Kinh thánh trong việc loan báo Tin Mừng ngày nay

WHĐ (02.07.2023) – “Kinh thánh chính là nguồn mạch của việc loan báo Tin Mừng” là tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Evangelii Gaudium (EG) khi kết thúc phần dành riêng cho việc loan báo Tin Mừng[1]. Đây là một trang đơn giản và đồng thời cũng phức tạp. Đơn giản, vì không thể có việc rao giảng Tin Mừng thực sự nếu không có Kinh thánh; phức tạp, vì cần phải giải thích lý do tại sao Giáo hội đã “thất truyền” Kinh thánh trong suốt lịch sử của mình.

Đức Thánh Cha nói rõ:

Không chỉ bài giảng phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Mọi việc loan báo Tin Mừng cũng phải dựa trên lời ấy, phải lắng nghe, suy niệm, sống, cử hành và làm chứng cho lời ấy. Do đó, chúng ta cần không ngừng được huấn luyện trong việc nghe lời Chúa. Giáo hội không loan báo Tin Mừng nếu chính mình không được nghe Tin Mừng. Lời Chúa thiết yếu phải “không ngừng được đặt một cách đầy đủ hơn vào tâm điểm của mọi hoạt động của Giáo hội”[2] … Việc học hỏi Kinh thánh phải là một cánh cửa rộng mở cho mọi tín hữu. … Chúng ta không tìm kiếm Thiên Chúa một cách mò mẫm, hay chờ đợi Ngài nói với chúng ta trước, bởi vì “Thiên Chúa đã nói với chúng ta rồi, và không có gì chúng ta cần biết mà Ngài đã không mặc khải cho chúng ta”[3]  (EG 174-175).

Ưu tiên mục vụ của Kinh thánh

Công đồng Vatican II đã đề cập đến vai trò ưu tiên của Kinh thánh[4], nhưng lời khuyến dụ của Đức giáo hoàng Phanxicô hướng dẫn chúng ta suy tư với một tinh thần mới. Mọi việc mục vụ loan báo Tin Mừng không chỉ đặt Kinh thánh lên hàng đầu, mà còn phải liên kết với thế giới chúng ta đang sống, với những con người mà chúng ta đang giao tiếp, và với nhân loại rộng lớn hơn đang chuyển động xung quanh, đang bao trùm, và chi phối chúng ta[5].

Sự ưu tiên này không xuất phát từ khuynh hướng cho rằng Giáo hội thể chế bớt quan trọng hơn trước đây. Trái lại, đây là vấn đề của nhu cầu rõ ràng và khẩn thiết để nhận ra rằng người ta gặp gỡ Thiên Chúa và nghe Lời của Ngài trong cộng đoàn đức tin đó là Giáo hội. Vì thế, không có sự căng thẳng giữa hai mục tiêu đó. Ngược lại, có một sự đồng quy, một sự hài hòa, và một kỳ vọng để thấy chúng xảy ra cùng lúc và trọn vẹn, vì không có việc đọc Kinh thánh nếu không qua đời sống Giáo hội, và không có cộng đoàn Giáo hội mà không cùng nhau lắng nghe Lời Chúa.

Các tín hữu gặp gỡ Chúa trong Giáo hội vì ở đó Chúa đối thoại với dân Ngài. Họ có thể chân thành thân thưa với Ngài ở đó, không có rủi ro của việc ngộ nhận và hiểu lầm hàng ngày[6]. Sự chuyển động đức tin này hoàn toàn không hàm ý hạ thấp giá trị của Giáo hội. Đúng hơn, nó đề xuất một cách tự phát sự tương tác của việc hiểu biết, thông qua Giáo hội, Lời Chúa theo nghĩa chặt của Kinh thánh. Đây là Lời mà Thiên Chúa ngỏ với dân Ngài, và nhờ lắng nghe Lời ấy, dân Chúa được thiết lập, một dân là Giáo hội trong căn tính đích thực của mình.

Đây là một chủ đề mở ra cho nhiều sự phát triển. Giữa Kinh thánh và Giáo hội có sự song song và bổ sung cho nhau, giữa Thiên Chúa nhập thể là Lời Kinh thánh (Lời của Thiên Chúa và lời của con người), và sự mở rộng của Lời nhập thể là Giáo hội. Đây cũng là vị trí mà Kinh thánh chiếm giữ trong lịch sử cứu độ kể từ lần xuất hiện chính thức đầu tiên vào thời Giôsia như là một bản văn đổi mới mang tính giáo hội[7]. Cũng có mối tương quan giữa Lời và biến cố xuyên suốt câu chuyện cứu độ, trong đó biến cố minh chứng cho Lời, làm cho Lời thành xác phàm, và Lời mang lại ý nghĩa cho biến cố và cho thấy sự vĩnh cửu của nó. Kết quả nội tại của trải nghiệm này là chắc chắn sẽ tìm thấy trong Giáo hội một nơi thích hợp để lắng nghe Lời Kinh thánh[8].

Tính phù hợp của Kinh thánh

Trong niềm tin của chúng ta, tại sao Kinh thánh chiếm vị trí ưu tiên trong việc rao giảng Tin Mừng? Để trả lời cho câu hỏi phức tạp này, chúng ta không thể không cố gắng trình bày mối tương quan của Kinh thánh với lương tâm con người ngày nay. Nỗ lực này nhất thiết phải được tiến hành thông qua các ví dụ, cho dù sẽ có những khó khăn trong việc duy trì sức thuyết phục của các ví dụ này, khi lần đầu chúng được trình bày cho chúng ta như một món quà bất ngờ.

Rõ ràng là Tân Ước đưa ra vô số hình ảnh hiệu quả ngay lập tức. Hầu như mọi người ngày nay đều ngạc nhiên khi nhận ra những vấn đề bao vây họ một cách riêng tư và các giải pháp mà họ tin rằng manh mối đã bị mất. Chẳng hạn, ở đầu Thư gửi tín hữu Rôma (1, 18-32), chúng ta đọc thấy rằng sự suy đồi tôn giáo không phải là hậu quả của sự sa đọa về luân lý, mà ngược lại: sự suy đồi của con người trong tình dục phóng đãng là hậu quả của sự phản bội tôn giáo. Đó là một hình phạt cho sự bất trung đối với lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại. Chúng ta đang phải đối diện với một tuyên bố bất thường hoàn toàn khác với những gì chúng ta đã nghe trong quá khứ, nhưng lại rất gần gũi với trải nghiệm diễn ra bên trong và xung quanh chúng ta. Tính ưu việt, tính không thể giản lược của trải nghiệm đức tin đối với việc chỉ đơn thuần thực hiện các luật luân lý sao cho chúng trở thành hoa trái của đức tin, chứ không phải ngược lại, là một vấn đề dấy lên những cảm xúc mạnh mẽ ngày nay. Ưu tiên của trải nghiệm đức tin trong lương tâm luân lý đã được đề xuất trong các câu chuyện của Ápraham, Giacóp và Đavít. Đây là những câu chuyện về những con người có mối liên kết sâu xa với Thiên Chúa và nhờ lòng trung thành này, họ đã bù đắp cho sự thiếu sẵn sàng và non nớt của họ trong quy ước đạo đức.

Trên thực tế, cho dù với khoảng cách theo thời gian thì ngày nay người ta vẫn hoàn toàn có thể đọc Cựu Ước và thấy rất hữu ích. Chúng ta thấy nơi Cựu Ước sáng kiến của một vị Thiên Chúa vô hình, Đấng được biểu lộ, không chỉ bằng những hành động kỳ diệu (giới hạn trong sách Xuất hành) xuyên suốt lịch sử. Cách nghe và nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa này rất gần gũi với tâm hồn chúng ta. Chúng ta tìm thấy nơi Cựu Ước những biểu hiện của sự yếu đuối, buồn chán cũng như sự nhiệt tình hão huyền của con người sẵn sàng thực hiện những cam kết không thể bãi bỏ được, để rồi chẳng làm được gì khác hơn là thất bại. Ngoài ra, chúng ta còn tái khám phá lịch sử của mình với tư cách là những cá nhân và tập thể.

Chính câu chuyện của Israel, với những thăng trầm, những bước nhảy vọt của niềm tin và những phản bội, những thời gian chờ đợi, đền tội, niềm vui, và lừa dối, dường như tạo thành một mô hình luôn luôn có đó. Trong những câu chuyện này, chúng ta có thể khám phá ra những sự tương đồng, phản hồi, gợi ý nội tâm, những lý do để hy vọng, vui mừng, và những cơ hội an ủi. Lịch sử mật thiết lâu dài của Giao ước, nơi Thiên Chúa luôn thành tín và dân Ngài luôn sẵn sàng phản bội, nhưng cũng liên tục được mời gọi đứng dậy, được diễn tả bằng ngôn ngữ sống động, thậm chí hiện đại, bản chất mâu thuẫn trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Có mầu nhiệm của tội lỗi, đó là bản tính yếu đuối khiến con người sa ngã khi thực sự bị thử thách. Ngoài ra còn có mầu nhiệm của chính Thiên Chúa, về tình yêu khôn dò của Ngài dành cho người tốt cũng như kẻ xấu, về lòng thành tín của Ngài vượt quá khả năng nhận thức của con người, và điều này đã gây ra biết bao đau khổ cho tác giả Sách Gióp. Hơn nữa, có một cớ vấp phạm về một vị Thiên Chúa dường như ban thưởng rộng rãi và minh nhiên cho những kẻ kiêu ngạo và gian ác, trong khi lại giáng phạt không khoan nhượng đối với những ai cố gắng đáp lại lòng thành tín của Thiên Chúa bằng sự trung thành của mình.

Một số chủ đề cụ thể: Sự đơn độc và sự an toàn giả tạo

Ngay khi các chủ đề phổ biến xuất hiện, những vấn đề khác phức tạp hơn cũng nảy sinh, chẳng hạn như vấn đề về tính bất khả đạt thấu của Thiên Chúa, mà sự đơn độc của cá nhân nhất thiết có liên hệ với. Trái với suy nghĩ của một số người đối thoại với chúng ta, người có đạo không tìm thấy sự an ủi cũng như sự an toàn trong cuộc gặp gỡ với Chúa. Thay vào đó, người ta tìm thấy căn nguyên của sự cô đơn hơn nữa, một lý do để cảm thấy bị xáo trộn và mâu thuẫn. Đây là một lộ trình dẫn đến sự xa cách hoàn toàn.

Sau khi được Thiên Chúa kêu gọi, Ápraham đã bị tách khỏi gia đình, bị đày đến một miền xa lạ, nơi ông lưu lạc mà không có một mảnh đất nào thuộc về mình. Ông không có con cái, bất kể lời hứa kèm theo là có con đàn cháu đống. Ápraham trở thành một người hoàn toàn đơn độc do hệ quả của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Ngoài ra, tình bằng hữu của ông với Chúa càng sâu đậm bao nhiêu, thì nỗi cô đơn của ông càng trở nên bi đát và vô phương cứu chữa bấy nhiêu.

Điều tương tự cũng xảy ra với Môsê, vốn là một người thành đạt, có cuộc sống sung túc, và ông chỉ bắt đầu ơn gọi thực sự của mình khi từ bỏ sự an toàn và yên ổn là một cận thần để đứng về phía người anh em của mình, và phải trả giá cho lòng trung thành đó bằng bản án tử hình và sự chạy trốn. Tuy nhiên, sứ mạng chính thức của Môsê sẽ chỉ bắt đầu sau đó, với một sự từ bỏ triệt để mới và sự bỏ rơi của gia đình khi ông đã già và mệt mỏi, giống như Ápraham trong những năm quyết định khi ông cần truyền lại di sản của mình cho con cháu.

Ápraham, Giacóp và Môsê là những nhân vật lịch sử. Trong khi đó, Gióp và Tôbia là những nhân vật điển hình tượng trưng cho mức độ khó hiểu, bị từ chối và cô lập tương tự nhau. Hình bóng về Người Tôi Tớ Thiên Chúa, người duy nhất có thể giúp thực hiện kế hoạch cứu độ phổ quát cho Israel và cho mọi dân tộc, chỉ trở nên rõ ràng sau khi Người bị câm lặng, bị coi như vô dụng, và bị tiêu diệt[9].

Các Mối Phúc nói rằng chẳng có đời sống Kitô hữu nào mà không có sự nghèo khó. Và cô độc là một sự nghèo khó. Điều này đặc biệt đúng đối với sự cô độc đến từ sự bị bật gốc và bứng đi, như trường hợp của Ápraham, Môsê và Tôbia. Điều đó cũng đúng đối với sự cô độc của những người nhập cư sống xung quanh chúng ta, và họ thường bị nhìn với ánh mắt thiếu khoan dung.

Sự cần thiết phải nhổ bật gốc rễ để sống đời Kitô hữu chạm đến một chủ đề khác đang sống động trong tinh thần nhân loại ngày nay: từ bỏ sự an toàn giả tạo. Về mặt thần học, điều này có thể được tìm thấy trong Thư gửi tín hữu Rôma và Thư gửi tín hữu Galát. Ví dụ, có sự an toàn giả tạo của những người ngoại giáo cảm thấy thoải mái với các vị thần do chính tay họ tạo ra, quen thuộc với họ và được tạo ra hàng loạt để đáp ứng nhu cầu của họ. Một ví dụ khác, đó là sự an toàn giả tạo của những người Do Thái đã biến sự trung thành nội tâm mà Thiên Chúa đòi hỏi thành những quy tắc hành vi chính xác, rồi thi hành chúng một cách tỉ mỉ và thái quá. Ngoài ra còn có sự an toàn giả tạo của những Kitô hữu cảm thấy hài lòng vì họ đã nhận phép xá tội và thấy tự tin là mình sẽ có sự sống đời đời vì đã rước lễ vào thứ Sáu đầu tháng của chín tháng liên tiếp. Cũng thế, có an toàn giả tạo của linh mục, nam nữ tu sĩ, những người nghĩ rằng họ đã làm được nhiều điều cho Chúa.

Đây là thái độ bắt đầu khiến chúng ta khó chịu cũng giống như chúng ta cảm thấy bị làm phiền bởi những người kêu gọi chúng ta khiêm tốn theo cách không phải lúc nào cũng chân thành (thật dễ dàng để chỉ tập trung vào một khía cạnh cụ thể trong trách nhiệm của chúng ta như là con người, trong khi đó lại thất bại trong việc nhận trách nhiệm đối với việc chăm sóc những người thiếu thốn). Tuy nhiên, họ là những người luôn phải được chào đón một cách chân thành, bởi vì chỉ khi nhìn chính mình từ bên ngoài, với con mắt của một người xa lạ, chúng ta mới biết mình thực sự đang thiếu những gì.

Trong Sách Giôna, sự an toàn giả tạo này bị chế nhạo với sự minh bạch và khoan dung – hai thứ chúng ta đặc biệt cần. Đó là một câu chuyện hấp dẫn bất chấp tính châm biếm của nó. Câu chuyện cũng rất đúng mặc dù có tính cường điệu. Giôna, vị ngôn sứ nổi tiếng trong Sách Các Vua, là người loan báo Lời Chúa đích thực. Xuyên suốt câu chuyện, mọi người đều bước vào mối tương quan với Thiên Chúa nhờ lời chứng của Giôna. Ông là người duy nhất chống lại Lời Chúa từ đầu đến cuối câu chuyện, với sự ngoan cố không nhượng bộ và không lay chuyển. Trong khi đó, mọi thụ tạo khác, dù là những thủy thủ ngoại giáo, những người Assyria bắt bớ Israel, những thú vật, thậm chí cả thủy quái đã nuốt chửng ông, cây cối – như cây thầu dầu tạo ra bóng mát trên đầu vị ngôn sứ, rồi sau đó bị khô héo trong giây lát – và biển cả giông tố đột ngột lắng xuống, đều mau chóng tuân theo Lời của Thiên Chúa qua sự loan báo của Giôna.

Cuốn sách về nguồn gốc

Các chương đầu tiên của sách Sáng thế, dù với khoảng cách văn hóa rất lớn, vẫn luôn được nhìn nhận là nơi kinh điển để con người ngày nay tập trung sự chú ý vào Kinh thánh. Câu chuyện sáng tạo thứ nhất (St 1, 1-2, 3) và câu chuyện thứ hai (St 2, 4-25) nói về chiều kích kép của con người. Một đàng, chúng ta được mời gọi để chinh phục thế giới, bắt nó phục tùng chúng ta, và nhân bản hóa nó (St 1, 22.29-30; 2, 8.15). Đàng khác, chúng ta cũng được mời gọi để thờ phượng Thiên Chúa, nhìn nhận mình là thụ tạo, là người đại diện cho Thiên Chúa trước các tạo vật khác (St 1, 26-27; 2, 1-3) và tuân theo mệnh lệnh của Thiên Chúa (St 2, 16-17).

Ở đây có chiều kích kỹ thuật và chiều kích thờ phượng: người ta sẽ bị mất đi một nửa nếu chỉ sở hữu một trong hai chiều kích này. Ngoài ra, nếu chúng ta tôn vinh những thành tựu công nghệ đến mức gạt bỏ sự thờ phượng sang một bên, thì chúng ta ca ngợi sự thất bại, sự huỷ hoại và sự biến dạng, chứ không phải sự chiến thắng của loài người[10].

Hôn nhân là một vấn đề thực tế cả trong việc rao giảng lẫn việc linh hướng. Đây là một chủ đề khiến chúng ta bối rối và lúng túng trong những thập niên gần đây. Như thể lương tâm đức tin không có gì để nói với con người ngày nay về một vấn đề nhức nhối mà, bất chấp mọi sự giả tạo, khiến mọi người cảm thấy chính bản chất con người của mình đang bị đe dọa. Do đó, khi cần trả lời những người Pharisêu về chủ đề ly dị (x. Mt 19, 4-6; Mc 10, 6-9), Chúa Giêsu trực tiếp quay trở lại với giáo huấn của Sách Sáng Thế, một giáo huấn mà với kinh nghiệm phong phú của nó không dễ dàng bị cạn kiệt ngay cả đối với những người thường xuyên trở lại để kín múc sự hướng dẫn khôn ngoan của nó[11].

Một ví dụ khác hiện nay là sự thất bại to lớn của xã hội công nghiệp, vốn bị chế nhạo và lên án như một sự xúc phạm đến Thiên Chúa và là lý do khiến nhân loại bị chia cắt, như trong câu chuyện Tháp Babel (x. St 11, 1-9). Trong tường thuật dù rất ngắn đó, chúng ta có thể thấy ảo tưởng của loài người được tượng trưng cho việc xây dựng sự cứu rỗi cho riêng mình và tìm giải quyết những khác biệt của mình mà không cần đến Thiên Chúa. Người ta viện đến sức mạnh tưởng như vô hạn của xã hội và khả năng của mình để lập kế hoạch cho một tương lai tự trị, nơi Thiên Chúa chỉ nhận được một phần nhưng không phải là tác giả (“tháp” này nguyên thủy là một tòa nhà thiêng liêng).

Câu chuyện Tổ phụ

Từ lời đề nghị đầu tiên mà Thiên Chúa dành cho đôi vợ chồng nhân loại trong vườn Êđen cho đến kinh nghiệm của chúng ta về Giáo hội, điều nổi lên là nhân loại không thể được cứu độ nếu không có sáng kiến đến từ Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta được kêu gọi đáp lại nhưng không thể đảm nhận vị trí của Ngài. Đối với những ví dụ khó hiểu, chúng ta có ba tình tiết của câu chuyện về vị tổ phụ, nơi Ápraham hai lần (St 12, 10-20; 20, 2-18) và sau đó là Isaac (St 26, 7-11) sẵn sàng hy sinh vợ để cứu mạng sống của mình. Mục đích của việc lặp lại ba lần chắc chắn không phải là để ca ngợi hành vi của các tổ phụ. Đúng hơn, mục đích là nhằm đề cao sự can thiệp cứu độ của Thiên Chúa, vượt lên trên những sai lầm, ngớ ngẩn, hoặc bất trung của con người. Trong mỗi trường hợp này, Thiên Chúa can thiệp để đảm bảo việc hoàn thành lời hứa của Ngài là ban cho các tổ phụ một dòng dõi, nghĩa là người thừa kế, là người sẽ được giao phó trọng trách về tương lai, câu chuyện về ơn cứu độ.

Ngày nay, một trải nghiệm đức tin hoàn toàn dựa trên sáng kiến của Thiên Chúa, được coi là một trải nghiệm về sự tự do và hết sức cần thiết. Mọi người thấy mệt mỏi với những bài diễn thuyết, những kỳ vọng và của cải; họ mệt mỏi với sự bất lực được ngụy trang dưới hình thức tự phụ. Cải cách tôn giáo và tác động của nó đối với nhân loại phải được tìm kiếm trong sáng kiến của Thiên Chúa, một sáng kiến không bao giờ thất bại, chứ không phải ở nơi nào khác.

Trong bối cảnh lịch sử của các tổ phụ, câu chuyện bao quát và đầy đủ nhất trong sách Sáng thế là câu chuyện về Giuse. Câu chuyện này giúp giải quyết một định kiến thâm căn phát xuất từ việc không quen với văn chương Kinh thánh: điều khiến cho tôn giáo của Cựu ước trở thành một vũ trụ khép kín với cảm thức tha thứ và có khuynh hướng thần thánh hóa sự trả thù và báo oán. Giuse được gọi để cứu các anh em mình. Theo mô hình sẽ được trình bày rõ ràng sau này với Người Tôi Tớ của Chúa, mọi sứ mạng cứu độ trong văn chương Kinh thánh là một món quà của sự sống trở nên có hiệu lực bằng việc trải qua cái chết. Tuy nhiên, đối với Giuse, cái chết không chỉ là kết quả của sự ghen tị và căm ghét của các anh mình hoặc nỗi sợ hãi của một quý bà đầy phẫn uất. Bức tường sự chết mà Giuse cần phải phá đổ và vượt qua đó là sự oán hận mà ông cảm thấy đối với những người muốn ra tay giết chết mình. Sự oán hận này – chính là cái chết thực sự – cần phải bị đánh bại bằng sự tha thứ trọn vẹn.

Ở đây chúng ta thêm một điểm đáng lưu ý khác đó là: trong câu chuyện về các tổ phụ, cũng như trong các đoạn Kinh thánh khác, tính hiện đại của ngôn ngữ đến từ việc mô tả tâm lý con người qua cử chỉ hơn là qua những ám chỉ nội tâm[12]. Cũng có thể thấy điều đó qua việc lược bỏ các giai đoạn, các thời điểm chuyển tiếp và các trình tự tương phản trực tiếp cách nhau về không gian và thời gian. Điều tương tự cũng áp dụng cho việc lặp lại một sứ điệp, mô tả hoặc tường thuật nhằm đưa ra thước đo thời gian và qua nhiều góc nhìn khác nhau, thể hiện toàn bộ sự phát triển và những bước tiệm tiến của chúng. Khác với cách chúng ta quen làm, là mọi thứ đều được nói một cách trực quan chứ không thông qua các khái niệm đã được hình thành sẵn[13].

Ngôn ngữ của Kinh thánh

Ngay cả khi thành công trong việc thuyết phục người nghe rằng sứ điệp Kinh thánh có tính thời sự nhất định, thì tất cả các ví dụ đã được trình bày và cả nhiều ví dụ khác nữa, cũng có thể dẫn đến lập luận ngược lại, đó là lập luận về sự liên kết lỏng lẻo của Kinh thánh đối với việc dẫn con người ngày nay đến gặp gỡ Thiên Chúa. Trên thực tế, nếu chúng ta muốn nắm bắt mối liên kết hiện nay với từng tài liệu tham chiếu này, chúng ta cần phải vượt qua một lớp vỏ dày và cứng làm từ chất liệu có vẻ xa lạ: không chỉ là một ngôn ngữ khác, mà còn là một tâm lý và phong tục hoàn toàn khác với tâm lý và phong tục của chúng ta, những loại suy đáng kinh ngạc và những sự kiện gây bối rối.

Sự can thiệp cần thiết để khắc phục phạm vi khác biệt này không chỉ giới hạn trong bản dịch mà thôi. Nó đòi hỏi một sự biến đổi không chỉ về mặt từ vựng hoặc ngữ pháp mà còn một sự chuyển giao về mặt văn hóa của vô số thể loại văn học hiện đại sang thể loại văn học thích hợp trong mỗi trang Kinh thánh, mang lại bầu khí tôn giáo từ một khung cảnh của câu chuyện cứu độ đến “hôm nay” của Thiên Chúa mà chúng ta đang sống, từ những cảm nhận đầu tiên về kinh nghiệm Kitô giáo trong Tân Ước đến sự phức tạp của đời sống giáo hội ngày nay. Nó cũng đòi hỏi một bản dịch đặt mọi trang Kinh thánh vào viễn cảnh của lịch sử Israel. Trên hết, Kinh thánh phải được tái hòa nhập vào lịch sử nội tại của chính mình, đưa Kinh thánh trở thành bản văn mà chúng ta có trước mắt, là bản văn duy nhất mang đúng tên gọi “Lời Chúa”.

Tuy nhiên, những lý do khiến ngôn ngữ Kinh thánh trở nên lỗi thời có thể được nhân lên khi chúng ta đi vào chi tiết. Chúng ta vẫn không thể hiểu được 10 bản gia phả trong Sách Sáng Thế. Theo lối nghĩ của chúng ta, một gia phả chỉ trình bày quá khứ và cùng lắm là tạo thành một thứ thay thế cho các văn bản pháp lý trong xã hội của những người du mục. Trên thực tế, gia phả cho thấy sự thúc đẩy hướng tới tương lai chứ không phải sự bất động của một tình huống đã trải qua. Sự thúc đẩy về phía trước này được thể hiện theo hai hướng: hướng thúc đẩy lịch sử, là điều phổ biến đối với tất cả các gia phả; và hướng mang lại cho mỗi gia phả một âm điệu riêng, như việc cử hành, những luận chứng, nghi lễ, v.v.

Tương tự như vậy, một số câu chuyện chúng ta không thể chấp nhận được, ví dụ như tường thuật về các con gái của Lót, sự lanh lợi của Giacóp, đời tư của Đavít,… Điều này là do chúng ta có thói quen đọc Kinh thánh như là lịch sử của con người hơn là sáng kiến của Thiên Chúa. Một số truyền thống cũng khiến chúng ta không thể tán thành, chẳng hạn như phong tục levirate (một người đàn ông có nghĩa vụ kết hôn với vợ góa của anh trai mình) hoặc tập quán go’el (người chu toàn quyền bảo tồn dòng dõi), vốn đóng vai trò quyết định trong câu chuyện về bà Ruth.

Chúng ta liên kết khái niệm về Lời Chúa với ý tưởng về tính cánh chung và do đó, chúng ta mong đợi sự một bất di bất dịch tuyệt đối. Điều này gây khó khăn cho việc hình dung bất kỳ chuyển động tiến bộ nào trong những lời mang tính đặc thù của Thiên Chúa đến từ những sấm ngôn. Đúng ra, đây chỉ là những lời đang chuyển động, hội tụ để tăng trưởng, điều hòa lẫn nhau và hướng tới kết cục cánh chung, cụ thể là sự giáng sinh của Đức Kitô, và xa hơn nữa, hướng tới sự tái lâm của Người.

Không có lời giải đáp chung nào cho những khó khăn này. Với suy tư, suy gẫm, học hỏi và cầu nguyện, chúng ta cần phải đối diện với nhiệm vụ và thay đổi sự phản kháng thành một điều gì đó mới mẻ, nhất là bước đầu, mang lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa qua Lời Kinh thánh của Ngài, đó là Lời vô tận đích thực, và do đó đền đáp gấp trăm lần nỗ lực mà Lời ấy đòi hỏi nơi chúng ta.

Kinh thánh và sự phản kháng

Một điều khác nữa khiến ngày nay Kinh thánh bị coi là lạc hậu là vì nó không có chỗ đứng trong cuộc tranh luận chỉ vì mục đích tranh luận. Thực tế là, nhiều tín hữu dường như bị thuyết phục rằng nỗ lực cho đời sống đức tin của họ có thể chỉ được giản lược vào điều này: những lập luận từ cánh hữu chống lại cánh tả, hoặc những lập luận từ cánh tả chống lại cánh hữu. Hầu như là chứng từ mà chúng ta được mời gọi để trao cho thế giới – tức là cho những người ngoại giáo – có thể diễn ra ngang qua một tình tiết từ ngôi nhà của chúng ta, và với một vấn đề cụ thể đối với cuộc sống của chúng ta, khu phố của chúng ta.

Kinh thánh là một cuốn sách trong đó những người bị áp bức – thậm chí bởi các hình thức lạm dụng trong phạm vi giáo hội – có thể tìm thấy sự an ủi và nâng đỡ. Lời Chúa mang lại sự an ủi tuyệt vời và một số sách trong Kinh thánh được chỉ định đặc biệt cho vai trò này. Kinh thánh mở ra một chân trời đầy hứa hẹn giúp «người nghèo của Chúa” (x. Is 61, 1-2; 57, 15; 66, 1-2) vượt thắng thù hận và hướng tới tương lai mà họ được mời gọi để xây dựng với niềm hy vọng. Theo nghĩa này, người ta cho rằng Kinh thánh được dành riêng cho những người tuyên xưng đức tin thực sự, những người được sinh ra từ tình yêu đối với sự hiệp thông bị rạn nứt và từ xác tín rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể đảo lộn sự cân bằng giả tạo của tội lỗi[14]. Thay vào đó, Kinh thánh dành cho những người cảm thấy mình không có tiếng nói và những người bị chống đối, nhưng không dành cho những người cất cao giọng và tự tin đến mức chỉ tay vào người khác để lên án.

Kinh thánh không biện minh cho việc chuyển hướng chính trị. Dấn thân chính trị là trách nhiệm của Kitô hữu. Không được phép ẩn náu trong các bổn phận tôn giáo để trốn tránh các nghĩa vụ chính trị, nhưng cũng không được dựa vào bối cảnh chính trị để từ bỏ việc hoán cải tôn giáo, có nghĩa là không được chỉ chu toàn điều này mà bỏ lơ điều kia. Hơn nữa, Kinh thánh không đề xuất một mô hình chính trị riêng nào, nếu ai nói rằng Kinh thánh có vai trò này, thì đó chỉ là tin thất thiệt.

Kinh thánh cũng không bao hàm những hướng dẫn hữu hiệu cho tiến bộ khoa học, cho các phương pháp lịch sử hoặc ngữ văn học. Lời Chúa không được công bố để miễn trừ cho người ta những khó khăn gặp phải khi phải trình bày về những gì thuộc thẩm quyền của họ, nhưng Lời Chúa chuẩn bị cho họ đương đầu với những cuộc đấu tranh hằng ngày với trạng thái cân bằng và sự nhiệt thành.

Tại sao Kinh thánh bị “thất truyền”

Chúng ta không thể kết luận nếu không có một nhận xét hơi xấu hổ mà chúng ta đã đề cập ở phần đầu về lý do tại sao trong Giáo hội, Kinh thánh đã bị “thất truyền”. Tầm quan trọng nhỏ nhoi mà truyền thống Kinh thánh có được trong đời sống Giáo hội, ít là từ thời Cải cách cho đến Công đồng Vatican II, không phải là ngẫu nhiên. Lý do không chỉ đơn thuần là tâm lý, hoặc thậm chí là tôn giáo, trong phản ứng chống lại cuộc tranh luận của Tin lành. Còn có một điều gì đó nữa, và sự canh tân việc loan báo Tin Mừng đòi phải tính đến điều này theo cách thức khiến cho không thể im lặng bỏ qua điểm này.

Lời của Thiên Chúa hiện diện trong nhân loại dưới nhiều hình thức. Kinh thánh không phải là duy nhất; vì còn có giáo huấn của Giáo hội, ở mọi cấp độ, từ huấn quyền long trọng đến các quyết định chính thức khác của hàng giáo phẩm, rồi đến học thuyết chung được dạy trong thần học, và cuối cùng đến giáo lý và những giải thích thiết thực dành cho các tín hữu. Sự hiện diện đa phương này của Lời Chúa là điều không thể thiếu.

Như chúng ta đã biết từ trang sử nổi tiếng trong Phaedrus của Plato[15], lời được viết là không đủ vì nó không thể trả lời cho những người thắc mắc về những khó khăn mà nó đặt ra, cũng như không thể biểu thị rõ căn tính của nó. Tuy nhiên, ngay cả lời được nói cũng không đủ khi nó thiếu một quy chiếu bất biến, và vì thế, lời được viết mà nó cấu thành, ở những mức độ khác nhau, sự phát triển, cập nhật và minh bạch đích thực. Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu: có sự cạnh tranh giữa hai thẩm quyền này. Nói cách khác, người Kitô hữu cảm nhận được sự cạnh tranh giữa Lời Chúa, tức là Kinh thánh, và lời của chính mình. Nếu sự bất đồng tiềm ẩn này không được trình bày, giải quyết và khắc phục thực sự, thì bất kỳ bài diễn thuyết nào về việc loan báo Tin Mừng bằng Kinh thánh vẫn là một sự lạc hướng.

Một số hướng dẫn mục vụ

Cuối cùng, chúng ta đưa ra một số hướng dẫn mục vụ về việc dùng Kinh thánh trong việc loan báo Tin Mừng. Có một vấn đề cơ bản nghiêm trọng khi chúng ta đề cập đến Cựu ước: nói chung, sự hiểu biết của chúng ta về Lời Chúa còn ít ỏi. Điều này có thể được nhìn thấy qua những trang quan trọng nhất mà chúng ta đọc trong Phụng vụ Lời Chúa vào các Chúa nhật. Các bài đọc khác ngoài bài Tin Mừng ít khi được vị chủ tế đề cập đến, mặc dù đã có sẵn nhiều bài hướng dẫn và chú giải. Do đó, cần phải tiến hành theo từng giai đoạn và trở lại với việc chuẩn bị không chỉ đến từ việc học hỏi, mà còn từ việc lắng nghe, suy tư và trên hết là từ cầu nguyện.

Bước thứ nhất dựa trên thực tế là chính người giảng thuyết phải lắng nghe Lời Chúa và tuân theo Lời Chúa: “Giáo hội không loan báo Tin Mừng nếu chính mình không được nghe Tin Mừng”[16].

Bước tiếp theo liên quan đến việc cá nhân hóa Kinh thánh[17], giúp người khác đọc, suy niệm, và làm cho Lời Chúa trở nên hiện thực trong cuộc sống của họ. Đây là bổn phận của mọi tín hữu, là những người được mời gọi biến Lời Chúa thành của riêng mình, dù cá nhân hay trong một nhóm, và tìm được nguồn nuôi dưỡng đời sống nội tâm và sức mạnh để sống Lời Chúa trong gia đình, trong nghề nghiệp, và trong thế giới. Chứng tá là con đường chính để rao giảng Tin Mừng[18]. Tuy nhiên, nhiệm vụ trên hết của toàn thể cộng đoàn tín hữu khi họ quy tụ trong Phụng vụ Chúa nhật là lắng nghe Lời Chúa và được nuôi dưỡng bằng ân sủng của Thiên Chúa. Việc cử hành này là một lời mời gọi hoán cải đích thực qua Kinh thánh, được gửi đến toàn thể Giáo hội trong Bí tích Thánh Thể, bởi vì “Việc giảng lời sống động và hiệu quả có tác dụng chuẩn bị cho việc lãnh nhận bí tích, và lời đạt được hiệu quả tối đa trong bí tích”[19].

Tóm lại, chúng ta phải đoan chắc rằng chúng ta không bao giờ được phép dừng lại với những gì mình đã biết và đã có thể truyền đạt cho người khác. Chúng ta luôn có nghĩa vụ đảm nhận lại vai trò của người nghe, nghĩa là người khởi đầu lại, hoán cải và lần đầu trải nghiệm điều cốt yếu[20].

Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Từ: The Bible in Evangelization Today, laciviltacattolica.com (26.09.2018)
Trích: Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 134 (Tháng 3 & 4 năm 2023)