Lời chào mừng Đức Thánh Cha dành cho các thành viên trường Đại học Notre Dame, Hoa Kỳ

WHĐ (02.02.2024) – Sáng ngày mồng 01.02, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến một phái đoàn bao gồm Hiệu trưởng, Ban giám hiệu, giảng viên, và nhân viên của trường Đại học Notre DameHoa Kỳ.

Được thành lập năm 1842, Notre Dame là một trong những trường Công giáo được đánh giá cao tại Hoa Kỳ và trên thế giới. Được biết, vào ngày 29.01 vừa qua, trường đã trao bằng tiến sĩ danh dự cho Đức cha Brian Farrell, LC Thư ký của Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu, cho bà Barbara JattaGiám đốc Viện Bảo tàng Vatican, và cho Roberto Benigni, một diễn viên, đạo diễn, và nhà thơ người Ý nổi tiếng thế giới.

Sau đây là nội dung Bài chào mừng của Đức Thánh Cha:

LỜI CHÀO MỪNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO HIỆU TRƯỞNG VÀ BAN GIÁM HIỆU
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NOTRE DAME, HOA KỲ

Hội trường Clementine
Thứ Năm, ngày mồng 01 tháng 02 năm 2024

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tôi nồng nhiệt chào mừng anh chị em, Cha hiệu trưởng John Jenkins, Ban giám hiệu và nhân viên của Đại học Notre Dame.

Ngay từ khi thành lập, Đại học Notre Dame đã cống hiến hết mình cho việc thúc đẩy sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội thông qua việc giáo dục con người toàn diệnThật vậy, như Chân phước Basil Moreau đã nói: “Giáo dục Kitô giáo là nghệ thuật dẫn dắt người trẻ hướng tới sự hoàn thiện”. Và không chỉ bằng khối óc, mà bằng cả ba ngôn ngữ: khối óc, con tim, và đôi tay. Đây là bí quyết của giáo dục: chúng ta nghĩ những gì chúng ta cảm thấy và làm, chúng ta cảm nhận những gì chúng ta nghĩ và làm, và chúng ta làm những gì chúng ta cảm nhận và suy nghĩ. Xin hãy luôn nhớ rằng đây chính là mấu chốt của vấn đề. Do đó, tôi muốn cùng anh chị em suy tư một chút về ba ngôn ngữ này: ngôn ngữ của khối óc, của con tim, và của đôi tay. Cùng nhau, ba ngôn ngữ này cung cấp một chân trời trong đó các cộng đồng học thuật Công giáo có thể phấn đấu hình thành những nhân cách vững chắc và hoà nhập tốt, những người có tầm nhìn về cuộc sống được gợi hứng từ giáo huấn của Đức Kitô.

Trước hếtkhối óc. Về bản chất, các trường đại học Công giáo cam kết theo đuổi sự phát triển kiến thức thông qua học tập và nghiên cứu học thuật. Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, điều này hàm ý phải có cách tiếp cận hợp tác và liên ngành, tập hợp nhiều lĩnh vực học thuật và nghiên cứu khác nhau. Thật vậy, những nỗ lực giáo dục này do các tổ chức Công giáo thực hiện đều dựa trên niềm xác tín vững chắc vào sự hòa hợp nội tại giữa đức tin và lý trí, mà từ đó phát sinh sự liên kết giữa sứ điệp Kitô giáo với mọi lĩnh vực của đời sống cá nhân và xã hội. Theo đó, cả các nhà giáo dục lẫn sinh viên đều được mời gọi đánh giá sâu sắc hơn không chỉ giá trị của việc học nói chung mà còn về sự phong phú của truyền thống trí thức Công giáo nói riêng. Có một truyền thống trí thức không có nghĩa là khép kín; không, mà có nghĩa là cởi mở! Có một truyền thống trí thức mà chúng ta phải luôn bảo tồn và phát huy.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của trường đại học Công giáo không chỉ là phát triển trí tuệ, khối óc; mà còn phải mở rộng con tim. Nếu chúng ta suy nghĩ mà không cảm nhận thì chúng ta không phải là con người. Vì thế, toàn thể cộng đồng đại học được mời gọi đồng hành cùng với người khác, nhất là những người trẻ, với sự khôn ngoan và tôn trọng trên các nẻo đường cuộc đời và giúp họ trau dồi thái độ cởi mở với tất cả những gì là chân, thiện và mỹ. Điều này đòi hỏi phải thiết lập những mối tương quan đích thực giữa các nhà giáo dục và sinh viên để họ có thể cùng nhau bước đi và thấu hiểu những vấn đề, nhu cầu, và ước mơ sâu xa trong cuộc sống con người. Tôi xin đặt ra một câu hỏi mà mỗi người trong anh chị em có thể trả lời sauCâu hỏi là thế này: Anh chị em có giúp những người trẻ ước mơ không? Điều này cũng có nghĩa là thúc đẩy đối thoại và văn hóa gặp gỡ, để mọi người có thể học cách nhìn nhận, trân trọng và yêu thương nhau như anh chị em, và cơ bản nhất lànhư con cái yêu dấu của Thiên Chúa. Về vấn đề này, chúng ta không thể bỏ qua vai trò thiết yếu của tôn giáo trong việc giáo dục tâm hồn con người. Do đó, tôi rất vui vì Đại học Notre Dame được đặc trưng bởi một môi trường vốn cho phép sinh viên, giáo viên và nhân viên phát triển về mặt tâm linh và làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng, cho sức mạnh biến đổi xã hộivà khả năng mang lại cho mọi người sức mạnh để đối diện một cách khôn ngoan với những thách đố của thời đại.

 

Cuối cùng là đôi tay. Khối óc, con tim, và đôi tay. Cùng với những điều khác, nền giáo dục Công giáo ủy thác cho chúng ta việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn qua việc dạy về sự chung sống hỗ tương, tình liên đới huynh đệ, và hòa bình. Chúng ta không thể tiếp tục khép kín trong những bức tường hoặc giới hạn của các tổ chức của mình, nhưng hãy phấn đấu đi ra vùng ngoại biên để gặp gỡ và phục vụ Đức Kitô nơi những người lân cận của chúng ta. Về vấn đề này, tôi khuyến khích những nỗ lực không ngừng của Trường trong việc thúc đẩy sinh viên nhiệt thành đáp ứng nhu cầu của những cộng đồng thiệt thòi nhất.

Anh chị em thân mến, tôi bày tỏ lòng biết ơn về sự phục vụ quảng đại của anh chị em trong việc giúp trường Notre Dame luôn trung thành với đặc tính và bản sắc độc đáo với tư cách là một tổ chức Công giáo dành cho giáo dục đại học. Đồng thời, tôi hy vọng rằng những đóng góp của anh chị em sẽ tiếp tục củng cố di sản của nền giáo dục Công giáo vững mạnh và giúp Trường, – như Cha Edward Sorin, vị sáng lập của anh chị em mong muốn-, trở thành một phương tiện mạnh mẽ để thực hiện điều tốt đẹp” trong xã hội.

 

Một lần nữa, tôi cảm ơn anh chị em vì chuyến viếng thăm này. Tôi phó thác toàn thể cộng đoàn Notre Dame và tất cả những ai ủng hộ sứ mạng của trường cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ. Xin cho anh chị em và gia đình anh chị em được tràn đầy ơn khôn ngoan, niềm vui và bình an của Chúa. Tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em. Xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi. Xin cảm ơn!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (01. 02. 2024)