Kính nhớ Lòng Chúa Thương Xót – Suy niệm về hai chữ yêu thương

KÍNH NHỚ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT:
SUY NIỆM VỀ HAI CHỮ YÊU THƯƠNG

Lm. Lê Văn La Vinh, O.P.

WHĐ (03.04.2024) – Từ lâu nay, người ta vẫn dùng hình ảnh trái tim như biểu tượng của tình yêu: tình yêu nam nữ, tình yêu thương dân tộc, yêu quê hương và trên hết là tình yêu Thiên Chúa, và tình Chúa yêu thương… Trái tim là hình ảnh để diễn tả và được dùng làm biểu tượng cho tình yêu: một trái tim được nâng niu, một trái tim được ôm ấp giữ gìn, và trái tim đó chính là tình yêu mà mỗi người muốn bày tỏ và trao tặng.

Đặc biệt hơn nữa với thánh nữ Faustina – vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót – thì trong thông điệp của mình, thánh nhân đã nhiều lần dùng hình ảnh trái tim một cách thật đậm nét để diễn tả tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại qua Thánh Tâm của Chúa Giêsu Kitô[1].

Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8), và chúng ta là những người được Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta đã được nghe, đã hiểu và đã cảm nhận được tình yêu thương của Thiên Chúa trong bản thân và nơi cuộc sống của mình. Từ đó và nhờ đó chúng ta bình an tiến bước trên hành trình theo Chúa và tìm cách đáp lại tình Chúa yêu ta trong hoàn cảnh sống của mỗi người.

1. Kinh thánh nói gì về tình yêu Thiên Chúa?

Có lẽ cũng hơi thừa khi nêu lên mệnh đề này… bởi lẽ trọn bộ Kinh Thánh và cách riêng với bộ sách Tân ước là một “bản giao ước tình yêu”. Giao ước này được ký kết giữa Thiên Chúa và con người. Nội dung của “Bản Giao ước” này cho thấy Thiên Chúa đã yêu thương con người, cho con người thông chia phần vinh phúc với Thiên Chúa và Ngài đã tìm mọi cách để thực hiện và hoàn thành chương trình tình yêu đó. Đức Kitô đã đến để thể hiện, để thực hiện tình yêu của Thiên Chúa với con người qua sự kiện nhập thể, qua cái chết và sự Phục sinh của Ngài. Nhờ đó loài người chúng ta được cứu độ và được chung phần vinh phúc với Thiên Chúa trong Đức Kitô, nhờ Đức Kitô và cùng với Đức Kitô.

Thật vậy, qua Đức Kitô, Thiên Chúa bày tỏ trọn vẹn tình yêu thương của Ngài với con người. Điều này được diễn tả qua các sách Tin Mừng cũng như các bài giáo lý của các Tông đồ. Nơi các “chứng từ” này, chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ nơi con người của Đức Giêsu Kitô: Từ mầu nhiệm Nhập thể, nơi cuộc sống dương gian, những ngày tháng rong ruổi trên các nẻo đường Palestin để rao giảng Tin Mừng. Hơn thế nữa, khi tiếp xúc và đồng hành với con người, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu của Thiên Chúa khi trao ban những cử chỉ yêu thương; khi nói những lời an ủi động viên và tha tội, khi gặp gỡ để cảm thông và chia sẻ với đôi chân đi bước trước, với đôi mắt chạnh lòng thương, với đôi tay rộng mở để đỡ nâng, để chữa lành và chúc phúc cho con người… Và đỉnh cao tình yêu thương của Thiên Chúa được thể hiện là chính cái chết của Chúa Kitô. Ngài chết vì yêu, Ngài đã chết để cho chúng ta được sống, Ngài chết để cứu chúng ta khỏi phải chết đời đời. Và tình yêu thương này còn được trao ban không giới hạn khi Ngài hiến thân mình – “thân thể thánh” – để làm của ăn cho con người và nhờ đó mà Ngài đã ở lại với con người cho đến ngày trận thế[2]… mà có lẽ, một vài dòng chữ ngắn ngủi được viết ra đây không thể nào diễn tả hết tình yêu thương của Thiên Chúa được thể hiện qua con người của Đức Giêsu Kitô.

Tạ ơn Chúa, nhờ mặc khải và ân sủng Chúa ban mà chúng ta được biết, được hiểu, được cảm nếm tình yêu bao la và cao vời này, nhờ đó chúng ta được an vui hạnh phúc vì biết rằng mình đang được Chúa yêu thương và luôn xác tín rằng, chúng ta là những người đang có Chúa ở cùng. Chúng ta đồng thanh cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng tình yêu của Thiên Chúa được bảy tỏ qua Đức Kitô, và mỗi người hãy tìm cách đáp đền lại tình yêu đó trong chính cuộc sống của mình.

2. Giáo hội giảng dạy gì về tình yêu Thiên Chúa?

Khởi đi từ thư của các thánh Tông đồ trong phần II của bộ sách Tân Ước, chúng ta thấy các tác giả của những sách này triển khai giáo lý của Chúa Kitô, đồng thời cũng trình bày và loan báo về tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Kitô. Thông điệp yêu thương này được các Tông đồ trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau như là một lời tuyên xưng, một lời tự sự của những người được yêu, như là một chia sẻ cảm nghiệm tình yêu của Chúa mà chính các ngài đã nhận được, đã “ngộ ra” khi suy niệm về con người của thầy mình là Đức Giêsu Kitô.

Theo dòng lịch sử Giáo hội, các vị chủ chăn từ cấp trung ương cho đến các giáo hội địa phương đã có nhiều Thông điệp, Tông huấn, những Bài Giáo lý, các Thư Mục vụ… để diễn tả và trình bày về tình yêu thương của Thiên Chúa với con người. Hơn nữa, trong các cử hành Phụng vụ, trong những sinh hoạt đạo đức; các tín hữu – là chúng ta đây – vẫn chia sẻ và cùng tung hô tình yêu của Thiên Chúa đang tuôn tràn để dưỡng nuôi, để bảo vệ và gìn giữ cuộc đời mỗi người chúng ta[3]. Không chỉ dừng lại ở đó, các vị chủ chăn trong Giáo hội còn tìm nhiều phương thế để giúp cho mỗi tín hữu đi từ hiểu biết tới sự cảm nghiệm nơi bản thân họ về tình thương bao la và cao vời này; bởi lẽ trong chính kinh nghiệm thực tế, chúng ta vẫn nhận thấy rằng con đường đi từ lý thuyết đến trái tim, hay từ sự hiểu biết nơi những bài giáo lý đến sự đón nhận và cảm nghiệm nơi tâm hồn (về tình yêu của Chúa) là cả một quá trình dài… mà đó đây chúng ta vẫn nghe thấy có những hạn từ như là “hờ hững, lạnh nhạt, lơ là”… để chỉ một vài trường hợp nào đó nơi các tín hữu trong đời sống đức tin của họ. Một số ai đó trong các tín hữu chỉ “nghe nói”, hay chỉ học được từ giáo lý, từ bài giảng… mà bản thân đương sự chưa cảm nghiệm được gì. Mong sao đây chỉ là một nhóm tín hữu thiểu số và mong sao cho những nỗ lực rao giảng, những lời tuyên xưng tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa mà Giáo hội vẫn loan báo và thi hành được chạm đến những trái tim đang lạnh giá, hững hờ và làm lay động được những tâm hồn khô khan trong cộng đoàn tín hữu hôm nay.

3. Chúng ta phải làm gì với tình yêu Thiên Chúa?

Có một thi sĩ đã từng viết “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?”[4]. Thật vậy, tình yêu là điều ai cũng thấy, ai cũng thể hiện, ai cũng nhận biết, nhưng để nói rõ và mô tả tình yêu là gì thì điều này… hầu như bất khả. Thật vậy, tình yêu không phải là một thực thể mà chúng ta có thể nắm bắt được, không thể cân đo, định hình theo điều kiện vật lý; mà đây là kinh nghiệm của trái tim, là sự trải nghiệm và cảm nhận nơi chính tâm hồn và cuộc sống mỗi người.

Kinh nghiệm cuộc sống đời thường cho thấy rằng một người hạnh phúc là một người biết yêu và biết là mình được yêu. Đón nhận tình yêu, trao ban tình yêu… đó là phương cách sống và là niềm khao khát của mỗi đời người. Tình yêu đáp đền tình yêu và ân tình đền đáp ân tình là thế đó! Tôi hạnh phúc vì tôi được yêu thương và tôi trao ban tình yêu thương cho những người khác… và cứ như thế tình yêu cứ được trao ban và được đón nhận … Hạnh phúc là đây, thế giới huynh đệ đại đồng là đây và thiên đàng là đây khi mọi người biết trao ban và biết trân trọng đón nhận tình yêu trong cuộc đời của mình! Mong lắm thay cho mỗi người chúng ta đều có nơi mình một trái tim để biết yêu thương và để đón nhận tình yêu thương được trao ban từ những người thân yêu quanh mình.

Về phương diện đức tin cũng vậy; chúng ta biết rằng Thiên Chúa là tình yêu và Người yêu thương nhân loại, yêu thương từng người chúng ta; và chúng ta đã từng có kinh nghiệm khi đón nhận được tình Chúa yêu thương nơi cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, khác với tình yêu thương trên bình diện nhân loại là có ân có tình, có đón nhận, có đền đáp và có cho đi … thì đối với tình yêu thương từ Thiên Chúa thể hiện qua Đức Giêsu, chúng ta làm sao đáp đền cho cân xứng giữa một bên là thụ tạo và một bên là Đấng Hóa Công? Một bên là phàm nhân và một bên là Thiên Chúa của cả đất trời?

Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta một vài phương cách để giải tỏa cho những thắc mắc này: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ lời Thầy” (Ga 14,23); hay một chỗ khác, Chúa Giêsu nói: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của một người dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Và hơn nữa, khi chúng ta sống yêu thương, chính là lúc chúng ta sống được căn tính của người môn đệ Chúa Kitô: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35)… Và trong lịch sử Giáo hội, có rất nhiều… nhiều tín hữu đã thể hiện được tình yêu này với lòng tri ân Thiên Chúa khi biết nghe và thực hành Lời Chúa dạy. Nhiều tín hữu đã biết yêu thương nhau khi tự nguyện hy sinh, dám chia sẻ, dám dấn thân phục vụ cho người thân cận[5]. Song song vào đó là có nhiều tín hữu, khi cảm nghiệm được tình yêu thương của Thiên Chúa nơi Đức Kitô, họ đã sống một cuộc đời lành thánh vì không muốn làm tổn thương đến tình yêu nơi trái tim cực thánh của Đức Kitô trong cuộc đời của họ.

Và giờ đây đến lượt tôi và bạn, chúng ta cũng phải sống để thể hiện hai chữ YÊU THƯƠNG này bạn nhé!

Không biết là bạn đã có phương hướng hay kế sách gì cho cuộc đời của bạn để sống hai chữ YÊU THƯƠNG này chưa? Về phần mình, tôi có hai điều tâm niệm này:

– Bài học yêu thương từ CÂY THẬP GIÁ: Theo tôi, đây là một bài học hay và đắt giá. Nơi cây thập giá của Đức Giêsu, chúng ta học được BÀI HỌC YÊU THƯƠNG: Chúa đã yêu thương và đã chết vì yêu, Ngài chết để cho tôi với bạn  được sống. Và từ cây thập giá này, tôi đã học được bài học của tình yêu. Yêu như Chúa đã yêu. Yêu (anh chị em mình) cho đến chết. Chết từ từ, chết cho từng thời khắc mỗi ngày trong đời sống của tôi: chết cho những ý riêng, chết cho sự ích kỷ – lười biếng – kiêu căng, chết đi cho thói vô tâm hững hờ của bản thân vì lòng mến Chúa và tình yêu với người thân cận. Hơn nữa, chúng ta vẫn ghi nhận là có nhiều người trong chúng ta vẫn hy sinh, vẫn tự nguyện chết đi cho những điều xem ra là chính đáng, những niềm vui riêng tư của sở thích cá nhân – họ không làm điều họ muốn và họ phải làm điều họ không muốn – để cho người thân cận được sống, được vui, được bình an hạnh phúc. Bạn ơi, bài học này mà tôi và bạn đang học đã được trả “học phí” bằng giá máu của Đức Kitô đấy! Mong sao chúng ta luôn “học thuộc lòng” bài học yêu thương này.

– “Bài ca Đức Ái” của thánh Phaolô: Khi nói về Đức Mến (Đức Ái, tình yêu) thánh Phaolo viết: “Đức Mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức Mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả…” (1 Cr 13,4-7). Một bài học quá hay về cách sống và là những chỉ dẫn thực hành thật cụ thể để sống YÊU THƯƠNG mỗi ngày. Bài học này cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực nơi bạn và tôi đó, chúng ta cùng cố lên bạn nhé! … Ở một góc nhìn khác, có thể xem “Bài ca Đức Ái” là một lực đối trọng đem lại sự bình an và cân bằng cho cuộc sống của các kitô hữu trước những cám dỗ của thất tình (hỉ, nộ, ái, ố,…) và tham, sân, si, trên hành trình sống YÊU THƯƠNG của người môn đệ Chúa Kitô.

4. Thay cho lời kết:

Nếu giờ đây phải nói lời gì với bạn để kết thúc cho những dòng suy tư này thì tôi xin chia sẻ với bạn những ước mơ của mình:

Tôi mơ ước sao cho ngày hôm nay có thật nhiều anh hùng. Những người (anh hùng) này tôi gặp thấy nơi gia đình tôi, nơi gia đình bạn, nơi xóm giềng, nơi phố chợ, nơi các hội đoàn và cả trong cộng đoàn nhà tu nữa. Những người này mang tên là Kitô (Kitô hữu), trên y phục của họ (tôi thấy) có huy hiệu là cây thánh giá. Những người này có một trái tim tràn đầy lửa yêu để cống hiến, để dấn thân; trên môi miệng họ thi thoảng vẫn hát lên “Bài ca Đức Ái”. Và nơi khuôn mặt của họ tôi nhận thấy nét rạng ngời niềm vui bởi vì họ đang yêu và là những người được yêu. Họ được gọi là anh hùng bởi lẽ họ BIẾT SỐNG YÊU THƯƠNG và họ sẵn sàng hy sinh và dám chết vì yêu thương cho những người thân cận của mình. Tôi cũng mơ ước mình sẽ là anh hùng; và tôi đang cố gắng mỗi ngày để trở thành người hùng. Bạn cũng vậy bạn nhé! Chúng ta sẽ được gọi là những người hùng của Chúa Kitô và của Giáo hội trong thời đại hôm nay.

 

Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu
như thác nguồn Thương xót chúng con  – Con tín thác vào Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Chúa.

 

 


[1] Xc Nhật Ký của Thánh nữ Maria Faustina Kowalska, số 1142, tại https://giesu.net/tieu-su-thanh-nu-faustina-kowalska/ 

[2] Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI trong Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu”  (Deus Caritas Est) đã diễn tả và nối kết tình yêu hy tế thập giá và tình yêu tự hiến nơi bí tích Thánh Thể của Đức Kitô thật là hài hòa, nhuần nhuyễn và mang đậm tính hàn lâm (Xc số 12 – 13) https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-deus-caritas-est-thien-chua-la-tinh-yeu–49105

[3] Về điều này, Thông  diệp “Thiên Chúa là tình yêu” (Deus Caritas Est) Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI viết : “Trong phụng vụ của Hội Thánh, trong lời cầu nguyện, trong cộng đoàn sống động của các tín hữu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, cảm nhận sự hiện diện của Người và học cho biết nhận ra Người trong đời sống hằng ngày của chúng ta”, Số 17, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-deus-caritas-est-thien-chua-la-tinh-yeu–49105

[4] Xuân Diệu, bải thơ  sao, (gởi tặng Đoàn Phú Tứ). Tập thơ Thơ, xuất bản 1938

[5] Nói theo kiểu của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI trong Thông điệp “Thiên Chúa là tình yêu” (Deus Caritas Est) thì người thân cận là: bất cứ ai cần đến tôi và tôi có thể giúp họ, đều là người thân cận của tôi. (số 15)