NĂM LỜI KHUYÊN ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC VÀ DUY TRÌ SỰ BÌNH AN TRONG TÂM HỒN
Aliénor Strentz
WHĐ (25.01.2024) – Thiên Chúa đã trở thành một hài nhi để cứu độ và mang lại sự bình an cho nhân loại. Làm sao chúng ta có thể biến sự bình an này thành của riêng mình mỗi ngày, nhất là khi sống trong một xã hội luôn hiếu động như hiện nay? Theo Thánh Seraphim Sarov, việc đạt được và duy trì sự bình an trong tâm hồn là mục tiêu hàng đầu của đời sống Kitô hữu. Dưới đây là 5 lời khuyên giúp chúng ta trên lộ trình dẫn đến sự bình an và thánh thiện.
1. Chấp nhận và an vui trước sự bất lực của mình
Có nhiều lý do dẫn đến sự bất an nhưng chẳng có lý do nào là tốt cả. Chẳng hạn, chúng ta lo rằng các dự án của mình không tiến triển nhanh như mong muốn; chúng ta sợ những nguy hiểm đến tính mạng của mình và thậm chí đến gia đình mình; chúng ta mất kiên nhẫn và thường khó chịu trước hành vi của những người thân đối với mình; hoặc chúng ta không ngừng lo nghĩ về quyết định này hay quyết định kia. Đây chỉ là một vài ví dụ về nhiều mối lo có thể xảy ra, mà chung quy là do một mối lo duy nhất: Chúng ta muốn kiểm soát mọi thứ, nhưng điều này thực sự là không thể.
Việc muốn kiểm soát này còn được thể hiện trong đời sống tâm linh của chúng ta. Chúng ta trở nên chán nản và bất an khi thấy rằng mình vẫn tiếp tục phạm cùng một tội. Chúng ta thấy bối rối nhưng thực ra sự lưỡng lự này đôi khi là dấu chỉ của sự kiêu ngạo bị tổn thương hơn là sự ý thức rằng mình đã xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân. Có lẽ đây là lý do tại sao Thánh Thérèse Lisieux đã viết rằng, điều vĩ đại nhất Chúa thực hiện nơi tâm hồn thánh nữ là “cho chị thấy sự nhỏ bé và bất lực của mình”.
Do đó, để có được sự bình an trong tâm hồn, điều quan trọng trước hết là bỏ lại tính quy ngã của mình và tập trung vào tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ và nâng đỡ chúng ta mỗi khi chúng ta khi sa ngã. Bằng việc an vui trước sự bất lực của mình, chúng ta khiêm tốn chấp nhận sự yếu đuối ý và dễ sai phạm của mình mà không đau buồn quá mức, vì biết rằng những sai phạm của mình “chỉ là giọt nước trong ngọn lửa đang cháy” của tình yêu.
2. Níu chặt sự bình an vào Đức Kitô
Gợi ý thứ hai để có được sự bình an trong tâm hồn là tìm kiếm bình an ở nơi nó thực sự hiện hữu, chứ không phải ở nơi nào khác! Nếu chúng ta trông đợi sự bình an từ việc cả thế giới được hòa bình hay từ những hoàn cảnh luôn thuận lợi trong cuộc sống thì sự mong đợi này chỉ là ảo tưởng và chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được bình an đích thực. Ai có thể đảm bảo với chúng ta rằng những kế hoạch của chúng ta sẽ thành hiện thực như mình mong muốn, rằng chúng ta sẽ luôn khỏe mạnh, hay ngày mai đất nước chúng ta vẫn hòa bình? Nói một cách nôm na, ngay cả thời tiết xấu cũng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và khiến chúng ta thấy không thoải mái. Những chi tiết đơn giản này cho thấy, hoàn cảnh bên ngoài không thể đảm bảo cho chúng ta về sự thanh thản và bình an nội tâm.
Sự bình an của chúng ta phải được đặt nền trên một tảng đá vững chắc hơn nhiều so với hoàn cảnh bên ngoài, đó là chính Đức Kitô. Thật vậy, với tình yêu vô điều kiện của Người dành cho chúng ta và niềm tin vào những lời hứa của Người, chúng ta mới có thể cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn. Xác tín vào chiến thắng sự dữ và cái chết của Đức Kitô, chúng ta có thể lặp lại những lời của thánh Phaolô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 35-37).
3. Đổi mới hàng ngày qua cầu nguyện
Khi ở trên Núi Horeb, ngôn sứ Êlia học được rằng: Thiên Chúa không ở trong gió bão, trong động đất hay trong lửa, nhưng trong “tiếng gió hiu hiu” (1V 19, 11-12). Đây là bài học về sự khiêm nhường dành cho vị ngôn sứ, người vừa mới nhận ra rằng mình “chẳng hơn gì cha ông” (1V 19, 4).
Để giữ được sự bình an trong tâm hồn, chúng ta phải dâng sự dễ bị tổn thương của mình lên cho Chúa và lãnh nhận sự bình an thần linh từ chính Người mà thôi. Trong Phúc âm, chính Chúa đã bảo đảm với chúng ta rằng “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14, 27). Để nhận được sự bình an này, mỗi ngày chúng ta cần dành thời gian đặc biệt cho Chúa. Chính trong sự cầu nguyện thầm lặng mà chúng ta có thể rút ra từ chính Thánh Tâm sự bình an, thanh thản và niềm vui mà chúng ta cần để đối diện với mọi thử thách của cuộc đời. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện với Người cách đơn sơ, ví dụ như: “Lạy Chúa, Chúa biết con cần gì. Con xin trao tình huống phức tạp này cho Chúa. Con không muốn lo lắng, xin giữ tâm hồn con được bình an”.
4. Sống chậm lại để có được sự thanh thản
Chúng ta quen sống trong sự hối hả, vội vàng. Nhiều khi chúng ta thấy khó chịu khi phải xếp hàng chờ đợi vì cảm thấy mình đang “phí thời giờ”. Chúng ta cũng thiếu kiên nhẫn khi phải hoàn thành những dự án mà mình ấp ủ. Những sự thiếu kiên nhẫn này đều rất tự nhiên nhưng nó cho thấy chúng ta thiếu tin tưởng vào sự quan phòng và điều khiển thời gian một cách hoàn hảo của Thiên Chúa.
Đôi khi chúng ta muốn điều đúng đắn nhưng lại làm theo cách sai lầm. Chắc chắn, Martha muốn đón tiếp Chúa Giêsu với lòng tôn kính, nhưng sự háo hức, và có lẽ, xen chút ghen tị đối với Maria, em gái mình, nên bà cần được Chúa nhắc nhở để sửa đổi (Lc 10, 41).
Cũng thế, chúng ta có thể mất sự bình an trong công việc vì sợ trễ thời hạn. Nhưng chính khi sự căng thẳng tăng cao, chúng ta cần nghỉ ngơi, hít thở không khí trong lành, nhắm mắt lại và thở sâu trong vài phút để nhịp thở của chúng ta đồng bộ với nhịp tim, và trên hết là đặt con tim mình trong tay Thiên Chúa.
Vì vậy, chìa khóa thứ tư để giữ tâm hồn bình an là ý thức sống chậm lại qua hành động và lời nói để có thể đón nhận những suy nghĩ và cảm xúc xuất hiện trong tâm trí cách bình thản hơn. Linh mục Jacques Philippe, tác giả viết về sự bình an trong tâm hồn, khuyên chúng ta nên làm theo bí quyết nên thánh của Thánh Thérèse Lisieu đó là: “Làm những việc nhỏ trong tình yêu”, “Thanh thản và không lo lắng” và tránh “quá vội vàng”. Đây là những gì cha Philippe gọi là “những hành vi cộng tác nhỏ với ân sủng”, sẽ giúp chúng ta dần dần giữ tâm hồn và tâm trí của mình tập trung vào Chúa Giêsu Kitô hơn.
5. Nỗ lực mà không nản chí
Gợi ý thứ năm để nuôi dưỡng sự bình an nội tâm là nhận thức được những điểm yếu và thất bại của mình, đồng thời nỗ lực hoàn thiện bản thân mà không ngã lòng. Bằng việc biết mình hơn, chúng ta có thể phân định lý do hoặc những nguyên nhân khiến chúng ta thường xuyên mất sự bình an. Phải chăng chúng ta thiếu niềm tin vào Chúa Quan Phòng? Chúng ta sợ đau khổ chăng? Chúng ta quá quan tâm đến sự đánh giá của người khác chăng?
Dù thế nào đi nữa, Thiên Chúa không muốn chúng ta sống một cuộc đời trong sợ hãi và khép kín. Chúng ta hãy phó thác những lo lắng của mình cho Chúa và để Ngài giúp chúng ta khắc phục những nỗi sợ hãi này bằng cách thực hiện những bước nhỏ hàng ngày. Một số trải nghiệm của chúng ta có thể rất đau đớn và chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn để có được bình an. Nhưng đó sẽ là sự bình an trưởng thành hơn sau khi đã chiến thắng những khó khăn của cuộc sống.
Cuối cùng, còn điều gì tốt hơn mà chúng ta có thể mang lại cho những anh chị em đang đau khổ của mình hơn là một tâm hồn bình an, tin tưởng và vui tươi, phản chiếu tình yêu mà Thiên Chúa luôn dành cho con cái của Ngài?
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: aleteia.org (06. 01. 2024)
Tin tức liên quan khác
Ao ước được mặc đẹp như thế!
Nhờ “công nghệ AI” cầu nguyện
Khai mạc Ngày Thế giới Trẻ em lần thứ nhất (25/5/2024)
Cáo Phó Đức Cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh
Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật 30 Thường Niên – A
Hướng Về Đức Maria Bông Hoa Của Tháng Năm
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ – Anh hãy theo tôi (Mt 4,18-22)
Ngày 06/08: Chúa Giêsu Hiển Dung năm A – Đến với Chúa (Mt 17,1-9)