Đức Thánh Cha nhắc lại rằng giáo dục Kitô giáo là nghệ thuật dẫn dắt người trẻ hướng tới sự viên mãn. Vì thế giáo dục Kitô giáo không chỉ tập trung vào cái đầu, nhưng là ba ngôn ngữ: đầu, con tim và đôi tay. Ngài nói: “Bí quyết của giáo dục là: chúng ta nghĩ những gì chúng ta cảm nhận và làm; chúng ta cảm nhận điều chúng ta nghĩ và làm; và chúng ta làm những gì chúng ta cảm nhận và suy nghĩ”.
Đức Thánh Cha nói tiếp suy tư về điều mà ngài gọi là “ba ngôn ngữ giáo dục”. Trước hết là cái đầu: Về bản chất, Đại học Công giáo cam kết theo đuổi phát triển kiến thức qua học tập và nghiên cứu. Trong thế giới toàn cầu hoá, điều này đòi hỏi phải có cách tiếp cận hợp tác và liên ngành, hợp nhất các lĩnh vực nghiên cứu. Thực tế, những nỗ lực giáo dục do các tổ chức Công giáo thực hiện dựa trên niềm tin vững chắc vào sự hòa hợp nội tại giữa đức tin và lý trí, từ đó nảy sinh tầm quan trọng của sứ điệp Kitô giáo đối với mọi lĩnh vực của đời sống, cá nhân và xã hội. Có một truyền thống trí thức, điều này không có nghĩa là đóng kín, nhưng phải mở ra. Có một truyền thống trí thức mà chúng ta phải luôn gìn giữ và phát triển.
Về ngôn ngữ thứ hai, con tim, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng nếu chúng ta suy nghĩ và không cảm thấy thì chúng ta không phải là con người. Do đó, đại học được mời gọi đồng hành với người trẻ, bằng sự khôn ngoan và tôn trọng, trên các nẻo đường cuộc sống và giúp họ vun trồng một thái độ cởi mở đối với tất cả những gì là chân thiện mỹ. Điều này đòi hỏi phải thiết lập các mối quan hệ thực sự giữa các nhà giáo dục và sinh viên, để tất cả có thể cùng nhau bước đi và hiểu được những câu hỏi, nhu cầu và ước mơ sâu xa của cuộc sống. Bên cạnh đó còn phải thúc đẩy đối thoại và văn hoá gặp gỡ để mọi người có thể học cách nhận ra và yêu thương nhau như anh chị em, là con của cùng một Thiên Chúa. Về điểm này, Đức Thánh Cha khen ngợi Đại học Notre Dame vì đã tạo ra bầu khí giúp sinh viên, giảng viên và nhân viên phát triển về mặt tinh thần và làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng, giúp biến đổi xã hội.
Ngôn ngữ cuối cùng là đôi tay. Đức Thánh Cha nói: “Giáo dục Công giáo dấn thân xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, dạy về sự chung sống, tình liên đới huynh đệ và hòa bình. Chúng ta không thể tiếp tục khép kín trong những bức tường hay giới hạn của các tổ chức của mình, nhưng phải cố gắng đi ra vùng ngoại vi, để gặp gỡ và phục vụ Chúa Kitô nơi người lân cận. Về vấn đề này, tôi khuyến khích những nỗ lực liên tục mà Đại học thực hiện nhằm thúc đẩy sinh viên dấn thân liên đới trước nhu cầu của các cộng đồng thiệt thòi nhất”.
Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha cảm ơn sự phục vụ của Đại học Notre Dame và bày tỏ hy vọng những đóng góp của trung tâm giáo dục này sẽ tiếp tục nâng cao di sản giáo dục Công giáo vững chắc, một phương tiện hướng tới điều tốt đẹp trong xã hội.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.
Tin tức liên quan khác
Diễn văn của ĐTC trong buổi gặp các giám mục, linh mục, tu sĩ, và các nhân viên mục vụ
Những ước nguyện đầu năm mới
“Giáo hội có thể ngăn chặn chiến tranh không?”
Thư của Đức Giáo hoàng Phanxicô về vai trò của văn chương trong đào tạo
Các Giám mục trên thế giới chào mừng Tài liệu làm việc của Thượng hội đồng
Các Giám mục Trung Quốc cảnh báo các tín hữu đừng theo các giáo phái
Thánh Anrê đưa mọi người đến với Chúa Giêsu
Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Marseille từ 22 – 23/09/2023