Trong buổi đọc Kinh Truyền tin dịp lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, ngày 29/6/2023, Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu bắt chước sức mạnh, lòng quảng đại và sự khiêm nhường của hai thánh Phêrô và Phaolô trong việc bước theo Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng của Người.
Dưới đây là bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em !
Trong bài Tin Mừng hôm nay, lễ trọng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, Chúa Giêsu nói với ông Simon, một trong Nhóm Mười Hai : « Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » (Mt 16, 18). Phêrô là một danh xưng có nhiều nghĩa : nó có thể có nghĩa là tảng đá, hòn đá, hay đơn giản là viên sỏi. Và, trên thực tế, nếu chúng ta nhìn vào cuộc đời của thánh Phêrô, chúng ta khám phá ra một chút về cả ba khía cạnh này nơi tên của ngài.
Thánh Phêrô là một tảng đá : có nhiều lúc ngài mạnh mẽ và kiên định, chân thật và quảng đại. Ngài bỏ mọi sự để đi theo Chúa Giêsu (x. Lc 5, 11) ; ngài nhận ra Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16, 16) ; ngài nhảy xuống biển để bơi nhanh về phía Đấng Phục Sinh (x. Ga 21, 7). Rồi, ngài mạnh dạn và can đảm rao giảng Chúa Giêsu trong Đền Thờ, trước và sau khi bị bắt và bị đánh đòn (x. Cv 3, 12-26 ; 5, 25-42). Truyền thống cũng cho chúng ta biết về sự kiên định của ngài khi đối diện với cuộc tử đạo, vốn đã xảy ra ngay tại đây (x. Clement of Rome, Thư gởi tín hữu Côrintô, V, 4).
Tuy nhiên, thánh Phêrô cũng là một hòn đá : ngài là một tảng đá và cũng là một hòn đá, có thể nâng đỡ người khác – một hòn đá mà, được xây dựng trên Chúa Kitô, có tác dụng nâng đỡ anh chị em trong việc xây dựng Giáo hội (x. 1P 2, 4-8 ; Êp 2, 19-22). Chúng ta cũng khám phá ra điều này trong cuộc đời của ngài : ngài đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu cùng với Anrê, anh của ngài, Giacôbê và Gioan (x. Mt 4, 18-22) ; ngài xác nhận ước muốn của các Tông đồ đi theo Chúa (x. Ga 6, 68) ; ngài thúc đẩy và khuyến khích việc cùng nhau loan báo Tin Mừng (x. Cv 15, 7-11). Ngài là « hòn đá », là một điểm tựa đáng tin cậy cho toàn thể cộng đoàn.
Thánh Phêrô là một tảng đá, ngài là một hòn đá, và thậm chí ngài cũng là một viên sỏi : sự nhỏ bé của ngài thường lộ ra. Đôi khi ngài không hiểu Chúa Giêsu đang làm gì (x. Mc 8, 32-33 ; Ga 13, 6-9) ; khi đối mặt với việc Chúa Giêsu bị bắt, thánh Phêrô đã để cho sự sợ hãi lấn át mình và phủ nhận Chúa Giêsu, rồi hoán cải và khóc lóc cay đắng (x. Lc 22, 54-62), nhưng ngài không tìm thấy can đảm để đứng dưới thập giá. Ngài nhốt mình trong Phòng Trên cùng với những người khác vì sợ bị bắt (x. Ga 20, 19). Ở Antiôkia, ngài cảm thấy xấu hổ khi ở với những người ngoại giáo trở lại – và thánh Phaolô đã kêu gọi ngài về điều này và yêu câu ngài phải nhấn quán về điều này (x. Gl 2, 11-14) ; cuối cùng, theo truyền thống « Quo vadis », ngài cố gắng chạy trốn khi đối diện với cuộc tử đạo, nhưng gặp Chúa Giêsu trên đường và lấy lại can đảm để quay lại.
Đây là tất cả trong Phêrô : sức mạnh của tảng đá, độ tin cậy của hòn đá, và sự nhỏ bé của một viên sỏi. Ngài không phải là một siêu nhân – ngài là một người như chúng ta, như mọi người chúng ta, nói « xin vâng » cách quảng đại với Chúa Giêsu trong sự bất toàn của ngài. Nhưng đó chính xác là như thế – cũng như nơi thánh Phaolô và nơi tất cả các thánh – dường như chính Thiên Chúa là Đấng làm cho Phêrô mạnh mẽ nhờ ân sủng của Người, Đấng kết hợp chúng ta với tình yêu của Người, và tha thứ cho chúng ta bằng lòng thương xót của Người. Và chính với nhân tính đích thực này mà Chúa Thánh Thần hình thành nên Giáo hội. Thánh Phêrô và Phaolô là những con người thực. Và ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần những con người thực.
Bây giờ, chúng ta hãy nhìn vào bên trong và tự hỏi mình một số câu hỏi từ tảng đá, từ hòn đá và từ viên sỏi. Từ tảng đá : Trong chúng ta có nhiệt thành, sốt sắng, say mê vì Chúa và Tin Mừng không ? Hay có cái gì dễ vỡ vụn ? Và rồi, chúng ta có phải là những hòn đá, không phải là nhũng hòn đá gây vấp ngã, nhưng là loại đá mà Giáo hội có thể được xây dựng ? Chúng ta có làm việc cho hiệp nhất không, chúng ta có quan tâm đến người khác không, đặc biệt là người yếu thế nhất ? Cuối cùng, suy nghĩ về viên sỏi : chúng ta có ý thức được sự nhỏ bé của mình không ? Và trên hết, trong sự yếu đuối của mình, chúng ta có phó thác bản thân cho Chúa, Đấng hoàn thành những điều vĩ đại qua những người khiêm nhường và chân thành không ?
Xin Đức Maria, Nữ Vương các thánh Tông đồ, giúp chúng ta bắt chước sức mạnh, lòng quảng đại và sự khiêm nhường của thánh Phêrô và Phaolô.
Chuyển ngữ: Tý Linh
Từ: vatican.va
Nguồn: xuanbichvietnam.net (30.06.2023)
Tin tức liên quan khác
Singapore sẽ đón Đức Giáo hoàng đông đảo như đón Taylor Swift
Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Hạt Hoà Ninh – Tháng 8/2024
Thứ Tư tuần 20 Thường niên năm II (Mt 20,1-16a)
Thập Giá và Phục Sinh trong đời sống hằng ngày
Chúa nhật 17 Thường niên năm A (30.07.2023) – Tìm kiếm viên ngọc thực sự là Chúa Giêsu
Thánh lễ tạ ơn khởi đầu sứ vụ của Đức cha Phêrô Kiều Công Tùng
Niềm Vui Đón Nhận Quyết Định Thành Lập Giáo Xứ Làng Khe
Thông báo chương trình Thánh Lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến