VATICAN NEWS – Một huấn thị được công bố năm 2000 bởi Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin thời đó đã phân biệt những lời cầu nguyện chữa lành, theo nghi thức và được đưa vào các sách phụng vụ, với những lời cầu nguyện mục vụ hoặc tự phát. Tiêu chuẩn tương tự ngày nay được sử dụng để thừa nhận khả năng chúc lành cho các đôi bạn bất quy tắc.
Tuyên ngôn Fiducia supplicans, được Bộ Giáo lý Đức tin công bố vào tháng 12 năm ngoái, trên thực tế và như nhiều người đã nhấn mạnh, không làm thay đổi giáo lý truyền thống về hôn nhân vốn chỉ dự kiến lời chúc lành hôn ước trong trường hợp một người nam và một người nữ kết hôn. Điều được đào sâu hơn bởi văn kiện, vốn thừa nhận khả năng ban các lời chúc lành đơn giản tự phát cũng dành cho các đôi bạn bất quy tắc hoặc đồng giới mà không có nghĩa là chúc lành cho sự kết hợp của họ hoặc chấp thuận cách sống của họ, đúng hơn đó là bản chất của các lời chúc lành. Quả thế, Fiducia supplicans phân biệt các lời chúc lành phụng vụ hoặc nghi lễ với các lời chúc lành tự phát hoặc mục vụ. Về các lời chúc lành phụng vụ, có hai cách hiểu chúng: một nghĩa rộng, coi bất kỳ lời cầu nguyện nào được thực hiện bởi một thừa tác viên có chức thánh là “phụng vụ”, ngay cả khi nó được ban mà không có hình thức nghi lễ và không tuân theo một văn bản chính thức; và theo nghĩa hẹp hơn, theo đó một lời cầu nguyện hoặc lời khẩn cầu trên con người chỉ mang tính “phụng vụ” khi nó được thực hiện “theo nghi thức”, và chính xác hơn là khi nó dựa trên một văn bản đã được thẩm quyền Giáo hội phê chuẩn.
Trên thực tế, một số phê bình, vốn đã đặt vấn đề về Tuyên ngôn gần đây, chỉ coi nghĩa rộng là hợp pháp và do đó không chấp nhận sự phân biệt giữa những lời cầu nguyện hoặc chúc lành “theo nghi thức” và “phụng vụ”, và những lời cầu nguyện hoặc chúc lành “mục vụ” và “tự phát”. Chúng ta hãy lấy ví dụ về một số phản đối bảo vệ rằng phụng vụ cũng có tầm quan trọng mục vụ. Nhưng về phương diện này, cần lưu ý rằng Fiducia supplicans gán cho từ “mục vụ” một ý nghĩa đặc biệt: đó là sự chú ý đặc biệt hướng tới việc đồng hành với những người được chúc lành; theo hình ảnh “người mục tử nhân lành” không ngừng nghỉ cho đến khi tìm được tất cả những người lạc lối. Những phản đối khác cho rằng tất cả những lời cầu nguyện sẽ là “phụng vụ” và do đó tất cả chúng đều phải tuân theo những yêu cầu của phụng vụ Giáo hội. Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời sự phản đối này trong bài phát biểu của ngài với các tham dự viên phiên họp toàn thể của Bộ Giáo lý Đức tin vào ngày 26 tháng Giêng, bằng cách nhấn mạnh đến sự tồn tại của các lời chúc lành mục vụ hoặc tự phát mà, “bên ngoài bất kỳ bối cảnh và hình thức có tính cách phụng vụ nào, không đòi hỏi phải có sự hoàn thiện về mặt luân lý để được lãnh nhận.” Do đó, những lời của Đức Thánh Cha xác nhận định hướng vốn hệ tại xem xét ý nghĩa chặt chẽ nhất của các lời chúc lành phụng vụ.
Một tiền lệ quan trọng, liên quan đến sự phân biệt giữa những gì là phụng vụ và những gì không phải là phụng vụ, có thể được tìm thấy trong một Huấn thị vào năm 2000, do Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ công bố, có chữ ký của Đức Hồng y Joseph Ratzinger và được Đức Gioan Phaolô II chấp thuận.
Huấn thị này là về những lời cầu nguyện để nhận được sự chữa lành từ Thiên Chúa. Ở điểm số hai của phần đầu tiên của tài liệu, có nhắc lại rằng “phần về những lời chúc lành (De benedictionibus) của sách Nghi thức Rôma (Rituale Romanum) bao gồm một nghi thức chúc lành cho người đau yếu (Ordo benedictionis infirmorum), trong đó có nhiều bản văn cầu nguyện khẩn cầu sự chữa lành”. Trong phần cuối của Huấn thị, dành cho các quy định kỷ luật, tiếp đến có một điều khoản (2) nói như sau: “Những lời cầu nguyện chữa lành được coi là phụng vụ, nếu chúng được tìm thấy trong các sách phụng vụ được thẩm quyền của Giáo hội phê chuẩn; nếu không, chúng không phải là phụng vụ”. Do đó, có những lời cầu nguyện chữa lành theo phụng vụ hoặc nghi lễ, và những lời cầu nguyện khác thì không, nhưng được cho phép một cách hợp pháp. Điều khoản tiếp theo nhắc lại rằng những lời cầu nguyện “phụng vụ được cử hành theo nghi thức quy định và với lễ phục thánh được chỉ rõ trong Ordo benedictionis infirmorum của sách Nghi thức Rôma”. Những trích dẫn này từ bản văn được ký bởi Đức Hồng y Joseph Ratzinger và được Đức Giáo hoàng Karol Wojtyla chấp thuận cho thấy rằng ý nghĩa của thuật ngữ “phụng vụ” được sử dụng trong Fiducia supplicans để xác định các lời chúc lành theo nghi thức, khác với các lời chúc lành mục vụ, chắc chắn biểu thị một sự tiến triển, nhưng nằm trong đường hướng của huấn quyền trong những thập niên gần đây.
Cũng có những khác biệt khác giữa các lời chúc lành: một số lời chúc lành biểu thị việc thánh hiến, hoặc việc ghi dấu bí tích do đôi bạn cử hành (trong trường hợp lời chúc lành hôn ước); những lời chúc lành khác biểu thị những lời cầu nguyện khẩn xin mà từ bên dưới dâng lên Thiên Chúa; những lời chúc lành khác nữa (trong trường hợp trừ tà) nhằm mục đích xua đuổi ác thần. Tuyên ngôn Fiducia supplicans nhiều lần nêu rõ rằng việc ban một lời chúc lành mục vụ hoặc tự phát – không có bất kỳ yếu tố hôn ước nào – cho một đôi bạn “bất quy tắc” đang cầu xin với một linh mục hoặc phó tế không có nghĩa và trong mọi trường hợp không thể là một hình thức tán thành sự kết hợp giữa hai người. Theo tài liệu, nó không thể “mang lại một hình thức hợp pháp hóa về mặt luân lý cho một sự kết hợp có vẻ như là một hôn nhân hoặc một thực hành tình dục ngoài hôn nhân”. Lời chúc lành mục vụ hay tự phát biểu lộ một lời khẩn cầu Thiên Chúa để Ngài cho phép những hạt giống tốt lành phát triển theo hướng Ngài mong muốn.
Andrea Tornielli, Giám đốc Biên tập của Truyền thông Vatican
____________________________
Tý Linh chuyển ngữ
Nguồn: xuanbichvietnam.com
Tin tức liên quan khác
Giáo phận Hà Tĩnh bắt đầu làm mặt bằng Công trình Nhà Chung
Thượng Hội đồng: Chứng từ về Sứ mạng Kỹ thuật số trong Phiên họp khoáng đại thứ VIII
Hội nghị thường niên kỳ I/2022: Ngày làm việc thứ hai
Đức Giê-su Ki-tô – Đường Thiên Chúa quan phòng
Thông báo khai giảng lớp giáo lý hôn nhân và dự tòng khóa II – 2023
Ngài vẫn ở đó…
Phỏng vấn Đức Hồng y Ignatius Suharyo về chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Indonesia
Không là môn đệ chân chính của Chúa