Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Vatican, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Châu Á đã nói về tầm quan trọng của chuyến tông du của Đức Thánh Cha tới Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Từ ngày 2 đến ngày 13 tháng Chín, trong khuôn khổ chuyến tông du lần thứ 45 của mình, Đức Phanxicô sẽ thăm Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore.
“Chỉ cần thấy nhiều nhà thờ của chúng tôi chật kín người trong thánh lễ Chúa nhật cũng đủ. Bạn sẽ nhận thấy rằng nhiều người châu Á di cư sang các nước khác vẫn giữ được đức tin sống động của mình”. Trong cuộc phỏng vấn dài với truyền thông Vatican, Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục giáo phận Rangoun ở Miến Điện và là chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC), đã mô tả về Châu Á và Châu Đại Dương mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm trong chuyến tông du tới Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore, từ ngày 2 đến ngày 13 tháng Chín, đánh dấu chuyến tông du thứ 45 của ngài ra nước ngoài.
Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Hồng y Bo nói về một Giáo hội ở Châu Á mà, bất chấp những thách thức về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa, và sự kiện là “không phải luôn dễ dàng sống đức tin Kitô giáo ở một số nơi trên lục địa, vẫn tiếp tục không chỉ sống động mà còn năng động theo những cách khác nhau”.
Vatican News : Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du lần thứ 45 tới Châu Á và Châu Đại Dương sau chuyến tông du nước ngoài cuối cùng của ngài vào tháng 9 năm 2023. Đức Hồng y đánh giá thế nào về tầm quan trọng của chuyến tông du này?
ĐHY Charles Maung Bo: Đối với nhiều dân tộc Châu Á, họ chỉ nghe nói về Đức Giáo Hoàng và ngày nay, hơn bao giờ hết, họ có cơ hội nhìn thấy ngài qua phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Tuy nhiên, đối với dân chúng nói chung, Đức Giáo hoàng có phần “xa cách”. Việc Đức Giáo hoàng đến Châu Á không chỉ khơi dậy sự phấn khởi mà còn lòng nhiệt thành đối với đức tin và mang lại cho người dân Châu Á một ý thức mới về đức tin, bởi vì nó chứng tỏ rằng các dân tộc Châu Á không xa lạ với tinh thần và trái tim của Đức Thánh Cha.
Điều đáng khích lệ hơn nữa là Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn thăm các nước nhỏ hơn, ít được thế giới biết đến hơn, chẳng hạn như Papua New Guinea và Đông Timor, trong chuyến viếng thăm châu Á này, một chuyến viếng thăm mang đến cho thế giới cơ hội biết đến các Giáo hội của các nước này. Mọi người rất phấn khởi, không chỉ vì họ sẽ được gặp đích thân Đức Thánh Cha, mà tôi tin chắc, vì sẽ có một sự đổi mới trong đời sống và đức tin của các Giáo hội địa phương.
Vatican News : Với tư cách là chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, sự đa dạng của các nước Á Châu làm cho chuyến viếng thăm này có ý nghĩa đặc biệt như thế nào? Chẳng hạn, người ta nghĩ đến sự giàu có của Singapore, sự nghèo đói của Papua New Guinea, đa số người Hồi giáo ở Indonesia và đa số người Công giáo ở Đông Timor, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha. Điều thú vị cần lưu ý ở đây là gì?
ĐHY Charles Maung Bo: Điểm đặc biệt của Châu Á nằm ở sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo và truyền thống. Mặc dù Kitô hữu là thiểu số ở hầu hết các nước châu Á, ngoại trừ Philippines và Đông Timor, nhưng chúng tôi đang ghi nhận sự tăng trưởng đức tin.
Các Giáo hội tại Châu Á, mặc dù nhỏ bé, nhưng vẫn năng động và sống động. Đức Thánh Cha sẽ có cái nhìn bao quát về sự đa dạng năng động của các Giáo hội Châu Á và đức tin của người dân nơi đây. Dù họ giàu hay nghèo, đa số hay thiểu số, đức tin của người dân vẫn không thể lay chuyển bất chấp những thách thức đa dạng mà họ phải đối mặt ở các nước khác nhau.
Vatican News : Giáo Hội hoàn vũ có thể học được gì từ Giáo Hội Châu Á?
ĐHY Charles Maung Bo: Tôi chợt nghĩ đến ba từ: hòa bình và hòa hợp, và điều làm cho hòa bình và hòa hợp trở thành hiện thực, đó là đối thoại. Bất chấp nhiều thách thức mà các Giáo hội ở Châu Á đang phải đối mặt, mục tiêu của chúng tôi là tìm kiếm hòa bình và hòa hợp. Mọi người đều tìm kiếm hòa bình và hòa hợp, và đó là lý do tại sao, khi đối mặt với áp bức chính trị, nghèo đói, tàn phá khí hậu và nhiều vấn đề khác, Giáo hội phải cùng hợp tác với những người khác để khôi phục hòa bình và hòa hợp cho cuộc sống của những người bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ở châu Á, chúng tôi học cách cộng tác, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng trên hết, chúng tôi đã học cách chung sống như anh chị em bất chấp khó khăn. Tôi tin rằng những con đường dẫn đến hòa bình và hòa hợp thông qua đối thoại là những gì Châu Á có thể cống hiến cho Giáo hội hoàn vũ.
Vatican News : ĐHY có thể nói cho chúng con điều gì về chứng tá của Giáo hội tại Châu Á?
ĐHY Charles Maung Bo: Các Giáo hội tại Châu Á vẫn sống động và năng động. Chỉ cần thấy nhiều nhà thờ của chúng tôi chật kín người trong thánh lễ Chúa nhật cũng đủ. Bạn sẽ nhận thấy rằng nhiều người châu Á di cư sang các nước khác vẫn giữ được đức tin sống động của mình. Họ là những nhà thừa sai của chúng tôi trong những nhà thờ cổ kính này. Họ mang đến niềm hy vọng và lòng nhiệt thành mới mẻ cho “ngôi nhà mới” của họ.
Chúng tôi cũng chứng kiến nhiều Giáo hội bị bách hại trên khắp Châu Á. Không phải luôn dễ dàng sống đức tin Kitô giáo ở một số nơi của Châu Á. Bất chấp những thách thức về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa này, đức tin của họ vẫn tiếp tục không chỉ sống động mà còn năng động theo nhiều cách khác nhau.
Vatican News : Giáo hội Châu Á, hay mỗi trong bốn Giáo hội này, cần điều gì từ Giáo hội? Hoặc từ các xã hội của họ?
ĐHY Charles Maung Bo: Đối với tôi thật khó để nói những gì mà các Giáo hội khác nhau mong đợi từ Giáo hội, nhưng tôi cầu nguyện để chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ khơi dậy lòng nhiệt thành mới mẻ đối với đức tin và tinh thần cởi mở lớn hơn để sống trong hòa bình và chăm sóc lẫn nhau như anh chị em, mỗi người đều quan tâm đến người khác, bất kể chúng tôi có thể có những khác biệt nào.
Vatican News : Đức Thánh Cha đã đến thăm ĐHY ở Miến Điện trước khi đến Bangladesh. Cũng thế, chúng con nhớ lại cảm xúc của ngài khi trở lại châu Á trước đại dịch trong chuyến đi Nhật Bản và Thái Lan. Chuyến đi châu Á này sẽ tạo nên những kỷ niệm mới gì?
ĐHY Charles Maung Bo: Mỗi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đều độc đáo và mới mẻ. Tôi chắc chắn rằng Đức Thánh Cha sẽ có một thông điệp dành cho Châu Á trong chuyến viếng thăm này, cũng như ngài đã làm trong những chuyến viếng thăm trước đây của ngài, và tôi chắc chắn rằng những kỷ niệm sẽ đến một cách tự nhiên và đúng lúc để cảm nhận được hiệu quả của chúng.
Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ mang lại sự đổi mới trong đời sống và đức tin của các Giáo hội tại Châu Á, để họ sẽ trở thành những chứng nhân sống động cho Giáo hội đang phát triển của chúng ta trên thế giới.
Vatican News : ĐHY dành cho chủ đề về khí hậu và bảo vệ môi trường tầm quan trọng nào, khi khu vực này ngày càng phải hứng chịu nhiều thiên tai do khủng hoảng khí hậu?
ĐHY Charles Maung Bo: Những tác động của biến đổi khí hậu đang tàn phá ở châu Á. Vì chủ đề bảo vệ môi trường rất được Đức Thánh Cha yêu thích, nên tôi tin chắc rằng ngài sẽ đề cập đến vấn đề này. Chúng tôi không còn có thể là khán giả nữa, nhưng chúng tôi phải tích cực tham gia vào việc thúc đẩy bảo vệ khí hậu vì công ích của tất cả mọi người. Giáo hội Châu Á cũng phải là nhân vật chính của sự thay đổi này trong khu vực và trên thế giới.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net
Tin tức liên quan khác
Thứ Bảy Tuần Thánh – Ngôi mộ trống (Mc 16,1-8)
Tại sao Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu cho một bản dịch Kinh Thánh mới?
Thư Đức Hồng y Mario Grech mời gọi cầu nguyện cho Thượng Hội đồng
Thứ Sáu tuần 22 Thường niên năm II (Lc 5,33-39)
Thông báo tin giả: “Bất ngờ Tòa Thánh lên tiếng tình hình cha Antôn Đặng Hữu Nam”
Giáo phận Roma kỷ niệm 1.700 năm đền thờ Thánh Gioan Laterano
Đức Hồng Y Tagle: Chuyến viếng thăm Châu Á và Châu Đại Dương của Đức Giáo hoàng là hành động vâng phục sứ mạng
Những tháng ngày xưa ấy…