi thời cải tạo mọi sự đến và khi toàn thể vũ trụ cùng với loài người được thiết lập toàn vẹn trong Chúa Ki-tô, vì vũ trụ liên kết mật thiết với con người và nhờ con người đạt được cùng đích của mình” (LG 48).
Nhờ Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người, Đức Giê-su không ngừng trao ban ân sủng cho những ai yêu mến, tin tưởng và cậy trông vào Người. Với sự hiện diện của Đức Giê-su, các bí tích trong Giáo Hội trở thành nguồn lực nuôi dưỡng đời sống các Ki-tô hữu; với sự hiện diện của Đức Giê-su, Giáo Hội trở thành thực thể có khả năng tiếp cận mọi chiều kích của cuộc sống con người; với sự hiện diện của Đức Giê-su, Giáo Hội trở thành ‘bí tích nền tảng’ của Người giữa lòng thế giới hầu mưu cầu lợi ích cho mọi người trong gia đình nhân loại; với sự hiện diện của Đức Giê-su, Giáo Hội có thể đương đầu với muôn vàn thử thách trong sứ mệnh của mình; với sự hiện diện của Đức Giê-su, Giáo Hội có thể vượt qua muôn nghịch cảnh không ngừng nảy sinh giữa gia đình nhân loại và trở nên khí cụ hữu hiệu cho mọi người.
Giáo Hội vừa là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô, vừa là Hiền Thê của Người. Sách Sáng Thế cho chúng ta biết rằng sau khi sáng tạo người nữ từ xương sườn của con người (אָדָם/ A-đam), Thiên Chúa giới thiệu người nữ cho con người và con người nói: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” (St 2,23). Từ khi thiết lập Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm và là Hiền Thê của Người, Đức Giê-su không ngừng nói với Giáo Hội: ‘Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!’ Quả thực, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với con cái Giáo Hội và gia đình nhân loại với công thức ngắn gọn trước bánh và rượu được dâng tiến trên bàn thờ: ‘Đây là Mình Thầy… Đây là Máu Thầy’ (Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20; 1 Cr 11,23-25). Nhờ đó, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Người cho những ai lãnh nhận hầu được nên một với Người, với nhau và với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần giữa lòng trần thế. Qua dòng thế kỷ, Giáo Hội không ngừng mời gọi con cái mình ý thức rằng ‘Bí Tích Thánh Thể làm nên Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Bí Tích Thánh Thể’.
4. Đức Giê-su Huyền Nhiệm
Bí Tích Thánh Thể (Εὐχαριστία/ Eucharist) là bí tích huyền nhiệm vì Đức Giê-su là Thiên Chúa lại trở nên Của Ăn Của Uống cho con người. Hạn từ ‘Bí Tích Thánh Thể’ phát xuất từ tiếng Hy-lạp là Εὐχαριστία được hình thành bởi ‘εὖ’ (eu), nghĩa là ‘tốt’ (good) và ‘χαρίς’ (charis), nghĩa là ân sủng. Như vậy, theo mặt chữ, ‘Εὐχαριστία’ nghĩa là ‘ân sủng tốt lành’. Quả thực, Đức Giê-su là Ân Sủng của Thiên Chúa, Ân Sủng Bất Thụ Tạo (Gratia Increata/ Uncreated Grace/ Grâce Incrée) và là Nguồn của mọi ân sủng, nhờ đó, loài người được cứu độ (Rm 3,23-24; Ep 2,8-9). Εὐχαριστία thường được dịch là ‘tạ ơn’ (Thanksgiving) hay ‘cảm tạ’ (Gratitude). Ai tham dự và lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể là tham dự vào hiến tế tạ ơn của Đức Giê-su trên thập giá nhân danh toàn thể gia đình nhân loại. Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong Bữa Ăn Cuối Cùng (the Last Supper) trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Trong Bữa Ăn này, Người cũng ban Giới Răn Mới, giới răn yêu thương (Ga 13,34). Đồng thời, Người cho các môn đệ biết rằng Người là Bạn của họ và không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,12-15).
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an cho chúng ta biết rằng, sau khi làm Phép Rửa cho Đức Giê-su, thánh Gio-an Tẩy Giả nói với những người chung quanh: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,32-33). Khi suy niệm đoạn Tin Mừng này, thánh Au-gút-ti-nô khẳng định rằng Đức Giê-su là ‘tác nhân chính’ trong Bí Tích Rửa Tội, bởi vì Người ‘làm Phép Rửa trong Thánh Thần’. Thánh nhân viết: “Phê-rô có thể làm Phép Rửa, nhưng chính Đức Giê-su là Đấng làm Phép Rửa; Phao-lô có thể làm Phép Rửa, nhưng chính Đức Giê-su là Đấng làm Phép Rửa; Giu-đa có thể làm Phép Rửa, nhưng chính Đức Giê-su là Đấng làm Phép Rửa” (Augustine, Tractates on the Gospel of John 6.7). Thánh Phao-lô khẳng định như thế: “Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao? Tôi tạ ơn Thiên Chúa, vì tôi đã không làm phép rửa cho ai, trừ ông Cơ-rít-pô và ông Gai-ô. Như thế, không ai nói được rằng anh em đã chịu phép rửa nhân danh tôi” (1 Cr 1,13-15). Tương tự như vậy, chính Đức Giê-su cử hành Bí Tích Thánh Thể bởi vì khi cử hành bí tích này, nhân danh Đức Giê-su, vị chủ tế đọc lời của Người trước bánh và rượu trên bàn thờ ‘này là Mình Thầy… này là Máu Thầy’ (John Chrysostom, Homily on Judas’ Betrayal 1.6). Chúng ta cần nhận diện bốn yếu tố chính yếu trong Bí Tích Thánh Thể: (1) bánh và rượu là hoa màu ruộng đất, (2) là lao công của con người, (3) dưới tác động thánh hóa của ơn Chúa Thánh Thần (vị chủ tế nhân danh cộng đoàn cầu xin ‘Ἐπίκλησις/ Epiklesis’ ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần) và (4) nhờ lời của Đức Giê-su, bánh và rượu trở thành Mình và Máu của Người.
Tham dự Bí Tích Thánh Thể là tham dự vào ‘Bữa Ăn Giao Ước Mới’, ‘Bữa Ăn vĩnh cửu trong thời gian’ bởi vì Bữa Ăn này cho phép con người trong thời gian được tham dự sự sống vĩnh cửu của Đức Giê-su. Các giao ước cũ giữa Thiên Chúa và Dân Người trong quá khứ qua đi, còn Giao Ước Mới được Đức Giê-su thiết lập tồn tại luôn mãi. Lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã báo trước: “Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an; đó sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời” (Ed 37,26). Lời này trở nên hiện thực qua trình thuật của thánh Lu-ca về việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20). Thông thường, trong các hình thức tế tự có sự phân biệt rõ ràng (không thể thay thế được) giữa của lễ, bàn thờ và tư tế. Trong Bí Tích Thánh Thể, Đức Giê-su vừa là Của Lễ (Offering), vừa là Bàn Thờ (Altar), vừa là Thượng Tế (High Priest).
Hình ảnh Men-ki-xê-đê (מַלְכִּיצֶֿ֫דֶק) trong sách Sáng Thế báo trước về Đức Giê-su trong Tân Ước (St 14,17-20). Tác giả Thánh Vịnh 110 viết về Đấng Mê-si-a là Vua và Thượng Tế tương lai như sau: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Tv 110,4). Tên ông Men-ki-xê-đê (מַלְכִּיצֶֿ֫דֶק) nghĩa là ‘vua công chính’ và ông là vua Sa-lem nghĩa là ‘vua hòa bình’. Hình ảnh Men-ki-xê-đê trở thành hiện thực nơi Đức Giê-su bởi vì Người là Đấng Công Chính, đồng thời, Người là Vua Hòa Bình (Is 9,5; 1 Ga 2,1; 1 Pr 3,18; Ep 2,14). Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết về Men-ki-xê-đê như sau: “Ông [Men-ki-xê-đê] không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: Mãi mãi ông vẫn là tư tế” (Dt 7,3). Đồng thời, tác giả quảng diễn Đức Giê-su là Thượng Tế Tối Cao như sau: “Vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,24-25). Đặc biệt, theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Đức Ki-tô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai… Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9,11-12).
Thánh Tô-ma A-qui-nô khẳng định rằng con người không thể tiếp cận Bí Tích Thánh Thể bởi con mắt xác thịt nhưng bởi con mắt đức tin (Thomas Aquinas, Summa Theologiae III, q.75, a.1). Trong trình thuật Tin Mừng theo thánh Gio-an, Đức Giê-su nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 5,51). Người Do-thái tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52). Một số môn đệ Đức Giê-su cũng nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Sau đó, Đức Giê-su nhấn mạnh sự cần thiết của đức tin như là ân ban nhưng không của Thiên Chúa liên quan đến Bí Tích Thánh Thể (Ga 6,61-65). Trong Thông Điệp ‘Mầu Nhiệm Đức Tin’ (Mysterium Fidei, 1965), thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI trích lời của thánh Bô-na-ven-tu-ra (1221-1274) như sau: “Không có khó khăn nào về việc nhận thức Đức Ki-tô hiện diện trong bí tích qua dấu chỉ; khó khăn lớn nhất ở chỗ Người thực sự ở trong bí tích như Người ở trên trời. Và vì vậy, tin vào điều này đặc biệt có công phúc” (Mysterium Fidei 20).
Vào ngày 01.10.1264, qua Tông Sắc ‘Transiturus De Hoc Mundo’, Đức Giáo Hoàng U-ba-nô IV thiết lập Lễ Mình và Máu Đức Ki-tô. Ngài ủy quyền cho thánh Tô-ma A-qui-nô soạn thảo bản văn phụng vụ về Lễ này, trong đó có đoạn: “Ôi bữa tiệc thánh thiêng trong đó Đức Ki-tô được lãnh nhận: Tưởng niệm về cuộc khổ nạn của Người được thực hiện, tâm trí được đầy tràn ơn sủng và bảo chứng của vinh quang tương lai được tặng ban” [O sacrum convivium in quo Christus sumitur: Recolitur memoria passionis Eius, mens impletur gratia et futurae gloriae nobis pignus datur]. Chúng ta nhận diện ‘ba pha’ hay ‘ba thì’ trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể: (1) quá khứ: ‘Tưởng niệm về cuộc khổ nạn của Người được thực hiện’; (2) hiện tại: ‘Tâm trí được đầy tràn ơn sủng’ và (3) tương lai: ‘Bảo chứng của vinh quang tương lai được tặng ban’. Cũng trong Tông Sắc này, Đức Giáo Hoàng viết: “Vết thương sinh ra từ đâu thì từ đó cũng xuất hiện thuốc chữa và cái chết đã từ đâu mà xâm nhập thì sự sống cũng từ đó mà xuất phát”. Như vậy, Bí Tích Thánh Thể giúp mọi người nhận ra sự hiện diện của Đức Giê-su thật cao siêu, nhiệm mầu, vượt quá sự diễn tả của ngôn ngữ nhân loại và hiệu quả của bí tích này siêu việt mọi cảm quan của con người.
Bí Tích Thánh Thể hiện tại hóa Biến Cố Đức Giê-su trong hành trình trần thế mà cao điểm là Cuộc Vượt Qua (đau khổ, chết và phục sinh) của Người. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,14). Đặc biệt, tác giả cho mọi người biết rằng các hình thức hiến tế Cựu Ước được lặp đi lặp lại nhưng không có khả năng xóa bỏ tội lỗi. Trong khi đó, hiến tế của Đức Giê-su là hiến tế một lần cho tất cả (once-for-all sacrifice): “Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình” (Dt 9,26). Dưới nhãn quan của thánh Tô-ma A-qui-nô, Bí Tích Thánh Thể cao cả hơn các bí tích khác bởi vì đây vừa là bí tích (sacrament), vừa là hiến tế (sacrifice) mà Đức Giê-su thực hiện vì mọi người trong gia đình nhân loại (Thomas Aquinas, Summa Theologiae III, q.79, a.5). Quả thực, tất cả các bí tích đều có nghĩa ‘hiến tế’ nhưng hiến tế của Bí Tích Thánh Thể thật đặc thù và cao cả hơn các hình thức hiến tế nơi các bí tích khác trong đời sống Giáo Hội.
Công Đồng Tren-tô (1545-1563) khẳng định rằng sự hiện diện của Đức Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể là sự hiện diện đích thực (truly), thực sự (really) và bản thể (substantially), nghĩa là sự hiện diện trọn vẹn của Mình và Máu Đức Giê-su cùng với linh hồn và thần tính của Người (DS 1651). Trong khi đó, các hình thức hiện diện khác của Người không cùng tầm mức như vậy, chẳng hạn như sự hiện diện của Người trong Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Giải Tội, Xức Dầu Thánh, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối. Trong các bí tích này, Đức Giê-su hiện diện theo nghĩa thiêng liêng (spiritual): Quyền năng và ân sủng của Người được trao ban cho người lãnh nhận và điều này phân biệt với bản thể (substance) của bánh và bản thể (substance) của rượu được biến đổi (transubstantiation) và trở nên Mình và Máu Người. Thánh Tô-ma A-qui-nô khẳng định: “Bí Tích Thánh Thể được hoàn thành trong việc thánh hiến chất thể, trong khi các bí tích khác được hoàn thành trong việc dùng chất thể để thánh hóa người lãnh nhận” (Thomas Aquinas, Summa Theologiae III, q.73, a.1). Trên bàn thờ, sau khi thánh hóa, người trần mắt thịt vẫn thấy bánh và rượu nhưng thực sự bánh và rượu đã biến đổi bản thể và trở thành Mình và Máu Đức Ki-tô. Dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, vị chủ tế đọc lại lời của Đức Giê-su, bánh và rượu trở thành Mình và Máu Người (Mysterium Fidei 49). Như vậy, quyền năng đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ vị chủ tế Thánh Lễ. Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng Lời Chúa đã sáng tạo muôn vật muôn loài từ hư vô. Trong Bí Tích Thánh Thể, Lời Chúa biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Ki-tô. Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta nhận thức rằng, xét về mặt lô-gích, việc làm cho một thực tại được hiện diện từ hư vô (ex nihilo/ out of nothing) khó hiểu hơn việc làm cho một thực tại đã hiện diện được biến đổi thành thực tại khác hoàn thiện hơn.
Khi đề cập tương quan giữa sự hiện diện của Đức Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể và các hình thức hiện diện khác, thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI viết: “Sự hiện diện này được gọi là ‘thật’ không phải để loại trừ ý tưởng rằng những sự hiện diện khác cũng ‘thật’ mà đúng hơn là diễn tả sự hiện diện tuyệt hảo, bởi vì sự hiện diện ở đây là thật [về bản chất] và qua đó, Đức Ki-tô hiện diện cách sung mãn và trọn vẹn, Thiên Chúa và con người” (Mysterium Fidei 39). Thánh nhân cũng giải thích rằng sẽ là sai lầm khi xem sự hiện diện của Đức Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể như là sự hiện diện trong thần khí của Đấng Phục Sinh ở khắp mọi nơi hay xem sự hiện diện của Người như là dấu chỉ hữu hiệu của sự liên kết với các tín hữu là các thành phần trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Người (Mysterium Fidei 39).
Sự hiện diện của Đức Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể phân biệt với các bí tích khác bởi vì trong bí tích này, Người hiện diện (1) nơi cộng đoàn tham dự, (2) nơi lời của Thiên Chúa được công bố và chia sẻ, (3) nơi thừa tác viên cử hành và (4) nơi bánh và rượu trở thành Mình và Máu Người. Quan sát tiến trình cử hành Bí Tích Thánh Thể, chúng ta nhận thức rằng sự hiện diện của Đức Giê-su trong bí tích này là ‘sự hiện diện tiệm tiến’ từ những hình thức chung nhất (hiện diện bởi quyền năng, ân sủng) tới hình thức huyền nhiệm nhất là sự hiện diện dưới hình bánh rượu được ‘biến đổi bản thể’ và trở thành Mình và Máu Người. Đây là sự hiện diện cụ thể đến nỗi con người có thể ‘cầm lấy mà ăn vì đó là Mình Thánh Người’, ‘cầm lấy mà uống vì đó là Máu Thánh Người’. Đây cũng là lý do giải thích tại sao Bí Tích Thánh Thể được gọi là ‘nguồn mạch’ và ‘chóp đỉnh’ của đời sống Ki-tô hữu và cũng là ‘nguồn mạch’ và ‘chóp đỉnh’ của đời sống Giáo Hội (LG 11).
Trong những thập niên hậu bán thế kỷ XX, một số thần học gia giới thiệu những hạn từ mới liên quan đến việc biến đổi của bánh và rượu trong Bí Tích Thánh Thể, trong đó ‘biến đổi mục đích’ (transfinalization) và ‘biến đổi ý nghĩa’ (transignification) là hai hạn từ đáng được chúng ta quan tâm nhất. Theo họ, bánh và rượu, sản phẩm của hoa màu ruộng đất và công lao của con người được tiến dâng trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần và lời của Đức Giê-su, mang mục đích mới và ý nghĩa mới. Họ cho rằng những hạn từ này có thể giúp các tín hữu ý thức hơn về sự hiện diện của Đức Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể. Tuy nhiên, trong Thông Điệp ‘Mầu Nhiệm Đức Tin’ (Mysterium Fidei), thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI tái khẳng định giáo lý về việc biến đổi bản thể (transubstantiation) của bánh và rượu, nghĩa là bánh và rượu trở thành Mình và Máu Đức Ki-tô. Do đó, khi được thánh hóa, bánh và rượu được biến đổi bản thể, nghĩa là không còn là bánh và rượu thông thường nữa nhưng trở thành những thực thể mới, mang mục đích mới và ý nghĩa mới nhằm nuôi dưỡng đời sống linh hồn của các tín hữu trong hành trình trần thế.
Giữa trần gian, con người luôn phải đối diện với nhiều nghịch cảnh, nghịch lý trong đời sống nội tại cũng như trong tương quan với anh chị em, tương quan với thế giới thụ tạo và nhất là tương quan với Thiên Chúa. Một mặt, chúng ta khẳng định rằng ngôn ngữ và biểu tượng trong các nền văn hóa của gia đình nhân loại luôn giới hạn để trình bày những gì liên quan đến Thiên Chúa. Mặt khác, ngoài ngôn ngữ và biểu tượng, con người khó có thể tiếp cận Thiên Chúa. Trong Bí Tích Thánh Thể, bánh và rượu sau khi thánh hóa trở thành Mình và Máu Đức Ki-tô thực sự chứ không phải là dấu chỉ nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của Người trong mọi nơi mọi lúc hay giúp mọi người hướng về hành trình lịch sử của Người giữa gia đình nhân loại. Nói cách khác, khi nói rằng ‘này là Mình Thầy, này là Máu Thầy’, Đức Giê-su đồng hóa Người với bánh và rượu được thánh hóa. Người trần mắt thịt nhìn thấy bánh và rượu sau khi được thánh hóa vẫn trong tình trạng tự nhiên nhưng với con mắt đức tin, bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Đức Ki-tô. Ai lãnh nhận Người thì được hiệp nhất với Người, với nhau và với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Quả thực, biến đổi bản thể (substantial change) khác với việc biến đổi trong thế giới vật lý (physical change) mà con người có kinh nghiệm.
Thánh Phao-lô cho mọi người biết rằng ai thông phần Mình và Máu Đức Ki-tô thì nên một với nhau. Thánh nhân vừa đặt câu hỏi, vừa đưa ra câu trả lời cách mạch lạc như sau: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,16-17). Như tấm bánh được kết tinh bởi nhiều hạt lúa và như ly rượu được kết tinh bởi nhiều trái nho, các Ki-tô hữu tuy nhiều nhưng nên một với nhau. Trong Bí Tích Thánh Thể, họ nhận lấy Đức Ki-tô (Mình và Máu cùng linh hồn và thần tính của Người), đồng thời, nhận lấy ân sủng của Thiên Chúa cũng như nhận lấy hay hiệp thông với mọi thành phần trong Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô là Giáo Hội. Đó là lý do tại sao Bí Tích Thánh Thể thường được gọi là bí tích hiệp thông: Hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, với nhau và với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Quả thực, chúng ta biết rằng từ buổi sơ khai của Giáo Hội, các Tông Đồ tụ họp cùng nhau và cùng với Đức Ma-ri-a cầu nguyện và cử hành Bí Tích Thánh Thể như trình thuật của tác giả sách Tông Đồ Công Vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Nhờ việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, các cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên đã ý thức về sự hiệp nhất nên một trong đức tin và trong đời sống hằng ngày: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Khi đề cập sự hiệp nhất trong Giáo Hội, thánh Síp-ri-a-nô viết: “Có một Thiên Chúa, và một Đấng Ki-tô; và Giáo Hội của Người là một, và đức tin là một; và một dân tộc, được kết hợp với nhau trong sự hiệp nhất vững bền của thân thể trong mối liên kết hòa hợp. Sự hiệp nhất này không thể bị phá vỡ, cũng như thân thể không bị chia cắt bởi sự tách rời các phần tử của nó” (Cyprianus, De Catholicae Ecclesiae Unitate 23).
Các Ki-tô hữu trở thành những chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô là Giáo Hội như lời của thánh Phao-lô: “Anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,27). Mỗi người được trao ban ơn gọi và đặc sủng phân biệt nhau nhưng tất cả chung mục đích là xây dựng Thân Thể: “Nếu anh em là thân thể Đức Ki-tô và là những chi thể của Người thì anh em sẽ thấy được mầu nhiệm của mình trên bàn tiệc của Chúa. Vâng, anh em nhận được mầu nhiệm của chính mình” (Augustine, Sermon 272). Thánh Au-gút-ti-nô dùng hình ảnh sống động sau đây để diễn tả tương quan giữa các Ki-tô hữu và Bí Tích Thánh Thể: “Khi bạn được trừ tà, theo một cách nào đó, bạn được xay xát (nghiền nát). Khi bạn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, bạn đã được làm ẩm (ủ ẩm). Khi bạn lãnh nhận ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, bạn được nướng lên. Hãy là những gì bạn thấy và lãnh nhận những gì bạn là” (Augustine, Sermon 272). Theo thánh Lê-ô Cả, cùng nhau cử hành Bí Tích Thánh Thể và lãnh nhận Mình và Máu Đức Ki-tô làm cho chúng ta ngày càng được biến đổi trong Người, nghĩa là chúng ta được nên một với Đấng mà chúng ta lãnh nhận (Leo the Great, Sermon 63,7).
Người tham dự Bí Tích Thánh Thể không dừng lại ở việc cử hành (celebration) mà còn ý thức về hiệu quả là gia tăng tinh thần bác ái (caritas/charity) trong cộng đoàn cũng như trong mọi hoàn cảnh sống của mình. Đó là một trong những lý do giải thích tại sao khi trình thuật Bữa Ăn Cuối Cùng (Last Supper), thánh Gio-an Tông Đồ không nhắc lại hy tế thập giá mà nhấn mạnh việc thực thi bác ái với anh chị em qua việc Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-17). Quả thực, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể cũng là cộng đoàn diễn tả tình yêu như được đề cập trong sách Tông Đồ Công Vụ: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu” (Cv 2,44-45) hay: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,46-47). Trong tác phẩm Hộ Giáo (Ἀπολογία/ Apología/ Apology), Tertullian (văn sĩ Ki-tô Giáo, 155–220) cho độc giả cảm nhận được đức tin và hành động can trường của các Ki-tô hữu thời Giáo Hội sơ khai: “Xem kìa, họ yêu thương nhau biết chừng nào, họ dám sẵn sàng chết cho nhau!” (Tertullian, Apology 39). Bí Tích Thánh Thể không kết thúc ở việc cử hành, không kết thúc ở việc bánh và rượu trở thành Mình và Máu Người, không kết thúc ở việc mỗi người lãnh nhận Mình và Máu Người mà còn hướng tới sự hiệp nhất nên một của những người tham dự, đồng thời, hướng tới mọi người trong gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Điều này có nghĩa rằng cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể cũng là cộng đoàn sống và làm chứng cho Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho đến thời Người hiển trị như lời của thánh Phao-lô: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết cho tới khi Người lại đến” (1 Cr 11,26).
5. Đức Giê-su Hiển Trị
Như đề cập ở trên, Đức Giê-su luôn hiện diện trong gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài trong mọi thời và khắp mọi nơi. Tuy nhiên, có ‘hai lần’ Người đến cách đặc biệt nhất là (1) nhập thể và (2) hiển trị, quang lâm (παρουσία/ parousia). Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, từ quang lâm có hai nghĩa chính là ‘hiện diện’ (presence) và ‘đến’ (coming). Từ này được sử dụng khá phổ biến từ thời Plotemy (305-30, trước Công Nguyên) tới tận thế kỷ thứ hai (sau Công Nguyên) để diễn tả cuộc viếng thăm của vua chúa hoặc hoàng đế ở một nơi nào đó. Trong tiếng Hy-lạp, từ này còn diễn tả sự hiện diện của sức mạnh thần linh nơi môi trường vạn vật. Trong Tân Ước, từ này chủ yếu dùng để diễn tả việc Đức Giê-su đến lần thứ hai trong uy linh, phân biệt với việc Người đến lần thứ nhất trong thân phận yếu hèn của con người. Từ này mang nghĩa cánh chung, diễn tả biến cố Thiên Chúa quy tụ muôn vật muôn loài trong Con Yêu Dấu của Người là Đức Giê-su. Các ký giả Tin Mừng (nhất là thánh Mát-thêu), các thư Phao-lô (nhất là hai thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca) và sách Khải Huyền trình bày khá rõ nét về việc Đức Giê-su hiển trị, quang lâm để phán xét kẻ sống và kẻ chết (Mt 24,1-14; Mc 13,24-27; 1 Tx 4,13-18; 1 Tx 5,23; 2 Tx 2,8; Kh 19,11-16; Kh 22,20).
Dưới nhãn quan mặc khải Kinh Thánh, Biến Cố Nhập Thể (Ἐνσάρκωσις/ Ensárkosis) và Biến Cố Cánh Chung (Ἔσχατον/ Eschaton) đi đôi với nhau và định dạng lẫn nhau bởi vì Đức Giê-su nhập thể cũng là Đức Giê-su cánh chung hay quang lâm và ngược lại. Biến Cố Đức Giê-su là biến cố một lần cho tất cả (once-for-all event), bao trùm quá khứ, hiện tại và tương lai của con người cũng như vạn vật. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận biến cố Đức Giê-su quang lâm trong toàn cảnh của chương trình Thiên Chúa sáng tạo, cứu độ và thánh hóa, chứ không chỉ trong ‘thời cuối cùng’ của vạn vật mà thôi. Quả thực, sự hiện diện của Đức Giê-su trong hành trình trần thế cũng có thể gọi là sự hiện diện của cánh chung, cánh chung hiện diện nhưng chưa hoàn thành (already and not yet/ déja-là et pas encore: ‘Already’, nghĩa là Đức Giê-su đã đến; ‘not yet’ nghĩa là Đức Giê-su sẽ đến).
Đức Giê-su hiển trị, quang lâm (parousia) thường được hiểu như là kết thúc của tiến trình thăng trầm lịch sử theo giời gian (χρόνος/ chronos) hơn là thời gian theo nghĩa biến cố hay cơ hội (καιρός/ kairos) đã, đang và sẽ hoàn thành trong tương lai. Quả thực, sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa gia đình nhân loại trong khoảng không gian, thời gian nhất định thật quan trọng. Tuy nhiên, dưới nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo, điều quan trọng hơn là chúng ta cần ý thức về sự hiện diện và hoạt động của Người theo nghĩa biến cố hay cơ hội (event or opportunity). Bởi vì, nhờ Người, gia đình nhân loại cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo bước sang trang sử mới, trang sử tái tạo, thánh hóa và cứu độ. Trong đó, con người và vạn vật được định hướng về thời viên mãn, thời hiển trị, thời quang lâm theo kế hoạch muôn thuở của Thiên Chúa.
Nhiều trình thuật Cựu Ước đã loan báo việc Đức Giê-su hiển trị, Đức Giê-su quang lâm, chẳng hạn như trong các Thánh Vịnh: “Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào tay Thái Tử, để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn” (Tv 72,1-2); “Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” (Tv 72,7) hay: “Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con. Từ Xi-on, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ” (Tv 110,1-2). Một số trình thuật trong các sách ngôn sứ cũng cho chúng ta nhận thức ngữ cảnh tương tự, chẳng hạn: “Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền. Bên cạnh Người, này công lao lập được, trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên” (Is 40,10) hay: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa” (Is 65,17). Sách ngôn sứ Đa-ni-en và Da-ca-ri-a cũng cho chúng ta biết về vương quyền của Đức Giê-su hiển trị, vương quyền vĩnh cửu và muôn dân muôn nước phải phụng thờ Người (Đn 7,13-14; Dcr 6,12-13).
Đức Giê-su đề cập việc Người hiển trị từ khá sớm trong hành trình loan báo Tin Mừng. Chẳng hạn, khi giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng, Người nói: “Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ” (Mt 13,41-43). Trong diễn từ về Chúa Con, Đức Giê-su nói: “Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó: Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29). Mặc dù từ quang lâm (parousia) không xuất hiện nhưng Đức Giê-su nói về việc Người sẽ trở lại hoặc Người thiết lập Vương Quốc Thiên Chúa. Những chủ đề như sự thật, hòa bình và công lý viên mãn được Người quảng diễn khi đề cập thời quang lâm của Người. Trong cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với vị thượng tế và những người trong Thượng Hội Đồng Do-thái: “Tôi nói cho các ông hay: Từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” (Mt 26,64).
Trong các thư của thánh Phao-lô gửi các giáo đoàn, ngài luôn mời gọi mọi người quan tâm cùng đích của đời mình, nghĩa là quan tâm thời gặp gỡ Đức Giê-su quang lâm diện đối diện. Chẳng hạn, ngài viết cho các tín hữu Cô-rin-tô: “Mỗi người theo thứ tự của mình: Mở đường là Đức Ki-tô, rồi khi Đức Ki-tô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (1 Cr 15,23) hay: “Tôi tin chắc rằng Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm” (Pl 1,6). Ngài mời gọi các Ki-tô hữu gắn bó với giáo huấn ngài giảng dạy, đặc biệt, luôn sống trong tinh thần hoán cải, thanh tẩy tâm hồn, chịu đựng thử thách (1 Tm 6,14-15; 2 Tx 2,1-3; 2 Tx 2,8). Đồng thời, ngài mời gọi họ gắn bó với Lời Chúa và nên khí cụ phản chiếu ánh sáng Đức Giê-su giữa gia đình nhân loại mà ngài hằng trung tín loan báo cũng như vì đó mà ngài phải gánh chịu muôn vàn đau khổ, thử thách (Pl 2,15-18).
Tác giả sách Khải Huyền trình thuật lời của Đức Giê-su rằng Người là Đấng hằng sống đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết và đã phục sinh vinh hiển (Kh 1,17-18). Cảnh tượng thời Đức Giê-su quang lâm được tác giả sách Khải Huyền trình bày qua nhiều hình ảnh, chẳng hạn như: “Tôi thấy: Kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” (Kh 7,9-10) hay tác giả trình thuật lời Đức Giê-su quang lâm: “Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tùy theo việc mình làm. Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22,12-13). Trích đoạn này cho chúng ta nhận thức rằng Đức Giê-su là tất cả bởi vì nhờ Người, muôn vật muôn loài được hiện diện, trong Người, muôn vật muôn loài được tồn tại và với Người, muôn vật muôn loài được biến đổi cách sung mãn trong thời Người hiển trị.
Đức Giê-su hiển trị, quang lâm cũng là Vị Thẩm Phán xét xử mọi người (Mt 25,31-46; Mc 8,34-38). Điều này đã được loan báo trong Cựu Ước, chẳng hạn: “Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người” (Tv 96,13) hay: “Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán” (Is 40,5). Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su tiếp tục triển khai chủ đề này và cho mọi người biết rằng lời của Thiên Chúa trong Cựu Ước được ứng nghiệm. Chẳng hạn, khi trình bày điều kiện phải có để theo Người, Đức Giê-su nói: “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16,27). Đặc biệt, trong bài giảng về thời cánh chung, Người nói: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25,31-32). Những trích đoạn này giúp chúng ta nhận thức rằng Người là Đấng ‘yêu thương vô cùng’, đồng thời, Người cũng là Đấng ‘công minh vô cùng’. Mọi người được mời gọi không ngừng suy niệm điều đó cũng như bao điều khác nữa trong nội dung mặc khải Ki-tô Giáo mà tâm trí con người khó có thể hiểu biết cách đầy đủ đường lối của Thiên Chúa được diễn tả cách sung mãn nơi Con Yêu Dấu của Người là Đức Giê-su.
Thánh Phao-lô trình bày khá chi tiết trong các thư của ngài về việc Đức Giê-su quang lâm là Vị Thẩm Phán xét xử (Rm 14,10-12; 2 Tx 1:7-10; 2 Tm 4,1). Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, ngài viết về việc xét xử như sau: “Công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa” (1 Cr 3,13-15). Dựa trên mặc khải Kinh Thánh, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI cũng như nhiều thần học gia hiện đại không ngừng quảng diễn rằng Đức Giê-su vừa là lửa thiêu đốt để thanh luyện, vừa là Thẩm Phán chí công, vừa là Đấng cứu độ (Mt 3,11; Lc 12,49; Ga 5,22-23; Lc 2,11). Theo đó, dưới cái nhìn của Người, mọi sự dối trá đều tan biến. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI nhấn mạnh rằng cuộc gặp gỡ với Người thiêu đốt chúng ta, biến đổi chúng ta, giải thoát chúng ta, cho phép chúng ta trở nên đích thực là chính mình (Spe Salvi 6). Sách ngôn sứ Ma-la-khi giúp mọi người hiểu thêm về điều này: “Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, – Đức Chúa các đạo binh phán. Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt” (Ml 3,1-2). Trình thuật Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu và thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô cho mọi người biết rằng cuộc quang lâm của Đức Giê-su cũng là cuộc phán xét cuối cùng để phân biệt giữa tốt và xấu, lúa và cỏ lùng, người lành và kẻ dữ: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30); “Tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước tòa Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5,10). Như vậy, chẳng có gì trong thế giới thụ tạo, trong gia đình nhân loại, trong tâm trí con người lại quá lạ lẫm hay ẩn giấu dưới cái nhìn của Đức Giê-su là ‘ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật’.
Mọi người được mời gọi đặt niềm tin tưởng vào chương trình của Thiên Chúa được Đức Giê-su thực hiện. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Khi chú giải câu này, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI quả quyết rằng đức tin không chỉ giúp con người hướng về những gì còn quá xa xôi hay hoàn toàn bị che khuất vắng bóng nhưng cho chúng ta ‘điều gì đó’ trong hiện tại và tạo nên ‘bằng chứng’ về những gì chưa thấy. Đức tin ‘kéo tương lai tới hiện tại’ và vì vậy nó không đơn thuần chỉ là điều ‘chưa có’. Chính sự tồn tại của tương lai làm thay đổi hiện tại, hiện tại được ‘đụng chạm’ bởi tương lai và như vậy, tương lai và hiện tại hòa tràn vào nhau trong thực thể có tên là con người (Spe Salvi 7). Quả thực, nhờ đức tin bén rễ trong đời sống, con người hướng về tương lai và thực thi những điều phù hợp hơn để tương lai ‘tham gia hiện tại’ trong mỗi giây phút đời mình. Tác giả thư gửi tín hữu Do-thái viết: “Vậy, anh em đừng đánh mất lòng tin tưởng mạnh dạn của anh em; lòng tin tưởng đó sẽ mang lại một phần thưởng lớn lao. Anh em cần phải kiên nhẫn, để sau khi thi hành ý Thiên Chúa, anh em được hưởng điều Người đã hứa” (Dt 10,35-36). Đặc biệt, dưới nhãn quan Kinh Thánh, niềm tin và niềm hy vọng đi đôi với nhau và nhiều khi đồng nghĩa với nhau bởi vì người tin tưởng cũng là người hy vọng và ngược lại. Thánh Phê-rô mời gọi các tín hữu: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15). Đồng thời, thánh nhân mời gọi các tín hữu hãy trả lời với lương tâm ngay thẳng trong tinh thần hiền hòa, kính trọng (1 Pr 3,16-17).
Ai ý thức về việc Đức Giê-su quang lâm thì cũng ý thức về sự cần thiết để cộng tác với Người trong việc biến đổi bản thân trong hành trình trần thế này. Đặc biệt, ai kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su thì cũng kết hiệp mật thiết với Cha của Người như lời của Đức Giê-su trước khi bước vào cuộc khổ nạn (Ga 14,20-23). Quả thực, tất cả các hình thức phụng vụ trong đời sống Giáo Hội nhờ Đức Giê-su, với Đức Giê-su và trong Đức Giê-su đều hướng tới ba mục đích căn bản là (1) hoán cải, (2) thánh hóa (sanctification) và (3) tôn vinh (glorification) Thiên Chúa (Mt 11,27; Ga 4,23-24; Pl 2,10-11). Công Đồng Vatican II khẳng định: “Trong công cuộc vĩ đại tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo và thánh hóa mọi người, Chúa Ki-tô hằng kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất quý yêu và Giáo Hội kêu cầu Người như Chúa mình và nhờ chính Người phụng thờ Chúa Cha Hằng Hữu” (SC 7). Là Thiên Chúa thật và con người thật, Đức Giê-su luôn nhân danh toàn thể gia đình nhân loại để phụng thờ và tôn vinh Thiên Chúa hầu đem lại ơn cứu độ cho mọi người.
Biến Cố Đức Giê-su quang lâm vừa mang chiều kích cá nhân, vừa mang chiều kích tập thể, vừa mang chiều kích hoàn vũ, trong đó: (1) Cánh chung cá nhân (individual eschaton) liên quan đến mỗi người, (2) cánh chung tập thể (collective eschaton) liên quan đến mọi người trong gia đình nhân loại và (3) cánh chung hoàn vũ (universal eschaton) liên quan đến muôn vật muôn loài. Thánh Phao-lô trình bày như sau: “Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: Thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Ep 1,9-10). Đặc biệt, thời Đức Giê-su quang lâm, thời cánh chung cũng là thời mà những loan báo về Vương Quốc hay Triều Đại Thiên Chúa tỏ hiện sung mãn (Tv 145,13; Đn 7,14; Ge 2,1; Kb 3,3). Nói cách khác, thời Đức Giê-su quang lâm cũng là thời Nước Thiên Chúa vẹn toàn.
Theo thánh A-tha-na-xi-ô, Đức Giê-su đến lần thứ hai trong vinh quang để ban tặng hoa trái thập giá là sự phục sinh bất tử trong Vương Quốc Thiên Chúa cho những ai sống đời ngay lành (Athanasius, On the Incarnation of the Word 56.3). Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện cho ‘Nước Cha hiển trị’, nghĩa là Nước Thiên Chúa hiện diện và những giá trị của Nước Thiên Chúa được diễn tả nơi mọi chiều kích của cuộc sống con người, đặc biệt, trong thời cánh chung. Đức Giê-su khẳng định điều này trong bài giảng về thời cánh chung khi Người nói: “Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng” (Mt 24,14). Thời cánh chung, thời Đức Giê-su quang lâm cũng là thời minh chứng rằng tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn mọi mãnh lực mà con người có thể kinh nghiệm, kể cả sự chết, như thánh Phao-lô khẳng định: “Tôi tin chắc rằng cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Đức Giê-su không ngừng gõ cửa tâm hồn mọi người và mời gọi mọi người sống tinh thần ‘tỉnh thức, cầu nguyện, tạ ơn’ trong mọi hoàn cảnh (1 Tx 5,18). Người đến ‘bất ngờ’, do đó, mọi người được mời gọi hãy kiên nhẫn, hãy sẵn sàng, hãy chờ đợi bằng việc vâng nghe huấn lệnh của Người (Mt 24,27; Mt 25,1-13; Lc 21,34-36). Thánh Gio-an Tông Đồ, Thánh Phê-rô và Phao-lô khuyên dạy các Ki-tô hữu luôn sống theo tinh thần đó (1 Ga 2,28; 2 Pr 3,13-14; Rm 13,11-12). Trong hành trình lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay” (Lc 12,35-36). Tương tự như vậy, trong bài giảng về thời cánh chung, Người nói: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,42-44). Lời Đức Giê-su trong sách Khải Huyền vang vọng lời của Người trong hành trình trần thế: “Đây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ canh thức” (Kh 16,15). Đặc biệt, thánh Phao-lô giúp mọi người hiểu biết cụ thể hơn về thời Đức Giê-su hiển trị, quang lâm rằng: “Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết, vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô… Lúc muôn loài đã quy phục Đức Ki-tô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,25-28). Như vậy, tiếng nói cuối cùng của con người và vạn vật không phải là tiếng nói của thần chết, của ma quỷ, thế gian, xác thịt nhưng là tiếng nói của Thiên Chúa tình yêu, hằng sống và hiển trị (Is 25,8; 2 Tx 2,7-8). Do đó, mọi người hãy gắn bó với Đức Giê-su và không ngừng thầm thĩ với Người: “Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!” (Kh 22,20).
Kết Luận
Những trình bày trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng Đường Hiện Diện của Đức Giê-su thật nhiệm mầu. Do đó, không ai có thể liệt kê hay tóm lược các hình thức hiện diện của Người cách đầy đủ. Trong mọi hoàn cảnh, Người vừa hiện diện nơi mỗi thực thể của thế giới thụ tạo, vừa siêu việt mọi thực thể của thế giới này. Năm hình thức hiện diện của Đức Giê-su (hằng hữu, hiệp nhất, Hội Thánh, huyền nhiệm và hiển trị) mà chúng ta xem xét và diễn tả được xem là năm hình thức ‘hiện diện chính yếu’ của Người theo mặc khải Kinh Thánh. Cùng với các hình thức hiện diện khác, năm hình thức hiện diện này cho phép chúng ta có tầm nhìn đầy đủ hơn về nội dung đức tin Ki-tô Giáo cũng như chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và muôn vật muôn loài.
Nhờ giáo huấn của Đức Giê-su mà chúng ta hiểu biết hơn về đời sống nội tại của Thiên Chúa toàn năng (omnipotence), toàn tri (omniscience), toàn hiện (omnipresence). Theo đó, Thiên Chúa duy nhất cũng là Thiên Chúa Ba Ngôi (Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần) và ngược lại. Ba Ngôi đồng bản thể và phân biệt về Ngôi Vị. Ba Ngôi thông hiệp với nhau cách sung mãn trong đời sống nội tại cũng như trong chương trình sáng tạo, cứu độ, thánh hóa con người và biến đổi muôn vật muôn loài. Trong đó, Đức Giê-su là Con Một của Chúa Cha, được sinh ra mà không phải được tạo thành. Người là Đấng hằng hữu cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Nhờ Người, muôn vật muôn loài được hiện hữu, đồng thời, nhờ Người mà muôn vật muôn loài được tồn tại, sống động, biến đổi và hướng tới thành toàn trong thời cánh chung.
Đức Giê-su hiệp nhất, Đức Giê-su Hội Thánh (Giáo Hội) và Đức Giê-su huyền nhiệm (Đức Giê-su Thánh Thể) là ba hình thức hiện diện căn bản của Người trong lịch sử nhân loại. Với Biến Cố Nhập Thể, Người đã đến với gia đình nhân loại để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho mọi người, nhất là những người nghèo khó và phải gánh chịu muôn hình thức đau khổ thử thách. Là Thiên Chúa trong thân phận con người, Đức Giê-su đã trút bỏ chính mình và mang lấy tội lỗi của con người mà đưa lên cây thập tự. Người đã thông dự trọn vẹn phận người. Đặc biệt, Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết, sống lại và lên trời để ban ơn cứu độ cho con người và biến đổi vạn vật. Người đã thiết lập Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm của Người để Giáo Hội tiếp tục diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người giữa muôn dân muôn nước. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại với mọi người trong gia đình nhân loại và trao ban sự sống vĩnh cửu cho con người.
Đức Giê-su hiển trị, quang lâm là niềm hy vọng cho con người cũng như vạn vật bởi vì Người là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Cùng Tận, đồng thời, Người là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo và là Trưởng Tử trong những người từ cõi chết sống lại. Người đã đổ máu đào cho con người và vạn vật hầu kiện toàn công trình sáng tạo, cứu độ và thánh hóa của Thiên Chúa. Người đã hiện diện khiêm hạ trong thân phận con người, đang hiện diện nhiệm mầu trong muôn vật muôn loài và sẽ hiện diện cách sung mãn trong thời hiển trị, quang lâm để biểu lộ quyền năng và tình yêu huyền diệu của Thiên Chúa. Thời Đức Giê-su hiển trị, quang lâm cũng là thời tàn lụi vĩnh viễn của các thế lực bóng đêm, của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Đặc biệt, thời hiển trị, quang lâm của Người cũng là thời trời cũ đất cũ qua đi và trời mới đất mới tỏ rạng cho mọi người tin tưởng, yêu mến và thực thi thánh ý Thiên Chúa.
Ai ý thức về sự hiện diện của Đức Giê-su hằng hữu, hiệp nhất, Hội Thánh, huyền nhiệm và hiển trị thì cũng ý thức về sự hiện diện của Người nơi bản thân mình, nơi anh chị em đồng loại cũng như nơi vạn vật. Ai ý thức về sự hiện diện của Người thì cũng biết định hướng tâm trí mình theo giáo huấn của Người hầu mọi tư tưởng, lời nói và hành động đều mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân và cho anh chị em đồng loại. Với tâm trí thấm nhuần mặc khải Thiên Chúa và với con mắt đức tin chân thành, các Ki-tô hữu thâm tín rằng phẩm giá con người cao cả vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Hơn nữa, nhờ sự hiện diện và hoạt động của Đức Giê-su giữa dòng đời, con người không chỉ được khôi phục phẩm giá nguyên thủy đã bị tổn thương vì tội lỗi mà còn trở thành con cái Thiên Chúa trong hành trình trần thế hướng về Quê Hương vĩnh cửu. Ước gì lời của thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê luôn vang vọng trong cõi lòng của con cái gia đình nhân loại: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).
Tin tức liên quan khác
Bài giảng Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (08/12/2024) – Đức Maria là người con, hiền thê và từ mẫu
Toà Tổng Giám mục Huế kính báo: Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể đã an nghỉ trong Chúa
Ý cầu nguyện tháng Tám 2024 của Đức Giáo hoàng: Cầu cho các nhà lãnh đạo chính trị
Giáo phận Bắc Ninh: Thánh lễ tạ ơn ngày 18.07.2023
15 lời hứa Đức Mẹ dành cho những ai trung thành Lần hạt Mân Côi
Thứ Hai tuần 30 Thường niên năm I – Giải thoát (Lc 13,10-17)
Chức giám mục theo Công Đồng Vaticano II
Muốn an ủi Đức Trinh Nữ Maria, điều đó có thực sự hợp lý không?