ĐỨC HỒNG Y MARENGO: CUỘC VIẾNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TỚI MÔNG CỔ LÀM CHO CÁC TÍN HỮU CẢM THẤY MÌNH LÀ TRUNG TÂM CỦA GIÁO HỘI
Vatican News
Vatican News (26.08.2023) – Đức Hồng Y Giorgio Marengo, Phủ doãn Tông tòa thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ nói với Vatican News: “Sự hiện hiện của Đức Thánh Cha tại Mông Cổ làm cho chúng tôi cảm thấy mình là trung tâm của Giáo hội”, và “cuộc viếng thăm này sẽ giúp tăng cường mối quan hệ vốn đã tốt đẹp giữa Toà Thánh và Nhà nước Mông Cổ”.
Những mong đợi
Đi từ khẩu hiệu của chuyến tông du “Cùng nhau hy vọng”, cuộc phỏng vấn được bắt đầu với câu hỏi về những mong đợi của cuộc viếng thăm. Đức Hồng Y tin rằng cuộc viếng thăm sẽ giúp các tín hữu Công giáo Mông Cổ cảm thấy mình là trung tâm của Giáo hội. Ngài nói: “Đối với chúng tôi, về mặt địa lý là những người sống ở một khu vực ngoại vi rất xa của thế giới, sự hiện diện của Đức Thánh Cha sẽ làm cho chúng tôi cảm thấy không xa cách nhưng gần gũi, ở trung tâm của Giáo hội”. Và mong đợi thứ hai, theo Đức Hồng Y, đó là cuộc viếng thăm tăng cường mối quan hệ vốn đã tốt đẹp giữa Toà Thánh và nhà nước Mông Cổ.
Chuẩn bị cuộc viếng thăm
Về những việc chuẩn bị cho cuộc viếng thăm, Đức Hồng Y nhấn mạnh đến chiều kích thiêng liêng. Ngài nói: “Đối với chúng tôi, cuộc viếng thăm này rất quan trọng và vì thế chúng tôi muốn bắt đầu bằng cuộc hành hương với tượng Đức Trinh Nữ Maria mới được tìm thấy cách đây không lâu trong một bãi rác ở phía bắc đất nước. Đức Mẹ đã thánh du viếng thăm các cộng đoàn Công giáo. Trong cuộc rước này, các tín hữu đọc kinh Mân Côi xin phúc lành cho chuyến tông du này”.
Những hoạt động chính của Giáo hội
Đi vào thực tế đời sống Giáo hội, Đức Hồng Y cho biết 70% hoạt động dấn thân của Giáo hội có liên quan đến các dự án thăng tiến con người toàn diện: từ giáo dục đến chăm sóc sức khỏe, cụ thể là chăm sóc những người yếu đuối nhất. Tất nhiên Giáo hội quan tâm đến đời sống đức tin với những hình thức cụ thể cho các dự tòng, tân tòng, đời sống phụng vụ và dạy giáo lý. Đây là những hình thức chăm sóc mục vụ tìm cách tập trung trước hết vào phẩm chất của việc lựa chọn đức tin của dân chúng.
Những thách đố Giáo hội phải đối diện
Mỗi Giáo hội địa phương đều có những thách đố phải đối diện, Giáo hội Mông Cổ cũng vậy. Đức Hồng Y cho biết thách đố đầu tiên quan trọng nhất đó là sống theo Tin Mừng, làm sao để mỗi cộng đoàn trở thành những môn đệ và nhà truyền giáo. Thách đố tiếp theo đó là vấn đề hội nhập văn hoá, điều này cần thời gian, bởi vì nó phải đi cùng với sự trưởng thành đức tin. Và việc đào tạo các giáo lý viên, nhân viên mục vụ, các giáo sĩ địa phương và quốc tế là thách đố thứ ba của Giáo hội tại đây.
Đối thoại liên tôn
Về đối thoại liên tôn trong một đất nước đa số theo Phật giáo, Đức Hồng Y giải thích rằng đối thoại liên tôn đánh dấu kinh nghiệm của Giáo hội ở Mông Cổ. Giáo hội ý thức cần phải có các tương quan với các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác. Trong những năm gần đây, đó là một chiều kích nền tảng luôn đồng hành với các vị mục tử. Chiều kích này đã được tăng cường, trước đây cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo tôn giáo diễn ra một năm một lần, nhưng giờ đây đã được tổ chức hai tháng một lần. Mục đích của các lần gặp gỡ là để hiểu nhau hơn và để chia sẻ hành trình sống của Giáo hội.
Tình hình xã hội đất nước
Trong cuộc phỏng vấn, liên quan đến tình hình đất nước Đức Hồng Y cho biết, xã hội Mông Cổ đang trong một giai đoạn biến đổi lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế buộc đất nước phải thay đổi lối sống ngày càng cởi mở hơn với sự toàn cầu hoá. Sự phát triển nhanh chóng này mang lại những cơ hội nhưng cũng có những rủi ro, chẳng hạn như bỏ lại phía sau những người không thể theo kịp hoặc làm suy yếu một số truyền thống địa phương vốn ủng hộ sự gắn kết xã hội nhiều hơn. Nói tóm lại, đây là một quốc gia muốn chứng tỏ tiềm năng của mình với phần còn lại của thế giới.
Tương quan giữa Giáo hội và xã hội dân sự
Với câu hỏi cuối cùng đề cập đến tương quan giữa Giáo hội và xã hội dân sự, Đức Hồng Y nhận định: “Có một cuộc đối thoại chân thành. Có một mối quan hệ làm phong phú lẫn nhau, đặc biệt là trong những năm gần đây. Bằng sự nhỏ bé của mình, chúng tôi cố gắng đảm bảo rằng trải nghiệm đức tin của chúng tôi có thể làm phong phú thêm xã hội trong sự hài hòa với các thực tại tôn giáo khác. Theo nghĩa này, tôi muốn nhắc lại rằng có rất nhiều sáng kiến hợp tác trong lĩnh vực này đang tỏ ra rất hiệu quả”.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Tin tức liên quan khác
Bí Tích Thánh Thể và đời sống Kitô hữu
Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho Ban lãnh đạo và nhân viên Bệnh viện nhi “Bambino Gesù”, năm 2024
Đức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định lời chúc lành được ban cho tất cả mọi người
Các phản ứng đối với “Fiducia supplicans”: tuyên bố của Bộ Giáo lý Đức tin
Ruffini: Truyền thông Công giáo cần tầm nhìn tiên tri về sự hiệp thông
Inhaxio Loyola – bí quyết tìm lẽ sống cho đời
Ngày 02/02: Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh (Lc 2,22-40)
Linh mục, hiện thân của Chúa Kitô, tiếp tục thi hành sứ mạng thánh hóa con người và thế giới