Lễ dâng Tuần thánh

LỄ DÂNG TUẦN THÁNH

Nữ tu Maria Vũ Thị Hải,
Dòng Mến Thánh giá Hưng Hóa

WHĐ (22.03.2024) – Chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, tôi đi dạo và suy nghĩ mông lung: có của lễ gì để dâng trong thời khắc cao điểm cuộc Thương Khó của Chúa không? Đang miên man trong suy nghĩ thì tôi nhận được tin nhắn: sơ ơi con đi khám bệnh mà chẳng có bệnh gì, kèm theo chữ huhu.

– Tạ ơn Chúa cười hì hì sao lại hu hu – Tôi trả lời:

Sau đó chị gọi điện cho tôi. Rồi chị tâm sự:

– Thật ra con rất nhiều bệnh sơ ạ, tổng cộng khoảng gần 10 bệnh thể xác, nhưng bệnh tinh thần thì đau đớn hơn sơ ơi. Cuộc sống gia đình của chúng con bề ngoài có vẻ tràn đầy hạnh phúc nhưng bên trong thì đau khổ có thừa. Chồng con từ ngày đi làm thuyền chở cát xa nhà lại đan quạt thường xuyên và còn có bồ nhí nữa.

– Đan quạt là công việc còn gì – Tôi thắc mắc:

– Tức là ngồi chơi bạc đó sơ

– Thằng con trai của con, cho ăn cho học nhưng giờ lại nghiện hút, đốt tiền của bố mẹ.

– Còn đứa con gái, học không thấy học, chuẩn bị cưới gấp sơ ạ.

Từ ngày con về làm dâu chẳng có ngày vui, không bị chê bai chỉ trích của mẹ chồng thì sự coi thường của anh em nhà chồng. Sau thời gian làm lụng vất vả, chúng con đã có nhà riêng nên sự xung đột với nhà chồng ít hơn. Trái lại, chồng và con cái làm khổ con. Con đau đầu triền miên đêm thức trắng, người gầy rộc đi. Con đau khổ nhất là người chồng tay ấp gối kề cùng mình, cùng hội cùng thuyền với mình mà lại phản bội mình. Mấy năm nay, anh ấy chỉ qua nhà cho con cái tiền học rồi lại lên ở với bồ nhí. Con đã lên tận nơi nhiều lần mà không làm gì được sơ ạ.

Mùa Chay đến, cha xứ mời gọi mọi người tĩnh tâm – xưng tội mà con không có cách nào gọi chồng con về. Con chỉ biết khóc thôi.

– Chị khóc là phải rồi, bà thánh Monica cũng khóc như chị nhưng bà khác chị là thường xuyên ghé nhà thờ cầu nguyện. Chị có làm điều đó không?

– Dạ con chỉ đi lễ ngày Chúa nhật thôi ạ.

– Đi lễ theo luật Chúa là đúng rồi, nhưng chị có giờ cầu nguyện riêng với Chúa hàng ngày không?

– Con chỉ đọc kinh tối sớm thôi và cầu xin Chúa cho gia đình vợ chồng được xum vầy và con cái ngoan ngoãn, rồi vội vàng đi làm.

– Chị làm đúng rồi nhưng còn thiếu đó là cần thời gian tĩnh lặng để giãi bày tâm sự cùng Chúa, thân thưa cùng Chúa như trò chuyện với người bạn.

– Chị có hay nhắn tin cho bạn bè không?

– Dạ có ạ.

– Vậy chị hãy làm như thế đối với Chúa.

– Khi đi dự Thánh lễ chị có dâng gì cho Chúa không?

– Thì như mọi người con bỏ tiền xóc giỏ thôi.

– Vâng chị đã làm đúng nhưng chị biết tiền xóc giỏ là gì không?

– Dạ không.

– Đó là  đồng tiền mà chị lao công vất vả làm ra đó là của lễ dâng cho Chúa thay cho lễ vật chiên, bò, chim câu… thời Cựu Ước. Hơn nữa chị cần dâng Chúa trên Dĩa thánh tội lỗi, buồn vui, sướng khổ của mình, của chồng con để cùng với cha chủ tế dâng lên Chúa Cha.

– Dạ điều này con chưa dâng.

– Vậy từ lần sau con sẽ dâng hết cho Chúa ạ.

– Trong Tuần Thánh, sơ cũng mong chị đi vào cuộc Thương Khó của Chúa từ bên ngoài thể xác đến bên trong tâm hồn. Chị trao thánh giá của mình chất lên vai Chúa để cùng Ngài lên đồi Gôlgotha. Thánh giá của chị tuy nặng nhưng quan trọng chị có tin Chúa cùng vác với mình không. Chị mời Chúa vác thánh giá cùng chị nhé.

– Có phải vì thế mà sơ đi tu không?

– Không phải thế, nhưng sơ tin chắc rằng dù sống trong bậc tu trì hay sống bậc hôn nhân thì cũng có thánh giá chị ạ nhưng lăng kính thánh giá nở hoa hạnh phúc thì còn tuỳ cách đón nhận và thánh hoá của mỗi người.

– Dạ vâng.

– Sơ sẽ hiệp ý cầu nguyện với chị để chị bước vào Tuần Thánh được bình an. Có gì tin lại cho sơ nhé.

 

Thật vậy, trong Tuần Thánh, ai ai cũng có của lễ hy sinh để dâng lên Thiên Chúa và cùng Chúa Giêsu đi vào cuộc Khổ nạn. Hy vọng thánh giá mà tôi và chị đang vác hàng ngày luôn có Chúa ẵm bồng trong bàn tay quan phòng của Ngài. Nhờ đó, dù cuộc đời có đổ mồ hôi máu như Chúa Giêsu thì chúng ta cũng không bỏ cuộc hay tháo lui khỏi chén đắng để nên thánh trong bậc sống của mình. Đặc biệt, chúng ta tin tưởng rằng thánh giá dù có sần xùi hay gai góc đến đâu, rồi sẽ nở hoa Phục sinh.