TGPSG/Vatican News — Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Công giáo Ý AgenSIR, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái Lan bày tỏ lo ngại về xung đột đang leo thang tại biên giới với Campuchia và kêu gọi xây dựng văn hóa liên đới và tình huynh đệ.
Bài viết liên quan
- Nhà nước Palestine và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế
- Di dân là “chứng nhân hy vọng đặc tuyển” trong thế giới tan hoang
- Đức Lêô XIV gửi các Giáo lý viên Việt Nam: Các bạn không bao giờ cô đơn
- Giáo hội Hàn Quốc thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ giữa muôn vàn thách thức
- Các tổ chức cứu trợ lên án việc Israel ‘bao vây’ Gaza
“Giáo hội Công giáo Thái Lan quan ngại sâu sắc về căng thẳng quân sự hiện nay dọc biên giới”, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Vira Arpondarattana của Bangkok, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thái Lan, nói với hãng tin Công giáo Ý AgenSIR trong cuộc phỏng vấn công bố ngày 26-7.
Căng thẳng tại biên giới Thái Lan – Campuchia bùng phát hôm thứ Năm, ngày 24-7, trong các cuộc đụng độ khiến ít nhất 33 người thiệt mạng và hơn 168.000 người phải di dời. Đường biên giới dài 800 km giữa hai nước đã tranh chấp nhiều thập kỷ, nhưng các cuộc đối đầu trước đây đều ngắn và hạn chế.
“Giáo hội nhận thức rõ rằng các tranh chấp biên giới, dù được trình bày như vấn đề lãnh thổ đơn thuần, thường bị lợi dụng cho mục đích chính trị”, Đức Tổng Giám mục Arpondarattana giải thích. Ngài nói, “các căng thẳng này có thể bị thao túng để khơi dậy chủ nghĩa dân tộc”, làm người dân “xao nhãng các vấn đề nội bộ” và “phục vụ lợi ích của một số nhân vật chính trị”. Theo Đức Tổng Giám mục, điều này đặt “chủ nghĩa cơ hội chính trị ngắn hạn” lên trên phúc lợi của người dân và cản trở việc tìm kiếm giải pháp hòa bình, bền vững lâu dài.
Tầm quan trọng của đối thoại
Ngài cũng cho biết Giáo hội nhiều lần cảnh báo về “nguy cơ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan” và rằng các xung đột biên giới như thế này bắt nguồn từ những phức tạp và bất đồng lịch sử cần được xem xét và thấu hiểu để thúc đẩy “sự hòa giải chân thật và các giải pháp công bằng” hướng tới một tương lai hòa bình hơn.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục nhấn mạnh rằng Giáo hội “mạnh mẽ ủng hộ đối thoại, đàm phán và trung gian quốc tế như những con đường dẫn tới hòa bình bền vững”.
Ngài cũng cho biết Giáo hội luôn gần gũi với những người dân sống tại vùng biên giới. “Họ phải chịu cảnh di dời, mất sinh kế và liên tục bị đe dọa bởi bạo lực”, ngài nói, nhấn mạnh rằng “đức tin mời gọi chúng ta nhận ra phẩm giá vốn có của mỗi con người, bất kể quốc tịch hay sắc tộc”. Ngài tiếp tục: “Chúng ta phải chống lại những ý thức hệ gây chia rẽ và thay vào đó vun đắp văn hóa liên đới và tình huynh đệ chân thành”.
“Giáo hội dứt khoát lên án mọi hành động bạo lực nhắm vào dân thường”, Đức Tổng Giám mục Arpondarattana nói. “Chúng tôi nhắc lại rằng luật nhân đạo quốc tế phải được tôn trọng, và những người không tham chiến – bao gồm phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi – luôn phải được bảo vệ”.
Giáo hội đang hỗ trợ tại chỗ
Ngài cho biết thêm, Giáo hội đang cung cấp nhu yếu phẩm, viện trợ nhân đạo và sự an ủi thiêng liêng cho những người bị ảnh hưởng thông qua Văn phòng Cứu trợ Khẩn cấp và Người tị nạn Công giáo (COERR) của Hội đồng Giám mục Thái Lan. Các nhà thờ trên khắp Thái Lan cũng đang cử hành các Thánh lễ đặc biệt, canh thức và lần hạt Mân côi để cầu nguyện cho hòa bình.
Ngài cũng nhấn mạnh rằng Hội đồng Giám mục Thái Lan “duy trì mối quan hệ huynh đệ tích cực và sâu sắc” với Giáo hội Công giáo tại Campuchia.
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ Vatican News